“Chiều đi trên đồi cao, hát trên những xác người…
Tôi đã thấy, tôi đã thấy… mộ bia đều như nấm…
Mẹ vỗ tay reo mừng xác con, mẹ vỗ tay hoan hô hòa bình...” (Trịnh Công Sơn)
Đã qua rồi tiếng đạn đại bác hằng đêm ì ầm gieo chết chóc, qua rồi tiếng đạn AK rít lạnh trên đầu, qua rồi thời chiến tranh ly loạn tan tác, chiến tranh mang theo những nỗi đau, mang theo cả những hỉ hả của con người, mang theo nhiều nghịch cảnh trớ trêu…
Sao mẹ phải vỗ tay reo mừng xác con, sao mẹ phải vỗ tay reo mừng chiến tranh, sao người phải vỗ tay cho thêm thù hận ? Không lẽ, thần kinh của người nhạc sĩ này có vấn đề ?
Phải đấy, nếu ai không hiểu bản chất của cuộc chiến tương tàn Nam Bắc, không hiều về bản chất tàn độc của chiến tranh, có lẽ, sẽ nhìn nhận rằng đúng là dây thần kinh của họ Trịnh… chập mạch mất rồi. Anh đã không khỏi ngậm ngùi khi thấy nhiều bà mẹ trở nên điên loạn trước cái chết của đàn con, cứ ngồi ôm xác con cười ngu ngơ, ngây dại, nhiều con người quẫn trí lang thang đó đây không nhà không cửa. vỗ tay reo hò quanh bom rơi súng nổ…
Mỉa mai thay, cái cố tình chập mạch ngày xưa của họ Trịnh nay lại trở thành “chân lý” trong thời đại hòa bình. Vẫn là những nụ cười nhưng không còn ngây dại trước xác con mình mà là nụ cười tươi rói hớn hở, vẫn là những tràng pháo tay đôm đốp trước một cuộc chiến giữa mẹ và con… và vẫn còn đấy những con người ra sức thét gào cho một cuộc chiến giữa người đã sinh và những người chưa kịp sinh ra.
Nay thì, cứ khoảng 6 giây thôi, lại có một bà mẹ vỗ tay reo mừng xác con trên bàn nạo phá thai. Giết được con mình, họ mừng lắm, họ hớn hở hãnh diện ra về, khác hẳn lúc đến, họ cúi gằm mặt xấu hổ vì sự hiện diện của đứa con trong bụng. Mà có khi họ còn được ban thưởng hậu hĩ nữa kia, được tiếng là yêu nước, được tiếng là người “hiện đại”, lại có thể tự cho rằng mình đã biết gìn giữ thanh danh, sỹ diện cho gia tộc. Thế thì họ không vỗ tay sao được ?!?
Nay thì, hàng triệu bà mẹ cùng với các bác sĩ, được sự ủng hộ tuyệt đối của pháp luật sẵn sàng đứng về phía sự chết để tuyên chiến với lương tâm, tuyên chiến với thai nhi và tuyên chiến với văn hóa Tình Yêu Sự Sống. Họ sẵn sàng kêu gọi sự tự do của nữ giới bằng hành động chấp nhận phá thai, họ luôn nêu cao tinh thần hiến thân cho… bao cao su, cho các loại dụng cụ tránh thai mà thực chất là phá thai thường trực được đặt giữa tử cung. Họ rất cần mẫn, chăm chỉ với những vỉ thuốc ngừa thai v.v… Họ cho rằng, sự hình thành thêm một con người nữa trong dạ chỉ mang lại những phiền toái rắc rối cho họ và cho xã hội mà thôi, vậy cứ việc trút cái “khối tình con” ấy ra càng sớm càng tốt, bằng bất cứ giá nào, cho nhẹ người, thì bảo sao họ lại chẳng vỗ tay reo mừng cơ chứ ?!?
Đó chỉ là một góc nhỏ mà “tôi đã thấy” như Trịnh Công Sơn đã hát. Tôi đã thấy trên quê hương tôi những Nghĩa Trang Anh Hài lạnh lẽo mọc khắp đó đây, tôi đã thấy những bịch nylon đen ngòm gói những thân xác bị cắt nát thành từng mảnh, tôi đã thấy những con người ngày đêm còn chờ chực đợi đến phiên mình bước vào phòng thủ thuật, tôi đã thấy những phố phá thai quảng cáo công khai, tôi đã thấy những gia đình đã tan nát bởi tội ác này, tôi đã thấy những lương y còn vênh váo sau khi bàn tay đã vấy máu người vô tội, tôi đã thấy những chương trình ủng hộ cho nạo phá thai… Tôi đã thấy và tôi đã thấy. Thấy những điều mà tôi không muốn thấy. Đấy, những bà mẹ vỗ tay reo mừng xác con, những bà mẹ reo mừng chiến tranh và nhưng con người hoan hỉ vỗ tay cho tăng thêm lòng thù hận.
Những điều tôi đã thấy hôm nay không thể để hát, dù nhạc sĩ họ Trịnh có vận dụng ngôn từ để mỉa mai mấy đi chăng nữa thì hôm nay ông ta cũng sẽ không thể viết rằng để hát trên những xác người. Chỉ lời hát thôi thì không thể cảnh tỉnh con người. Thật xót xa, thật phũ phàng cay đắng trước tội ác tày trời đang diễn ra từng giây trên quê hương này.
Trong khi chúng ta đang ngồi lặng im, thì ở ngoài kia. Những chương trình “Triệt sản có thưởng”, những kế hoạch, chỉ tiêu đang tăng sức ép lên nhiều tầng lớp, những bệnh viện, những nơi kế hoạch hóa gia đình đang quảng cáo rầm rộ. Đâu đó trong màn đêm, nhiều người trẻ vẫn như những con thiêu thân lao vào vũ trường, những tụ điểm ăn chơi trụy lạc để kết thúc cuộc đời bằng cái chết của thai nhi. Ở những bậc giáo dục các cấp, tiểu học thì bị nhồi nhét vào đầu con người từ khỉ mà ra, bào thai chỉ là một cục máu không hơn không kém, Cấp trung học thì hô hào bằng những khẩu hiệu “Hạn chế mức sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên là trách nhiệm của chúng ta” thật phản cảm đến mức vô giáo dục. bậc đại học thì hô hào những tư tưởng “giải phóng tình dục”, “thanh niên hiện đại là phải có bao cao su trong túi”…
Và trắng trợn hơn. Phi lý đến tột cùng, những thai nhi, những con người chưa bao giờ biết đến giao thông lại bị coi là thủ phạm trong việc ùn tắc giao thông. Đau xót hơn cả, có cả những hội nghị biểu dương các xứ đạo tiêu biểu nhiều năm liền không có người sinh con thứ ba trở lên. Ôi thế thì không biết đến bao giờ mẹ sẽ không còn hát, còn vỗ tay, còn hò reo trên xác con mình.
Cứ lặng im hoài, thì có lẽ chúng ta cứ nhìn nhưng chưa thấy. Xin hãy một lần nhìn lại bức tranh toàn cảnh của quê hương và cuộc sống xã hội hôm nay. Thấy cái nhìn của nét đẹp Văn Hóa Tình Thương, thấy cả cái nguy hiểm của Văn Hóa Sự Chết….
Trên xác những thai nhi mà chúng ta đã thấy, chúng ta không thể hát, mà chúng ta chỉ có thể sám hối, chỉ có thể cầu nguyện, chỉ có thể mời gọi những bàn tay đóng góp để ngăn chặn tội ác này.
Ai sẽ lên tiếng đồng hành với BVSS ? Ai sẽ lại mãi cứ lặng câm !
Đaminh PHAN VĂN DŨNG.
Theo Ephata số 501
CN 18.03.2012
CN 18.03.2012
0 bình luận:
Đăng nhận xét