Home » » Bảo vệ sự sống

Bảo vệ sự sống

Ephata xin trích ra nguyên văn một phần trong tác phẩm “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” của Đức cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II có đề cập đến vấn đề BẢO VỆ SỰ SỐNG CON NGƯỜI. Thật ra vấn đề này đã từng được Giáo Hội tuyên bố ngay từ Thông Điệp về Sự Sống Con Người (Humanae Vitae) của Đức Phao-lô VI, cũng như từ Thông Điệp về Tin Mừng Sự Sống (Evangelium Vitae) của chính Đức Gio-an Phao-lô II. Và chắc chắn đây chính là lập trường dứt khoát của Giáo Hội về vấn đề Ngừa Thai và Phá Thai...
*
*     *

“Nổi bật nhất trong các quyền con người đang”gây khó chịu” mà cha đã đề cập ở trên, rõ ràng là quyền được sống; vì quyền sống này phải được bảo vệ ngay từ lúc mới thụ thai. Đó là đề tài thường được nêu lên trong giáo huấn của cha với tất cả khía cạnh bi thảm của vấn đề. Cha không ngừng lên án mọi hình thức nhằm hợp pháp hóa việc phá thai. Thế nhưng, một số dư luận trong giới chính trị cũng như văn hóa lại cho rằng cha đang bị vấn đề này “ám ảnh”. Theo họ, những nhà “nhân bản chân chính” là những người chủ trương ngăn chặn việc mang thai một cách tự nguyện, an toàn và hợp pháp.

Đối với con người, quyền căn bản nhất chính là quyền được sống ! Ấy thế mà một bộ phận trong nền văn hóa ngày nay đã muốn chối bỏ cái quyền căn bản cần được bảo vệ này, và cho đó là một thứ quyền “gây phiền phức”. Thế nhưng, không có một thứ quyền nào khác trực tiếp chi phối sự sinh tồn của một nhân vị cho bằng quyền sống ! Quyền sống bao gồm quyền được sinh ra và được sống cho đến khi chết một cách tự nhiên: “Bao giờ tôi còn sống tôi còn có quyền được sống”.

Vấn đề sự sống của một thai nhi chưa chào đời là một vấn đề đặc biệt tế nhị. Nhưng giải đáp cho vấn đề lại quá rõ ràng ! Hợp pháp hóa việc chặn đứng sự mang thai không có gì khác hơn là cho phép người lớn, với sự bảo đảm của luật pháp, cướp đi mạng sống của một hài nhi chưa chào đời và đang cần được bảo vệ. Liệu còn có một bản án tử nào bất công hơn chăng ? Bảo vệ quyền sống của một sinh mạng vô tội và không có khả năng tự vệ là mệnh lệnh căn bản của một lương tri ngay thẳng. Như thế mà gọi đó là “nỗi ám ảnh” của ông Giáo Hoàng sao ?

Người ta thường nhân danh quyền tự do lựa chọn của người phụ nữ đối với sinh mạng mà họ đang cưu mang. Người phụ nữ phải có quyền lựa chọn giữa việc cho phép hài nhi chào đời hay cướp đi sinh mạng của thai nhi. Mọi người đều nhận thấy đây chỉ là một sự ngụy trang dưới danh từ “lựa chọn” ! Làm sao có thể nói đến sự tự do lựa chọn, khi một trong những điều lựa chọn ấy là một tội ác vi phạm luân thường, vi phạm giới răn “chớ giết người” một cách không thể chối cãi ?

Giới răn này có cho phép một sự miễn trừ nào không ? Câu trả lời dứt khoát là “Không”. Giả thuyết về một sự tự vệ chính đáng không bao giờ được nêu lên nhằm chống lại kẻ vô tội, nhưng chỉ được nêu ra để chống lại kẻ tấn công vô cớ mà thôi. Hơn nữa, sự tự vệ chính đáng cũng phải tôn trọng điều mà các nhà luân lý gọi là nguyên tắc tự vệ vô tội (principium inculpatae tutelae): Gọi là chính đáng, khi sự tự vệ được thực hiện bằng một phương cách ít gây thiệt hại nhất nếu có thể, chủ yếu là tránh gây tử thương cho kẻ tấn công.

Đây không phải là trường hợp của một hài nhi chưa chào đời. Một hài nhi trong bụng mẹ không bao giờ là một kẻ tấn công bất chính ! Thai nhi chỉ là một sinh mạng không có khả năng tự vệ, đang chờ đợi được đón nhận và che chở.

Trong lãnh vực này, chúng ta đang chứng kiến những thảm kịch thật sự của con người. Thường khi người phụ nữ là nạn nhân của lòng ích kỷ của nam giới. Người đàn ông đã góp phần vào sự hình thành một sinh mạng mới, lại không muốn lãnh nhận trách nhiệm, xem như thể chỉ có người phụ nữ là “kẻ lỗi lầm”. Vào lúc người phụ nữ cần đến sự nâng đỡ nhất, thì người đàn ông lại tỏ ra là kẻ ích kỷ bất chấp đạo lý. Họ lợi dụng tình cảm và sự yếu đuối của người phụ nữ, nhưng rồi lại ohủi bỏ mọi trách nhiệm về hành động mình đã làm. Đó là những thảm kịch được ghi nhận, không những tại Tòa Giải Tội, mà còn tại các tòa án trên toàn thế giới, kể cả các tòa án thiếu nhi, như thường xảy ra ngày nay.

Vì thế, cần phải cương quyết gạt bỏ cái tiêu đề “ủng hộ sự lựa chọn” (pro-choice) và can đảm công bố lập trường “ủng hộ phụ nữ” (pro-woman), có nghĩa là một sự lựa chọn thay vì quyền lợi của người phụ nữ. Thật vậy, chính người phụ nữ là kẻ phải trả giá đắt khi can đảm duy trì mạng sống của đứa con mình. Nhưng có lẽ họ còn phải trả giá đắt hơn, nếu họ quyết định cắt đứt sự sống của đứa con mà mình đang cưu mang.

Thái độ khả thi duy nhất trong trường hợp này là tình tương trợ yêu thương đối với những người phụ nữ mang thai. Chúng ta không được phép để họ đơn độc. Kinh nghiệm của nhiều nhà cố vấn cho thấy rằng tự thâm tâm, người phụ nữ thường không muốn hủy diệt mạng sống của hài nhi mà họ đang cưu mang. Nếu họ được khuyến khích trong tình cảm tự nhiên này, đồng thời được giúp đỡ thoát khỏi những áp lực của môi trường sống khắc nghiệt, thì họ thường tỏ ra can đảm chấp nhận hoàn cảnh. Đó là điều mà các nhà cố vấn và nhất là các người phụ trách những trung tâm đón tiếp các bà mẹ độc thân đã khẳng định.

Xem ra xã hội ngày càng có thái độ trưởng thành hơn trong chiều hướng này, dù cho những kẻ tự xưng là “ân nhân của nhân loại” đang hô hào giúp đỡ phụ nữ thoát khỏi những ràng buộc của thiên chức làm mẹ.

Ở đây, chúng ta đang đối diện với một lãnh vực vô cùng tế nhị, trên quan điểm nhân quyền cũng như trên quan điểm luân lý và mục vụ. Tất cả các khía cảnh này đều liên hệ mật thiết với nhau. Vì thế, cha luôn xác định các nguyên tắc này trong cuộc sống, cũng như trong khi thi hành sứ vụ của cha như một Linh Mục, một Giám Mục Giáo Phận, và sau cùng như kẻ kế vị Thánh Phê-rô, với tất cả trách nhiệm mà chức vụ đòi hỏi.

Cha cần phải nhắc lại: Cha minh nhiên bác bỏ tất cả những luận điệu cáo buộc hay nghi ngờ rằng Giáo Hoàng đang bị vấn đề này “ám ảnh” một cách nào đó. Đây là một vấn đề vô cùng hệ trọng, đòi hỏi chúng ta phải có tinh thần trách nhiệm và sự cảnh giác cao độ. Trong lãnh vực này, chúng ta không thể giải quyết một cách tùy tiện, bởi vì làm như thế, sẽ đưa đến sự dẫm đạp lên nhân quyền, đưa đến sự chối bỏ không những các giá trị căn bản của đời sống từng cá nhân hay gia đình, mà còn cả những giá trị xã hội nữa. Phải chăng vì chính sự thật khốc liệt này mà xã hội chúng ta được mô tả như là một “nền văn minh chết chóc” ?

Dĩ nhiên, đối kháng lại “nền văn minh chết chóc” không có nghĩa là cứ để mặc cho dân số thế giới gia tăng một cách vô trách nhiệm. Các dữ kiện về mức độ gia tăng dân số phải được xem xét cẩn trọng. Đường lối thích hợp của Giáo Hội trong phạm vi này, là kêu gọi ý thức trách nhiệm của kẻ làm cha và làm mẹ.

Đó cũng là chiều hướng giảng dạy mà Giáo Hội đề ra trong các chương trình cố vấn về gia đình. Quan niệm này đặt nền tảng trên các định đề rằng: con người cần được yêu thương, rằng tình yêu hôn nhân chân chính luôn đi kèm với trách nhiệm, bởi vì không có tình yêu nào mà lại không đòi hỏi trách nhiệm. Vâng, ý thức trách nhiệm chính là nét đẹp của tình yêu. Và một khi được xây dựng trên trách nhiệm, tình yêu sẽ trở nên vô cùng phong phú.

Cha học được những điều này trong Thông Điệp về Sự Sống Con Người (Humanae Vitae) của Đức Phao-lô VI, vị tiền nhiệm đáng kính của cha; và trước đó, cha cũng đã học hỏi nơi các bạn trẻ, những người đã, hoặc sắp lập gia đình, trong thời gian cha viết cuốn “Trách Nhiệm và Tình Yêu”.

Chính họ đã củng cố những học hỏi của cha trong lãnh vực này. Chính họ, trong tinh thần tương tự, đã tích cực đóng góp vào các công tác mục vụ xây dựng các gia đình, xây dựng ý thức trách nhiệm cho các kẻ làm cha mẹ, cũng như thiết lập các chương trình cố vấn hôn nhân đang ngày càng phát triển trong Giáo Hội.

Hoạt động chủ yếu của các trung tâm này là nuôi dưỡng tình người. Ở đó, tinh thần trách nhiệm trong tình yêu thương đã và đang được tiếp tục thể hiện.

Cha mong rằng ý thức trách nhiệm này không bao giờ thiếu vắng trong mọi tâm hồn và trong mọi môi trường, cũng như luôn được thể hiện nơi các nhà làm luật, các nhà giáo dục, hay nơi các Linh Mục.

Cha muốn ca ngợi và bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với bao nhiêu người đang âm thầm dấn thân phục vụ một cách quảng đại. Trong cuộc sống của họ, chúng ta tìm thấy sự xác quyết của chân lý Ki-tô giáo về nhân vị: Chính khi biết tự hiến thân cho tha nhân một cách vô vị lợi, con người mới tìm được trọn vẹn nhân vị của chính mình...

Trích “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” của Đức cố GIO-AN PHAO-LÔ II
Tài liệu do ông NGUYỄN TÙNG THƯ gửi về từ Canada 4.2001, đã đăng trên Ephata số 14


Theo Ephata số 254
05.02.2006

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét