Home » , » Về đi - nàng Vọng Phu

Về đi - nàng Vọng Phu

Lòng chung thủy trở thành nhảm nhí
Trước thiêng liêng số phận một con người.
Về đi em
Mọi hy vọng qua rồi
Người ra đi không thể về được nữa
Về đi em
Trời quê mình vốn nhiều giông gió
Em và con mỏng manh chống trả thế nào



Về đi em
Người đời yêu nhau người ta chờ nhau
Dẫu là đá
Dẫu không còn là đá
Nhưng con em trên tay em đang đói lả
Em hóa đá vì chồng, con hóa đá vì ai
Em hóa đá
Vì chồng
Con
Hóa
Đá
Ai….! 

BÙI HOÀNG TÁM


Báo www.dantri.com vừa khởi đăng bài thơ trên và giật cho nó hàng tít: “LÒNG CHUNG THỦY ĐÃ TRỞ THÀNH TỘI ÁC”, lại chốt vấn đề bằng một câu hỏi cho độc giả: Bạn có đồng tình với nhà thơ không ?

Chỉ trong có hơn một ngày mà đã có tới tấp gần 200 ý kiến phản hồi của độc giả khiến đề tài trở thành một cuộc tranh luận rất sôi nổi hào hứng. Khác với câu chuyện muốn viết lại đoạn kết cổ tích Tấm Cám trước đây đã từng ầm ĩ trên mặt báo, bài thơ như có một mối liên hệ nào đó với việc Bảo Vệ Sự Sống, một vấn đề mà cả xã hội, nếu còn có chút lương tri, phải kinh sợ giật mình vì sinh mạng con người đã trở thành một thứ hàng hóa rẻ bèo đến độ bị chà đạp và xâm phạm bất cứ lúc nào ở bất cứ nơi đâu.

Có điều cần nói ngay, với một hệ thống báo mạng chính thống như dantri.com, tôi không đồng tình với cách giật tít bài báo như trên, cho dù đó có thể là chiêu câu khách. Trong văn hóa Việt Nam, lòng chung thủy, đặc biệt của người phụ nữ là một vấn đề thiêng liêng bất khả xâm phạm, là một trong những đức tính làm nên hình ảnh cao quý của người phụ nữ Á Đông, là một phạm trù đạo đức không bao giờ lỗi thời hay sai trái. Giật một hàng tít như vậy chẳng khác nào bôi nhọ và làm hạ thấp hình ảnh người phụ nữ. Nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay, nửa Tây, nửa Ta, nạc nạc mỡ mỡ, giá trị gia đình, giá trị con người đã và đang trở thành một món đồ cổ hủ. Đọc hàng tít trên sao thấy nó mỉa mai, lại rất dễ gây ngộ nhận cho nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ sẽ nghĩ rằng: Sự chung thủy chỉ là một trò nhố nhăng trong cuộc sống, không cần phải gìn giữ trong tình cảm và đời sống hôn nhân gia đình !?!

Hòn Vọng Phu

Một phiến đá có hình tượng người phụ nữ ôm con mòn mỏi chờ chồng tại Đồng Đăng xứ Lạng, phải nói rằng đây quả là một tác phẩm tuyệt vời của thiên nhiên ban tặng cho con người từ nhiều ngàn năm, phiến đá đứng đó như nhắc nhở con người một tấm lòng son trung kiên của người phụ nữ thờ chồng, mãi với thời gian lặng lẽ hướng ra biển cả chờ đón người thân thương trở về. 


Hãy nghĩ mà xem, với một khối đá có hình thù như thế, chỉ có những tâm hồn luôn tôn thờ cái đẹp, tôn thờ sự thủy chung và một tâm hồn nhân ái, cha ôg ta đã cho ra đời một truyền thuyết đầy tính nhân văn, lãng mạn. Tác giả dân gian đã không kém phần khéo léo khi lồng vào đó cả một mối tình đầy oan trái giữa hai anh em: chàng Tô Văn và nàng Tô Thị. Mục đích cuối cùng của câu truyện là đề cao cái đẹp và giáo dục các thế hệ con cháu. Còn gì ấm cúng và hạnh phúc hơn, còn có cách giáo dục nào tuyệt vời hơn, khi bên bếp lửa hồng, giữa đêm đông lạnh giá, con cháu quây quần lắng nghe tiếng ông bà kể chuyện về lòng chung thủy qua minh chứng sống động ngàn năm…

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có Nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh…”

Trong truyền thuyết Hòn Vọng Phu, cái mà cha ông muốn để lại cho chúng ta như một bài học, không chỉ là sự thủy chung mà còn những giá trị đáng quý khác.

Trước tiên, chàng Tô Văn khi ném vỡ đầu em gái, một tai nạn trong cuộc vui trẻ thơ, thật đáng tiếc, chàng đã thiếu chín chắn khi giải quyết nó bằng cách trốn chạy khỏi thực tế, bất kể cái sống, cái chết của em mình. đó là một khởi đầu cho những chuỗi tai họa sau đó. Ngày tháng qua đi nhưng sai lầm đã phải trả giá. Cuộc sống bình yên bị phá vỡ khi vết sẹo trên đầu ngày xưa ấy khiến Tô Văn khám phá ra người vợ yêu quý bây giờ lại là chính cô em ruột Tô Thị của mình. Nỗi ám ảnh loạn luân đã khiến chàng bước tiếp một sai lầm khác, bỏ tất cả, ra đi biền biệt, không hẹn ngày trở lại, mặc con thơ vợ dại không người bảo vệ nuôi nấng.

Ở đây, chúng ta lại có thêm một bài học về tội loạn luân, điều mà hiện nay chúng ta thấy nhiều người phạm phải, thậm chí đến mức trầm trọng ghê sợ như bố hiếp con, thầy hiếp trò… Đỉnh điểm trong truyền thuyết tưởng như đã đạt đến mức cao trào lại được đẩy cao hơn nữa khi nhan sắc tuyệt đẹp của nàng Tô Thị đã bị dòm ngó bởi những tên cường hào ác bá, lắm tiền, lắm quyền, tượng trưng cho thế lực của bóng tối và tội ác. Bọn người lòng lang dạ thú này muốn ép nàng phải bỏ đi lòng chung thủy, bỏ đi tính thiện, bỏ đi nét đẹp tâm hồn của người con gái Á Đông bằng hành động bội tình.

Đứng trước cơn cuồng phong của cuộc đời, mang theo da diết nhớ mong chồng hiền, nàng đành ôm con lên núi để trốn chạy cái đê tiện của con người. Tấm lòng son sắt thủy chung ấy đã thấu đến trời xanh. Bằng giông bão sấm chớp xé ngang bầu trời trong một đêm giông tố, đất trời đã hóa thân cho mẹ con nàng thành đá.

Sự hóa đá của nàng, theo tôi, không phải là hiện thân của cái chết, mà là hiện thân của Sự Sống vĩnh cửu. Chính đất trời cảm động trước tấm chân tình, đã cho nàng phương cách tối ưu và vĩnh cửu, chắc chắn nhất để bảo vệ lòng chung thủy, bảo vệ con thơ thoát khỏi nanh vuốt cuộc đời. Hay nói cách khác, đó là bảo vệ mẹ con nàng thoát khỏi bóng tối của tội lỗi.

Tuyền thuyết về Hòn Vọng Phu quá tuyệt vời bởi tấm lòng cha ông ta quá tuyệt vời, có còn chi mà phải thay đổi đoạn kết của truyền thuyết này, chỉ là cách nhìn, cách chúng ta học hỏi và nghiệm sinh thế nào với những bài học vô giá của tiền nhân. Sao ta cứ phải nghĩ nàng Tô Thị hóa đá là chết đi. Nghĩ như thế làm sao chúng ta có thể lý giải cho những trường hợp khác, ví như những con người dám chấp nhận hy sinh mạng sống để gìn giữ một chân lý, nghĩ như thế quả là ích kỷ. Không, chúng ta phải khẳng định: nàng Tô Thị đang sống, Nàng vẫn sống đấy chứ.

Nếu chúng ta nhìn nhận sự việc như vậy, có cần gì phải đến “Em về đi – Hòn Vọng Phu” của nhà thơ Bùi Hoàng Tám, còn cần gì đến hàng trăm phản biện tranh cãi vấn đề này, rằng đồng tình hay phản đối, còn cần chi đến chuyện trăn trở tại sao lòng chung thủy lại thành tội ác một cách vô nghĩa và phản giáo dục một cách khó nhai.

Nhưng, thật tiếc, Nàng, Hòn Vọng Phu nay đã “chết” thật rồi, không phải cái chết từ truyền thuyết, mà là chết vì bọn… sơn tặc phá núi, lấy đá khai thác làm ximăng. Cách đây ít năm, Hòn Vọng Phu đã sập vỡ tan tác mất rồi, tiền và sự vô cảm đã biến phiến đá huyền thoại xưa mất hút vào trong dĩ vãng, thay vào đó là một Hòn Vọng Phu khác được đúc bằng bêtông vô hồn, giả tạo.

Chỉ hành động này thôi, cũng chứng tỏ cho ta thấy giá trị của lòng chung thủy đã bị con người ngày nay đối xử thế nào. Đây mới chính thật là một tội ác với môi trường thiên nhiên, tội ác với quê hương và dân tộc. Đây là cách hành xử thô bạo với giá trị truyền thống văn hóa dân gian hàng ngàn năm của đất nước. Cái bản chất của những tên cường hào ác bá ngày xưa nay vẫn tồn tại, nó giết chết mẹ con nàng Tô Thị một cách thô bạo, không còn chút nhân tính.

Tiếc đến ngẩn ngơ cả tâm hồn về một câu truyện cổ tích như tiếc giá trị thủy chung của con người đã ngày ngày mai một.

Như trên đã nói, Truyền thuyết Hòn Vọng Phu và bài thơ của Bùi Hoàng Tám có cái gì đó rất gần gũi với việc nỗ lực Bảo Vệ Sự Sống, một mối liên hệ mà riêng tôi cảm nhận được một điều rất đáng trân trọng. Nàng Tô Thị hóa đá để sống trường tồn, Bùi Hoàng Tám đề cao sự sống của đứa con thơ tội nghiệp: “Em hóa đá vì chồng, con hóa đá vì ai”. Một lời kêu thống thiết trong lương tâm của người chồng đối với sinh mạng của vợ và con. Một lời kêu than có thể nói rất cao thượng. Chàng chấp nhận đau khổ, thậm chí chấp nhận sự phản bội chỉ vì muốn vợ con được sống. Tôn trọng quyền được sống hơn tất cả.

Thế nhưng, có biện minh thế nào đi nữa thì chàng Tô Văn của truyền thuyết vẫn mang bóng dáng của một người chồng chưa làm đúng bổn phận với vợ mình, một người cha chưa tận tâm bảo vệ đứa con thơ của mình. Thế nên, chuyện đời vẫn dị nghị, nhầm lẫn, tranh cãi cho mãi đến bây giờ.

Chàng Tô Văn trốn chạy trước mặc cảm tội lỗi, dù cho đó là vô tình mà tạo thành nghiệp chướng đáng thương, nhưng hiện nay vẫn đang có hàng ngàn anh chàng Tô Văn khác quất ngựa truy phong, bỏ mặc người yêu với cái thai trong bụng.

Còn nàng Tô Thị thì chấp nhận hy sinh, chấp nhận bỏ đi vinh hoa phú quý để giữ gìn lòng chung thủy với chồng, với con. Nhưng hiện nay, nhiều nàng Tô thị chỉ vì chút lương tiền bèo bọt, vì chút nhan sắc vẩn vơ đã đành đoạn giết con ngay khi thai nhi vừa tượng hình trong bụng… Thật đáng buồn, đáng hổ thẹn, giá như phiến đá Vọng Phu vẫn tồn tại thật sự, để cho các chàng Tô Văn, các nàng Tô Thị hiện đại ngày nay nhìn vào mà ngẫm nghĩ, sám hối ăn năn.

Vẫn với tinh thần Bảo Vệ Sự Sống, may thay, chúng ta lại có một câu chuyện khác, có thật 100%, hay hơn, éo le và ly kỳ hơn rất nhiều và đoạn kết của câu chuyện đã trở thành một mẫu gương cho nhân loại về việc Bảo Vệ Sự Sống, bảo vệ gia đình. Giáng Sinh sắp đến rồi, và có còn ai trên thế gian này lại không biết đến câu chuyện của gia đình chàng thợ mộc miền Nazareth. Gia đình Bố Giuse, Mẹ Maria và Hài Đồng Giêsu.

Có ai lại không biết đến chuyện tình éo le của chàng Giuse và cô trinh nữ Maria, có ai lại chẳng biết đến bào thai trong bụng cô Maria không phải bởi “tác giả” là anh Giuse, nhưng anh lại can đảm đem hết sinh mạng mình để bảo vệ cho mẹ con cô ấy ? Có ai trong nghịch cảnh bần hàn đến nỗi phải sinh con trong gian chuồng bò lừa giữa giá lạnh đêm đông và vô cảm của lòng người? Có ai lại không thể hình dung ra được những hiểm nguy và vô vàn khó khăn khi lưu vong xứ lạ quê người, trốn tránh sự truy sát của kẻ quyền lực tàn ác nhất mang tên bạo chúa Herode ? Có ai lại chẳng biết đến lời tiên đoán về tương lai đầy bất trắc của cụ già Simeon trước mặt bà mẹ Maria vừa sinh con thơ bé rằng: “Một lưỡi dao sắc thâu qua lòng bà” ? Ấy vậy mà chàng Giuse không trốn chạy, ấy vậy mà cô Maria không hóa đá. Chỉ có một lý do duy nhất để Thánh Gia vượt qua tất cả những việc ấy chính là Tình Yêu, một Tình Yêu dám hiến cả mạng sống mình vì người mình yêu…

Đaminh PHAN VĂN DŨNG, Mùa Vọng 2011


Theo bvss.org

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét