Home » » Nghĩa trang của những vần thơ cho thai nhi

Nghĩa trang của những vần thơ cho thai nhi


[HVĐHDC] Chiều chủ nhật trong nghĩa trang lặng lẽ, Liệm xác con tại phần mộ đồng nhi, Cha mẹ đâu sao con chẳng thấy, Vứt bỏ con rồi cha mẹ có hối hận không…

>> Viếng "nghĩa địa nấm"
>> Con ơi, mẹ xin lỗi...
>> Nơi gặp nhau của lương tri và sự hổ thẹn
>> Người đàn ông thích làm bạn với... các linh hồn



Trời mưa tầm tã suốt một quãng đường dài, con đường mới làm có mấy năm mà sao đã xuống cấp trầm trọng, nhiều đoạn đường đã lột hết phần nhựa để trơ ra phần đất gồ ghề trơn trượt hết sức nguy hiểm... Mãi rồi tôi cũng đến được thành phố Buôn Ma Thuột vào lúc 11 giờ đêm.


Đêm dài thêm mãi trong trằn trọc vì lòng cầu mong cho ngày mai quang tạnh, để tôi có thể sắp xếp được một chút thời gian trong chuyến công tác mà viếng thăm Nghĩa Trang Đồng Nhi tại thành phố cao nguyện cho thỏa tâm nguyện bấy lâu.

Thật may, sáng hôm sau, nắng đã lên xua tan những lo lắng trong lòng. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của chị Ngọc Lan. Tôi dễ dàng tìm đến Nghĩa Trang Đồng Nhi thuộc Giáo Xứ Thánh Tâm. Vào đến cổng, tuy trời còn sớm, nhưng điều đập vào mắt tôi trước tiên là có rất nhiều những nén nhang đã được thắp sáng tỏa thơm ngào ngạt trên những ngôi mộ nhỏ bé. Trên phần mộ nào tôi cũng thấy những bông hoa đủ màu rực rỡ xua bớt đi cái u ám thường thấy nơi những bãi tha ma mộ địa.



Nghĩa trang này xây dựng cách đây cũng mấy chục năm rồi, để chôn những người đã khuất trong Giáo Xứ. Hiện nay, khi bước vào, bất cứ ai cũng có thể nhận ra ba phân khu riêng biệt để an táng các thai nhi bị trục phá trong thành phố cao nguyên.


Chỉ riêng vài năm nay, khi những thai nhi đầu tiên được chôn cất tại đây cho đến giờ, số các thai nhi đã nhiều gấp trăm lần số người chết mấy mươi năm cộng lại.

Sau những phút cầu nguyện, tôi lặng lẽ đi từng ngôi mộ của các thai nhi, tôi gặp một thanh niên đang cắm nhang và sửa sang những cành hoa. Hỏi thăm, anh cho biết tên anh là Tèo, một người không có đạo, làm công việc chăm sóc những phần mộ này đã ba năm nay mà không bao giờ đòi hỏi một chút công xá hay thù lao, tất cả chỉ là thiện nguyện. Câu trả lời của anh thật giản dị như con người đơn sơ của anh vậy: “Thấy các em tội nghiệp quá”. Thậm chí xin chụp một tấm hình với anh để làm kỷ niệm anh cũng không bằng lòng.

Người tôi gặp tiếp theo là chị Hà. Hằng ngày, chị nhận quét dọn khu nghĩa trang này. Chị cho tôi biết, ngày nào cũng vậy, nghĩa trang này đón nhận từ 30 em trở lên, lớn có, nhỏ vài tuần tuổi có, mỗi phần mộ khi chôn một em lớn thì kèm thêm 4 hay 5 em nhỏ. Chúa ơi, cái thành phố của ly cà phê “Buồn Muôn Thuở” bé tí teo này mà con số hằng ngày đã là vậy, huống chi những thành phố lớn khác như Sàigòn, Hà Nội… đầy rẫy chuyện tự do luyến ái, cộng thêm những ăn chơi sa đọa thì con số còn kinh khủng đến mức nào.

Lần đầu tiên được viếng thăm Nghĩa Trang Đồng Nhi, tôi được nhìn ngắm rất nhiều những tấm bia trang trọng, không tên tuổi, chỉ có ngày lập mộ, chỉ có tên các ân nhân, thi thoảng mới có cái ghi thêm tên cha mẹ. Không một di ảnh trên mộ chí, chỉ có những con số, ngày tháng lạnh lùng…



Nhưng điều làm tôi bất ngờ nhất là có rất nhiều những bài thơ được khắc trên các ngôi mộ bé tí, những bài thơ như những dòng tâm sự nghẹn ngào làm xúc động người viếng thăm. Những bài thơ rất thật, đơn sơ giản dị đến đắng lòng. Những vần thơ như đôi bàn tay nhỏ bé chắp vào nhau khẩn cầu với chính người đã tác tạo nên hình hài của các cháu. Vậy là rồi đây, cũng thật là éo le, trong lịch sử thi ca Việt Nam sẽ phải có thêm một phân đoạn mới, phân đoạn thơ ca dành cho các thai nhi này.


Con mong mở mắt để được nhìn cha mẹ
Sao cha mẹ nỡ lòng lại vứt bỏ con đi
Đứa con này không tủi hổ cha mẹ đâu
Con xin cha mẹ, ngàn lần xin cha mẹ.

Nghe cay đắng quá, nghe mà lòng thấy quặn đau. Và ở đây, chúng ta có thể thấy được một tội ác dã man mà nhân loại đã đối xử với những thai nhi này. Cho chúng ta thấy một thế hệ mà lương tâm, tính bản thiện của người đời đã ra chai đá, lạnh lùng...

Thân xác con lấy ra từng mảnh vụn
Có khóc có thương cũng chẳng được gì
Một vết thương vô cùng đau đớn
Lỗi lầm này cha mẹ mãi không quên.

Hay như những lời thở than cầu cứu trong vô vọng, một tiếng kêu cháy lòng nỗi oan khiên khi thần chết đến mà vô phương chống đỡ, chỉ mong chờ vào tình thương ruột rà của người mẹ, người cha nhưng cũng chẳng được dù chỉ là chút hy vọng mong manh.

Con muốn sống nhưng cha mẹ không cho sống
Khóc thương phận mình nào tủi hổ ai đâu
Tuy bé nhỏ không có sức chống đỡ
Cha mẹ không sinh mà hủy diệt con đi.

Những câu hỏi của các em vang lên chờ đợi với niềm tin tuyệt vọng, những câu hỏi còn bỏ ngỏ đó như muốn biết rằng tại sao em phải chết, có còn đau xót nào hơn ?

Con đã chết vào ngày kính Thánh Gioan tiền sứ
Đã làm người nhưng chẳng được sinh ra
Cha mẹ ơi con có tội tình gì
Không đón nhận còn phân thây trăm mảnh.

Quang cảnh đìu hiu của một trời chiều lặng lẽ được khắc lên bia đá như để người xem phải chịu lấy một tâm tư nặng trĩu đầy oan trái của một kiếp người chẳng được sinh ra. Hình ảnh thật buồn, thật ảm đạm cho lòng người phải se thắt.

Chiều thứ bảy mưa rơi tầm tã
Nghĩa trang buồn vắng lặng đìu hiu
Liệm xác con lòng buồn ray rứt
Nói gì đây hết tội lỗi thế gian.



Những lời thơ trách móc giận hờn nghe thật trẻ con, chẳng phải để đòi hỏi một món đồ chơi trong tiết Trung Thu vĩnh cửu này, nhưng cũng chứa đựng cả là một ước vọng tủi nhục lớn lao, chứa đựng bao tâm tư nhọc nhằn của thân phận mình. Chỉ một nén nhang thôi nhưng cũng không thỏa được tâm nguyện. Có buồn tủi nào hơn cho em ?


Con cha mẹ không duyên không phận
Được làm người ở với mẹ cha
Sao cha mẹ không thương không xót
Một nén nhang cha mẹ cũng không cho.

Thân phận lạc loài nên cái chết cũng bơ vơ côi cút. Không người thân, không cả mẹ cha, không có tiếng trống ru hồn mà chỉ có những giọt lệ lăn dài quyện lẫn với mồ hôi của những người thiện nguyện đưa em về chốn vĩnh hằng.

Chiều chủ nhật nghĩa trang buồn lặng lẽ
Liệm xác con tại phần mộ đồng nhi
Cha mẹ đâu sao con chẳng thấy
Vứt bỏ con rồi cha mẹ có hối hận không.

Và tâm sự của những ân nhân, tâm sự của những con người thiện nguyện đơn sơ như anh Tèo, chị Hà, chị Ngọc Lan tại nghĩa trang này. Niềm tâm sự ấy đã vang lên như tiếng chuông cảnh báo, nhưng chẳng đọng lại bao nhiêu giữa cái xã hội nghiệt ngã chỉ còn có biết coi trọng đồng tiền, còn tình người thì chỉ là một cơn gió thoáng qua.

Tôi khóc thương những sinh linh bé nhỏ
Tội tình gì mà phải bị phân thây
Dẫu cha mẹ có khóc thương đi nữa
Con có lỗi gì cha mẹ bỏ con đi.

Trong cái oan nghiệt tột cùng đớn đau ấy, tâm hồn trẻ thơ vẫn trắng tinh, thanh khiết như bản chất mà Thiên Chúa đã phú ban cho các em. Cái giá phải trả cho dù đau thương không bút nào tả xiết, vẫn một lòng tha thứ cho mẹ cho cha, vẫn cầu xin lượng hải hà của Thiên Chúa thứ tha cho cha mẹ, thứ tha mọi lỗi lầm cho những bàn tay đã vấy máu các em.

Thật là oái oăm, thật là xót xa đau đớn!
Khi biết được cha mẹ quyết bỏ con
Trong bụng mẹ, con rơi nước mắt
Khóc van xin nhưng cha mẹ không tha.

Cuối cùng rồi con giã từ cha mẹ,
Con ra đi và ra đi mãi mãi
Nỗi đau này cha mẹ mãi không quên,
Con xin Chúa thứ tha cho cha mẹ.

Mong cha mẹ đừng làm nên tội nữa
Và ăn năn xin Chúa thứ tha.
Con cũng đã không oán hờn cha mẹ
Và mãi mãi con không oán giận.

Và đây, tấm lòng bao dung tuyệt đối của Chúa Cha nhân hậu, lời kêu gọi thiết tha ăn năn sám hối, lời kêu gọi tình yêu, lời kêu gọi Bảo Vệ Sự Sống và Ngài chờ đợi chúng ta một lời đáp trả cho tình yêu bao la của Ngài, chờ đợi chúng ta từng giây, từng phút quay về với lương tâm trong sạch, với tình người trong trách nhiệm mẹ cha.

Thiên Chúa của con giầu lòng nhân ái
Sẽ tha thứ lỗi lầm cha mẹ đã gây nên
Nhưng Chúa muốn cha mẹ ăn năn thống hối
Tội lỗi mình sẽ được Thiên Chúa thứ tha.

Cả một rừng thơ, cả một trời câm nín, vượt ra ngoài những quy luật của thơ ca chỉ trong một Nghĩa Trang Đồng Nhi nhỏ bé, cũng đủ cho chúng ta thấy một tội ác cần phải được loại trừ ra khỏi xã hội hôm nay: Tội ác nạo phá thai.

Những vần thơ đắng lòng cho tất cả những ai có dịp viếng thăm những ngôi mộ đồng nhi bé bỏng. Còn rất nhiều những bài thơ trên các phần mộ này, mỗi bài là cả một tâm sự khát khao, mỗi bài là một thân phận khác nhau nhưng lại có chung một nỗi đau bị khước từ quyền sống, Tôi cũng không thể đếm hết, đọc hết những bài thơ ấy chẳng phải vì thời gian hạn hẹp mà vì lòng đã quá xót xa, mắt đã mờ đi vì cảm xúc cứ mỗi giây mỗi phút chực tuôn trào.

Tôi rời khỏi nghĩa trang, nắng đã lên cao rọi những sắc màu lung linh trên những cánh hoa nhỏ bé, khói hương cũng dần tàn, nhường chỗ cho một ngày mới trên cao nguyên, trong khi đó, chiếc máy ủi vẫn đang hối hả tiếp tục san bằng một khu lớn khác để chuẩn bị cho những phân khu kế tiếp đón nhận các thai nhi. Ra đến cổng, anh tài xế, một người ngoại đạo nói nhỏ bên tôi: “Xã hội ngày nay thật là tội lỗi !”

Cũng xin đúc kết bài viết này bằng vài vần thơ nho nhỏ như một nén nhang lòng cháy mãi cùng các thai nhi.

Tôi viếng thăm em một ngày nắng đẹp
Nhưng trong lòng đọng mãi một niềm đau
Niềm đau ấy cứ lớn lên như dấu hỏi
Thao thức hoài em phải chết vì ai ?

Vì mẹ vì cha không còn dũng cảm
Đón nhận em vào đời mê mải công danh
Vì lương tâm những con người chai đá
Kiếm đồng tiền trên sinh mạng trẻ thơ.

Chết vì tôi và những người khác nữa
Giữa dòng đời hèn nhát chẳng đấu tranh
Tiếng lương tâm chưa một lần thức tỉnh
Ai oán một đời vẫn mãi ngủ yên.

Muốn nói với em cả ngàn lời xin lỗi
Muốn nói với em cả vạn lời thứ tha
Muốn nói với em cả một trời tha thiết
Và nói với mình sẽ mãi không quên...




Đaminh PHAN VĂN DŨNG
Buôn Ma Thuột 10.9.2010

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét