Home » » Tấm lòng cho các thai nhi - động lực nào đã đưa tôi đến việc chôn thai nhi

Tấm lòng cho các thai nhi - động lực nào đã đưa tôi đến việc chôn thai nhi

Loạt bài chia sẻ của một vị linh mục
làm công việc mục vụ Bảo Vệ Sự Sống (P6)

1. Lý do thứ nhất vì tin và thương

Tôi làm công việc bác ái sự sống, bác ái cho những thai nhi còn trong bụng mẹ được sinh che chở, yêu thương và sinh ra bình an. Trong khi đó một số lượng lớn các em bị bỏ đi thì các em sẽ đi về đâu!!! Các em bị bỏ đi như một rác thải, các em có thể đã xuống cống khi không có ai nhận, các em có thể làm thức ăn cho động vật nhất là làm mục tiêu giải quyết các rắc rối, cứ đổ hết lên đầu các em. Nghĩ mà đau lòng, thương cảm cho những số phận câm nín… Nhưng là một linh mục phó xứ Hà Nội, tôi đâu làm gì hơn được. Khi về làm chánh xứ Tây Hải (16/10/2010) tôi liền trình bày ý tưởng muốn làm nghĩa trang dành cho các em thai nhi, tôi liền được cộng đoàn và bà con ủng hộ và góp sức.

Tôi cùng các ân nhân mua cho các em mảnh đất 180 m2 (trong đó 70 m2 được một gia đình tặng) phần còn lại họ cũng để giá phải chăng cho tôi làm việc, tôi nói với các em “đây là mảnh đất cha và các ân nhân dành cho chúng con, chúng con cố gắng giữ lấy cho mình”. Tôi bắt đầu cầu nguyện và tìm phương án làm việc cho hiệu quả và ý nghĩa:

Lời Chúa bảo rằng: “Ta đã ghi khắc tên con vào lòng bàn tay Ta” (Is 49,16). Đối với nhiều người và nhiều chính sách cho rằng các em không phải là con người, không phải là sinh linh nên cứ việc xử lý theo tính toán của họ. Nhưng với niềm tin, sự sống của các em là sự sống của con người, con người toàn vẹn. Sự sống đó thánh thiêng và không thể xâm phạm “được cả thế giới mà mất sự sống thì có lợi gì” (Mc 8,36). Sự sống đó thuộc về Thiên Chúa, ở trong bàn tay của Chúa. Nếu các em bị bỏ đi thì giờ đây dâng các em vào lòng bàn tay Chúa. Hơn nữa bàn tay cũng là biểu tượng của nâng đỡ, dẫn dắt, che chở. Thế nên có những bàn tay kéo các em ra khỏi lòng mẹ, cắt đứt sự sống của các em thì xin mọi người hãy cho các em bàn tay nhân ái, dâng lễ cầu nguyện, nhận một em trong bàn tay của mình, đưa xuống nghĩa trang thai nhi cầu nguyện rồi đưa vào lòng đất.


Phối cảnh nghĩa trang thai nhi ở giáo xứ Tây Hải

Từ đó nghĩa trang thai nhi có mô hình của 2 bàn tay, mỗi ngón tay là một kim tĩnh lớn (dài 2-3m, rộng 0,5-0,8m và sâu 2m), mỗi ngón kim tĩnh cũng an táng khoảng 3000 thai nhi. Như vậy một ngón cũng an táng trong vòng 1 năm, an táng các em ở 10 ngón tay khoảng 10 năm. Các em lấy về được đưa vào lọ, bịt kín và cho vào tủ đông, không sợ bị ô nhiễm, và khi an táng cũng chôn các em trong lòng đất, không có tình trạng ô nhiễm. Chôn cất các em như thế không sợ hết đất và cũng dễ dàng chăm sóc hoa nến, quét dọn…


Một thai nhi xấu số được đưa về

Lời Chúa cũng khẳng định “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv 27,10). Vì một lý do nào đó mà cha mẹ phải bỏ con, điều này chẳng ai muốn, chúng tôi cũng không kết tội, không lên án cá nhân hay tập thể nào đã làm như thế. Đó là phần phía trước đã làm và tự trả lời, còn tôi theo Lời Chúa dạy và lời mách bảo của con tim, tôi muốn đón nhận các em về, tắm rửa, mặc áo, cho các em vào hộp, trang trí thật đẹp, rồi đưa các em lên nhà thờ dâng lễ cầu nguyện và cho các em có nơi an nghỉ xứng đáng như một con người. Tôi đón nhận các thai nhi không phân biệt và không biết các em là của ai trừ những trường hợp đến gửi. Tôi cũng kêu gọi mọi người không phân biệt tôn giáo cùng tôi cầu nguyện, tôi cầu nguyện theo niềm tin của tôi, còn bạn cầu nguyện theo niềm tin của bạn, miễn là cho các em một tấm lòng, một bàn tay chăm sóc. Tôi tin rằng tôi và mọi người đã không bỏ được các em thì Chúa bỏ sao được và chỉ có Chúa mới cứu được các em. Tôi chỉ là một linh mục tầm thường và nhiều thiếu sót không cứu được các em, tôi chỉ biết làm với tất cả tâm hồn và thiện chí của mình, làm hoàn toàn mang tính cách nhân đạo.

... khâm liệm...
Chúng tôi đã trang trí nghĩa trang thai nhi như một công viên để cho các em vui chơi, luôn có sẵn sàng nhang cho mọi người đốt nhang, luôn có hoa, cây cảnh như một công viên. Các em được một anh tên Hải, chưa có gia đình, mỗi ngày tình nguyện đến nhiều lần chăm sóc cho các em. Biên giới giữa người sống và chết gần nhau để muốn nói lên vấn đề của con em chúng ta đã có những tình trạng như thế và để nối “linh thiêng vào đời”. Ngày 1/1/2011 chúng tôi đã bắt đầu an táng các em. Đến ngày 1/8/2014 số các em và những người vô gia cư đã là 7132 trường hợp.

Quả thật các em được mọi người yêu thương, ngày nào cũng có nhiều người đến chỉ để cầu nguyện, có người đứng cầu nguyện, có người quỳ, người ngồi thậm chí còn nằm ra đất bên cạnh mộ các em cầu xin. Hầu như ngày nào cũng có người đến làm giờ lòng thương xót Chúa cho các em. Tôi cũng thấy ấm cúng, ấm áp vì thấy các em được mọi người thương mến, chăm sóc và nhất là mang ý nghĩa giáo dục rất cao. Tôi chẳng bao giờ sợ hết đất cho các em, vì có tấm lòng sẽ dành được phần cho các em ở trên cõi đời này làm nơi an nghỉ, biết đâu nơi an nghỉ ấy cũng có phần của chính con cháu chúng ta mà mình không hay biết.

... và chuẩn bị được đưa về với đất mẹ.

Cám ơn quý vị đã cho tôi và các gia đình đang gặp hoang mang về phần thai nhi có nguy cơ down như bác sỹ nói về niềm tin, tình thương và lời chứng thuyết phục. Xin Chúa chúc lành cho quý vị. 


2. Lý do thứ hai để hoá giải mọi oán hờn

Có người cho rằng khi nào sinh ra mới là con người, còn lúc trong bụng mẹ vẫn là một phần của người mẹ, nên có thể để hay bỏ đi vi một lý do nào đó tuỳ người mẹ. Tôi đến các bệnh viện xin các thai nhi, các bác sĩ sản khoa giải thích: thai nhi cũng là một bộ phận của người mẹ, có thể bỏ đi nếu bộ phận ấy hư, hay không thích, phần thai nhi bỏ đi đó được xem như một cái mô của con người, và phải xử lý theo quy trình của sở y tế, không được đưa ra ngoài.


Một thai nhi...

Tôi được học và đi hỏi một vài cha giáo sư về vấn đề này: thai nhi là sự sống của con người và là con người toàn vẹn. Bởi vì nếu đưa sang bụng người phụ nữ khác thì thai nhi vẫn phát triển thành một con người bình thường. Thai nhi và bụng người mẹ độc lập hoàn toàn, không phải là một phần cơ thể của người mẹ mà là một thực thể độc lập. Thai nhi có tiến trình riêng biệt, từ khi khởi đầu là hợp tử nó tự tách ra làm hai, và cứ thế nhân lên mãi thành triệu thành tỉ tỉ tế bào, tiến trình tự liên kết các mạch máu, các dây noron; tiến trình hình thành con tim, chân tay, môi miệng, giới tính... như một máy vi tính đã lập trình sẵn và sau 9 tháng 10 ngày là hoàn thiện rồi ra đời. Người mẹ không hề can thiệp gì được vào tiến trình ấy. Thai nhi có sự sống riêng biệt, độc lập với người mẹ.


... và nhiều thai nhi khác được những người không thân thích đón nhận

Đã là sự sống của con người toàn vẹn, thì cũng có bản tính của con người, tức là có yêu, giận, ghét, oán thù, biết ơn… bản tính con người là thế. Khi làm gì tốt cho thai nhi, các em biết ơn, trả ơn; còn khi làm gì xấu, đặc biệt là phá bỏ sẽ có những nỗi oan, giận ghét, … từ đó xuất hiện những tình trạng theo đuổi để biết ơn hay oán hận làm cho cha mẹ và những người có liên quan được vui hay đau khổ.

Tôi nghĩ rằng thế giới dương đã phức tạp, thế giới âm còn phức tạp hơn. Chúng ta không thể đơn giản vào một vài từ ngữ là xong. Bởi thế khi có người qua đời vẫn còn điều gì đó thật linh thiêng nơi thân xác của họ mà chúng ta không gọi là xác chết như các con vật chết mà là linh cữu. Các thai nhi cũng là sự sống của con người toàn vẹn nên cũng có tính cách thánh thiêng, đó là những sinh linh bé bỏng “vô tội nhất và thánh thiêng nhất” (Đức giáo hoàng Phanxicô), thế nên cần được đối xử trân trọng yêu thương, gìn giữ khi còn sống và khi qua đời cũng phải được yêu thương và trân trọng cho dù đó chỉ là một túi thai nhỏ xíu, trân trọng “ngay từ giây phút đầu tiên” (Đức Giáo Hoàng Piô 12).


Thánh lễ đặc biệt tại giáo xứ Tây Hải

Tôi là một linh mục cùng với mọi người “phò sự sống”. Chúa nhật cuối tháng vào lúc 15g00 chúng tôi cử hành lòng thương xót Chúa, 16g00 dâng thánh lễ cầu nguyện tại giáo xứ Tây Hải. Thánh lễ có nhiều người Công giáo và Lương dân tham dự. Chúng tôi cầu nguyện theo các hướng:
  1. Cho các em còn sống được tôn trọng, yêu thương, mạnh khoẻ và ra đời bình an, tôi cũng làm phép thai cho các em xin ơn Chúa gìn giữ các em.
  2. Còn các em đã qua đời, chúng tôi đưa lên chân bàn thờ cầu xin các em lòng tha thứ cho những sai lỗi của bố mẹ và những ai đã xúc phạm đến sự sống của các em, mong các em an bình ra đi. Cầu xin các em đón nhận những gì chúng tôi làm và dành phần đất làm nơi an nghỉ cho các em. Chúng tôi cầu xin lòng nhân lành của Thiên Chúa đón nhận các em vào thiên đàng, nơi không còn đau khổ, oán hận nữa. Tôi cầu nguyện và dâng thánh lễ theo niềm tin của tôi còn anh chị em lương dân lại cầu khẩn theo cách và niềm tin của họ, miễn là cho các em có tấm lòng và bàn tay yêu thương. 
  3. Cầu xin ơn hoán cải và tha thứ của Thiên Chúa và các em cho ai đã xúc phạm đến sự sống của Chúa. Chắc họ cũng có rất nhiều lý do để bỏ đi con cái của mình, chúng tôi không kết tội và không lên án, nhưng cầu xin ơn tha thứ và bình an cho họ, tôi lấy sứ vụ thánh thiêng do ơn Chúa trao cho tôi ban ơn này cho họ. Tôi thương yêu họ, tôi muốn đồng hành với các tội nhân này, tôi không muốn họ phải mang tội đó theo suốt cuộc đời của họ. Nó nặng còn hơn đá đeo, tôi không muốn họ chết với tội lỗi nặng nề ấy. Trước lễ có rất nhiều người xưng tội, chẳng hôm nào tôi giải tội hết cho những người đến với toà giải tội.
Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp các người mẹ đến đây xin sám hối, hoá giải, họ bảo tôi “con phải làm sao bây giờ!?” Tấm lòng của họ thật sự đau khổ, tôi cũng nặng lòng theo con người của họ. Xin mọi người cho tôi cách thức và phương án hoá giải mọi oán hận.

Xin cám ơn mọi giải pháp của quý vị.



L.m Giuse Nguyễn Văn Tịch
Chính xứ Tây Hải - Hạt Hố Nai - Giáo phận Xuân Lộc


Theo chia sẻ trên Facebook của ngài

-

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét