Home » , » Hiện hữu của các thai nhi - những sinh linh bất tử

Hiện hữu của các thai nhi - những sinh linh bất tử

Loạt bài chia sẻ của một vị linh mục
làm công việc mục vụ BVSS



Thưa cha con bị thai nhi con của con đeo đuổi, chọc ghẹo, con bị ám ảnh, ác mộng, làm ăn không được giờ phải làm sao? Thưa cha con đã bỏ đi đứa con vô tội của mình, giờ đây con phải làm thế nào? 


Đó là những hiện tượng về sự hiện hữu tích cực hay tiêu cực của các thai nhi mà bản thân tôi đã từng cảm nhận và nghe những người làm việc cùng tôi hay những nhân chứng khi phá thai nói lại. Nay nhân đọc bài của bạn Rita Nguyên về phá thai trị liệu (therapeutic abortion), tôi suy nghĩ và muốn nói lên những cảm nhận, những nhân chứng cho sự hiện hữu của các sinh linh thai nhi, đồng thời cũng muốn trình bày nguyên tắc Song Hiệu trong đạo đức sinh học mà tôi đã được học hỏi. Trong bài tôi sẽ đưa những hình ảnh khá mạnh về những thai nhi tôi đã đón nhận, đặt các cháu lên bàn tay của mình, xin các bạn chọn lựa trước khi xem.

Có người cho rằng thai nhi chưa phải là con người nên có thể bỏ đi. Có những thai nhi bị bỏ đi khi chưa thành hình người vì bác sĩ giải thích nó chưa phải là con người, nên có thể bỏ đi, họ cho uống thuốc thai nhi tự hủy. Có người cho rằng thai nhi chưa ra đời, chưa phải là người nên có thể bỏ đi khi thấy thai nhi có một dị tật hay là nghi ngờ dị tật nào đó. Có bác sĩ thực tế lại lý luận đẻ ra một đứa tật nguyền thi mình có thấy hạnh phúc không, bỏ đi đẻ đứa khác tốt hơn.... thế là các thai nhi trở thành nạn nhân, thành phương tiện có khi thành mục đích cho những tính toán của con người. Bỏ đi là hết, là xong chuyện, xong bao nhiêu rắc rối, những cản lối cuộc sống.

Tôi làm việc chôn cất các thai nhi và những người vô gia cư đến nay là 9087 được chôn cất, tôi hân hạnh trở thành người chăm sóc phần mộ của các em, tôi đã cảm nhận, đã nghe lời chứng của nhiều người về sự hiện hữu của các thai nhi. Nay tôi muốn viết lại để minh chứng điều ấy. Xin mời các bạn cùng chia sẻ những trải nghiệm vể sự hiện hữu thai nhi.

Các thai nhi là sự sống của con người toàn vẹn và là những con người, những sinh linh bất tử. Là con người toàn vẹn các em có yêu, giận, ghét, oán hận đó là bản tính của con người. Là con người có xác và hồn, xác là bụi đất còn hồn bất tử, sinh linh thai nhi cũng thế. Cũng như con người, chết không phải là hết, nhưng còn cả một thế giới sau cái chết mà chúng ta biết quá ít, những oán hờn hay những phù hộ của họ cho thế chúng ta. Các thai nhi cũng có những hiện tượng như thế cho những người còn sống đặc biệt là cho cha mẹ của các em.


THAI NHI CẤT TIẾNG GỌI AI OÁN GIỮA ĐÊM
"Tâm ơi về đi!"

Tôi vẫn có những cảm nhận về sự hiện hữu của các thai nhi khá mạnh, tôi thường cầu nguyện, nói chuyện, tâm sự với các em như cha với con, những gì tôi kêu cầu thường cũng hay được các em ủng hộ.

Trong nhà xứ Tây Hải tôi làm một căn phòng gọi là phòng thai nhi bằng nhôm kiếng, nền lót thảm. Trong đó có 2 tủ đông được trang trí lưu các thai nhi đợi Chúa nhật cuối tháng chôn cất. Trên tường tôi đặt tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh vì tôi nghĩ Đức Giêsu chịu chết vì tội lỗi con người, tội phá thai là tội xúc phạm đến sự sống, tội này rất nặng và bị vạ tuyệt thông không chỉ cho người trực tiếp phá thai mà cho cả người gián tiếp. Đặc biệt luôn có một ngọn đèn dầu loe lét bên cạnh tủ đông như là lời cầu nguyện thường xuyên của tôi và cũng muốn nhắc nhở về sự hiện diện của các thai nhi. Mỗi ngày vào sáng sớm tôi vào đó thắp nén nhang cầu nguyện, chúc các em ngày mới và xin các em cùng tôi làm việc trong ngày; tối về cũng thắp nén nhang cầu khấn cho các em được ơn giải thoát, cho cha mẹ các em được ơn sám hối và ơn tha thứ, cầu cho những người xin tôi cầu nguyện, cho các ân nhân cũng như của các em. Dù bận đến đâu tôi cũng làm thế từ ngày này sang ngày khác, từ năm này qua năm khác. Tôi yêu thương xem các em như con cái trong nhà, còn tôi là bố của chúng nên giữa chúng tôi không có sợ hãi mà chỉ có yêu thương và muốn điều tốt đến cho nhau, cho mọi người.

Một hôm cũng như bình thường 3g30 sáng tôi thức dậy, vệ sinh và lên nhà thờ cầu nguyện. Thói quen này tôi đã tập khi còn là đại chủng sinh. Tôi đang quỳ cầu nguyện, tôi nghe rất rõ tiếng người phụ nữ, người mẹ gọi con "Tâm ơi về đi!" Tiếng gọi phát ra từ khu để các thai nhi. Tiếng gọi nghe như người mẹ đi tìm con giữa đêm khuya, gọi đứa con đi chơi mau về nhà, nhưng rồi lại gọi trong vô vọng vì không thấy tiếng trả lời, không thấy đứa con về. Tiếng gọi càng ngày càng da diết xoáy vào hồn tôi "Tâm ơi về đi! Tâm ơi về đi!" Không phải một lần mà khoảng 30 lần như thế, càng ngày tiếng gọi càng xa dần và rồi tắt lịm trong đêm. Tôi tự hỏi điều gì đang xảy ra, sao lại có người mẹ gọi con trong đêm như thế, người con đó là ai mà để cho mẹ phải vất vả tìm gọi con giữa đêm trường?


Tôi chưa nghĩ đến đó là tiếng gọi ai oán mà chỉ nghĩ đó là một người mẹ đau khổ tìm gọi con giữa đêm khuya. Sáng ra tôi gọi mấy chú đang ở trong nhà xứ hỏi xem khuya sáng có người mẹ nào đi kiếm con mà lại gọi hoài câu: "Tâm ơi về đi!" Các chú ngủ ngay trên lầu, bên trên phòng thai nhi và gần đường đi khẳng định không nghe tiếng ai gọi như thế! Ngoài nhà thờ xa mà tôi còn nghe rõ nhiều lần gọi, thì không thể các chú ngay đó lại không nghe. Lúc đó tôi mới giật mình và trong đầu nghĩ đến tiếng gọi thai nhi. Tôi vào phòng thai nhi, mở tủ đông ra thấy trong đó có một thai nhi 6 tháng tuổi đã được tắm rửa, mặc đồ để trong hộp và chung quanh có khoảng gần 100 thai nhi vài tháng tuổi nữa. Tôi hoàn toàn trong tình trạng ý thức và thinh lặng lúc cầu nguyện đêm, tôi còn thầm cầu nguyện cho người mẹ khốn khổ giữa đêm phải đi tìm con. Không thể nào có chuyện nghe lầm được. Đó thực là tiếng thai nhi ai oán gọi, tiếng gọi da diết vọng lên, tiếng gọi đến từ thế giới khác mà đã có lúc tôi nghe được trong một lần trừ quỷ. Bây giờ ngồi cầu nguyện, ghi lại mà lòng tôi vẫn còn giữ tiếng gọi và vẫn có gì đó làm tôi dợn dợn người. Nhưng tiếng gọi ấy phát lên vì ai và muốn nói lên điều gì?


1. Thai nhi gọi TÂM về cho một thế giới không có TÂM: đó là tiếng gọi không phải cho người tên tâm mà là TÂM con người như có bạn đã bình luận. Tiếng gọi của những thai nhi vô tội gọi đến những người mẹ đã không còn TÂM. Tội lớn nhất của thời đại là "Không ý thức về tội lỗi", kể cả tội phá bỏ đi sự sống của người khác, của chính đứa con của họ. Đã mất ý thức thì về tội cũng sẽ mất ý thức về Thiên Chúa, về TÂM, lương tâm đã trở nên chai đá. Nếu bạn vào nơi phá thai bạn có thể thấy các em còn là học sinh mặc áo dài đi phá thai như đi chợ, bác sĩ phá thai cũng cười nói như không có chuyện gì xẩy ra. Tôi đã từng nhận những thai nhi của cha mẹ gửi đến với khuôn mặt lạnh lùng. Họ bỏ thai với lý do cuộc sống khó khăn, nó chưa phải là người, phá đi để lần sau sanh lại... Tâm ơi về đi phải chăng đó là tiếng gọi ai oán cho những người mẹ người cha, cho tất cả chúng ta đã phá bỏ thai nhi hay đã làm thinh trước những thực trạng này.


2. "Tâm ơi về đi" vẫn còn đọng lại trong tôi, tôi nghĩ đó là tiếng gọi của các thai nhi gọi cha mẹ của mình: "Xin để con lại! Đừng bỏ con mẹ ơi!". Có những thai nhi bị cắt ra từng mảnh, tôi đặt trên bàn tay của mình là nỗi đau xé lòng của các em "Tại sao mẹ lại bỏ con?". Có những thai nhi 7 tháng đầy máu thậm chí là 9 tháng tôi đã từng nhận và bế chúng trên bàn tay. Tôi thốt lên: Ôi đây là một con người! Cháu đã là người và ra đời cháu có thể sống bình thường, có mặt trên cõi đời này, nhưng giờ chỉ còn lại máu thịt và oan ức. Lúc ấy tâm hồn tôi tan nát, tôi không hiểu có lý do nào mạnh hơn sự sống của con người này. Tiếng ai oán "Tâm ơi về đi" cũng là tiếng gọi da diết kêu cứu nhưng vô vọng của thai nhi với cha mẹ, nhưng rồi không ai nghe và tiếng đó đi vào đêm đen, đi vào cõi hư vô. Hậu quả em bị lấy ra, bỏ vào trong bịch đen và trở thành rác thải.

3. "Tâm ơi về đi" có phải là tiếng của oan hồn khi các cháu bị chết đi đau thương, tức tưởi của các thai nhi bé bỏng thánh thiêng nhất, vô tội nhất. Bào thai không còn là kết quả của lời tỏ tình "Anh Yêu Em", "Không có anh em sẽ không sống được" mà là hậu quả của ghét bỏ, đạp đổ, xua đuổi, phá bỏ, thù hận. Hiện tượng đó sẽ quẩn ngược lại thành oan hồn, oán hận vì thai nhi cũng là một con người, có bản tính của con người là yêu thương, giận ghét, có ân trả ân có oán trả oán. Không lạ gì có những tình trạng thai nhi đeo đuổi làm tốt hay làm xấu cho người đã cưu mang hay làm hại. 

Làm công việc chôn cất các thai nhi không phải để lên án, kết tội nhưng sâu xa hơn vẫn là để xóa bỏ oán hận các ân oán, dành cho các em có nơi an nghỉ; cho cha mẹ các em có cơ hội sám hối, hoán cải đổi được kiếp nạn khi phá thai. Điều đặc biệt chúng ta nhắm tới là đưa các em vào lòng bàn tay Chúa vì sự sống thuộc về Chúa, thì nay dâng các em lên Chúa xin Mình và Máu Chúa cứu các em vì Chúa bảo "Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có CHÚA đón nhận con". (Tv 27,10). Chúa vẫn kêu lên "Ta Khát" (Ga 19,28) trên thập giá xưa và nay vẫn cháy khát lòng người. Xin Thánh Giá Chúa hóa giải oán hờn giữa người với nhau, giữa tội nhân với Chúa. Xưa trên thánh giá Chúa đã cầu nguyện "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." (Lc 23,34), thì nay xin cũng ban lời ấy cho cha mẹ và cho tất cả chúng ta.

TÂM ƠI VỀ ĐI một tiếng gọi mà tôi và bạn phải trả lời và trả lẽ. Đó vẫn là tiếng gọi của các thai nhi vào tâm hồn cha mẹ, đến tôi và các bạn, đến thế giới này, nhưng liệu tiếng ấy đi vào lòng người, lòng đời, vào các chính sách hay lại vào đêm đen ích kỷ, chia rẽ, thù hận và rồi tan loãng vào hư không mênh mông. 




THAI NHI TRÊN CHIẾC XE MÁY

Đây là câu chuyện kể về sự hiện hữu của các sinh linh thai nhi khi ông đi lấy và chôn các thai nhi. Ông và gia đình cùng chúng tôi làm nghĩa trang thai nhi, ông là nhân từ của sinh linh hiện hữu.

Chúng tôi đồng hành với một gia đình làm nghĩa trang thai nhi tự phát. Họ hoàn toàn do tình thương thúc đẩy muốn cho các em nơi an nghỉ trên cõi đời này, đồng thời lại thêm nội lực sâu xa của niềm tin dẫn dắt họ làm gì đó cho những sinh linh bé nhỏ ấy. Sau nhiều ngày thảo luận, gia đình họ thống nhất dùng mảnh đất rẫy gần 2ha cách xa nhà 12 km làm nơi an nghỉ cho các em. Ngày ngày người vợ (DS) đi lấy thai nhi từ các phòng khám về tắm rửa, cầu nguyện; sáng sáng người chồng và con trai đem ra rẫy chôn. Mỗi năm chúng tôi lên giúp xây, chỉnh trang lại các ngôi mộ bằng đất. Cứ vậy trong nhiều năm nay họ tận tuỵ và nhiệt thành trong công tác: lấy về - chăm sóc - cầu nguyện - đem đi chôn.


Câu chuyện xảy ra khi gia đình họ tích góp mua được chiếc xe máy mới cho ông đi từ nhà lên rẫy (nơi chôn cất các thai nhi) mỗi ngày. Một hôm mình ông trên chiếc xe máy chở 5 thai nhi đi chôn bình thường, những người đi cùng đường kháo láo lẫn nhau “Ông này chở nhiều con nít như vậy thế nào cũng bị công an phạt.” Ông cũng nghe lời cảnh báo đó nhưng nghĩ rằng họ nói về người khác, không phải nói về mình. Quả thật ông đi tiếp gặp một nhóm cảnh sát đang làm nhiệm vụ, họ chặn ông lại kiểm tra. Ông sợ họ hỏi giấy tờ xe, vì xe mới chưa có giấy tờ đầy đủ, xe mới mà đã bị kiểm tra và giữ lại thì thật không hay. Lạ thay họ không hỏi giấy xe mà lại đi quanh quanh xe ông vài vòng tìm kiếm gì đó như tìm kiếm vật quốc cấm vậy. Ông lấy làm lạ tự hỏi chuyện gì đang xảy ra, ông đi không sai phạm luật vậy mà lại bị gọi lại, trong đầu ông chỉ canh cánh về chuyện giấy tờ xe mọi chuyện khác ông không còn ý thức gì thêm. Ông bắt đầu thấy bất an, mặt ông biến sắc từ từ.

Sau cùng họ hỏi ông: “Ông chở con nít ông giấu chúng ở đâu rồi?” Câu hỏi của cảnh sát thật kỳ cục.

Ông trả lời: “Không, tôi không có chở ai hết, tôi đi một mình.” Ông nói thật, ông không nhìn thấy các em, ông cũng chưa ý thức về sự hiện diện của các em, ông dồn hết mọi quan tâm đến chuyện giấy tờ xe nên quên hết mọi chuyện đang âm thầm diễn ra.


Cảnh sát khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Tôi thấy rõ ràng ông chở nhiều con nít trên xe, ông giấu chúng ở đâu?” Không biết là vị cảnh sát này thấy các em thế nào, nhưng rõ ràng ông là một người làm vườn cục mịch chân chất, người già hơn tuổi, tướng người còm còm khắc khổ, thấy là thương rồi chứ còn muốn làm gì khó ông. Không thể nào vô lý chặn ông lại được vì ông không phạm luật giao thông.

Ông vẫn khẳng định trước sau như một với khuôn mặt rất chân thành: “Tôi đi một mình không chở ai hết, làm sao giấu được ai trên chiếc xe máy này!”

Cảnh sát đi quanh xe ông thêm vài vòng nữa lẩm bẩm: “ĐM Rõ ràng ông có chở trẻ con, vậy mà tìm không thấy”. Ông nghe rõ tiếng chửi thầm đó, bụng ông thấy yên tâm hơn, chỉ sợ họ lan sang chuyện giấy xe. Không thấy chứng cứ, vô lý, quê độ, họ chửi thầm rồi cho ông đi.

Ông thở phào nhẹ người, chỉ sợ hỏi giấy tờ xe thì rách việc. Ông tiếp tục lên xe đi. Khi đi được một đoạn, ông mới nhớ ra trên xe ông đang chở 5 thai nhi mới chỉ khoảng 1-3 tháng thôi. Trời ban sáng lạnh lạnh nhưng mồ hôi ông toát ra: Các thai nhi, các con ông đang trên xe cùng đi!

Sau khi cảnh sát không tìm thấy trẻ con nào, cho ông đi, ông thở phào nhẹ người, chỉ sợ hỏi giấy tờ xe thì rách việc. Ông tiếp tục lên xe đi. Khi đi được một đoạn, ông mới nhớ ra trên xe ông đang chở 5 thai nhi mới chỉ khoảng 1-3 tháng thôi. Trời ban sáng lạnh lạnh nhưng mồ hôi ông toát ra: Các thai nhi, các con ông đang trên xe cùng đi!


Ông chở các thai nhi đi, các em cùng đi với ông, ông không nhìn thấy, nhưng các em lại cho người khác và công an thấy đó là do các em muốn làm và ấy cũng là thông điệp cho họ cũng như cho gia đình ông. Việc làm của ông quá thường xuyên nên ông không ý thức, biết việc này là chính đáng, cần thiết, nhưng ông đâu có ngờ sự hiện hữu của các em lại sống động và thực như thế. Vừa sợ vì sự việc linh thiêng của các thai nhi, vừa thấy có lỗi vì đã chối bỏ các con, mồ hôi của sợ hãi và tội nghiệp đang hòa lẫn với nhau, ông loạng choạng tay lái xe mãi mới vào trong rẫy được và ngày hôm đó phải mất cả ngày để ông chôn 5 thai nhi vào một mộ nhỏ. Ông vui mừng và nhiệt huyết trào dâng lên trong long lòng, vì đâu phải là đơn thuần là việc nhân đạo mà thực sự ông ý thức việc của mình là việc làm có tính cách thánh thiêng và ông đang đụng chạm đến sự thánh thiêng đó.


Ông kể với tôi mà mặt ông vẫn còn thấy biến sắc. Tôi đã làm việc chung với gia đình ông nhiều năm, tôi biết ông không phải là người đưa chuyện, đặt chuyện, ông chưa nói dối tôi điều gì. Điều ông nói là sự thật. Việc chôn cất các em đã thành đề tài thảo luận nhiều trong gia đình ông, cuối cùng họ đều tin tưởng ở sự hiện diện của các thai nhi cho dù chỉ là giọt máu thì đã là sự sống con người, đã có linh hồn bất tử và nếu qua đời là sinh linh. Các thai nhi ông bà lấy về xem như là con cái trong gia đình cùng cầu nguyện cho các em. Việc tỏ ra của các em làm cho ông bà vững vàng hơn vào niềm tin của mình. Vì nhiều lý do tế nhị nên xin được ẩn danh gia đình ông bà và nghĩa trang này, các ngôi mộ đã được dán gạch bề mặt, nghĩa trang lát đường đi, có tường rào bao quanh chắc các em cũng ấm lòng.

Quả thật, chôn cất thai nhi không phải ai cũng làm được, không phải có đất là có thể làm được nghĩa trang thai nhi. Nhưng cần có tấm lòng, cao hơn nữa là có niềm tin thì mới có thể làm được. Phần mình, tôi vẫn tin vào sự hiện hữu của các sinh linh thai nhi. Vì yêu mến các em, tôi đón nhận về, dâng lễ cầu nguyện cho các em, các em mới cho tôi làm và trở thành người chăm sóc phần mộ các em. Đó là việc của tấm lòng và tôi luôn ý thức đó là việc có tính cách thánh thiêng.


Bạn thân mến! Các em không phải là giọt máu hay cục thịt nhưng rất thánh thiêng và linh thiêng. Viết ra những điều này mong rằng chúng ta tôn trọng các em, cho các em tấm lòng và đừng để sự linh thiêng đó bị xúc phạm, lợi dụng và trở nên oan hồn quẩn ngược lại thành oán hận. Tôi không kết tội những người phá thai vì tôi cũng là tội nhân cần phải được rao giảng Tin Mừng về thống hối và ăn năn để được ơn tha tội, nhưng tôi muốn làm chứng nhân về sự hiện diện linh thiêng của các thai nhi. Nên nếu các em có bị bỏ đi, xin cho chúng tôi xin để chúng tôi đơn giản là dâng lễ cầu nguyện và dành cho các sinh linh ấy nơi an nghỉ, thì bản thân các em được cư xử như một con người bình đẳng, cha mẹ hay những người xúc phạm đến sự sống của các em cũng có cơ hội lãnh nhận lời tha thứ, lời hoá giải oán hận.

Còn những ai đã mang thai, xin để các em lại, chúng tôi có bến tạm dành cho người mẹ và con của họ tạm lánh, tất cả đều được yêu thương, trân trọng và bình an mạnh khoẻ chào đời tốt đẹp. Nếu vì sợ không dám để lại chắc tôi và bạn đã không có mặt trên cõi đời này, cho nên đừng sợ, có nhiều người bên cạnh giúp bạn cưu mang, nuôi dưỡng các cháu giúp những người mẹ trong cảnh khó khăn. Bạn và tôi trở thành bến tạm chăm sóc sự sống cho các thai nhi và những người cơ nhỡ trên cõi đời này thôi.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch
Chính xứ Tây Hải - hạt Hố Nai - giáo phận Xuân Lộc


Theo những chia sẻ trên facebook của ngài

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét