Home » » Phá thai - tội ác đặc trưng của thời hiện đại

Phá thai - tội ác đặc trưng của thời hiện đại

Ngày nay, ý thức về tính nghiêm trọng của việc phá thai đang ngày càng lu mờ dần trong tâm thức và trong lương tâm của nhiều người. Thêm vào đó luật pháp nhiều nước còn cho phép hay hợp pháp hóa việc phá thai và coi đó như một quyền của công dân. Đó là một dấu hiệu đáng lo ngại về một cơn khủng hoảng trầm trọng trong lãnh vực luân lý khiến người ta không còn có khả năng phân biệt sự thiện và sự ác. Bối cảnh hiện nay còn trở nên đen tối và vô luân hơn nữa khi người ta càng ngày càng nhân danh quyền lợi của mình để tiến hành nhiều hình thức phá thai trên qui mô lớn. Từ xưa nhân loại tội lỗi đã biết đến tội giết trẻ con, kể cả những đứa con do chính mình sinh ra, để hiến tế quỉ thần hay vì một lý do nào đó. Đó là một tội ác hết sức man rợ. Ngày nay, nhân loại tự hào là văn minh, nhưng vẫn còn man rợ không kém khi tội phá thai càng ngày càng trở thành phổ biến, thậm chí nhiều nơi còn được luật pháp cho phép. Vì thế có thể coi phá thai là tội ác đặc trưng biểu lộ sự suy đồi của thế giới hiện nay. (1)

Dãy phòng nạo phá thai trên đường Giải Phóng - Hà Nội
(hình ảnh minh họa)

1. Khái niệm

Phá thai là tìm cách trục xuất phôi hoặc thai nhi còn non ra khỏi lòng mẹ, trước khi nó có khả năng sống sót ngoài tử cung người mẹ, tức là trước 28 tuần kể từ lúc thụ thai, và vì thế nó phải chết ; hoặc bằng cách giết chết bào thai trước khi lấy ra khỏi bụng mẹ. Nếu vì tự nhiên hay rủi ro mà thai bị chết và bị trục xuất ra ngoài ý muốn của người mẹ thì gọi là sẩy thai. Gọi là phá thai trực tiếp khi ta nhắm đến việc giết chết bào thai như mục tiêu của hành vi hay như phương tiện để đạt đến một mục tiêu nào đó, chẳng hạn như phá thai vì không muốn đứa con ấy ra đời hoặc vì để cứu vãn danh dự của người mẹ. Gọi là phá thai gián tiếp khi cái chết của bào thai không được nhắm tới như mục tiêu hay như phương tiện, nhưng chỉ là hậu quả đi kèm theo một điều ta trực tiếp nhắm đến, chẳng hạn như cắt bỏ tử cung bị bệnh ung thư của người mẹ đang mang thai và do đó bào thai phải chết.

Phá thai có phải là tội sát nhân không ?

- Các lập trường bênh vực việc phá thai

Nhiều lý thuyết biện minh cho việc phá thai chủ trương rằng thành quả của việc thụ thai ít ra là cho đến một số ngày nào đó chỉ là một tập hợp những tế bào, chưa thể được coi là một con người cá vị. Vì thế, phá thai trong thời gian đó không phải là tội sát nhân. Hơn nữa, trong những thập niên gần đây, dưới ảnh hưởng của phong trào tục hoá và giải phóng phụ nữ, bào thai chỉ được nhìn dưới khía cạnh thuần túy sinh học như một phần phụ thêm trong thân thể người phụ nữ và thuộc quyền sở hữu của người phụ nữ, chứ không được nhìn nhận như một nhân vị, chủ thể của những quyền lợi bất khả nhượng. Do đó, người phụ nữ có toàn quyền quyết định đối với bào thai.

Nhiều người muốn che giấu thực chất của tội phá thai và tính nghiêm trọng của nó trong dư luận quần chúng bằng cách sử dụng một thuật ngữ nhập nhằng: “sự ngừng có thai”. Thực ra việc tìm cách che giấu như thế đã bộc lộ một sự bất ổn trong lương tâm con người. Trước tình hình nghiêm trọng này nhân loại cần phải có can đảm nhìn thẳng vào sự thật và dám gọi điều thiện, điều ác bằng chính tên của chúng. Về vấn đề này, lời quở trách của ngôn sứ Isaia vang lên một cách dứt khoát:

«Khốn cho những ai gọi điều ác là thiện và điều thiện là ác, lấy tối tăm làm ánh sáng và ánh sáng làm tối tăm» (Is 5,20).

Ngoài ra, những người bênh vực việc phá thai thường đưa ra bốn hoàn cảnh để biện minh cho việc phá thai và họ gọi đó là những “chỉ dẫn”. Chỉ dẫn thứ nhất mang tính ưu sinh, theo đó người ta cho rằng được phép phá thai trong những trường hợp dự đoán khá chắc chắn đứa trẻ sinh ra sẽ bị những khuyết tật nghiêm trọng, như hội chứng down chẳng hạn. Chỉ dẫn thứ hai có tính đạo đức, như trường hợp mang thai do bị cưỡng hiếp, loạn luân, ngoại tình, hoặc do hành vi tính dục ngoài hôn nhân; người ta cho rằng trong những trường hợp như thế được phép phá thai để cứu vãn danh dự của người mẹ và của gia đình, hơn nữa trong trường hợp bị cưỡng hiếp đứa trẻ sinh ra ngược với ý muốn của người mẹ, nên khó lòng được mẹ yêu thương. Chỉ dẫn thứ ba có tính xã hội, theo đó nếu không phá thai thì đứa bé sinh ra sẽ trở thành gánh nặng quá lớn về mặt xã hội và kinh tế cho gia đình và cho người mẹ. Chỉ dẫn thứ tư có tính y học hay trị liệu: người ta cho rằng được phép trực tiếp phá thai nếu sức khoẻ của người mẹ bị lâm nguy vì bào thai ấy, vì trong trường hợp này bào thai được coi như một kẻ tấn công bất chính cần phải loại trừ.

- Giáo huấn Thánh Kinh

Thánh Kinh dường như không biết đến việc phá thai cố ý. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì đông con nhiều cháu vốn được người Israel coi như một phúc lành của Thiên Chúa, nhờ đó họ trở nên một dân tộc lớn và hùng mạnh. Các bản văn Thánh Kinh, mặc dù không minh nhiên đề cập đến vấn đề phá thai, nhưng đã nhiều lần biểu lộ sự kính trọng đối với hữu thể người còn trong dạ mẹ và do đó mặc nhiên nới rộng giới răn “chớ giết người” đến các thai nhi. Ngay từ trong dạ mẹ, Thiên Chúa đã nhìn thấy con người mà Người đã tác tạo. Người nhìn thấy nó khi nó mới chỉ là một phôi nhỏ chưa có hình dạng xác định và thấy trước nó sẽ như thế nào mai ngày, vì ngay từ thuở còn là bào thai, con người đã được Thiên Chúa ghi vào “sách sự sống” và những ngày giờ của nó đã được đếm: «Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự» (Tv 139,16). Cũng theo Thánh Kinh, ngay khi còn trong dạ mẹ, con người đã là đối tượng của tình yêu quan phòng và hiền phụ của Thiên Chúa (x. Gr 1,4-5; Is 46,3; G 10,8-12; Tv 22,10-11; 71,6). Trong thuật trình của Tin Mừng về cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Êlisabeth, tác giả Luca đã cho thấy hai bào thai trong dạ hai bà mẹ đã là những con người thực sự với địa vị riêng: sự hiện diện của bào thai Ngôi Hai Thiên Chúa vừa nhập thể trong lòng Đức Maria đã đem lại niềm vui và ơn cứu độ cho bào thai Gioan Tiền Hô đã được cưu mang sáu tháng trong lòng bà Êlisabeth, khiến Gioan Tiền Hô đã nhảy mừng, mặc dù còn nằm trong dạ mẹ.

- Lập trường của Giáo Hội

Giáo Hội luôn luôn coi phá thai là một tội giết người thực sự: «Ngay từ khi noãn thụ tinh, đã khởi đầu một sự sống vốn không phải là sự sống của người cha, cũng không phải là sự sống của người mẹ, nhưng là của một con người mới, phát triển cho chính mình. Nó sẽ không bao giờ thành người, nếu nó không là người ngay từ lúc ấy. [...] Khoa học di truyền hiện đại đem lại cho sự hiển nhiên thường ngày những xác định quí giá. Nó chứng tỏ rằng ngay từ khoảnh khắc đầu tiên này đã định hình chương trình của cái mà thực thể sống này sẽ là: một nhân vị, cái nhân vị cá thể ấy với những điểm đặc trưng của nó». (2)

Khi tuyên bố tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, Giáo Hội đã khẳng định: «Đức Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai... đã được gìn giữ khỏi mọi dấu vết nguyên tội». (3) Giáo Hội cũng dạy «trong mức độ có thể, phải rửa tội cho những thai nhi bị sẩy, nếu chúng còn sống». (4)

Điều đó muốn nói rằng thai nhi ngay từ lúc thụ thai đã là một con người cần phải được gìn giữ cũng như phải được cứu độ. Do đó, phải tôn trọng sự sống con người ngay từ khoảnh khắc đầu tiên trong cuộc hiện hữu của nó, một sự tôn trọng vô điều kiện phải có đối với một con người: «Con người phải được tôn trọng và đối xử như một ngôi vị ngay từ lúc thụ thai, và bởi vậy ngay từ lúc đó, người ta phải thừa nhận cho nó những quyền của ngôi vị, đứng đầu là quyền được sống, một quyền bất khả xâm phạm của mọi người vô tội». (5)

Đây là lập trường đã có từ những thời lỳ đầu tiên của truyền thống Giáo Hội. Quả thế, khi bắt đầu hiện diện trong thế giới Hy – La vốn coi việc phá thai và giết trẻ em sơ sinh là những chuyện thông thường, Kitô giáo đã coi những kẻ thực hành phá thai là những kẻ giết người thực sự và đã triệt để chống lại thói tục đang tràn lan này, bằng đạo lý và cách ăn ở của mình. (6) Tertulianô đã khẳng định: «Chỉ cần cản trở sinh ra thì đã là kẻ giết người rồi, người ta tước đoạt sự sống đã sinh ra hay người ta hủy diệt nó trong lúc nó sinh ra thì không có gì khác biệt nhau cả. Cái phải trở thành một con người thì đó là một con người rồi». (7)

Trong suốt hai ngàn năm qua Giáo Hội vẫn kiên trì giảng dạy như thế. Ngay cả những cuộc tranh luận khoa học và triết học về thời điểm chính xác của việc phú bẩm linh hồn cũng không bao giờ gây ra một do dự nhỏ nhất nào cho huấn quyền Giáo Hội trong việc kết án về mặt luân lý đối với việc phá thai. Giáo Hội quyết liệt chống lại phá thai cho dù bị nhiều người ngày nay cho là cố chấp, cổ hủ, phản tiến bộ, không tôn trọng quyền tự do của con người, không biết thông cảm với những khó khăn của các gia đình. Thực ra, Giáo Hội không hề độc đoán trong vấn đề này, bởi vì phá thai là một điều ác tự nó, chứ không phải vì Giáo Hội cấm đoán.

2. Nguyên tắc luân lý

Phá thai trực tiếp là cố ý giết người vô tội, do đó không bao giờ được phép vì bất cứ lý do gì, cho dù vì sợ mất danh dự cho bản thân và gia đình, vì sợ không có khả năng nuôi con, vì sợ bị chính quyền trừng phạt, hoặc để cứu sống người mẹ. Quả thế, nhiều lần người mẹ quyết định phá thai không phải vì những lý do thuần túy ích kỷ hay vì nhẹ dạ, nhưng vì muốn bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khoẻ hay mức sống thích hợp cho các thành viên trong gia đình; hoặc vì sợ đứa con sắp sinh ra gặp phải những điều kiện sống tồi tệ khiến người mẹ nghĩ rằng thà nó đừng sinh ra thì hơn. Tuy nhiên, những lý do này hay những lý do khác tương tự, dù nghiêm trọng đến đâu cũng không thể biện minh cho việc phá thai trực tiếp, vì đó là tội cố ý giết người vô tội. Tệ hại nhất là có kẻ nhân danh quyền tự do và hạnh phúc cá nhân để xem việc phá thai chỉ là một hình thức tự vệ chính đáng, chứ không phải là tội giết người đúng nghĩa. Nhưng đó chỉ là một sự ngụy biện, bởi vì thai nhi không bao giờ có thể bị coi như một kẻ tấn công bất chính, bởi vì nó yếu ớt, không biện pháp phòng vệ, đến mức không có được phương thế phòng vệ của kẻ nhỏ bé nhất, đó là tiếng kêu than khóc lóc của trẻ sơ sinh. Vì thế, phá thai phải đuợc coi là một tội giết người vô tội cách cố ý đáng tởm nhất.

Không bao giờ, dù ở trong trường hợp nào và với mục đích nào, một luật pháp nào trên thế giới có thể hợp pháp hóa một hành động vốn tự nó là không hợp pháp, bởi vì trái với luật tự nhiên được Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn con người, cũng như trái với luật thiết định của Thiên Chúa được truyền dạy trong Thánh Kinh. Nếu luật pháp của một quốc gia nào đó hợp pháp hóa việc phá thai, thì điều đó vẫn không có nghĩa là phá thai là điều được phép về phương diện luân lý. Người ta không thể xem một luật pháp cho phép phá thai là một luật pháp “tiến bộ”, nhưng chỉ là một sự “khoan nhượng” mà thôi.

Sự đánh giá luân lý về việc phá thai cũng phải được áp dụng cho những hình thức can thiệp trên các phôi người, mặc dù với mục đích tốt, nhưng các can thiệp ấy không thể tránh được việc giết chết các phôi.

Trước hết, đó là việc thí nghiệm trên các phôi ngày càng được thực hiện rộng rãi trong lãnh vực nghiên cứu y sinh học và được một số nhà nước chính thức chấp nhận. Không được phép sử dụng, khai thác những phôi người còn sống như những đồ vật thí nghiệm nhằm mục đích nghiên cứu khoa học ; càng không được phép sản xuất phôi bằng việc thụ tinh trong ống nghiệm cho mục đích thí nghiệm, hoặc để lấy mô hay lấy cơ phận đem ghép cho người khác nhằm chữa bệnh, vì như thế là xúc phạm đến phẩm giá con người vốn không thể bị sử dụng như “phương tiện” để phục vụ lợi ích của một người nào. Tuy nhiên, sẽ không xúc phạm phẩm giá con người nếu sử dụng các phôi thai bị sẩy và đã chết. Cũng không được can thiệp trên bộ nhiễm sắc thể hay trên gien di truyền không phải để trị liệu, nhưng để tạo ra những con người với những tính chất định sẵn, vì như thế là xúc phạm đến phẩm giá, sự toàn vẹn và căn tính duy nhất của con người. (8)

Thiết tưởng chúng ta cũng cần xác định rõ hơn về luân lý tính của việc thụ tinh trong ống nghiệm nhằm mục đích truyền sinh, trong trường hợp người phụ nữ không thể thụ thai cách bình thường. Đây là những kỹ thuật có vẻ phục vụ sự sống và là những thực hành nhằm đến mục tiêu này, nhưng trong thực tế nhiều lúc chúng mở ra những cách thức mới chống lại sự sống. Ngoài việc các kỹ thuật này không thể chấp nhận được về mặt luân lý bởi vì chúng tách rời sự truyền sinh thuộc lãnh vực hoàn toàn nhân bản khỏi hành vi vợ chồng, chúng còn có tỉ lệ thất bại cao, không những trong việc thụ tinh mà còn trong việc phát triển sau này của phôi, có nguy cơ tử vong trong thời gian thường là rất ngắn. Hơn nữa, vì xác suất thành công tương đối thấp nên đôi khi người ta sản xuất phôi với số lượng nhiều hơn nhu cầu để cấy vào tử cung của phụ nữ, và các “phôi dư” này sau đó phải bị loại bỏ hoặc được dùng cho những cuộc nghiên cứu dưới danh nghĩa vì sự tiến bộ khoa học hoặc y học. Thực ra, đây là những cuộc nghiên cứu biến sự sống con người thành một thứ “chất liệu sinh học” đơn giản mà người ta có thể tùy ý sử dụng một cách tự do.

Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Giáo Hội đã đồng thanh khẳng định rằng phá thai và giết trẻ sơ sinh là một tội ác. Đó là giáo lý bất biến không hề thay đổi của Giáo Hội. Việc trực tiếp phá thai dù được nhắm đến như mục đích hay như phương tiện đều vi phạm cách nghiêm trọng luật luân lý. (9)

Ai thực hành việc phá thai và kể cả những người cộng tác đều mắc lỗi nặng. Ngay từ những thế kỷ đầu, kỷ luật Giáo Hội đã trừng phạt nặng những người thực hiện việc phá thai và việc trừng phạt ấy đã được xác nhận qua những giai đoạn lịch sử khác nhau cho đến ngày nay. Ngay từ các công đồng Elvira (306), Ancira (313), Trullo (692), Giáo Hội đã ra vạ tuyệt thông cho những người thực hành phá thai và nếu những người này hối cải thì phải chịu những việc đền tội công khai và kéo dài mới được tha thứ. Theo Bộ Giáo luật mới 1983, ai thi hành việc phá thai có kết quả thì bị vạ tuyệt thông tiền kết do chính hành vi phạm tội chiếu theo những điều kiện đã được giáo luật dự liệu. Vạ tuyệt thông đánh vào tất cả những ai phạm tội ác này trong khi biết hình phạt họ sẽ chuốc lấy, kể cả những kẻ tòng phạm mà nếu không có họ thì việc thực hiện tội ác không thể xảy ra. Điều đó cho thấy tính cách nghiêm trọng của một hành vi lỗi phạm không thể sửa được đối với thai nhi hay trẻ em vô tội bị giết chết, cũng như đối với cha mẹ em và toàn xã hội. Người thực hành phá thai chỉ không bị mắc vạ hay được giảm nhẹ hình phạt nếu ở trong những điều kiện được giáo luật qui định ở điều 1323 và 1324 mà thôi. (10) Trong trường hợp nghi ngờ thì ta có thể cho là người ấy không phải mắc vạ, nhưng cha giải tội phải cho họ biết rằng phá thai là một tội nặng và có kèm theo vạ tuyệt thông, để họ khỏi tái phạm. Hơn nữa, để đền bù tội phá thai, cha giải tội nên mời gọi hối nhân thực hiện những công việc phục vụ sự sống.

Trước sự nhất trí của truyền thống đạo lý và kỷ luật Giáo Hội, cũng như để đối phó với tình hình phá thai tràn lan trong thế giới hiện nay, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã long trọng tuyên bố: «Với uy quyền Chúa Kitô đã trao cho Phêrô và các đấng kế vị, trong sự hiệp thông với các Giám mục [...], tôi tuyên bố rằng việc phá thai trực tiếp, nghĩa là được muốn như mục đích hay như phương thế, luôn luôn là một thác loạn luân lý nghiêm trọng xét như là sự cố ý giết chết một con người vô tội. Đạo lý này dựa trên cơ sở lề luật tự nhiên và Lời của Thiên Chúa đã được viết ra, được truyền thống Giáo Hội truyền lại và quyền giáo huấn thông thường và phổ quát giảng dạy». (11)

Những người phạm tội phá thai trước hết là người mẹ. Thai nhi yếu ớt hoàn toàn được giao phó cho sự bảo vệ và chăm sóc của người mang nó trong dạ. Ấy thế mà chính người ấy lại quyết định và yêu cầu giết chết nó. Khi chủ động phá thai, người mẹ đã đánh mất tình mẫu tử là cái gì cao quí nhất của người mẹ, để trở thành một kẻ ích kỷ, vì không biết hy sinh chính mình cho con cái, mà chỉ tìm kiếm chính mình bất chấp quyền lợi của con cái. Bên cạnh người mẹ, phải kể đến người cha, không phải chỉ khi ông trực tiếp thúc đẩy người phụ nữ phá thai, mà ngay cả khi ông gián tiếp hỗ trợ quyết định của bà, vì ông để bà cô độc một mình trước những vấn đề do việc mang thai đặt ra. (12) Ngoài ra, còn phải kể đến trách nhiệm của những người khác trong gia đình và bạn bè, những người đã bằng cách này hay cách khác tạo ra một áp lực tâm lý mạnh đến nỗi khiến người phụ nữ phải đi đến quyết định phá thai.

Các bác sĩ và nhân viên y tế cũng chịu trách nhiệm khi thực hiện phá thai theo yêu cầu của người mang thai, điều này hoàn toàn ngược với nhiệm vụ, sứ mệnh và khả năng chuyên môn của họ là để phục vụ và thăng tiến sự sống. «Theo quan điểm luân lý, không bao giờ được minh nhiên cộng tác vào việc xấu; sẽ có sự cộng tác như thế khi hành động được thực hiện kia, hoặc do chính bản thân nó, hoặc dó tính chất nó mang lấy trong một bối cảnh cụ thể, đã nổi bật như là một sự tham gia vào hành vi chống lại sự sống con người vô tội, hay như một sự đồng tình với ý định vô luân của tác nhân chính». (13)

Khi vì nhiệm vụ mà các y tá phải giúp các bác sĩ thực hiện phá thai, nhưng không tán thành hành vi và ý đồ xấu của bác sĩ, thì các y tá chỉ cộng tác về mặt chất thể với một số điều kiện như sau. Trước hết, nếu có thể từ chối thì hãy từ chối. Nếu xét thấy không thể từ chối được, nhưng vẫn có thể nói lên sự bất đồng ý kiến của mình mà không bị thiệt hại gì, thì cứ nói. Còn nếu thấy trước hay dựa vào kinh nghiệm quá khứ mà suy đoán rằng sự từ chối của mình chẳng những vô ích mà còn đem lại những bất lợi nghiêm trọng cho mình, thì được phép cộng tác cách chất thể hoặc miễn cưỡng và bày tỏ sự bất đồng của mình bằng cách khác. Tuy nhiên, các y tá không nên vội cho rằng sự từ chối của mình sẽ không được tôn trọng. Những bất lợi nghiêm trọng có thể là bị mất việc và không có hy vọng kiếm được việc khác, hoặc nếu thấy rằng nếu mình còn tiếp tục làm việc thì sẽ có thể làm được nhiều việc thiện cho kẻ khác, như mời linh mục cho các bệnh nhân, giúp người hấp hối hòa giải với Chúa, rửa tội cho các trẻ em sơ sinh sắp chết, v.v. Nếu các điều kiện vừa kể không có hay nếu bị yêu cầu cộng tác như thế quá thường xuyên, thì các y tá có bổn phận rút khỏi bệnh viện đó và đi tìm việc ở một bệnh viện khác. Những điều vừa nói trên đây cũng áp dụng trong những trường hợp giải phẫu bất hợp pháp khác.

Các nhà lập pháp cũng phải chịu trách nhiệm khi xúc tiến và phê chuẩn các đạo luật ủng hộ phá thai, viện lý do tôn trọng quyền tự do của người dân và những nguyên tắc dân chủ. Nếu chính quyền cho phép phá thai theo sự đòi hỏi của một số người tức là vi phạm quyền sống của những người yếu kém nhất, như thế là phủ nhận nguyên tắc dân chủ vì đã phủ nhận sự bình đẳng của mọi người trước pháp luật, bởi vì ngay từ lúc thụ thai, thai nhi phải được đối xử như một nhân vị, tức là một chủ thể có những quyền bất khả xâm phạm. Cuối cùng, người ta cũng không thể đánh giá thấp trách nhiệm của mạng lưới tòng phạm đang liên kết các cơ quan quốc tế, các tổ chức tư nhân và những hiệp hội đấu tranh cho việc hợp pháp hóa và phổ biến sự phá thai trên khắp thế giới, tạo nên một cơ cấu tội lỗi chống lại sự sống của con người chưa sinh ra.

Tuy nhiên, khi có lý do tương xứng thì được phép phá thai gián tiếp. Để cứu sống người mẹ, nhiều lúc người ta buộc lòng phải thực hiện một cuộc giải phẫu khẩn cấp hay một biện pháp chữa trị dẫn đến kết quả phụ ngoài ý muốn là cái chết của bào thai, chẳng hạn cắt bỏ tử cung bị ung thư và như thế gián tiếp làm cho thai nhi bị chết, hoặc uống thuốc để chữa bệnh hiểm nghèo, nhưng thuốc ấy lại dẫn đến việc trụy thai. Cũng vậy, trong trường hợp mang thai ngoài tử cung, nếu chỗ mang thai đó bị một ung bướu nguy hiểm, người ta có thể cắt ung bướu ấy và gián tiếp làm cho bào thai bị chết. Những biện pháp như thế có thể chấp nhận được, vì không trực tiếp giết chết bào thai, nếu thực sự không còn cách nào khác. Nên lưu ý rằng những biện pháp ấy chỉ được phép nếu người ta áp dụng nó để chữa bệnh khẩn cấp. Do đó, không được phép cắt bỏ bào thai chỉ vì nó nằm ngoài tử cung, nhưng không gây một bệnh khẩn cấp nào, bởi vì có nhiều trường hợp tương tự người ta vẫn có thể cứu sống được đứa bé.

Khi có lý do chính đáng, được phép làm cho thai nhi ra đời sớm hơn, mặc dù biết rằng như thế thai nhi có thể ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Người ta có thể khám thai để chữa trị cho thai nhi hay phôi thai, nhưng phải cố gắng hết sức để tránh những nguy cơ có thể xảy ra cho phôi hoặc thai do việc khám thai. Không được khám thai để căn cứ vào đó mà phá thai, như trong trường hợp khám thai để giết chết vì lý do ưu sinh. (14) Được phép can thiệp trên phôi thai với điều kiện phải tôn trọng sự sống, sự toàn vẹn thân thể, không gây những rủi ro không cân xứng cho phôi thai, và chỉ nhằm mục đích chữa trị hoặc cứu sống phôi thai.

Khi không thể tránh hay bãi bỏ hoàn toàn luật cho phép phá thai đang hiện hành trong một nước, thì một đại biểu quốc hội vốn có lập trường chống phá thai mà ai cũng biết, vẫn có thể góp phần ủng hộ những kiến nghị có ý giới hạn những hậu quả tiêu cực của luật ấy. Khi làm như thế, không có nghĩa là ông ủng hộ một luật cho phép phá thai hạn chế, nhưng là góp phần vào việc hạn chế khoản luật tai ác kia trong mức độ có thể được.


Lm. Matthêu Nguyễn Văn Khôi

------
Chú thích:

(1) Về việc phá thai, xem THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Tuyên ngôn về việc phá thai cố ý (18-11-1974); Giáo lý Hội Thánh công giáo, số 2270-2275; GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Tin Mừng về sự sống Evangelium vitae (30- 3-1995), số 58-63.73; B. HÄRING, La loi du Christ. Théologie morale à l’intention des prêtres et des laïcs, III: Théologie morale spéciale. La vie en communion fraternelle, Desclée & Cie., Tournai (Belgium) 1959, tr. 365- 372; G. DAVANZO, “Aborto”, trong L. ROSSI – A. VALSECCHI (chủ biên), Dizionario enciclopedico di Teologia morale, Edizioni Paoline, 1976, tr. 13-19; T. REY-MERMET, Croire, IV: Pour une découverte de la morale, Droguet & Ardant / Iris Diffusion, Montréal / Québec 1985, tr. 271-282; J.M. AUBERT, Abrégé de la morale catholique. La foi vécue, Desclée, Paris 1987, tr. 288-292 ; K.H. PESCHKE, Christian Ethics. Moral Theology in the Light of Vatican II, II: Special Moral Theology, C. Goodliffe Neale, Alcester 1993, tr. 314-333; M. VIDAL, Manuale di etica teologica, II/1: Morale della persona e bioetica teologica, Cittadella Editrice, Assisi 1995, tr. 424-459.

(2) THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Tuyên ngôn về việc phá thai cố ý (18-11-1974), số 12-13.

(3) DENZINGER 2803.

(4) Bộ Giáo luật 1983, điều 871.

(5) THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Huấn thị Donum vitae, I, số 1.

(6) Xem Điđakhê, II, 2; V,2. Thực ra, tại Hy-lạp những thầy thuốc nào trung thành với lời thề Hippocrate thì không dám thực hiện việc phá thai, tuy nhiên người ta vẫn thường chứng kiến nhiều trường hợp phá thai. Tại Rôma và Hy-lạp cũng có hình phạt dành cho việc phá thai, nhưng không phải vì phá thai là một tội ác phạm đến sự sống con người, cho bằng phạm đến quyền lợi của người chồng trên người vợ và trên con cái, vì con cái được coi như một tài sản của người chồng: xem T. REY-MERMET, Croire, IV, sđd., tr. 272. Giáo huấn của Giáo Hội về việc nghiêm cấm phá thai với những lời lẽ quyết liệt cho thấy rằng thói xấu này đang trở thành phổ biến nơi dân ngoại.

(7) TERTULIANÔ, Apologia, X,8.

(8) Xem THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Huấn thị Donum vitae, I,2.3.5.6.

(9) Xem PIÔ XI, Diễn văn trước Liên hiệp y sinh học “thánh Luca” (12-11-

1944), VI; Diễn văn trước Liên hiệp công giáo Italia các bà hộ sinh (29-10-1951), II.

(10) Xem Bộ Giáo luật 1983, điều 1314, 1323-1324, 1398.

(11) GIOAN PHAOLÔ II, Evangelium vitae, số 62.

(12) Xem GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn về phẩm giá phụ nữ (15-08-1988), số 14.

(13) GIOAN PHAOLÔ II, Evangelium vitae, số 74.

(14) Về luân lý tính của việc khám thai, xem GIOAN PHAOLÔ II, Diễn văn trước các tham dự viên Đại hội “Phong trào vì sự sống” (03-12-1982), trong Insegnamenti di Giovanni Paolo II, V/3 (1982), tr. 1512; THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Donum vitae, I,2.

theo ghphuyen.com

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét