Home » , , » 30 năm chính sách một con của Trung Quốc

30 năm chính sách một con của Trung Quốc

SGTT.VN - Khi đề ra các biện pháp khống chế dân số quyết liệt vào năm 1979, các quan chức hứa hẹn sẽ bỏ chính sách một con này sau 30 năm. Đúng 30 năm sau, vào cuối tuần qua, Trung Quốc tuyên bố sẽ duy trì chính sách một con thêm mười năm nữa. 




Poster mỗi gia đình chỉ có một con.

Ngày 25.9 vừa đánh dấu 30 năm Trung Quốc thực hiện chính sách một con, người dân Trung Quốc phải sống với chính sách này ít nhất là mười năm nữa. Ảnh: TL “Thay mặt uỷ ban Kế hoạch hoá gia đình và dân số, tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đến tất cả mọi người, đặc biệt là nhân dân, đã dành sự ủng hộ của mình cho đường lối quốc gia”. Lời tuyên bố và lòng tri ân của bà Lý Bình – chủ tịch uỷ ban này – trên tờ Nhân Dân Nhật Báo không hề nhận được sự ủng hộ của những người như giáo sư Yang Zhizhu ở Bắc Kinh.

Bán mình nộp phạt


Ông Yang thừa biết những hậu quả kinh khủng của việc vi phạm chính sách một con. Ông sẽ bị tước quyền giáo sư ở đại học và sẽ gánh một mức tiền phạt khiến cả gia đình cơ cực. Nhưng khi ông biết vợ mình mang thai lần thứ hai mùa hè vừa qua, ông quyết định không thể bỏ lỡ cơ hội hạnh phúc vì tin rằng chính sách này sẽ hết hiệu lực trong năm nay.


Yang đã lầm. Đầu năm nay, các quan chức đã đến gặp hiệu trưởng đại học Khoa học chính trị thanh niên Trung Quốc – nơi Yang đang dạy luật – buộc nhà trường phải sa thải giáo sư 44 tuổi này. Đến tháng 9, ban Kế hoạch dân số Bắc Kinh đã gởi cho Yang thông báo rằng, khoản tiền phạt vi phạm luật một con là 220.600 tệ (khoảng 53.000 USD) sẽ có lúc phải “cưỡng bức thu nạp”.


Nhà trường vẫn tiếp tục trợ cấp cho Yang mỗi tháng 360 tệ (khoảng 54 USD) nhưng khoản tiền đó không đủ nuôi sống vợ chồng Yang và hai con gái – đứa đầu ba tuổi và đứa sau mới sáu tháng. Vợ ở nhà chăm con, cả gia đình sống qua ngày nhờ tiền dành dụm lâu nay và tiền công làm các việc pháp lý ngoài giờ của Yang cùng với sự giúp đỡ của các sinh viên.


Không hề ân hận với quyết định có đứa con thứ hai của mình nhưng cũng không có khả năng đóng phạt, Yang đi khắp Bắc Kinh, trên người đeo một tấm biển với lời rao sẵn sàng bán mình cho bất kỳ ai cho ông 640.000 tệ (khoảng 100.000 USD) để đóng phạt và gầy dựng lại gia đình. Ông nói: “Đó là một hình thức phản kháng hơn là một đề nghị nghiêm túc. Nhưng nếu có ai sẵn lòng thì tôi cũng sẽ cân nhắc”.


Ban dân số quyền lực hơn công an


Năm 1979, ba năm sau khi Mao Trạch Đông mất, chính sách một con được đề ra để kìm hãm mức tăng dân số và giảm thiểu những vấn đề kinh tế – xã hội của Trung Quốc. Chính sách này được áp dụng triệt để ở các khu vực đô thị nhưng lại có điều chỉnh tuỳ theo thực tế ở các vùng nông thôn, các cộng đồng thiểu số và một số trường hợp đặc biệt. Các đặc khu hành chính Ma Cao, Hong Kong và Tibet được miễn trừ.


Lúc đầu, các cặp vợ chồng được khuyến khích chỉ nên có một con thông qua giáo dục và tuyên truyền, nhưng dần dần chương trình trên lý thuyết là tự nguyện này trở thành một kiểu cưỡng bức khi gắn liền với những mức tiền phạt tương đương từ 370 USD đến 65.000 USD tuỳ địa phương – mức phạt gấp nhiều lần thu nhập bình quân hàng năm của một thường dân.


Được giúp sức bởi một mạng lưới chỉ điểm, các cơ quan kế hoạch hoá địa phương lập hồ sơ theo dõi từng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Trong nhiều trường hợp, cơ sở để thăng tiến của các quan chức địa phương được căn cứ theo mức độ đáp ứng chỉ tiêu thực hiện chính sách. Điều này thúc đẩy các quan chức cho thực thi triệt sản và phá thai cưỡng bức đồng thời dùng những hình phạt thô bạo để đạt chỉ tiêu.



Trong năm 2005, chính quyền tỉnh Sơn Đông đã ruồng bố nhiều gia đình có thêm con, buộc các vợ chồng có đứa con thứ hai phải triệt sản và phụ nữ mang thai đứa thứ ba phải phá thai. Nếu gia đình cố che giấu, thân nhân họ sẽ bị tống giam cho đến khi nào kẻ trốn tránh chịu tuân theo. Tờ Washing Post thuật lại chuyện một phụ nữ trong diện được phép có con thứ hai đã bị lôi lên xe đưa tới bệnh viện, bị cưỡng bức bằng vũ lực để ký vào giấy chấp thuận và giải phẫu triệt sản ngay lập tức. Tất cả diễn ra chỉ trong vòng mười phút!

Có khi những biện pháp trừng phạt đã đi quá xa. Trong những năm 1980, một phụ nữ ở Thượng Hải tên Mao Hengfeng mang thai đứa con thứ ba sau khi đã sinh đôi lần đầu. Chị bị đuổi việc, cưỡng bức phá thai, bị giam vào nhà thương điên và sau đó phải đi cải tạo lao động cho đến cuối năm 2008 mới được trả tự do.


Ngày 8.9 vừa qua, luật sư khiếm thị Chen Guangcheng, 39 tuổi, vừa được trả tự do nhưng vẫn bị quản chế sau bốn năm bị chính quyền thị xã Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông bắt giam vì đã tố cáo các quan chức địa phương đã cưỡng bức hàng chục ngàn người triệt sản hoặc phá thai muộn hơn tám tháng. Chen được tờ Time chọn là một trong 100 nhân vật định hình thế giới năm 2006 nhưng tình trạng lộng quyền của quan chức các ban dân số địa phương vẫn tồn tại. Tờ Los Angeles Times dẫn lời một luật sư khác ở Bắc Kinh giấu tên nói rằng: “Người của ban dân số còn quyền lực hơn cả công an”.


Trần Ngọc Đăng (tổng hợp)


http://sgtt.vn/Thoi-su/Quoc-te/130513/30-nam-chinh-sach-mot-con-cua-Trung-Quoc.html

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét