Home » » Chuyện BVSS và góc khuất của án tử hình

Chuyện BVSS và góc khuất của án tử hình

Án tử hình dành cho tử tội trên lý luận luật pháp có thể chẳng ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của một dân tộc, một quốc gia, nhưng án tử hình mà chúng ta đang dành cho các thai nhi chính là con đường dẫn tất cả đến sự sụp đổ hoàn toàn mà sau đó chắc chắn phải mất nhiều thế hệ, nhiều thời gian, nhiều công sức, nhiều tâm huyết mới có cơ khôi phục lại nền “văn hóa sự sống”, nền “văn minh của tình thương”.

Được biết, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì án tử hình, nhưng hình thức thi hành án sẽ thay đổi, thay vì đem ra trường bắn thì người ta sẽ tiêm thuốc độc cho tử tội đến khi nào chết mới thôi, và sẽ không có chuyện tha chết nếu kẻ tử tội may mắn thoát chết trong thi hành án. Chợt nhớ tới một câu chuyện thế này:

Ở một quốc gia nọ, người ta khao khát sự công bằng và họ nghĩ chỉ có công bằng mới giải quyết được các vấn đề xã hội. Thế nên, mới có luật rằng: Ai từng giết người theo cách nào thì rồi cũng sẽ bị giết theo cách như thế. Giết người là phải đền mạng.

Một lần, có một công nhân xây dựng té từ trên lầu cao xuống đất. May mắn cho ông, ông không chết nhưng lại rơi trúng phải một công nhân khác đang làm việc dưới mặt đất và làm cho người này tử vong. Ra tòa, vị quan tòa chỉ xử ông án tù vì cho rằng đây là tai nạn, con trai của người chết không đồng ý, anh nêu ra luật và yêu cầu phải tử hình, giết người phải đền mạng kia mà.

Thuyết phục thế nào cũng không được, cuối cùng, vị quan tòa phán: Tòa đồng ý xử người công nhân tội chết, bị cáo làm người ta chết thế nào thì sẽ chết y như vậy. Ông ta sẽ phải đứng ở dưới đất, còn anh con trai của nạn nhân sẽ từ trên lầu cao nhảy xuống đúng vào chỗ bị cáo, và như vậy án tử hình sẽ được thi hành một cách công minh. Anh con trai của nạn nhân tái mặt kinh hồn, vội vàng xin bãi nại ngay lập tức.

Đây chỉ là một truyện kể lưu truyền trong dân gian, nhưng nó có thể cho chúng ta thấy phần nào hạn chế về vẻ muôn màu muôn mặt của một xã hội đời thường. Đối với án tử hình, nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra sôi nổi, rằng nên bỏ hay nên giữ lại, đôi bên bất phân thắng bại. Nhiều quốc gia thì cho rằng: sự sống của con người là quý giá nhất, là bất khả xâm phạm, nên đã bỏ án tử hình, còn một số quốc gia khác thì lại cho rằng cần phải duy trì án tử hình để thực thi công lý, hơn nữa, nó lại còn có tính răn đe giáo dục cao trong xã hội. Lập luận kiên quyết của phe chủ trương duy trì án tử hình là: kẻ phạm tội ác thì không còn khả năng hối cải, cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội.

Nói về án tử hình, để kết tội chết cho một người nào đó, người ta phải qua các tiến trình điều tra, tố tụng, luận tội, bào chữa, xem xét các khả năng, điều kiện… Nếu có thể giảm nhẹ hình phạt thì sẽ giảm nhẹ. Một khi quan tòa đã quyết bằng một bản án tử hình, bị can được quyền chống án và có thể qua nhiều phiên tòa khác nhau để xác định lại hành vi phạm tội. Cuối cùng tội nhân đó vẫn được quyền làm đơn gửi cấp cao nhất để xin tha tội chết, nếu được chấp thuận thì sẽ được tha chết, nếu không, đành phải chờ ngày thi hành án, thời gian có khi kéo dài nhiều năm hoặc cả chục năm trời.

Nhớ lại một số các tòa án thời chiến tranh như tòa án binh hay các phiên tòa lưu động thời cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam, người ta mang tội nhân ra để tra xét trước “quần chúng nhân dân”, tuyên án và đem ra xử bắn ngay lập tức, chẳng kịp trăng trối gì cả.

Từ cổ chí kim, con người nghĩ ra đủ thứ cách để thi hành án tử hình. Treo trên thập tự, ném đá, hỏa thiêu, xử giảo, chặt đầu, lăng trì, tùng xẻo, vạc dầu, kiến đốt, chôn sống, voi dày, ngựa xé, đóng cọc, thả trôi sông… hay như hiện nay thì xử bắn, treo cổ, hoặc hiện đại hơn thì tiêm thuốc độc hay ngồi ghế điện v.v… Kiều nào thì kiểu, tội nhân chỉ có chết trong đau đớn và tủi nhục, thậm chí thân xác chưa chắc đã được chôn cất đàng hoàng tử tế, nhiều nơi còn bị ăn cắp các bộ phận cơ thể đem bán cho các bệnh nhân nhà giàu đang cần !

Vâng, hầu hết các người phải chịu án tử hình đều là những kẻ từng trót phạm hay cố tình phạm tội ác, tuy nhiên lại cũng luôn có nhiều người oan ức, hoặc rất nhiều người phải chịu chết chỉ vì dám chứng minh cho một Chân Lý, như các Thánh Tử Đạo. Chỉ là một án tử hình nhưng cho chúng ta thấy loài người hành xử với nhau hết sức man rợ tàn nhẫn, đặc biệt đối với các hình thức tử hình gây kinh hoàng và đau đớn tột cùng trước khi chết.

Thống kê cho thấy, với một quốc gia, hàng năm, án tử hình có thể chỉ là vài trăm, thậm chí vài chục là cùng, chỉ trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, một năm, người ta có thể thực hiện án tử lên đến con số hàng ngàn. Văn hào St-Exupéry người Pháp, trong tác phẩm “Cõi người ta” (Terre des hommes) đã từng viết: “Bạn không được phép đặt dấu chấm hết cho một con người” vậy mà án tử hình chính là dấu chấm hết như vậy đó. Có công bằng hay không ?!?

Các quốc gia đã bỏ án tử hình nhưng có một nền giáo dục văn hóa cao lại không nhiều tội phạm bằng những quốc gia vẫn tiếp tục duy trì án tử hình, Phải loại bỏ kẻ đã phạm tội ra khỏi đời sống xã hội sao ? Còn có nhiều cách khác để thực hiện điều đó kia mà. Riêng tôi, xin được đề nghị cùng suy xét bằng câu chính Đức Giêsu đã dạy: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá người này trước đi” (Ga 8, 1 – 11). Vâng, chính tôi, chính chúng ta, những kẻ cũng ít nhiều phạm tội, tội nhẹ, tội nặng, có khi cả tội ác như phá thai nữa, chẳng ai lại có quyền phán quyết sự sống của người khác.

Vâng, tôi sẽ không viết những suy tư của mình về án tử hình nếu như thực trạng xã hội hôm nay không có những góc khuất tối tăm của nó. Góc khuất tối tăm ấy nằm trong vấn đề “Bảo Vệ Sự Sống – Chống phá thai”. Hàng mấy triệu thai nhi, một cách nào đó, cũng đang bị kết án tử hình hàng năm ngay trên chính đất nước chúng ta, đang khiến cho lương tri, nhân phẩm và quyền sống con người đến bờ vực của sự chết chóc kinh hoàng.

Sự việc bi thảm đến như vậy nhưng sao chưa được các vị lãnh đạo đất nước, các vị lãnh đạo tôn giáo hay các vị trong ngành giáo dục, y tế v.v… quan tâm đúng cách, đúng tầm trên bình diện vĩ mô, mà cứ làng nhàng heo hắt mãi, nếu có đá động chỗ này chỗ kia thì cứ như gãi ngứa cho con quái vật này càng thêm hung ác.

Mới mấy ngày qua, người ta đã tổ chức họp hành học tập gì đó về vấn đề cân bằng giới tính nam nữ trong tự nhiên, họ cảnh báo, họ bảo phải đối phó vì cho rằng đến năm 2020, hàng triệu thanh niên Việt Nam sẽ không có cơ hội lấy vợ vì làm gì… còn đủ phụ nữ nữa ! Trong hội thảo, hình như người ta né tránh vấn đề then chốt của hậu quả trên là do nạo phá thai mà thay thế bằng những cụm từ đại loại như tại vì trọng nam khinh nữ, cần phải học tập tấm gương của Hàn Quốc v.v… Chúa ơi, đến mấy triệu thai nhi bị giết đi hàng năm thì lấy đâu ra cái mà cân bằng, thật là không hiểu nổi !

Nhiều chức sắc của các tôn giáo, đặc biệt là Công Giáo chúng ta, vẫn còn e ngại chuyện đụng chạm thế này, thế nọ, mà không dám cất lên tiếng nói chính thức của mình, trong khi tội ác phá thai cứ hoành hành ngày càng kinh khủng. Hai ngành liên quan mật thiết là giáo dục và y tế thì cứ vô tư kiếm tiền, tạo thành tích, đem hết thế hệ này đến thế hệ khác để thử nghiệm các phương pháp đổi mới thế này, đổi mới thế kia nhưng kết quả thì chẳng giống ai, cũng chẳng ra làm sao cả, chỉ ngày một suy thoái băng hoại con người mà thôi.

Chúng ta biết rõ, đối với một tử tội bị thi hành án tử hình, cứ đúng quy định pháp luật, còn được quyền này quyền kia, còn được có thời gian cho dù ít ỏi, còn được quan tâm cho ăn cho uống, cho viết di thư trước khi chết… Thử hỏi, hàng triệu các thai nhi kia có cháu bé tý hon nào được những đặc quyền như thế, mà chỉ biết giương đôi mắt trong veo của mình để hỏi với mọi người đến dự phiên tòa xử án bé rằng: “Tại sao con lại phải chết ?”

Quan tòa ở đây là một số y bác sĩ thiếu trình độ và thiếu lương tâm, đã tư vấn phán quyết bừa bãi rằng quái thai này dị tật nọ. Những người cha mẹ họ hàng chung huyết thống của các cháu thì cho rằng bé đến không đúng lúc, vỡ kế hoạch, dư thừa, chỉ là gánh nặng không cần thiết. Xã hội thì cho rằng bé sẽ là nguyên nhân của đói nghèo lạc hậu cho kinh tế của cả một đất nước…

Cuối cùng, người ta lạnh lùng đặt dấu chấm hết cho cuộc sống của các cháu bé ngay từ trong bụng mẹ. Hoàn toàn các cháu chẳng được bào chữa biện hộ một lời, chẳng được than van, chẳng có được tí teo đặc ân đặc quyền nào trước khi phải chết, thật oan uổng xót xa !

Ai cũng đã nghe và đã biết, hơn ba triệu án tử hình cho các thai nhi hàng năm vẫn đang diễn ra trên chính đất nước này. Rồi đây, lẽ tồn vong của cả dân tộc, văn hóa, đạo đức, lương tâm, nhân ái, công bằng hay nói một cách nôm na như ông bà ta thường nói, Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín, hay Công – Dung – Ngôn – Hạnh của người Việt Nam chúng ta sẽ đi về đâu ?

Án tử hình dành cho tử tội trên lý luận luật pháp có thể chẳng ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của một dân tộc, một quốc gia, nhưng án tử hình mà chúng ta đang dành cho các thai nhi chính là con đường dẫn tất cả đến sự sụp đổ hoàn toàn mà sau đó chắc chắn phải mất nhiều thế hệ, nhiều thời gian, nhiều công sức, nhiều tâm huyết mới có cơ khôi phục lại nền “văn hóa sự sống”, nền “văn minh của tình thương”.

Góc khuất ấy rồi đây sẽ không còn là một góc khuất nếu con người không biết tỉnh ngộ. Bóng tối tội lỗi của nó rồi sẽ bao trùm lên tất cả để chính chúng ta và các thế hệ tương lai sẽ phải tự ký cho mình một bản án khủng khiếp nhất, bản án tử hình đời đời !

Đaminh PHAN VĂN DŨNG, 10.2011

Theo hanhtrinhdanchua.net

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét