Luật phá thai của Indonexia

Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia: "Là một người Công giáo, tôi sẽ không cho phép phá thai trong mọi trường hợp."


Tại Điều 31 của Quy chế Chính phủ (PP) số 61/2014 về sức khỏe sinh sản đã đề cập, phá thai có thể thể được thực hiện dựa trên trường hợp khẩn cấp và mang thai ngoài ý muốn như bị hãm hiếp.

Tuy nhiên, hành động Phá Thai do bị hãm hiếp chỉ có thể được thực hiện nếu tuổi thai dài nhất là 40 (bốn mươi) ngày, kể từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng theo Fatwa của Hội đồng Ulema Indonesia (MUI).

Quy định này cũng dẫn đến những cuộc tranh luận khác nhau. Đặc biệt là trong giáo lý tôn giáo đã dạy ''Ngay từ giây phút thụ tinh, Sự Sống của mỗi người phải được tôn trọng cách tuyệt đối, vì con người là thụ tạo duy nhất trên trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính nó, và linh hồn của mỗi người được Thiên Chúa trực tiếp ban cho". Những lời dạy trong giáo lý này đã được Bộ trưởng Bộ Y tế bà Menkes Nafsiah Mboi thực hiện.

"Là một người Công giáo, tôi sẽ không cho phép phá thai trong bất kỳ hoàn cảnh nào," văn phòng Bộ trưởng Y tế Nafsiah ở Jakarta, thứ Ba (19/8) cho biết.

Tuy nhiên, như một bác sĩ trong bộ y tế cho biết '' Bà Nafsiah có nghĩa vụ phải vượt qua các thông tin liên quan đến Quy chế Chính phủ''

"Câu hỏi về việc Phá Thai có tội lỗi hay không, đó những vấn đề bạn nên cầu nguyện với Thiên Chúa. Tôi không thể xác định bạn có phạm tội hay không vì tôi không phải Thiên Chúa. Do đó bạn phải có sự trợ giúp của Cha xứ nhờ Cha làm tư vấn. Do sự can thiệp nhiều về vấn đề này mà nhiều người đã mất đi linh hồn của mình, vì vậy đòi hỏi bạn phải có sự hỗ trợ đặc biệt " Bà Nafsiah nói.

Bà nói thêm: "Là Bộ trưởng, tôi nói rằng có những quy định của nhà nước có thể được sử dụng nhưng với trường hợp này, đối với nhà nước phải tôn trọng quyền của phụ nữ vì thế không nên để những ''nạn nhân bị hãm hiếp'' phải hy sinh lần thứ hai''.

(Theo: Beritasatu.com)

Nguồn: continchuaoi

Cô bé mất một bàn tay dưới ống kính của mẹ

Nhiếp ảnh gia Holly Spring chụp con với tất cả tình yêu của một người mẹ.


Holly Spring là nhiếp ảnh gia sống tại Auckland, New Zealand. Holly có một cô con gái từ khi sinh ra đã không có bàn tay trái. Cô bé còn mắc bệnh Hirschsprung (phì đại tràng bẩm sinh).



Dù vậy, mẹ con Holly Spring vẫn giữ được niềm lạc quan trong cuộc sống. "Con gái là nàng thơ, truyền cảm hứng cho tôi đi theo đam mê nhiếp ảnh", Holly nói.



Đầu năm nay, với những bức ảnh chụp con gái mình, Holly vừa đoạt một giải thưởng nhiếp ảnh của New Zealand dành cho thể loại ảnh chân dung.
















Lam Thu
Ảnh: hollyspringphotography

Theo VNexpress

Sản phụ trốn khỏi viện, bỏ lại con trai 1 ngày tuổi

Sau khi sinh con ra chưa đầy 1 ngày tại Bệnh viện TƯ Huế, người mẹ đã bỏ trốn.

Nữ hộ sinh Hoàng Thị Bích Ngọc cho biết, bé trai bị mẹ bỏ rơi tại Khoa Sản, Bệnh viện Trung ương Huế khi chưa đầy 1 ngày tuổi. Mẹ bé khai tên Lê Thị B., sinh năm 1972, trú tại xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Chị B. đi làm thuê, đã có 2 con lớn, không rõ vì lý do gì mà vừa sinh con ra đã bỏ lại con.

Bé trai được sinh thường sáng ngày 7/8/2014, nặng 3,1kg, sức khỏe tốt.Sau khi sinh xong, đến 20h cùng ngày, chị B. lặng lẽ trốn khỏi bệnh viện, không để lại thông tin hay vật dụng gì, kể cả đồ sơ sinh cho bé.

Bé trai rất dễ thương, bụ bẫm và khỏe mạnh

Hiện tại cháu bé chưa được đặt tên. Sau hơn 1 tuần được chuyển lên phòng sơ sinh, Khoa Sản của bệnh viện, cháu bé phát triển bình thường. Bé được các nữ hộ sinh yêu thương, chăm sóc như các em bé khác.

Nữ hộ sinh Hoàng Thị Bích Ngọc nói: “Không biết có phải vì thiếu thốn tình yêu thương của mẹ mà bé rất ngoan, uống no sữa là ngủ ngoan không quấy khóc. Chăm sóc bé chúng tôi không ngại gì, nhưng lo lắng nhất là sữa cho bé”.

Nữ hộ sinh cho biết việc xin sữa cho bé rất khó khăn. Chủ yếu bé uống sữa bột cho trẻ sơ sinh xin được từ Khoa dinh dưỡng của bệnh viện, thi thoảng bé được bú ké của những sản phụ khác.


BS. CKII. Hoàng Bách Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp BV Trung ương Huế, cho biết thêm, hiện bệnh viện đang cung cấp sữa cho cháu. Tuy nhiên sữa chưa đủ mà cần sự hỗ trợ thêm từ nhiều phía nữa. Bệnh viện đã liên hệ các hãng sữa giúp đỡ, tuy nhiên mới chỉ xin được 2 lon cho bé ăn trong 10 ngày tới. Theo quy định, sau khi thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng 30 ngày mà không ai nhận bé, khi ấy bệnh viện được phép cho nhận nuôi theo quy định.

Hoàng Diệu - Đại Dương

Nguồn: Dân Trí

Bài 6: Lương tâm cần phải được hướng dẫn

Như chúng ta đã nói, lương tâm sẽ không có tự do, nếu nó sai lầm. Sự sai lầm ở đây phát xuất từ những thông tin sai lạc. Những thông tin sai lạc ấy đi vào lương tâm và làm cho phán đoán của lương tâm trở nên sai lạc.

Con người có một ý thức bẩm sinh về thiện và ác. Thế nhưng đây chỉ là một ý thức sơ đẳng. Chúng ta có thể so sánh ý thức ấy với giác quan đặc biệt nơi một số người về định vị địa lý. Họ có thể định hướng một cách dễ dàng hơn những người khác. Tuy nhiên họ không thể hoàn toàn tin tưởng nơi mình. Đứng trước một ngả rẽ, theo lẽ thường và sự khôn ngoan, họ cần đến một bản đồ hay các bảng chỉ đường. Cũng thế, đứng trước nhiều ngả rẽ, với những quyết định có tính luân lý, con người cũng cần có người hướng dẫn. Thật hợp lý khi con người tham khảo tiếng nói của lương tâm của mình. Thế nhưng cũng hợp lý không kém khi, bên cạnh lương tâm, con người cần nhìn xem có ai đó đáng tin cậy có thể giúp họ đi đúng đường không.

Không gì thảm bại bằng khi con người không tìm thấy một ai để xin hướng dẫn mà cuối cùng đành phải trở lại với lương tâm mà họ nghi ngờ là có thể sai lầm. Lúc nầy họ đang ở trong tình huống chẳng khác nào một người bộ hành đang bơ vơ trước các ngả rẽ. Họ không biết các ngả rẽ ấy sẽ dẫn họ đi về đâu, mà trên tay cũng không có lấy một bản đồ cũng như không có ai để hỏi đường. Rút cục họ chỉ còn biết phó mặc cho rủi may.


Đối với người công giáo chúng ta, giải pháp thật dễ dàng. Chúng ta không bơ vơ trước ngã ba đường. Chúng ta không đơn độc khi phải quyết định về những gì thuộc phạm vi luân lý. Thiên Chúa luôn luôn ở với chúng ta. Người luôn luôn có một điều gì đó để nói với chúng ta ở bất cứ một ngã ba đường nào khi chúng ta phải chọn lựa.

a. Trước tiên Thiên Chúa nói với chúng ta qua và trong lương tâm chúng ta, bởi vì lương tâm vốn được xem là tiếng nói của Thiên Chúa.

b. Nhưng vì lương tâm có thể phán đoán lệch lạc, cho nên nó không có quyền tối thượng tuyệt đối. Do đó, lắng nghe tiếng nói của lương tâm mà thôi là chưa đủ, con người còn phải dựa vào luật tự nhiên. Luật tự nhiên là luật thiên bẩm chi phối toàn bộ hành vi luân lý của con người. Nó là một phần của thiên luật, hay luật vĩnh cửu.

Bàn về luật vĩnh cửu, Công Đồng Vaticanô II khẳng định rằng: «tiêu chuẩn tối thượng của đời sống con người chính là thiên luật mang tính vĩnh cửu, khách quan và phổ cập, qua luật này Thiên Chúa xếp đặt, hướng dẫn và điều khiển toàn thể vũ trụ, đồng thời cũng xác định hướng đi của các cộng đồng nhân loại trong ý định khôn ngoan và đầu yêu thương của Ngài» (Tuyên ngôn về tự do tôn giáo, 3).

Thiên luật là luật vĩnh cửu do Thiên Chúa an bài để « xếp đặt, hướng dẫn và điều khiển toàn thể vũ trụ » và « xác định hướng đi của các cộng đồng nhân loại ». Còn khi nói đến luật tự nhiên, thì ta phải hiểu đó là một phần của thiên luật, nhằm hướng dẫn cuộc sống tâm linh và xã hội của con người. Nói cách khác, luật tự nhiên là một trong nhiều hình thức biểu hiện thiên luật. Luật tự nhiên được ghi khắc trong bản tính con người.

Chính Đức Thánh Cha Piô XII đã nhắc đến Luật tự nhiên khi bàn về vấn đề triệt sản. Trong diễn từ ngỏ với các nữ hộ sản người Ý ngày 20-10-1951, người dạy rằng việc triệt sản, dù là vĩnh viễn hay nhất thời, đều bất chính vì ngược lại với luật tự nhiên, và vì thế Giáo hội không thể miễn chuẩn (x. AAS, XLIII, trang 843-844). Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong thư luân lưu Sự sống con người, cũng áp dụng luật tự nhiên để từ khước việc sử dụng những phương pháp ngừa thai nhân tạo. Ý niệm về ‘ luật tự nhiên’ là ý niệm nòng cốt được Đức Phaolô VI sử dụng để bài xích việc sai lầm trên (x. Humanae vitae, số 10, 12, 13 và 14). Như thế, luật tự nhiên là một trong những luật cơ bản mà lương tâm con người phải dựa vào để phán đoán một hành vi là đúng hay sai về mặt luân lý.

c. Riêng người công giáo còn lắng nghe tiếng nói của Chúa trong Kinh Thánh.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã ban bố 10 giới răn như là những bản chỉ dẫn an toàn nhất hướng dẫn đời sống luân lý của con người. Trong Tân Ước, Chúa Giê-su, Đấng là chân lý và là đường, lại còn nói rõ hơn với con người về những nguyên tắc cơ bản nhất của đời sống luân lý, đặc biệt trong diễn từ trên núi (x. Mt 5, 21- 48). Không gì bảo đảm và chắc chắn bằng những nguyên tắc do chính Chúa Giê-su đã vạch ra. Không có một ý chí nào, không có một quyền lực nào, không có luật pháp nào của loài người có thể dẹp bỏ những nguyên tắc ấy. Khi Thiên Chúa đã cấm ly dị vì trái nghịch với bản chất của hôn phối, thì tất cả mọi thứ thăm dò ý kiến, tất cả mọi thứ trưng cầu dân ý, tất cả mọi biểu quyết của Quốc Hội trên khắp thế giới cũng không thể xoá bỏ cấm chỉ ấy của Thiên Chúa. Những cuộc trưng cầu dân ý, những biểu quyết của Quốc Hội có thể hợp-pháp-hoá những hành động tội ác như phá thai, giết người một cách êm dịu, nhưng không thể làm cho những luật ấy hợp với luân lý. Cho dù có được luật pháp cho phép hay chuẩn y, thì ly dị, phá thai, giết người một cách êm dịu vẫn mãi mãi là những hành động xấu về mặt luân lý.

d. Thiên Chúa còn nói qua Giáo Hội của Người.

Tuy Thiên Chúa nói với con người qua Kinh Thánh, nhưng liệu Người có nói tất cả mọi sự không ? Xem ra có nhiều điều TC chưa nói tới trong Thánh Kinh, chẳng hạn Người chẳng nói đến vấn đề nghiện ngập. Có lẽ Người cũng chẳng màng đến vấn đề gia tăng dân số. Phải chăng Thiên Chúa không có gì để nói cho chúng ta ? Và phải chăng khi không có tiếng nói rõ rệt của Thiên Chúa, thì điều đó có nghĩa là con người được tự do làm theo ý mình ? Biết đâu khi đứng trước một ngả rẽ, không tìm ra được một bản chỉ dẫn nào, chúng ta lại chẳng tự nhủ : thật là may mắn, Thiên Chúa không có gì để nói, cho nên tôi được tự do muốn làm gì thì làm. Đó có thể là lối lý luận của rất nhiều tín hữu của thời đại chúng ta. Họ tự xưng là kitô-hữu, họ tham khảo Kinh Thánh, họ lắng nghe tiếng nói của Chúa trong Kinh Thánh. Thế nhưng khi không tìm thấy một biện pháp cụ thể trong Kinh Thánh, họ qui về tiếng nói của lương tâm và tự do giải quyết lấy vấn đề của mình.

* Thật ra, là người công giáo, ai trong chúng ta cũng biết rằng Chúa vẫn tiếp tục nói qua Giáo Hội của người. Khi Giáo Hội nhân danh Chúa Kitô để nói, chúng ta được bảo đảm rằng chính Chúa Kitô đang nói với chúng ta. Chính Chúa Kitô đã trao quyền giảng dạy cho Giáo Hội khi Người nói với các tông đồ là cột trụ của Giaó hội: “Các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Này Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế.” và “Ai nghe các con là nghe Thầy và ai khước từ các con là khước từ chính Thầy” (Lc 10,16)

Vai trò của Giaó Hội chính là giúp chúng ta nghe và hiểu được tiếng nói của Chúa. Chúa đã nói tất cả những gì liên quan đến đức tin và luân lý trong Kinh Thánh. Nhưng không phải ai cũng hiểu được tức khắc tiếng nói của Người. Chỉ có Giáo Hội mà Chúa Kitô đã uỷ thác cho sứ mệnh giáo huấn mới có thể giúp chúng ta hiểu được tường tận tiếng nói của Chúa.

* Chân lý của Chúa Kitô là chân lý ngàn đời, không bao giờ thay đổi, nhưng cần được áp dụng vào những hoàn cảnh mới, những vấn đề mới. Bản chất và định mệnh của con người không thay đổi, nhưng mỗi một thời đại lại phát sinh những hoàn cảnh mới và vấn đề mới. Đồng hành với con người qua mỗi giai đoạn của lịch sử, Giaó Hội có nhiệm vụ giúp cho con người lắng nghe và hiểu được tiêng nói của Chúa.

Do đó, khi người kitô hữu lắng nghe và hành động phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội, là họ đang qui chiếu về chính trí khôn của Chúa Kitô, và như thế, họ không thể sai lạc. Nói cách khác, khi Giaó Hội đã đặt những bảng chỉ dẫn trên đường, thì chắc chắn người kitô hữu không thể lạc đường. Vì thế, đối với kitô hữu, một lương tâm tự do thực sự là một lương tâm luôn biết phán đoán dựa theo giáo huấn của Giáo Hội. Một lương tâm đúng đắn và ngay lành là một lương tâm luôn cởi mở để đón nhận chính hướng dẫn của Giaó Hội, nhất là trong những vấn đề khúc mắc và phức tạp do thời đại đặt ra, những vấn đề mà tự sức mình người kitô-hữu không thể tìm được câu giải đáp đúng đắn.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lừng

Theo gpphanthiet

Xin đừng để con của con mồ côi thêm một lần nữa

Loạt bài chia sẻ của một vị linh mục
làm công việc mục vụ Bảo Vệ Sự Sống (P8)

Chị trước đây đã được 1 bà nhặt từ ngoài đường mang về, 2 bà cháu sống chung với nhau, bà đóng vai trò làm bà ngoại, còn cháu làm cháu ngoại. Họ sống với nhau và với mọi người vui vẻ hoà bình. Đến khi bà ngoại già, bà qua đời, cháu biến thành cô gái 20 mồ côi thực sự. Cháu phải đi về Sài Gòn tìm đường sống, đây là nơi cho con người sống tốt, nhưng cũng đầy những cạm bẫy muốn nuốt sống tất cả những ai đi vào quỹ đạo của nó.

Cuộc sống ở quá phức tạp. Chị thuê nhà trọ để ở và đi làm công nhân. Đối diện là anh NCM, 30 tuổi, cũng từ quê Miền Tây lên trọ tại nhà bà con để làm ăn sinh sống. Họ đã làm quen với nhau, rồi trở thành tình yêu. Ngày ngày anh chị đi làm, tối về nhà trò chuyện và tính đến chuyện mai sau. Anh ngày ở nhà đi làm, nhưng đêm đến lại sang nhà chị ngủ trọ. Họ đã sống như vợ chồng trong một thời gian. Đến khi chị báo: “Em đang có thai” thì mối tình cũng nhạt và những nét mặt không tốt hiện ra. Lúc đầu anh năn nỉ: "Để lại đi cho anh nuôi, đừng bỏ nó tội nghiệp lắm. Anh sẽ không bỏ em". Nhưng lời hứa thì dễ, còn thực tế thật là phũ phàng, mấy lời hứa đó đâu bị gió cuốn đi. Cuộc vui mau qua nhưng nỗi lo lại kéo lê quá dài, nụ cười chưa dứt thì nước mắt đã lăn dài trên má hồng. Họ bắt đầu cãi vã, xô sát, đổ tội cho nhau và cuối cùng chia tay. Anh đổ tội cho chị trong cuộc chia tay này. Anh cũng nghi ngờ nên nói mình không phải là tác giả của cái bào thai bất thình lình đang dần lớn lên đó. Anh bỏ về quê mà không một lời từ giã. Chị phải nghỉ làm, và trở thành kẻ trắng tay, phải ra khỏi phòng trọ và tìm đến với chúng tôi, mong được nương náu những ngày tháng chờ sanh con.

Tôi hỏi bây giờ có thể làm gì được cho con. Chị yêu cầu, xin cha báo cho anh ta biết, gia đình anh ta biết và cha xứ anh ta biết là con có thai với anh ta để anh ta có trách nhiệm với con và con cái của con, giúp nuôi con cái của con.

Tôi nghĩ thật là mong manh với trách nhiệm ấy, thật là phũ phàng với cuộc tình trăng hoa không cam kết. Một khi ly nước đã đổ rồi làm sao hốt lên được, có hốt lên cũng đầy cặn và còn lại rất ít. Tôi mới cầu nguyện và chia sẻ cùng chị: "Là thân con gái, con không biết giữ gìn và trân trọng nó thì cảnh này khó tránh lắm, chẳng trách ai được, có trách chăng mình đã quá tin vào những lời hứa, mình cũng quá khờ trên mảnh đất này. Con chịu như vậy thôi, liệu còn được sự trân trọng và tình yêu để kết nối với nhau nữa đâu. Luyến tiếc làm chi một con người bội bạc như thế. Đời chờ làm gì một mối tình đã tan nát. Con tìm lối sống tốt cho mình đi con."

Về phần đứa con trai trong bụng ấy con tính thế nào? Để lại nuôi hay lại phải cho con. Chị bảo con chưa biết để lại hay cho đi, con muốn để lại nuôi, nhưng làm sao nuôi được! Tôi khẳng định: "Đây là con của con, con đã mồ côi khổ sở rồi, bây giờ con lại muốn để cho con của con mồ côi lần nữa ngay khi con còn sống hay sao! Không ai thương nó bằng con. Cha, Sơ, mọi người có thương con của con đến đâu đi nữa cũng không bằng tình thương của con dành cho nó. Con can đảm để lại nuôi, chẳng ai lại bỏ rơi một người mẹ nuôi con trong hoàn cảnh khó khăn của mình. Con còn sức khoẻ, còn đầy đủ tay chân, con còn đầu óc để suy nghĩ thì con đủ sức nuôi con của mình khôn lớn. Con can đảm lên, đừng sợ! Con cần có trong đầu của mình xác quyết: 'Mẹ sẽ không bỏ con mồ côi thêm một lần nữa, cho dẫu thế nào mẹ vẫn là mẹ của con, mẹ yêu thương và bảo vệ con!'"



Chị cũng chỉ biết khóc và khóc rất nhiều cho số phận của mình. Phận làm con gái thật là khổ với hoàn cảnh bây giờ. Rõ ràng sống cuộc sống được ăn lỗ chịu như một cuộc cá cược mà phần thua thiệt chắc chắn sẽ về phận phụ nữ. Cuộc sống dễ dàng và ứng trước, là một cuộc trao đổi không công bằng, chỉ có cho vay mà không có đáp trả. Kêu ai được!

Nhưng cuộc sống vẫn tràn niềm vui và tràn đầy hy vọng khi biết chỗi dận vươn lên, cuộc sống vẫn có đó những tấm lòng sẵn lòng với những ai có niềm tin và biết trân trọng nó. Phải thật lâu trong lời cầu nguyện và chia sẻ của chúng tôi chị mới có được lại được nụ cười trên môi, nhưng xem chừng vẫn quá cay đắng, chua chát cho nụ cười ấy. Đắng đến tận cùng đáy lòng. Đời vẫn là thế, đáng nguyền rủa, nhưng lại đáng yêu lắm.


Linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch
Chính xứ Tây Hải - Hạt Hố Nai - Giáo phận Xuân Lộc

Theo chia sẻ trên facebook của ngài

Tội ác tại Việt Nam gia tăng, vì sao?

Hầu như không có ngày nào mà báo chí, truyền thông trong nước lại không đưa tin về những vụ án mạng khác nhau, gọi chung là “cướp, giết, hiếp,” với mức độ ngày càng tàn bạo, dã man.

Hãy thử nhìn lại chỉ mới trong vòng vài ngày gần đây, từ những vụ chưa phải là án mạng nhưng tính chất tha hóa về mặt đạo đức khiến xã hội rúng động như vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Ðề, Hà Nội, cho đến những vụ án mạng.



Ở Sài Gòn, một thanh niên “Phát cơm từ thiện bị kẻ xin cơm đâm chết” (báo Dân Trí). Ở Ðồng Nai, chỉ vì “Giành mai táng, nhân viên trại hòm đâm người” (báo Pháp Luật TP.HCM). Tại Hải Dương, “Dân đánh chết trộm chó: cách trụ sở 1km, CA đến không kịp” (báo Ðất Việt). Và đây không phải lần đầu tiên người dân vì nổi giận với dân trộm chó, đã xúm nhau đánh hội đồng dẫn đến tử vong. Có khi người dân còn đốt cả xe, cả người trộm chó!

Ngày 7 tháng 8, TAND Huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) đưa ra xử vụ án “Thuê côn đồ xử hàng xóm” (báo Thanh Niên). Vì cho rằng người hàng xóm thường trêu ghẹo vợ mình, một người đàn ông ở Bình Dương đã thuê nhóm côn đồ đánh để dằn mặt, nhưng không ngờ cả nhóm đã chém nạn nhân một trận tơi tả.

Dân thuê côn đồ xử nhau, ngay đến cán bộ nhà nước cũng có mối quan hệ bạn bè với giới xã hội đen. Một “Phó ban tổ chức Quận Ủy Cầu Giấy bị bắt vì giới thiệu giang hồ thuê ‘sát thủ’” (báo Người Lao Ðộng), để rồi 2 sát thủ này đâm chết một chủ thầu xây dựng ngay giữa đường phố Hà Nội.

Trước đó đã từng có những vụ “Giám đốc lĩnh 2 năm 6 tháng tù vì thuê giang hồ giết người đòi nợ,” (báo Lao Ðộng), đó là nguyên giám đốc chi nhánh Cosveco, Nghệ An. Giám đốc Công ty Cổ phần Ðầu tư Kinh doanh nhà Hoàng Hải (huyện Hóc Môn, TP.HCM) thuê giang hồ giết cấp phó bị kết án tử hình, sau đó chết trong tù...

Còn công an, thay vì đại diện cho chính quyền đi ngăn chặn kẻ xấu, kẻ ác thì trong những năm qua, lại xảy ra rất nhiều trường hợp công an lạm quyền đánh dân, thậm chí dẫn đến tử vong. Ðây là vài vụ trong tuần qua:

Một thanh niên ở Tuyên Quang “Ngã gục trên đường, tử vong sau khi bị CSGT đánh” (báo Người đưa tin), chỉ vì không đội mũ bảo hiểm!

Tại Bắc Giang, “Công an xã dùng dép bạt tai, quật dùi cui đánh dân trọng thương ngay tại trụ sở” (báo Dân Trí) chỉ vì ông này lên trình báo về việc ô nhiễm môi trường nhưng không được giải quyết nên bức xúc, to tiếng với công an.

Tình trạng công an đánh chết dân khi đang trong quá trình tạm giữ để điều tra như đã nói, rất nhiều. Nhưng thường bị cho “chìm xuồng” hay xử rất nhẹ (chẳng hạn, vụ vừa được đem ra xử ở Ðắk Lắk “Công an đánh chết nghi can trộm bò: 18 tháng tù” (báo Tuổi Trẻ) - một mức án quá nhẹ cho một mạng người!).

Nên những sự việc tương tự vẫn tiếp diễn. Và trong rất nhiều trường hợp, nạn nhân được công bố là đã... tự tử tại đồn. Mới đây nhất, một nghi can đã “Tự tử tại đồn công an sau khi bị bắt vì trộm gà” (báo Dân Trí), mà theo bài báo, tang vật chỉ là 21 con gà có tổng trọng lượng 31 kg!

Công an thì lộng hành, còn tòa án?

Dư luận còn chưa quên ông Nguyễn Thanh Chấn, người “nổi tiếng” vì bị tù oan 10 năm ở Thanh Hóa đang theo đuổi vụ kiện đòi bồi thường. Thì trong lúc đó, một vụ án oan sai khác, gây chấn động dư luận không kém ở Sóc Trăng, với 7 thanh niên bị bắt oan cũng đã được đem ra xử: “Vụ oan sai ở Sóc Trăng: Khởi tố 2 điều tra viên, 1 nguyên kiểm sát viên” (báo Người Lao Ðộng).

Ðiều làm cho mọi người bàng hoàng là những cách tra tấn tàn bạo, gây tổn thương lâu dài, nghiêm trọng cho người bị nhục hình, của các điều tra viên, qua lời kể của các nạn nhân.

Một xã hội mà luật pháp không hề được tôn trọng, thậm chí chính những người đại diện cho chính quyền, cho công an, tòa án, giới cán bộ quan chức... lại ngang nhiên vi phạm pháp luật và được cái bộ máy ấy che chở. Vậy thì có gì lạ khi người dân cũng coi thường pháp luật, sẵn sàng “tự xử” người khác vì một lý do nào đó?

Tội ác ở quốc gia nào mà chẳng có, nhưng tội ác trong xã hội Việt Nam hiện nay thực sự đang làm cho mọi người lo ngại chính vì nó ngày càng nhiều và trở thành “bình thường.”

Tội ác trở nên bình thường, khi xảy ra hàng ngày, từ Nam tới Bắc, từ các thành phố lớn cho tới nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trong bất cứ môi trường nào của xã hội, kể cả những môi trường tưởng chừng an toàn nhất, như nhà trường, nhà chùa, hay bệnh viện.

Khi kẻ thủ ác có thể là bất cứ ai, thuộc thành phần nào trong xã hội, và không chỉ là những người ít học, thiếu hiểu biết.

Có thể là một sinh viên đại học, xuất thân từ một gia đình đàng hoàng tử tế như Nguyễn Ðức Nghĩa trong vụ án chấn động giết bạn gái cũ, rồi chặt đầu vứt ở nơi khác để phi tang.

Có thể là một bảo mẫu như vụ bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ ở Thủ Ðức, Sài Gòn, đánh chết trẻ 18 tháng tuổi.

Có thể là một nhà giáo, một hiệu trưởng, như vụ án mua dâm nữ sinh chấn động một thời với “nhân vật” chính là Sầm Ðức Xương, nguyên hiệu trưởng trường THPT Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Sầm Ðức Xương đã dụ dỗ nhiều em học sinh sau đó sử dụng các em để “thết đãi” các vị khách quý là quan chức trong tỉnh, thậm chí còn bảo các em tìm thêm các bạn khác để bán dâm!

Có thể là một bác sĩ như Bác Sĩ Tường, thẩm mỹ viện Cát Tường, Hà Nội, giải phẫu làm chết nạn nhân xong vứt xác xuống sông Hồng phi tang, đến 9 tháng sau mới tìm thấy xác.

Có thể là một nhà sư trong vụ “Sư thầy giết người yêu, phi tang xác vì không chịu phá thai” (Tin Mới) ở Trà Vinh v.v...

Nghĩa là không chừa một ai, một giới nào. Ðáng nói hơn, đó là những con người hoàn toàn bình thường, không hề có tiền sử bị bệnh tâm thần.

Tội ác trở nên đáng báo động khi người ta giết nhau không chỉ vì những mối oán thù, ghen tuông, mâu thuẫn sâu đậm, mà còn vì những lý do hết sức vặt vãnh, cỏn con, vô lý... như bị phát chậm một suất cơm từ thiện!

Khi người ta không chỉ giết kẻ thù, người lạ mà còn giết người yêu, cha mẹ, chồng/vợ, giết cả con. Nào “Ðau lòng những vụ án nghịch tử xuống tay với bố mẹ” (Người Ðưa Tin), “Hà Tĩnh: bố mẹ giết con rồi ném xuống sông phi tang” (Tin Mới), “Giận vợ, dùng kéo giết con gái sơ sinh” (Người Lao Ðộng)...

Ðã có rất nhiều bài báo, những hội thảo xung quanh vấn đề tội ác gia tăng ở Việt Nam và nhiều nhà báo, nhà giáo, nhà tâm lý học, xã hội học... đã cố đi tìm câu trả lời.

Trong đó, chúng ta đã nói đến những nguyên nhân thuộc về môi trường xã hội. Một xã hội luôn đề cao những giá trị vật chất, chạy theo bằng cấp, địa vị, tiền bạc và những hình thức hào nhoáng bên ngoài mà coi nhẹ những giá trị bên trong của con người như tư cách, đạo đức, danh dự, lòng liêm sỉ...

Một xã hội mà những điều không tử tế, cái ác, cái xấu không bị trả giá đích đáng, trong khi sự tử tế, cái thiện, cái đẹp thì lắm lúc bị coi thường. Một xã hội không tôn trọng luật pháp. Một xã hội có quá nhiều bất công phi lý, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, nhưng lại thiếu vắng tự do dân chủ và nhân quyền thì bị chà đạp.

Chúng ta cũng đã nói đến những nguyên nhân do giáo dục. Giáo dục sa sút thậm tệ, môi trường giáo dục từ lâu đã không còn là nơi dạy cho con người niềm tin vào sự học, vào sự thật, thậm chí nhiều khi đã trở thành nơi bán chữ, chạy điểm, chạy bằng...

Khi phải sống trong một môi trường xã hội, một chế độ như vậy, con người thường dễ cảm thấy bực bội, tức giận không đâu, cộng thêm sức ép thường trực của cơm áo gạo tiền, những vấn đề cá nhân phải đối mặt hàng ngày... Tất cả sẽ tạo ra những ẩn ức tâm lý.

Khoan nói đến những vụ án được suy tính, sắp xếp kỹ, trong những vụ án có tính chất bất ngờ không đoán trước, nguyên nhân sâu xa một phần từ những nỗi bức bối, ẩn ức bên trong và chỉ cần một lý do nào đó, cùng với việc con người mất đi lý trí, sự sáng suốt trong khoảng khắc, tội ác sẽ xảy ra.

Và khi từ thể chế chính trị, môi trường xã hội, giáo dục... còn chưa thay đổi thì đừng hy vọng tội ác sẽ giảm đi hay biến mất.

Song Chi

Theo báo Người Việt

Bài 5 - Tự do lương tâm

Thư luân lưu Tin mừng sự Sống (Evangelium vitae) của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II được giới thiệu và ban hành ngày 30-3-1995. Như tựa đề có thể gợi lên, thư luân lưu nầy là một quảng diễn thư luân lưu Sự sống con người (Humanae vitae) của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành năm 1968.



Đức thánh cha Gioan-Phaolô II đã nói về thư luân lưu Tin Mừng sự sống của Người như một bài suy niệm về sự sống đứng trước nền văn hoá chết chóc đang lan tràn trên thế giới với nạn phá thai và giúp an tử. Đàng sau sự chết chóc mà nền văn hoá thời đại đang cổ xúy, người ta thấy một cái chết khác còn trầm trọng hơn, khủng khiếp hơn, đó là cái chết của lương tâm con người. Thật thế, lương tâm của con người thời đại xem ra chai lì, khô cứng đến độ không còn nhạy cảm trước tội ác nữa. Lương tâm ấy mù quáng đến độ không cỏn phân biệt thiện với ác.

Giáo Hội đồng hành với nhân loại như một chuyên gia về nhân bản. Giáo Hội không ngừng gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh nhân loại khi thấy nó đang đứng bên bờ vực thẳm. Giáo Hội đồng hành với nhân loại như một bảng chỉ dẫn trước vô số những ngả rẽ.

Thư luân lưu đã gây ra nhiều phản ứng sôi nổi nơi một số báo chí Tây phương. Đa số những tờ báo bài-tôn-giáo cho rằng văn kiện của Đức Thánh Cha mang tính cách bi quan, cuồng tín, muốn áp đặt luật tôn giáo cho các quốc gia. Nhiều người cho rằng thư luân lưu ấy lấn chiếm lãnh vực của Nhà Nước khi kêu gọi mọi người tẩy chay những luật bất chính của Nhà Nước.

Trả lời cho những lời cáo buộc trên, hồng y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý và Đức tin, đã phát biểu: “ Khi Đức thánh cha muốn nhấn mạnh đến quyền của lương tâm, giá trị của luân lý và các quyền bất khả xâm phạm của mỗi người đối với cơ quan lập pháp và Nhà Nước, tức là Người khẳng định điều mà nền luân lý hiện đại đã nhìn nhận, đó là: luật pháp Nhà Nước sẽ vô hiệu, không còn tính cách bó buộc, nếu nó xâm phạm đến một lương tâm phán đoán dựa trên các giá trị nòng cốt.”

Xét cho cùng, phản ứng của một số nhà báo trên đây phản ánh quan niệm sai lầm về tự do của lương tâm. Đối với họ, lương tâm được tự do là khi nó có thể làm điều nó thích mà không quan tâm điều đó có phù hợp với chân lý hay không. Một lương tâm như thế có thật sự là một lương tâm tự có tự do không?
Cho nên vấn đề cần đặt ra, đó là: Thế nào là một lương tâm có tự do? Với những điều kiện nào, thì lương tâm mới được tự do?

1. Thế nào là một lương tâm có tự do?

Một lương tâm có tự do là khi nó được lắng nghe.
Ngày nay hơn bao giờ hết, con người thường nại đến quyền tự do của lương tâm. Quả thực, lương tâm là tiếng nói tối hậu mà con người phải tuyệt đối nghe theo. Tuy nhiên, khi nại đến quyền tối thượng của lương tâm, nhiều người hiểu nó như một chuẩn thuận cho bất cứ những gì mình muốn làm, tức là muốn làm gì thì cứ làm, bất kể điều đó là đúng hay sai. Thực tế, lương tâm thường xuất hiện như một tiếng nói “không” trước những toan tính ích kỷ của con người hơn là một sự chuẩn thuận cho con người muốn làm gì thì làm. Nếu quyền của lương tâm là quyền tối thượng, thì trước tiên quyền ấy đòi buộc phải được lắng nghe, nghĩa là con người có bổn phận phải vâng phục tiếng lương tâm, ngay cả khi tiếng nói của lương tâm đi ngược lại ý muốn của của bản thân. Như thế, thông thường lương tâm không phải là một sự chuẩn thuận đối với tất cả những gì con người muốn làm, nhưng lương tâm thiết yếu là một phán đoán của lý trí về tính luân lý của hành vi con người. Nói cách khác, lương tâm là khả năng đánh giá một hành vi của con người là tốt hay xấu, đúng hay sai về mặt luân lý.

Ngày nay, sự vi phạm trầm trọng nhất đối với quyền của lương tâm là khi nó không được lắng nghe và tuân phục. Như vậy, mối đe doạ trầm trọng nhất đối với tự do của lương tâm không đến từ bên ngoài, mà là đến từ nội tâm của con người. Vậy điều kiện đầu tiên để có và duy trì một lương tâm tự do chính là tuân phục tiếng nói của lương tâm. Nhìn vào kinh nghiệm của mỗi người, ai cũng hơn một lần làm ngơ trước những gì lương tâm nhắc bảo và cũng đã có lần lèo lái sự phán đoán của lương tâm về một hướng khác. Hành động như thế là bắt lương tâm tuân theo những đam mê hay thành kiến của mình. Và khi lương tâm bị khuất phục như thế, nó không còn là một lương tâm tự do nữa, nó đã bị vô-hiệu-hoá và trở thành nô lệ.


2. Với những điều kiện nào, thì lương tâm mới được tự do?

Trước hết, muốn hiểu những điều kiện cần phải có để có tự do lương tâm, thiết tưởng cần phải hiểu những điều kiện cần phải có để có tự do tư tưởng.

* Ngày nay, nhất là tại Tây phương, nhiều người cho rằng quyền bính và giáo huấn của Giaó hội giới hạn tự do tư tưởng. Nhưng muốn phê bình như thế, thiết tưởng phải hiểu thế nào là tự do tư tưởng, hay nói cách khác, phải nắm vững đâu là những điều kiện để có tự do tư tưởng?

Phải chăng trí khôn con người được tự do suy nghĩ bất cứ những gì nó thích và bằng bất cứ giá nào nó thích mà không màng đến sự thật và những qui tắc của luận lý? Một trí khôn như thế không thể là một trí khôn tự do, bởi vì khi không tôn trọng sự thật và cũng chẳng quan tâm đến luận lý, trí khôn sẽ rơi vào sai lầm. Xin đan cử một thí dụ: một đứa trẻ chưa bao giờ học những định luật toán học hay vật lý, thì không thể giải một bài toán học hay một bài toán vật lý. Trong trường hợp này, trí khôn của đứa trẻ đang bị hạn chế, hay nói cách khác trí khôn ấy chưa có tự do. Cũng thế, một trí khôn suy nghĩ bên ngoài sự thật và không theo những qui tắc của luận lý thì sẽ sai lầm và như thế là trí khôn đó không có tự do.


Khi hiểu được những điều kiện để có tự do tư tưởng, người ta sẽ dễ nắm bắt được những điều kiện để có tự do lương tâm


* Lương tâm chỉ thực sự tự do khi nó có khả năng chu toàn chức năng của nó, tức là phân biệt được thế nào là thiện, thế nào là ác, thế nào là đúng, thế nào là sai về mặt luân lý. Khi không còn khả năng chu toàn chức năng ấy nữa, thì lương cũng không khác gì lương tâm của một người điên, hay của người bại liệt thần kinh. Khi không còn phân biệt được thiện với ác nữa, thì lương tâm không được xem là tự do.

* Một lương tâm không thể được xem là tự do khi nó sai lầm. Lương tâm không thể được xem là tự do khi nó bảo tốt là xấu, hoặc ngược lại khi nó bảo xấu là tốt. Chẳng hạn, một lương tâm không thể được xem là tự do khi nó xem việc phá thai, tức là hành động giết người, là một điều tốt.

* Một lương tâm không thể được xem là tự do khi nó còn nghi ngờ. Một lương tâm nghi ngờ thì giống như một người nghiện ngập hoặc say xỉn quá độ. Nó không biết chắc chắn rằng nó đang hoạt động một cách đúng đắn và những phán đoán của nó là đúng. Trong những tình huống nêu trên, con người không có lương tâm tự do.

Nói tóm lại, không thể có lương tâm tự do, nếu không hiểu biết và tôn trọng sự thật. Lương tâm có tự do để làm điều sai trái, nhưng không vì thế mà lương tâm được tự do hơn. Lương tâm sẽ ít tự do hơn nếu nó không còn phân biệt đúng, sai, tốt, xấu. Xét cho cùng, lương tâm chỉ có tự do thực sự khi nó có những phán đoán đúng đắn, và để có những phán đoán đúng đắn, nó phải dựa vào những tiêu chuẩn luân lý khách quan.

Như vậy, vai trò của Giaó hội, nhất là khi đưa ra những giáo huấn liên quan đến luân lý thì không phải là để kiểm soát hay hạn chế tự do của lương tâm con người. Trái lại, khi trình bày và giải thích chân lý mặc khải, Giaó hội muốn giúp cho lương tâm con người phán đoán hợp với những tiêu chuẩn khách quan. Một lương tâm được đào luyện như thế không thể là một lương tâm nô lệ, trái lại là một lương tâm có tự do đích thực, bởi vì nó phán đoán dựa theo chân lý được chính Thiên Chúa mặc khải.

Từ những suy nghĩ trên đây, chúng ta có thể rút ra một kết luận cho các kitô hữu. Đối với những ngưới nầy, một lương tâm được xem là có tự do thực sự khi nó được hướng dẫn bởi giáo huấn của Giáo hội. Người tín hữu tuân theo những giáo huấn của Giáo Hội, vì họ tin rằng Giáo hội giảng dạy chân lý được chính Chúa Giêsu uỷ thác. Do đó càng để cho giáo huấn của Giaó hội hướng dẫn, lương tâm của người tín hữu càng được tự do.

Còn đối với người ngoài-kitô-giáo, họ chỉ có thể nại đến lương tâm khi họ tin ở những giá trị luân lý, khi họ còn ý thức về trách nhiệm và còn có khả năng lựa chọn một cách tự do. Không tin ở một hệ thống luân lý nào hoặc chối bỏ, thậm chí chà đạp những quyền cơ bản nhất của con người mà vẫn rêu rao về lương tâm, thì quả thực không gì mâu thuẫn bằng!


Lm Giuse Nguyễn Văn Lừng
Theo gpphanthiet

Bài 4 - Lương tâm đúng đắn cần dựa trên những tiêu chuẩn luân lý khách quan

Trong thư luân lưu Tin Mừng Sự Sống (Evanglium vitae) được giới thiệu và ban hành ngày 30-3-1995, Đức thánh cha Gioan-Phaolô II đã nêu bật một mâu thuẫn lớn của thời đại: một đàng, người ta long trọng công bố các quyền của con người; đàng khác, trong thực tế, khi hợp-thức-hoá việc phá thai và hành động giết người một cách êm dịu (an tử), người ta lại chối bỏ chính những quyền bất khả xâm phạm ấy của thai nhi và người già lão bệnh tật.

Theo Đức Thánh Cha, một trong những cội rễ thâm sâu của sự mâu thuẫn trên đây chính là quan niệm sai lầm về tự do. Đức Thánh Cha viết như sau: “[…] sự tự do sẽ tự-chối-bỏ, tự-huỷ-diệt và chuẩn bị loại trừ người khác khi nó không còn nhận biết và tôn trọng mối liên kết của nó với chân lý. Mỗi khi tự do muốn thoát khỏi truyền thống và quyền bính, khước từ ngay cả những ánh sáng hiển nhiên của một chân lý khách quan và phổ quát là nền tảng của đời sống cá nhân và xã hội, thì lúc đó con người sẽ không nhìn vào chân lý về thiện và ác như là tiêu chuẩn duy nhất và chắc chắn cho những chọn lựa của mình nữa, mà chỉ biết có mỗi ý nghĩ chủ quan và hay thay đổi của mình, hoặc những quyền lợi ích kỷ và sở thích thất thường của mình mà thôi.” (Tin Mừng Sự Sống, 19).

Giáo huấn trên đây của Đức Thánh Cha nêu bật mối liên kết giữa yếu tố nòng cốt trong luân lý, đó là lương tâm tự do và tiêu chuẩn khách quan về thiện và ác.

1. Nhiều người ngày nay cho rằng lương tâm càng được tự do hơn khi nó không còn tuân theo bất cứ tiêu chuẩn luân lý khách quan nào. Nói cách khác, người ta cho rằng tự do sẽ bị hạn chế nếu nó phải tùng phục những tiêu chuẩn khách quan. Nói chung, quan niệm thông thường của nhiều người về tự do vẫn là: tự do là muốn làm gì thì làm, và tự do lương tâm có nghĩa là không tuân theo bất cứ một tiêu chuẩn khách quan nào về thiện và ác.

Thật ra, khi chối bỏ mọi tiêu chuẩn khách quan về thiện và ác, con người sẽ không còn hành động theo lương tâm, mà theo cảm tính, theo đam mê hay những gì có lợi cho mình. Hành động như thế là con người chối bỏ lương tâm của mình, hay đơn thuần không hiểu thế nào là lương tâm, bởi vì lương tâm là khả năng thẩm định tính luân lý của một hành động, nghĩa là thẩm định một hành động là tốt hay xấu .

2. Không có ý niệm nào về thiện và ác, không chấp nhận một tiêu chuẩn nào về thiện và ác, con người sẽ đặt mình làm tiêu chuẩn tối hậu. Chúng ta có thể so sánh người đó với chiếc địa bàn. Kim địa bàn vốn phải luôn hướng về phương bắc. Chối bỏ mọi tiêu chuẩn khách quan về thiện và ác, thì cũng giống như kim đồng hồ của một địa bàn, thay vì chỉ về hướng bắc, nó lại bắt hướng bắc quay về phía mình.

Ở đây chúng ta thấy ý nghĩa của sự sa ngã của ông bà nguyên tổ loài người. Hai ông bà muốn tự mình quyết định về thiện và ác. Hai ông bà muốn đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa, nghĩa là không muốn chấp nhận một quyền bính nào ở bên ngoài và ở trên mình. Đây là hình thức tôn thờ ngẫu tượng nguy hại nhất, đó là tôn thờ chính mình. Khi con người từ khước quyền bính ở trên mình, khi con người tự đặt mình làm tiêu chuẩn tối hậu cho mọi hành vi của mình, khi con người muốn tự mình quyết định về tính cách luân lý của những hành vi của mình, đó là lúc con người chối bỏ Thiên Chúa. Mà chối bỏ Thiên Chúa cũng là chối bỏ chính mình, vì con người chỉ là con người trọn vẹn khi lệ thuộc vào Thiên Chúa. Trong số 19 của thư luân lưu Tin mừng sự Sống, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II vạch trần cái quan niệm sai lầm về “ chủ thể ” của con người thời đại. Ngày nay người ta cho rằng: chỉ là chủ thể có quyền lợi khi người đó có sự tự trị hoàn toàn, nghĩa là không lệ thuộc vào người khác. Một thai nhi còn trong bụng mẹ, một em bé chưa thể tự quyết mà còn lệ thuộc vào người mẹ hoặc người chung quanh, theo họ, thì chưa phải là một chủ thể có đầy đủ mọi quyền lợi. Mà vì là một chủ thể còn lệ thuộc vào mẹ và chưa có đầy đủ quyền lợi, cho nên người mẹ có toàn quyền trên nó, nghĩa là người mẹ có quyền phá thai. Sự sai lạc ở đây hệ tại ở chỗ cho rằng con người chỉ là chủ thể thực sự khi nó hoàn toàn độc lập. Thật ta, chẳng ai là chủ thể hoàn toàn độc lập, nhưng mọi người đều có những tương quan lệ thuộc hỗ tương. Đàng khác, tuy mới là một con người-đang-hình thành, thai nhi đã là một nhân vị và, do đó, đi vào tương quan liên vị. Khi chối bỏ mọi tương quan liên vị, con người đương nhiên đặt mình làm tiêu chuẩn tối hậu của mọi sự. Một quan niệm như thế sẽ tiêu diệt mọi cuộc sống xã hội, bởi vì mỗi người sẽ phán đoán và hành động theo ý riêng, theo đam mê và quyền lợi riêng tư của mình mà thôi.

3. Trong thực tế, con người không thể sống cho ra người nếu chối bỏ mọi thứ tiêu chuẩn khách quan và các quan hệ với người khác.

Cả thế giới ngày nay đều chấp nhận cái đồng hồ Big Bell treo trước Trụ sở Quốc hội Anh quốc làm tiêu chuẩn để chỉnh giờ giấc. Trong đời sống luân lý, chúng ta cũng cần một thứ Big Bell để làm chuẩn. Một người có lương dân có thể nghe theo tiếng nói lương tâm của mình, nhưng người đó sẽ vô cùng bối rối khi phải điều chỉnh lương tâm của mình. Họ phải dựa vào đâu để điều chỉnh lương tâm của mình? Đâu là tiêu chuẩn mà họ phải dựa vào để mà phán đoán về tính luân lý của các hành vi của mình? Còn đối với một người công giáo, thì câu trả lời hẳn đã rõ ràng: giáo huấn của Giáo hội chính là tiêu chuẩn chắc chắn và đầy uy thế giúp họ phán đoán về tính luân lý của những hành vi và điều chỉnh lương tâm của mình.

Ai cũng muốn các quyết định của mình đem lại những kết quả chắc chắn. Con người ngày càng áp dụng những kỹ thuật tân tiến để đạt được những kết quả tối ưu trong mọi lãnh vực. Các nhà doanh nghiệp dựa vào máy vi tính để được chắc chắn hơn về kết quả của một dự án. Ngay cả một em bé tiểu học cũng tin vào chiếc máy tính của mình. Xem ra con người tin ở máy móc hơn là tin vào bộ óc chậm chạp của mình. Điều nầy cũng có thể đúng trong lãnh vực luân lý. Ai cũng muốn được chắc chắn về những kết quả do quyết định của mình. Không gì thiếu khôn ngoan và liều lĩnh cho bằng khi quyết định một cách mù quáng, nghĩa là không hề đoán trước được những hậu quả của những quyết định ấy. Thế nhưng, con người không thể có một trí khôn quán xuyến và không sai lầm khi quyết định, nhất là trong lãnh vực tâm linh và luân lý. Trong lịch sử nhân loại, chỉ có một trí khôn duy nhất không hề sai lầm, đó là trí khôn của Chúa Giêsu. Là Ngôi Lời, là Lời nhập thể, Người đến để mặc khải cho con người biết nó là ai và những tương quan của nó với Thiên Chúa, với tha nhân và vũ trụ. Mặc khải do Người trao ban là chung cục. Sống theo lời mặc khải ấy, con người không thể lạc lối.

Tóm lại, để đào luyện một lương tâm đúng đắn, người kitô hữu cần dựa trên những tiêu chuẩn luân lý khách quan, đó là chân lý mặc khải và giáo huấn về luân lý của Giáo hội.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lừng
Theo website Giáo phận Phan Thiết

Thực trạng và nguyên nhân nạo phá thai của giới trẻ hiện nay

Đôi dòng tâm sự của blog:

Xin giới thiệu tới độc giả một bài viết về tình trạng nạo phá thai của giới trẻ, được đăng trên 1 tờ báo lề phải. Thường thì những bài viết dạng này hay nhắc đến 4 chữ "tình dục an toàn", mà theo họ là cần giáo dục giới trẻ về các biện pháp phòng tránh khi quan hệ tình dục. Như thế, mới chỉ giải quyết được phần ngọn: cho phép giới trẻ quan hệ tình dục trước hôn nhân nhưng phải bảo đảm "an toàn", mà quên mất cái gốc rễ là cần phải chiến thắng bản năng và xác thịt. Cái rễ vẫn còn thì dù có cắt cái ngọn thế nào thì vẫn không ăn thua. Một khi đã yên tâm về cái bao cao su, các bạn trẻ sẽ coi đó như cái "bùa hộ mệnh", và coi việc có thai (không có biện pháp tránh thai nhân tạo nào bảo đảm an toàn 100%) như là một rủi ro, thai nhi sẽ trở thành một "cục nợ" chứ không còn là hoa trái của tình yêu nữa. Đương nhiên, họ sẽ phá thai, vì đứa bé là "cục nợ".

Và sau đây là bài viết được đăng trên báo Quảng Bình Online, một bài viết không đi theo lối mòn mà thực sự đúng đắn. 





Tình trạng nạo phá thai ở giới trẻ hiện nay là một vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nạo phá thai không còn là chuyện riêng của mỗi người mà được coi là hành động phi đạo đức, thậm chí cao hơn là tội ác giết người. Rất nhiều quốc gia đã ban hành luật chống nạo phá thai. Nhưng trên thực tế, số liệu về những ca nạo phá thai vẫn không có dấu hiệu khả quan.

Việc giới trẻ sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân, có thai, phá thai trở thành một vòng tròn khép kín giống nhau ở khá nhiều người. Họ quan niệm rằng thai nhi chưa là người nên không có quyền con người. Lối suy nghĩ đó đã khiến cho hàng triệu sinh linh bé nhỏ bị tước đoạt đi quyền sống khi chưa nhìn thấy ánh mắt trời. Chuyện trẻ yêu sớm ngày càng phổ biến và đang trở thành nỗi lo của không ít bậc phụ huynh.

Thực trạng

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, tình trạng nạo phá thai cũng đang tăng theo trong giới trẻ chưa lập gia đình, chiếm gần 30% tổng số ca phá thai. Đặc biệt, có tới 53% phá thai muộn, không an toàn và phá thai trên 1 lần, cũng không thiếu những bạn nữ là học sinh, sinh viên đã hai lần chối bỏ đứa con của mình.

Tình trạng phá thai chung ở nữ giới nước ta cũng rất cao. Theo GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM, thực trạng nạo phá thai rất đáng lo ngại. Mỗi năm, tại Việt Nam, có khoảng 700.000 phụ nữ nạo phá thai. Riêng ở TP.HCM, với khoảng 7 triệu dân, mỗi năm có khoảng hơn 100.000 ca sinh, nhưng số ca nạo phá thai cũng tương đương.

Tại bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm tổng số sinh khoảng 45.000 người nhưng nạo phá thai hơn 30.000 người. Cả nước có 5% em gái sinh con trước 18 tuổi và 15% sinh con trước 20 tuổi, trong đó số thanh niên chưa lập gia đình chiếm khoảng 30%. Dù tất cả các trường hợp đến phá thai đều được tư vấn, nhưng vẫn có rất nhiều người quay trở lại phá thai lần hai... Còn tại khoa KHHGĐ-Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trung bình mỗi năm có từ 12.000-15.000 ca nạo hút thai. Trong số các ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên có 60-70% là học sinh, sinh viên.

Con số nạo phá thai thật đáng báo động. Vấn đề này không chỉ nhức nhối ở thực trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, mà còn ở tình trạng phá thai chung trong nữ giới nước ta cũng rất cao. Theo số liệu từ Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình, Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trung bình mỗi ngày có 20 ca nạo phá thai, trong đó 30-40% người phá thai là các bạn học sinh, sinh viên và công nhân.

Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nạo phá thai, trong đó trước hết xuất phát chính từ giới trẻ. Giới trẻ hoặc thiếu kiến thức, hoặc không làm chủ được mình, hoặc thích cuộc sống hưởng thụ, buông thả, không tôn trọng chuẩn mực đạo đức của cộng đồng hay luật lệ của tôn giáo. Và có vô vàn các lý do được các bạn trẻ đưa ra để ngụy biện cho hành động của mình.

Về phía gia đình, với sự phát triển của nền kinh tế, cha mẹ mải mê theo công việc nên ít có thời gian để chăm sóc con cái. Nhiều gia đình phó mặc con cho nhà trường và xã hội, đến khi phát hiện con mình có thai thì đã muộn. Cha mẹ cũng ngại chia sẻ kiến thức giới tính cho con cái, chưa trở thành người đồng hành để chia sẻ. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, các cơ sở y tế tư nhân, thậm chí ngay tại các bệnh viện phụ sản cũng coi chuyện phá thai là chuyện rất bình thường. Các cơ sở y tế tư nhân thì “cổ vũ” cho chuyện phá thai, còn trong các bệnh viện, việc các y bác sĩ, động viên, tư vấn, khuyên can người phá thai là rất ít.

Hậu quả

Việc nạo phá thai để lại hậu quả không những cho sức khỏe, tâm lý mà còn ảnh hưởng cả về tương lai và chất lượng giống nòi. Đối với sức khỏe, nạo phá thai rất dễ dẫn đến hậu quả nguy hiểm cho các chị em phụ nữ, nhất là giới trẻ, như: vô sinh do tắc dính vòi tử cung, tắc vòi trứng... Và rất nhiều bạn trẻ, sau khi nạo phá thai đã vĩnh viễn không bao giờ được làm mẹ nữa.

Mặt khác, việc nạo phá thai làm cho tâm trí của người mẹ không những bị ám ảnh mà còn sợ hãi, trầm cảm, hoang mang. Nạo phá thai vừa làm tổn thương rất lớn cho người phụ nữ sau khi lập gia đình, vừa làm cho họ luôn cảm thấy mặc cảm do những vết thương mà mình đã gây ra. Nạo phá thai đã không những không giải quyết được những khó khăn của người phụ nữ và gia đình, mà còn mở ra một vết thương khác trong lòng xã hội của chúng ta vốn đã phải đang gánh chịu nhiều điều đau khổ.

Giải pháp

Về phía giới trẻ

Mỗi bạn trẻ chúng ta phải trang bị kiến thức giới tính cho mình. Không nên tự tìm hiểu qua bạn bè thiếu kiến thức hay qua những thước phim không lành mạnh, không nên coi thường việc giáo dục giới tính. Các bạn trẻ có thể đến các trung tâm tư vấn có uy tín hoặc nhờ những người hiểu biết giúp đỡ. Đồng thời, các bạn nên giữ ranh giới với người khác phái, nhất là các bạn đang yêu. Người xưa thường nói: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” hay “ Khôn ba năm dại một giờ”. Các bạn trẻ nên tham gia các đoàn hội, tạo một sân chơi lành mạnh và nói không với việc nạo phá thai.

Về phía gia đình

Trước tiên, gia đình phải là chỗ dựa vững chắc cho con cái, đặc biệt là ở độ tuổi mới lớn các em cần sự quan tâm nhiều hơn về việc giáo dục về giới tính, nhất là vai trò của người mẹ trong việc giáo dục con gái trước ngưỡng cửa của tuổi dậy thì. Cha mẹ cần đóng vai trò không chỉ là người thầy mà còn là người bạn thân để con cái tin tưởng chia sẻ những điều khó nói...

Về phía xã hội

Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn nữa cho vị thành niên/thanh niên vì lợi ích của chính các em. Các em được học hành và khỏe mạnh sẽ có nhiều cơ hội để phát huy hết tiềm năng của mình, đồng thời sẽ có nhiều cơ hội để nhận các quyền mà mình được hưởng. Các em có thể tự giúp mình và gia đình của mình thoát khỏi đói nghèo. Các em sẽ chính là động lực tạo ra những sự thay đổi cho cộng đồng và cho thế hệ tương lai.

Tăng cường việc đưa giáo dục giới tính vào nhà trường, vào sinh hoạt vui chơi. Đồng thời, cần có biện pháp ngăn chặn nạo phá thai trái phép. Đó sẽ là một "lá chắn" quan trọng trong việc đưa các em thoát khỏi viễn cảnh phải làm mẹ sớm.

Chúng ta cần nhìn các bạn đã nạo phá thai đáng thương hơn là đáng trách. Cần tăng cường hơn nữa về giáo dục giới tính, đó là giảng dạy, mở các khóa tập huấn, nói chuyện chuyên đề, tư vấn, phát các tờ rơi, tờ bướm, tổ chức hội thảo cho sinh viên, học sinh về giáo dục giới tính, về SKSS, SKTD và giới thiệu sự mầu nhiệm của sự sống, làm sao để chính các bạn trẻ đó nhận thức được vấn đề, và không bị rơi vào thảm họa.

Nguyễn Thị Ngọc Hà
PGĐ Sở Y tế-Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh Quảng Bình


Nguồn: Báo Quảng Bình

Nghẹn lòng bộ ảnh bố mẹ bên thiên thần đã mãi mãi ra đi

Khi biết rằng con mình đã chết lưu, một cặp vợ chồng tại California đã chọn một cách đặc biệt để tưởng nhớ cô gái nhỏ không bao giờ cất tiếng khóc chào đời của họ: thực hiện một bộ ảnh nghệ thuật cùng đứa bé tại bệnh viện như thể nó đang trong một giấc ngủ.



Vì dù có ở bất cứ nơi đâu thì những thiên thần bé nhỏ này vẫn luôn trong trái tim của cha mẹ.

"Chúng tôi vẫn muốn cho mọi người thấy rằng con gái chúng tôi đẹp như thế nào", Emily Stanley - mẹ của em bé xấu số nói.




Một ngày, Emily Stanley phát hiện ra rằng con cô không còn đạp trong bụng nữa.


Cô đến bệnh viện và sụp đổ khi biết rằng đứa bé đã mất.


Nhưng rồi họ vẫn quyết định đón thiên thần nhỏ của mình theo cách nhiều yêu thương nhất.



"Tôi muốn mọi người cùng gặp gia đình xinh đẹp của mình. Bố Richard, mẹ Emily và con gái nhỏ Monroe Faith Stanley, nặng 2,7 kg".



Nhiếp ảnh gia Lindsey Villatoro chia sẻ cô chưa bao giờ xúc động đến thế khi thực hiện một bộ ảnh.



Bé Monroe dường như đang ngủ một giấc sâu trong vòng tay cha mẹ.



Emily muốn bộ ảnh có thể tạo ra sự đồng cảm của những người đã gặp cảnh ngộ giống như cô.



Và họ cũng muốn mọi người hãy đón nhận cái chết thật nhẹ nhàng.




Theo Xã Luận

Kinh cầu nguyện của các bà mẹ đang mang thai

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Cha đã dọn cho thân xác và linh hồn Đức Trinh Nữ Maria nên xứng đáng được cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu thế, và đã ban cho Thánh Gioan Tiền Hô được nên thanh sạch ngay khi còn ở trong lòng mẹ. Chúng con nguyện xin Cha, nhờ lời cầu bầu của Thánh Giêrađô, ban cho chúng con được bằng an trong lúc mang thai và trong khi sinh nở. Xin Cha thương che chở đứa trẻ trong cánh tay yêu thương của Cha. Xin Cha ban cho chúng con được ơn biết nuôi dưỡng và giáo dục con cái của chúng con theo thánh ý Cha.

Lạy Mẹ Maria nhân hiền, khi xưa Mẹ vừa cất tiếng chào bà I-sa-ve thì Thánh Gioan đang còn trong lòng mẹ đã nhảy mừng, xin Mẹ thương cứu giúp chúng con.  Lạy Thánh Giêrađô, xin cầu bầu cho chúng con. 

Amen.

Cuộc chạy trốn của cô gái 19 tuổi bị ép phá thai



Vì muốn giữ lại bào thai hơn ba tháng, Ngô Ngọc Hoàng O. (ngụ ấp Đình, xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi, TP.HCM) phải trốn ra khách sạn để ở. Cha và một số người bên nội của O. đã ép cô phá thai, thậm chí đã hai lần “cưỡng chế” cô lên xe, áp tải cô đến Bệnh viện phụ sản Hùng Vương (TP.HCM) nhưng cả hai lần, cô đều vùng vẫy trốn thoát…



Cuộc chiến giữ hai mầm sống

Bị truy đuổi, cùng đường, O. (SN 1995) đã viết đơn kêu cứu gửi Báo Phụ Nữ. Theo lời O., cô quen Huỳnh Đỗ Đạt (SN 1990, ngụ ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) và có thai. Biết gia đình sẽ phản đối, O. âm thầm giữ, một mặt thuyết phục Đạt chuẩn bị tổ chức đám cưới. Ngày 26/7/2014, gia đình O. phát hiện con gái mang thai, đã “làm dữ” và ép đi phá. Bác sĩ chẩn đoán, O. mang song thai, đã được 11 tuần.

Trong gia đình, mẹ và bà ngoại của O. tỏ ra thông cảm, chấp thuận việc O. giữ thai cho đến ngày cưới. Tuy nhiên, cha O. phản đối kịch liệt. 10g sáng ngày 29/7, khi O. đang ở nhà bà ngoại thì cha, các cô tìm đến thuyết phục thêm lần nữa, nhưng O. kiên quyết không chịu bỏ thai. Sau một hồi giằng co, O. đã bị túm lấy và "thảy" lên ô tô, chở đến Bệnh viện Hùng Vương thêm một lần nữa. Sau khi ra sức vùng vẫy, O. vẫn giữ được thai và bác sĩ cho về nhà. O. nức nở: “Người nhà của tôi đã canh giữ tôi rất nghiêm ngặt, không cho sử dụng điện thoại di động, lại còn lên kế hoạch đưa tôi đến một cơ sở nạo hút thai tư nhân, khiến tôi rất sợ”.

Bà Đỗ Thị Lan (mẹ Đạt) chia sẻ: “Con dại cái mang. Tôi đã nhiều lần qua nhà O., xin lỗi gia đình và xin được tổ chức đám cưới cho Đạt và O., nhưng họ không đồng ý, còn tỏ vẻ coi khinh gia đình tôi. Thú thật, con trai tôi đang chung sống như vợ chồng với một cô gái khác đã hơn 5 năm nay, chưa sinh con và cũng chưa đăng ký kết hôn. Giờ tôi vẫn muốn Đạt đến với O. để làm tròn nghĩa vụ chăm sóc đứa con trong bụng O.”.

Ngày 30/7, O. có dấu hiệu bị động thai, sốt ruột, nên đã nhờ mẹ Đạt và Đạt ứng cứu. Đạt và mẹ đã “giải thoát” được O., đưa đến bệnh viện khám và bí mật trú ngụ ở một khách sạn trong trung tâm TP.HCM.



Không môn đăng hộ đối?

Bà Lan cho biết: “Gia đình O. chê gia đình tôi, chê Đạt không có nghề nghiệp ổn định, nhưng tôi thấy về mặt kinh tế, gia đình tôi còn ổn hơn gia đình O. Tôi nói với gia đình bên ấy rằng, dù xảy ra việc gì, thì cũng hãy vì tình người trước đã. Bào thai song sinh đã hơn ba tháng, người lớn hè nhau ép phá, không có cảm giác ác sao? Tôi chấp nhận chịu thiệt, chịu nhục để năn nỉ, van xin, nhưng gia đình O. vẫn không thay đổi ý định”.

Được biết, sở dĩ gia đình O. không chấp thuận Đạt làm con rể, vì từ lâu đã biết Đạt lêu lổng, ham mê đá gà, thậm chí còn chơi “hàng đá”. Đạt vẫn muốn giúp O. giữ thai và sinh con, mặt khác lại đang vướng với mối quan hệ cùng một cô gái khác đã 5 năm, nên rất khó “danh chính ngôn thuận” khi đặt vấn đề cưới hỏi đối với O.

Đáng thương nhất là O., cô mới biết tin đậu vào trường ĐH Marketing TP.HCM, vẫn ngây thơ tin rằng Đạt sẽ chia tay “vợ hờ” để đến với mình. O. thật thà chia sẻ: “Anh Đạt nói sẽ bỏ cô gái ấy để cưới tôi, tôi phải giữ hai mầm sống đang lớn dần trong bụng mình, đó là kết quả tình yêu của tôi với Đạt”. Hỏi O. về tương lai sẽ ra sao khi còn trẻ mà phải làm mẹ, O. chỉ biết khóc: “Đến đâu hay đến đó, tôi chỉ biết rằng, không thể nhẫn tâm giết hai đứa con của mình”.

Bà Trần Thị Lệ, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Củ Chi cho biết: “Chúng tôi đã đến nhà của O. để vận động, thuyết phục gia đình chấp thuận cho O. giữ thai. Tuy nhiên, chỉ có mẹ của O. là xuôi theo hướng giữ thai, phía cha và các cô của O. vẫn chưa đồng ý. Việc O. bị người nhà “giam lỏng” và ép lên xe để đưa đến bệnh viện là sai. Chúng tôi cũng đã phân tích với gia đình về cách ứng xử và giải quyết vấn đề, cần phải nhẹ nhàng và đúng pháp luật. Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động”.

Hiện O. đã về ở tại nhà bà ngoại. Bà Lan cho biết, tối 31/7, có ô tô chở bảy người đến nhà bà và hỏi tên của con trai bà, sau đó lại bảo là “nhầm nhà” như một cách dằn mặt, khiến bà rất hoảng sợ. Riêng Đạt, vì sợ “giang hồ” kiếm, nên đã trốn bặt tăm, bà Lan không thể liên lạc được.

Người mang thai có quyền tự quyết

Hai bạn Đạt và O. đều đã trưởng thành, có quyền tìm hiểu nhau và đi đến kết hôn nếu có đủ các điều kiện kết hôn. O. năm nay 19 tuổi, đã đủ năng lực hành vi dân sự, có các quyền nhân thân và được pháp luật bảo vệ như quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể (điều 32 Bộ luật Dân sự (BLDS), quyền kết hôn (điều 39 BLDS), quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình (điều 41 BLDS)… Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ (khoản 6 điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình), làm mẹ là quyền tự nhiên và thiêng liêng của người phụ nữ nên được pháp luật và xã hội công nhận. Vì vậy, O. là người có quyền quyết định quyền làm mẹ của mình.

Cha mẹ nào cũng luôn thương yêu và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con của mình, tuy nhiên, không vì vậy mà có những quyết định thiếu tôn trọng con, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, đạo đức xã hội. Bởi làm như vậy là vi phạm quyền và nghĩa vụ của cha mẹ với con (điều 34 Luật hôn nhân và gia đình).

LS Lê Nguyễn Thuyền Quyên (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Theo Phunuonline