Home » » Cưu mang các mảnh đời cơ nhỡ - vấn đề hiểu biết, cảm thông và yêu thương

Cưu mang các mảnh đời cơ nhỡ - vấn đề hiểu biết, cảm thông và yêu thương

Loạt bài chia sẻ của một vị linh mục 
làm công việc mục vụ Bảo Vệ Sự Sống (P1) 

Kính chào quý anh chị em. Chúng tôi hiện đang chăm sóc cho 25 trường hợp từ các nơi đến. Đây là những cô gái bị lỡ làng trong tình yêu, yêu thương nhau rồi đi quá đà hoặc việc sống thử, sống chung không tính toán dẫn đến những kết quả ngoài dự định.. Các cô từ mãi ngoài Hà Giang cho đến Mũi Cà Mau. Có cô người Kinh hoặc người dân tộc. Cô đã có gia đình mà bị hắt hủi, không nơi nương tựa hoặc có cô còn độc thân đi làm ăn giờ đây bị nạn. Có trường hợp chính họ đưa mình vào, có cô là nạn nhân của những người khá,c có lúc lại do sự đồi bại cùa một số người thậm chí đó là anh, là chú là ông nội, là chính cha ruột của mình. Có cô đã lớn tuổi (U 40), có cô còn quá nhỏ (U 13). Cô thì giàu có, người thì bần cùng… tất cả chúng tôi đã tiếp cận, cưu mang mà không một đòi hỏi về tôn giáo, sắc tộc, thành phần hoặc tài chánh. Đến nay chúng tôi đã tiếp nhận và chăm sóc được hơn 200 trường hợp trong suốt thời gian 6 năm qua.




Người con gái hầu như chỉ yêu một lần trong đời, con tim của họ chỉ có một ngăn, đã yêu là dành hết cho người mình yêu, tình yêu của họ qua đôi tai hơn là đôi mắt, lời ngon ngọt làm mềm lòng nên các cụ thường khuyên con gái “làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”. Tình yêu của các cô tuy âm thầm nhưng lại sâu đậm. Cái họ trao thân không phải là một trò chơi để muốn thì được, cái họ họ có không phải là một món hàng mà cứ có tiền thì mua được, mà là nhân phẩm, là tình yêu, là ao ước có một người hiểu, cảm thông, chia sẻ, chỗ dựa, là mái gia đình bình yên… Thế nên khi bị phản bội là một tổn thương quá lớn, là xúc phạm nặng nề, là điều ô nhục không thể chấp nhận lên toàn thân và gia đình, là tuyệt vọng đến độ bỏ nhà ra đi, tiếp tục lao thân không kiềm hãm, nhảy cầu tự tử tới hai lần, uống thuốc… Chúng tôi đã đón nhận những trường hợp này và rất đau lòng cho họ, cho gia đình của họ. Những lúc như thế chúng tôi lại chạnh lòng và tìm cách cưu mang, chữa lành, dấn thân cho họ. Chúng tôi làm mái ấm Mai Tiến cho họ tạm lánh qua cơn sóng gió khó khăn nhất của mình.

Khi chăm sóc như vậy, chúng tôi cũng bị rất nhiều những lời nói ủng hộ cũng như không. Có người cho rằng việc chăm sóc như vậy sẽ ủng hộ các cô cậu trong việc quan hệ, làm cớ cho họ phạm tội: “Cứ chơi cho đã đi, đã có chỗ nương thân, đã có người chăm sóc mà không mất gì !?!”. Hay có người chủ trương đó là một nỗi ô nhục tại sao không giải quyết ngay đi còn kéo dài để gây mất mát trong hiện tại và hệ luỵ về sau. Cũng có ý kiến cho rằng đó chỉ là một món đồ chơi thôi, không giữ được thì bỏ, ai giữ lại thì dáng chịu…

Trong khi đó tôi chỉ là một linh mục tầm thường, không bằng cấp như các bạn tôi, không phải là nhà tâm lý, không có nhiều khả năng và là một linh mục thật mong manh. Vả lại nhiệm vụ của tôi là linh mục chánh xứ, không được giao trách nhiệm này và nhiều người khác cho rằng tôi còn quá trẻ để làm việc tế nhị như thế, sợ rằng sự khốn khó và sa ngã sẽ bám lấy tôi. Nói chung là tôi không thích hợp… các bạn nghĩ sao?

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch
Chính xứ Tây Hải - Hạt Hố Nai - Giáo phận Xuân Lộc

Theo chia sẻ trên Facebook của ngài

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét