Đôi dòng tâm sự của blog:
Xin giới thiệu tới độc giả một bài viết về tình trạng nạo phá thai của giới trẻ, được đăng trên 1 tờ báo lề phải. Thường thì những bài viết dạng này hay nhắc đến 4 chữ "tình dục an toàn", mà theo họ là cần giáo dục giới trẻ về các biện pháp phòng tránh khi quan hệ tình dục. Như thế, mới chỉ giải quyết được phần ngọn: cho phép giới trẻ quan hệ tình dục trước hôn nhân nhưng phải bảo đảm "an toàn", mà quên mất cái gốc rễ là cần phải chiến thắng bản năng và xác thịt. Cái rễ vẫn còn thì dù có cắt cái ngọn thế nào thì vẫn không ăn thua. Một khi đã yên tâm về cái bao cao su, các bạn trẻ sẽ coi đó như cái "bùa hộ mệnh", và coi việc có thai (không có biện pháp tránh thai nhân tạo nào bảo đảm an toàn 100%) như là một rủi ro, thai nhi sẽ trở thành một "cục nợ" chứ không còn là hoa trái của tình yêu nữa. Đương nhiên, họ sẽ phá thai, vì đứa bé là "cục nợ".
Và sau đây là bài viết được đăng trên báo Quảng Bình Online, một bài viết không đi theo lối mòn mà thực sự đúng đắn.
Và sau đây là bài viết được đăng trên báo Quảng Bình Online, một bài viết không đi theo lối mòn mà thực sự đúng đắn.
Tình trạng nạo phá thai ở giới trẻ hiện nay là một vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nạo phá thai không còn là chuyện riêng của mỗi người mà được coi là hành động phi đạo đức, thậm chí cao hơn là tội ác giết người. Rất nhiều quốc gia đã ban hành luật chống nạo phá thai. Nhưng trên thực tế, số liệu về những ca nạo phá thai vẫn không có dấu hiệu khả quan.
Việc giới trẻ sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân, có thai, phá thai trở thành một vòng tròn khép kín giống nhau ở khá nhiều người. Họ quan niệm rằng thai nhi chưa là người nên không có quyền con người. Lối suy nghĩ đó đã khiến cho hàng triệu sinh linh bé nhỏ bị tước đoạt đi quyền sống khi chưa nhìn thấy ánh mắt trời. Chuyện trẻ yêu sớm ngày càng phổ biến và đang trở thành nỗi lo của không ít bậc phụ huynh.
Thực trạng
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, tình trạng nạo phá thai cũng đang tăng theo trong giới trẻ chưa lập gia đình, chiếm gần 30% tổng số ca phá thai. Đặc biệt, có tới 53% phá thai muộn, không an toàn và phá thai trên 1 lần, cũng không thiếu những bạn nữ là học sinh, sinh viên đã hai lần chối bỏ đứa con của mình.
Tình trạng phá thai chung ở nữ giới nước ta cũng rất cao. Theo GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM, thực trạng nạo phá thai rất đáng lo ngại. Mỗi năm, tại Việt Nam, có khoảng 700.000 phụ nữ nạo phá thai. Riêng ở TP.HCM, với khoảng 7 triệu dân, mỗi năm có khoảng hơn 100.000 ca sinh, nhưng số ca nạo phá thai cũng tương đương.
Tại bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm tổng số sinh khoảng 45.000 người nhưng nạo phá thai hơn 30.000 người. Cả nước có 5% em gái sinh con trước 18 tuổi và 15% sinh con trước 20 tuổi, trong đó số thanh niên chưa lập gia đình chiếm khoảng 30%. Dù tất cả các trường hợp đến phá thai đều được tư vấn, nhưng vẫn có rất nhiều người quay trở lại phá thai lần hai... Còn tại khoa KHHGĐ-Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trung bình mỗi năm có từ 12.000-15.000 ca nạo hút thai. Trong số các ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên có 60-70% là học sinh, sinh viên.
Con số nạo phá thai thật đáng báo động. Vấn đề này không chỉ nhức nhối ở thực trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, mà còn ở tình trạng phá thai chung trong nữ giới nước ta cũng rất cao. Theo số liệu từ Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình, Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trung bình mỗi ngày có 20 ca nạo phá thai, trong đó 30-40% người phá thai là các bạn học sinh, sinh viên và công nhân.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nạo phá thai, trong đó trước hết xuất phát chính từ giới trẻ. Giới trẻ hoặc thiếu kiến thức, hoặc không làm chủ được mình, hoặc thích cuộc sống hưởng thụ, buông thả, không tôn trọng chuẩn mực đạo đức của cộng đồng hay luật lệ của tôn giáo. Và có vô vàn các lý do được các bạn trẻ đưa ra để ngụy biện cho hành động của mình.
Về phía gia đình, với sự phát triển của nền kinh tế, cha mẹ mải mê theo công việc nên ít có thời gian để chăm sóc con cái. Nhiều gia đình phó mặc con cho nhà trường và xã hội, đến khi phát hiện con mình có thai thì đã muộn. Cha mẹ cũng ngại chia sẻ kiến thức giới tính cho con cái, chưa trở thành người đồng hành để chia sẻ. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, các cơ sở y tế tư nhân, thậm chí ngay tại các bệnh viện phụ sản cũng coi chuyện phá thai là chuyện rất bình thường. Các cơ sở y tế tư nhân thì “cổ vũ” cho chuyện phá thai, còn trong các bệnh viện, việc các y bác sĩ, động viên, tư vấn, khuyên can người phá thai là rất ít.
Hậu quả
Việc nạo phá thai để lại hậu quả không những cho sức khỏe, tâm lý mà còn ảnh hưởng cả về tương lai và chất lượng giống nòi. Đối với sức khỏe, nạo phá thai rất dễ dẫn đến hậu quả nguy hiểm cho các chị em phụ nữ, nhất là giới trẻ, như: vô sinh do tắc dính vòi tử cung, tắc vòi trứng... Và rất nhiều bạn trẻ, sau khi nạo phá thai đã vĩnh viễn không bao giờ được làm mẹ nữa.
Mặt khác, việc nạo phá thai làm cho tâm trí của người mẹ không những bị ám ảnh mà còn sợ hãi, trầm cảm, hoang mang. Nạo phá thai vừa làm tổn thương rất lớn cho người phụ nữ sau khi lập gia đình, vừa làm cho họ luôn cảm thấy mặc cảm do những vết thương mà mình đã gây ra. Nạo phá thai đã không những không giải quyết được những khó khăn của người phụ nữ và gia đình, mà còn mở ra một vết thương khác trong lòng xã hội của chúng ta vốn đã phải đang gánh chịu nhiều điều đau khổ.
Giải pháp
Về phía giới trẻ
Mỗi bạn trẻ chúng ta phải trang bị kiến thức giới tính cho mình. Không nên tự tìm hiểu qua bạn bè thiếu kiến thức hay qua những thước phim không lành mạnh, không nên coi thường việc giáo dục giới tính. Các bạn trẻ có thể đến các trung tâm tư vấn có uy tín hoặc nhờ những người hiểu biết giúp đỡ. Đồng thời, các bạn nên giữ ranh giới với người khác phái, nhất là các bạn đang yêu. Người xưa thường nói: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” hay “ Khôn ba năm dại một giờ”. Các bạn trẻ nên tham gia các đoàn hội, tạo một sân chơi lành mạnh và nói không với việc nạo phá thai.
Về phía gia đình
Trước tiên, gia đình phải là chỗ dựa vững chắc cho con cái, đặc biệt là ở độ tuổi mới lớn các em cần sự quan tâm nhiều hơn về việc giáo dục về giới tính, nhất là vai trò của người mẹ trong việc giáo dục con gái trước ngưỡng cửa của tuổi dậy thì. Cha mẹ cần đóng vai trò không chỉ là người thầy mà còn là người bạn thân để con cái tin tưởng chia sẻ những điều khó nói...
Về phía xã hội
Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn nữa cho vị thành niên/thanh niên vì lợi ích của chính các em. Các em được học hành và khỏe mạnh sẽ có nhiều cơ hội để phát huy hết tiềm năng của mình, đồng thời sẽ có nhiều cơ hội để nhận các quyền mà mình được hưởng. Các em có thể tự giúp mình và gia đình của mình thoát khỏi đói nghèo. Các em sẽ chính là động lực tạo ra những sự thay đổi cho cộng đồng và cho thế hệ tương lai.
Tăng cường việc đưa giáo dục giới tính vào nhà trường, vào sinh hoạt vui chơi. Đồng thời, cần có biện pháp ngăn chặn nạo phá thai trái phép. Đó sẽ là một "lá chắn" quan trọng trong việc đưa các em thoát khỏi viễn cảnh phải làm mẹ sớm.
Chúng ta cần nhìn các bạn đã nạo phá thai đáng thương hơn là đáng trách. Cần tăng cường hơn nữa về giáo dục giới tính, đó là giảng dạy, mở các khóa tập huấn, nói chuyện chuyên đề, tư vấn, phát các tờ rơi, tờ bướm, tổ chức hội thảo cho sinh viên, học sinh về giáo dục giới tính, về SKSS, SKTD và giới thiệu sự mầu nhiệm của sự sống, làm sao để chính các bạn trẻ đó nhận thức được vấn đề, và không bị rơi vào thảm họa.
Nguyễn Thị Ngọc Hà
PGĐ Sở Y tế-Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh Quảng Bình
Nguồn: Báo Quảng Bình