Home » , , » Đại ca giang hồ và “nghiệp” bới rác tìm xác hài nhi để đi chôn

Đại ca giang hồ và “nghiệp” bới rác tìm xác hài nhi để đi chôn

Người đàn ông từng là đại ca giang hồ một thời hằng đêm lặng lẽ đi bới rác để tìm xác hài nhi. Một nghĩa trang dành cho những sinh linh xấu số đã được ông lập nên ở bãi rác Đá Mài.


Anh Ngô Văn Quyền, “ông chủ” của nghĩa trang hài nhi ở bãi rác Đá Mài.
LTS: Tạo hóa cho con người quyền sống và khi chết đi được yên nghỉ theo những cách tôn kính nhất. Thế nhưng, với những hài nhi bị tước quyền sống ngay từ trong bụng mẹ thì còn có số phận không thể phũ phàng hơn.

Nhiều người đặt câu hỏi, ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, nơi tập trung đông dân thì sau khi tước bỏ quyền sống, cả ngàn hài nhi ấy sẽ được chuyển đi đâu, an táng thế nào?


Trả lời câu hỏi đó, chúng tôi đã tận thấy một sự thật kinh hoàng, phần lớn những hài nhi đó được người ta chuyển thẳng vào… bãi rác.

Phần 1: Một trưa bới rác tìm được… 67 hài nhi xấu số
Phần 2: Chiếc tủ lạnh chứa đầy xác em bé và “biệt đội săn trộm” hài nhi

Sao người ta ác thế!


Người dân xứ chè gọi anh Ngô Văn Quyền, ở xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) là “vua bãi rác” bởi anh đã có ngót 20 năm mưu sinh bằng nghề nhặt rác ở Đá Mài, bãi rác lớn nhất tỉnh Thái Nguyên.

Anh Quyền vốn là một đại ca giang hồ “số má”. Rửa tay gác kiếm, người đàn ông từng trải ấy ẩn mình ở bãi rác Đá Mài để làm lại cuộc đời.

Chuyện về đại ca giang hồ hoàn lương từ rác bẩn thì cũng không có nhiều điều đáng nói nếu như hơn chục năm trước, anh không làm một việc khiến thiên hạ giật mình, xa xót.

Ngay tại bãi rác Đá Mài, nơi gia đình anh vẫn mò mẫm kiếm cơm, anh cho xây dựng một nghĩa trang chỉ dành để chôn cất những hài nhi xấu số mà anh và mọi người vô tình tìm thấy trong quá trình bới rác mưu sinh.


Những thành viên trong một nhóm thiện nguyện đang “gói ghém” những hài nhi xấu số.

Những hoài niệm quanh chuyện “bới rác thấy hài nhi” của anh Quyền như những thước phim rùng rợn, đau đớn. Đó là hình ảnh những đứa trẻ lấm lem rác bẩn, toàn thần đã nát bấy bởi bị va đập mạnh.

Gia đình anh Quyền là hộ dân duy nhất đang định cư ở bãi rác Đá Mài. Hôm chúng tôi tìm đến, anh không có nhà. Biết chúng tôi là nhà báo, chị Nguyễn Thị May, vợ anh Quyền có phần ái ngại.

Chị không muốn báo chí viết về cái nghề theo nhiều người thì chẳng mấy thanh cao của gia đình. Con cái anh chị đã lớn, có đứa đang học đại học, chị sợ chúng xấu hổ với bạn bè về công việc mà bố mẹ chúng đang làm.

Bởi thế, chị giấu biệt “tung tích” của chồng. Tuy nhiên, khi chúng tôi nói về những hài nhi mà vợ chồng chị cùng mọi người lượm được thì chị không giấu nữa. Chị bảo, cái này phải nói cho mọi người biết để cảnh tỉnh, ngăn ngừa.

“Sao họ lại ác thế, giọt máu của mình cơ mà. Nếu có chuyện gì mà không cứu, không giữ được những đứa trẻ ấy thì thiếu gì chỗ chôn cất. Sao lại vùi con mình vào rác!”, chị May nói bằng nét mặt buồn buồn.

Nói rồi chị bấm điện thoại cho chồng. Chỉ một lát sau, anh Quyền về trên chiếc xe xộc xệch.

Từ đại ca giang hồ thành “vua bãi rác”


Anh Quyền nhỏ thó. Trên mặt có một sẹo dài là dấu tích của một thời giang hồ nông nổi. Anh bảo, mình là người “khai sinh” ra nghề nhặt rác ở bãi này. Và giờ, “tập đoàn nhặt rác” do anh trực tiếp quản lý đã lên tới hơn 40 người.

Họ là những người dân nghèo sống quanh vùng bởi chẳng có nghề ngỗng gì nên bấu chặt đời mình vào rác. Anh Quyền đông anh em. Bởi bố mẹ chia ly đôi ngả nên thuở thanh niên, như con ngựa bất kham, anh thành người khó trị.

Lớn lên chút nữa, anh lang bạt khắp các bãi vàng từ Thái Nguyên đến Cao Bằng và sau nhiều cuộc đâm chém thì thành một đại ca khét tiếng.

Sau lần thứ hai phải “ăn cơm tù, mặc áo số”, thấy cuộc sống giang hồ nhiều mệt mỏi, anh Quyền quyết định về quê để làm lại cuộc đời.


Vết sẹo dài trên mặt anh Quyền, dấu tích của tháng ngày giang hồ nông nổi.

Về quê, lẩn tránh cám dỗ, anh Quyền vào bãi rác Đá Mài trông rừng thuê cho một người bạn. Ẩn mình trong những cánh rừng ngút ngát được ít thời gian thì người bạn này không thuê nữa.

Đang không biết lấy gì để sống thì một buổi đi ngang qua bãi rác, anh Quyền vô tình thấy vài vật dụng có thể còn có ích được người ta vứt trong núi rác khổng lồ.


“Không thể quay về con đường cũ được nữa, nhặt rác mà sống lương thiện thì cũng chẳng sao”
, khi đó người đàn ông này đã nghĩ vậy. Vậy là ngay hôm sau, anh bàn với vợ rồi xin ban quản lý bãi rác cho mình sống bằng cái nghề mà theo nhiều người là mạt hạng này.

Nghe chồng nói vậy, chị May cũng chỉ biết gật đầu. Chả biết trong bãi rác có gì, có nuôi nổi gia đình hay không nhưng cứ đồng ý đã. Chị sợ nếu để chồng ra ngoài thì thói hư tật xấu lại cuốn anh đi.

Ngày ấy, xe chở rác dồn rác từ thành phố về vào ban đêm. Vợ chồng anh Quyền cũng phải làm việc khi mọi người đang yên giấc bởi không tập trung bới nhanh thì rác ấy sẽ được máy xúc dồn hố.

“Ngày ấy con tôi còn nhỏ lắm, giữa đêm nó cũng phải thức cùng bố mẹ. Cứ vứt nó ở trong cũi rồi hai vợ chồng ra làm thôi, nghĩ cũng thấy tội”, anh Quyền nhớ lại.

Hãi hùng bới rác… được người

Nói về chuyện bới rác bới được cả hài nhi, anh Quyền đang sôi nổi bỗng dưng im lặng rồi rít thuốc thật sâu. “Tôi chẳng sợ trời, chẳng sợ đất nhưng chuyện này thì sợ thật”, giọng đều đều, anh Quyền nói.

Anh Quyền cho biết, tất thảy những hài nhi mà anh và mọi người vô tình nhặt được ở chốn xú uế này đều đã đầy đặn hình hài. “Đứa nào đứa nấy tóc đã đen nhánh rồi, thành người cả rồi, thế mà…”, anh Quyền buồn bã.

Theo “vua bãi rác” này thì hài nhi đầu tiên mà mọi người ở bãi rác phát hiện vào năm 2000. Đêm ấy, khi mọi người túa đi làm thì một bà bới được chiếc thùng xốp lớn được dán băng keo cẩn thận.


Nghĩ được món hời, bà này đã vội vã mở ra xem. Vừa bật lắp thùng thì bà này hét toáng lên rồi nằm vật ra đất. Thấy thế mọi người lăn xả đến. Ngó vào chiếc thùng, đám đàn bà con gái chỉ kịp ú ớ vài câu rồi ù té chạy.


Hài nhi đầu tiên anh Quyền và mọi người tìm thấy ở bãi rác được chôn ở góc ngoài cùng bên phải, hàng dưới.

Trong thùng là đứa trẻ tím ngắt và người ta đã đặt nó vào trong thùng xốp được vài ngày bởi tử khí bốc ra nồng nặc. Khi mọi người còn đang phách lạc hồn siêu thì anh Quyền cùng mấy người đàn ông bạo gan đã đưa hài nhi đó vào lều.

Sau khi báo cáo với các cơ quan chức năng, anh Quyền tiến hành các thủ tục mai táng cho hài nhi xấu số.

“Chúng tôi tắm rửa cho bé bằng nước chè xanh, rồi tắm bằng rượu nữa. Mỗi người góp một ít để mua quần áo, khăn vải, vàng hương để an táng cho bé”
, anh Quyền kể.


Anh Quyền chọn quả đồi thoải ở ngay gần bãi rác làm nơi an nghỉ cho hài nhi vùi mình trong rác ấy. Đó là nấm mồ vô danh, trên tấm phiến đá ở gần mộ anh chỉ khắc ngày giờ chôn cất.

Lần vô tình tìm được thi thể hài nhi ấy khiến mấy người yếu bóng vía trốn biệt, mấy đêm không dám tới bãi rác mưu sinh. Khi đi làm thì những phu rác ấy chẳng dám “đánh quả lẻ” nữa mà cứ túm tụm vào nhau bởi sợ.

(Còn nữa)


Nguồn: Soha

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét