Thông thường, người sống thì có thể không nhà không cửa, nhưng khi chết vẫn có mồ có mả. Có thể là an nghỉ dưới một ngôi mộ tiền tỷ hoành tráng hay dẫu nằm dưới một gò đất đắp cao, vài hòn đá xếp chồng lên nhau hay đơn giản là cây thánh giá gỗ chơ vơ, điều ấy biến mảnh đất nhỏ nhoi đó thành chốn linh thiêng khiến cho người sống biết rằng nơi đây, nơi an nghỉ của một người đã đi hết kiếp nhân sinh, cần được tôn trọng, cần được chăm sóc.
Mất người thân đã là đau khổ. Mất mà còn không tìm được xác còn khổ hơn gấp bội lần. Vào các thập niên 70 – 90 của thiên niên kỷ trước. Rất nhiều gia đình không bao giờ tìm được xác người thân của mình. Tất cả chỉ vì tự do, họ đi tìm tự do, đi tìm tương lai cho bản thân và gia đình, cái giá phải trả là vùi thây trong lòng biển, vùi thây giữa rừng già. Biết bao nhiêu cái chết như thế quanh mình, biết rất rõ như thế, nhưng họ vẫn cứ liều mạng ra đi với hy vọng mong manh sẽ trở thành cứu cánh cho cả gia đình nếu vượt qua được đại dương bao la, vượt qua được nạn cướp biển tàn bạo kinh hoàng. Hậu quả mà tôi từng thấy, nhiều bà mẹ suốt ngày khóc gọi tên con. Xác chẳng có để mà lập bia xây mộ, ngày chết không rõ ràng đành lấy ngày chia tay để mà nhớ, để mà cầu nguyện. Một người bạn của tôi ngày ấy chỉ khoảng 12 tuổi, một buổi chiều chưa tan học bỗng được tin 3 người anh, 2 người cháu chết trong một ngày, Mẹ bạn ấy như ngây như dại suốt nhiều năm trời. Một người bạn khác trong lớp 11 của tôi năm 1983. Chiều hôm trước còn đá banh với nó, vậy mà chỉ mấy hôm sau nghe tin nó nằm lại dưới lòng biển sâu. Chìm tàu, hải tặc giết, biệt vô âm tín… thông tin đại loại chỉ là như thế. Mà ngày ấy, vượt biên là tội phản quốc, đánh đập, tù đày, phiền nhiễu lắm, có mấy ai dám lập mộ cho người thân của mình, dù là mộ gió, chỉ còn biết khóc thầm, cố nuốt ngược dòng nước mắt cho số kiếp người thân của mình. Ôi cái giá của tự do. Cái giá của tương lai sao mà đắt đỏ.
Sau này, có dịp đi đây đi đó, tôi mới mục sở thị những ngôi mộ gió. Ở một làng chài ven biển miền Trung, nhiều ngôi mộ được lập mà dưới huyệt mộ chỉ là một tấm hình, vài vật dụng của người quá cố, thậm chí có mộ chẳng có gì. Người ta lập ra ngôi mộ đó để nhớ về người đã khuất, xác thân thì ở đâu đó giữa lòng biển khơi. Ngậm ngùi lắm những nén nhang tàn lụi bên những ngôi mộ gió thế này. Nó cứ làm sao ấy, lạnh lẽo, cô đơn, chỉ dấy lên trong tâm tư những thương cảm nghi hoặc vật vờ chiếm hết lòng những người đang sống.
Những ngôi mộ gió dù sao chăng nữa cũng cho chúng ta biết, người còn sống tiếc thương người đã khuất, gửi gắm tình cảm của mình đối với người thân thông qua một nấm mộ gợi nhớ, gợi thương. Tưởng rằng mộ gió ấy chỉ có trong thế giới của người đã được sinh ra, đã từng sống một kiếp người. Nhưng không, tôi đã thấy những ngôi mộ gió trong thế giới của những thai nhi bị giết hại. Một câu chuyện đắng lòng ám ảnh đến tận thẳm sâu lương tri mỗi con người.
Câu chuyện bắt nguồn từ một chuyến đi đến thăm Nghĩa Trang Thánh Tâm. Chúng tôi gặp được bác Cậy (ảnh chụp bác Cậy, Nhóm BVSS Buôn Ma Thuột) đang cùng nhóm BVSS chôn cất thi hài của 5 thai nhi. Sau khi vừa kết thúc công việc buồn thảm này, quay trở lại dưới chân Đức Mẹ, thì một bao nylon đen nữa vừa được ai đó đem bỏ nơi đây, mở ra là một thai nhi gái khoảng 5 tháng tuổi, co quắp câm lặng còn nguyên cả nhau thai.
Trời xẩm tối, bác Cậy một lần nữa lại tắm rửa và làm các nghi thức để chôn cất cháu bé ngay. Nhìn bé nằm đó, tôi có cảm tưởng như lại nhìn thấy đứa con gái bé bỏng của mình đã mất do sảy thai. Tôi xin được lập mộ và đặt họ tên cho bé như bé là con gái trong gia đình của chính mình vậy: Têrêsa Phan Thiên Ân (Ảnh chụp xác bé Thiên Ân bị phá ngày 9.5.2012).
Như có một sự trùng hợp, cậu nhân viên đi cùng tôi cũng tên Thiên Ân. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời cậu ấy biết thế nào là phá thai, là công việc của những người làm BVSS. Cậu ấy bảo sợ đến nổi cả da gà ! Tuy vậy, tôi vẫn nhờ cậu ấy mang bé Thiên Ân đi chôn cất cho kịp trước khi trời tối.
Ra đến nghĩa trang mới cảm nhận hết được sự khổ tâm và lao công vất vả của các Nhóm BVSS. Vừa chôn bé Thiên Ân xong, lại có thêm một bé nữa chỉ còn lại một nhúm bầy nhầy bỏ dấp dúi dưới tấm bạt ngay chân Đức Mẹ. Trời có tối cũng phải mang chôn cất em cho đàng hoàng tử tế, cho em được ấm áp, chứ cái lạnh sương đêm làm sao chịu được ?!? Trời ơi, Buồn muôn thuở ! Thành phố của mộng mơ, của núi cao giờ sao lại nặng nề oan khuất đến thế này ?
Nhìn lên đài Mẹ Maria, biết Mẹ ngày đêm phải chứng kiến xác các thai nhi bị giết hại mang về hằng ngày, nỗi đau của Mẹ giấy bút nào tả nổi. Bác Cậy nói với tôi, dạo này mỗi ngày chỉ chôn chừng 5 đến 7 em thôi, chứ ngày trước phải trên cả chục. Nghe thế, tôi tưởng việc BVSS đã có những kết quả bước đầu nên nạo phá thai đã giảm đi chăng. Nhưng không, không phải vậy, thời gian gần đây có những loại thuốc uống phá thai làm tiêu luôn cả thai nhi trong bụng mẹ, giờ có muốn mang em về chôn cất cũng chẳng được nữa rồi. Đoán chừng đó là các loại thuốc hiện đại có tên gọi là tránh thai nhưng thực chất là phá thai như Mifepristone, Misoprostol hoặc RU-486 chứ gì. Kinh khủng quá !
Sáng sớm hôm sau, rời Nghĩa Trang Thánh Tâm, chúng tôi về Nha Trang, Thật lòng mà nói, mấy lần trước dò hỏi mãi Hòn Thơm Nha Trang mà chẳng ai biết nên chuyến đi này, Nghĩa Trang Hòn Thơm không nằm trong dự kiến ban đầu. Nhưng thật may mắn, một vị khách hàng đi cùng trên xe, trên chuyến đường dài từ Kontum về Nha Trang thông qua đường Ba tơ, băng qua Linh Đài Đức Mẹ Măng Đen. Tôi nói với anh về chuyện BVSS mặc dù anh là một Phật Tử, anh bật kêu lên, không ngờ tội ác nạo phá thai tại Việt Nam mình lại khủng khiếp đến thế.
Nhờ có mối quan hệ rộng của anh, đến Nha Trang, anh đã có thể nhờ một người bạn dẫn chúng tôi lên Nghĩa Trang Đồng Nhi. Theo dân bản địa thì nơi đây là Hòn Nghê, đường vào nghĩa trang không xa lắm, ngay trước chân núi phía phải là trường bắn Núi Sạn, là nơi trước đây xử tử các tử tù, những nơi thế này thông thường ám khí rất nặng, vậy mà kề bên nó hiện xây dựng sắp xong là khu ký túc xá sinh viên rất hoành tráng. Anh Chánh, hướng dẫn viên cho chúng tôi chua chát nói rằng, rồi đây, chính cái ký túc xá này sẽ lại là một trong những nguồn “cung ứng” dồi dào cho Nghĩa Trang Thai Nhi. Sống thử, góp gạo thổi cơm chung giờ đây không chỉ là phong trào vui vẻ bạn bè mà nó còn là nhu cầu phổ biến khi đời sống quá khó khăn trong tầng lớp sinh viên.
Núi Hòn Thơm hay còn gọi là Hòn Nghê quả là một ngọn đồi sỏi đá, Những lớp đá rũ xuống trong cái nắng chói chang khiến cho người ta cảm thấy mệt mỏi huống chi là phải đào bới trên lớp đá đó để làm những huyệt mộ cho những sinh linh bé bỏng. Vừa lọ mọ đến chân núi, Bé Bê (Ảnh chụp bên phải), từ trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi đã sốt sắng hỏi chúng tôi có phải đang tìm đường lên thăm Nghĩa Trang Thai Nhi, sau đó còn nhiệt tình hướng dẫn và kể cho chúng tôi lai lịch của từng ngôi mộ trên ấy. Mỗi một ngôi mộ nhỏ là một câu chuyện bi thương đầy uẩn ức.
Ở đây là một bé, kia là em ruột của bé ấy, cả hai là con của một cô gái làng chơi. Kia là ngôi mộ của hai bé song sinh, một lần phá thai mà có hai sinh mạng phải lìa đời. Kia nữa, một cô bé sinh viên thuyết phục thế nào cũng không được, chỉ mấy ngày sau đó là cô sinh viên ấy mang đến cho anh em BVSS một cái bịch đen thui, sau đó xác cháu bé đã được chôn cất nơi ngôi mộ nhỏ này.
Giữa cái nắng trời gay gắt làm chúng tôi ướt sũng mồ hôi. Một người đàn ông vẫn cặm cụi mài thật kỹ phiến đá để ốp cho ngôi mộ nhỏ mà anh đang xây dở. Tôi để ý phần giữa nghĩa trang là chứng tích đổ nát của một bức tường dường như bị bàn tay con người phá hoại, hỏi ra là thế thật, chính quyền địa phương đã đập đổ bức tường này vì họ không muốn cái nghĩa trang này tồn tại nơi đây, cho là ô nhiễm môi trường ?!?
Thật sự, có những câu chuyện mà thậm chí, nghe người dân nơi đây kể lại mà người trong đoàn chúng tôi không nén nổi tiếng kêu kinh ngạc. Bây giờ, mỗi khi chôn cất các thai nhi cũng phải lén lút. Những kẻ đi trình báo chính quyền sẽ được thưởng nóng ngay 50.000 đồng. Hễ thấy bóng dáng “người Nhà Nước” là thợ xây lẩn ngay lên núi, đến khi khuất bóng “người Nhà Nước”, mới có thể tiếp tục công việc dở dang.
Người sống tranh dành đất đai với kẻ đã chết. Thậm ngậm ngùi, chua chát, cũng là kiếp người mà sao các em lại khổ đến như vậy ? Hỏi lại, nếu không cho chôn cất nơi đây thì mang những thai nhi này đi đâu, câu trả lời quá ư tàn nhẫn, muốn vứt đâu thì vứt. Hỏi thăm về anh Tống Phước Phúc, người sáng lập nghĩa trang này, được biết sáng nay anh đã đi Sàigòn vì một em bé trong Mái Ấm của anh bệnh nặng, tấm lòng của anh Phúc đã được nhiều người biết đến qua những nghĩa cử bác ái tuyệt vời trong nhiều năm qua. Tiếc là lại chưa được diện kiến, chia sẻ với anh.
Gần một góc của nghĩa trang, một ngôi mộ mang ba cái tên “Vô Danh” khiến tôi chú ý: Đọc kỹ trên bia mộ có ghi rõ: Sinh Tử: 2000 – 2003 – 2004. Lại cùng một tên cha mẹ khiến tôi thắc mắc: Vậy là ba đứa trẻ, sinh từ năm 2000 đến 2004, cùng cha cùng mẹ sao lại cùng một nấm mộ được nhỉ ? Giải đáp thắc mắc ấy cho tôi, Bé Bê kể cho chúng tôi nghe câu chuyện bi thảm của một gia đình.
Gia đình ấy lúc xưa nghèo lắm: Cứ có thai đứa nào là phá ngay đứa đó, ba thai nhi đã bị chính cha mẹ mình khai sinh rồi khai tử lần lượt vào năm 2000, 2003 và 2004. Sau này điều kiện kinh tế khá hơn, cũng chính là lúc lương tâm trỗi dậy, không biết là bị ám ảnh sao đó về ba đứa con đã chết oan uổng, nghe lời Thầy Bà nào đó phán, bèn xin lập mộ cho con nơi đây để yên ủi linh hồn chúng nó. À, thì ra đó là một ngôi mộ… gió của ba anh em trong một gia đình. Khổ thân chúng, bị ruồng bỏ, bị giết đi, nay được cha được mẹ nhận lại thì chẳng còn biết thân xác lưu lạc nơi nào, đến cái tên không biết vô tình hay cố ý mà cũng chẳng được ghi trên mộ chí. Chỉ là ba chữ “Vô Danh” đến xót cả lòng người.
Lần nào cũng vậy, rời khỏi một Nghĩa Trang Đồng Nhi nào đó, những câu hỏi cứ trào lên trong tôi. Những câu hỏi “tại sao” về tội ác nạo phá thai quá sức tưởng tượng của con người vẫn cứ ngày đêm hành hạ trên mỗi gia đình đã quá tang thương vì kiếp nghèo, vì áp bức trên quê hương, nay lại gánh thêm những cảm giác day dứt nặng nề về tội ác đã giết chính con của mình thì kiếp sống này quả thật là đau khổ biết chừng nào !
Có mấy ngôi mộ gió được xây dựng như thế này, có mấy ai đã phạm vào tôi ác phá thai lại chẳng có một ngôi mộ gió trong lòng mình, hàng triệu sinh linh bị giết hại mỗi năm. Hàng triệu ngôi mộ gió xây kín lòng người, “Gieo gió ắt gặt bão”. Những ngày này trên quê hương gió như đã trở mình vụt lớn. Ước mong sao… Một ước mong chân thành giản dị, một ngọn gió chẳng thể xua tan bóng mây u ám, cần có những trận bão đến để xua đi những u hoài, xua tan những rác rưởi trong xã hội con người, để những ngôi mộ gió thai nhi sẽ dần thành một kỷ niệm, một mảng xám buồn trong ký ức con người.
Đaminh PHAN VĂN DŨNG, 5.2012
Theo báo Ephata số 511
0 bình luận:
Đăng nhận xét