Lương tâm

Theo Công đồng Vaticanô II, «Lương tâm là nơi thẳm sâu thầm kín, là cung thánh của lòng người, nơi đây chỉ còn một mình con người với Thiên Chúa, Đấng đang lên tiếng trong thâm tâm con người.» (GS, 16). Tiếng nói ấy của Thiên Chúa là tiếng nói tối hậu mà con người phải tuyệt đối nghe theo. Tiếng nói ấy là một thứ luật lệ được phú bẩm nơi thẳm sâu cuả tâm hồn.




LƯƠNG TÂM

Đã có một thời câu nói “Việt nam là lương tâm của nhân loại“, dù được thốt ra một cách thành tín hay mỉa mai, đã trở thành câu đầu môi chót lưỡi của nhiều người.

Nếu suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh, thì kiểu nói nầy xem ra không chỉnh chút nào, bởi vì nếu lương tâm là một ý thức cá biệt, riêng lẻ từ trong sâu thẳm của cõi lòng mỗi người, thì làm gì có thứ lương tâm đại diện cho mọi lương tâm như thế ?

Lương tâm là một khả năng gắn liền với sự sống : còn sống là còn có lương tâm. Chỉ có điều là, tuy mỗi người có một lương tâm, nhưng thái độ của mỗi người đối với lương tâm lại khác nhau. Điều đó có nghĩa là có người biết lắng nghe tiếng nói của lương tâm và có người thì không. Khi nói «ông A có lương tâm» là muốn nói rằng ông ấy biết hành động theo tiếng nói của lương tâm. Còn khi nói «ông B không có lương tâm» là người ta muốn ám chỉ rằng ông B không hành động theo lương tâm. Nhưng trường hợp thường xảy ra hơn, đó là người ta bóp nghẹt tiếng nói của lương tâm, hay do những hoàn cảnh, người ta không nhận ra một cách đúng đắn tiếng nói của lương tâm và tội ác phát sinh từ đó.

Tất cả mọi tội ác xảy ra, xét cho cùng, là vấn đề lương tâm. Xin lấy một thí dụ: nạn phá thai. Có người phá thai vì không muốn nghe tiếng nói của lương tâm bảo rằng phá thai là một tội ác. Có người phá thai vì không nhận ra tiếng nói của lương tâm, cho nên nghĩ rằng phá thai trong một số trường hợp nào đó là được phép.

Vì thế, hơn bao giờ hết, những nhà giáo dục nghĩ rằng, trong hoàn cảnh hiện nay, đào luyện lương tâm, hay đúng hơn hướng dẫn con người sống theo tiếng nói của lương tâm là một trong những điều cấp bách nhất, nếu muốn cải tạo xã hội.

Trong loạt bài về lương tâm, xin được trình bày tám đề tài:

1. Ý niệm về lương tâm theo kitô giáo

2. Tầm quan trọng của lương tâm

3. Lương tâm sai lạc

4. Lương tâm đúng đắn cần dưa trên những tiêu chuẩn luân lý khách quan

5. Tự do lương tâm

6. Lương tâm cần phải được hướng dẫn

7. Người công giáo có quyền bất đồng ý kiến với giáo hội không ?

8. Người công giáo có thể nại vào lương tâm để bất đồng ý kiến với giáo hội không ?



Bài 1

Ý NIỆM VỀ LƯƠNG TÂM THEO KITÔ GIÁO


Theo tâm lý, lương tâm trước tiên là một ý thức bảo cho con người biết rằng nó là một con người có lý trí và tự do. Từ ý thức mình có lý trí và tự do, con người cũng cảm thấy tức khắc được mời gọi làm điều thiện và tránh điều ác, tức là được mời gọi sống theo luân lý.

Theo Công đồng Vaticanô II, «Lương tâm là nơi thẳm sâu thầm kín, là cung thánh của lòng người, nơi đây chỉ còn một mình con người với Thiên Chúa, Đấng đang lên tiếng trong thâm tâm con người.» (GS, 16). Tiếng nói ấy của Thiên Chúa là tiếng nói tối hậu mà con người phải tuyệt đối nghe theo. Tiếng nói ấy là một thứ luật lệ được phú bẩm nơi thẳm sâu cuả tâm hồn. Nó là thước đo và tiêu chuẩn mà những phán đoán và quyết định của con người phải qui chiếu vào, là khả năng đánh giá một hành vi của con người là tốt hay xấu, đúng hay sai theo luật luân lý. Xin nghe Công đồng nói về lề luật được ghi khắc nơi lương tâm như sau : «Nơi tận sâu thẳm của lương tâm, con người khám phá ra một lề luật không do chính mình đặt ra nhưng lại phải tuân theo, và tiếng nói của luật lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải sống yêu thương và thi hành điều thiện cũng như tránh xa điều ác. Trong tâm hồn con người, tiếng nói ấy luôn vọng lên đúng lúc : hãy làm điều này, hãy tránh điều kia.» (GS, 16).

Khi tuân theo lề luật của lương tâm là con người bảo đảm cho phẩm giá của mình. Và lương tâm trở thành thẩm phán về tính cách luân lý của hành vi con người. Một cách cụ thể, lương tâm giúp mỗi người thẩm định liệu luật luân lý và hành vi tự do của mình có khớp với nhau không, hay là trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Công Đồng khẳng định : «Thiên Chúa đã khắc ghi sẵn trong tâm hồn con người một lề luật, phẩm giá con người có được nhờ tuân giữ lề luật ấy và con người sẽ bị xét xử theo lề luật ấy.» (GS, 16).

Nhưng lương tâm không chỉ là thẩm phán mà còn là chứng nhân. Trước chứng từ của lương tâm về hành động của mình, con người không thể nào chối cãi được. Con người có thể thoát khỏi một phán quyết của toà án loài người, nhưng không ai thoát khỏi sự luận phạt và làm chứng của toà án lương tâm.

Lương tâm không chỉ làm chứng mà nó còn quyết định và ra lệnh, và mệnh lệnh của lương tâm là một mệnh lênh tuyệt đối, nghĩa là không thể châm chước hay miễn chấp vì bất cứ lý do hay hoàn cảnh nào.

Xét cho cùng, lương tâm chính là tiếng nói của Thiên Chúa trong cung lòng con người. Thánh Bonaventura so sánh lương tâm với một người sứ giả của Thiên Chúa. Người sứ giả không loan báo sứ điệp của riêng mình, mà chỉ nói những gì Thiên Chúa truyền cho phải nói (x. thánh Augustinô, thư Gio-an 8, 9). Chính vì thế con ngươi phải tuân phục tiếng nói của lương tâm một cách tuyệt đối. Tuyên ngôn về tự do tôn giáo của Công Đồng Vaticanô II viết rằng : «[…] con người phải trung thành tuân theo lương tâm trong mọi hành động để đạt tới cùng đích đời mình là chính Thiên Chúa. Vì thế, không ai bị cưỡng bách hành động trái với lương tâm, cũng như không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, nhất là trong lãnh vực tôn giáo.» (Dignitatis humanae, 3).

Những nhận định trên gợi lên một suy nghĩ: con người không thể là vô thần. Con người có thể tự cho mình là vô thần, nhưng từ thâm cung của cõi lòng, bao lâu con người còn sống, thì bấy lâu con người còn nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Con người có thể bịt tai giả điếc trước tiếng nói ấy, con người có thể khước từ tiếng mời gọi đối thoại với Thiên Chúa, nhưng con người không thể nào chối bỏ được rằng có một tiếng nói vang lên từ trong đáy thẳm của lòng mình.

Thảm trạng bi đát nhất mà con người ngày nay đang rơi vào chính là toan tính muốn bóp nghẹt tiếng nói ấy của Thiên Chúa trong tâm hồn mình. Nhưng dù con người có cố gắng đào thoát, chạy trốn đến đâu, tiếng nói ấy vẫn cứ mãi vang vọng trong lòng. Kinh Thánh đã diễn tả cuộc đào thoát của con người qua hình ảnh cuộc chạy trốn vô vọng của Cain sau khi đã giết em. Có ẩn mình sâu trong lòng đất, Cain vẫn thấy ánh mắt theo dõi và nghe tiếng nói : «Em của ngươi đâu?» Nhà tư tưởng Blaise Pascal đã nhìn ra, trong muôn vàn sáng kiến giải trí của con người, một cuộc trốn chạy : con người muốn lẩn trốn chính mình, con người muốn lẩn trốn tiếng gọi của Thiên Chúa. Những âm thanh ồn ào của các nhạc cụ, những đê mê của các thứ thuốc kích thích, những vũ điệu quay cuồng, những chuếnh choáng men rượu không gì khác hơn là những cuộc trốn chạy khỏi tiếng gọi của Thiên Chúa.

Nhưng càng trốn chạy, con người càng rơi vào một thứ trống rỗng, mà còn tệ hơn thế nữa, con người rơi vào thất vọng và đánh mất chính mình! Tại sao thế? Thưa là vì Thiên Chúa phú ban lương tâm cho con người không phải để làm khó dễ hay luận phạt con người, mà chính là để mời gọi con người trở nên người hơn. Cho nên, nếu con người chạy trốn tiếng gọi của Thiên Chúa, thì con người cũng đánh mất chính mình. Lương tâm, xét cho cùng, cũng chính là tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa. Bóp nghẹt tiếng nói của lương tâm, khước từ tiếng nói của lương tâm là khước từ chính tình yêu của Thiên Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lừng

(Còn tiếp)
Nguồn: gpphanthiet.com

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.