Đầu năm mừng tuổi... "nhóm Tobia"


Có lẽ công việc BVSS trước hết mọi mặt chính là đi nhặt xác thai nhi đem về lo tẩm liệm, chôn cất hoặc hỏa táng. Và nếu chọn mốc khởi sự là năm 1992, thì anh Tống Phước Hiếu cùng với người thân trong gia đình và các bạn sinh viên Huế sẽ được công nhận là thành viên “Nhóm Tobia” đầu tiên, đã tận tụy ân cần từng ngày vun đắp những nấm mộ thai nhi trên các quả đồi bỏ hoang của Giáo Xứ Ngọc Hồ, cố đô Huế. Từ đó đến nay đã 21 năm, 3 quả đồi trắng xóa những cây thập giá, có lẽ phải đến hàng mấy vạn anh hài.

Chúng tôi đóng ngoặc kép tên gọi “Nhóm Tobia” là vì không có hẳn một Nhóm nào mang tên Tobia, nhưng cứ hễ ở đâu khởi sự có chương trình BVSS, thì người ta có thể làm ngay khâu lo “hậu sự”, và như thế họ trở thành các hậu duệ của Thánh Tobia trong Cựu Ước.

Ngày xưa còn bé, trước 75, cuối tuần tôi thường được bố giao việc đi bộ từ Nhà Thờ Phanxicô Đakao ra Nhà Thờ Tân Định để nhận báo đem về phát cho từng nhà bổn đạo, khi băng ngang đường Hai Bà Trưng, nhìn sang phía bên phải thấy Trại Hòm Tobia, tôi cứ sờ sợ, ghê ghê thế nào ấy. Của đáng tội, những gì có hơi hướm sự chết, ai mà không hãi!?! Vậy mà không ngờ hơn bốn mươi năm sau, bản thân mình cũng liên quan đến “Nhóm Tobia”.

Có điều, ngày xưa Trại Hòm Tobia có câu slogan lừng danh “Sống một cái nhà, thác một cái hòm”, các thai nhi của chúng tôi bây giờ làm gì mà dám mơ có được hẳn một cái hòm?!? Khi được các cộng tác viên “Nhóm Tobia” kín đáo mang ra khỏi bệnh viện hoặc phòng khám có dịch vụ phá thai, các bé nằm chung với nhau trong những túi nylon màu đen lõng bõng nước, từ đó đem về các Nhà Dòng hay Nhà Xứ, có khi là về một ngôi Chùa nữa.

Đến khi đem chôn thì các bé được đặt chung trong một cái bát hương, hay hũ sành, trám ximăng lại rồi táng vào hầm mộ, hoặc đào sâu xuống đất, nơi sẽ xây lên một nấm mộ bé xíu, quét vôi trắng, hoặc ốp đá đen, thường là mộ chung của 20 đến 30 em bé. Ở DCCT và một vài nơi khác giữa lòng các thành phố lớn, khi chọn giải pháp là thiêu, tro cốt các bé như nắm bột màu ngà ngà trắng, được gói lại, hàn kín trong những bao nylon trong, đặt gọn giữa lòng một viên gạch kích thước 15x15x25cm, mỗi viên gạch như thế là khoảng 100 cháu. Ở Sàigòn trước đây mỗi ngày chỉ 1 viên, bây giờ có khi phải là 2, 3 viên. Cứ thế, sau 10 năm, riêng Nhà Dòng chúng tôi đã nhặt về tính ra đã hơn 35 vạn cháu bé, vượt qua số lượng thai nhi được chôn cất sau hơn 20 năm ở Huế !

Để có được những Nghĩa Trang như thế, các Linh Mục nam nữ Tu Sĩ chúng tôi làm sao cho xuể từ A đến Z ? Rõ ràng phải có rất đông anh chị em Giáo Dân cộng tác gắn bó tin cậy suốt nhiều năm mà chúng tôi xin được gọi chung là “Nhóm Tobia”.

Trước hết phải kể đến các y bác sĩ, điều dưỡng, y công còn có lương tâm, tại các nơi có phá thai, họ dứt khoát không nhúng tay phạm tội ác phá thai nhưng cũng không đành lòng làm ngơ để xác các bé bị đem đi như rác thải y tế hoặc tệ hơn, bỏ tọt vào nhà cầu, giật nước ùm một cái là xong như người ta vẫn thản nhiên làm.

Tiếp theo, chỉ tính riêng với DCCT, là một đội ngũ khoảng 40 anh chị em, do tính cách công việc quá nhạy cảm, họ gần như hoạt động đơn lẻ độc lập, không quen không biết nhau, nhiều lắm là đi chung 2 người với nhau hoặc chia nhau luân phiên hai tư sáu – ba năm bảy. Họ hoàn toàn tự nguyện, lắm khi chúng tôi hỏi thăm, họ cũng khéo léo từ chối không cho biết tên, biết địa chỉ và nghề nghiệp. Có lẽ họ vừa muốn khiêm tốn âm thầm làm việc, lại vừa muốn tránh mọi sự dòm ngó đồn thổi. Suốt buổi sáng cho đến tối khuya, dù mưa gió, áp thấp nhiệt đới, rớt bão tràn về thành phố, bất cứ lúc nào có em bé bị giết, họ lại có mặt để nhận xác và đem về nơi Góc Thương Xót, cuối hành lang dãy Nhà Hiệp Nhất ở DCCT chúng tôi. Họ hiểu, chỉ một sơ sảy trễ hẹn hay bỏ phiên, các em bé có thể bị vứt đi không thương tiếc, làm mồi cho chuột, chó, mèo, ruồi nhặng…

Kế đó, vào lúc 21g30 hằng đêm, khi cái vại lớn ở chỗ chúng tôi đã đầy ngập những túi nylon đen, ít gì cũng cả trăm xác, mà lắm hôm gặp đợt cao điểm phá thai, tổng cộng phải đến 10Kg xác em bé, đến phiên các bạn Nhóm Fiat (gần đây có thêm Nhóm Amen là c1svien gốc Tân Hà, Bảo Lộc), từng hai bạn trẻ làm thành một ca, gói ghém kỹ lưỡng tất cả trong 2, 3 lớp bao nylon to và dầy, túm lại, buộc chặt, thắp một nén nhang, đứng im cầu nguyện trong mấy phút trước tượng Đức Mẹ và ảnh Lòng Chúa Thương Xót, rồi rời Góc Thương Xót mang tất cả đi một đoạn đường khoảng 10 cây số đến một ngôi Nhà Nguyện nhỏ bé xa xôi ở ngoại thành.

Cuối cùng, tại điểm lo hậu sự, một thầy trợ sĩ DCCT sẽ cùng các bạn trẻ trong “Nhóm Tobia” riêng của thầy, đón lấy, đưa các bé ra khỏi các túi nylon, trộn với vôi bột, lại cầu nguyện, rồi bắt đầu đặt vào lò thiêu bằng gaz thật an toàn, gọn nhẹ, không gây ô nhiễm. Mấy tiếng đồng hồ sau, nhiệt độ giảm dần, tro cốt các cháu từ nay sẽ yên nghỉ trong từng viên gạch lớn ghi rõ trên nắp bên ngoài: RIP (Requiescat in Pacem) xây thành 3 bức tường lớn hình chữ U của Nghĩa Trang Anh Hài.

Như vậy đó, với 4 khâu lần lượt nối tiếp nhau của “Nhóm Tobia”, những linh hồn bé bỏng bị con người từ khước được về bên Chúa, còn thân xác tý hon thì được chăm sóc chu đáo. Công việc lầm lũi âm thầm, không lương bổng, không bồi dưỡng nhưng lại đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm rất cao, giàu tình thương và lòng trung tín, không được để thất hẹn, cho dẫu phải phóng xe gắn máy đêm hôm về tận Bình Dương, Biên Hòa, Tây Ninh, Mỹ Tho rồi trở lại Sàigòn…

Hôm 28 Tết vừa qua, lúc 8g30 sáng, một cú phone bất ngờ từ Hóc Môn, cách Nhà Dòng chúng tôi khoảng 12 cây số: “Cha ơi, đến 10g30, cha gửi một bạn về nhận một thai nhi nhé, mẹ bé bây giờ đang nằm chờ trong phòng chuẩn bị rồi…” Các bạn gốc Sàigòn thì đang còn phải đi làm những ngày cuối năm, các bạn khác trong “Nhóm Tobia” thì đã về quê ăn Tết, tôi đang lo có khi chính mình phải lên đường, thì một bạn trẻ đang ngồi cộng sổ sách Quỹ Người Nghèo nghe tin đã nhận lời ngay: “Bố để con đi cho… Nhưng… khu vực ấy con không rành đường…” Cuối cùng bạn trẻ ấy cũng đã lên đường và mang về một bào thai đã 4 tháng tuổi còn ấm nóng đúng giữa trưa.

Tôi gọi phone hỏi cộng tác viên các nơi: “Tết nhất có phá thai không nhỉ?” Họ trả lời: “Có chứ cha, cứ trả tiền cao là người ta làm tất! Cha chuẩn bị tinh thần nhé…” Vâng, chúng tôi đã luôn chuẩn bị tinh thần, nhưng vẫn có một nỗi xót xa, buồn đến rũ người…

Còn nhớ, trước khi có các bạn Fiat tình nguyện, suốt trong 6, 7 năm liền, khâu thu gom xác thai nhi đưa đi thiêu này do gia đình bác MH. đảm nhận. Vợ chồng, các con trai con gái chia phiên nhau trong tuần, đến cả cô con dâu trong những ngày đang mang thai sắp sinh cũng luôn sẵn sàng. Vậy mà có lần cô con gái Út đang cặm cụi chở xe Honda một bọc to xác các thai nhi, dọc đường gặp một ông thầy tu trẻ, ông cười cợt mỉa mai: “Sao em ngu thế? Người ta ăn ốc, em lại phải đi đổ vỏ à?”

Vâng, tại sao lại có những con người, hầu hết là các bạn trẻ, lại tình nguyện làm cái chuyện ngược đời và có vẻ tào lao vớ vẩn như thế ? Nhiều Linh Mục cũng thường chất vấn chúng tôi theo cái kiểu châm biếm giễu cợt: “Sao các ông không chịu lo ngăn ngừa ngay từ cái gốc, mà cứ toàn lo giải quyết chuyện cái ngọn như thế, chẳng ra đâu vào đâu, vô ích!” Chúng tôi bực bội lắm nhưng rồi cũng đành nhịn, có cãi, có phân bua cũng bằng thừa, người ta không hề chú ý xem chương trình BVSS còn nhiều mặt hoạt động khác chứ đâu chỉ có khâu hậu sự chôn cất! Những dư luận như thế thường chỉ có vậy, rồi thôi, chẳng thấy ai cùng lên tiếng, chẳng thấy ai bắt tay vào việc để cùng chúng tôi lo cái gốc rễ của vấn nạn nạo phá thai…

Ngẫm nghĩ thấy cái thân phận làm Tobia là như thế…

Đọc lại chuyện ông Tôbia trong Cựu Ước thì thấy được an ủi khích lệ rất nhiều. Cha con Tôbít – Tôbia quả thật là người hiền lành dễ thương chứ không đành hanh bần tiện, giàu lòng nhân ái chứ không vô cảm, luôn sẵn sàng giúp người nghèo đói khốn quẫn. Lại thấy xác những người bị vua giết hại quăng ra ngoài thành, không nỡ để cho thú dữ xé thịt, cha con ông lại đi đào huyệt chôn cất đàng hoàng tử tế. Vua biết được thì tức giận cho lùng bắt trị tội, ông Tôbit đã phải bỏ trốn biệt tích, gia sản bị sung công tất cả, trừ bà vợ là Anna và con trai là Tôbia.

Rồi mãi đến khi vua ấy bị giết chết, vua khác lên ngôi, ông Tôbít mới được tha về, vậy mà hai cha con vẫn cứ liều mình đi chôn cất những xác chết oan khiên đầu đường xó chợ. Láng giềng chế nhạo và mắng rằng: "Hắn vẫn còn chưa sợ! Người ta truy nã để giết hắn về tội ấy và hắn đã phải trốn đi, thế mà hắn lại vẫn cứ đi chôn cất người chết!" (Tb 2, 7).

Sau này, khi Tôbia cưới được vợ phương xa là Sara và mang thuốc quý trở về chữa bệnh mù cho cha, thiên thần Raphaen mới bảo với cha con Tôbia: “Chính tôi đã tiến dâng những lời cầu nguyện lên trước nhan vinh hiển của Đức Chúa, để xin Chúa nhớ đến hai người; tôi cũng làm như vậy khi ông chôn cất người chết. Và khi ông không ngại trỗi dậy, bỏ dỡ bữa ăn để đi chôn cất người chết, bấy giờ tôi được sai đến bên ông để thử thách ông và chữa lành cho ông…” (Tb 12, 12).

Cựu Ước ghi lại câu chuyện thật có hậu. Trải qua bao thăng trầm, vui buồn, hạnh phúc và khốn khổ, ông Tôbít sống thọ đến 112 tuổi trong bình an. Còn Tôbia còn thọ hơn cha, đến 117 tuổi mới ra đi trong hạnh phúc. Có cái gì đó là lẽ nhân – quả trong cuộc đời cha con ông Tôbia hay đó là phần gia nghiệp Thiên Chúa ban tặng cho những ai sống công chính và có tấm lòng xót thương người?

Trước mắt, chúng tôi viết bài này không nhắm đến chuyện phô trương, kể lể công khó thay cho các anh chị em “Nhóm Tobia” gần xa khắp nơi trên quê Việt, nhưng thật sự chỉ muốn “mừng tuổi” họ đúng vào ngày đầu năm mới.

Vâng, hôm nay họ đang cặm cụi đi “đổ vỏ” trong khi người đời tiếp tục ngang nhiên “ăn ốc”, họ vẫn nhẫn nại chôn cất các thai nhi đáng thương hằng ngày. Trong thinh lặng âm thầm của Sự Chết vẫn có vạn điều lên tiếng nói cho Sự Sống, cho Lương Tri, “Nhóm Tôbia” vẫn đang ở đầu sóng ngọn gió của phong trào BVSS. Họ vẫn đang chỉ ra cho mọi người thấy một đất nước ngỡ là đã hòa bình nhưng hằng năm vẫn có đến 3 triệu em bé phải chết, một quê hương có quá nhiều nghĩa địa và những rừng cây thập giá…

Mừng tuổi “Nhóm Tôbia” thế nào đây? Chúng tôi tin, chẳng phải đợi đến cuối đời, ngay từ bây giờ anh chị em cũng đã được hưởng ân phúc trong Bình An thật sự của Thiên Chúa không thua gì cha con ông Tôbia ngày xưa…

“Phúc thay ai biết xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 7).

Lm. QUANG UY, DCCT, 
Mùng Một Tết, Chúa Nhật 10.2.2013


Theo báo Ephata số 548

Cái tát


Ngồi chờ đón Giao Thừa, đọc lại bài thơ của người xưa, bài thơ “Chúc Tết” của Cụ Trần Tế Xương, ngẫm lại chợt thấy con tạo xoay vần. Những câu thơ xưa nhưng giá trị hiện thực bây giờ dường như càng sáng tỏ.


Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu
Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu…

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang
Đứa thì mua tước đứa mua quan...

Vua quan sĩ thứ người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người.

(Trích “Chúc tết” Trần tế Xương) 

“Sao được cho ra cái giống người”. Giờ thấy câu thơ như một cái tát của người xưa vào xã hội hiện nay. Không khí náo nhiệt, tấp nập háo hức chờ mong tết đến thường thấy của người Việt dường như trầm lắng hẳn.

Bao nhiêu khẩu hiệu giăng mắc đầy ngoài kia với chiến thắng này chiến thắng nọ đỏ rực cả đường phố không sao che đậy hết những lo lắng trầm tư của người lao động. Những lời hứa của các quan chức cứ dần theo gió bay đi, giá cả cứ ùn ùn đẩy những đồng xu cuối cùng ra khỏi túi áo trước khi những em bé nhận phong bao lì xì.

Những bao biện của chính phủ không còn tác dụng với người dân vì những nguyên nhân làm nghèo đất nước đã hiển hiện rõ ràng, minh bạch trước bàn dân thiên hạ, có điều, nỗi hãi sợ lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu cho những ai dại mồm dại miệng lên tiếng, cho những ai cố lôi cái sự thật mà ai đó muốn ém nhẹm che đậy. Tất cả khiến cho sự câm nín bấy lâu chực chờ nổ tung trong tâm trạng chán nản đến cùng cực.

Con số hàng triệu cho đến hiện nay đối với người dân các nước vẫn còn là một con số tự hào và đáng mơ ước, chỉ có ở Việt nam thì đến kẻ ăn mày cũng chửa coi nó ra gì, bây giờ có khoe mẽ với nhau thì phải nói đến trăm tỷ, ngàn tỷ, Còn cỡ triệu tỷ thì xin nhường cho các bác quả đấm thép của chính phủ tung đòn vào mặt nhân dân bằng khoản nợ kếch sù. Đáng thương thay, người lãnh hậu quả nặng nề nhất chính là hàng triệu những công dân bé nhỏ không được phép chào đời.

Người ta thường đưa lý do nghe qua rất ư là chính đáng là đẻ ra mà không nuôi nổi thì đẻ làm gì? Đói nghèo đã làm cho con số nạo phá thai tăng vùn vụt trong những năm qua, nhiều người đã tự hỏi tại sao tôi nghèo? Tại sao gia đình tôi nghèo? Nhưng mấy ai dám hỏi rằng vì sao đất nước tôi nghèo để người dân phải lầm than khổ sở? Để người dân phải xuống tay giết ngay cả con ruột để sinh tồn. Cái tát chưa thẳng tay để day tận mặt những lãnh đạo phải chịu trách nhiệm làm nghèo đất nước.

Chuyện xưa cụ Trần tế Xương vẫn còn bóng gió, hiện nay thì vẫn còn đó những đồng chí X, còn đó những nhóm Y nhóm Z nào đó xa xôi. Một tiếng nói can đảm của nghệ sĩ Kim Chi lại chìm vào những trang mạng luôn bị bức tường lửa bao vây, dòm ngó. Còn đại đa số mấy ai biết được những tiếng nói can đảm để giác ngộ, tất cả cùng sống trong bưng bít, sống trong những mụ mị dối trá. Ngóc đầu lên thế nào.

Tỷ lệ nạo phá thai tại Việt Nam hôm nay đã nhảy lên hàng đầu, con số đó đúng là một cú tát thẳng tay vào Lương Tâm bị làm cho dị dạng của con người, cú tát của Sự Thật. Nó đã nói lên tất cả về suy đồi lẽ sống trong xã hội mà nếu ai còn có chút tự trọng đều cảm thấy cú tát ấy đớn đau thế nào. Mà có phải chúng ta chỉ có cú tát ấy đâu, những cú tát vào lịch sử, những cú tát vào nhân phẩm, vào nhân quyền… ngày càng nảy lửa giữa quan với dân.

Hãy thôi trao nhau những cú tát chết người, hãy thôi trao nhau những dối trá và trả lại cho nhau quyền sống làm người. để mà “Sao được cho ra cái giống người”. Nhìn vào vua, nhìn vào quan. Vua hãy ra vua, quan hãy ra quan. Nhìn vào dân, dân sống ra dân. Mong sao cái sự chua chat mà cụ Trần Tế Xương nhắn nhủ cho hậu thế không còn tồn tại.

Đaminh PHAN VĂN DŨNG, 2.2013

Theo Ephata số 548

Cuộc chiến chống tệ nạn phá thai

Phỏng vấn ông Chris Slattery, người thành lập các trung tâm săn sóc các bà mẹ đợi sinh con

Ngày 25-1-2013, tưởng niệm 40 năm chính quyền Hoa Kỳ chấp nhận luật cho phép phá thai, đã có nửa triệu người tham dự cuộc tuần hành biểu tình cho sự sống tại thủ đô Washington.

Hôm trước đó đã là ngày cầu nguyện, canh thức và suy tư, tập trung quanh Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Washington, nơi vào ban chiều Đức Hồng Y Sean O'Malley, Tổng Giám Mục Boston đã cử hành thánh lễ.

Cuộc tuần hành biểu tình bảo vệ sự sống lần đầu tiên đã diễn ra ngày 22 tháng Giêng năm 1974 với sự tham dự của 20.000 người. Sau đó số người tham dự biểu tình bảo vệ sự sống hàng năm gia tăng từ từ cho tới hơn 300.000 hồi năm 2012, quy tụ các gia đình, các giáo dân và nam nữ tu sĩ toàn Hoa Kỳ.

Luật cho phép phá thai hay còn gọi là luật ”Roe chống lại Wade” nảy sinh từ vụ bà Norma Mc Corvey, 21 tuổi, hồi năm 1968 có thai lần thứ ba với người chồng cũ vũ phu, quyết định phá thai. Luật của tiểu bang Texas chỉ cho phép phụ nữ phá thai trong trường hợp bị hãm hiếp. Và bà Norma đã nói dối là bị hãm hiếp để được phép phá thai. Nhưng sự thật bị khám phá ra, và bà Norma đã không được phép phá thai. Sau khi sinh, đứa con của bà đã được người khác nhận làm con nuôi. Nhưng trường hợp của bà đã trở thành ”lớn chuyện” vì có một nhóm luật sư trẻ đã biến vụ này thành ”một trường hợp biểu tượng” nhằm bênh vực quyến phá thai của phụ nữ. Để bảo vệ căn cước của bà, tòa án đặt cho bà tên là Jane Roe và vụ án này được biết dưới tên gọi vụ án ”Roe chống lại Wade”, trong đó ông Henry Wade là biện lý của tiểu bang Texas.

Sau khi đã dìm vụ này trong hai năm 1970-1971, vào năm 1972 Tòa Thượng Thẩm Hoa Kỳ chấp nhận duyệt xét tính cách hiến pháp của lệnh cấm phá thai tại Texas và trong các tiểu bang khác. Ngày 22 tháng Giêng năm 1973 bẩy trên chín thẩm phán thiết định rằng một phụ nữ cùng với bác sĩ của mình có thể lựa chọn ngưng mang thai trong ba tháng đầu mà không có hạn chế, và trong các tháng sau đó với các hạn chế cho tới lúc phôi thai có thể sống ngoài tử cung của bà me. Quyết định dựa trên khoản tu chính 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ bảo đảm quyền bảo vệ sự riêng tư của một cá nhân, mà không bị lấy đi, ngoại trừ trong các trường hợp ”ích lợi lớn hơn của quốc gia”, như việc bảo vệ một sinh mạng con người. Như thế trong luật ”Roe chống lại Wade” đa số các thẩm phán đã không thừa nhận con ngưừi từ lúc thụ thai, bằng cách miêu tả phôi thai như là một “khả thể sự sống”. Trên thực tế luật này đã hợp thức hóa việc phá thai trên toàn Hoa Kỳ, bằng cách tuyên bố luật cấm phá thai là bất hợp hiến.

Kể từ đó Quốc hội liên bang và quốc hội các tiểu bang đã giảm tầm quan trọng của luật phá thai. Trên bình diện liên bang với việc chấp thuận một luật cấm ”sinh ra một phần”, tức trục thai hay giết phôi thai trong ba tháng thứ hai. Trên bình diện địa phương với các luật tiểu bang bắt buộc phải chụp hình phôi thai trước khi phá thai, và thiết định một thời gian suy tư, trước khi tiến hành phá thai, và bắt buộc các bác sĩ báo cho cha mẹ của một thiếu nữ vị thành niên muốn phá thai.

Theo các thống kê biết được, tại Hoa Kỳ có khoảng 20% các vụ mang thai bị các bà mẹ quyết định ngưng.

Và số các vụ phá thai gia tăng gấp đôi từ năm 1974 đến 1979 và liên tục gia tăng trong các năm sau đó tới khi đạt kỷ lục năm 1990 với 1,5 triệu thai nhi bị giết. Tính từ năm 1974 tới nay luật phá thai nói trên đã khiến cho 53 triệu thai nhi bị sát hại tại Hoa Kỳ. Nhưng vì có nhiều vụ phá thai lén lút nên không ai biết con số đích thực là bao nhiêu. Hiện nay số các vụ phá thai cao nhất là tại New York chiếm 42%, trong đó có 50% thuộc khu vực Bronx, và 70% là người Mỹ gốc Phi châu. Chỉ tại New York kể từ khi có luật phá thai đã có 4,3 triệu thai nhi bị giết. Và trong năm 2010 đã có 83.000 vụ phá thai.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Chris Slattery, sáng lập viên các trung tâm ”Săn sóc các bà mẹ đợi có con, Expectant Mother Care” viết tắt là EMC, về sinh hoạt của các trung tâm bảo vệ sự sống này.

Hồi năm 1985 qua việc giáo xứ chỗ ông sinh sống trợ giúp một số thiếu nữ vị thành niên mang thai, ông Chris Slattery biết được tình trạng của hàng ngàn thiếu nữ nghèo, ít học và thất nghiệp phải đương đầu với cảnh lỡ làng mang thai bất đắc đĩ. Từ đó ông quyết định trợ giúp họ. Ông bỏ công việc quảng cáo của mình, và bắt đầu thành lập một hệ thống các Trung tâm EMC trong khu phố Manhattan ở New York để săn sóc các bà mẹ chờ sinh con.

Mạng lưới này hiện có hơn 2.500 nhà chống lại 1.800 nhà thương phá thai rải rác trên nước Mỹ. Năm ngoái các trung tâm này đã trợ giúp 1 triệu phụ nữ mang thai được hưởng các săn sóc trước khi sinh, được cố vấn về mặt tâm lý, tiến hành việc để cho người khác nuôi con nếu không muốn giữ nó, và trong nhiều trường hợp được ăn ở miễn phí và có công ăn việc làm nữa.

Anh Manuel Garcia, làm việc ở trung tâm Bronx từ bốn năm nay, cho biết có nhiều sinh viên tới làm việc vài tháng, đặc biệt trong mùa hè. Chẳng hạn như chị Melanie sinh viên đại học Oklahoma tình nguyện làm việc hai tháng tại trung tâm Bronx. Các nhân viên làm việc tại các trung tâm này đều là những người thiện nguyện, không có lương nhưng được nuôi ăn ở trong thời gian làm việc.

Trong mùa hè có nhiều sinh viên hơn. Họ đến từ nhiều nơi trong nước Mỹ, từ Âu châu, cũng có khi từ Á châu và Phi châu. Họ bắt đầu công việc hai tiếng trước khi văn phòng mở cửa lúc 9 giờ sáng. Mỗi tháng trung tâm tiếp đón khoảng 300 phụ nữ, 55% thuộc lứa tuổi 18-21, số còn lại là vị thành niên. Đa số, 80%, là các thiếu nữ Mỹ gốc Phi châu, nghèo, ít học; đôi khi cũng có các thiếu nữ di dân thường là gốc Mỹ châu Latinh. Phân nửa sau khi gặp các nhân viên, được chụp hình khám thai miễn phí, được cố vấn và trợ giúp đã quyết định mang thai tới khi sinh con.

Hỏi: Thưa ông Slattery, các trung tâm EMC là gì?

Đáp: Đó là những nơi, trong đó chúng tôi cống hiến cho các thiếu nữ mang thai gặp khó khăn đang nghĩ tới việc phá thai một kiểu giải quyết vấn đề với lòng thương xót. Các trung tâm của chúng tôi là một mạng lưới trợ giúp lớn nhất vùng duyên hải Đại Tây Dương, nhằm nâng đỡ các phụ nữ mang thai tại Hoa Kỳ, để họ khỏi phải phá thai. Cho tới nay chúng tôi đã trợ giúp 125.000 phụ nữ và đã cứu sống ít nhất 60.000 trẻ em.

Hỏi: Ai là người trợ giúp tài chánh cho các trung tâm này thưa ông?

Đáp: Số tiền trợ giúp đến từ các của dâng cúng và các cuộc lạc quyên trong các giáo xứ của các giáo phận tại Mỹ. Nhưng chúng tôi tiếp tục phát triển. Vào các tháng tới đây chúng tôi sẽ mở thêm các trung tâm mới trong hai tiểu bang Miami và Washington. Sự kiện: đó là nếu bạn đạt các kết qủa, thì dân chúng đáp trả lời kêu gọi của bạn, và tiền tới với bạn.

Hỏi: Nhưng ông làm thế nào để biết được các kết qủa đó?

Đáp: Chúng tôi biết mở các trung tâm ở đâu. Bình thường là ở gần một nhà thương phá thai. Chúng tôi cạnh tranh với các nhà thương phá thai vì linh hồn của các người trẻ mang thai. Và kiểu tốt nhất để cạnh tranh với các nhà thương phá thai là hiện diện bên cạnh các nhà thương ấy. Chúng tôi cũng tìm cách mở các trung tâm ở những nơi nào dễ lui tới với các phương tiện di chuyển công cộng. Nhưng hơn hết sự thành công đến, vì các trung tâm có các tài liệu giáo dục tốt, cung cấp việc chụp khám thai miễn phí, và nhân viên có lòng nhân ái, có khả năng tạo ra một tương quan tin tưởng với các bà mẹ trẻ và đến gần họ với các chứng tá của các bà mẹ trẻ đã được trợ giúp thắng vượt các khó khăn tương tự.

Hỏi: Thưa ông Slattery, đâu là phần khó khăn nhất trong công việc của qúy vị?

Đáp: Mỗi một trường hợp là duy nhất. Trong thảm cảnh phá thai đôi khi khó mà nắm bắt được trong chiều kích thật sự của nó, khi người ta vừa trẻ tuổi vừa nghèo, và khó mà có thể không bị chìm nghỉm trong cuộc sống. Cần phải có can đảm lắm để tiếp tục mang thai và cho bào thai chào đời, mà không có sự nâng đỡ của người cha đứa bé, hay của chính gia đình mình. Chính vì thế chúng tôi cống hiến cho các bà mẹ trẻ này sự trợ giúp vật chất cũng như tâm lý và tinh thần, trong mức độ có thể.

Hỏi: Thế ông đo lường sự thành công của công việc này ra sao?

Đáp: Chúng tôi đo lường sự thành công của nó từ sự kiện chúng tôi thành công trong việc thuyết phục phân nửa các phụ nữ mang thai để cho con họ sinh ra mà không giết chúng. Nhưng còn hơn nữa là từ sự kiện các bà mẹ trở lại tìm thăm chúng tôi với con của họ, và sẵn sàng nói chuyện với các người mẹ trẻ hoảng sợ đang hiện diện tại trung tâm.

Hỏi: Khi một thiếu nữ mang thai quyết định vào sống trong một trung tâm thì qúy vị tiến hành thủ tục như thế nào?

Đáp: Trước hết chúng tôi tiếp đón họ. Chúng tôi không có các biểu ngữ chống phá thai có thể xúc phạm tới các bà mẹ trẻ. Chúng tôi ở đây để cống hiến cho họ sự trợ giúp và lòng thương xót và để cứu các thai nhi, chứ không phải để phán xử. Vừa khi chúng tôi thiết lập được một tiếp xúc nhân bản với họ, chúng tôi cống hiến cho họ việc chụp hình khám thai miễn phí. Và hơn 90% các bà mẹ trẻ chấp nhận chụp hình khám thai như thế, quyết định giữ đứa con lại, để nó trở thành con họ.

Hỏi: Vậy ông thấy tương lai của các trung tâm săn sóc các bà mẹ chờ sinh con và tương lai của chính ông như thế nào?

Đáp: Các trung tâm lớn mạnh liên tuc. Đây là sứ mệnh cuộc sống của tôi, và tôi sẽ chu toàn nó cho tới hơi thở cuối cùng của cuộc đời mình.

(Avvenire 25-1-2013)

Linh Tiến Khải

Theo VietCatholic

Choáng... và Váng!

Mới đầu năm 2013, thông tin trên các trang mạng cho biết những con số thực sự đọc mà choáng. Những con số khủng của năm 2012 coi như lỗi thời rồi! 1,33 triệu tỷ đồng nợ của các doanh nghiệp Nhà Nước treo lơ lửng trước con mắt đói vàng của người dân. 50% số doanh nghiệp Việt Nam đã phá sản và 50% còn lại thoi thóp sống trong cảnh hấp hối. Trong khi đó. 840.000 (30%) công chức Nhà Nước ăn bám vào xã hội, thực tế phải nói con số này có thể còn cao hơn nhiều. Gần như 100% các cơ quan có quyền lực đều dính vào tham nhũng… Trong cái mớ bòng bong hổ lốn đó, nổi bật lên tất cả nhưng lại chẳng có tờ báo nào của Nhà Nước dám nói tới, ấy là số phận của đất nước trước họa ngoại xâm, của người dân đang phải đối đầu với một tương lai bế tắc bi đát!

Choáng thật đấy với những thông tin tối thui như đêm Ba Mươi ngay những ngày đầu năm mới. Nhưng choáng đến nỗi… váng, thì đây: Đàn ông Việt có thể phải sang châu Phi tìm vợ (Quý độc giả có thể click vào đây để đọc được nguyên văn thông tin này).

Theo ông tiến sĩ Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng Cục Dân Số phân tích, giải thích với phóng viên VnExpress.net, giải pháp này là nhằm giảm mất cân bằng giới tính tại Việt Nam hiện nay. Mà như thế thì… váng quá. Trời ơi! Váng vì đây là phương pháp luận của một tiến sĩ hẳn hoi, không dám chê ông dốt vì học vị của ông cao quá, nhưng thật lòng không hiểu cái cách lý luận của một người mang bằng tiến sĩ lại có thể kinh hoàng đến như thế!

Được biết, khi làm các đề tài nghiên cứu khoa học, một số điều cơ bản được bao gồm: Bước đầu tiên người ta xác định đối tượng nghiên cứu. Ở đây ông đã xác định đối tượng nghiên cứu là làm thế nào để giảm mất cân bằng giới tính. Bước thứ hai, tìm ra những nguyên nhân và đánh giá những nguyên nhân ấy có độ ảnh hưởng thế nào đối với chủ thể nghiên cứu, để tìm ra phương pháp thực hiện, cái nào cần trước, cái nào cần sau. Bắt đầu từ đây, ông thiếu và thiếu trầm trọng, những nguyên nhân mà ông đưa ra chỉ bao gồm: Người dân có ý nghĩ trọng nam khinh nữ – Người dân muốn sinh con trai để làm kinh tế… Ông cho rằng hầu hết các ông bố đều cần có con trai để mà nhờ cậy, với lập luận “Trẻ cậy cha về già cậy con“.

Cứ vậy mà ông đưa ra ba giải pháp khắc phục là: Truyền thông – Đổi cơ cấu ngành nghề kinh tế địa phương – Quy chuẩn các hiện tượng liên quan bằng văn bản pháp luật, kể cả hình sự.

Cái thiếu, cái sai lầm của vị tiến sĩ là đây. Ta chẳng cần phải chứng minh vì đã là quy luật tự nhiên rồi, sự mất cân bằng trong thế giới tự nhiên chính là do con người đã can thiệp thô bạo vào quá trình phát triển tự nhiên bằng cách cho phép nạo phá thai tự do. Đó mới là nguyên nhân chủ yếu, thế mà ông lại không hề nhắc tới. Kèm theo chuyện tự do nạo phá thai là các giải pháp sai lầm như kế hoạch hóa gia đình, chủ trương giảm tỷ lệ sinh, sàng lọc thai nhi…

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng chính là luân lý con người bị phá hủy, lương tâm bị bóp nghẹt khiến người ta không còn tôn trọng sự sống và không coi quyền làm người trong xã hội là bất khả xâm phạm, tình trạng xuống cấp về đạo đức khiến cho bạo lực – tham nhũng lan tràn khắp nơi. Đó mới là các nguyên nhân chính yếu, còn ba nguyên nhân mà ông đưa ra, theo tôi thì nguyên nhân thứ nhất còn gọi là tạm ổn, nguyên nhân thứ hai thì mơ hồ, còn cái nguyên nhân thứ ba thì quả là… dấm dớ.

Có thể coi là ông không hiểu tý gì về văn hóa của tổ tiên, không hiểu tục ngữ. Ông chê dân còn dốt lắm nên không hiều rằng khi sinh con thứ ba thì thêm 1 người, thêm 1 chỗ trong trường học, thêm 1 chỗ ở. Thật khôi hài, thế nếu giả như nước Việt Nam mình mà bị Trung Quốc chiếm mất một nửa thì chẳng lẽ phải giết hết nửa dân số đi à? Sao ông không nghĩ tích cực lạc quan, rằng cứ thêm một người thì thêm một người lính bảo vệ tổ quốc, thêm một công dân hữu ích làm giàu cho đất nước cho nó nhỉ ? Chưa nói đến chất lượng dân tộc, chất lượng công dân, thì ngay cái đám 30% viên chức ăn tàn phá hoại như đã nêu ở trên thì để làm gì cho chật đất? Làm một đề xuất mang tính xã hội mà chăm chăm sợ phạm vào một chương trình chiến lược của ngài Thủ Tướng đã ký để bẻ lái vòng vo không dám nhìn thẳng nói thật thì có lẽ ông tiến sĩ nên về nhà đuổi gà cho vợ thì phước cho dân hơn!

Ví như có ai đó đứng trước chuồng lợn huýt sáo gọi gâu gâu để con lợn chạy lại ăn khúc xương thì chắc chắn anh ta bị… điên! Ấy vậy mà ông tiến sĩ ví von việc ổn định giá dầu với ổn định giới tính. Ông quên rằng một cái là thùng dầu một bên là sinh mạng con người, cứ có tiền là lên lên xuống xuống như ông nghĩ sao? Ông Trọng đem các nước Bắc Âu để dẫn chứng, nhưng ông quên rằng, các nước này khuyến khích người dân sinh đẻ là do họ đang bị một hiện tượng lão hóa dân tộc, điều này khác hẳn với cái giá phải trả của Việt Nam là mất cân bằng giới tính do hiện tượng phá thai tạo ra. Ông đưa ra một đề xuất nhưng ông lại công nhận rằng khi đưa đề xuất này ông chưa tính toán cụ thể chi phí. Nói nôm na là ông cảm tính rằng có… “lãi”!?!

Khỉ thật, một trưởng phòng quèn quẽn như tôi, nếu có đề xuất gì với Ban Giám Đốc mà chưa tính toán cụ thể thì có mà bị cạo đầu ngay lập tức chứ còn ngồi mơ chờ duyệt cái gì nữa. Lỡ cái cảm tính của ông mà nó sai thì cái đề xuất của ông có cái giá phải trả là hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế của dân chứ chẳng chơi.

Vấn đề nghiên cứu và đề xuất của ông tiến sĩ rất đáng hoan nghênh, chỉ xin ông đã làm thì làm cho có tâm, có tầm, có nhiệt huyết hẳn hoi. Chứ làm và nói năng văng mạng, coi thường dân trí như thế thì xin ông hãy dừng ngay lại. Dân Việt bây giờ đã choáng và váng bởi nhiều thứ lắm rồi. mà hầu hết họ choáng và váng vì những kiểu làm chẳng giống ai. Gây hậu quả rồi chỉ rút kinh nghiệm là phủi xong trách nhiệm. Nhưng với ông, sinh mạng của hàng triệu thai nhi bị giết hại hàng năm thì có cố phủi đi nữa cũng chẳng hết trách nhiệm được đâu…

Đaminh PHAN VĂN DŨNG, 30.1.2013

Đầu tư cho sự sống và gia đình là câu trả lời hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng hiện nay

VATICAN - Trưa Chúa Nhật hôm qua là ”Ngày cho sự sống” tại Italia Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã dọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô, trong đó có hàng ngàn thành viên của các phong trào bảo vệ sự sống. Ngỏ lời chào họ Đức Thánh Cha nói:

Anh chi em thân mến, Chúa Nhật thứ nhất tháng Hai là ”Ngày cho sự sống” tại Italia. Tôi hiệp ý với các Giám Mục Italia mời gọi đầu tư cho sự sống và gia đình, như là câu trả lời hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng hiện nay, như các vị đã viết trong sứ điệp gửi ngày này. Tôi chào mừng Phong trào bảo vệ sự sống và cầu chúc thành công cho sáng kiến mang tên gọi ”Một người trong chúng ta”, để cho âu châu luôn luôn là nơi mọi người được bảo vệ trong nhân phẩm của mình.

Đức Thánh Cha cũng chào đại diện các phân khoa Y khoa và Giải phẫu của các đại học ở Roma, cách riêng các giáo sư ngành Sơ sinh và Sản khoa được tháp tùng bởi Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám Quản Roma. Ngài khích lệ họ nỗ lực đào tạo các nhân viên y tế cho nền văn hóa sự sống.

Trước đó trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa bài Phúc Ân thánh lễ Chúa Nhật, kể lại biến cố một ngày thứ bẩy Chúa Giêsu đọc và giải nghĩa Sách Thánh trong hội đường Nagiarét, nơi Người đã lớn lên và ai cũng biết gia đình Người. Đức Thánh Cha nói:

Giờ đây sau một thời gian vắng mặt, Chúa Giêsu đã trở lại Nagiarét trong một cách thức mới mẻ: trong buổi phụng vụ ngày thứ bẩy Người đọc một lời tiên tri của ngôn sứ Isaia và loan báo việc thành toàn của nó bằng cách để cho người nghe hiểu rằng lời tiên tri ấy quy chiếu về Người. Điều này khơi dậy sự bất bình của dân làng Nagiarét: một đàng, mọi người đều làm chứng và thán phục các lời ân phúc thốt ra từ miệng Người” (Lc 4,22). Thánh sử Máccô kể rằng ”nhiều người hỏi: ”Bởi đâu ông ta được những điều này? Và ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao?” (Mc 6,2). Nhưng đàng khác, các người đồng hương biết Người qúa rõ. Họ nói: ”ông ta là một người trong chúng ta. Yêu sách của ông chỉ có thể là sự tự phụ” (Đức Giêsu thành Nagiarét, 11). ”Ông này không phải là con ông Giuse sao?” (Lc 4,22), như thể nói rằng: một bác thợ mộc làng Nagiaret có thể có các khát vọng nào đây?

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: chính vì biết sự khép kín này xác nhận châm ngôn: ”Không có ngôn sứ nào lại được chấp nhận trong quê hương mình” Đức Giêsu nói với dân chúng trong hội đường các lời vang lên như một khiêu khích. Người kể lại hai phép lạ mà các ngôn sứ lớn Elia và Eliseo đã làm cho các người không phải dân Do thái, để chứng minh rằng đôi khi ngoài dân Israel có nhiều đức tin hơn. Tới đây thì phản ứng đồng nhất: mọi người đều đứng lên đuổi Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, và còn tìm cách xô Ngươi xuống một vực sâu, nhưng với sự bình tĩnh tột độ Người băng qua đám dân chúng phẫn nộ và bỏ đi. Tới đây người ta phải tự hỏi: tại sao Đức Giêsu lại đã muốn khơi dậy sự đổ bể ấy? Ban đầu dân chúng thán phục Người và có lẽ Người đã có thể có được một sự đồng ý nào đó của họ... Nhưng đây mới là điểm đáng nói. Đức Thánh Cha giải thích lý do sự kiện này như sau:

Đức Giêsu đã không tới để tìm sự đồng ý của loài người, nhưng - như sau cùng Người sẽ nói với quan Philatô - để ”làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37). Vị ngôn sứ thật không vâng lời ai khác ngoài Thiên Chúa, và phục vụ chna lý, sẵn sàng trả giá cho việc đó. Có đúng thật là Đức Giêsu là vị ngôn sứ của tình yêu, nhưng tình yêu cũng có chân lý của nó. Còn hơn thế nữa, tình yêu và chân lý là hai tên gọi của cùng một thực tại, là hai tên gọi của Thiên Chúa. Trong phụng vụ hôm nay cũng vang lên các lời của thánh Phaolô: ”Đức mến không vênh vang, không tự đắc, không thiếu tôn trọng, không tìm tư lợi, không nóng giận, không chý ý đến sự dữ nhận được, không vui vì bất công, nhưng vui khi thấy điều chân thật” (1 Cr 13,4-6). Tin nơi Thiên Chúa có nghĩa là khước từ các thành kiến riêng, và tiếp nhận gương mặt cụ thể, trong đó Người tự mạc khải ra: đó là con người Đức Giêsu thành Nagiarlet. Và con đường này cũng dẫn tới chỗ nhận biết Người và phục vụ Người nơi tha nhân.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Ở đây thái độ của Đức Maria soi sáng chúng ta. Ai là người thân thiết với nhân tính của Chúa Giêsu hơn Mẹ? Nhưng Mẹ đã không bao giờ lấy làm gương mù gương xấu như các người đồng hương Nagiarét. Mẹ giữ gìn trong tim mầu nhiệm ấy và luôn luôn ngày càng biết tiếp nhận nó hơn, trên con đường lòng tin, cho tới cái chết của Thập Giá và ánh sáng tràn đầy của sự Phục Sinh. Xin Mẹ Maria cũng giúp chúng ta trung thành và tươi vui bước đi trên con đường ấy.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ngài đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Trong tiếng Pháp Đức Thánh Cha khuyến khích tín hữu cảm tạ Chúa và cầu nguyện cho tất cả những người sống đời thánh hiến, để họ lờn lên trong sự thánh thiện. Gương sống của họ lôi kéo chúng ta dành cho Thiên Chúa một chỗ rộng rãi trong đời sống, qua lời cầu nguyện, qua việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật và đọc Lời Chúa.

Bằng tiếng Đức ngài nói sứ điệp Phúc Âm hôm nay đòi buộc chúng ta phải quyết định, không phải cho một người nhưng cho Chúa Kitô, như là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế. Cả ngày nay nữa Phúc Âm cũng vấp phải sự khứơc từ của thế giới, đẩy Thiên Chúa ra bên lề và muốn hài lòng cho mình các câu trả lời dễ dãi và không ràng buộc.

Linh Tiến Khải

Theo VietCatholic

Chuyện thường nhật

VRNs (02.02.2013) – Sài Gòn – Tình cờ truy cập trang Yume đọc, thật bất ngờ vì thấy có “sự lạ”. Tuy nhiên, “sự lạ” này không làm cho người ta thấy thú vị mà lại khiến người ta rùng mình với cảm giác lo sợ, vì đó là chuyện hãi hùng! Tác giả là người “nhập vai” người đi phá thai để tìm hiểu sự việc.


Đó là một “cơ sở chuyên phá thai” ngay tại thủ đô Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 30 cô gái trẻ đến cơ sở này nhờ các “chuyên viên” giúp họ trút bỏ “gánh nặng” mà họ đang mang trong mình. Chính sự “dễ dãi” của những cô gái trẻ đã góp phần tạo nên “tiếng tăm” và “sức sống” của những “cơ sở phá thai đêm” như vậy.

Chi phí mỗi ca được làm “đến nơi đến chốn” cho thai 18 tuần tuổi có giá 2 triệu VNĐ, cứ hơn 1 tuần tuổi là tăng một giá tiền. Các “khách hàng” đến cơ sở này có khi đi “mình ên”, có khi được bạn trai “hộ tống”.

Đáng “nể” hơn là cơ sở vật chất của phòng khám này khá tạm bợ. Tác giả cho biết: “Chiếc máy siêu âm đen trắng hoen rỉ, phòng khám nhỏ hẹp, nhà vệ sinh không có cửa,… và đủ những loại mùi lẫn lộn. Đánh bạo, tôi dừng trước cửa phòng có hai cô gái rất trẻ, đang ngồi chờ đến lượt mình. Trong số đó, một cô bé đi cùng bạn trai khiến tôi chú ý vì sự tinh tường khi đi giải quyết hậu quả. Thay xong chiếc váy, cô bé nhanh chóng xếp quần jean bỏ vào giỏ xách trao cho bạn trai, rồi đi thẳng vào phòng. Bất giác, tôi sởn da gà bởi nghe dụng cụ inox va vào nhau khô khốc. Tiếng khóc rên đau đớn của cô gái, tiếng trách móc của bác sĩ… Đó là những âm thanh mà bất cứ người nào từng đặt chân vào đây cũng sẽ bị ám ảnh. Cửa phòng mở, tiếng la hét dữ dội khiến tôi giật bắn người. Vừa gào khóc vừa lắc đầu nguầy nguậy, cô gái trong tình trạng bán khỏa thân đang phải trải qua những cơn đau trên bàn nạo hút. Sau cú choáng váng vì nhìn thấy sự đau đớn của cô gái, tôi tình cờ phát hiện một cảnh tượng kinh dị nằm trong toa-lét, ở đó là một thau lớn, đầy nước bột giặt và nồng nặc mùi thuốc tẩy (Javel). Lúc đầu, tôi tưởng đó là chậu ngâm đồ, nhưng nhìn kỹ lại thì thấy trong đó có rất nhiều các loại y cụ dùng để thực hiện việc phá thai” (!).

Tác giả cho biết thêm: Rời “chợ nạo hút thai” trên đường Giải Phóng, với bao nỗi ám ảnh, chúng tôi tìm đến “ổ nạo hút Phùng Hưng” (phía cuối đường Trương Định – Đuôi Cá). Ở đây cũng có những áp phích được bày biện ê hề trước cửa bắt mắt giống như quảng cáo cho chương trình đại nhạc hội nào đó. Phòng khám nào cũng mổ trĩ, bó bột, đốt sùi mào gà, điều trị lậu. Được biết, ở đây nghề chính lại là nạo hút thai. Trong những căn phòng lụp xụp được thuê mướn tạm bợ, chiếc máy siêu âm nằm đó, hoen rỉ, ọp ẹp. Drap trải giường xỉn màu, nhàu nát. Đống đồ nghề được vứt lỏng chỏng cạnh thùng băng vệ sinh phụ nữ. Bác sỹ nam được quảng cáo là “ưu tú” tại một bệnh viện trung ương có đôi mắt lờ đờ: “Đã vào đến đây, các em khỏi phải nghĩ. Ngày nào ít cũng năm đến bảy ca. Những ngày đông khách có khi lên đến gần 30 ca”. Thật là trắng trợn!

Tính trung bình mỗi ngày 20 ca, vị chi một năm có 7.300 sinh linh bị sát hại một cách oan uổng. Đó mới chỉ ở một “cơ sở”, còn bao nhiêu “cơ sở” khác trên đất nước Việt Nam này? Còn biết bao “cơ sở” trên thế giới này?


Chỉ riêng tại khu phố đó đã có gần 20 phòng nạo hút thai công khai, mỗi ngày người ta đang tâm bỏ đi hàng trăm sinh linh bé nhỏ. Đó là chưa kể các cô gái dại dột đã dám “phó thác” mạng sống và hạnh phúc của chính mình vào bàn tay “phù phép” của các bác sĩ vì tiền hơn vì y đức!

Một “nạo thai viên” thản nhiên nói: “Ở đây làm là được giá lắm rồi, đã vậy còn nhanh gọn, bí mật”. Có cầu thì có cung, những cơ sở “dã chiến” này tồn tại do nhu cầu của khách hàng, vì các bệnh viện không nhận nạo phá thai trên 22 tuần tuổi.

Các “cơ sở” như vậy vẫn “sống” được là vì các cô gái quá dễ dãi, sống buông tuồng, bất kể mọi thứ. Kiểu yêu cuồng sống vội như vậy chính là kiểu quan niệm “xả láng sáng về sớm”.

Mệnh lệnh “chớ giết người” là một trong Mười Điều Răn của Chúa: “Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà” (Mt 5:21), hoặc: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ” (Mc 10:19; Lc 18:20).

Giết người là một trọng tội, thậm chí chỉ tức giận hoặc chê trách tha nhân cũng đáng nguyền rủa: “Ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5:22). Tuy nhiên, người ta chỉ coi đó là “chuyện nhỏ”, là “chuyện thường ngày ở huyện”, hoặc là “chuyện thường nhật”, chẳng là gì cả!

Lạy Chúa, xin thương xót những sinh linh vô tội vì dã tâm của người lớn, cúi xin Ngài tha thứ cho chúng con, xin tái tạo cho mỗi người trong chúng con đều có một trái tim trong sạch và nhân hậu theo đúng Tôn Ý Ngài, nhất là trong Năm Mới và Năm Đức Tin này, để chúng con biết tôn trọng sự sống là tặng phẩm vô giá do Ngài ban tặng. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Một chiều cuối tháng Chạp – Nhâm Thìn

Theo Truyền Thông Chúa Cứu Thế

Một ngày ở bệnh viện Phụ Sản Hà Nội

... Đúng là cuộc đời mỗi con người như dòng sông bên bồi, bên lở, như đất trời cựa mình qua xuân hạ thu đông, có khi nào được êm đềm mãi mãi. Chính vì thế mà khi đồng hành cùng Chúa Giêsu qua hết miền này tới miền nọ, đặc biệt là miền đất của tâm hồn con người khi cằn cỗi, khi mềm mại, khi vô cảm, khi rung động, thì tôi đã mỗi ngày mỗi yêu Chúa nhiều hơn. Về tới văn phòng rồi định nghỉ trưa một lát nhưng đầu óc quay cuồng, những con chữ cứ nhảy múa muốn được thoát tung ra bên ngoài nên tôi đã viết, đang viết và sẽ viết, viết lại những gì tôi đã phải đi qua...

Bệnh viện Phụ Sản ngày hôm nay có lẽ như bao ngày khác luôn tấp nập những người và người. Thiên Chúa sinh ra con người có nam có nữ để họ sống có đôi, họ được cân bằng như vũ trụ vốn dĩ đã cân bằng bởi âm dương ngũ hành, có đất, có nước, có núi, có sông... Thiên Chúa sinh ra Tình Yêu đôi lứa để họ được ước mơ, được biến ước mơ thành hiện thực nhờ được cộng tác vào công trình Sáng Tạo của Ngài. Bệnh viện Phụ Sản, miền đất đón biết bao hài nhi ra đời trong hạnh phúc mừng vui. Nhưng Bệnh viện Phụ Sản ngày hôm nay, lần đầu tiên tôi tới đây trong tư cách là chị gái đưa em gái đi hút thai ra do bị chết lưu thì lòng tôi đau đớn lắm. Bởi vì tôi đã chỉ hiện diện trong khu vực làm Phẫu thuật phá thai mà thôi. Ở đây, tôi đã thấy nhiều người nam và người nữ. Ở đây tôi đã thấy những khuôn mặt buồn bã, ủ dột nhưng cũng có những khuôn mặt nhởn nhơ cười đùa như chẳng có gì sẽ xảy ra trước khi họ thực hiện một điều kinh khủng là giết con của mình. Em gái tôi có thai 6 tuần tuổi nhưng do bệnh thể lý mà đi khám thai 3 lần thì đều nhận được kết quả là thai không phát triển, cho tới hôm qua thì hoàn toàn ngừng phát triển. Chuyện nó có thêm đứa con thứ hai khiến cả nhà tôi vui mừng nhưng khi có kết quả không tốt như vậy thì nó khóc nhiều và chính chúng tôi, những người thân yêu của nó cũng khóc, khóc nơi sâu thẳm trái tim mình. Tôi đã cầu nguyện và đã khóc, đã chia tay một mầm sống mới đến trần gian nhưng không có hình hài ở trần gian. Xin Thiên Chúa là Cha nhân hiền đón linh hồn ấy về Quê Trời bình an.

Trong lúc em gái tôi được đưa vào phòng xét nghiệm, thì tôi và chồng nó ở bên ngoài với mỗi tâm trạng khác nhau. Là một người có Đức Tin đan xen giữa những con người chưa biết đến Đức Tin kia tôi cảm thấy mình có một trách nhiệm thật lớn mà không thể nói lớn được với họ. Tôi ngồi đó mà âm thầm cầu nguyện. Tôi ngồi đó mà âm thầm gieo hạt Mân Côi để Chúa và Mẹ hành động nơi thâm sâu cõi lòng của họ. Có mấy người chị em đã mặc đồ chuẩn bị lên bàn phẫu thuật đứng quanh tôi, người thao thao bất tuyệt kể về việc chọn giờ đẹp, người lo lắng rầu rầu, kẻ thì cười cợt như trò đùa khiến tôi không thể không nói gì với họ. Tôi đã nói Các chị ơi đừng giết con mình, em gái em do con nó bị chết nên phải cho ra còn các chị thai nhi vẫn sống, nỡ lòng nào lại giết nó. Như thế là giết người đấy các chị biết không? Mà sao giết người lại còn chọn giờ đẹp? Chọn giờ đẹp giết người??? Trời ơi... Lúc ấy có một chị người nhà cũng đồng tình với tôi nhưng rồi tất cả đã tản mát ra mỗi người một phòng, tôi đã không thể cứu vãn được tình thế vì tự do của họ, vì họ đã tự nguyện ngậm thuốc độc để thai nhi bong ra dần dần trước khi dùng dao kéo và các thủ thuật tinh vi khác...

Em gái tôi vào phòng phẫu thuật rồi ra thật nhanh. Nó đang nằm nghỉ trên giường và thầm khóc vì đau đớn quá, vì nó tuy chưa có Đạo nhưng rất tôn trọng sự sống. Nó bảo: "Sinh con thì lâu chứ phá thì nhanh quá..." Thôi, chuyện em mình và chuyện nhà mình, hôm nay đã cần để tang một linh hồn đã rủi ro qua đời ngay trong bụng mẹ. Còn những chị em khác do họ không muốn giữ con nên đã phá hủy cuộc đời nó, đã giết nó đi thì họ đang quằn quại bấu víu vào thành giường, hai bàn tay nắm lại rồi duỗi ra khiến tôi liên tưởng tới các thai nhi cố bấu víu vào cung lòng mẹ nhưng đã do mẹ chúng đã uống thuốc độc trước rồi đã làm cho cung lòng mẹ nó thành nơi trơn tuột, thành căn nhà vô cảm không còn che chở cho chúng nữa rồi nên chúng phải ra đi. Và sự ra đi ấy đã để lại cho mẹ chúng không thể nhẹ nhàng như họ tưởng.

