Home » » Tầm quan trọng của lương tâm

Tầm quan trọng của lương tâm


Lương tâm là vấn đề sống còn của nhân loại. Chúng ta có thể khẳng định rằng: lương tâm còn, thì đời sống xã hội và các mối quan hệ giữa người với người còn tốt đẹp. Trái lại, khi lương tâm đã bị bóp nghẹt hoặc bị chối bỏ, đời sống xã hội bị xáo trộn tận gốc rễ và chết dần chết mòn.



Trước tiên, vấn đề lương tâm là cốt lõi cho việc xây dựng nhân cách con người.

Bất kỳ ai cũng đều đồng ý rằng một người trung thực, ngay thẳng, là một người có tư cách và được mọi người kính trọng. Một người sống quảng đại, xử sự theo lương tâm, theo lẽ phải, thì được người đời yêu mến. Trái lại, không ai nể phục một người thích ép cong thành thẳng, nói đen thành trắng. Không ai muốn kết thân với kẻ hay nói xấu người khác, nói tục, chửi bậy hoặc cư xử thô lỗ. Không ai ca tụng người lười biếng, trốn tránh công việc, hoặc khi làm hỏng thì che giấu. Không ai kính phục một ông chủ thiếu sòng phẳng trong việc trả lương cho nhân viên. Nói chung, Người đời tin tưởng những người có tư cách, nghĩa là biết sống theo lương tri, theo lẽ phải. Câu chuyện “Chuộc lương tâm [1]”sau đây là một minh họa.


“Cách đây hơn hai chục năm, hồi tôi học phổ thông cấp III, đồng hồ đeo tay còn là thứ xa xỉ phẩm khan hiếm. Một hôm, thằng bạn cùng bàn sắm được một chiếc đồng hồ mới toanh; nó đeo đồng hồ rồi xắn tay áo lên trông thật oách làm sao, khiến cả lớp phục lăn. Chỉ vài hôm sau đã thấy mấy thằng khác cùng lớp đua nhau sắm đồng hồ đeo tay. Ngay cả trong giấc mơ tôi cũng ao ước được như chúng nó: sắm một chiếc đồng hồ để mọi người trông thấy mà thèm. 
Hôm chủ nhật, tôi về nhà chơi. Lấy hết lòng can đảm, tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi, con muốn mua một cái đồng hồ đeo tay, mẹ ạ!” Mẹ tôi trả lời: “Con này, nhà mình đến cháo cũng sắp sửa chẳng có mà ăn nữa, lấy đâu ra tiền để sắm đồng hồ cho con?” 
Nghe mẹ nói thế, tôi rất thất vọng, vội quáng quàng húp hai bát cháo rồi chuẩn bị về trường. Bỗng dưng bố tôi hỏi: “Con cần đồng hồ làm gì thế hả?” 
Câu hỏi của bố nhen lên một tia hy vọng trong lòng tôi. Rất nhanh trí, tôi bịa ra một câu chuyện: “Hồi này lớp con đang học ngày học đêm để chuẩn bị thi đại học, vì là lớp cuối nên bây giờ chúng con lên lớp không theo thời khoá biểu của trường nữa, cho nên ai cũng phải có đồng hồ để biết giờ lên lớp.” Nói xong, tôi nôn nóng chờ bố trả lời đồng ý; thế nhưng bố tôi chỉ ngồi xổm ngoài cửa chẳng nói câu nào. 
Trở về ký túc xá nhà trường, tôi chẳng còn dám nằm mơ đến chuyện sắm đồng hồ nữa. Thế nhưng chỉ mấy hôm sau, bất chợt mẹ tôi đến trường, rút từ túi áo ra một túi vải hoa con tý rồi mở túi lấy ra một chiếc đồng hồ mác Thượng Hải mới toanh sáng loáng. Tôi đón lấy nó, đeo ngay vào cổ tay, trong lòng trào lên một cảm giác lâng lâng như bay lên trời. Rồi tôi xắn tay áo lên với ý định để mọi người trông thấy chiếc đồng hồ của mình. 
Thấy thế, mẹ tôi liền kéo tay áo tôi xuống rồi bảo: “Con này, đồng hồ là thứ quý giá, phải lấy tay áo che đi để giữ cho nó khỏi bị sây xước chứ! Con nhớ là tuyệt đối không được làm hỏng, lại càng không được đánh mất nó đấy! Thôi, mẹ về đây.” 
Tôi tiễn mẹ ra cổng trường rồi hỏi: “Sao nhà mình bỗng dưng lại có tiền thế hở mẹ?” 
Mẹ tôi trả lời: “Bố mày bán máu lấy tiền đấy!” 
Bố đi bán máu để kiếm tiền mua đồng hồ cho tôi? Trời ơi! Đầu óc tôi quay cuồng, ngực đau nhói. Tiễn mẹ về xong, tôi tháo chiếc đồng hồ ra, bọc kỹ mấy lớp vải như cũ cất vào cái túi con tý mẹ đưa. Ngay hôm ấy, tôi hỏi thăm các bạn xem có ai cần mua đồng hồ mới không. Các bạn hỏi tôi tại sao có đồng hồ mà lại không đeo, tôi bảo tôi không thích. Họ chẳng tin, cho rằng chắc hẳn đồng hồ của tôi có trục trặc gì đấy, vì thế chẳng ai muốn mua nó. 
Cuối cùng tôi đành phải nhờ thầy chủ nhiệm lớp giúp tôi tìm người mua đồng hồ và thành thật kể lại đầu đuôi câu chuyện cho thầy nghe, vừa kể vừa nước mắt lưng tròng. Thầy chủ nhiệm nghe xong bèn vỗ vai tôi và nói: “Đừng buồn, em ạ. May quá, thầy đang cần mua một chiếc đồng hồ đây, em để lại nó cho thầy nhé!” Thầy trả tôi nguyên giá, còn tôi thì dùng số tiền đó nộp hai tháng tiền ăn ở nhà ăn tập thể. Có điều khó hiểu là sau đó chưa bao giờ tôi thấy thầy chủ nhiệm đeo đồng hồ cả. Mỗi lần tôi hỏi tại sao thì thầy chỉ cười không nói gì. 
Về sau tôi thi đỗ đại học rồi ra trường và làm việc ở một tỉnh lỵ xa quê. Câu chuyện chiếc đồng hồ kia cứ mãi mãi đeo bám ám ảnh tôi. 
Trong một dịp về quê thăm gia đình, tôi tìm đến nhà thầy chủ nhiệm cũ và hỏi chuyện về chiếc đồng hồ ấy. Thầy tôi bây giờ đã già, tóc bạc hết cả. Thầy bảo: “Chiếc đồng hồ vẫn còn đây.” Nói rồi thầy mở tủ lấy ra chiếc túi vải hoa nhỏ xíu năm nào mẹ tôi đưa cho tôi. Thầy mở túi, giở từng lớp vải bọc, cuối cùng chiếc đồng hồ hiện ra, còn mới nguyên! 
Tôi kinh ngạc hỏi: “Thưa thầy, tại sao thầy không đeo nó thế ạ?” Thầy chủ nhiệm từ tốn trả lời: “Thầy đợi em đến chuộc lại nó đấy!” Tôi hỏi tiếp: “Thưa thầy, vì sao thầy biết em sẽ trở lại xin chuộc chiếc đồng hồ ạ?” Thầy bảo: “Bởi vì nó không đơn giản chỉ là chiếc đồng hồ, mà điều quan trọng hơn, nó là lương tâm của một con người.”

Đoản văn cho thấy rằng lương tâm là điều hết sức quan trọng để đánh giá con người. Chàng trai trong câu chuyện là người có lương tâm. Chàng đã hối hận vì thấy rằng mơ ước muốn dợt le với thiên hạ của mình đã phải trả một giá quá đắt, giá máu của người cha. Chàng trai đã tìm cách bán nó đi để trả tiền học, thay vì xin tiền cha mẹ. Còn thầy chủ nhiệm, thầy đã nhìn ra lương tâm bén nhạy của chàng. Thầy đã tận tình giúp đỡ và giữ mãi nơi mình chiếc đồng hồ ấy, vì đinh ninh thế nào chàng trai sẽ có ngày tìm gặp lại thầy. Một người có lương tâm là một người tốt và mãi mãi được người đời tin tưởng.

Vấn đề lương tâm không chỉ là vấn đề thuộc lĩnh vực luân lý cá nhân, nhưng còn là vấn đề của toàn xã hội.

Nhìn vào thực trạng của đất nước chúng ta, bất cứ ai có chút thao thức về luân thường đạo lý lại không nhận ra sự chai lì của lương tâm của nhiều người hôm nay? Quả thật, cùng với trào lưu hưởng thụ và mất định hướng trong cuộc sống, nhiều người Việt Nam dường như đang chạy theo đồng tiền với châm ngôn “Có tiền là có tất cả”. Nhu cầu sinh sống và phát triển kéo theo nhhững hệ lụy khiến cho lương tâm con người bị chao đảo, nếu không muốn nói là lệch lạc và mất phương hướng. Không mất phương hướng sao khi mà thối nát và tham nhũng gắn liền với cuộc sống hằng ngày? Có tí chức tí quyền là người ta đòi ăn. Ngoài trường đời, người ta gian dối, lường gạt đã đành, mà ngay trong môi trường đào tạo giáo dục, những quay cóp cũng trở thành đương nhiên, nạn thi giùm, mua bằng cấp cũng là chuyện thường tình. Ngay cả nơi công đường là chốn mẫu mực dương cao cán cân công lý, một vị chánh án của Tòa Án nhân dân của một thành phố lại xử án dưới áp lực của những người có quyền chức, chỉ chọn giải pháp nào thuận lợi cho sự an nguy của bản thân mình, cho sự an toàn của chiếc ghế mình đang giữ [2]. Một hiện tượng khác tiêu biểu cho thấy sự đánh mất lương tâm nơi xã hội chúng ta, đó là hiện tượng vô kỷ luật trong giao thông trên các tuyến đường và ngay trong các khu đông dân cư. Hễ thấy công an giao thông, thì ai cũng tuân hành luật lệ nghiêm túc; nhưng nếu thấy vắng bóng họ, thì mạnh ai nấy tranh thủ chạy bất kể tai nạn. Người ta coi thường công ích, coi thường những qui định liên quan tới lợi ích chung. Đó là một bằng chứng về lương tâm chai lì, vô trách nhiệm.

Hiện nay, vấn đề lương tâm đang gây nhiều nhức nhối cho những người có tầm nhìn xa và thao thức về tiền đồ của đất nước.Dù có tôn giáo hay không, người công dân có lương tâm ngay thẳng sẽ xây dựng một xã hội công bằng tốt đẹp hơn.

Vấn đề lương tâm không chỉ là vấn đề của từng cá nhân, của xã hội, mà còn là vấn đề của cả nhân loại.

Chỉ cần nhìn vào những biến cố xảy ra trên thế giới cách đây ít năm, người ta cũng nhận ra tầm quan trọng của lương tâm: những cuộc biểu tình, nổi dậy tại Algérie, Ai cập và nhiều nước khác là những bằng chứng cho thấy dân chúng của các quốc gia nầy chống lại những chính sách đi ngược lại lương tri của con người. Qua những biến cố trên, người ta thấy rằng: không một sức mạnh nào có thể đè bẹp được tiếng nói của lương tâm phát ra từ nội tâm sâu kín của lòng người. Lương tâm con người đòi buộc nó phải chống lại tất cả mọi thứ bất công mà nó là nạn nhân.

Đức Thánh Cha Gioan- Phaolô II, sẽ được phong thánh vào ngày 27 - 4 năm nay, đã viết trong sứ điệp hòa bình ngày 1-1-1991 như sau: “Chính nơi lương tâm mà vấn đề bảo đảm một nền hòa bình vững chắc và lâu bền được đặt ra, bởi vì không tôn trọng lương tâm của người khác là một trong những nguyên nhân gây ra xáo trộn cho thế giới [3].”

Nhìn vào cục diện thế giới, chúng ta thấy rằng: nơi đâu lương tâm ngay thẳng càng thắng thế, thì cá nhân và cộng đồng càng tránh được độc đoán, mù quáng và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý.

Vấn đề lương tâm không phải chỉ là vấn đề thuần túy luân lý, mà là vấn đề nền tảng của mọi vấn đề. Tuy nhiên, lương tâm nhiều khi sai lầm. Trong trường hợp ấy, lương tâm còn có giá trị không? Đó là vấn đề chúng tôi sẽ đề cập trong bài tới.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lừng

[1] Trich từ từ trang mạng Hoathuytinh.com
[2] Xin xem bài “ Bàng hoàng, phẫn nộ và thất vọng” của tác giả Trần Đăng Tuấn, đăng trên Báo Tuổi Trẻ online 
[3] Thông điệp của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II nhân Ngày Thế giới Hòa bình 1 tháng giêng 1991, số 1. Xin xem [link] 

(Còn tiếp)


Theo giaophancantho.net

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.