Home » , » Bài 7: Người Công Giáo có quyền bất đồng ý kiến với Giáo Hội không?

Bài 7: Người Công Giáo có quyền bất đồng ý kiến với Giáo Hội không?


1. Đặt và xác định vấn đề

Theo kết quả của một cuộc thăm dò mới đây tại Rôma, có đến 78% người Rôma tự nhận mình là công giáo, nhưng lại không chấp nhận giáo huấn của Giaó Hội về một số vấn đề luân lý, như : ngừa thai theo phương pháp nhân tạo, phá thai, an tử, sống chung ngoài hôn nhân.


Sự kiện trên đây có lẽ phát sinh từ ý thức về dân chủ nơi con người thời đại. Thật thế, ngày nay người ta đề cao vai trò của những người bất đồng chính kiến trong các chế độ độc tài, bởi vì họ dám nói lên quan điểm của mình và kêu gọi thực thi dân chủ. Liệu một người công giáo cũng có thể bất đồng ý kiến như trong xã hội dân sự không?

Vấn đề cần được xác định trước tiên ở đây là : khi nói đến bất đồng ý kiến, chúng ta không bàn đến những vấn đề đang bỏ ngõ, nghĩa là những vấn đề còn được tự do bàn cãi, những vấn đề mà Giaó Hội chưa đưa ra một ý kiến dứt khoát nào, như vấn đề án tử hình chẳng hạn. Dĩ nhiên, trong những vấn đề còn bỏ ngõ nầy, người kitô hữu có quyền bày tỏ sự bất đồng ý kiến của mình với Thẩm Quyền của Giaó Hội. Còn ở đây, khi nói đến bất đồng ý kiến, chúng ta nói đến thái độ bất tuân phục của người công giáo đối với giáo huấn của Giáo Hội.

Với những xác định trên đây, vấn đề được đặt ra là : một người công giáo có quyền bất đồng ý kiến với giáo huấn của Giaó Hội không ?

2. Quyền lợi và nghĩa vụ của người công giáo


a. Con người vốn có những quyền cơ bản để có thể sống xứng hợp với phẩm giá của mình, chẳng hạn quyền được giáo dục, quyền có bạn bè, quyền lập gia đình, quyền đi lại, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tôn giáo, quyền tư hữu vv, bởi vì tất cả những quyền ấy phát xuất từ bản tính con người và làm cho con người nên người hơn. Trái lại, con người không được cướp của, giết người hay ngoại tình, bởi vì những hành vi này xâm phạm quyền lợi của kẻ khác và hạ giảm phẩm giá của mình. Một người mẹ không có quyền phá thai, bởi vì, ngoài việc giết người, hành vi phá thai còn là đi ngược lại với phẩm giá và ơn gọi của người nữ là trao ban sự sống.

b. Một người công giáo, xét như là một con người, cũng có những quyền lợi như bất kỳ một con người nào. Thế nhưng, vì là công giáo, người đó còn có những quyền lợi phát xuất từ bản chất công giáo của người ấy, đồng thời cũng có nghĩa vụ không được làm những gì đi ngược lại với bản chất ấy. Vậy, khi đòi hỏi những quyền không phù hợp với bản chất công giáo, người đó hạ giảm phẩm chất công giáo của mình. Theo kiểu nói thông thường của Giaó Hội, người đó tự dứt phép thông công.

3. Bản chất của người công giáo

Nguyên tắc là như thế. Nhưng chúng ta chỉ có thể áp dụng nguyên tắc ấy khi chúng ta định nghĩa được thế nào là bản chất công giáo, hay nói cách khác, người công giáo là gì ?

* Người công giáo là người thông phần vào sự sống của Chúa Kitô, sống bằng sự sống của Người qua Giáo Hội. Nói cách khác, người công giáo là người tham dự vào đời sống của Chúa Kitô qua sự thông hiệp với Giáo Hội, người công giáo là người chia sẻ sự sống của Chúa Kitô bằng cách chia sẻ sự sống của Giaó Hội, trong đó Chúa Kitô đang sống. Như vậy, bản chất hay bản sắc của một người công giáo chính là sống bằng sự sống của Chúa Kitô trong sự thông hiệp trọn vẹn với Giáo Hội nhờ liên kết trong cùng một đức tin, lãnh nhận các bí tích và tuân thủ giáo huấn và kỷ luật của Giaó Hội.

* Sự thông hiệp với Chúa Kitô được thực hiện trong Giaó Hội, trước tiên qua đức tin, bởi vì chính qua đức tin mà Giaó Hội giảng dạy mà chúng ta gặp gỡ với chân lý của Chúa Kitô. Tiếp đến, sự thông hiệp với Chúa Kitô được thực hiện trong Giaó Hội qua các bí tích, bởi vì qua các bí tích của Giaó Hội chúng ta đón nhận những ân sủng của Chúa Kitô. Cuối cùng, sự thông hiệp với Chúa Kitô được thực hiện trong Giaó Hội qua giáo huấn và kỷ luật của Giaó Hội, bởi vì qua và đàng sau giáo huấn và kỷ luật của Giaó Hội, chúng ta nhìn thấy và đón nhận quyền bính của chính Chúa Kitô.

Vậy, khi một người công giáo khước từ giáo huấn hoặc kỷ luật của Giáo Hội là người ấy khước từ chính Chúa Kitô, bởi vì giáo huấn hay kỷ luật của Giaó Hội chỉ là thể hiện ý muốn của Chúa Kitô, và khi khước từ ý muốn của Chúa Kitô thì người ấy không còn là người công giáo nữa.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lừng

Nguồn: giaophanphanthiet

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.