Home » , , » Mái ấm mẹ đơn hành: Nhà của bà ngoại

Mái ấm mẹ đơn hành: Nhà của bà ngoại

Hơn trăm đứa trẻ được đỡ đầu, cưu mang chỉ đổi bằng sự an ủi, khi nó được nhắc đến bởi một người từng đi thu gom hơn 6.000 xác thai nhi.

11g30, chiếc xe bán tải đỗ xịch trước sân nhà ông Nguyễn Đình Chi (thôn Phước Lợi, xã Phước Đồng, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). 13 đứa trẻ khoảng năm - chín tuổi tràn xuống xe, thi nhau chạy vào, “thưa ông ngoại”. “Ông ngoại” ngồi xuống bậc thềm, xoa đầu những đứa trẻ đang cuống quít cởi giày, rồi dí dỏm pha trò, hỏi chuyện trên lớp.

Trong căn bếp có ô cửa sổ nhìn ra mái hiên, “bà ngoại” Nguyễn Thị Kim Liên vừa pha nước, vừa nhìn ra, khi tủm tỉm cười, khi đăm chiêu theo dõi những mẩu chuyện con con mà lũ trẻ đang tranh nhau kể. Gian nhà rộng thênh vừa mới yên tĩnh, vắng lặng bỗng chật chội, rộn rã...


Gom nhặt, chôn cất 11.000 thai nhi

Đó là một buổi tan trường của 13 đứa “cháu ngoại” còn lưu trú lại mái ấm Thiện Tâm trong số hơn một trăm đứa trẻ đã được vợ chồng ông Chi cưu mang cùng những người mẹ lầm lỡ suốt 11 năm trời.

Nhắc đến 11 năm nuôi bầu, lo chuyện sinh nở, rồi hỗ trợ cho hơn 117 cặp mẹ con “tái hòa nhập” với cuộc sống, ông Chi nói nhẹ tênh: “Làm vậy cũng an ủi tôi phần nào”. Hơn trăm đứa trẻ được đỡ đầu, cưu mang mà chỉ đổi bằng sự an ủi, khi nó được nhắc đến bởi một người từng đi thu gom, lượm nhặt hơn 6.000 xác thai nhi.

“Ông ngoại” Đình Chi, “bà ngoại” Kim Liên đang chăm sóc một trẻ bị bệnh

Bắt đầu từ việc chôn cất những thai nhi vô tình nhìn thấy trên những bãi biển vắng, năm 2004, khi con cái thành đạt, vợ chồng ông Chi nghỉ trồng trọt, chăn nuôi, dành trọn “kỳ nghỉ hưu” cho việc kiếm tìm, an táng những bào thai bị nạo phá.

Sau thời gian đào xới ở các bãi rác, ông Chi đến lục tìm trong thùng rác ở những cơ sở y tế tư nhân. Thai nhi bị nạo phá thường bỏ trong những túi ni lông màu đen, hoặc trong bao cao su, khi nằm lẫn lộn trong rác thải thông thường của bệnh viện, khi trong cái xô, đặt cạnh thùng rác. Quen với công việc của vợ chồng ông Chi, thời gian sau, nhân viên y tế lặng lẽ “làm dấu” túi đựng bào thai bằng cách dùng một loại bao bì nhất định, để ở vị trí cố định.

Cùng vài người bạn, ông Chi thu dọn bốn sào đất trên núi Hòn Thơm, làm một nghĩa trang thai nhi. Những cơn rùng mình, khiếp sợ lúc vô tình bắt gặp những thai nhi bên đường đã bớt dần đi. Mỗi ngày, mang những bào thai về nhà, bà Liên dùng rượu để vệ sinh tươm tất, rồi bỏ vào niêu đất, hoặc quách gỗ, đem lên nghĩa trang, cẩn thận chôn cất. Nắm đất được vuông lên, đặt một tấm bia đánh số, ghi tên bệnh xá, ngày giờ qua đời (nếu được nhặt ở trung tâm y tế), giới tính thai nhi...

Năm 2008, số mộ được đánh dấu đến 11.000 thì ông Chi cùng bạn bè đành phải ngưng vì nghĩa trang chưa được cấp phép. Từ đó , trong căn nhà trên đường Vườn Dương, P.Phước Tân, TP.Nha Trang của vợ chồng ông Chi, người ta bắt đầu tìm đến, gửi thai nhi trước cổng, hay đẩy vào bên trong sân nhà.

Lặng lẽ nhận lấy, làm mọi công đoạn, rồi đem hỏa táng như một trách nhiệm trước những sinh linh, ông Chi cứ tự dằn vặt khi nhận thấy việc mình làm chỉ như một người đi sau - câm lặng, yếu đuối và bất lực trước vấn nạn vẫn tiếp diễn mỗi ngày.


Dựng mái ấm nuôi 117 cặp mẹ con

Từ ý muốn bù đắp chút hơi ấm cho những đứa trẻ không kịp chào đời, ông Chi quyết tiến thêm một bước, “đến trước tội lỗi” bằng cách tìm đến những sản phụ đơn độc, hoang mang trước ý định phá thai để khuyên nhủ, rồi đưa về mái ấm, cưu mang.

Vợ chồng ông Chi chuyển từ nội thành Nha Trang về xây một căn nhà rộng tại một khu đất hẻo lánh ở ngoại thành thuộc thôn Phước Lợi, xã Phước Đồng. Từ những ngày phải tìm đến bệnh viện, bắt chuyện và thuyết phục từng sản phụ, dần dà, vợ chồng ông lại được chính những người cần giúp đỡ chủ động tìm đến, nương nhờ.

Với mục đích ngăn chặn nạn phá thai trong điều kiện hạn chế, mái ấm Thiện Tâm chỉ tiếp nhận những sản phụ mang thai dưới bảy tháng tuổi (khi thai còn nguy cơ bị phá bỏ). Hết lòng khuyến khích người mẹ tiếp tục nuôi con sau sinh, mái ấm cưu mang suốt giai đoạn thai kỳ, chi trả viện phí sinh nở, hỗ trợ tiền thuê nhà với những sản phụ khó khăn khi họ rời đi.

11 năm trời, hết người này đến người khác, có khi, mái ấm cưu mang cùng lúc 70 người, cả mẹ lẫn trẻ. Trong những lượt người “mãn kỳ” mỗi năm, có những người mẹ rời đi một mình, làm lại cuộc đời khi chưa đủ bản lĩnh gánh gồng thêm một cuộc sống nữa. Đứa trẻ được gửi lại cho “ông bà ngoại”, thỉnh thoảng được mẹ đến thăm, rồi đón về hẳn khi đã tạo dựng được cuộc sống vững vàng bên ngoài.

Vào mái ấm, mỗi sản phụ đều được yêu cầu nộp bản chứng minh nhân dân photo để làm hồ sơ tiếp nhận, dán vào cuốn sổ quản lý. Thông tin từ cuốn sổ được dùng để làm giấy chứng sinh cho trẻ, và “làm tin”, như dấu hiệu nhận biết để những người mẹ gửi con chứng minh quyền làm mẹ ngày trở lại.

Hơn nửa trong số 117 người mẹ đã nương nhờ mái ấm Thiện Tâm gửi con lại nhờ vợ chồng ông Chi nuôi hộ. Ra khỏi mái ấm, họ đi kiếm tiền, có người về quê, lập gia đình, thỉnh thoảng lén đến thăm, ấp ủ dự định đón con về đoàn tụ.

Lớp học cuối tuần do ông Chi thuê giáo viên về dạy

Có người mẹ quê Nghệ An, vừa sinh một thời gian ngắn đã che mặt, đội nón đi nhặt ve chai, về phụ với vợ chồng “ngoại Chi” nuôi đứa con khuyết tật đến ngày cứng cáp rồi mới xin đưa con xuống Vũng Tàu, bắt đầu cuộc sống mới.

Có cuộc tái ngộ giữa những chuyến thăm của đoàn từ thiện, khi đứa trẻ quýnh quáng chạy ra mừng vì thấy dáng hình quen thuộc trước ngõ, người mẹ tỏ vẻ tần ngần, ái ngại, rồi sà vào một nhóm trẻ đứng gần, đợi khi người lạ đi hết mới dám đến gần con.

13 đứa trẻ đang nô đùa trong mái ấm lúc này là những đứa con chưa một lần gặp lại mẹ, trong suốt nhiều năm trời. Cũng trông mong như chính những đứa trẻ ngóng mẹ, nhưng vì cam kết từ ngày tiếp nhận, vợ chồng ông Chi không một lần cố liên lạc, tránh phiền hà cho cuộc sống mới của những người phụ nữ.

“Chắc mẹ chúng không đến nhận nữa. Đoạn đời đó đã là quá khứ, tôi không trách nếu họ bị cuộc sống hiện tại buộc phải quên đi”, ngồi ở bậ c thềm khi lũ trẻ đang nô đùa dưới sân, ông Chi nói.

