Đức thánh cha Gioan-Phaolô II đã nói về thư luân lưu Tin Mừng sự sống của Người như một bài suy niệm về sự sống đứng trước nền văn hoá chết chóc đang lan tràn trên thế giới với nạn phá thai và giúp an tử. Đàng sau sự chết chóc mà nền văn hoá thời đại đang cổ xúy, người ta thấy một cái chết khác còn trầm trọng hơn, khủng khiếp hơn, đó là cái chết của lương tâm con người. Thật thế, lương tâm của con người thời đại xem ra chai lì, khô cứng đến độ không còn nhạy cảm trước tội ác nữa. Lương tâm ấy mù quáng đến độ không cỏn phân biệt thiện với ác.
Giáo Hội đồng hành với nhân loại như một chuyên gia về nhân bản. Giáo Hội không ngừng gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh nhân loại khi thấy nó đang đứng bên bờ vực thẳm. Giáo Hội đồng hành với nhân loại như một bảng chỉ dẫn trước vô số những ngả rẽ.
Thư luân lưu đã gây ra nhiều phản ứng sôi nổi nơi một số báo chí Tây phương. Đa số những tờ báo bài-tôn-giáo cho rằng văn kiện của Đức Thánh Cha mang tính cách bi quan, cuồng tín, muốn áp đặt luật tôn giáo cho các quốc gia. Nhiều người cho rằng thư luân lưu ấy lấn chiếm lãnh vực của Nhà Nước khi kêu gọi mọi người tẩy chay những luật bất chính của Nhà Nước.
Trả lời cho những lời cáo buộc trên, hồng y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý và Đức tin, đã phát biểu: “ Khi Đức thánh cha muốn nhấn mạnh đến quyền của lương tâm, giá trị của luân lý và các quyền bất khả xâm phạm của mỗi người đối với cơ quan lập pháp và Nhà Nước, tức là Người khẳng định điều mà nền luân lý hiện đại đã nhìn nhận, đó là: luật pháp Nhà Nước sẽ vô hiệu, không còn tính cách bó buộc, nếu nó xâm phạm đến một lương tâm phán đoán dựa trên các giá trị nòng cốt.”
Xét cho cùng, phản ứng của một số nhà báo trên đây phản ánh quan niệm sai lầm về tự do của lương tâm. Đối với họ, lương tâm được tự do là khi nó có thể làm điều nó thích mà không quan tâm điều đó có phù hợp với chân lý hay không. Một lương tâm như thế có thật sự là một lương tâm tự có tự do không?
Cho nên vấn đề cần đặt ra, đó là: Thế nào là một lương tâm có tự do? Với những điều kiện nào, thì lương tâm mới được tự do?
1. Thế nào là một lương tâm có tự do?
Một lương tâm có tự do là khi nó được lắng nghe.
Ngày nay hơn bao giờ hết, con người thường nại đến quyền tự do của lương tâm. Quả thực, lương tâm là tiếng nói tối hậu mà con người phải tuyệt đối nghe theo. Tuy nhiên, khi nại đến quyền tối thượng của lương tâm, nhiều người hiểu nó như một chuẩn thuận cho bất cứ những gì mình muốn làm, tức là muốn làm gì thì cứ làm, bất kể điều đó là đúng hay sai. Thực tế, lương tâm thường xuất hiện như một tiếng nói “không” trước những toan tính ích kỷ của con người hơn là một sự chuẩn thuận cho con người muốn làm gì thì làm. Nếu quyền của lương tâm là quyền tối thượng, thì trước tiên quyền ấy đòi buộc phải được lắng nghe, nghĩa là con người có bổn phận phải vâng phục tiếng lương tâm, ngay cả khi tiếng nói của lương tâm đi ngược lại ý muốn của của bản thân. Như thế, thông thường lương tâm không phải là một sự chuẩn thuận đối với tất cả những gì con người muốn làm, nhưng lương tâm thiết yếu là một phán đoán của lý trí về tính luân lý của hành vi con người. Nói cách khác, lương tâm là khả năng đánh giá một hành vi của con người là tốt hay xấu, đúng hay sai về mặt luân lý.
Ngày nay, sự vi phạm trầm trọng nhất đối với quyền của lương tâm là khi nó không được lắng nghe và tuân phục. Như vậy, mối đe doạ trầm trọng nhất đối với tự do của lương tâm không đến từ bên ngoài, mà là đến từ nội tâm của con người. Vậy điều kiện đầu tiên để có và duy trì một lương tâm tự do chính là tuân phục tiếng nói của lương tâm. Nhìn vào kinh nghiệm của mỗi người, ai cũng hơn một lần làm ngơ trước những gì lương tâm nhắc bảo và cũng đã có lần lèo lái sự phán đoán của lương tâm về một hướng khác. Hành động như thế là bắt lương tâm tuân theo những đam mê hay thành kiến của mình. Và khi lương tâm bị khuất phục như thế, nó không còn là một lương tâm tự do nữa, nó đã bị vô-hiệu-hoá và trở thành nô lệ.
2. Với những điều kiện nào, thì lương tâm mới được tự do?
Trước hết, muốn hiểu những điều kiện cần phải có để có tự do lương tâm, thiết tưởng cần phải hiểu những điều kiện cần phải có để có tự do tư tưởng.
* Ngày nay, nhất là tại Tây phương, nhiều người cho rằng quyền bính và giáo huấn của Giaó hội giới hạn tự do tư tưởng. Nhưng muốn phê bình như thế, thiết tưởng phải hiểu thế nào là tự do tư tưởng, hay nói cách khác, phải nắm vững đâu là những điều kiện để có tự do tư tưởng?
Phải chăng trí khôn con người được tự do suy nghĩ bất cứ những gì nó thích và bằng bất cứ giá nào nó thích mà không màng đến sự thật và những qui tắc của luận lý? Một trí khôn như thế không thể là một trí khôn tự do, bởi vì khi không tôn trọng sự thật và cũng chẳng quan tâm đến luận lý, trí khôn sẽ rơi vào sai lầm. Xin đan cử một thí dụ: một đứa trẻ chưa bao giờ học những định luật toán học hay vật lý, thì không thể giải một bài toán học hay một bài toán vật lý. Trong trường hợp này, trí khôn của đứa trẻ đang bị hạn chế, hay nói cách khác trí khôn ấy chưa có tự do. Cũng thế, một trí khôn suy nghĩ bên ngoài sự thật và không theo những qui tắc của luận lý thì sẽ sai lầm và như thế là trí khôn đó không có tự do.
Khi hiểu được những điều kiện để có tự do tư tưởng, người ta sẽ dễ nắm bắt được những điều kiện để có tự do lương tâm
* Lương tâm chỉ thực sự tự do khi nó có khả năng chu toàn chức năng của nó, tức là phân biệt được thế nào là thiện, thế nào là ác, thế nào là đúng, thế nào là sai về mặt luân lý. Khi không còn khả năng chu toàn chức năng ấy nữa, thì lương cũng không khác gì lương tâm của một người điên, hay của người bại liệt thần kinh. Khi không còn phân biệt được thiện với ác nữa, thì lương tâm không được xem là tự do.
* Một lương tâm không thể được xem là tự do khi nó sai lầm. Lương tâm không thể được xem là tự do khi nó bảo tốt là xấu, hoặc ngược lại khi nó bảo xấu là tốt. Chẳng hạn, một lương tâm không thể được xem là tự do khi nó xem việc phá thai, tức là hành động giết người, là một điều tốt.
* Một lương tâm không thể được xem là tự do khi nó còn nghi ngờ. Một lương tâm nghi ngờ thì giống như một người nghiện ngập hoặc say xỉn quá độ. Nó không biết chắc chắn rằng nó đang hoạt động một cách đúng đắn và những phán đoán của nó là đúng. Trong những tình huống nêu trên, con người không có lương tâm tự do.
Nói tóm lại, không thể có lương tâm tự do, nếu không hiểu biết và tôn trọng sự thật. Lương tâm có tự do để làm điều sai trái, nhưng không vì thế mà lương tâm được tự do hơn. Lương tâm sẽ ít tự do hơn nếu nó không còn phân biệt đúng, sai, tốt, xấu. Xét cho cùng, lương tâm chỉ có tự do thực sự khi nó có những phán đoán đúng đắn, và để có những phán đoán đúng đắn, nó phải dựa vào những tiêu chuẩn luân lý khách quan.
Như vậy, vai trò của Giaó hội, nhất là khi đưa ra những giáo huấn liên quan đến luân lý thì không phải là để kiểm soát hay hạn chế tự do của lương tâm con người. Trái lại, khi trình bày và giải thích chân lý mặc khải, Giaó hội muốn giúp cho lương tâm con người phán đoán hợp với những tiêu chuẩn khách quan. Một lương tâm được đào luyện như thế không thể là một lương tâm nô lệ, trái lại là một lương tâm có tự do đích thực, bởi vì nó phán đoán dựa theo chân lý được chính Thiên Chúa mặc khải.
Từ những suy nghĩ trên đây, chúng ta có thể rút ra một kết luận cho các kitô hữu. Đối với những ngưới nầy, một lương tâm được xem là có tự do thực sự khi nó được hướng dẫn bởi giáo huấn của Giáo hội. Người tín hữu tuân theo những giáo huấn của Giáo Hội, vì họ tin rằng Giáo hội giảng dạy chân lý được chính Chúa Giêsu uỷ thác. Do đó càng để cho giáo huấn của Giaó hội hướng dẫn, lương tâm của người tín hữu càng được tự do.
Còn đối với người ngoài-kitô-giáo, họ chỉ có thể nại đến lương tâm khi họ tin ở những giá trị luân lý, khi họ còn ý thức về trách nhiệm và còn có khả năng lựa chọn một cách tự do. Không tin ở một hệ thống luân lý nào hoặc chối bỏ, thậm chí chà đạp những quyền cơ bản nhất của con người mà vẫn rêu rao về lương tâm, thì quả thực không gì mâu thuẫn bằng!
Lm Giuse Nguyễn Văn Lừng
Theo gpphanthiet