Home » , , » Mái ấm mẹ đơn hành: "Siêu mẫu"

Mái ấm mẹ đơn hành: "Siêu mẫu"

Khó mà tưởng tượng, chính mái nhà này, chính người phụ nữ này mới đây vừa đón lấy từng “đứa trẻ” đôi mươi trong những ngày đầu đầy nước mắt.

Ở Nhà của bố (thuộc tổ chức Trả lại tuổi thơ, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), để hạn chế việc bỏ rơi hoặc bán con, người mẹ được quy định phải lưu trú đến sáu tháng sau sinh, phải có trách nhiệm nuôi đứa trẻ hoặc tiếp tục đi học nếu muốn ở thêm tại mái ấm.

Dìu dắt qua biến cố cuộc đời, gánh vác thêm cuộc sống của trẻ, chuyện học hành của mẹ, mọi vất vả đổ dồn lên vị bảo mẫu - người được gọi là “mẹ của các bà mẹ”, còn được gọi dí dỏm là… “siêu mẫu”.


 "Bấu vào tay dì đi con!"

Đi học về, vừa với tay xốc đứa con trai 18 tháng tuổi lên bế, vừa nhìn mâm cơm được bày biện đẹp mắt, Hoàng Vy(*) hớn hở: “Con nhìn là biết ngay dì Mai nấu nè, hoa hòe dữ!”. Mấy chị em đang thay quần áo trong phòng cũng nhao nhao nói với ra, trêu ghẹo “dì Mai hoa hòe”.

Người phụ nữ trung niên đứng trong bếp, quay sang cười hiền, rồi vờ hờn dỗi: “Tui nấu nướng vậy đó, ai chê thì... tui mừng!”. Đám con gái phá lên cười, Hoàng Vy vừa xoa xoa bụng, vừa nói giọng hài hước: “Sáng giờ đi học chỉ nghĩ đến mâm cơm này, giờ... dại gì mà chê!”.

Tíu tít phụ xếp chén đũa, Hoàng Vy tiếp tục í ới, trêu ghẹo dì Mai, rồi cùng cả hội con gái bật cười trước những phản ứng... hiền khô của người bảo mẫu tốt bụng, bao dung.

Toàn con trẻ và những cô gái độ mười mấy, đôi mươi, những lúc trẻ con không ngủ, nhà cửa nếu không ầm ĩ như trường mẫu giáo giờ ra chơi, thì cũng rôm rả như ký túc xá sinh viên.

Ngồi giữa một bữa cơm trưa như thế, người ta khó lòng tưởng tượng, chính mái nhà này, chính người phụ nữ trung niên này mới đây đón lấy từng “đứa trẻ” đôi mươi kia trong những ngày đầu đầy nước mắt, những đêm trắng hoang mang, run rẩy giữa những tin tưởng và sợ sệt, cùng những tháng năm tranh đấu không ngừng - giữa hoài bão thanh xuân và gánh nặng làm mẹ, mà bao lần bà bất chợt muốn ngồi xuống, nghỉ mệt, để lại gượng dậy, lao đi...


Một cuộc “họp nhà” ở Nhà của bố
Đồng hành cùng Nhà của bố từ những ngày đầu thành lập, với 55 sản phụ được cưu mang trong hàng năm trời cùng những nỗi lo con cái, sinh hoạt, học hành; tám năm nay, bà Nguyễn Thị Mai (SN 1961, Điện Bàn, Quảng Nam) như người mẹ chung của những bà mẹ đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Có đợt cao điểm, mái ấm cưu mang cùng lúc 16 sản phụ, năm cô mới sinh, năm cô đã đến trường sau thời gian ở cữ, còn lại là sáu bà bầu. Nhà chỉ cách mười mấy cây số, nhưng có khi hàng tháng trời bà Mai không về.

Mỗi lần tranh thủ được một ngày cuối tuần để về nhà, vừa leo lên xe, bà Mai đã nghe trong điện thoại í ới mấy cuộc gọi: “Dì ơi, bé Su sốt rồi!”, “Dì ơi, tối nay con xin phép về trễ”, hay “Dì ơi, con có... ăn canh chua được không?”. Với bà Mai, những đêm ở nhà là những đêm mất ngủ, khi lòng cứ bề bộn những mường tượng, lo toan cho bao trẻ lớn, trẻ nhỏ ở mái ấm.

Buổi tối, sau khi đi hết một lượt qua các mẹ bầu đang lục tục chuẩn bị đi ngủ, bà Mai lại leo lên gian nhà của những bà mẹ mới sinh. Ở đó, xen lẫn giữa những bà mẹ đang nằm ngủ ngon lành là những cô sinh viên vừa cho con bú, vừa... ngáp.

Thi thoảng, khi đứa trẻ quấy khóc, người mẹ nằm cạnh lại uể oải ngồi dậy, thay tã rồi vẫn mắt nhắm mắt mở, vừa vỗ vỗ lưng con, vừa nằm xuống ngủ tiếp sau khi... vứt bừa tấm tã dơ xuống bên giường. Thường, sáng dậy, các mẹ sẽ thu dọn giường chiếu, phòng ốc sạch sẽ như quy định ở Nhà của bố, nhưng những lần ghé lại giữa đêm, bà Mai đã lặng lẽ thu gom tã sữa, để lại cho gọn gàng.

Nhà có một máy giặt chung để giải quyết chuyện giặt giũ cho cả mẹ và bé. Nhưng máy giặt thường khiến tã nhanh hư cũ, tiêu chuẩn chương trình cấp về thì có hạn, bà Mai hay khuyên các mẹ nên tranh thủ giặt tay để tiết kiệm tã cho con. Vâng lời được ít hôm, những khi quá bận bịu, các mẹ vẫn bỏ hết quần áo, tã yếm của con vào máy giặt, rồi quay qua “dì Mai”, cười cầu hòa: “Bấm nút một cái là xong!”.

Thương trẻ, những lúc rỗi rãi, bà Mai thường tranh thủ thu gom hết tã, quần áo em bé đi giặt. Việc đó dần dà trở thành việc của bà . Những ngày mái ấm nhiều trẻ sơ sinh, mỗi sáng, các trẻ lại “chào” bà Mai bằng năm thau đồ đầy kín.

Quy định ở đây là các mẹ phải nỗ lực để tự lập trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng “dì Mai” thường hay phá lệ, bởi: “Tụi nhỏ đi học về mệt, sáng dậy lại phải chật vật chuẩn bị để đến lớp cho kịp giờ, thời gian đâu...”

Ngoài một trường hợp được nhà người yêu đến nhận về, cưới hỏi, 54 người mẹ được Nhà của bố cưu mang là 54 lần bà Mai vào viện nuôi đẻ. Đứng bấu víu vào thành giường trong phòng chờ sinh, quằn quại với cơn chuyển dạ, mỗi lần cơn đau lên cao trào, Thanh Nga lại nhắm mắt lại như đang lịm đi. Đến lúc mở mắt ra lại nhìn vào gương mặt đầy âu lo vẫn đang chăm chú nhìn mình, Nga run rẩy: “Con đau quá dì ơi!”.

Lặng lẽ quan sát nét mặt đau đớn của Nga nãy giờ, dì Mai nhẹ nhàng dỗ dành: “Ừ ừ, dì biết rồi, sinh con mà, phải đau chứ, ráng chút nữa đi con, bấu vào tay dì đây nè”.

Bà Mai chưa dứt lời thì cô gái đã bấu mạnh vào cánh tay bà, mắt nhắm nghiền như đang vào một cơn quặn thắt khác. Đã từng trải bao lần, đã biết chắc rằng chỉ sau vài bận như thế thôi, đứa trẻ sẽ oe oe chào đời, nhưng lần nào chứng kiến cơn chuyển dạ của các mẹ trẻ, bà Mai cũng quặn lòng.

Nghề "tỉnh táo viên"

Hai tiếng “dì ơi” non nớt, yếu đuối mà đầy tin cậy cứ rịt giữ, cuốn lấy người bảo mẫu với những lo toan. Nhưng, “để quán xuyến mọi việc, nếu chỉ có tình thương thôi thì không đủ, bảo mẫu phải giống như... “tỉnh táo viên” vậy” - chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, quản lý Nhà của bố chia sẻ.


“Dì Mai” (bìa trái), hai em nhỏ trong Nhà của bố và các tình nguyện viên
Một lần, khi đã lo liệu đâu đó chuyện bếp núc, nhà cửa, bà Mai khệ nệ bưng một thau nước ấm lên phòng, chuẩn bị hơ mặt, lau người cho Ngọc Thủy - mới sinh xong. Vừa tới cửa, nghe người mẹ nằm trên giường hét lên: “Dì ác vừa thôi, sao bắt người ta xông nước nóng hoài vậy!”, bà Mai khựng lại, ngỡ ngàng. Gương mặt sưng sỉa, Thủy tức giận đẩy đứa con đang bú ra khỏi vòng tay, quay phắt vào bên trong. Đứng như trời trồng hết mấy giây, bà Mai mở lời gợi chuyện: “Con không hơ mặt thì lau người thôi, được không?”. Vẫn quay mặt vào tường, Thủy hét lên: “Không!”.

Đứng chờ đợi thêm một lát, thấy tình thế không biến chuyển, đứa trẻ lại bắt đầu khó chịu, loay hoay tìm mẹ, bà đành khệ nệ bưng thau nước trở xuống. Trong những ngày băn khoăn tìm cách lý giải những biểu hiện bất cần, trẻ con của Thủy, bà Mai lại phải tất tả vào ra bệnh viện khi đứa con trai của cô được phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh.

Ở nhà, với biểu hiện kích động ngày một nghiêm trọng, Thủy được đưa đi khám thì được phát hiện mắc chứng trầm cảm sau sinh. Nghe tin, bà Mai... thở phào, tự an ủi rằng mình đã không nổi nóng trước những biểu trẻ con của Thủy. Bản tính hiền lành, lại được đào tạo qua nhiều lớp học sức khỏe tinh thần dành cho người làm việc trong mái ấm, bà Mai hiểu rõ sức tàn phá của cơn giận dữ trước những con người mong manh.

Nhiều buổi tối yên ả, đang cùng vài đứa trẻ ngồi xem ti vi phía trước, bà Mai thấy một người mẹ lầm lì bước ra, nói: “Dì, cho con họp nhà!”. Những buổi họp nhà như thế thường chẳng có gì vui, nếu không phải vì mẹ nào đó bỏ bê trực nhật, thì cũng do các mẹ hiểu lầm, xích mích, muốn họp công khai... từ mặt nhau. Nguyên nhân thường xuyên nhất của những lần xin họp nhà là do các em bé đánh nhau để giành đồ chơi, rồi các mẹ cãi nhau để giành phần thắng cho con.

Từ văn phòng xuống, chị Ngọc Anh vào vai người nghe, để “dì Mai” từ tốn chỉ định từng người trình bày, rồi xin ý kiến của cả những mẹ không liên quan. Nghe thấu đáo đâu đó, chị Ngọc Anh mới bắt đầu phân tích.

Rồi, tới lượt mình, bà Mai đặt người này vào vị trí của người kia, nhắc về những những lúc cậy nhờ, nương vịn vào nhau mà đi qua một nỗi cơ cực nào đó, đánh thức trong những người mẹ đang giận dữ những niềm trắc ẩn luôn chìm khuất trong lòng những người đồng cảnh ngộ, lại cùng tạm lánh trong một mái nhà.

“Mọi cơn nóng nảy đều nguội lạnh trong Nhà của bố tám năm qua” - chị Ngọc Anh chia sẻ. Lắm khi, cuộc họp nhà đó lại nhằm vào chính... dì Mai, do những lần “dì... ru đứa này ít hơn đứa kia”, “dì chỉ để ý đến bé Liễu”, hoặc “con hỏi mà dì không trả lời”.

Có những mẹ lớn tiếng, nặng lời, tung hê hết thảy, rồi đến đêm lại ngồi viết một lá thư dài... xin lỗi dì. Những lần đó, trước khi phì cười vì những so bì trẻ con của những người mẹ trẻ, bà Mai cũng hụt hẫng.

Một mình chăm nhiều trẻ, mà mỗi trẻ phải chăm theo mỗi cách khác nhau, vậy nên, khi những nỗ lực cân bằng công việc được đáp lại bằng những chấp nhất, so bì, bà cũng buồn giận. Nhưng, buồn giận qua mau. Những khúc mắc ấy càng khiến bà thấm thía sự thiếu thốn tình thân của những cô gái lúc vui vẻ đùa giỡn, khi dễ dàng nổi giận này.

Ngày mừng tốt nghiệp của người mẹ cũng thường là ngày tiễn hai mẹ con ra khỏi Nhà của bố. Những lần đó, bà Mai lại lục soạn giấy tờ bỏ hết vào một bì nhựa nhỏ, trao cho “con gái”, dặn dò: “Giấy chứng sinh, sổ tiêm ngừa của em, sổ bảo hiểm của hai mẹ con ở hết trong này, con đem chứng minh nhân dân bỏ vào đây nữa rồi đi đâu cũng nhớ đem theo nghe con!”.

“Lúc đó tụi nó khóc sướt mướt, đầu cứ gật gật mà chẳng nhớ gì, rồi lâu lâu lại gọi xuống, hỏi dì giấy chứng sinh đâu, sổ tiêm ngừa đâu... hoài” - bà Mai cười mà mắt đỏ hoe.

Minh Trâm - Diệu Hiền


Theo PhuNuOnline

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét