BVSS (22.3.2016) - Năm 1973, nước Mỹ chính thức hợp pháp hóa việc phá thai. Trước đó, rất nhiều ca phá thai chui vẫn được thực hiện. Tiếng nói của những đứa trẻ may mắn được “bàn tay của Chúa” bảo vệ đã làm thức tỉnh nhân loại.
Josiah Presley sinh ra với một cánh tay bị thiếu sau lần phá thai của mẹ |
Các trường hợp sống sót kỳ diệu sau phá thai
Phá thai là một cách đau đớn nhưng lại hợp pháp để tước đi mạng sống của một con người. Thế nhưng trên thế giới vẫn có những con người sống sót kể cả khi người mẹ đã lựa chọn phá bỏ khi họ còn là bào thai.
Trong số 57,7 triệu ca phá thai ở Mỹ từ khi pháp luật nước này hợp pháp hóa việc phá thai năm 1973 và rất nhiều ca phá thai chui trước đó, chỉ có rất ít trường hợp thai nhi có thể sống sót và chào đời. Và để giải thích cho sự sống ngoài ý muốn này, người ta chỉ có thể nghĩ rằng có “bàn tay của Chúa” sắp đặt.
Gianna Jessen và Melissa Oden là hai trong số những trường hợp may mắn này. Cả hai đều đã sống sót sau khi người mẹ chọn cách phá thai bằng dung dịch muối, kỹ thuật phá thai sử dụng dung dịch muối bơm vào tử cung người mẹ khiến cho thai nhi bị đốt cháy từ ngoài vào trong.
Thông thường, người mẹ sau đó sẽ đẩy ra ngoài một thai chết nhưng Gianna và Melissa lại chào đời khi vẫn còn sống. Và họ đã may mắn khi được các nhân viên y tế động lòng thương và chăm sóc thay vì bị bỏ mặc đến chết, bị giết hoặc bị bỏ rơi như thông thường. Sau đó, cả hai đều được nhận nuôi và tới hôm nay, họ quyết định kể câu chuyện của mình.
Gianna nói: “Tôi nghĩ những đứa trẻ giống tôi, bị đốt bỏ trong bụng mẹ xứng đáng được lắng nghe, vì chúng tôi đã phải chịu đựng những kế hoạch khủng khiếp ngay từ khi còn chưa chào đời của chính cha mẹ mình.
Tôi yêu những tiếng cười giòn tan. Tôi sống ở một thị trấn cổ và tôi yêu những gì cũ kĩ. Tôi cũng yêu thích ca hát nữa. Cuộc sống của tôi rất đẹp”.
Mỗi người sống sót sau phá thai đều có câu chuyện của riêng mình. Người mẹ lựa chọn phá thai nhưng vì một vài lí do nào đó, thai nhi vẫn còn sống nhưng mang theo những thương tật suốt đời do thiếu các bộ phận cơ thể.
Có trường hợp hi hữu khi người mẹ mang thai đôi nhưng khi phá thai, cả bác sỹ lẫn người mẹ đều không nhận ra là vẫn còn một thai nhi khác trong tử cung. Cũng có những trường hợp không mang những khiếm khuyết trên cơ thể nhưng tất cả đều mang những vết sẹo trong tâm hồn. Và họ đồng cảm với những sinh linh đã bị mất đi.
Carrie Fischer cũng là một trường hợp may mắn sống sót như Gianna hay Melissa. Cô hoàn toàn cảm nhận được nỗi đau của những thai nhi chỉ còn là các phần cơ thể.
“Khi tôi thấy những phần cơ thể ấy, trái tim tôi tan vỡ vì ý nghĩ rằng mình đã có thể là một trong những đứa bé ấy. Tôi cảm nhận được nỗi đau và sự sợ hãi mà những sinh linh ấy có thể đã phải chịu, vì tôi cũng đã trải qua cảm giác ấy khi mẹ tôi cố phá thai tại một phòng khám ở Texas. Tôi sống sót, nhưng hàng triệu đứa trẻ đã mất mạng vì việc làm dã man ấy”, Carrie nói trong xúc động.
Carrie và chồng, Richard Fisher |
Tới gần đây, một trường hợp khác là Melody Olson mới quyết định chia sẻ về câu chuyện của mình. Cô khám phá ra câu chuyện của mình năm 2007 trong một cuốn băng ghi âm của bà mình trước khi mất năm 1999.
Trong cuốn băng, người bà đã kể lại câu chuyện khi mẹ Melody phát hiện mình có thai và bố mẹ cô đã tới Mexico để phá thai. Khi đó, người mẹ đã được đưa một viên thuốc để phá thai nhưng cuối cùng thì như bà Melody nói: “Rõ ràng là nó không có tác dụng, vì giờ cháu đang ở đây đấy thôi!”.
Melody Olsen |
Sau khi được xem những hình ảnh về quy trình phá thai, Melody rất sốc và nói: “Tôi không hề biết rằng đây là cách mà họ tiến hành. Tôi tưởng đây chỉ là một thủ thuật đơn giản. Tôi không thể tin rằng bất cứ ai sau khi xem video này lại có thể bước vào phòng khám và tước đoạt đi mạng sống của một con người. Tôi thực sự không thể tưởng tượng nổi. Phải làm thế nào nữa để chúng ta thấy rằng đó không chỉ là một bào thai mà là một đứa trẻ?”.
Một tổ chức chống phá thai có tên là Center for Medical Progress (Trung tâm phát triển y khoa) năm 2015 đã công bố một đoạn phim video trên mạng gây rúng động.
Video là những bằng chứng cho thấy tổ chức Planned Parenthood (PP) vi phạm trầm trọng chuẩn mực đạo đức cũng như luật pháp hiện hành khi mua bán nội tạng những thai nhi mà họ trục ra khỏi lòng những bà mẹ đến nhờ phá thai.
Đoạn phim dài 3 tiếng được quay tại một nhà hàng ở California, ghi lại cuộc trò chuyện giữa hai nhân viên giả dạng làm chuyên gia về nhân sinh học với bác sĩ Deborah Nucatola của tổ chức PP.
Câu chuyện có đoạn nhắc đến việc PP thu lợi với giá tiền từ $30- $100 một "mẫu vật" trục ra từ thai nhi
Planned Parent Hood thì phủ nhận hoàn toàn lời cáo buộc trên, nói rằng đó chỉ là lệ phí cho việc phá thai và chuyển mẫu vật nội tạng thai nhi.
Một chủ đề mà hầu hết những người sống sót đề cập tới trong khi được phỏng vấn đó sự lạnh lùng của nhân viên của Liên đoàn y tế Planned Parenthood và những người khác khi nói về việc mua bán nội tạng của những thai nhi bị phá bỏ.
Gianna Jesson đăng trên trang Twitter của mình: “Thật là shock khi xem đoạn video của một bác sĩ nói về việc buôn bán nội tạng trẻ em. Những đứa trẻ bị ruồng bỏ ngay từ trong bụng như chúng tôi thì sẽ chẳng có ai bảo vệ cả”.
Melody Olson thì chia sẻ: “Việc xem quá trình phá thai đã là quá khủng khiếp rồi nhưng thứ đáng kinh tởm hơn chính là sự thờ ơ của những người đó. Giống như thể đây chỉ là một việc rất bình thường như rửa xe hay cắt thịt gà vậy. Tâm hồn họ có lẽ đã chết rồi”.
“Một bào thai cũng là một con người”
Josiah Presley là một chàng trai trẻ được nhận nuôi sau khi sinh ra thiếu một cánh tay sau lần phá thai của người mẹ. Anh nghi ngờ rằng mình còn có một người anh em sinh đôi đã chết trong lần phá thai ấy.
Josiah Presley với một cánh tay bị mất, di chứng sau lần phá thai của mẹ |
Trong cuộc nói chuyện, Josiah chia sẻ: “Khi xem những đoạn video của Planned Parenthood (PP), tôi thực sự kinh hãi nhưng không hề ngạc nhiên. Khi mà việc giết hại những con người vô tội và không thể phản kháng chẳng là gì thì sao lại không kiếm thêm chút lợi từ việc đó chứ?
Điều khiến tôi ngạc nhiên ở đây là việc mà PP hoặc là che giấu hoặc là chỉ đưa ra lời xin lỗi cho sự vô cảm của những nhân viên khi bàn luận về chuyện này.
Nhưng dù sao thì họ cũng chỉ coi những thai nhi này là một nhúm tế bào, vậy thì sao lại phải xấu hổ khi dùng chúng để nghiên cứu, để có thể cứu sống những người khác?
Chúng ta không phải vẫn giết động vật để ăn thịt đấy thôi. Câu trả lời rất đơn giản, vì từ giây phút được thụ thai, mỗi bào thai đều đã là một con người.
Việc PP cố gắng che giấu những video này và đưa ra lời xin lỗi không có tác dụng gì ngoài việc khẳng định rằng phá thai là giết người. Họ có thể biện hộ thế nào cũng được nhưng đến cuối cùng thì việc gọi những bào thai người là một nhúm tế bào rồi sau đó lại lấy nội tạng của những bào thai đó để cứu người là điều vô lý.
Những video này đã một lần nữa khẳng định rằng thai nhi cũng là một con người và chúng cho tất cả mọi người thấy được bộ mặt kinh khủng của việc phá thai.
Trái tim tôi đau đớn cho những mạng sống bị tước đi, vì chính tôi cũng suýt chết ở trong bụng mẹ 19 năm trước. Nhưng điều làm tôi đau đớn hơn cả đó là tôi đang sống trong một thời đại nơi người ta coi phá thai là một chuyện hết sức bình thường. Một quá trình mang lại lợi ích cho một nhóm người nhưng lại lấy đi mạng sống của những người khác”.
Phương Hoa (Dịch từ Health Impact News)
Theo Tuổi trẻ thủ đô
0 bình luận:
Đăng nhận xét