Văn hóa Cain

Trong xã hội có hai phong trào với khuynh hướng đối nghịch là Phò Sự Sống (Pro-life) và Phò Chọn Lựa (Pro-choice). Dùng từ ngữ “phò chọn lựa” cho nhẹ nhàng dễ nghe và dễ thuyết phục nhưng đúng nghĩa ẩn dấu là phò phá thai. Phong trào Phò Chọn Lựa được bảo lãnh và ủng hộ bởi nhiều tổ chức xã hội. Nó cũng trở thành đề tài sôi bỏng trong các buổi thuyết trình tranh cử của các ứng viên thuộc các đảng phái chính trị.

Mạng sống của các thai nhi trong bụng mẹ đang bị các đảng phái chính trị tranh dành và tìm chỗ dựa để tiến thân. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác can thiệp vào số mệnh của các thai nhi như vấn đề kinh tế, thương mại, dược phẩm, thực phẩm và dân số.

Ngày nay, nhiều nước trên thế giới đã mở cửa cho các dịch vụ phá thai. Những phong trào ủng hộ Phò Phá Thai hay Phò Chọn Lựa (Pro-choice) lý luận rằng: Phá thai là để bảo vệ quyền của người phụ nữ. Phá thai là để ngăn ngừa bệnh di truyền. Phá thai vì trẻ thơ dị tật. Phá thai là để bảo vệ quyền sống của người mẹ. Phá thai vì bị lỡ lầm. Phá thai vì bị hiếp đáp ngoài ý muốn. Phá thai để giảm bớt khó khăn kinh tế. Phá thai trở thành một dịch vụ kiếm tiền cho các Bệnh Xá. Phá thai để giải quyết vấn đề nhân mãn. Phá thai để tìm chọn đứa con ưa thích. Phá thai là để chọn lựa phái tính. Phá thai để cha mẹ tự do sống hưởng thụ. Phá thai vì người cha hèn nhát không nhận trách nhiệm. Phá thai là để giới hạn con số mà nhà nước chủ trương. Có muôn vàn cách biện minh cho hành động giết trẻ thơ một cách hợp pháp. Nhiều cha mẹ coi các thai nhi như là gánh nặng cuộc đời. Họ muốn trút bỏ nó đi cho rảnh nợ. Phá thai thật sự là giết người đó. Đây là tội ác của nhân loại.

Nghĩa trang thai nhi trên núi Hòn Thơm, Nha Trang

Phá thai là một tội ác thật nghiêm trọng (Thông điệp Tin Mừng Về Sự Sống của ĐGH JP II. Số 61). Phá thai là gì? Phá thai là giết chính con thơ của mình. Bóng tối đang bao trùm vạn vật qua sự ghen tương nghi kỵ: Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết (Kn. 2:24). Con người nại vào nhiều lý do để giết chết con thơ một cách tàn nhẫn. Có khi thai nhi bị giết vì họ muốn giữ danh giá của gia đình dòng tộc. Có khi phá thai vì cha mẹ đang phải theo đuổi danh vọng và sự nghiệp. Có khi giết con vì con cản trở bước đường học vấn hay tiến thân. Nhiều người coi thai nhi chưa là con người và không có quyền được đối xử như một con người. Họ đã đang rao truyền văn hóa sự chết. Văn hóa của sự tiêu diệt. Văn Hóa Cain là văn hóa sự chết. Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa. (Stk 9: 6).

Câu truyện phá thai là giết người. Một thiếu phụ tay ẵm một thiếu nhi bước vào phòng mạch bác sĩ gia đình. Thưa bác sĩ, xin bác sĩ vui lòng giải quyết khó khăn nầy: đứa nhỏ đây mới chưa đầy một tuổi, và tôi lại mang thai nữa rồi. Chắc bác sĩ cũng biết là tôi không muốn có con liên tục như vậy. Tôi không đủ sức chịu đựng được. Thế thì bà muốn tôi giúp gì đây? Bất cứ điều gì có thể cất được các của nợ này. Sau một hồi suy nghĩ, bác sĩ trả lời: Tôi có một cách giải quyết tốt hơn để giúp bà. Nếu bà không có hai đứa con sinh gần nhau như vậy, tốt nhất là giết đứa con bà đang ẵm trong tay, vì đối với tôi, giết đứa trong bụng bà hay giết đứa trong tay bà thì cũng như nhau. Vả lại, nếu giết đứa trong bụng thì lại còn nguy hiểm cho bà nữa. Vừa nói xong, vị bác sĩ vươn tay lấy con dao nhỏ và bảo người thiếu phụ đặt đứa nhỏ lên đùi bà, đưa đầu em nhỏ ra phía ông ta. Lúc đó người thiếu phụ tái xanh mặt và thét lên: Đồ sát nhân. Chỉ vài lời nói, vị bác sĩ đã thuyết phục được người thiếu phụ trẻ hiểu ra rằng việc ông ta đề nghị giết đứa con một tuổi của bà thì cũng chẳng tệ hại hơn lời thỉnh cầu giết đứa bé chưa sinh trong bụng bà. Đàng nào cũng là giết người. Chỉ có một điều khác biệt là tuổi của hai đứa trẻ hơn kém mà thôi.

Bào thai chính là con người. Hãy quan sát thai nhi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người trưởng thành và người già chỉ khác nhau về thời gian phát triển. Thai nhi là con người nhỏ bé cô thân, cô thế nhất và không có khả năng tự vệ. Người thân cận gần gũi nhất là mẹ và cha. Mẹ cha lại không thương yêu bảo vệ nhưng đồng lõa với các bác sĩ và ý tá để tẩy trừ, làm hại và giết chết. Muốn giết chết một thai nhi, người ta phải dùng bạo hình. Những hình thức giết thai nhi còn ghê rợn hơn tất cả những hình thức mà con người đã dùng để tra trấn và phanh thây kẻ thù. Không còn thiếu hình thức nào bạo tàn hơn mà con người không dùng. Họ dùng kẹp bóp cho nát sọ, dùng máy hút làm tan nát tấm thân bé bỏng, cắt chân tay khi trẻ thơ còn đang sống và cắt vặn cổ cho chết. Có khi bơm nước muối mặn làm cháy da non và phỏng người rồi ngộp chết. Trẻ sơ sinh trong bụng mẹ đã làm gì hại đến các bác sĩ, ý tá hay cha mẹ mà xử qúa tàn nhẫn đến như vậy. Các trẻ thơ đau đớn, gào thét, giẫy dụa và chết lịm mà không hề được nương tay.

Có nhiều cách giết thai nhi mà các bác sĩ và y tá xử dụng hằng ngày. Nhà thương không còn là nơi để tỏ lòng yêu thương chữa lành nữa. Bệnh xá hay trạm xá cũng không còn là nơi ân xá nữa rồi. Khi thai nhi còn rất nhỏ đang sống yên hàn trong cung lòng mẹ, thì người ta dùng các chất hóa học như thuốc phá thai và nước hóa chất để trục xuất thai nhi khỏi bào thai. Khi thai nhi đã phát triển, người ta đã dùng những dụng cụ kinh hồn để tiêu diệt. Đầy đủ các thứ vũ khí giết người như búa, kìm, kéo, dao, xiên, dùi, móc và kẹp. Cung lòng của người mẹ trở thành pháp trường để hành hình các trẻ thơ vô tội. Thai nhi vô phương tự vệ. Thật tội nghiệp cho kiếp thai nhi bé bỏng. Chẳng ai thèm nghe tiếng kêu gào oan ức của các thơ nhi. Thật xót xa! Con người còn xử ác độc nhiều hơn nữa qua các phương thế diệt trừ các thai nhi non nớt. Họ dùng các phương tiện hợp pháp dưới đây để giết chết:

1. Máy hút: xé nát bào thai khỏi tử cung và hút ra.
2. Nông và nạo
3. Nông và kéo
4. Bơm nước muối
5. Bơm chất prostaglandia
6. Cắt dạ con.

Nông và kéo: Người ta dùng một cái kẹp có răng, thường bào thai trên 18 tuần, vĩ xương đã cứng, người ta phải vặn và cắt. Đầu phải bị đập nát bằng cách đục một lỗ hổng ở sọ và dùng máy hút để hút não bộ ra ngoài cho sọ nảo xẹp lép mới kéo thân xác nát tan của thai nhi ra khỏi cung lòng mẹ được.

Cắt dạ con: Người ta cắt một đường trên bụng của Người mẹ để lôi thai nhi ra. Thường thai nhi sinh ra còn sống, người ta phải giết thai nhi bằng cách vặn cổ, bóp mũi, miệng, hoặc nhận chìm trong nước.

Phá thai là một điều tuyệt đối sai, bởi vì nó xâm phạm quyền căn bản của con người là quyền được sống. Ta sẽ đòi mỗi con vật phải đền nợ máu các ngươi, tức là mạng sống của các ngươi; Ta sẽ đòi con người phải đền nợ máu, Ta sẽ đòi mỗi người phải đền mạng sống của người anh em mình. Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Về phần các ngươi, hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, hãy lan tràn và nảy nở thật nhiều trên mặt đất."(Stk 9:3-7). Xưa hai anh em Cain và Abel con cùng cha mẹ, vì ghen tương mà đã giết nhau: Cain không muốn nghĩ về em mình và từ chối nhận trách nhiệm mà mỗi người phải có đối với người khác (Tmvss. 8).

Bộ Giáo Luật hiện hành quyết định: Người nào thực sự cung cấp việc phá thai tự động chịu vạ tuyệt thông (Số 1396). Trong sách Xuất Hành, nêu ra những khoản luật rất tỉ mỉ để bảo vệ người mẹ cũng như thai nhi. Không ai có quyền làm hư hại hay tổn thương: Nếu đàn ông đánh nhau mà xô phải một người đàn bà có thai, làm sẩy thai.. thì phải bồi thường theo đòi hỏi của người chồng…Nếu có gây tổn thương, thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, (Xh 21:22-23). Những bàn tay vấy máu trẻ thơ vô tội sẽ phải đền trả nợ máu. Chúng ta cũng không thể hiểu được tại sao có nhiều người phò phá thai đến thế. Phò chọn lựa hay phò phá thai là phò sự chết, trong khi chính họ muốn sống và hưởng thụ. Họ đòi quyền được phá thai. Nhà cầm quyền là những người đại diện dân là lo bảo vệ an sinh cuộc sống xã hội cho mọi người. Thế mà, có những nhà Lập Pháp lại ủng hộ quyền được giết chết trẻ thơ trong bụng mẹ. Thật là vô lý và trớ trêu.

Mục tiêu của đời sống văn minh nhân loại là cần nâng cao và bảo vệ sự sống. Trái lại, nhiều người tìm đủ mọi cách thế để hạn chế sự sống. Nhiều người còn hãnh diện và dương oai về chủ trương giết chết biết bao thai nhi. Họ ích kỷ không muốn chia sẻ hoa trái của sự sống. Muốn hưởng thụ trọn vẹn nguồn phú túc mà Thượng Đế đã trao ban. Có biết bao nhiêu nhân tài tiềm ẩn trong các thai nhi bị giết. Trong số các trẻ bị hại có những thiên tài và thánh nhân của thế kỷ. Con người xã hội đang tự tiêu diệt chính tương lai của nhân loại. Phá thai càng ngày càng nhiều vì có luật pháp hỗ trợ, vì chính sách chủ trương của nhà nước và vì đời sống luân lý đạo đức đang xuống dốc trầm trọng. Nhiều người không còn nhận ra sự cao quý của sự sống con người và chối bỏ trách nhiệm của chính mình.

Lạy Chúa, Chúa là nguồn ban sự sống. Chúa tạo dựng con người mang hình ảnh của Thiên Chúa. Hình ảnh đã bị con người lạm dụng cho những sở thích riêng. Xin cho chúng con biết trân quý, tôn trọng, bảo vệ và nuôi dưỡng sự sống của từng cá nhân. Sự sống khởi sự ngay từ giây phút đầu tiên khi tựu thai trong lòng mẹ và phát triển cho tới lúc trưởng thành. Ai cũng có quyền được sống, được hít thở không khí, được tắm nắng mặt trời và hưởng dùng mọi nguồn phú túc tự nhiên mà Thiên Chúa đã đặt để trong vũ trụ. Xin cho chúng con sống trọn vẹn đời sống trong tình yêu của Chúa. Chúng con biết rằng sự sống hay sự chết đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa.

Lm Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York
Theo dunglac.org

Về đi - nàng Vọng Phu

Lòng chung thủy trở thành nhảm nhí
Trước thiêng liêng số phận một con người.
Về đi em
Mọi hy vọng qua rồi
Người ra đi không thể về được nữa
Về đi em
Trời quê mình vốn nhiều giông gió
Em và con mỏng manh chống trả thế nào



Về đi em
Người đời yêu nhau người ta chờ nhau
Dẫu là đá
Dẫu không còn là đá
Nhưng con em trên tay em đang đói lả
Em hóa đá vì chồng, con hóa đá vì ai
Em hóa đá
Vì chồng
Con
Hóa
Đá
Ai….! 

BÙI HOÀNG TÁM


Báo www.dantri.com vừa khởi đăng bài thơ trên và giật cho nó hàng tít: “LÒNG CHUNG THỦY ĐÃ TRỞ THÀNH TỘI ÁC”, lại chốt vấn đề bằng một câu hỏi cho độc giả: Bạn có đồng tình với nhà thơ không ?

Chỉ trong có hơn một ngày mà đã có tới tấp gần 200 ý kiến phản hồi của độc giả khiến đề tài trở thành một cuộc tranh luận rất sôi nổi hào hứng. Khác với câu chuyện muốn viết lại đoạn kết cổ tích Tấm Cám trước đây đã từng ầm ĩ trên mặt báo, bài thơ như có một mối liên hệ nào đó với việc Bảo Vệ Sự Sống, một vấn đề mà cả xã hội, nếu còn có chút lương tri, phải kinh sợ giật mình vì sinh mạng con người đã trở thành một thứ hàng hóa rẻ bèo đến độ bị chà đạp và xâm phạm bất cứ lúc nào ở bất cứ nơi đâu.

Có điều cần nói ngay, với một hệ thống báo mạng chính thống như dantri.com, tôi không đồng tình với cách giật tít bài báo như trên, cho dù đó có thể là chiêu câu khách. Trong văn hóa Việt Nam, lòng chung thủy, đặc biệt của người phụ nữ là một vấn đề thiêng liêng bất khả xâm phạm, là một trong những đức tính làm nên hình ảnh cao quý của người phụ nữ Á Đông, là một phạm trù đạo đức không bao giờ lỗi thời hay sai trái. Giật một hàng tít như vậy chẳng khác nào bôi nhọ và làm hạ thấp hình ảnh người phụ nữ. Nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay, nửa Tây, nửa Ta, nạc nạc mỡ mỡ, giá trị gia đình, giá trị con người đã và đang trở thành một món đồ cổ hủ. Đọc hàng tít trên sao thấy nó mỉa mai, lại rất dễ gây ngộ nhận cho nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ sẽ nghĩ rằng: Sự chung thủy chỉ là một trò nhố nhăng trong cuộc sống, không cần phải gìn giữ trong tình cảm và đời sống hôn nhân gia đình !?!

Hòn Vọng Phu

Một phiến đá có hình tượng người phụ nữ ôm con mòn mỏi chờ chồng tại Đồng Đăng xứ Lạng, phải nói rằng đây quả là một tác phẩm tuyệt vời của thiên nhiên ban tặng cho con người từ nhiều ngàn năm, phiến đá đứng đó như nhắc nhở con người một tấm lòng son trung kiên của người phụ nữ thờ chồng, mãi với thời gian lặng lẽ hướng ra biển cả chờ đón người thân thương trở về. 


Hãy nghĩ mà xem, với một khối đá có hình thù như thế, chỉ có những tâm hồn luôn tôn thờ cái đẹp, tôn thờ sự thủy chung và một tâm hồn nhân ái, cha ôg ta đã cho ra đời một truyền thuyết đầy tính nhân văn, lãng mạn. Tác giả dân gian đã không kém phần khéo léo khi lồng vào đó cả một mối tình đầy oan trái giữa hai anh em: chàng Tô Văn và nàng Tô Thị. Mục đích cuối cùng của câu truyện là đề cao cái đẹp và giáo dục các thế hệ con cháu. Còn gì ấm cúng và hạnh phúc hơn, còn có cách giáo dục nào tuyệt vời hơn, khi bên bếp lửa hồng, giữa đêm đông lạnh giá, con cháu quây quần lắng nghe tiếng ông bà kể chuyện về lòng chung thủy qua minh chứng sống động ngàn năm…

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có Nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh…”

Trong truyền thuyết Hòn Vọng Phu, cái mà cha ông muốn để lại cho chúng ta như một bài học, không chỉ là sự thủy chung mà còn những giá trị đáng quý khác.

Trước tiên, chàng Tô Văn khi ném vỡ đầu em gái, một tai nạn trong cuộc vui trẻ thơ, thật đáng tiếc, chàng đã thiếu chín chắn khi giải quyết nó bằng cách trốn chạy khỏi thực tế, bất kể cái sống, cái chết của em mình. đó là một khởi đầu cho những chuỗi tai họa sau đó. Ngày tháng qua đi nhưng sai lầm đã phải trả giá. Cuộc sống bình yên bị phá vỡ khi vết sẹo trên đầu ngày xưa ấy khiến Tô Văn khám phá ra người vợ yêu quý bây giờ lại là chính cô em ruột Tô Thị của mình. Nỗi ám ảnh loạn luân đã khiến chàng bước tiếp một sai lầm khác, bỏ tất cả, ra đi biền biệt, không hẹn ngày trở lại, mặc con thơ vợ dại không người bảo vệ nuôi nấng.

Ở đây, chúng ta lại có thêm một bài học về tội loạn luân, điều mà hiện nay chúng ta thấy nhiều người phạm phải, thậm chí đến mức trầm trọng ghê sợ như bố hiếp con, thầy hiếp trò… Đỉnh điểm trong truyền thuyết tưởng như đã đạt đến mức cao trào lại được đẩy cao hơn nữa khi nhan sắc tuyệt đẹp của nàng Tô Thị đã bị dòm ngó bởi những tên cường hào ác bá, lắm tiền, lắm quyền, tượng trưng cho thế lực của bóng tối và tội ác. Bọn người lòng lang dạ thú này muốn ép nàng phải bỏ đi lòng chung thủy, bỏ đi tính thiện, bỏ đi nét đẹp tâm hồn của người con gái Á Đông bằng hành động bội tình.

Đứng trước cơn cuồng phong của cuộc đời, mang theo da diết nhớ mong chồng hiền, nàng đành ôm con lên núi để trốn chạy cái đê tiện của con người. Tấm lòng son sắt thủy chung ấy đã thấu đến trời xanh. Bằng giông bão sấm chớp xé ngang bầu trời trong một đêm giông tố, đất trời đã hóa thân cho mẹ con nàng thành đá.

Sự hóa đá của nàng, theo tôi, không phải là hiện thân của cái chết, mà là hiện thân của Sự Sống vĩnh cửu. Chính đất trời cảm động trước tấm chân tình, đã cho nàng phương cách tối ưu và vĩnh cửu, chắc chắn nhất để bảo vệ lòng chung thủy, bảo vệ con thơ thoát khỏi nanh vuốt cuộc đời. Hay nói cách khác, đó là bảo vệ mẹ con nàng thoát khỏi bóng tối của tội lỗi.

Tuyền thuyết về Hòn Vọng Phu quá tuyệt vời bởi tấm lòng cha ông ta quá tuyệt vời, có còn chi mà phải thay đổi đoạn kết của truyền thuyết này, chỉ là cách nhìn, cách chúng ta học hỏi và nghiệm sinh thế nào với những bài học vô giá của tiền nhân. Sao ta cứ phải nghĩ nàng Tô Thị hóa đá là chết đi. Nghĩ như thế làm sao chúng ta có thể lý giải cho những trường hợp khác, ví như những con người dám chấp nhận hy sinh mạng sống để gìn giữ một chân lý, nghĩ như thế quả là ích kỷ. Không, chúng ta phải khẳng định: nàng Tô Thị đang sống, Nàng vẫn sống đấy chứ.

Nếu chúng ta nhìn nhận sự việc như vậy, có cần gì phải đến “Em về đi – Hòn Vọng Phu” của nhà thơ Bùi Hoàng Tám, còn cần gì đến hàng trăm phản biện tranh cãi vấn đề này, rằng đồng tình hay phản đối, còn cần chi đến chuyện trăn trở tại sao lòng chung thủy lại thành tội ác một cách vô nghĩa và phản giáo dục một cách khó nhai.

Nhưng, thật tiếc, Nàng, Hòn Vọng Phu nay đã “chết” thật rồi, không phải cái chết từ truyền thuyết, mà là chết vì bọn… sơn tặc phá núi, lấy đá khai thác làm ximăng. Cách đây ít năm, Hòn Vọng Phu đã sập vỡ tan tác mất rồi, tiền và sự vô cảm đã biến phiến đá huyền thoại xưa mất hút vào trong dĩ vãng, thay vào đó là một Hòn Vọng Phu khác được đúc bằng bêtông vô hồn, giả tạo.

Chỉ hành động này thôi, cũng chứng tỏ cho ta thấy giá trị của lòng chung thủy đã bị con người ngày nay đối xử thế nào. Đây mới chính thật là một tội ác với môi trường thiên nhiên, tội ác với quê hương và dân tộc. Đây là cách hành xử thô bạo với giá trị truyền thống văn hóa dân gian hàng ngàn năm của đất nước. Cái bản chất của những tên cường hào ác bá ngày xưa nay vẫn tồn tại, nó giết chết mẹ con nàng Tô Thị một cách thô bạo, không còn chút nhân tính.

Tiếc đến ngẩn ngơ cả tâm hồn về một câu truyện cổ tích như tiếc giá trị thủy chung của con người đã ngày ngày mai một.

Như trên đã nói, Truyền thuyết Hòn Vọng Phu và bài thơ của Bùi Hoàng Tám có cái gì đó rất gần gũi với việc nỗ lực Bảo Vệ Sự Sống, một mối liên hệ mà riêng tôi cảm nhận được một điều rất đáng trân trọng. Nàng Tô Thị hóa đá để sống trường tồn, Bùi Hoàng Tám đề cao sự sống của đứa con thơ tội nghiệp: “Em hóa đá vì chồng, con hóa đá vì ai”. Một lời kêu thống thiết trong lương tâm của người chồng đối với sinh mạng của vợ và con. Một lời kêu than có thể nói rất cao thượng. Chàng chấp nhận đau khổ, thậm chí chấp nhận sự phản bội chỉ vì muốn vợ con được sống. Tôn trọng quyền được sống hơn tất cả.

Thế nhưng, có biện minh thế nào đi nữa thì chàng Tô Văn của truyền thuyết vẫn mang bóng dáng của một người chồng chưa làm đúng bổn phận với vợ mình, một người cha chưa tận tâm bảo vệ đứa con thơ của mình. Thế nên, chuyện đời vẫn dị nghị, nhầm lẫn, tranh cãi cho mãi đến bây giờ.

Chàng Tô Văn trốn chạy trước mặc cảm tội lỗi, dù cho đó là vô tình mà tạo thành nghiệp chướng đáng thương, nhưng hiện nay vẫn đang có hàng ngàn anh chàng Tô Văn khác quất ngựa truy phong, bỏ mặc người yêu với cái thai trong bụng.

Còn nàng Tô Thị thì chấp nhận hy sinh, chấp nhận bỏ đi vinh hoa phú quý để giữ gìn lòng chung thủy với chồng, với con. Nhưng hiện nay, nhiều nàng Tô thị chỉ vì chút lương tiền bèo bọt, vì chút nhan sắc vẩn vơ đã đành đoạn giết con ngay khi thai nhi vừa tượng hình trong bụng… Thật đáng buồn, đáng hổ thẹn, giá như phiến đá Vọng Phu vẫn tồn tại thật sự, để cho các chàng Tô Văn, các nàng Tô Thị hiện đại ngày nay nhìn vào mà ngẫm nghĩ, sám hối ăn năn.

Vẫn với tinh thần Bảo Vệ Sự Sống, may thay, chúng ta lại có một câu chuyện khác, có thật 100%, hay hơn, éo le và ly kỳ hơn rất nhiều và đoạn kết của câu chuyện đã trở thành một mẫu gương cho nhân loại về việc Bảo Vệ Sự Sống, bảo vệ gia đình. Giáng Sinh sắp đến rồi, và có còn ai trên thế gian này lại không biết đến câu chuyện của gia đình chàng thợ mộc miền Nazareth. Gia đình Bố Giuse, Mẹ Maria và Hài Đồng Giêsu.

Có ai lại không biết đến chuyện tình éo le của chàng Giuse và cô trinh nữ Maria, có ai lại chẳng biết đến bào thai trong bụng cô Maria không phải bởi “tác giả” là anh Giuse, nhưng anh lại can đảm đem hết sinh mạng mình để bảo vệ cho mẹ con cô ấy ? Có ai trong nghịch cảnh bần hàn đến nỗi phải sinh con trong gian chuồng bò lừa giữa giá lạnh đêm đông và vô cảm của lòng người? Có ai lại không thể hình dung ra được những hiểm nguy và vô vàn khó khăn khi lưu vong xứ lạ quê người, trốn tránh sự truy sát của kẻ quyền lực tàn ác nhất mang tên bạo chúa Herode ? Có ai lại chẳng biết đến lời tiên đoán về tương lai đầy bất trắc của cụ già Simeon trước mặt bà mẹ Maria vừa sinh con thơ bé rằng: “Một lưỡi dao sắc thâu qua lòng bà” ? Ấy vậy mà chàng Giuse không trốn chạy, ấy vậy mà cô Maria không hóa đá. Chỉ có một lý do duy nhất để Thánh Gia vượt qua tất cả những việc ấy chính là Tình Yêu, một Tình Yêu dám hiến cả mạng sống mình vì người mình yêu…

Đaminh PHAN VĂN DŨNG, Mùa Vọng 2011


Theo bvss.org

Tiếng kêu không lời đáp

“Phá Thai ! Có nhiều người không quan tâm đến chủ đề này. Sau cơn khoái lạc trong chốc lát giữa một chàng trai và một cô gái thường dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là phá thai. Hầu như đứa trẻ vô tội trong lòng người mẹ đó sẽ trở thành nạn nhân hoặc con mồi. Tôi hy vọng rằng bài thơ này sẽ thay đổi tâm trí nhiều những ông bố bà mẹ, hầu mong tiếng kêu không lời đáp của đứa trẻ vô tội sẽ có cơ hội sống ! Xin đừng gọi con bạn bằng cái tên phá thai !”

(Littin Thomas Modoor)

Chín tháng mười ngày lặng lẽ trôi,
Ấp ủ nuôi con bằng máu tươi;
Con lớn khôn dần trong lòng mẹ,
Chớ bỏ con đi… mẹ yêu ơi !

Lẽ nào mẹ không nghe tiếng con ?
Lẽ nào mẹ phải chọn đường cùng ?
Sớm thấy mặt con, không hạnh phúc ?
Bầu trời trăng sao con ước mong.
 

Con nhìn ngắm mẹ trong cung lòng
Đếm từng ngày tháng con chờ mong
Lẽ nào mẹ hết đường chọn lựa ?
Lẽ nào mẹ không nghe tiếng con ?

Mẹ ơi, con rất thích đồ chơi
Con hứa dâng Mẹ những niềm vui;
Xin đừng coi con như gánh nặng,
Mẹ thay đổi đi kẻo đã rồi.

Lẽ nào mẹ không nghe tiếng con ?
Lẽ nào mẹ phải chọn đường cùng ?
Mẹ mơ thấy con vui đùa giỡn
Con mong ngày đó sớm rạng đông

Lẽ nào mẹ không nghe tiếng con ?
Lẽ nào mẹ phải chọn đường cùng ?
Lẽ nào đời con phải kết liễu…
Chớ để đời con quá khứ buồn.

Trong cung lòng mẹ, con đùa chơi,
Ngọ nguội đôi chân Mẹ vỗ tay
Xin hãy cho con cơ hội sống
Nếu không… con vẫn tha cho Người

Lẽ nào Mẹ không nghe tiếng con ?
Lẽ nào Mẹ phải chọn đường cùng ?
Mẹ ơi, đời con là vấn nạn
Đừng gọi “Phá thai” tủi thân con !


Littin Thomas Modoor

ĐÌNH CHẨN phỏng dịch 28.11.2011






UNHEARD VOICE


“Abortion ! There are people who do not care about this topic. For a moment of fun between a boy and girl often ends in the serious topic of abortion. Mostly, the innocent child in mother's womb becomes the victim or prey. I hope this poem will change many mother's and father's mind so that the innocent unheard voice will get a chance to live ! Please don't give your child the name of abortion !”
(Littin Thomas Modoor)

Nine months are slowly getting close,

I am surrounded by the blanket of yours;
Slowly I am growing in your womb,
Please don’t send me to the tomb;

Oh mother, can’t you hear my voice ?
Don’t you have another choice ?

Aren’t you happy ? You can see me soon,
I am excited to see the world of sun and moon;
In your womb, I am counting days,
To show you mother, my little gaze;
Oh mother, can’t you hear my voice ?
Don’t you have another choice ?

Mother, I am excited for my first toy,
I promise I will become your joy;
Please don’t feel me as a burden,
Whatever you decide cannot be undone;

Oh mother, can’t you hear my voice ?
Don’t you have another choice ?

I know you are waiting to see me play,
More than you I am excited to see that day;
Oh mother, won’t you start my life story,
Please don’t make my life a history;
Oh mother, can’t you hear my voice ?
Don’t you have another choice ?

I am excited to play in your lap,
With my deeds, I will make you clap;
Oh mother, give me a chance to live,
Even if you don’t, I will forgive;
Oh mother, my life is now a question,
Please don’t give it name of abortion.


Theo Hanhtrinhdanchua

Thánh nữ Faustina Kowalska và việc phá thai


Với Ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa, Đức Cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã trao cho phong trào Bảo Vệ Sự Sống một món quà mới.

Chắc có lẽ bạn và tôi, chúng ta đã có lần nhìn thấy hình ảnh Chúa Giê-su đang đứng và chỉ tay của Ngài hướng về trái tim của Ngài, nơi mà từ đó các tia màu đỏ và màu xanh xám phát tỏa ra.

Những dòng chữ như: “Lạy Chúa Giê-su, con phó thác nơi Ngài” được khắc dưới đáy của bức ảnh. Hình ảnh này tượng trưng cho sự tôn sùng vào Lòng Nhân Từ của Thiên Chúa, dựa theo những mạc khải được Thiên Chúa tỏ bày ra cho Thánh Nữ Maria Faustina Kowalska.

Tự chính hình ảnh đó đã được Thiên Chúa mạc khải cho Thánh Nữ, như là “Chuỗi Tràng Hạt về Lòng Nhân Từ của Thiên Chúa” (Chaplet of Divine Mercy) mà chúng ta cùng cất lời cầu nguyện như sau:



“Lạy Cha Muôn Đời, chúng con kính dâng Cha chính Thân Thể và Máu, Linh Hồn và Thiên Tính của Người Con Một yêu dấu nhất của Cha là Chúa Giê-su Ki-tô, qua việc Ngài cứu thế để chuộc tội cho chúng con và cho toàn thể nhân loại trên khắp thế giới. Vì cuộc Thương Khó của Ngài, xin hãy tỏ lòng nhân từ của Ngài trên chúng con và trên cả thế giới này”.

Đức Cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã dưỡng nuôi lòng sùng kính này trong Giáo Hội, và đã tuyên bố Chúa Nhật sau Phục Sinh là Chúa Nhật kính Lòng Chúa Xót Thương. Rất nhiều tín hữu, đặc biệt là phong trào Bảo Vệ Sự Sống, đã thực hành lòng sùng kính này.

Thành thật mà nói, mối dây liên kết giữa sự sùng kính này và chuyện phá thai đã được chính Thánh Nữ Faustina thiết lập và được ghi chép lại trong cuốn Nhật Ký của Thánh Nữ.

Cha Seraphim Michalenko, MIC, người biên dịch chính cuốn Nhật Ký của Thánh Nữ Faustina, và cũng là thỉnh nguyện viên cho hồ sơ phong Hiển Thánh cho vị Thánh Nữ này, đã viết ra như sau:

“Vào ít nhất là ba dịp, khoảng từ 8 đến 11 giờ tối, Thánh Nữ đã cảm thấy bên trong cung lòng của mình dường như đang có một sự sâu xé dữ dội nào đó. Thánh Nữ đã phải chịu đựng rất nhiều đến nỗi Thánh Nữ nghĩ rằng mình sắp sửa chết đi. Các bác sĩ không thể nào chẩn đoán được nguyên do vì đâu đã khiến cho Thánh Nữ bị đau yếu đến như vậy, và không có một thứ thuốc nào có thể loại bỏ hay làm giảm đi những đau đớn của Thánh Nữ. Về sau, Thánh Nữ mới được Thiên Chúa mạc khải cho hiểu rằng: Thánh Nữ đang phải trải qua những đau đớn thay cho những người mẹ nào đang phải phá bỏ đi các đứa con của họ” (trích Nhật Ký, mục số 1276)

“Vào một dịp khác, Thánh Nữ có một giấc mơ về một thiên thần đang đến cùng với những tiếng sét để hủy diệt đi một trong những thành phố đẹp nhất tại quốc gia của Thánh Nữ. Và Thánh Nữ cảm thấy mình vô vọng để có thể làm được một điều gì đó (Nhật Ký, mục số 474). Phải chăng đó là thứ thuốc giải độc mà Thiên Chúa muốn trao cho Thánh Nữ ? Liên quan đến Chuỗi Lần Hạt về Lòng Chúa Nhân Từ, Thánh Nữ giải thích rằng thành phố bị trừng phạt vì những tội lỗi của nó, chủ yếu là vì tội phá thai.” (Trích từ Những Cung Lòng của Đấng Nhân Từ, trong tạp chí của Con Cái Đức Mẹ Phù Hộ, Mùa Hè 1995, trang 13).


Giờ đây, chính bản thân của Đức Cố Giáo Hoàng lại đặc biệt nhấn mạnh một lần nữa về mối liên hệ đặc biệt này, bằng việc ký vào Thẻ Phép Lành Đặc Biệt của Đức Thánh Cha cho những ai cầu nguyện Chuỗi Hạt này để chấm dứt việc phá thai.

Thẻ Ban Phép Lành Đặc Biệt này của ngài, đã được ký vào Ngày Lễ Truyền Tin, tức vào ngày 25 tháng 3 năm 2003, khi Ngài nói với các Tông Đồ Thánh Thể về Lòng Nhân Từ của Thiên Chúa, và cho “tất cả mọi người tín hữu khắp nơi trên thế giới, những người cùng tham dự vào việc Lần Chuỗi về Lòng Nhân Từ của Thiên Chúa cho những người mẹ thôi không muốn phá bỏ bào thai đang tượng hình trong lòng họ; cho những cháu bé đang gặp nguy hiểm của tử thần nơi cung lòng của người mẹ; cho những người cung cấp các dịch vụ phá thai và tất cả những người cộng sự của họ được thay lòng đổi dạ; cho những nạn nhân là chính con người vì mục tiêu nghiên cứu tế bào gốc, cho việc nhân giống gien di truyền, cho việc trợ tử và nhân bản vô tính; và cho tất cả những viên chức công quyền Nhà Nước, để họ biết cổ võ cho một nền Văn Hóa của Sự Sống, như là cách để chấm dứt đi nền Văn Hóa của Sự Chết.”

Thiên Chúa không thể nào lại không lắng nghe những lời nguyện cầu của tất cả chúng ta, chúng ta đừng bao giờ quên cầu nguyện về điều này với chính Ngài !

Lạy Thánh Nữ Maria Faustina Kowalska, hãy hiệp ý nguyện cầu cùng chúng con, những người đang chai đá, thờ ơ và nguội lạnh trước việc Bảo Vệ Sự Sống của không biết bao nhiêu trẻ thơ vô tội. Xin hãy giúp sức bền đỗ cho chúng con trong cuộc chiến quyết tử này !

Bản dịch của ANTHONY LÊ, VietCatholic

Theo báo Ephata số 280, năm 2006

Cảm ơn mẹ vì đã cho con vào đời

Con được kết tinh bởi đất trời.
Bởi tình yêu nở lúc thăng hoa
Hồng ân tạo hóa trao quyền sống
Bình đẳng giữa đời với thế nhân.

Bình yên phó thác cung lòng mẹ
Mạch sống nối dòng khí huyết chung
Tâm sinh nối kết đôi nhịp đập
Hai trái tim hồng mẹ với con.




Có hạnh phúc nào hơn được sống
Trong lòng từ mẫu của riêng con
Đợi chờ ngày tháng hoa ra nhụy
Biết mặt cha hiền biết mẹ yêu

Tưởng rằng con sẽ là nguồn phúc

Nhưng không, giờ biết thế đã lầm
Mẹ cha đâu muốn con hiện hữu
Con là tai họa chẳng chờ mong

Tiếng cha gầm thét hơn giông tố

Chối từ giọt máu đứa con thơ
Nghiệt ngã lạnh lùng quay đầu chạy
Bỏ mặc người yêu đứng thẫn thờ.

Mẹ về cúi mặt trong nước mắt

Rối bời tâm trí quá bơ vơ
Đơn côi hậu quả sao nặng gánh
Mặt mũi còn đâu với thói đời.

Thú tội quỳ xin với Ông bà

Con đà trót dại hãy cưu mang
Mẹ chưa kịp nói ông đã quát
Biến khỏi nhà tao đứa chửa hoang

Khẽ lau nước mắt bà câm nín

Lén ông dúi vội chút tiền tiêu
Bố mày nói thế tao đành chịu
Đi khuất đừng về đứa con hư.

Mẹ bước chơ vơ giữa chợ đời

Không nhà, không cửa chẳng người quen
Tương lai ôi thấy sao mù mịt
Liều tính mang con đến pháp trường.

Từ mẫu lương y hớn hở mừng

Thêm một con nhạn đã sa chân
Chỉ tiêu cuối tháng hoàn thành sớm
Một chút nữa thôi túi có tiền.

Con ơi xin hãy tha cho mẹ

Dù có thương con cũng đành thôi
Mẹ giờ không thể cưu mang nữa
Đừng oán đừng than trách mẹ nhiều

Nỗi sợ trong con cứ lớn dần

Theo từng nhịp trống của con tim
Thì thùng lởn vởn quanh thần chết
Bức rứt âm u đến rợn người

Con đã gào lên với mẹ rằng

Xin đừng làm hại đến con thơ
Van xin, cầu khẩn con nài nỉ
Mong phút hồi tâm mẹ dủ tình

Đáp lại lời con là tuyệt vọng

Mẹ giờ giá lạnh tận lương tâm
Phút cuối cam lòng buông tay chịu
Giã biệt tử sinh trống điểm rồi

Ngay giờ phút cuối buổi sinh ly

Bỗng đâu tiếng vọng của lương tri
Lời kinh MẸ ĐẤNG ĐẦY ƠN PHÚC
Thánh hóa mẹ yêu đã chuyển lòng




Hồng ân tựa thác nguồn chan chứa

Đỡ nâng mẹ đến bến bình an
Tình yêu cháy bừng và sáng tỏa
Mẹ đã cho con sống vào đời.

Cám ơn mẹ và cám ơn Trời.

Dẫu cuộc đời lắm lúc chơi vơi.


Đaminh Phan Văn Dũng



Theo bvss.org

Chết lành - chết dữ

“Thiên đàng hỏa ngục hai bên
Ai khôn thì dại ai dại thì khôn”

Bây giờ ít thấy nhưng tôi còn nhớ hai bức tranh ngày xưa mỗi gia đình Công Giáo thường hay treo. Đó là hai bức tranh chết lành chết dữ. Trong bức tranh chết lành mô tả một bệnh nhân sốt sắng, vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc với các Thiên Thần vây quanh. Vị Linh Mục cầm Thánh Giá và Bánh Thánh Thể trao cho bệnh nhân, bầy quỷ dữ lấm lét sợ hãi bị đè bẹp trong góc nhà. Còn bức tranh sự chết dữ mô tả cảnh ngược lại: người sắp chết vẫn níu lại những vui thú trần gian, anh ngoảnh mặt làm ngơ với sự hiện diện của các Thiên Thần và vị Linh Mục, Thiên Thần Bản Mệnh khóc lóc che mắt bay về trời trong cái hả hê của bầy quỷ dữ. Hai bức tranh ấy đã lâu tôi không còn thấy nhưng vẫn in rõ trong tâm trí tôi như vậy.


Tôi muốn viết về một câu chuyện có thực mà tôi là người chứng kiến, mặc dù chuyện đã xẩy ra gần hai mươi năm rồi. Chuyện có liên quan đến cái chết. Có liên quan đến phá thai và có liên quan đến một hình ảnh trong hai bức tranh kể trên mà ngày nay có lẽ rất hiếm khi bắt gặp.

Đầu thập niên 90, tôi có một người bạn sinh hoạt cùng Nhóm Trẻ Hiển Linh do cha cố Đa Minh Chu Quang Đương, Dòng Đa Minh, dẫn dắt. Tôi thường đến chơi nên biết một đôi bạn rất đẹp đôi, cô gái là em của cô bạn trong nhóm, còn chàng trai cũng là em của một người bạn rất thân với tôi trong một nhóm khác buôn bán ngoài đời. Nhưng thật buồn, đôi bạn trẻ ấy đã không biết giữ gìn tình yêu của mình cho trong sáng mà có kết quả là một bào thai. Sai lầm tiếp theo của cả hai là quyết định phá thai. Cái hậu quả đáng sợ của phá thai rồi cũng đến, chỉ ít lâu sau đó, cô gái bị chẩn đoán là ung thư tử cung. Khi cô bé hấp hối, tôi có đến thăm và chỉ sau khi cô chết, toàn bộ sự thật trong câu chuyện đau lòng tôi mới được biết.

Nhớ lại những đêm cô hấp hối, gầy gò xanh xao với cái đầu lơ thơ trọc lóc nằm trên giường bệnh, Quang cảnh cũng tựa như bức tranh chết lành chết dữ, Cũng có bàn thờ với Thánh Giá nho nhỏ, hai ngọn nến trắng leo lắt cùng ly nước phép, Vây quanh cô bé là mấy ông giúp kẻ liệt. Họ đọc kinh, họ hát, họ đọc sách, họ lần tràng hạt liên tục ngày đêm bên cô bé. Thi thoảng họ nói chuyện với nhau, người thì nói chắc sắp chết rồi, kẻ lại đoán có thể sáng mai hay đến đêm nay là cùng. Họ nói tự nhiên trước mặt cô bé cứ như thể cô chỉ còn là một khúc gỗ trơ trơ chẳng biết gì.

Thú thực nhìn cảnh ấy, hồi đó tôi bực mình và ác cảm với mấy ông bà giúp kẻ liệt đó vô cùng, vì tôi thấy trong ánh mắt của cô bé như muốn níu lại Sự Sống, tôi đọc thấy nỗi sợ chết của cô, tôi biết cô khao khát sống và chưa muốn chết. Cô như cố vơ víu lấy những gì còn lại để cố sống mà bất lực. Vì cô còn quá trẻ. Lúc đó, tôi chỉ thấy thế.

Giờ nhớ lại ánh mắt ấy với những sự kiện về phá thai vẫn day dứt trong tôi kể từ khi tôi biết đến Ephata, kể từ khi tôi biết đến chương trình Bảo Vệ Sự Sống. Tôi mới nhận ra rằng, có lẽ ánh mắt của cô gái ấy ngày xưa chưa hẳn chỉ là sợ chết mà thôi, có lẽ, ánh mắt ấy còn có cả sự hối hận muộn màng, còn có cả những đớn đau, day dứt của người đã sai lầm khi hủy diệt con mình.

Vâng, còn một hình ảnh trong hai bức tranh kể trên mà bây giờ tôi nói rằng hiếm gặp. Đó chính là hình ảnh người Mục Tử bên cạnh cuộc chiến đấu cuối cùng của con chiên mình. Xin thứ lỗi cho tôi khi viết những dòng này. Tuy nhiên, gần 20 năm kể từ ngày cô bé ấy chết. Tôi cũng đã chứng kiến biết bao cảnh ra đi của bạn bè, người thân, anh em nhưng giớ phút cuối cùng vẫn chỉ là những ông bà giúp kẻ liệt.

Không hề thấy bóng dáng của những vị Mục Tử trong những giây phút trọng đại ấy. Ngày cũng như đêm. Không biết các ngài ở đâu, đang làm gì, các ngài có biết đàn chiên của mình có người đang phải chiến đấu chống lại Satan trong giờ phút lâm chung ? Dĩ nhiên tôi không phủ nhận sự cần thiết và tinh thần rất đáng quý trọng của những ông, những bà trong hội giúp kẻ liệt, nhưng hình như họ đã “gánh“ hết trách nhiệm cho các cha rồi, còn các cha chỉ còn việc chờ đợi người nhà đến báo để chuẩn bị làm lễ là xong. Có thể các ngài cũng bận trăm công nghìn việc, có thể các Ngài cũng đâu đó đi xa, Có thể các Ngài cũng mệt nhọc phần xác, tuy nhiên xét cho cùng, hình ảnh vị Mục Tử Nhân Lành là Đức Giêsu luôn theo sát đoàn chiên của mình trên thập giá, trong phút lâm chung của chính mình vẫn khát khao và vui mừng với anh trộm lành ăn năn thống hối.

Đọc lại các tích truyện, rất nhiều trường hợp bệnh nhân được hưởng ơn cứu rỗi vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Được xưng thú tội lỗi, được nói lời ăn năn để trở nên trong sạch trước nhan Chúa. Liệu rằng bây giờ, chỉ thấy bóng dáng của những người giúp kẻ liệt mà chẳng thấy tăm hơi các vị thay mặt Chúa thì người sắp ra đi có còn cơ hội. Cho dù tôi vẫn tin rằng, tình thương của Thiên Chúa chẳng phụ thuộc vào bất cứ điều gì ở trần gian.

Mùa Vọng, mùa của chờ đợi, của hy vọng. Hy vọng việc Bảo Vệ Sự Sống không chỉ dừng lại ở chuyện các thai nhi mà bảo vệ Sự Sống Vĩnh Cửu cho mỗi con người. Niềm hy vọng ấy vẫn lớn trong tôi nơi nhiều vị Mục Tử. Cha cố Giuse Phạm Đức Sự, người không bỏ đoàn chiên của mình dù chỉ một đêm, kể cả trong biến cố lịch sử 1975 với câu tuyên bố: “Nếu có phải chết thì con xin được chết với các con chiên của mình và tại Giáo Xứ của con”. Nơi người bạn Linh Mục Giuse Đỗ Đức Trí lập tức bỏ dở buổi khai mạc tiệc họp mặt truyền thống khi hay tin có kẻ sắp qua đời nơi Giáo Xứ xa xôi.

Niềm hy vọng vẫn bừng lên khi thấy cả triệu người vẫn ngày đêm cầu nguyện cho chân lý và sự thật trong sự kiện Thái Hà và Tòa Khâm Sứ. Hy vọng vẫn bùng cháy khi mỗi ngày có những thai nhi được cứu sống. Những hy vọng ấy trở nên một niềm tin vững chắc rằng. Thiên Chúa vẫn tuôn đổ những hồng ân tình yêu của Người xuống cho mỗi con người từng giây từng phút. Thiên Chúa vẫn bảo vệ Sự Sống Vĩnh Cửu cho nhân loại cho dù nhân loại ngày càng tội lỗi và coi thường Sự Sống của chính mình.



Đa Minh PHAN VĂN DŨNG,
Biên Hòa, Mùa Vọng 2008

Theo báo Ephata 398, năm 2008

Sự sống

Sự sống là một mầu nhiệm. Chỉ khi đang sống chúng ta mới cảm nghiệm được sự sống. Sống không chỉ thở hít khí vào rồi thở khí ra hay là tim đập đúng nhịp để đổi dòng máu lưu chuyển. Sự sống là sự sinh động liên tục hỗ tương giữa tất cả các thành phần trong cơ thể. Sự sống không thể tách rời ra khỏi toàn diện thân xác và môi trường.
Các cơ phận không thể sống độc lập mà có một sự liên đới chặt chẽ. Sự lưu chuyển máu huyết trong thân xác làm cho mọi tế bào luôn tươi mới. Mọi tạo vật đều có sự huyền nhiệm mà Đấng Tạo Hóa đã đặt để. Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân (Jer. 1:5). Cho dù một sự sống đơn sơ nhất, con người cũng chỉ có thể lặng thinh mà chiêm ngắm. Trí khôn của con người có giới hạn trong tất cả mọi tiến trình của sự sống. Con người không tạo dựng sự sống. Trong khi đó có nhiều người luôn tìm cách tiêu diệt và phá hủy sự sống. Để bảo tồn sự sống, con người cần phải tôn trọng và quý hóa sự sống của mọi loài.

Ai đã là người mà không bắt đầu đến từ cung lòng người mẹ. Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. (Tv 139:13). Lòng mẹ là nơi an toàn và êm ấm nhất. Ai làm người mà đã không từng trải qua mọi tiến trình phát triển từ phôi thai đến thai nhi. Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự. (Tv 139:16). Chúa tác tạo nên con người trong diễn tiến của thời gian liên tục. Sự sống đi từ quá khứ, trong hiện tại và đạt tới tương lai. Từ khi tượng thai trong lòng mẹ cho đến lúc già nua vẫn chỉ là một hình hài. Con người được Thiên Chúa tạo dựng khác các loài vật. Con người được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và hành động trực tiếp từ Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ (Stk. 1: 27).

Có sự khác biệt giữa tuổi thơ ấu và tuổi trưởng thành, nhưng khi trở thành người lớn họ cũng vẫn là người như trẻ thơ. Những phần chi thể bé xíu của các trẻ sơ sinh và người trưởng thành đều giống nhau. Người lớn có cùng số chi thể như trẻ em. Bất cứ cái gì phát triển nơi người lớn, nó đã hiện diện trong trứng nước nơi trẻ thơ. Con người bắt đầu phát triển qua từng giai đọan từ lúc thụ thai. Sự sống con người phát triển liên tục từ lúc thụ thai cho đến khi chết. Không có gì mới trong tuổi già mà đã không có tiềm ẩn trong tuổi thơ. Êm dịu thay ánh sáng, hạnh phúc thay cặp mắt được thấy ánh sáng mặt trời(Gv 11,7).

Sự sống là qùa tặng cao qúy nhất mà Thiên Chúa ban cho con người. Con người được cộng tác với Tạo Hóa để truyền sinh. Từ những tế bào đầu tiên kết hợp, Tạo Hóa đã đặt để trong đó tất cả linh hồn, hình hài và thân xác. Sự lưu truyền sự sống phát triển từng giây phút liên tục không ngừng nghỉ. Cho dù chúng ta ngủ nghỉ, việc tạo thành vẫn linh hoạt trong mọi hơi thở: Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu. Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài (TV. 139:15-16). Ông Job đã nhận ra mầu nhiệm của sự sống khi ông rơi vào sự cùng khổ cả tinh thần lẫn thể xác. Ông đã tự xác tín: Đấng đã tạo ra tôi trong dạ mẹ không phải là Đấng tạo ra nó hay sao? Cũng một Thiên Chúa đã tạo ra chúng tôi hết thảy. (Job 31:15).


Ngay từ thời Cựu Ước, khi khoa học chưa phát triển, con người đã có những ý niệm về nguồn gốc của sự sống. Sự sống của mọi loài không do con người khám phá ra mà là ân huệ được nhận lãnh. Sự sống được truyền gieo từ đời này sang đời kia. Chỉ có sự sống trao ban sự sống. Con người sống trong xã hội khoa học văn minh có nhiều điều kiện giúp bảo tồn và phát triển sự sống lành mạnh hơn. Con người không thể thay quyền Tạo Hóa để tác tạo nên sự sống. Khoa học chỉ có thể học hỏi các nguyên lý của sự sống và áp dụng vào môi trường phát triển theo tự nhiên. Ông Job đã thốt lên rằng: Chính tay Ngài đã tạo tác nên con, chẳng lẽ Ngài đổi ý mà huỷ diệt? Xin Ngài nhớ cho: Ngài đã tạo ra con bằng đất sét, rồi lại đưa con trở về cát bụi. Há chẳng phải Ngài đã tạo nên con như sữa lỏng, rồi làm con đặc lại như bơ? (Job 10:8). Mỗi một mạng sống con người có thể sẽ là một thiên tài, một vĩ nhân, một khoa hoc gia, một bác sĩ hay một vị thánh trong cộng đồng nhân loại. Mầu nhiệm sự sống là một ân huệ, chúng ta chỉ biết nhân lãnh, không thể làm nên được. Chúng ta có bổn phận gìn giữ, bảo vệ và tôn trọng.

Con người được mang hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành. Bình gốm không thể quay lại nói với người thợ gốm, chúng tôi không cần các ông. Người thợ gốm có thể sắp đặt mọi hình hài và kiểu mẫu theo ý muốn. Bình gốm hiện diện là một công trình diễn đạt khả năng của con người. Chính con người là loài thụ tạo được trao ban các khả năng thích ứng trong mọi hoàn cảnh sống: Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. (Stk 1: 27). Tạo Hóa ban cho các khả năng hiểu biết để con người nhận ra thân phận của mình. Con người chỉ là thụ tạo, chứ không phải là tạo hóa. Nhiều người tưởng mình thông minh tài giỏi chối từ quyền Chủ Tể của Tạo Hóa Chí Công.


Con người hay khoa học có công nhận hay không, sự sống luôn hiện hữu từ lúc bắt đầu và sống liên tục cho tới khi chết. Bất cứ một sự can thiệp làm thương tổn trong tiến trình phát triển của sự sống đều là tội phạm đến con người. Không ai có quyền xác định bao lâu thời gian thai nhi mới có quyền là người. Ngay từ giây phút đầu thụ thai, bào thai đã hàm chứa tất cả sự hiện hữu và chỉ chờ thời gian phát triển. Câu truyện Kinh Thánh, khi bà Isave mới thụ thai được ba tháng, Đức Maria đã đến viếng thăm bà Isave, hài nhi trong lòng bà liền nhảy mừng: “Bà Isave vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.”(Lk. 1: 42).

Mọi sự đều có khởi đầu và kết thúc. Không có thụ tạo nào hiện hữu nửa vời đột nhiên mà có. Trong tất cả các loài thụ tạo đều đi theo một tiến trình phát triển theo thời gian và không gian. Tạo hóa đã sắp đặt sự hiện hữu riêng cho từng loại. Cây cối thảo mộc sinh sôi nẩy nở bằng cách gieo hạt, cấy củ, cấy giây, cấy lá, đẻ cây… Mỗi loài động vật một khác, có loài đẻ trứng, có loài sinh con và có loài tự phân. Thời gian mang thai sinh sản cũng khác biệt tùy theo mỗi loại. Ngày tháng bào thai được ẩn cư trong lòng mẹ bao lâu thời gian dài hay ngắn đã được Tạo Hóa đặt để tùy theo mỗi loại. Sự sống nào cũng là một mầu nhiệm. Ngay những trang đầu của sách Sáng Thế Ký đã mặc khải cho chúng ta về mầu nhiệm sáng tạo. Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất." Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình” (St 1:26-27).

Adam và Eva
 
Để tác tạo nên con người, Tạo Hóa đã đặt để hai giống âm dương, đực cái, trống mái va trai gái để kết hợp, giao hợp hỗ tương và bù đắp để trổ sinh hoa trái. Đây là sự kết hợp trọn hảo nhất. Kết hợp trong tình yêu trao ban và nhận lãnh. Hoa qủa của yêu thương sinh mầm sự sống. Cha mẹ truyền sinh con cái. Cha mẹ được cộng tác vào trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Trách nhiệm lớn lao của cha mẹ là yêu thương và dưỡng dục con cái. Con cái có bổn phận đáp trả tình yêu qua lòng hiếu thảo kính tôn: Cha con, con hãy hết lòng tôn kính và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng. (Hc 7, 27-28). Công ơn cha mẹ như trời biển. Cha mẹ dù sống trong bậc nào đi nữa, dù giầu dù nghèo, học thức hay thất học, phận làm con phải tôn kính và tỏ lòng biết ơn công sinh thành dưỡng dục.


Càng suy chúng ta càng thấy sự sống là một huyền nhiệm. Tạo Hóa đã chia sẻ sự sống với mọi loài. Từ những loài nhỏ bé li ti đến những loài vật khổng lồ và từ những loài sống theo bản năng tự nhiên đến những con người có xác hồn. Tất cả thật là diệu kỳ. Con người là tạo vật cao quý được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Đây là một ân huệ tuyệt vời. Chúng ta hãy cúi đầu phủ phục tôn vinh: Kỳ diệu thay, tri thức siêu phàm, quá cao vời, con chẳng sao vươn tới! Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan? Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài. (Tv. 139: 6-8).

Lạy Chúa, Chúa là chủ của mọi sự sống. Chúa rút hơi thở là mọi loài sẽ đi vào cõi hư vô. Chúa đã ban cho chúng con dư tràn ân lộc để chúng con được sống và sống dồi dào. Xin cho chúng con biết quý trọng sự sống. Cũng xin cho chúng con biết quý trọng từng giây phút mà chúng con được sống và sống xứng đáng. Chúng con dâng lời ngợi khen, cảm tạ và tung hô danh Chúa đến muôn ngàn đời.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng