Home » , » Mẹ Teresa Calcutta và hoạt động Bảo Vệ Sự Sống

Mẹ Teresa Calcutta và hoạt động Bảo Vệ Sự Sống

Nói về đề tài Bảo Vệ Sự Sống mà không đề cập đến Mẹ Chân Phước Tê-rê-sa Thành Calculta sẽ là một thiếu sót lớn, vì hơn ai hết, Mẹ và Đức Cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, là hai vị lãnh đạo tôn giáo luôn cổ vũ và cương quyết hành động để mang sứ điệp của Phúc Âm Sự Sống vào trong nền văn hóa của sự chết thời nay.

Dưới đây là bài diễn văn của Mẹ Chân Phước Tê-rê-sa đọc tại Washington DC vào ngày 3 tháng 2 năm 1994. Qua đó, Mẹ mạnh mẽ đưa ra những ngôn từ chống lại việc phá thai, cho một đám đông khán giả, nhất là cho những con người cực lực ủng hộ việc phá thai đang hiện diện lúc đó là cựu tổng thống Clinton và bà vợ của ông, tức đương kim thượng nghị sĩ Hillary Clinton.

Phải nói không ngoa và không mấy ngượng ngùng rằng, nếu Đức Cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II là “cha đẻ” của nền Văn Hóa Sự Sống, thì ông cựu tổng thống Bill Clinton lại là “cha đẻ” của việc diệt chủng, của nền Văn Hóa Sự Chết, vì dưới thời lãnh đạo của ông, chưa bao giờ nền đạo đức và luân lý của Hoa Kỳ xuống thấp tới tận bùn đen với không biết bao nhiêu là biến loạn, là sự sói mòn kinh khủng về đạo đức luân lý mà giờ đây hệ quả của nó chính là việc phá thai tràn lan, việc đồng tính luyến ái, việc coi thường phẩm giá của người làm cha trong gia đình, việc giữ gìn tiết trinh nơi giới trẻ, vân vân... Biết bao nhiều đồng tiền xương máu của người dân Hoa Kỳ, được vị cựu tổng thống này tài trợ cho các tổ chức Kế Hoạch Hóa Gia Đình trên khắp thế giới, và đặc biệt là tại Liên Hiệp Quốc để khuyến khích các nữ nhi cứ việc buông thả lối sống, rồi sau đó tìm đến với họ, để có một giải pháp riêng: chính là việc phá bỏ đi bào thai, giết chết hàng loạt thế hệ các trẻ em vô tội...

Và sau đây là bài diễn văn của Mẹ Chân Phước Tê-rê-sa thành Calcutta:




“NHỮNG GÌ MÀ CÁC NGƯƠI LÀM CHO NHỮNG KẺ NHỎ BÉ NHẤT NÀY,
CHÍNH LÀ CÁC NGƯƠI ĐÃ LÀM CHO TA”


Vào ngày cánh chung, Chúa Giê-su sẽ nói với những người ở bên hữu của Ngài rằng, “Hãy đến và vào Nước Thiên Đàng. Vì Ta đói, các con cho ăn, Ta khát các con cho uống, Ta ốm đau các con đến viếng thăm.” Rồi Chúa Giê-su quay về phía bên tả của Ngài mà nói: “Hãy tránh xa Ta vì khi Ta đói, các ngươi không cho Ta ăn; Ta khát các ngươi không cho Ta uống; Ta ốm đau các ngươi không đến viếng thăm.” Thì những người đó mới hỏi lại Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, có bao giờ chúng con thấy Ngài đói, khát và ốm đau, mà chúng con không ra tay giúp Ngài đâu ?” Và Chúa Giê-su trả lời với họ rằng: “Bất kỳ những gì mà chúng con thờ ơ không làm cho những người bé mọn, nhỏ nhất này, tức là các con thờ ơ và xa lánh Ta !”

Chúng ta giờ đây đang quy tụ để cùng nhau cầu nguyện, tôi nghĩ thật là hay nếu như chúng ta bắt đầu buổi cầu nguyện này bằng cách diễn tả hết ra tất cả những gì mà Chúa Giê-su muốn chúng ta làm cho những người bé nhỏ nhất của Ngài. Thánh Phan-xi-cô thành Assisi đã thấu hiểu những ngôn từ này của Chúa Giê-su và cuộc sống cầu nguyện của Thánh Nhân chính là việc hiện thể ra một cách trọn vẹn nhất về những gì mà Chúa Giê-su kỳ cọng nơi Ngài.

Và lời cầu nguyện này, mà chúng ta vẫn hằng ngày đọc lên sau khi Rước Lễ, luôn lúc nào cũng gây cho tôi không ít nhiều sự ngạc nhiên và ngỡ ngàng, vì lẽ nó rất thích hợp với mỗi người trong chúng ta. Và tôi vẫn luôn tự hỏi không biết trong suốt hơn 800 năm qua, tức vào thời mà Thánh Phan-xi-cô còn sống, mọi người có phải diện đối với những vấn nạn mà chúng ta ngày nay đang gặp phải hay không ? Tôi nghĩ là một số người trong quý vị đã từng đọc lên lời Kinh Hòa Bình này, chính vì thế giờ đây chúng ta cùng nhau ca nguyện lên.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì Ngài đã mang chúng ta đến cùng với nhau trong dịp này để tất cả chúng ta cùng nhau cầu nguyện. Chúng ta đến đây ngày hôm nay, là để cầu nguyện một cách đặc biệt cho hòa bình, cho niềm vui và cho tình yêu. Chúng ta luôn được nhắc nhở rằng Chúa Giê-su đến là để mang tin vui đến cho tất cả mọi người nghèo khổ. Ngài đã chỉ cho chúng ta biết thế nào là một Tin Vui khi Ngài nói rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, bình an của Thầy, Thầy ban trao lại cho anh em.” Ngài đến không phải là để mang một kiểu hòa bình cho thế giới hòng chúng ta không còn quấy rầy nhau nữa. Mà Ngài đến là để đem sự bình an đến trong con tim của chúng ta, một sự bình an xuất phát từ tình yêu, xuất phát từ việc làm những điều tốt đẹp cho nhau, và cho đồng loại.

Và Thiên Chúa đã yêu thương thế giới này quá đỗi đến độ thí mạng Người Con Một của Ngài xuống cho chúng ta, để cứu rỗi chúng ta, và để cho chúng ta được sống, và sống một cách dồi dào. Đó chính là một sự tận hiến, một sự sinh hy cao cả. Thiên Chúa đã trao Con Một của Ngài xuống trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, và Mẹ đã làm gì với Người Con đó ?

Ngay khi Chúa Giê-su bước vào cuộc sống của Mẹ, thì Mẹ lập tức vội vã chạy đi để loan báo Tin Mừng đó. Và Mẹ đã đến nhà của người chị họ là bà Ê-li-sa-bét, mà Thánh Kinh nói cho chúng ta biết được rằng: đứa trẻ chưa được chào đời – đứa trẻ trong cung lòng của Bà Ê-li-sa-bét – cũng vui mừng sung sướng. Mặc dầu vẫn còn trong cung lòng của Đức Ma-ri-a, thế nhưng Chúa Giê-su đã mang sự bình yên đến cho Gio-an Làm Phép Rửa, người đã mừng vui trong cung lòng của Bà Ê-li-sa-bét.

Trông có vẻ như nhiêu đó thôi vẫn chưa đủ, trông có vẻ như việc Người Con Một của Thiên Chúa đã trở nên như một trong chúng ta và mang bình an và niềm vui sướng khi hãy còn trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a vẫn chưa đủ, nên Chúa Giê-su đã phải chết trên cây Thập Tự Giá để cho nhân loại nhận thấy được một tình yêu cao cả, tuyệt vời, và huyền nhiệm nhất của Ngài. Ngài đã chết đi cho tất cả quý vị và cho cả riêng tôi, cũng như những người phong cùi, những người đang phải chết dần chết mòn đi vì thiếu ăn, vì mình trần, đang nằm trơ trụi trên đường phố; những người thấp cổ bé miệng đang còn nằm trong cung lòng người mẹ, không những tại Calcutta, tại Phi Châu, mà còn trên khắp cả lục địa.

Các chị em Nữ Tu của chúng tôi hiện đang phục vụ cho những người nghèo khổ này tại hơn 105 quốc gia trên toàn cõi thế giới. Chúa Giê-su vẫn luôn nói với chúng ta là hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương từng người trong chúng ta. Chúa Giê-su đã hiến mạng sống của Ngài để yêu thương chúng ta và Ngài nói với chúng ta rằng chúng ta cũng phải biết yêu thương nhau, biết gởi trao cho nhau những gì là tốt đẹp nhất, là thiện hảo và tinh tuyền nhất. Và trong Sách Phúc Âm, Chúa Giê-su đã nói rất rõ rằng: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con.”

Chúa Giê-su đã chết trên cây Thập Tự Giá vì đó chính là cái giá cao cả mà Ngài đã làm để cứu rỗi chúng ta khỏi sự ích kỷ của tội lỗi. Ngài đã từ bỏ tất cả để làm theo Thánh Ý của Thiên Chúa Cha, nhằm cho chúng ta thấy rằng, chúng ta cũng vậy, chúng ta phải sẵn sàng để từ bỏ tất cả hòng làm theo ý chỉ của Thiên Chúa – là hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta. Nếu chúng ta không biết sẵn sàng để cho đi bất cứ điều gì là tốt đẹp nhất dành cho nhau, thì chúng ta vẫn còn đắm chìm trong tội lỗi, và tội lỗi đã che lấp chúng ta rồi. Đó là lý do tại sao mà chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng phải trao cho nhau tất cả, dẫu việc cho đi đó có làm thương tổn, và có gây cho chúng ta sự đau đớn, khốn cùng.

Vẫn chưa đủ khi chúng ta mở miệng nói rằng: “Lạy Chúa, con yêu Ngài,” mà chúng ta còn phải yêu thương những người hàng xóm, láng giềng của chúng ta nữa. Như Thánh Gio-an đã từng nói rằng, chúng ta là những con lừa nếu chúng ta nói là chúng ta yêu mến Thiên Chúa, mà lại chẳng bao giờ yêu mến đồng loại của chúng ta. Làm sao mà chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta không hề nhìn thấy bằng mắt thuờng, nếu như chúng ta không biết yêu thương đồng loại, yêu thương những người hàng xóm láng giềng mà chúng ta có thể nhìn thấy được, và có thể sờ mó được, mà lại không làm nên điều tốt cho họ ? Điều này đòi hỏi chúng ta phải biết cho đi, và cho đi mãi dẫu sự cho đi đó có đớn đau, có khoắc khoải. Bằng không thì, sẽ không bao giờ có được một tình yêu thật trong chính bản thân tôi, và những gì mà tôi có thể mang lại cho đồng loại của tôi, chính là sự bất công, sự buồn phiền, não nề, ray rứt, chứ không phải là sự bình an, sự hòa bình tĩnh lặng nơi tâm hồn.

Chúa Giê-su đã phải chịu tổn thương và đau đớn để yêu thương chúng ta. Chúng ta đã được tạo dựng nên giống với hình ảnh của Ngài là vì những lý do cao cả hơn đó là để yêu và được yêu. Chúng ta “phải nên và dám hành động giống với Chúa Ki-tô” như là Thánh Kinh đã nói với chúng ta. Chúng ta được tạo dựng là để yêu thương như Ngài yêu thương chúng ta. Chúa Giê-su biến mình trở thành một người nghèo đói, mình trần, vô gia cư, bị người đời xua đuổi và xa lánh, và Ngài nói: “Những gì anh em làm cho những người như thế đó, chính là làm cho chính Thầy.”

Vào ngày cánh chung, Ngài sẽ nói với những người ở bên hữu của Ngài rằng, “bất cứ những gì mà anh em làm cho một trong những kẻ bé mọn này, tức anh em làm cho Ta.” Và Ngài sẽ nói với những người bên tả của Ngài rằng, “Bất cứ những gì anh em ơ thờ, bỏ mặc và không làm cho một trong những người bé mọn nhất này, tức là anh em đã mặc bỏ và ơ thờ với chính Ta.”

Khi Chúa Giê-su đang hấp hối trên cây Thập Giá, Ngài nói: “Ta khát.” Chúa Giê-su đang khát về tình yêu thương của chúng ta, và cái khát này là dành cho tất cả mọi người, giàu cũng như nghèo. Tất cả chúng ta khát về tình yêu thương của những người khác dành cho chúng ta, rằng họ sẽ tránh xa chúng ta và đừng gây nguy hại cho chúng ta, để họ làm điều tốt đẹp cho chúng ta. Thì đây mới đúng là ý nghĩa của một tình yêu thật, biết cho đi dẫu có phải gặt hái hay gánh chịu lấy thương đau đến cho riêng bản thân mình.

Tôi không bao giờ có thể quên được cái cảm giác mà tôi gặp phải khi đến thăm một gia đình mà những đứa con trai và con gái đã nhốt cha mẹ già của chúng vào trong đó, và rồi dường như lại quên bẵng họ đi. Tôi nhìn thấy trong căn nhà đó, hai cha mẹ già có đủ tất cả mọi thức như: thức ăn ngon, chỗ ở thoải mái, có truyền hình, nói chung là có tất cả mọi thứ, thế nhưng cả hai người này, ai nấy cũng đều lúc nào cũng hướng nhìn về cửa sổ cả. Và không ai trong họ nở một nụ cười trên môi. Tôi mới quay lại hỏi một vị Nữ Tu đi cùng: “Con có biết tại sao hai người này có một chổ ăn ở rất thoải mái, và có tất cả, thế nhưng tại sao họ cứ mãi hướng nhìn về cửa sổ không ? Tại sao họ không vui cười nhỉ ?”

Tôi vẫn thường thấy mọi người cười, thậm chí ngay cả người sắp chết cũng mỉm cười. Và vị Nữ Tu đi cùng mới nói lại với tôi rằng: “Mẹ ạ, dường như ngày nào họ cũng như vậy cả. Họ đang mong đợi, và hy vọng rằng người con trai hay con gái của họ sẽ đến viếng thăm họ. Họ bị tổn thương bởi vì các con của họ không còn nhớ đến họ nữa.” Và như quý vị thấy đó, sự hờ hững trong tình yêu thương này mang đến cho hai cụ già một sự nghèo đói về mặt tâm linh. Có lẽ, trong gia đình riêng của chúng ta, hình như vẫn còn có một ai đó đang cảm thấy cô đơn, cô độc một mình, đang cảm thấy mình đang phải ốm đau, hay đang cảm thấy lo lắng về một điều gì đó.

Liệu chúng ta sẽ có mặt tại đó với người thân của chúng ta chăng ? Liệu chúng ta có sẵn sàng để cho đi tất cả, để chấp nhận lấy thương đau đểcó mặt cùng với gia đình của chúng ta, hay là chúng ta chỉ lo đặt những ưu tiên của riêng chúng ta trên hết ? Thì đó chính là những câu hỏi mà chúng ta phải tự hỏi chính bản thân của chúng ta, đặc biệt là khi chúng ta bắt đầu Năm Thánh về Gia Đình. Chúng ta cần phải nhớ rằng Tình Yêu được bắt đầu từ ngay tổ ấm của chúng ta, và chúng ta cũng phải nhớ rằng: “Tương lai của nhân loại là được truyền qua từ gia đình.”

Tôi rất là ngạc nhiên khi nhìn thấy tại Phương Tây có quá nhiều thanh thiếu niên dùng ma túy, và tôi đã cố gắng tìm hiểu lý do tại sao. Tại sao lại phải rơi vào nông nỗi này, trong khi ở Phương Tây lại có quá nhiều thứ hơn hẳn ở Phương Đông ? Và câu trả lời chính là: “Bởi vì không có ai trong gia đình để đón nhận các em.” Con cái của chúng ta phụ thuộc vào chúng ta về tất cả mọi mặt: về sức khỏe, về sự dinh dưỡng, về sự an toàn, về việc biết và yêu mến Thiên Chúa. Vì tất cả những điều này, mà chúng hướng về chúng ta với sự tin tưởng, phó thác, hy vọng và mong đợi. Nhưng vẫn thường khi cả cha lẫn mẹ lại quá bận rộn và không có đủ thời gian để ngó ngàng đến con cái của mình, hay thậm chí họ vẫn chưa cưới nhau, hay đã từ bỏ nhau trong hôn nhân rồi. Chính vì thế con cái của họ phải lang thang ngoài đường phố, để rồi bị dính vào ma tuý cùng những thứ tội lỗi khác. Không có tình thương yêu dành cho chúng, tức thì mọi sự sẽ tan vỡ, và sự bình an cũng vì thế mà tan vỡ theo !

Thế nhưng, tôi lại nghĩ đến yếu tố có sức hủy diệt lớn lao nhất đến sự bình an của ngày hôm nay chính là việc phá thai, bởi vì đó là một cuộc chiến chống lại đứa trẻ, một hình thức trực tiếp để giết chết đi một đứa trẻ vô tội, chính người mẹ là kẻ sát thủ chính đứa con của mình. Và nếu chúng ta chấp nhận rằng một người mẹ có thể thậm chí giết chết đi đứa con của chính mình, thì làm sao mà chúng ta có thể nói cho những người khác là đừng giết hại lẫn nhau cho được ? Làm sao mà chúng ta có thể thuyết phục một người phụ nữ không nên phá thai ? Lúc nào cũng vậy, một nguyên tắc chung hết là chúng ta phải thuyết phục những người phụ nữ này bằng chính tình yêu thương của chúng ta, và chúng ta tự nhắc nhở cho nhau rằng yêu có nghĩa là sẵn sàng để cho đi, để chấp nhận lấy thương đau.

Chúa Giê-su đã hiến trọn mạng sống của Ngài để yêu thương chúng ta. Chính vì thế, nếu một người mẹ nào đang nghĩ đến chuyện phá thai, thì người mẹ ấy nên nhận được sự giúp đỡ để biết yêu thương, có nghĩa là, dám nói thẳng với người làm cha của đứa bé rằng anh ta không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào cả vì đứa trẻ mà anh ta đã mang lại cho thế gian. Thì người làm cha kiểu đó không chóng thì chày, cũng đặt những người phụ nữ khác vào trong vấn đề rắc rối tương tự. Từ đó một việc phá thai dẫn đến nhiều sự phá thai hơn. Bất cứ quốc gia nào dám chấp nhận chuyện phá thai, thì có nghĩa là quốc gia đó không còn có thể dạy cho người dân của mình biết yêu thương được, mà trái lại dạy cho những người dân của họ là hãy dùng bất kỳ sự bạo động nào để đạt được những gì mà họ muốn. Đó là lý do tại sao việc phá thai lại trở thành kẻ hủy diệt về tình yêu và hòa bình lớn lao nhất.

Có rất nhiều người quan tâm đến các đứa trẻ tại Ấn Độ, tại Phi Châu vốn là nơi các trẻ em chết đi vì thiếu ăn, vân vân. Cũng có rất nhiều người khác, thì lại quan tâm đến tất cả mọi hình thức bạo lực mà đất nước vĩ đại Hoa Kỳ này đã mang đến cho họ. Những quan ngại này là rất đúng, và rất là chính đáng. Thế nhưng, hầu như mọi người chẳng mấy quan tâm gì cả đến hàng triệu, hàng triệu các trẻ em vô tội đang ngày đêm bị giết chết đi bằng những quyết định chủ quan của người làm mẹ. Và đó chính là lý do tại sao việc phá thai đã trở thành một kẻ hủy diệt tàn bạo nhất của nền hòa bình và văn minh đương đại thời nay, và việc phá thai cũng mang lại cho con người sự mù lòa, và ngu muội.

Vì lý này mà tôi khẩn thiết kêu gọi thay cho Ấn Độ cũng như khắp mọi nơi rằng: “Hãy mang đứa trẻ đó đến với chúng tôi,” vì chưng đứa trẻ chính là Món Quà của Thiên Chúa dành cho mỗi gia đình. Mỗi một đứa trẻ được tạo dựng nên theo đúng với hình ảnh đặc biệt nhất của Ngài vì những lý do cao cả hơn, đó là để yêu và được yêu. Trong Năm Thánh Gia Đình này (năm 1994), chúng ta phải mang đứa trẻ đó lại để cho chúng ta chăm sóc. Thì đây chính là cách duy nhất mà thế giới của chúng ta có thể tồn tại vì lẽ những đứa con của chúng ta chính là nguồn hy vọng duy nhất cho tương lai. Khi những người già được Chúa gọi về, thì khi đó chỉ có những đứa con của họ mới có thể thay thế vị trí của họ mà thôi.

Riêng về điều này thì Thiên Chúa đã nói gì cho chúng ta biết ? Thưa, Ngài nói với chúng ta rằng: “Thậm chí ngay cả khi người mẹ quên đi đứa con của riêng mình, thì Thiên Chúa sẽ không bao giờ quên được người đó. Ta khắc con trong chính lòng bàn tay của Ta”. Chúng ta được khắc trong đôi bàn tay của Thiên Chúa; và rằng đứa trẻ chưa chào đời cũng đã được khắc sâu trong cánh tay của Ngài ngay từ lúc thụ thai, và nó cũng được Thiên Chúa kêu gọi để yêu và được yêu, không những trong cuộc sống thời nay, mà là bất diệt, và mãi mãi. Thiên Chúa không thể nào quên bẵng chúng ta cho được, Ngài nỡ lòng nào mà làm như thế !

Tôi muốn kể cho quý vị biết về một điều rất hay rằng: chúng tôi đang tranh đấu chống lại việc phá thai bằng cách nhận làm con nuôi, bằng chính sự chăm sóc của người mẹ và việc người mẹ cho đi đứa con của mình để cho những người mẹ khác nhận làm con nuôi. Tính cho đến hôm nay là chúng tôi đã cứu được hàng ngàn mạng sống của trẻ thơ. Chúng tôi gởi một thông điệp đến cho các cơ sở, các bệnh viện phá thai, và các trạm cảnh sát rằng: “Xin làm ơn, đừng giết chết đi đứa trẻ vô tội; hãy giao đứa trẻ đó cho chúng tôi.” Chính vì thế mà lúc nào chúng tôi cũng có người nói cho những bà mẹ đang gặp khó khăn rằng: “Hãy đến với các Nữ Tu Dòng Bác Ái, các Nữ Tu sẽ chăm sóc cho bạn, cũng như tìm nơi nương tựa cho đứa trẻ của bạn”.

Và chúng tôi cũng nhận được rất nhiều lời yêu cầu từ các cặp vợ chồng hiếm muộn nào muốn có con, và chúng tôi chỉ giao đứa trẻ cho những cặp vợ chồng nào hiếm muộn thật sự, chứ không phải cố tình tránh không mang thai. Như Chúa Giê-su đã nói: “Bất cứ ai đón nhận đứa trẻ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy”. Bằng việc nhận đứa trẻ làm con nuôi, những cặp vợ chồng này đón nhận lấy Chúa Giê-su, và bằng việc phá thai, một cặp vợ chồng từ thẳng thừng từ chối việc đón nhận Ngài.


Hãy làm ơn, xin đừng giết hại các trẻ thơ ! Tôi muốn nhận đứa trẻ đó. Làm ơn, hãy trao cho tôi đứa trẻ đó ! Tôi sẵn sàng đón nhận bất kỳ đứa trẻ nào mà ai đó muốn phá bỏ đi, và tôi sẽ trao đứa trẻ đó cho một cặp vợ chồng nào yêu mến đứa trẻ và được đứa trẻ yêu mến họ. Từ ngôi nhà dành riêng cho các trẻ em tại Calcutta không thôi, chúng tôi đã cứu được trên 3.000 đứa trẻ khỏi bị phá bỏ đi. Những đứa trẻ này đã mang lại thật nhiều tình yêu và sự vui sướng cho các cha mẹ nuôi của chúng, và chúng đã lớn khôn trong tình yêu và sự vui sướng khôn tả.

Tôi biết rằng các cặp vợ chồng phải lên kế hoạch cho gia đình riêng của họ, và vì lý đó mà có việc hoạch định gia đình theo phương pháp tự nhiên, chứ không phải theo cách ngừa thai đời thường. Việc hủy diệt đi uy quyền ban trao Sự Sống mà Thiên Chúa đã trao phó lại, qua việc ngừa thai, cũng chính là việc người vợ và người chồng đang làm một điều gì đó chống lại chính bản thân của họ. Họ quy hướng sự chú ý vào chính bản thân của riêng họ, để hủy diệt đi Món Quà Sự Sống và Món Quà của Tình Yêu nơi bản thân người chồng và người vợ. Trong tình yêu thương, cả hai vợ chồng phải dành sự chú ý cho nhau khi cả hai cùng hoạch định gia đình theo phương cách tự nhiên, chứ không phải hành động theo cách đơn lẻ, của người chồng, hay của người vợ mà thôi, như đã xảy ra trong chuyện ngừa thai. Một khi Tình Yêu của Sự Sống đã bị hủy diệt đi qua việc ngừa thai, thì không chóng thì chày, việc phá thai rồi cũng sẽ phải diễn ra thôi, theo đúng với quy luật giết người của nó.

Tôi cũng biết được rằng ngày hôm nay trên thế giới vẫn còn có nhiều vấn nạn lớn, qua đó những cặp vợ chồng yêu nhau chưa đủ để cùng nhau thực hiện việc hoạch định gia đình theo phương cách tự nhiên và đã lên tiếng nói rằng: “Các người, những người đã sống bằng đời sống khiết tịnh, các người chính là những người tốt nhất để dạy cho chúng tôi biết được cách thức hoạch định gia đình bằng phương pháp tự nhiên vì lẽ chẳng có gì xứng đáng hơn là việc tự kiềm chế mình vì tình yêu thương dành cho nhau”. Và những gì mà người nghèo này nói lên cho quý vị là hoàn toàn đúng với sự thật. Những người nghèo này có thể là không có cái gì để mà ăn, cũng chẳng có nơi để nương tựa, thế nhưng họ vẫn là những con người vĩ đại vì họ có một đời sống tâm linh rất dồi dào.

Khi tôi đón nhặt một người nào đó ngoài đường phố, vì đói khát, tôi trao cho người đó một dĩa cơm, một miếng bánh mì. Thế nhưng, đối với một người bị bỏ rơi, một người cảm thấy mình chính là cặn bã của xã hội, không được mong muốn, và không được yêu thương, luôn cảm thấy hãi hùng, thì sự nghèo đói về tinh thần của người đó rất khó để có thể khắc phục cho dược. Và chuyện phá thai, vốn dĩ sẽ dẫn đến chuyện ngừa thai, khiến cho người đó càng trở nên nghèo nàn hơn về mặt tâm linh, và đó chính là một sự nghèo nàn tệ nhất và khó nhất hòng có thể khắc phục được.

Những ai nghèo nàn về của cải có thể trở thành những người rất ư là tuyệt vời. Một buổi chiều nọ, chúng tôi ra ngoài đường và đón nhặt bốn người đang lang thang trên hè phố, và một người trong số họ, đang ở trong điều kiện rất tồi tệ. Tôi mới nói với các Nữ Tu: “Các con chăm sóc cho ba người kia, còn mẹ chăm sóc người trông có vẻ tồi tệ nhất này”. Và thế là, tôi làm tất cả cho người phụ nữ ấy với hết thảy tình yêu thương của tôi. Tôi đặt người phụ nữ đó trên giường, và bỗng dưng trên mặt cô ta nở một nụ cười rất đôn hậu. Cô cầm lấy tay tôi như thể muốn nói lên lời cảm ơn, và rồi cô ta chết đi ngay tức khắc.

Tôi chẳng có thể làm được điều gì cả ngoại trừ việc rà soát và kiểm điểm lại lương tâm của tôi trước người phụ nữ đã vội lìa đời đó. Và tôi đã hỏi chính mình rằng: “Tôi sẽ nói ra điều gì nếu như tôi chính là cô ta ?” Và câu trả lời của tôi rất là đơn giản. Đúng lý ra, tôi chẳng cần phải chú ý gì đến riêng tôi cả. Chắc có lẽ lúc đó tôi sẽ nói rằng: “Con đang đói, con sắp chết, con lạnh quá, con đang đau đớn”, hay một điều gì đó. Thế nhưng, người phụ nữ vô tình đó đã cho tôi quá nhiều – cô ta đã cho tôi một tình yêu đầy lòng biết ơn của cô ấy. Và cô ta chết đi với nụ cười còn mãi tươi nở trên khuôn mặt.

Rồi trong một trường hợp khác khi chúng tôi đón nhặt một người đàn ông từ ống cống, phân nửa bị sâu bọ cắn, và sau khi chúng tôi mang ông ta về nhà của chúng tôi, ông chỉ nói rằng: “Con đã sống như một con thú trên đường phố, thế nhưng con sắp sửa chết như là một vị thiên thần, được yêu thương và được sự chăm sóc”. Và rồi, sau khi chúng tôi bắt hết sâu bọ ra khỏi người của ông, những gì mà ông ta có thể nói lúc đó với một nụ cười lớn chính là: “Các Nữ Tu ơi, con sắp sửa về Nhà Chúa,” và rồi ông chết đi. Thật là tuyệt vời khi thấy được sự vĩ đại và cao cả nơi người đàn ông này, một người không hề lên tiếng nguyền rủa bất kỳ ai, không hề so sánh mình với bất kỳ cái gì cả. Giống như một thiên thần, thì đây chính là sự cao cả nơi những con người có đời sống tâm linh, đời sống tinh thần rất đậm đà và sâu sắc thậm chí họ rất nghèo về mặt của cải, vật chất của đời thường.

Chúng tôi không phải là những người làm việc xã hội. Trong mắt của một số người, chúng tôi có thể đang làm các công việc xã hội, thế nhưng thực chất là chúng tôi phải sống trầm tư, suy niệm ngay giữa đời thường này. Vì chúng tôi phải đem sự hiện diện của Thiên Chúa vào trong gia đình của quý vị, vì nếu gia đình cùng nhau cầu nguyện, thì sẽ cùng nhau khắng khít. Có quá nhiều thù hận, quá nhiều nỗi thống khổ, và chúng ta, bằng chính lời cầu nguyện của chúng ta, và bằng chính sự hy sinh của chúng ta, chúng ta nên bắt đầu ngay từ gia đình của chúng ta. Tình yêu thương bắt đầu từ chính gia đình, và đó không phải là việc chúng ta làm nhiều bao nhiêu, mà là có bao nhiêu tình yêu thương mà chúng ta đặt vào những gì mà chúng ta làm cho nhau.

Nếu chúng ta sống trầm tư, niệm suy ngay chính giữa đời thường này cùng với biết bao nhiêu vấn nạn của nó, thì những vấn nạn này không thể nào làm cho ta trùn bước. Chúng ta phải luônnhớ những gì mà Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua Thánh Kinh rằng: “Thậm chí ngay cả khi một người mẹ có thể quên đi đứa trẻ trong cung lòng của mình”, một điều vốn dĩ không thể xảy ra được, thế nhưng thậm chí nếu người phụ nữ đó có thật sự quên đi đứa con của mình, thì “Ta sẽ không bao giờ quên con”.

Và giờ đây tôi đang nói chuyện cùng với quý vị. Tôi muốn quý vị hãy tìm kiếm người nghèo ngay tại nơi đây, trước hết là tại gia đình của quý vị, và từ nơi đó, hãy để cho tình yêu thương được triển nở. Hãy mang tin vui đến cho những người thân của quý vị trước đã, rồi tìm đến những người nơi hàng xóm của quý vị. Thế quý vị có biết họ là những ai không ?

Tôi đã có một cảm nghiệm rất phi thường về tình yêu thương dành cho người hàng xóm láng giềng với một gia đình theo đạo Hindu. Người đàn ông đến nhà của chúng tôi và nói: “Mẹ Tê-rê-sa, có một gia đình đã từ rất lâu rồi, họ chưa có cái gì để mà ăn cả. Vậy Mẹ hãy làm điều gì đi chứ ?” Thế là tôi mang một ít gạo và đến gia đình đó ngay tức khắc. Và tôi nhìn thấy các trẻ em, đôi mắt của chúng sáng rực lên vì đói. Tôi không biết là quý vị đã từng nhìn thấy một người đói nào bao giờ chưa. Thế nhưng, tôi vẫn nhìn thấy họ thường xuyên.

Do đó, cũng có những đứa trẻ, tỏa chiếu ra niềm sung sướng, để sẻ chia sự vui mừng và bình yên với những người mẹ của chúng vì mẹ của chúng đã trao cho chúng tất cả mọi tình yêu thương dẫu có phải đau thương đến đâu đi chăng nữa. Và như quý vị thấy đó, căn nhà, tổ ấm gia đình, đó là nơi xuất phát ra tình yêu thương.

Và như ví dụ điển hình về gia đình này cho chúng ta thấy được rằng Thiên Chúa không bao giờ quên chúng ta, và đó là điều mà quý vị cùng tôi đều có thể làm được bất kỳ lúc nào. Chúng ta có thể giữ cho niềm vui về tình yêu thương của Chúa Giê-su trong trái tim của chúng ta, và sẽ chia niềm vui đó với tất cả những ai mà chúng ta tiếp xúc với. Chúng ta hãy cùng nhau tâm quyết một điều rằng, không có đứa trẻ nào là đứa trẻ không được mong muốn, không được yêu thương, không được chăm sóc, không bị giết chết và vứt bỏ đi cả, và chúng ta phải biết cho đi tất cả dẫu có phải gánh lấy đau thương, cùng sự mất mát, với một nụ cười tươi mở.

Có lẽ vì tôi hay mãi nói nhiều về việc cho đi với nụ cười, với niềm vui mà có một lần, một vị giáo sư nọ đến từ Hoa Kỳ đã hỏi tôi rằng: “Mẹ đã có gia đình chưa ?” Và tôi trả lời: “Vâng, tôi đã có gia đình rồi, và đôi lúc tôi cảm thấy rất khó khăn để cười với vị phối ngẫu của tôi là Chúa Giê-su, bởi vì có lúc, Ngài cũng đòi hỏi tôi nhiều lắm”. Đây là một điều hoàn toàn đúng, Quý vị ạ ! Và đây chính là nơi mà Tình Yêu được xuất phát, được lan tỏa, khi nó được đòi hỏi, và do đó, chúng ta phải cho đi tình yêu thương đó bằng trọn cả niềm vui sướng.

Một trong những điều đòi hỏi nhất đối với tôi khi tôi di chuyển đó đây, cùng với sự quảng cáo rầm rộ. Lúc đó tôi vẫn thường nói với Chúa Giê-su rằng nếu tôi không đến Nước Thiên Đàng vì bất cứ điều gì, thì tôi sẽ đến Nước Thiên Đàng vì tất cả những chuyến công du của tôi với sự quảng cáo rầm rộ, vì lẽ nó đã giúp tôi nên thanh khiết, đã khiến tôi hy sinh và khiến cho tôi sẵn sàng để đến Nước Thiên Đàng.

Nếu chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, và chúng ta có thể yêu thương nhau như Ngài đã và vẫn yêu thương chúng ta, thì nước Mỹ này có thể trở thành một dấu hiệu hòa bình cho cả thế giới. Và từ đó, một dấu hiệu về sự chăm sóc cho những người yếu thế nhất trong số người yếu thế, đó là các trẻ thơ chưa được chào đời, để cho các trẻ được thế giới đón nhận. Nếu quý vị trở thành ánh sáng soi chiếu của công lý và hòa bình trên thế giới, thì quý vị mới thật sự đúng với những gì mà tổ tiên của quốc gia này đã đại diện cho. Cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả quý vị !


Bài diễn văn của Mẹ TERESA CALCUTTA,
Washington 3.2.1994,

bản dịch của ANTHONY LÊ

Theo Ephata số 274, năm 2006

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét