Con người có một ý thức bẩm sinh về thiện và ác. Thế nhưng đây chỉ là một ý thức sơ đẳng. Chúng ta có thể so sánh ý thức ấy với giác quan đặc biệt nơi một số người về định vị địa lý. Họ có thể định hướng một cách dễ dàng hơn những người khác. Tuy nhiên họ không thể hoàn toàn tin tưởng nơi mình. Đứng trước một ngả rẽ, theo lẽ thường và sự khôn ngoan, họ cần đến một bản đồ hay các bảng chỉ đường. Cũng thế, đứng trước nhiều ngả rẽ, với những quyết định có tính luân lý, con người cũng cần có người hướng dẫn. Thật hợp lý khi con người tham khảo tiếng nói của lương tâm của mình. Thế nhưng cũng hợp lý không kém khi, bên cạnh lương tâm, con người cần nhìn xem có ai đó đáng tin cậy có thể giúp họ đi đúng đường không.
Không gì thảm bại bằng khi con người không tìm thấy một ai để xin hướng dẫn mà cuối cùng đành phải trở lại với lương tâm mà họ nghi ngờ là có thể sai lầm. Lúc nầy họ đang ở trong tình huống chẳng khác nào một người bộ hành đang bơ vơ trước các ngả rẽ. Họ không biết các ngả rẽ ấy sẽ dẫn họ đi về đâu, mà trên tay cũng không có lấy một bản đồ cũng như không có ai để hỏi đường. Rút cục họ chỉ còn biết phó mặc cho rủi may.
Đối với người công giáo chúng ta, giải pháp thật dễ dàng. Chúng ta không bơ vơ trước ngã ba đường. Chúng ta không đơn độc khi phải quyết định về những gì thuộc phạm vi luân lý. Thiên Chúa luôn luôn ở với chúng ta. Người luôn luôn có một điều gì đó để nói với chúng ta ở bất cứ một ngã ba đường nào khi chúng ta phải chọn lựa.
a. Trước tiên Thiên Chúa nói với chúng ta qua và trong lương tâm chúng ta, bởi vì lương tâm vốn được xem là tiếng nói của Thiên Chúa.
b. Nhưng vì lương tâm có thể phán đoán lệch lạc, cho nên nó không có quyền tối thượng tuyệt đối. Do đó, lắng nghe tiếng nói của lương tâm mà thôi là chưa đủ, con người còn phải dựa vào luật tự nhiên. Luật tự nhiên là luật thiên bẩm chi phối toàn bộ hành vi luân lý của con người. Nó là một phần của thiên luật, hay luật vĩnh cửu.
Bàn về luật vĩnh cửu, Công Đồng Vaticanô II khẳng định rằng: «tiêu chuẩn tối thượng của đời sống con người chính là thiên luật mang tính vĩnh cửu, khách quan và phổ cập, qua luật này Thiên Chúa xếp đặt, hướng dẫn và điều khiển toàn thể vũ trụ, đồng thời cũng xác định hướng đi của các cộng đồng nhân loại trong ý định khôn ngoan và đầu yêu thương của Ngài» (Tuyên ngôn về tự do tôn giáo, 3).
Thiên luật là luật vĩnh cửu do Thiên Chúa an bài để « xếp đặt, hướng dẫn và điều khiển toàn thể vũ trụ » và « xác định hướng đi của các cộng đồng nhân loại ». Còn khi nói đến luật tự nhiên, thì ta phải hiểu đó là một phần của thiên luật, nhằm hướng dẫn cuộc sống tâm linh và xã hội của con người. Nói cách khác, luật tự nhiên là một trong nhiều hình thức biểu hiện thiên luật. Luật tự nhiên được ghi khắc trong bản tính con người.
Chính Đức Thánh Cha Piô XII đã nhắc đến Luật tự nhiên khi bàn về vấn đề triệt sản. Trong diễn từ ngỏ với các nữ hộ sản người Ý ngày 20-10-1951, người dạy rằng việc triệt sản, dù là vĩnh viễn hay nhất thời, đều bất chính vì ngược lại với luật tự nhiên, và vì thế Giáo hội không thể miễn chuẩn (x. AAS, XLIII, trang 843-844). Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong thư luân lưu Sự sống con người, cũng áp dụng luật tự nhiên để từ khước việc sử dụng những phương pháp ngừa thai nhân tạo. Ý niệm về ‘ luật tự nhiên’ là ý niệm nòng cốt được Đức Phaolô VI sử dụng để bài xích việc sai lầm trên (x. Humanae vitae, số 10, 12, 13 và 14). Như thế, luật tự nhiên là một trong những luật cơ bản mà lương tâm con người phải dựa vào để phán đoán một hành vi là đúng hay sai về mặt luân lý.
c. Riêng người công giáo còn lắng nghe tiếng nói của Chúa trong Kinh Thánh.
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã ban bố 10 giới răn như là những bản chỉ dẫn an toàn nhất hướng dẫn đời sống luân lý của con người. Trong Tân Ước, Chúa Giê-su, Đấng là chân lý và là đường, lại còn nói rõ hơn với con người về những nguyên tắc cơ bản nhất của đời sống luân lý, đặc biệt trong diễn từ trên núi (x. Mt 5, 21- 48). Không gì bảo đảm và chắc chắn bằng những nguyên tắc do chính Chúa Giê-su đã vạch ra. Không có một ý chí nào, không có một quyền lực nào, không có luật pháp nào của loài người có thể dẹp bỏ những nguyên tắc ấy. Khi Thiên Chúa đã cấm ly dị vì trái nghịch với bản chất của hôn phối, thì tất cả mọi thứ thăm dò ý kiến, tất cả mọi thứ trưng cầu dân ý, tất cả mọi biểu quyết của Quốc Hội trên khắp thế giới cũng không thể xoá bỏ cấm chỉ ấy của Thiên Chúa. Những cuộc trưng cầu dân ý, những biểu quyết của Quốc Hội có thể hợp-pháp-hoá những hành động tội ác như phá thai, giết người một cách êm dịu, nhưng không thể làm cho những luật ấy hợp với luân lý. Cho dù có được luật pháp cho phép hay chuẩn y, thì ly dị, phá thai, giết người một cách êm dịu vẫn mãi mãi là những hành động xấu về mặt luân lý.
d. Thiên Chúa còn nói qua Giáo Hội của Người.
Tuy Thiên Chúa nói với con người qua Kinh Thánh, nhưng liệu Người có nói tất cả mọi sự không ? Xem ra có nhiều điều TC chưa nói tới trong Thánh Kinh, chẳng hạn Người chẳng nói đến vấn đề nghiện ngập. Có lẽ Người cũng chẳng màng đến vấn đề gia tăng dân số. Phải chăng Thiên Chúa không có gì để nói cho chúng ta ? Và phải chăng khi không có tiếng nói rõ rệt của Thiên Chúa, thì điều đó có nghĩa là con người được tự do làm theo ý mình ? Biết đâu khi đứng trước một ngả rẽ, không tìm ra được một bản chỉ dẫn nào, chúng ta lại chẳng tự nhủ : thật là may mắn, Thiên Chúa không có gì để nói, cho nên tôi được tự do muốn làm gì thì làm. Đó có thể là lối lý luận của rất nhiều tín hữu của thời đại chúng ta. Họ tự xưng là kitô-hữu, họ tham khảo Kinh Thánh, họ lắng nghe tiếng nói của Chúa trong Kinh Thánh. Thế nhưng khi không tìm thấy một biện pháp cụ thể trong Kinh Thánh, họ qui về tiếng nói của lương tâm và tự do giải quyết lấy vấn đề của mình.
* Thật ra, là người công giáo, ai trong chúng ta cũng biết rằng Chúa vẫn tiếp tục nói qua Giáo Hội của người. Khi Giáo Hội nhân danh Chúa Kitô để nói, chúng ta được bảo đảm rằng chính Chúa Kitô đang nói với chúng ta. Chính Chúa Kitô đã trao quyền giảng dạy cho Giáo Hội khi Người nói với các tông đồ là cột trụ của Giaó hội: “Các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Này Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế.” và “Ai nghe các con là nghe Thầy và ai khước từ các con là khước từ chính Thầy” (Lc 10,16)
Vai trò của Giaó Hội chính là giúp chúng ta nghe và hiểu được tiếng nói của Chúa. Chúa đã nói tất cả những gì liên quan đến đức tin và luân lý trong Kinh Thánh. Nhưng không phải ai cũng hiểu được tức khắc tiếng nói của Người. Chỉ có Giáo Hội mà Chúa Kitô đã uỷ thác cho sứ mệnh giáo huấn mới có thể giúp chúng ta hiểu được tường tận tiếng nói của Chúa.
* Chân lý của Chúa Kitô là chân lý ngàn đời, không bao giờ thay đổi, nhưng cần được áp dụng vào những hoàn cảnh mới, những vấn đề mới. Bản chất và định mệnh của con người không thay đổi, nhưng mỗi một thời đại lại phát sinh những hoàn cảnh mới và vấn đề mới. Đồng hành với con người qua mỗi giai đoạn của lịch sử, Giaó Hội có nhiệm vụ giúp cho con người lắng nghe và hiểu được tiêng nói của Chúa.
Do đó, khi người kitô hữu lắng nghe và hành động phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội, là họ đang qui chiếu về chính trí khôn của Chúa Kitô, và như thế, họ không thể sai lạc. Nói cách khác, khi Giaó Hội đã đặt những bảng chỉ dẫn trên đường, thì chắc chắn người kitô hữu không thể lạc đường. Vì thế, đối với kitô hữu, một lương tâm tự do thực sự là một lương tâm luôn biết phán đoán dựa theo giáo huấn của Giáo Hội. Một lương tâm đúng đắn và ngay lành là một lương tâm luôn cởi mở để đón nhận chính hướng dẫn của Giaó Hội, nhất là trong những vấn đề khúc mắc và phức tạp do thời đại đặt ra, những vấn đề mà tự sức mình người kitô-hữu không thể tìm được câu giải đáp đúng đắn.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lừng
Theo gpphanthiet