Thiên Chúa sinh con người có nam có nữ. Và ngoại trừ những người sống đời dâng hiến cho Thiên Chúa thì những đôi lứa yêu nhau sẽ mãi mãi là để truyền sinh cho Ngài, cho mặt đất này có người làm chủ, cho vườn Êđen vui tiếng hát ca trong bài ca lao động được vang xa... Vậy mà ngày hôm nay, tôi nhìn thấy người nam và người nữ ở khu vực làm thủ thuật, có một cảm giác giận dữ họ sôi sục trong tôi vì cái vẻ mặt thản nhiên, vô cảm của họ, vì với họ đến nơi này để giải quyết hậu quả sau những cuộc chơi phiêu lưu tình trường... Một ngày ở bệnh viện Phụ Sản hôm nay cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc nhưng mãi mãi là một bài học, là một lời mời gọi tha thiết của Thiên Chúa dành cho tôi phải cầu nguyện nhiều hơn cho thế giới con người hôm nay, phải cầu nguyện và rao giảng nhiều hơn về Bảo vệ Sự Sống và quyền được sống của thai nhi. Tôi sẽ phải làm gì để bắt đầu điều ấy? Vâng, bắt đầu cho một quãng đời truyền giáo mới từ cầu nguyện nơi sâu thẳm trái tim mình...

Lạy Thiên Chúa Tình Yêu, xin cứu rỗi linh hồn con và toàn thể nhân gian hôm nay. Amen.

Hà Nội những ngày giáp tết 2013 


– Maria Phaolô Hồng Nhung

Tonggiaophanhanoi.org

Câu chuyện BVSS bên Hoa Kỳ

Tháng 10 năm ngoái, 2012, là lần thứ hai tôi tham dự vào Life Chain (Chuỗi Sự Sống), một hoạt động BVSS thường niên của Tổng Giáo Phận Milwaukee (http://www.milwaukeelifechain.org/) nằm trong hoạt động chung của Hội Thánh Công Giáo toàn nước Mỹ (http://www.nationallifechain.org/)

Năm nay, tôi được giao nhiệm vụ chở Posters (những tấm bảng cầm tay có ghi các khẩu hiệu BVSS ở mặt trước và nội quy hoặc hướng dẫn suy niệm cầu nguyện ở mặt sau) và phân phát cho các thành viên trong Giáo Xứ.

Cũng như năm ngoái, chúng tôi vẫn đứng mỗi người cách nhau 1 mét trên Highway 100 (xa lộ cao tốc), một con đường dài, đông đúc xe qua lại (tôi không biết chuỗi Milwaukee này năm nay dài bao nhiêu kilômét). Cả tiểu bang Wisconsin năm ngoái có đến 42 chuỗi như thế, còn toàn quốc thì có tất cả 1.700 Chuỗi Sự Sống xuyên ngang nước Mỹ.

Cũng như năm ngoái, "Life Chain" nhận được những ngón tay cái giơ cao (number one), tiếng kèn, tay vẫy, tiếng hô "bravo" v.v.. thể hiện sự ủng hộ, đồng tình, hoan hô, lại có cả những ngón tay giữa (cử chỉ tục tằn), những câu chửi tục, đại để hiểu theo tiếng Việt mình là: "Khốn kiếp cái bọn Công Giáo chúng mày, đi mà làm việc đi", những bãi nước bọt nhổ ra từ cửa sổ của những chiếc xe hơi bóng lộn của người giàu, hay bụi bặm giang hồ của bọn ăn chơi phá phách…



Năm nay, do đã có kinh nghiệm nên tôi chẳng cảm thấy gì hết, chẳng vui, chẳng buồn, chẳng tức, chẳng sợ, tâm hồn thật tĩnh lặng và an nhiên trong những suy tư về BVSS. Vậy là mình đã đạt đến "công phu" Thiền chưa nhỉ?

Một phụ nữ khá đẹp, khoảng 40 tuổi, đến xin tôi một tờ Poster và đứng kế bên tôi, vậy là thêm được thêm một mắt xích. Tưởng người trong Giáo Xứ, tôi hỏi: "Nhà chị ở đâu ? Tôi chưa thấy chị bao giờ…" Chị ta bảo: "Tôi không phải người Công Giáo." Điều này làm tôi tò mò nhưng không dám hỏi thêm vì cô ta rất lạnh lùng và tỏ vẻ không muốn nói chuyện.

Thế rồi đứng được khoảng 10 phút, tôi thấy cô ta... khóc ! Trời ạ, càng tò mò, không thể cưỡng lại, tôi hỏi bừa: "Xin lỗi, tôi thật bất lịch sự khi xen vào phút riêng tư của chị, nhưng chị không bị làm sao chứ?" – "Xin ông để cho tôi yên, không phải việc của ông!" chị ta trả lời. Tôi biết lỗi nên quay lại tiếp tục với việc… "đứng đường" của mình.

Hết 1 giờ, tôi phải đi đón con. Tôi thu xếp posters còn dư và chào chị kia. "I've got to run now, sorry again..." Bỗng nhiên chị ta ngước đôi mắt vẫn đỏ hoe, cười cười nhìn tôi và nói: "Tôi mới là người phải xin ông tha lỗi cho tôi. Tôi là người đã từng phá thai, vừa rồi, tôi nghĩ đến cháu... Đã bao năm rồi, tôi vẫn bị như vậy khi nghĩ đến con bé, năm nào tôi cũng ra đây..."

Ra thế ! Tôi cũng cười và bảo: "Cảm ơn chị, chúc chị bình an, tôi cũng là người đã từng tích cực chỉ dẫn cho người ta đi phá thai, vì thế có lẽ tuy là đàn ông, nhưng tôi cũng hiểu phần nào sự ân hận trong chuyện này. Đây là lần thứ hai tôi ra đây, tôi mới tới Mỹ có ba năm thôi".

Chị ta lại cười, nụ cười thật đẹp và nói: "Anh làm tôi ấn tượng quá! Tôi thật xấu xí và thô lỗ nhưng chúng ta có thể là bạn không? Hẹn gặp lại anh năm sau". Tôi trả lời: "Được chứ! Mong gặp lại chị…" Tôi khá vội đi đón con vì nên quên cả hỏi tên và số điện thoại của người phụ nữ ấy. Nhưng tôi mong sẽ gặp lại cô ta năm sau. Biết đâu, tôi lại là cầu nối đưa cô đến với Hội Thánh.

Một anh chàng Mỹ mới quen, thấy tôi "đứng đường" hôm đó, hôm sau gặp tôi trong trường, hắn hỏi: "Hôm qua tao thấy mày đứng cầm cái poster "Abortion kills children", mày làm cái gì vậy?" Tôi giải thích sơ qua. Nó đưa ra ý kiến tranh luận luôn, nó nhấn mạnh về trách nhiệm và ý thức: "Tao không tin vào Chúa, tao không có tiền, thú thực là tao đang bán cả thuốc lắc, weeds (một loại ma túy giống Bồ Đà ở Việt Nam), để kiếm tiền, bây giờ con bạn gái tao nó đang có thai, tao phải bắt phá, nếu không tiền đâu mà nuôi con! Vậy thử hỏi tao làm như vậy có phải là tao có trách nhiệm hay không?"

Tôi nói thẳng, tôi không có ý định tranh luận nhưng theo tôi, trách nhiệm ở đây không chỉ là nuôi hay giết đứa con đó (tôi nhấn mạnh chữ "giết"), nó bắt đầu từ trong lương tâm, nhận thức của mỗi người, nó liên quan đến hành vi, mà ở đây là mối quan hệ xác thịt. "Anh thấy đó, chính anh đã từng cầm súng (anh ta là lính đã giải ngũ), anh có bắn chết ai chưa? Anh thấy bắn chết người có dễ không? Nếu dễ thì việc giết người như vậy có để lại ấn tượng gì không? Hai người không muốn có con, muốn phá thai? OK! Đây là xứ sở tự do mà, anh có quyền phá thai, nhưng chúng tôi cũng có quyền lên tiếng về những hệ lụy của phá thai chứ!"

Chúng tôi ngưng tranh luận ở đó. Nhưng từ tháng 10 năm ngoái đến nay, càng về sau, anh chàng ấy càng tỏ ra thân với tôi, lúc nào cũng muốn rủ tôi tới nhà chơi. Có lẽ anh ta đang có những thay đổi trong suy nghĩ. Tôi không biết họ sẽ quyết định thế nào, nhưng điều chắc chắn là bụng bạn gái anh ta vẫn đang… to ra, và họ đang nghĩ tới việc kết hôn trong thời gian tới. Nghĩa là họ sẽ giữ đứa bé?

Ks. THÁI VŨ, Hoa Kỳ, Chúa Nhật 20.1.2013
Theo báo Ephata số 546