Nhiều người trẻ Việt Nam hiện nay tin phá thai là một hình thức tránh thai
Nguyễn Văn Thảo, nông dân Công giáo, đứng bên các quách bằng gốm dùng để chôn thai nhi tại một nghĩa trang Công giáo ở ngoại ô Hà Nội hồi tháng 8 (Ảnh: AFP/Hoàng Đình Nam) |
Tại một nghĩa trang ở Hà Nội, nông dân Công giáo Nguyễn Văn Thảo mở tủ lạnh kéo ra một bọc thai nhi dính đầy máu để chuẩn bị đem chôn, đây là lời cảnh báo đáng lo ngại rằng Việt Nam đang trở thành một trong những nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới.
Khoảng 40% phụ nữ mang thai tại Việt Nam đi phá thai, theo báo cáo của các bác sĩ đến từ bệnh viện Khoa sản Trung ương Hà Nội, con số này cao gấp đôi số liệu thống kê chính thức.
Do chính sách hạn chế sinh đẻ, tư vấn kế hoạch hóa gia đình không tốt cho người trẻ, và thông tin mâu thuẫn về tình dục đã tạo ra một tình huống trong đó một số người tin phá thai là một hình thức tránh thai.
Có 83 ca phá thai trong số 1000 phụ nữ ở tuổi sinh sản tại Việt Nam, trong khi có khoảng 10-23 ca phá thai trong số 1000 phụ nữ ở phần lớn Tây Âu và Mỹ, theo tổ chức phi lợi nhuận chăm sóc sức khỏe giới tính, Viện Alan Guttmacher.
“Vào ngày bận rộn nhất, chúng tôi nhận được 30 thai nhi”, ông Thảo nói. Ông đứng đầu một đội tình nguyện viên đa số là người Công giáo đi nhặt các thai nhi, thường bị vứt như rác thải y tế, từ các cơ sở phá thai trên khắp thủ đô trong khoảng 10 năm nay.
“Khó mà tính được chúng tôi đã chôn bao nhiêu thai nhi rồi”, Nguyễn Thị Quý, tình nguyện viên 62 tuổi, phát biểu. Bà giúp ông Thảo liệm các thai nhi trước khi đem chôn đàng hoàng tại nghĩa trang ở quận Sóc Sơn, Hà Nội.
Trong nhiều thập niên qua, nhà nước Cộng sản Việt Nam thực hiện chính sách mỗi gia đình chỉ có hai con, vừa áp dụng hình thức phạt hành chính vừa trợ cấp chương trình kế hoạch hóa gia đình để hạn chế sự gia tăng dân số. Chương trình này hiện đã được bỏ nhưng hậu quả của nó vẫn còn.
Phá thai không hề bị xã hội lên án và con số chính thức khoảng 500.000 trong số 2,4 triệu thai phụ, khoảng 1/5, phá thai, chỉ tính theo số liệu thống kê từ các bệnh viện nhà nước.
“Đời sống tình dục ở giới trẻ có vấn đề … hệ thống sức khỏe công cộng không phục vụ họ”, Arthur Erken, đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) ở Hà Nội, phát biểu.
Hành vi tình dục nơi người trẻ Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi trong vài thập niên qua, họ quan hệ tình dục sớm hơn và kết hôn trễ hơn, nhưng những dịch vụ kế hoạch hóa gia đình lỗi thời ít tư vấn hay giới thiệu biện pháp tránh thai thích hợp cho các đôi bạn trẻ chưa kết hôn, theo các chuyên gia.
Kết quả là họ nghi ngờ nên phá thai, thai trên 22 tuần vẫn được cho phép bỏ phổ biến, đặc biệt là tại các bệnh viện tư hợp pháp nhưng đa số không được kiểm soát, đang được sử dụng để phá bỏ các thai nhi ngoài ý muốn thường xuyên hơn ở các nước khác.
“Các bệnh viện tư không được kiểm tra cách có hệ thống. Có thể còn nửa triệu ca phá thai nữa không được báo cáo”, Erken nói.
Ông nói thêm với con số này tỉ lệ phá thai của Việt Nam nằm ở khoảng một triệu ca trong số 2,4 triệu người mang thai và cảnh báo con số này “sẽ còn tăng trừ khi chúng ta có hành động”.
Thiếu thông tin
Do giáo dục giới tính yếu kém ở các trường học, thường thiếu thông tin về sức khỏe sinh sản, và không tiếp cận được các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình miễn phí, nên đối với nhiều người trẻ Việt Nam mang thai ngoài ý muốn là chuyện bình thường.
“Tôi đã phá thai 3 lần rồi”, Hoa, một cô gái 20 tuổi ăn mặc hợp thời trang, nói sau khi phá thai lần thứ ba tại một bệnh viện tư ở Hà Nội.
“Lần đầu tôi hơi sợ nhưng bây giờ thì quen rồi”, Hoa nói và thêm rằng cô không hiểu tại sao cô cứ mang thai mặc dù cô và bạn trai đã thực hiện các biện pháp tránh thai.
Nhiều người trẻ Việt Nam không có kiến thức về phương pháp tránh thai, theo Lê Ngọc Bảo, đại diện tổ chức kế hoạch hóa gia đình Pathfinder International tại Việt Nam.
Và trong khi xã hội ngày càng dễ dãi, sinh con ngoài giá thú vẫn còn bị lên án.
“Nếu họ mang thai ngoài ý muốn … cách giải quyết duy nhất là phá thai”, ông nói.
Trong khi nhiều người trẻ không “hoàn toàn hiểu được tác hại của việc phá thai”, chi phí mua bao cao su hay thuốc tránh thai dường như tốt hơn là mạo hiểm không dùng biện pháp tránh thai, ông gợi ý.
Ngoài ra, Việt Nam có tỉ lệ phá thai cao mặc dù số liệu thống kê cho thấy Việt Nam áp dụng rộng rãi các biện pháp tránh thai, dấu hiệu chứng tỏ tư vấn kế hoạch hóa gia đình yếu kém, ông Bảo nói thêm.
Tại bệnh viện tư và cơ sở nhà nước, thậm chí tư vấn sau khi phá thai cũng bị hạn chế, do đó một số phụ nữ trẻ phải đi phá thai nhiều lần.
Việt Nam cần cải thiện ngay việc giáo dục giới tính và cung cấp các biện pháp tránh thai cho các phụ nữ trẻ chưa kết hôn, theo bác sĩ Trần Ninh thuộc Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam.
Áp lực về tỉ lệ sinh sản
Chính sách hai con của Việt Nam, trong khi không hà khắc như chính sách một con khét tiếng của Trung Quốc, từ lâu đã ép buộc các gia đình giới hạn số con.
“Nếu họ có ba người con, sự nghiệp của họ sẽ bị ảnh hưởng lớn, họ sẽ không được thăng chức hay nâng lương”, Giang Đặng, chuyên gia phát triển tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, phát biểu.
Đặng nói thêm quan điểm gia đình có hai con đã “ăn sâu” và cho biết mặc dù chính sách này đã chính thức được bãi bỏ, nhưng chính quyền địa phương vẫn ngầm khích lệ vì “đối với họ điều quan trọng là kiểm soát được sự gia tăng dân số”.
Quan điểm thích con trai theo văn hóa cũng đã dẫn đến tỉ lệ phá thai cao do chọn giới tính ở một số nơi trong nước.
Để nỗ lực ngăn chặn tình trạng này, Việt Nam đã ban hành luật cấm nhân viên y tế tiết lộ giới tính của thai nhi trước khi sinh, mặc dù các chuyên gia cho rằng luật này khó thi hành và ít được tuân thủ.
Do tỉ lệ phá thai cao và nhiều thập niên thực hiện kế hoạch hóa gia đình nhằm hạn chế số con trong gia đình, Việt Nam đang trở thành một trong những nước có dân số lão hóa nhanh nhất trên thế giới, theo Erken thuộc UNFPA.
“Áp lực đè lên xã hội, cải cách lương hưu chẳng hạn, là một hiện tượng”, ông giải thích.
Theo Ucanews Việt Nam