Home » » Câu chuyện BVSS bên Hoa Kỳ

Câu chuyện BVSS bên Hoa Kỳ

Tháng 10 năm ngoái, 2012, là lần thứ hai tôi tham dự vào Life Chain (Chuỗi Sự Sống), một hoạt động BVSS thường niên của Tổng Giáo Phận Milwaukee (http://www.milwaukeelifechain.org/) nằm trong hoạt động chung của Hội Thánh Công Giáo toàn nước Mỹ (http://www.nationallifechain.org/)

Năm nay, tôi được giao nhiệm vụ chở Posters (những tấm bảng cầm tay có ghi các khẩu hiệu BVSS ở mặt trước và nội quy hoặc hướng dẫn suy niệm cầu nguyện ở mặt sau) và phân phát cho các thành viên trong Giáo Xứ.

Cũng như năm ngoái, chúng tôi vẫn đứng mỗi người cách nhau 1 mét trên Highway 100 (xa lộ cao tốc), một con đường dài, đông đúc xe qua lại (tôi không biết chuỗi Milwaukee này năm nay dài bao nhiêu kilômét). Cả tiểu bang Wisconsin năm ngoái có đến 42 chuỗi như thế, còn toàn quốc thì có tất cả 1.700 Chuỗi Sự Sống xuyên ngang nước Mỹ.

Cũng như năm ngoái, "Life Chain" nhận được những ngón tay cái giơ cao (number one), tiếng kèn, tay vẫy, tiếng hô "bravo" v.v.. thể hiện sự ủng hộ, đồng tình, hoan hô, lại có cả những ngón tay giữa (cử chỉ tục tằn), những câu chửi tục, đại để hiểu theo tiếng Việt mình là: "Khốn kiếp cái bọn Công Giáo chúng mày, đi mà làm việc đi", những bãi nước bọt nhổ ra từ cửa sổ của những chiếc xe hơi bóng lộn của người giàu, hay bụi bặm giang hồ của bọn ăn chơi phá phách…



Năm nay, do đã có kinh nghiệm nên tôi chẳng cảm thấy gì hết, chẳng vui, chẳng buồn, chẳng tức, chẳng sợ, tâm hồn thật tĩnh lặng và an nhiên trong những suy tư về BVSS. Vậy là mình đã đạt đến "công phu" Thiền chưa nhỉ?

Một phụ nữ khá đẹp, khoảng 40 tuổi, đến xin tôi một tờ Poster và đứng kế bên tôi, vậy là thêm được thêm một mắt xích. Tưởng người trong Giáo Xứ, tôi hỏi: "Nhà chị ở đâu ? Tôi chưa thấy chị bao giờ…" Chị ta bảo: "Tôi không phải người Công Giáo." Điều này làm tôi tò mò nhưng không dám hỏi thêm vì cô ta rất lạnh lùng và tỏ vẻ không muốn nói chuyện.

Thế rồi đứng được khoảng 10 phút, tôi thấy cô ta... khóc ! Trời ạ, càng tò mò, không thể cưỡng lại, tôi hỏi bừa: "Xin lỗi, tôi thật bất lịch sự khi xen vào phút riêng tư của chị, nhưng chị không bị làm sao chứ?" – "Xin ông để cho tôi yên, không phải việc của ông!" chị ta trả lời. Tôi biết lỗi nên quay lại tiếp tục với việc… "đứng đường" của mình.

Hết 1 giờ, tôi phải đi đón con. Tôi thu xếp posters còn dư và chào chị kia. "I've got to run now, sorry again..." Bỗng nhiên chị ta ngước đôi mắt vẫn đỏ hoe, cười cười nhìn tôi và nói: "Tôi mới là người phải xin ông tha lỗi cho tôi. Tôi là người đã từng phá thai, vừa rồi, tôi nghĩ đến cháu... Đã bao năm rồi, tôi vẫn bị như vậy khi nghĩ đến con bé, năm nào tôi cũng ra đây..."

Ra thế ! Tôi cũng cười và bảo: "Cảm ơn chị, chúc chị bình an, tôi cũng là người đã từng tích cực chỉ dẫn cho người ta đi phá thai, vì thế có lẽ tuy là đàn ông, nhưng tôi cũng hiểu phần nào sự ân hận trong chuyện này. Đây là lần thứ hai tôi ra đây, tôi mới tới Mỹ có ba năm thôi".

Chị ta lại cười, nụ cười thật đẹp và nói: "Anh làm tôi ấn tượng quá! Tôi thật xấu xí và thô lỗ nhưng chúng ta có thể là bạn không? Hẹn gặp lại anh năm sau". Tôi trả lời: "Được chứ! Mong gặp lại chị…" Tôi khá vội đi đón con vì nên quên cả hỏi tên và số điện thoại của người phụ nữ ấy. Nhưng tôi mong sẽ gặp lại cô ta năm sau. Biết đâu, tôi lại là cầu nối đưa cô đến với Hội Thánh.

Một anh chàng Mỹ mới quen, thấy tôi "đứng đường" hôm đó, hôm sau gặp tôi trong trường, hắn hỏi: "Hôm qua tao thấy mày đứng cầm cái poster "Abortion kills children", mày làm cái gì vậy?" Tôi giải thích sơ qua. Nó đưa ra ý kiến tranh luận luôn, nó nhấn mạnh về trách nhiệm và ý thức: "Tao không tin vào Chúa, tao không có tiền, thú thực là tao đang bán cả thuốc lắc, weeds (một loại ma túy giống Bồ Đà ở Việt Nam), để kiếm tiền, bây giờ con bạn gái tao nó đang có thai, tao phải bắt phá, nếu không tiền đâu mà nuôi con! Vậy thử hỏi tao làm như vậy có phải là tao có trách nhiệm hay không?"

Tôi nói thẳng, tôi không có ý định tranh luận nhưng theo tôi, trách nhiệm ở đây không chỉ là nuôi hay giết đứa con đó (tôi nhấn mạnh chữ "giết"), nó bắt đầu từ trong lương tâm, nhận thức của mỗi người, nó liên quan đến hành vi, mà ở đây là mối quan hệ xác thịt. "Anh thấy đó, chính anh đã từng cầm súng (anh ta là lính đã giải ngũ), anh có bắn chết ai chưa? Anh thấy bắn chết người có dễ không? Nếu dễ thì việc giết người như vậy có để lại ấn tượng gì không? Hai người không muốn có con, muốn phá thai? OK! Đây là xứ sở tự do mà, anh có quyền phá thai, nhưng chúng tôi cũng có quyền lên tiếng về những hệ lụy của phá thai chứ!"

Chúng tôi ngưng tranh luận ở đó. Nhưng từ tháng 10 năm ngoái đến nay, càng về sau, anh chàng ấy càng tỏ ra thân với tôi, lúc nào cũng muốn rủ tôi tới nhà chơi. Có lẽ anh ta đang có những thay đổi trong suy nghĩ. Tôi không biết họ sẽ quyết định thế nào, nhưng điều chắc chắn là bụng bạn gái anh ta vẫn đang… to ra, và họ đang nghĩ tới việc kết hôn trong thời gian tới. Nghĩa là họ sẽ giữ đứa bé?

Ks. THÁI VŨ, Hoa Kỳ, Chúa Nhật 20.1.2013
Theo báo Ephata số 546

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét