Luân lý và Đạo đức

Cuộc khủng hoảng hiện nay tại các nước Âu Mỹ có thể nói là đã lên tới đỉnh điểm với việc người ta hô hào nhau rời bỏ Giáo Hội “những vụ việc lạm dụng tình dục của các Linh Mục tại Đức, Ý và Ái Nhĩ Lan vừa được phơi bày ra ánh sáng đã làm nổi dậy một làn sóng giận dữ và khinh bỉ của quần chúng. Tôi đã nhận được những Email từ nhiều người trong khắp Âu Châu, đặt câu hỏi: làm thế nào họ có thể ở lại trong một Giáo Hội như thế được nữa? Không chỉ thế, tôi còn nhận được một đơn hướng dẫn phải điền như thế nào để rời bỏ Giáo Hội. Sao phải ở lại? (Lm. Timothy Radcliffe, OP. – Vietcatholic News 14, April 2010).

Với câu hỏi “Sao phải ở lại?” của vị Linh Mục tác giả bài báo khiến chúng ta nhớ lại Lời Đức Kitô hỏi các Tông Đồ: “Còn các ngươi cũng muốn bỏ đi ư? Simon Phêrô đáp: Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng tôi biết theo ai? Thầy có sự sống đời đời” (Ga 6, 67 – 68). Câu trả lời của Phêrô nói lên sự xác tín vào Đức Kitô: duy chỉ Ngài mới có thể đem lại Sự Sống đời đời. Sự xác tín ấy cũng là của các Tông Đồ, của Hội Thánh, tức toàn thể tín hữu: “Chúng tôi tin thật trong lòng và tuyên xưng ra ngoài miệng rằng chỉ có một Hội Thánh La Mã Công Giáo tông truyền. Ngoài Hội Thánh ấy chúng tôi tin rằng không ai được cứu rỗi” (Lời tuyên xưng Đức Tin của những người lạc giáo Vaudois trở lại).

Tin nơi Đức Kitô tức là tin vào con đường cứu khổ cứu nạn của Ngài. Đức Tin ấy phải chân thật, có nghĩa vừa ở trong lòng, vừa thể hiện ra bên ngoài bằng hành động. Tin và thể hiện Đức Tin, đó chính là đạo đức Kitô giáo.

Đạo đức và luân lý thuộc hai lãnh vực khác nhau. Nói cho dễ hiểu thì đạo đức tức là đường Đạo, còn luân lý là đường Đời. Cái lẽ tất nhiên ở đây là: chỉ đi trên đường Đạo mới có thể đạt đến Đạo. Trái lại đi trên đường Đời thì chỉ quẩn quanh ở chốn cõi đời này mà thôi. Đức Kitô đến cõi thế, rao giảng Tin Mừng Nước Trời chính là để chỉ (mạc khải) đường Đạo cho con người. Đường Đạo và Đường Đời cũng là một, không khác với mệnh lệnh tìm kiếm của Giavê Thiên Chúa “Các ngươi sẽ tìm Ta và gặp được khi các ngươi hết lòng tìm” (Gr 29, 13). Đạo mà con người phải hết lòng tìm kiếm ấy rất chi khó để mà gặp, lý do bởi vì nó không thể nói, không thể gọi tên. “Đạokhả Đạo phi thường Đạo – Danh khả Danh phi thường Danh” (Đạo có thể nói lên được, đó không phải là Đạo thường – Danh có thể gọi tên ra được, đó không phải Danh thường – Lão Tử, Đạo Đức Kinh, chương một).

Mặc dù không thể nói, không thể gọi, nhưng Đạo ấy lại phải rao truyền cho muôn dân. Không rao không truyền thì có ai biết mà theo, mà thực hành? Chính bởi không thể nói, không thể gọi nhưng lại phải loan truyền, thế nên đành phải túng gượng mà đặt tên này tên nọ. Đức Kitô có khi gọi Đạo ấy là Nước Trời, có khi xưng tụng là Đấng Cha. Không thể nói, không thể gọi, nhưng lại cứ phải nói phải gọi, bởi thế cho nên mới nhiễu sự: mỗi người mỗi phách diễn giải đủ cách đủ kiểu mà người ta gọi đó là Thần Học, là khoa học đào sâu tìm hiểu về Thiên Chúa v.v…

Một khi tự nhận là khoa học tức đã gạt bỏ con đường Đạo của Đức Kitô: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Không đi theo đường Đức Kitô thì làm sao mà có thể đến được với Đấng Cha tức Sự Sống Đời Đời? “Sự Sống Đời Đời là nhận biết Cha, tức Chân Thần duy nhất cùng Giêsu Kitô mà Cha đã sai đến” (Ga 17, 3). Bởi không đi đường Đức Kitô thế nên điều tất nhiên phải đến đó là phủ nhận Sự Sống Đời Đời bất sinh bất diệt để bám lấy (bảo vệ). Sự Sống hữu hình hữu hoại tức cái xác thân ô trọc này!

Phêrô “ở lại” để đi theo Chúa vì xác tín chỉ nơi Chúa mới có Sự Sống Đời Đời. Giả thử như còn nghi ngại hoặc không tin thì ông đâu có “ở lại”, và vì ông đã ở lại thế nên mới có Hội Thánh. Như vậy có thể nói: Hội Thánh Công Giáo tông truyền chính là cái kho chứa Sự Sống Đời Đời. Bao lâu những ai còn tin và ‘ở lại” trong Hội Thánh, tức còn đi trên Đường Đạo để đến với Sự Sống Đời Đời, ngược lại thì không.

Ngày nay trong cuộc khủng hoảng dữ dội này, người ta đang hô hào nhau rời bỏ Giáo Hội. Tin cho biết ngay tại quê hương Đức Thánh Cha, miền Bavaria, cũng đã có tới hơn một phần tư Giáo Dân có dự tính sẽ rời bỏ Đạo. Rời bỏ Giáo Hội vì bất kể lý do gì cũng là tự mình rời bỏ con đường Đạo là đường dẫn đến Sự Thật, Sự Sống.

Thực tế quả là hết sức đau lòng, thế nhưng cái gì cũng có nguyên nhân của nó và nguyên nhân sâu xa đưa đến việc rời bỏ này không phải vì có những tố giác này nọ, nhưng cần phải nhận ra nguồn gốc của nó là ở nơi cơn khủng hoảng đạo đức đã diễn ra từ lâu trong Giáo Hội.

I. Khủng hoảng đạo đức

Có thể nói lịch sử Giáo Hội là lịch sử của những cơn khủng hoảng. Nhưng rõ nét và nguy hiểm nhất phải kể đến chính là cuộc Phục Hưng (Renaissance) thế kỷ XIV tại nước Ý với trào lưu Nhân Bản (Humanisme). Từ nơi trào lưu tư tưởng này, ta thấy ảnh hưởng của nó trên F. Nietzche (1844 – 1900) ông tổ của Triết Hiện Sinh Vô Thần thật là sâu sắc với những lời lẽ biện minh cho một thứ đạo đức mới hết sức là lôi cuốn: “Anh em phải luôn trung thành với trái đất, trung thành với tất cả sức mãnh liệt của nhân đức anh em. Tình yêu và trí thức của anh em phải phụng sự ý nghĩa của trái đất. Tôi nài xin anh em điều đó. Hãy làm như tôi, hãy đem những nhân đức lạc đường trở về với trái đất. Phải hãy đem nhân đức trở về với thân xác và cuộc sống để nhân đức của anh em làm cho trái đất có ý nghĩa, nghĩa nhân bản. Từ nay nhân đức và tinh thần anh em chỉ phụng sự ý nghĩa của trái đất thôi. Nhờ đó tất cả mọi sự sẽ có một giá trị mới” (Trần Thái Đỉnh – Triết Học Hiện Sinh).

Không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng của Triết Hiện Sinh và ảnh hưởng rõ nhất đó là đã khiến Giáo Hội phải thay đổi lập trường: Thay vì cứu cánh là Thiên Chúa thì nay lại là con người. Cụ thể trước đây, con người được định nghĩa là hữu thể CÓ xác và hồn, thì nay lại LÀ xác LÀ hồn.



Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rõ: “Tính nhất thể của linh hồn và thân xác rất sâu xa đến độ phải xem linh hồn là mô thể của thân xác, nghĩa là nhờ linh hồn mà thân xác được cấu tạobởi vật chất như thế mới là thân xác của con người sống động. Trong con người tinh thần và vật chất không phải là hai bản tính hiệp nhất với nhau nhưng sự hiệp nhất của chúng tạo nên một bản tính duy nhất, độc nhất” (GLHTCG số 365).

Do nơi định nghĩa con người là xác là hồn như thế, nên toàn bộ con đường đạo đức không thể không thay đổi. Trước đây đường Đạo là đường tìm kiếm thì nay không còn tìm kiếm chi nữa để quay sang “bảo vệ sự sống” vật chất xác thân. Công việc bảo vệ sự sống thân xác ấy được mệnh danh là “Tân Đạo Đức Sinh Học Kitô” (Nuova Bioetica Christiana). Công việc bảo vệ sự sống tức Tân Đạo Đức Sinh học này đã và đang phải đối phó với những vấn đề gai góc rất khó có thể giải gỡ.

1. Việc ngừa và phá thai

Giáo Hội kịch liệt lên án việc phá thai, tuy vậy vấn đề trở nên rối rắm khi người ta chưa nhất trí được với nhau về thời điểm khi nào phôi thai được coi là một nhân vị, tức có linh hồn? Mặt khác, có những trường hợp dị tật, quái thai hoặc bị cưỡng dâm v.v… ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng, nhân phẩm, hạnh phúc của người mẹ thì phải tư vấn cho chính nạn nhân ra sao?

2. Chuyển đổi giới tính

Có những người bẩm sinh thân xác là nam nhưng lại thuộc giới tính nữ hoặc ngược lại thì trong những nố này đạo đức phải xử trí thế nào? Cho chuyển đổi hay không cho chuyển đổi giới tính cũng đều khó xử với các đượng sự.

3. Biến đổi Gien di truyền

Cuộc cách mạng sinh học quan trọng nhất của thời đại ngày nay là con người có thể can thiệp vào thiên nhiên bằng cách làm biến đổi Gien. Người ta có thể lắp ghép chẳng những đối với thực vật mà với cả con người, hoặc cho thụ thai trong ống nghiệm. Việc này đưa đến nhiều hệ lụy lớn lao về đạo đức, chẳng hạn có thể chọn lựa ra những tinh trùng có phẩm chất theo ý muốn để sản xuất hàng loạt, gọi là ưu sinh. Giáo Hội có thể kết án, nhưng người đời vẫn có những lý lẽ của họ…

4. Sinh sản vô tính

Nếu việc ngừa thai làm cho con người có thể không sinh con nhưng vẫn có thú vui tình dục, còn việc thụ thai trong ống nghiệm tuy không cần phải có tình dục nhưng vẫn phải có tinh trùng của nam và noãn châu của nữ. Trái lại trong sinh sản vô tính, người ta chẳng cần chi đến tình dục hoặc nam nữ gì cả mà vẫn có thể sản sinh hàng loạt. Con cừu Dolly là một ví dụ…

Đến đây, một vấn đề nghiêm trọng đặt ra cho đạo đức sinh học đó là nếu việc sinh sản không cần gì đến nam nữ vợ chồng, vậy ta sẽ phải giải thích thế nào về mệnh lệnh của Thiên Chúa được ghi trong Kinh Thánh: “Đức Chúa Trời dựng nên người nam cùng người nữ, ban phước cho họ và phán rằng: hãy sanh sản thêm nhiều làm cho dẫy đầy mặt đất” (Stk 1, 27 – 28). Nếu hiểu lời Kinh Thánh này theo nghĩa đen, tức có người nam người nữ thật, đồng thời họ phối ngẫu với nhau thành vợ chồng để lưu truyền nòi giống thì ta phải giải thích thế nào về việc thụ tinh trong ống nghiệm, hơn nữa việc sinh sản vô tính, chẳng lẽ con người lại có thể phá hủy và không cần gì đến định luật của Đấng Tạo Hóa?

Mặt khác, việc sinh sản ấy nếu chỉ sản sinh ra những con người thì chẳng lẽ tôn giáo lại có thể khuyến khích cho việc bùng nổ dân số hay sao? Có quan điểm cho rằng chính Kitô giáo là nguyên nhân của việc các nước phương Tây trong các thế kỷ 16, 17 đổ xô đi xâm chiếm, khai thác thuộc địa. Đồng thời gây ra không biết bao nhiêu là vấn đề vô phương cứu gỡ như bùng nổ dân số, ô nhiễm môi sinh môi trường v.v…?

Kinh Thánh, đặc biệt là Sách Sáng Thế, không thể được giải theo nghĩa đen mà phải theo huyền nghĩa tức là việc sanh sản ở đây cần phải hiểu, đó là sanh ra con cái Thiên Chúa bằng cách lắng nghe Lời Ngài. Trả lời những người trách cứ Chúa Giêsu là người mà lại dám xưng mình là Con Thiên Chúa, Ngài đáp: “Trong Sách Luật (TV 82, 6) của các ngươi há chẳng chép rằng: Ta đã nói các ngươi là Thần hay sao? Nếu Chúa gọi những kẻ nghe Đạo Đức Chúa Trời là Thần (mà Kinh Thánh thì không thể bỏ được) thì Ta đây là Đấng Cha đã biệt ra Thánh và sai xuống thế gian nói rằng Ta là Con Đức Chúa Trời, cớ sao các ngươi lại cáo Ta là lộng ngôn?” (Ga 10, 33 – 36).

Như trên đã nói, chỉ khi nào đi trên Đường Đạo (đạo đức) thì mới có thể đến được Đạo, tức trở nên con cái Thiên Chúa. Ngược lại đi theo đường Đời (luân lý) thì cái cao tột của nó cũng chỉ có thể là làm người với biết bao hệ lụy phải gánh chịu của kiếp làm người: sinh lão bệnh tử… Đức Kitô xuống thế, kêu mời chúng ta đi theo Ngài hầu cho ta được làm Con Chúa chứ chẳng phải để làm người mà cần chi đến việc bảo vệ sự sống xác thân? Bởi những lẽ đó chúng ta không thể không biện biệt đâu là đường Đạo đâu là đường Đời hầu cho có thể vững tâm theo Chúa.



II. Sự khác biệt giữa luân lý và đạo đức

Luân lý có thể thay đổi, còn đạo đức thì không. Trong xã hội Hồi Giáo, đàn ông có thể lấy bốn vợ mà không luật pháp nào ngăn cấm, Trái lại bên Âu Mỹ thì luật pháp cấm đa thê, chẳng những luật pháp cấm, mà người nào như thế sẽ bị người đời cười chê phỉ nhổ. Luân lý chẳng qua cũng chỉ là những tập tục được một nhóm người, một địa phương nào đó chấp nhận, lâu ngày thành một thứ luật lệ bất thành văn. Xưa kia ở nước ta, đàn ông búi tó củ hành, đàn bà mặc váy nhuộm răng đen, được cho là nam nhi là nữ lưu, còn bây giờ thì…? Luân lý có thể thay đổi còn đạo đức thì không, dù bất cứ trong thời gian, không gian nào. Sự phân biệt đâu là luân lý đâu là đạo đức, chúng ta có thể lấy dẫn chứng từ nơi Kinh Thánh.

Có anh thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy tôi phải làm việc lành chi để được sự sống đời đời? Chúa đáp… ngươi muốn vào sự sống thì hãy giữ các điều răn… chớ giết người, chớ gian dâm, trộm cắp, làm chứng dối, hãy hiếu kính cha mẹ và hãy yêu thương kẻ lân cận như mình”. Gã trai trẻ thưa rằng: “Mọi điều đó tôi đã vâng giữ, còn thiếu điều chi nữa?” Chúa đáp: “Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về và bán hết của cải ngươi mà cho kẻ nghèo thì ngươi sẽ có của báu ở trên trời rồi hãy đến theo Ta. Nhưng người trẻ kia nghe lời ấy thì buồn rầu bỏ đi, vì y ta có tài sản nhiều lắm” (Mt 19, 16 – 22).

Ở đây ta thấy, người thanh niên đã thực hiện tất cả những điều răn trọng yếu, thiết tưởng với những việc làm ấy anh ta đã xứng đáng để có được Sự Sống Dời Dời. Thế nhưng đối với Chúa và ngay cả với bản thân, anh vẫn cảm nhận nơi mình một nỗi bất an nào đó chưa được thanh thỏa. Chính vì vậy mà anh mới đến gặp Chúa xin Ngài chỉ dạy. Tuy nhiên khi nghe Ngài nói phải về bán hết gia sản sự nghiệp để đi theo Ngài thì anh đã buồn rầu thối lui. Người thanh niên đã chỉnh chu giữ các giới răn, điều ấy kể ra đã tốt lắm rồi. Thế nhưng đó vẫn còn trong phạm vi luân lý chứ chưa phải đạo đức.

Chúa bảo phải về bán hết gia sản sự nghiệp, bởi vì đó là những thứ cản trở con đường Đạo, cũng tức là con đường “bỏ mình” theo Chúa: “Ai muốn theo Ta thì phải bỏ mình vác thập giá mình hàng ngày mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất, còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được. lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn mình thì nào được ích gì?” (Mt 16, 24 – 26).

Cứu lại mất, bỏ lại được, đây là một nghịch lý của Đạo Chúa, và cũng chính bởi nghịch lý mang tính ngược dòng mê lưu này mà chúng ta, những con người theo Chúa đã bị thế gian ghét bỏ: “Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì thế gian chắc là sẽ yêu mến kẻ thuộc về nó. Nhưng vì các ngươi không thuộc thế gian, song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian, nên thế gian ghen ghét các ngươi. Hãy nhớ lại lời Ta đã nói cùng các ngươi: Tớ chẳng hơn chủ, nếu họ đã bắt bớ Ta ắt cũng bắt bớ các ngươi. Bằng họ đã giữ Lời Ta, ắt cũng giữ lời các ngươi. Nhưng vì cớ Danh Ta họ sẽ làm mọi điều đó cho các ngươi, bởi họ không biết Đấng đã sai Ta. Nếu Ta không đến mà phán dạy họ thì họ chẳng có tội gì. Song bây giờ họ không thể tạ từ để chữa chạy tội mình được” (Ga 15, 19 – 22).

Thế gian hiện giờ đang về hùa với nhau để vu vạ cáo gian cho vị thủ lãnh Giáo Hội và rồi chắc chắn sẽ còn tiếp nối những vụ bắt bớ bách hại. Tất cả những điều này đã được Chúa nói cho biết, bởi vậy chúng ta vẫn cứ vững lòng mà “ở lại”. Dẫu vậy, kẻ nào làm điều ác sẽ phải lãnh quả ác, nhất là đối với những con người nào đã được nghe, được biết Lời Chúa, họ sẽ không thể chữa tội mình được.

PHÙNG VĂN HÓA


Theo báo Ephata số 545

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

1 bình luận:

  1. Mọi người hãy sống tốt cho mình và mọi người xung quanh nhá. Đừng vì một lý do nào đó mà đánh đổi cả sinh mạng của mình. Có đạo đức tốt thì mới làm luận lý sâu sắc và triết lý hơn

    Trả lờiXóa