Home » , » Bài thuyết trình của ĐGM Hải Phòng tại Đại Hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ 12

Bài thuyết trình của ĐGM Hải Phòng tại Đại Hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ 12



Các bạn trẻ thân mến,

Nhân dịp Đại hội Giới trẻ miền Bắc, tôi xin chia sẻ với các bạn về một đề tài rất thiết thực đối với các bạn trẻ công giáo, đó là “người trẻ chuẩn bị bước vào đời sống gia đình”. Hy vọng chút thời gian ngắn này sẽ giúp các bạn hiểu điều mong ước của Giáo Hội là giúp cho các bạn luôn hạnh phúc trong tình yêu và đời sống hôn nhân.

Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà.
Trong ba việc ấy đều là khó thay! (Tục ngữ)

Các cụ ta xưa dạy: trước khi đi biển, cầu nguyện một lần, trước khi ra trận, cầu nguyện hai lần, trước khi lập gia đình, cầu nguyện ba lần. Điều đó cho thấy lập gia đình là một việc rất quan trọng và có phần “nguy hiểm”, vì nó ảnh hưởng suốt cuộc đời của chúng ta.

Trước hết, chúng ta thấy, nghề gì trong xã hội cũng cần phải được huấn luyện: kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, thợ cơ khí, thợ xây, thợ mộc… nhưng không có trường huấn luyện làm vợ làm chồng, làm cha, làm mẹ. Quan niệm xã hội cho rằng làm vợ làm chồng là do bản năng tự nhiên ai cũng biết, cho nên không cần phải dạy. Từ rất lâu trong lịch sử, Giáo Hội đã đảm nhận việc này và trình bày trong giáo lý cũng như trong các văn kiện giáo huấn của mình. Tôi xin đề cập tới ba ý chính sau: 1*Giai đoạn trước hôn nhân là gì? *Những nguy hiểm trong quan niệm về đời sống tính dục nơi giới trẻ Việt Nam hôm nay; và 3*Làm sao để chuẩn bị tốt đời sống hôn nhân gia đình?

I-Giai đoạn trước hôn nhân

Trước hết, tôi muốn trình bày với các bạn hai cụm từ thường dùng khi chúng ta nói đến giai đoạn chuẩn bị bước vào đời sống gia đình. Đó là: “Tìm – Hiểu” và “Thích – Hợp”

1-Tìm - hiểu:

“Tìm – Hiểu” là cụm từ được dùng để giai đoạn đầu tiên khi tình yêu nảy nở giữa một người nam và một người nữ. Một cậu con trai, một cô thiếu nữ, vào một ngày đẹp trời, tự dưng không còn nhí nhảnh vô tư nhưng trở nên trầm ngâm và quan tâm đến chỉnh trang sắc đẹp. Người ta gọi đó là “tuổi biết buồn” hay bắt đầu yêu. Cậu con trai hay cô con gái đó đã gặp hoặc chú ý một đối tượng cụ thể. Thời gian tìm hiểu bắt đầu. Đó là khi mối quan hệ của hai người không đơn thuần chỉ là tình bạn mà muốn đi xa hơn, để biết về nhau nhiều hơn với mục đích muốn trở nên vợ chồng. Khi nói tới tìm là chúng ta nói tới nhu cầu hay một điều cần thiết. Chúng ta thường tìm một vật gì hay tìm một ai đó, vì chúng ta đang cần đến. Mỗi bạn trẻ, khi đến tuối trưởng thành, nếu không có lý tưởng tu trì, thì có nhu cầu tìm một người bạn đời cho tương lai của mình. Tìm và hiểu là hai giai đoạn nối tiếp nhau. Nhiều khi tìm thấy mà chưa chắc đã hiểu nhau, vì mục đích của tìm là gặp gỡ là thấy. Chúng ta đi tìm một món hàng, một chiếc xe, một chiếc áo. Khi đi ngang qua cửa hàng bán xe và bán quần áo, chúng ta nhìn thấy món hàng mà chúng ta đang tìm kiếm. Tuy vậy, để hiểu món hàng đó, thì cần phải có thời gian xem xét kỹ lưỡng về xuất xứ, về chất lượng cũng như những điều kiện có liên quan. Trong tình yêu hôn nhân, có nhiều bạn trẻ chỉ mới tìm thấy một người bạn đời, mà thực sự chưa hiểu nhau. Vì sẽ chung sống với nhau suốt đời, nên hiểu biết về nhau là một điều kiện cần thiết để đi đến quyết định kết hôn. Hiểu nhau về tính tình, sở thích, định hướng tương lai. Các bạn trẻ cũng cần phải hiểu biết những ưu điểm cũng như khuyết điểm của nhau để quyết định có thể sống chung với nhau được hay không. Nếu chỉ tìm thấy mà chưa hiểu biết nhau mà đã quyết định kết hôn thì tình yêu của họ không bền. Bởi khi sống chung với nhau mới “hiểu nhau” và như thế, các bạn sẽ vỡ mộng vì người bạn đời của mình không giống như mình tưởng tượng, không đáp ứng được những tiêu chí mà mình đặt ra. Thông thường, để thực sự hiểu người bạn đời tương lai của mình, bạn trẻ phải xét đến ba lãnh vực sau: Tính nết người bạn đời tương lai (tư cách đạo đức, kiến thức văn hóa và cách ứng xử..); Gia đình (lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống); và tôn giáo (hay ít ra quan điểm về tôn giáo).

2-Thích – hợp:

Hai bạn trẻ đã tìm thấy nhau và tình yêu đã nảy sinh giữa họ. Tuy vậy trước khi quyết định nên vợ nên chồng, cũng cần phải suy xét xem có hợp nhau không. Khi đang yêu nhau, nhìn đâu cũng thấy màu hồng lãng mạn, vì thi thoảng mới gặp nhau, nhưng khi về chung sống với nhau hằng ngày, với những khó khăn của cuộc sống mới phát hiện ra những điều không hợp trong quan điểm sống, trong cách cư xử với nhau và những người xung quanh. Vì thế, cần phải phân biệt: thích là cảm giác tạm thời và bề ngoài, còn hợp là khả năng sống chung lâu dài. Nếu một bạn trẻ quyết định kết hôn chỉ vì thích người yêu của mình mà không đặt những vấn đề xem người đó có hợp với mình không, thì không có hạnh phúc lâu bền. Có thể nói, “thích” là phản ứng theo cảm tính, theo bản năng. Cần phải có tác động của lý trí để kết luận xem có “hợp” hay không.

II-Những nguy hiểm của xã hội hôm nay

Do ảnh hưởng của thuyết tương đối và của xã hội hưởng thụ, nhiều bạn trẻ có quan niệm phóng khoáng, tự do và dễ dãi về tình dục. Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong bài tham luận tại Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới đầu tháng 10-2014 vừa qua đã nêu 3 thách đố lớn đe dọa sự bền vững của gia đình Việt Nam hôm nay: tự do tính dục, bạo lực gia đình và phá thai. Từ ý tưởng của Đức Cha Phaolô, tôi xin chia sẻ với các bạn về thực trạng và những hậu quả của lối sống tự do này.

1-Tự do tính dục:

Hiện nay có nhiều bạn trẻ quan hệ tình dục rất sớm, thậm chí có những em nữ chỉ 12, 13 tuổi. Tình trạng nam nữ sống chung như vợ chồng ở Việt Nam càng ngày càng phổ biến. Nhất là tình trạng các bạn sinh viên “góp gạo nấu cơm chung”, sống thử trước hôn nhân lên đến mức báo động. Trên báo Tuổi trẻ online ngày 14-11-2014, Vụ trưởng Lưu Thị Hồng (Bộ Y tế) cho biết qua tư vấn tại các cơ sở y tế, thấy đang xuất hiện nhiều trường hợp thanh niên, vị thành niên có quan hệ cùng lúc với nhiều bạn tình. Việc quan hệ tình dục sớm để lại nhiều hậu quả tai hại: cánh cửa tương lai sẽ khép lại trước mặt bạn trẻ. Các bạn, nhất là các bạn nữ, vì sử dụng thuốc ngừa thai nhiều lần, sẽ ảnh hưởng sức khỏe và có nguy cơ vô sinh. Nhiều bạn trẻ có quan hệ tình dục quá sớm bị tổn thương tâm lý, trở thành những người hận đời, và tham gia băng đảng, vì họ không hy vọng còn có một tình yêu chân chính.

2-Phá thai:

Con cái là hoa trái của tình yêu. Con người có trách nhiệm bảo vệ sự sống. Điều răn thứ năm: Chớ giết người. Sự sống khởi đầu từ lúc thụ thai. Từ lúc đó, quyền con người của phôi thai phải được nhìn nhận. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói về những tội ác trong xã hội ngày nay vi phạm nhân quyền và vi phạm sự sống, và Ngài gọi đó là “nền văn hóa sự chết” (TMSS số 122), đối nghịch với Tin Mừng sự sống và Chúa Giêsu rao giảng.

Định nghĩa: “Phá thai là sự giết cố ý và trực tiếp, thực hiện bằng bất cứ phương tiện nào, một con người trong giai đoạn khởi đầu sự hiện hữu, từ khi thụ thai cho đến khi sinh ra” (Thông điệp Tin Mừng Sự Sống, số 58).

“Việc trực tiếp và cố ý giết con người vô tội luôn luôn là điều bất luân nghiêm trọng” (TM Sự sống, số 57). “Người nào thi hành việc phá thai, và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết” (Sách GLGHCG số 2272).

“Phá thai và sát nhi là tội ác ghê tởm” (Công đồng Vatican II, Hiến chế MV về GH, số 51)

Tình trạng nạo hút thai ở Việt Nam ngày càng tăng lên. Sẽ chẳng có gì là ngạc nhiên khi trung bình cả nước mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, chiếm 60-70% (phá thai sớm). Riêng tại Hà Nội, tỉ lệ thanh thiếu niên chiếm khoảng 30% dân số trong khi đó tỉ lệ nạo phá thai chiếm trên 22% (theo báo điện tử “Cổng thông tin dân số kế hoạch hóa gia đình). Mỗi năm, cả nước có từ một triệu rưỡi đến hai triệu thai nhi bị giết. Ngoài việc vi phạm luật của Thiên Chúa và của Giáo Hội, hành vi phá thai còn để lại hậu quả nặng nề nơi người phụ nữ. Họ suốt đời ân hận vì đã giết chính con ruột của mình. Phá thai cũng để lại những hậu quả nguy hiểm ảnh hưởng sức khỏe, nhất là có thể bị vô sinh.

III-Làm sao để chuẩn bị tốt đời sống hôn nhân gia đình?

Theo Giáo lý công giáo, Hôn nhân là một bí tích, một khế ước giao hoán, một cam kết, một sự dấn thân.

Để hiểu giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và những nghĩa vụ liên quan đến người vợ người chồng, trước khi bước vào đời sống hôn nhân, các bạn trẻ phải được huấn luyện giáo lý. Nhiều bạn trẻ coi việc học giáo lý như một gánh nặng hoặc họ miễn cưỡng chấp nhận. Không ít bạn trẻ tìm cách để né tránh việc học giáo lý hôn nhân. Tuy thế, cũng như bất cứ lãnh vực chuyên môn nào, cần phải học hỏi thì mới thành công.

1-Giáo Luật quy định:

Giáo luật từ điều 1063 đến điều 1072 đề cập chi tiết đến "Sự săn sóc mục vụ và những việc phải làm trước khi cử hành hôn phối”. Giáo luật quy định việc huấn luyện giáo lý thích hợp về ý nghĩa của hôn nhân Kitô giáo, về nghĩa vụ vợ chồng, về bổn phận và trách nhiệm của cha mẹ Công Giáo, về đời sống mới trong bậc gia đình, về việc cử hành Bí tích Hôn phối và về tính cách bền vững và trung thành của bậc sống vợ chồng v.v... Người chịu trách nhiệm về sự săn sóc mục vụ này trước hết là các cha xứ rồi mới đến những người cộng tác (Ban hành giáo, giáo lý viên..).

2-Nội dung giáo lý hôn nhân:Giáo lý hôn nhân bao gồm 3 phần:

*Những kiến thức căn bản về Đạo;

*Về Bí tích hôn nhân theo quan điểm Công giáo

*Về những trách nhiệm và bổn phận đối với nhau và đối với con cái.

Kết luận: Các bạn thân mến, có thể các bạn than phiền và cho rằng những điều tôi vừa nêu chỉ hợp với những người giáo dân của thời xưa, và đã trở nên lỗi thời đối với cuộc sống hiện đại. Khá nhiều bạn trẻ quan niệm về tình yêu quá đơn giản, vì thế, họ coi nhẹ việc tìm hiểu người bạn đời tương lai. Hậu quả là những gia đình tan vỡ do bạo lực và ly tán. Giai đoạn trước hôn nhân, đối với các bạn trẻ rất quan trọng, vì nó quyết định tương lai của các bạn. Nếu được chuẩn bị tốt, các bạn sẽ có một gia đình hạnh phúc, là nơi nuôi dưỡng và làm cho Đức Tin công giáo được phát triển.

Đức Thánh Cha Phanxincô, trong bài huấn từ dành cho giới trẻ, nhân dịp Đại hội Giới trẻ Châu Á lần thứ sáu tại Hàn Quốc, ngày 15-8-2014, đã ngỏ lời như sau:“Các bạn trẻ thân mến, trong thời đại chúng ta, Chúa tin cậy nơi các bạn! Chúa tin cậy nơi các bạn! Người đã đi vào tâm hồn các bạn trong ngày các bạn chịu Phép Rửa; Người đã ban Thần Khí của Người trong ngày các bạn chịu Phép Thêm Sức; và Người luôn luôn tăng cường cho các bạn bởi sự hiện diện của Người trong bí tích Thánh Thể, khiến cho các bạn có thể là những chứng nhân của Người trước mặt thế gian”. Xác tín rằng “Chúa cũng tin cậy ở chúng ta”, mỗi bạn trẻ sẽ có thêm nghị lực và lòng nhiệt thành để làm cho hình ảnh của Chúa Giêsu ghi đậm dấu ấn trong lòng cuộc đời.

+ ĐGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.