Theo Đức Thánh Cha, một trong những cội rễ thâm sâu của sự mâu thuẫn trên đây chính là quan niệm sai lầm về tự do. Đức Thánh Cha viết như sau: “[…] sự tự do sẽ tự-chối-bỏ, tự-huỷ-diệt và chuẩn bị loại trừ người khác khi nó không còn nhận biết và tôn trọng mối liên kết của nó với chân lý. Mỗi khi tự do muốn thoát khỏi truyền thống và quyền bính, khước từ ngay cả những ánh sáng hiển nhiên của một chân lý khách quan và phổ quát là nền tảng của đời sống cá nhân và xã hội, thì lúc đó con người sẽ không nhìn vào chân lý về thiện và ác như là tiêu chuẩn duy nhất và chắc chắn cho những chọn lựa của mình nữa, mà chỉ biết có mỗi ý nghĩ chủ quan và hay thay đổi của mình, hoặc những quyền lợi ích kỷ và sở thích thất thường của mình mà thôi.” (Tin Mừng Sự Sống, 19).
Giáo huấn trên đây của Đức Thánh Cha nêu bật mối liên kết giữa yếu tố nòng cốt trong luân lý, đó là lương tâm tự do và tiêu chuẩn khách quan về thiện và ác.
1. Nhiều người ngày nay cho rằng lương tâm càng được tự do hơn khi nó không còn tuân theo bất cứ tiêu chuẩn luân lý khách quan nào. Nói cách khác, người ta cho rằng tự do sẽ bị hạn chế nếu nó phải tùng phục những tiêu chuẩn khách quan. Nói chung, quan niệm thông thường của nhiều người về tự do vẫn là: tự do là muốn làm gì thì làm, và tự do lương tâm có nghĩa là không tuân theo bất cứ một tiêu chuẩn khách quan nào về thiện và ác.
1. Nhiều người ngày nay cho rằng lương tâm càng được tự do hơn khi nó không còn tuân theo bất cứ tiêu chuẩn luân lý khách quan nào. Nói cách khác, người ta cho rằng tự do sẽ bị hạn chế nếu nó phải tùng phục những tiêu chuẩn khách quan. Nói chung, quan niệm thông thường của nhiều người về tự do vẫn là: tự do là muốn làm gì thì làm, và tự do lương tâm có nghĩa là không tuân theo bất cứ một tiêu chuẩn khách quan nào về thiện và ác.
Thật ra, khi chối bỏ mọi tiêu chuẩn khách quan về thiện và ác, con người sẽ không còn hành động theo lương tâm, mà theo cảm tính, theo đam mê hay những gì có lợi cho mình. Hành động như thế là con người chối bỏ lương tâm của mình, hay đơn thuần không hiểu thế nào là lương tâm, bởi vì lương tâm là khả năng thẩm định tính luân lý của một hành động, nghĩa là thẩm định một hành động là tốt hay xấu .
2. Không có ý niệm nào về thiện và ác, không chấp nhận một tiêu chuẩn nào về thiện và ác, con người sẽ đặt mình làm tiêu chuẩn tối hậu. Chúng ta có thể so sánh người đó với chiếc địa bàn. Kim địa bàn vốn phải luôn hướng về phương bắc. Chối bỏ mọi tiêu chuẩn khách quan về thiện và ác, thì cũng giống như kim đồng hồ của một địa bàn, thay vì chỉ về hướng bắc, nó lại bắt hướng bắc quay về phía mình.
Ở đây chúng ta thấy ý nghĩa của sự sa ngã của ông bà nguyên tổ loài người. Hai ông bà muốn tự mình quyết định về thiện và ác. Hai ông bà muốn đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa, nghĩa là không muốn chấp nhận một quyền bính nào ở bên ngoài và ở trên mình. Đây là hình thức tôn thờ ngẫu tượng nguy hại nhất, đó là tôn thờ chính mình. Khi con người từ khước quyền bính ở trên mình, khi con người tự đặt mình làm tiêu chuẩn tối hậu cho mọi hành vi của mình, khi con người muốn tự mình quyết định về tính cách luân lý của những hành vi của mình, đó là lúc con người chối bỏ Thiên Chúa. Mà chối bỏ Thiên Chúa cũng là chối bỏ chính mình, vì con người chỉ là con người trọn vẹn khi lệ thuộc vào Thiên Chúa. Trong số 19 của thư luân lưu Tin mừng sự Sống, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II vạch trần cái quan niệm sai lầm về “ chủ thể ” của con người thời đại. Ngày nay người ta cho rằng: chỉ là chủ thể có quyền lợi khi người đó có sự tự trị hoàn toàn, nghĩa là không lệ thuộc vào người khác. Một thai nhi còn trong bụng mẹ, một em bé chưa thể tự quyết mà còn lệ thuộc vào người mẹ hoặc người chung quanh, theo họ, thì chưa phải là một chủ thể có đầy đủ mọi quyền lợi. Mà vì là một chủ thể còn lệ thuộc vào mẹ và chưa có đầy đủ quyền lợi, cho nên người mẹ có toàn quyền trên nó, nghĩa là người mẹ có quyền phá thai. Sự sai lạc ở đây hệ tại ở chỗ cho rằng con người chỉ là chủ thể thực sự khi nó hoàn toàn độc lập. Thật ta, chẳng ai là chủ thể hoàn toàn độc lập, nhưng mọi người đều có những tương quan lệ thuộc hỗ tương. Đàng khác, tuy mới là một con người-đang-hình thành, thai nhi đã là một nhân vị và, do đó, đi vào tương quan liên vị. Khi chối bỏ mọi tương quan liên vị, con người đương nhiên đặt mình làm tiêu chuẩn tối hậu của mọi sự. Một quan niệm như thế sẽ tiêu diệt mọi cuộc sống xã hội, bởi vì mỗi người sẽ phán đoán và hành động theo ý riêng, theo đam mê và quyền lợi riêng tư của mình mà thôi.
3. Trong thực tế, con người không thể sống cho ra người nếu chối bỏ mọi thứ tiêu chuẩn khách quan và các quan hệ với người khác.
Cả thế giới ngày nay đều chấp nhận cái đồng hồ Big Bell treo trước Trụ sở Quốc hội Anh quốc làm tiêu chuẩn để chỉnh giờ giấc. Trong đời sống luân lý, chúng ta cũng cần một thứ Big Bell để làm chuẩn. Một người có lương dân có thể nghe theo tiếng nói lương tâm của mình, nhưng người đó sẽ vô cùng bối rối khi phải điều chỉnh lương tâm của mình. Họ phải dựa vào đâu để điều chỉnh lương tâm của mình? Đâu là tiêu chuẩn mà họ phải dựa vào để mà phán đoán về tính luân lý của các hành vi của mình? Còn đối với một người công giáo, thì câu trả lời hẳn đã rõ ràng: giáo huấn của Giáo hội chính là tiêu chuẩn chắc chắn và đầy uy thế giúp họ phán đoán về tính luân lý của những hành vi và điều chỉnh lương tâm của mình.
Ai cũng muốn các quyết định của mình đem lại những kết quả chắc chắn. Con người ngày càng áp dụng những kỹ thuật tân tiến để đạt được những kết quả tối ưu trong mọi lãnh vực. Các nhà doanh nghiệp dựa vào máy vi tính để được chắc chắn hơn về kết quả của một dự án. Ngay cả một em bé tiểu học cũng tin vào chiếc máy tính của mình. Xem ra con người tin ở máy móc hơn là tin vào bộ óc chậm chạp của mình. Điều nầy cũng có thể đúng trong lãnh vực luân lý. Ai cũng muốn được chắc chắn về những kết quả do quyết định của mình. Không gì thiếu khôn ngoan và liều lĩnh cho bằng khi quyết định một cách mù quáng, nghĩa là không hề đoán trước được những hậu quả của những quyết định ấy. Thế nhưng, con người không thể có một trí khôn quán xuyến và không sai lầm khi quyết định, nhất là trong lãnh vực tâm linh và luân lý. Trong lịch sử nhân loại, chỉ có một trí khôn duy nhất không hề sai lầm, đó là trí khôn của Chúa Giêsu. Là Ngôi Lời, là Lời nhập thể, Người đến để mặc khải cho con người biết nó là ai và những tương quan của nó với Thiên Chúa, với tha nhân và vũ trụ. Mặc khải do Người trao ban là chung cục. Sống theo lời mặc khải ấy, con người không thể lạc lối.
Tóm lại, để đào luyện một lương tâm đúng đắn, người kitô hữu cần dựa trên những tiêu chuẩn luân lý khách quan, đó là chân lý mặc khải và giáo huấn về luân lý của Giáo hội.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lừng
Theo website Giáo phận Phan Thiết