Nói vậy, nhưng mỗi lần nghĩ đến thiệt thòi của những đứa "cháu ngoại", vợ chồng ông không khỏi ngậm ngùi. Trước, mỗi buổi sáng, "ông bà ngoại" phải thay nhau chở mấy lượt mới đưa hết nhóm trẻ đến trường, tan học cũ ng phải đón mấy lượt.

Giờ, sắm được chiếc xe tải nhỏ, mỗi ngày, ông thuê tài xế đón đưa ba lượt. Ngoài một tài xế, một người nấu ăn, ông còn thuê một cô giáo tiểu học đến tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, ôn lại kiến thức cho trẻ tại nhà.

Bà Liên vốn là y tá, lịch sinh hoạt, thực đơn ăn uống đều được bà tính toán cẩn thận, mọi triệu chứng bệnh tình đều được kiểm soát. Thỉnh thoảng, chiều cuối tuần, chiếc xe tải nhỏ lại chở cả nhà gồm ông bà, cậu mợ (vợ chồng cậu con trai ở gần ông Chi) vào thành phố, tắm biển, vui chơi đến tối mới trở về.

Xem những đứa cháu nuôi như con ruột, ông Chi khó xử mỗi lần có em đòi “ông ngoại lại nằm với con một chút” trước giờ đi ngủ. Phải “chia sớt” ông bà ngoại cho những anh em khác, lại phải sớm tập tính rắn rỏi, tự lập, việc được ôm ấp, vỗ về mỗi đêm trở thành xa xỉ với những đứa trẻ sống ở đây.

Ngồi ngay ngắn trên chiếc ghế cao kê trước hiên, quàng tấm vải quanh người để ông ngoại tỉ mẩn cắt tóc cho, Nguyễn Hà Đông (sáu tuổi) bỗng quay sang nói “Hay thôi, ông ngoại đừng cắt nữa”. “Ông ngoại” bất ngờ, trố mắt chưa kịp hỏi, Đông bảo:

“Ông ngoại cắt ngắn quá, tụi nó biết con mồ côi rồi chọc hoài”. Ông Chi lấy giọng nghiêm túc: “Không sao, tóc dài thì phải cắt, mấy bạn nói con mồ côi là do mấy bạn trẻ con, không hiểu chuyện, chứ không phải do đầu tóc”. Thằng bé không nói gì, ngoan ngoãn ngồi im.

Trường tiểu học Phước Đồng không ai lạ gì với đám trẻ con đến trường bằng xe tải, tóc cắt một kiểu ngăn ngắn, mỗi trưa mỗi chiều lại “tập kết” thành một đội, kéo nhau ra trước cổng đứng chờ xe.

Để cho... gọn, cả người lớn lẫn trẻ con đều gọi bọn trẻ là “đám mồ côi”, rồi kèm theo đó bao trêu ghẹo, kỳ thị. Ngẫm cũng bất bình, nhưng mỗi lần được cô giáo mời lên vì một đứa trẻ đánh bạn, hay lén lấy tiền trong cái hòm quỹ của lớp, ông Chi lại ngậm ngùi, im lặng. “Những lỗi lầm trẻ con được quy hết vào cái “tội mồ côi” – ông nói buồn.

Chúng tôi rời Nha Trang trên chuyến tàu chạy về hướng Đà Nẵng. Ngang qua những vạt cây rừng, hình ảnh nghĩa trang thai nhi rộng lớn với hơn chục ngàn phần mộ lại ùa về, bên cạnh hình dung mơ hồ về những sọt rác bệnh viện, những bãi biển hoang sơ và đôi vợ chồng già cặm cụi vì đàn trẻ...


Minh Trâm - Diệu Hiền

Tìm hiểu ở UBND xã Phước Đồng, chúng tôi được biết, vì được xây dựng trên một khu đất nằm trong vùng quy hoạch, chưa được hợp thức hóa nên mái ấm Thiện Tâm chưa đủ điều kiện để được cấp phép.

Tuy nhiên, dựa vào kết quả kiểm tra hàng năm, Sở Lao động - thương bình và xã hội tỉnh Khánh Hòa quyết định trợ cấp 405.000đ/em/tháng cho 11 trẻ em bị bỏ rơi ở mái ấm Thiện Tâm (hai em còn lại không có hộ khẩu ở xã), và từ tháng 10/2015 bắt đầu trợ cấp cho người nuôi dưỡng, cùng với mức 405.000Đ/em/tháng.


Theo: Phụ Nữ Online

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét