Home » , » Bài 3 - Lương tâm sai lầm

Bài 3 - Lương tâm sai lầm

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo viết như sau : «Con người luôn phải tuân theo phán đoán chắc chắn của lương tâm mình. Nếu chủ ý hành động nghịch với phán đoán ấy, con người tự kết án chính mình.» (số 1790). Điều đó có nghĩa là sống đích thực là sống theo lương tâm. Nhưng khi lương tâm sai lầm, con người có phải hành động theo tiếng nói của nó không? Trước tiên phải công nhận rằng lương tâm sai lầm là một sự kiện, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô viết như sau: «Các phán đoán của lương tâm luôn có nguy cơ sai lầm. Lương tâm không đưa ra một phán đoán vô ngộ: lương tâm có thể sai lầm» [1].

Xin lướt qua trường hợp lương tâm lầm lạc bất khả kháng. Đây là lương tâm hoàn toàn không biết rằng sự phán đoán của nó là không phù hợp với chân lý khách quan. Điều đó có nghĩa là sự dữ khách quan nằm ngoài tầm tay của ý chí. Phải xác định ngay rằng: cả khi lương tâm bị sai lầm vì sự thiếu hiểu biết bất khả kháng, thì nó vẫn là chuẩn mực của hành động, nghĩa là con ngừơi vẫn phải hành động theo lương tâm ấy và bị phán xét theo lương tâm ấy cũng như không ai có quyền cấm cản hành động của người ấy. Trong trường hợp người có lương tâm lầm lạc bất khả kháng hay khả kháng, phẩm giá của họ vẫn được tôn trọng, nghĩa là ta phải áp dụng nguyên tắc «phân biệt giữa lầm lạc, điều luôn luôn phải loại bỏ, và người đang lạc lối, vì những người lầm lạc vẫn luôn còn nhân phẩm» (GS, 28).

Đối nghịch với lương tâm sai lạc vì vô tri bất khả kháng là lương tâm sai lạc khả kháng. Con người không thể hành động với lương tâm sai lạc khả kháng, vì sai lạc khả kháng là một sai lạc có trách nhiệm.

Nói chung, trong mọi thời kỳ của lịch sử nhân loại, con người thường rơi vào những quan niệm sai lầm về chính bản thân mình, và vì thế dẫn tới lương tâm sai lạc, chẳng hạn, ngày nay nổi lên phong trào nam nữ bình quyền. Những người của phong trào này chia ra làm hai lập trường khác nhau. Giáo hội chia sẻ lập trường, theo đó người nam và người nữ là những người nắm vai trò chủ yếu không đối nghịch trong công tác cải tiến nhân loại. Lập trường này khẳng định phẩm giá bình đẳng giữa nam-nữ cũng như quyền của người nữ được sinh sản trong tinh thần trách nhiệm. Ngược lại với quan niệm trên đây là lập trường vốn được mệnh danh là tranh đấu cho quyền bình đẳng của người phụ nữ. Trong thực tế, điều mâu thuẫn của lập trường này là cuộc tranh đấu cho sự bình đẳng rốt cuộc lại đi đến chỗ tước đoạt chính phẩm giá của người phụ nữ. Thật thế, ba nét chính của lập trường này là: có thái độ tiêu cực đối với gia đình, ủng hộ vô điều kiện hành động phá thai, và giản lược tất cả vấn đề của người phụ nữ vào hai lãnh vực duy nhất là tính dục và ngừa thai. Điều lầm lạc quan trọng nhất của lập trường này là xem việc phá thai như là một trong những quyền cơ bản nhất người phụ nữ.

Xét cho cùng, lập trường trên đây phản ánh một cơn khủng hoảng trầm trọng về chân lý: con người không còn nhận thức được đâu là phẩm giá và vai trò của người nữ. Chính nhận thức sai lầm này dẫn tới lương tâm sai lạc. Như thế, không phải lúc nào lương tâm cũng là một thẩm phán bất khả ngộ, bởi vì trong một số trường hợp, lương tâm có thể sai lầm. Chính vì thế mà lương tâm vẫn không ngừng được mời gọi tỉnh thức để không ngừng bảo đảm mối dây liên kết giữa chân lý và lương tâm. Chúa Giêsu đã cảnh báo như sau: “Vậy, nếu mắt ngươi đơn thuần, thì toàn thân ngươi sáng láng. Nhưng nếu mắt người vạy vò, thì toàn thân ngươi sẽ sầm tối. Vậy nếu ánh sáng nơi ngươi lại là tối tăm, thì tối tăm chừng nào! (Mt 6, 22-23). Công đồng Vaticanô nói đến việc cá nhân phải chịu trách nhiệm về sự thiếu hiểu biết ấy trong những trường hợp sau đây: “khi con người không chịu quan tâm tìm kiếm điều chân thật, điều thiện hảo, hay trong trường hợp vì quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng.” (GS, 16) và tất nhiên “trong các trường hợp đó, con người phải chịu trách nhiệm về điều xấu đã làm.” (Sách Giáo lý Hội thánh công giáo, số 1791).

Tìm kiếm chân lý, tìm kiếm sự thiện, đó là điều kiện thiết yếu để đào luyện lương tâm, bảo đảm cho mối liên kết giữa chân lý và lương tâm.

Một điều kiện như thế không phải là dễ đạt được trong xã hội ngày nay. Trong một buổi tiếp kiến chung ngày 24 - 8 - 1983, Đức Thánh Cha J-P II đã nói đến một cơn bệnh trầm kha của thời đại chúng ta, đó là bệnh dửng dưng đối với chân lý. Người nói như sau: “Làm sao chúng ta có thể quan tâm đến việc để cho chân lý ngự trị trong lương tâm chúng ta, nếu chúng ta chủ trương rằng “ở trong chân lý” không phải là một giá trị quan trọng có tính cách quyết định cho con người?” Rồi người phân tích triệu chứng của cơn bệnh dửng dưng đối với chân lý: “Thái độ dửng dung đối với chân lý được biểu lộ, chẳng hạn, trong chủ trương cho rằng chân và giả, trong đạo đức học, chỉ là vấn đề của sở thích, của quyết định cá nhân, của những điều kiện văn hóa và xã hội, hoặc cho rằng chỉ cần làm những gì chúng ta nghĩ mà không cần biết những điều chúng ta nghĩ là đúng hay sai, hoặc cho rằng việc chúng ta làm có đẹp hay không không tùy thuộc vào niềm tin chúng ta có về Người, mà chỉ tùy thuộc vào niềm tin chân thành của chúng ta khi tuyên xưng Người mà thôi. Người ta cũng dửng dung đối với chân lý khi chủ trương rằng tìm kiếm chân lý đối với con người thì quan trọng hơn là đạt được nó, bởi vì mãi mãi chân lý vượt ra ngoài tầm tay với của con người.” Và Đức Thánh Cha kết luận: “Nếu con người dửng dung đối với chân lý, thì nó cũng sẽ không quan tâm đến việc đào luyện lương tâm, và cuối cùng sớm hay muộn thế nào cũng sẽ bám vào một ý kiến riêng tư hay ý kiến của đám đông. [2]

Theo Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, sở dĩ lương tâm con người thời nay bị sai lạc là vì con người lơ là trong việc truy tầm chân lý. Sự lơ là, dửng dưng này phát xuất từ bốn nguyên nhân:

1/ Trước tiên, người ta nghĩ rằng sự thẩm định về đúng-sai trong phạm vi luân lý chỉ là việc riêng tư của từng người. Nó mang tính chủ quan và tùy thuộc vào nền văn hóa và bối cảnh xã hội. Đức Thánh Cha nói: đó là những người “chủ trương cho rằng chân và giả trong luân lý chỉ là vấn đề của sở thích, của quyết định cá nhân, của những điều kiện văn hóa và xã hội.”

2/ Nguyên nhân thứ hai, đó là sự hời hợt: người ta chỉ coi trọng hành động mà không suy nghĩ liệu hành động của mình có hợp với luân lý không. Đức Thánh Cha nói: đó là những người “cho rằng chỉ cần làm những gì chúng ta nghĩ mà không cần biết những điều chúng ta nghĩ đúng hay sai.”

3/ Nguyên nhân thứ ba thái độ tin mù quáng. Người ta cho rằng một hành động tốt hay xấu hệ tại lòng thành tín, chứ không tùy thuộc vào hành động ấy có phù hợp với nội dung đức tin hay không. Theo Đức Thánh Cha, đó là những người “cho rằng việc chúng ta làm có đẹp hay không không tùy thuộc vào niềm tin chúng ta có về Người, mà chỉ tùy thuộc vào niềm tin chân thành của chúng ta khi tuyên xưng Người mà thôi.”

4/ Nguyên nhân thứ tư là thái độ cho rằng người ta chỉ cần có thiện chí đi tìm chân lý là đủ, mà không cần quan tâm tới việc nắm bắt chân lý. Theo Đức Thánh Cha, đó là những người “chủ trương rằng tìm kiếm chân lý đối với con người quan trọng hơn là đạt được chân lý.”

5/ Và nguyên nhân cuối cùng là lòng kiêu ngạo. Đức Thánh Cha nói như sau: “Nguyên nhân cuối cùng của cơn bệnh nầy chính là lòng kiêu ngạo. Theo truyền thống đạo đức của Giáo hội, kiêu ngạo là cội rễ của mọi thứ tội nơi con người. Kiêu ngạo đưa con người đến chỗ tự cho mình có quyền định đoạt như một quan tòa tối cao về thế nào là chân, thế nào là giả, và do đó chối bỏ tính siêu việt của chân lý khi đối diện với trí khôn được tạo dựng của chúng ta. Con người cũng không nhìn nhận bổn phận phải đón nhận chân lý như ân ban từ ánh sáng của Đấng Tạo hóa, mà chỉ như là phát minh của con người.

Rõ ràng là nguồn gốc của thái độ dửng dung đối với chân lý nằm trong sâu thẳm của lòng người. Không tìm gặp được chân lý, nếu con người không yêu mến chân lý. Con người cũng không biết chân lý, nếu không muốn biết chân lý.” [3]

Những suy tư trên đây của Đức Thánh Cha đưa chúng ta vào trọng tâm của vấn đề luân lý, đó là: một lương tâm đúng đắn cần dựa trên những tiêu chuẩn luân lý khách quan.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lừng

[1] Gioan-Phaolô II, Rạng ngời Chân lý (Veriatis Splendor), số 10.
[2] Documentation catholique, số 1860, phát hành ngày 16-10-1983, trang 938.
[3] ID. Ibid., trang 938.

(còn tiếp)
Theo GiaophanPhanThiet

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.