Home » , , » Mái ấm mẹ đơn hành: Mái ấm "tử cung"

Mái ấm mẹ đơn hành: Mái ấm "tử cung"

Tình thương, lòng khoan dung đong đầy nơi “mái ấm tử cung” để vuông tròn ngày vượt cạn; để thân thể con được ấp ủ, nâng niu...

Mười năm trước, khi tiếp cận những nơi nuôi dưỡng phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, chúng tôi gọi vui đấy là những mái ấm “vào một ra hai”. Giờ đây, đến thăm nhiều nhà bầu, cảm giác ấm áp, chứa chan ngập lòng khiến chúng tôi hình dung mái ấm như những tử cung bao trùm, đan lồng nhau: mẹ cưu mang con, mái ấm lại cưu mang mẹ.

Tình thương, lòng khoan dung đong đầy nơi “mái ấm tử cung” để vuông tròn ngày vượt cạn; để thân thể con được ấp ủ, nâng niu chứ không rơi vãi ở sọt rác y tế hay nghĩa địa thai nhi lạnh lẽo; để nước mắt mẹ không còn nhỏ giữa đêm thâu cùng cõi lòng lặng câm, đau xé...


Đoạn trường "rau răm ở lại"

Nhiều lần chúng tôi xin phép được đến thăm với lời cam đoan bảo mật thông tin, nhưng những người quản lý các mái ấm vẫn từ chối tiếp xúc. Đến khi chúng tôi thuyết phục “những người làm công tác thiện nguyện bảo vệ sự sống hay truyền thông đều cùng mục đích đưa đến cho người trong cuộc những địa chỉ tử tế, tránh bị bọn "cò" buôn bán người dụ dỗ; tác động đến định kiến xã hội; đồng thời gióng tiếng chuông về tình dục an toàn, phòng tránh thai để không còn đứa trẻ nào bị vứt bỏ khi chưa chào đời hay bị… sinh ra vì cha mẹ chưa sẵn sàng nuôi dưỡng”, họ mới dần cởi mở, chấp nhận.

Khi chuyện trò với những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn (có cô bé mới 12, 13 tuổi, cũng có chị ngoài 40 tuổi), gặp nhiều ca lụy tình, chúng tôi nhận ra cốt lõi của vấn đề khiến bi kịch cứ tiếp diễn là chị em nhầm lẫn hoặc cố tình nhầm lẫn các giá trị, đi lạc vào “ảo ảnh” của tình yêu.

Thay vì dành thời gian thai giáo cho con hoặc tập thể dục, ăn dặm bồi bổ sức khỏe, Hoàng Yên (*) cứ rả rích khóc về đêm dù đã yên vị tại Mái ấm Nhà Của Bố (Đà Nẵng). Lúc đầu, các dì nghe tiếng khóc, hốt hoảng tưởng có sự cố gì nhưng khi vào đến hỏi thì Yên mếu máo: “Con nhớ ảnh quá! Không biết bây giờ ảnh sao rồi, ảnh có nhớ con không?”.

Yên trao thân cho bạn trai học cùng năm nhất đại học chỉ một lần thì đã dính bầu. Hay tin “trời sập”, bạn trai Yên cười gượng, bảo “để anh lo” rồi “chạy mất dép”, bỏ dở cả chương trình đại học. Người yêu lộ mặt là chàng trai họ Sở nhưng Yên vẫn nhớ thương, ngóng đợi và biện hộ rằng “chắc do gia đình làm sức ép, ảnh mới vậy”.

Các dì, các bạn bầu hết lời khuyên răn, nhưng khi đứa bé sinh ra gương mặt giống cha như đúc, Yên lại suốt ngày ôm con khóc, nhắc tên người yêu, tiếc cho mối tình ngang trái. Ba năm trôi qua, “ảnh” đã đi lấy vợ, Yên vẫn chưa quen người khác vì không nguôi hình bóng cũ.

Khi Ngọc Minh chìa ra chiếc que thử thai có hai vạch trong nhà nghỉ, nơi hẹn hò quen thuộc thì người yêu cô cúi gằm mặt thú thật đã có vợ, chưa giải quyết ly hôn kịp vì lằng nhằng vấn đề tài sản, con cái. “Phá thai” là lời người yêu Minh đề nghị để anh ta có thời gian bảo toàn những gì đang có và cũng là tiền đề để sau này xây dựng mái ấm mới với Minh.

Dỗ ngọt, phân tích không được, anh ta thẳng thừng tuyên bố “Em cứ giải quyết “cục nợ” này, đợi năm sau mình cưới nhau, rồi muốn sinh bao nhiêu đứa con chả được. Nếu em cãi lời, khư khư giữ cái bầu thì tự mà lo liệu lấy!”

Giằng xé giữa tội ác và tình ái, giữa tương lai đầy hứa hẹn và thực tại bẽ bàng, đến tháng thai thứ ba với những cơn nôn ọe khó giấu, Ngọc Minh vẫn không đưa ra quyết định. Sợi dây vô hình của tình mẫu tử mỗi ngày thêm siết chặt. Không bỏ con nhưng để thì làm sao đây?

Sinh nhật ấm áp tại Mái ấm Nhà Của Bố

Nếp nhà gia giáo chẳng dễ chấp nhận. Một chiều, trên đường từ phân xưởng về nhà, Minh bất ngờ bị một người đàn bà ép xe ngã vào lề đường và bồi thêm mấy cái tát “cho chừa tội giật chồng bà”.

Minh gọi điện thoại cầu cứu người yêu thì chỉ có tiếng “ò í e” đáp lời. Trong cơn quẫn trí, định tìm đến cái chết để giải quyết tất cả cùng một lúc, Minh may mắn được người tốt hướng dẫn đến với chương trình hỗ trợ mẹ đơn hành ở phòng Công tác xã hội Tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn (42 Tú Xương, P.7, Q.3, TP.HCM).

Sống nơi tạm ẩn của nhà dòng chờ ngày sinh nở, Minh vẫn mong chờ người yêu tìm đến. Quy định nơi đây không cho các mẹ bầu sử dụng điện thoại tự do (chỉ được liên lạc với người thân) và phụ huynh cũng cấm tiệt con gái kết nối với người cũ, tránh những rắc rối, nguy hại, nhưng những lần đi chợ, Minh lén tạt vào điện thoại công cộng gọi tìm người yêu, để bao lần vẫn nghe tiếng tút tút đắng lòng.

***

Hầu hết các mái ấm đều có nhật ký và phiếu ghi chép để nắm bắt tâm tư, suy nghĩ của các phụ nữ lỡ mang thai. Họ đều nhìn nhận tình cảm đã qua không phải tình yêu mà chỉ là ngộ nhận của bản thân và sự lợi dụng của đối phương. Lý trí biết vậy nhưng nhiều mẹ bầu vẫn không ngăn được phút yếu lòng…


Tạm lánh - trưởng thành

Mái ấm Mai Linh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) trưa nay rộn ràng với món bún riêu cua do sơ quản lý dạy cho các mẹ bầu nấu. “Bếp trưởng” chính là sơ giám đốc của mái ấm, vừa nêm gia vị, vừa giải thích về món bún riêu với bốn nhóm dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, đặc biệt giúp cho các mẹ bầu dễ tiêu hóa. Rồi cả nhà dọn lên mâm, xì xụp, hít hà.

Những miếng riêu ngon được ưu tiên gắp cho mẹ bầu cận ngày “bể chum” nhất. Tiếng em bé khóc oe, cả nhà nhao nhao chạy đến, người lấy khăn lau, người à ơi, người giở tã xem bé đã làm xấu chưa… Đến khi có người làm vệ sinh “bầu sữa”, chạy đến bồng bế, cho bú, khách mới rõ ai mới là mẹ bé.

May, đan áo, áo gối, áo búp bê… vừa cung cấp kỹ năng nghề nghiệp cho các mẹ bầu ở Mái ấm Mai Linh, vừa giúp họ nguôi ngoai biến cố bị người yêu ruồng bỏ

Bầu nhỏ chăm bầu lớn, người chưa sinh lo cho người mới sinh, nằm cùng phòng, ăn cùng mâm, hòa chung niềm hạnh phúc hay nỗi lo lắng, cứ thế cả ngàn trái tim đùm bọc yêu thương tiếp nối nhau tại mái ấm này suốt quãng đường hơn 10 năm từ ngày thành lập.

Chẳng phải chuyện của riêng ai, có những khi cả nhà cùng bồn chồn, quặn thắt trước một kết quả siêu âm bất thường. Người mẹ lại lần nữa quyết định tiếp tục giữ con trong dạ ấm, nhưng em bé vừa chào đời đã trả lại nhân gian hơi thở đầu tiên, cả nhà ôm nhau khóc, cùng đưa tiễn linh hồn bé thơ và động viên, vực dậy tinh thần nhau.

Có những khoảnh khắc mừng vui òa vỡ khi cha của đứa bé đã thôi yếu đuối, vô tâm, đến kịp lúc người phụ nữ của mình vượt cạn, hoặc bé đã cứng cáp, người cha đến rước hai mẹ con về tổ chức buổi tiệc song hỷ ấm cúng ra mắt họ hàng. Các mẹ bầu chúc phúc cho bạn cũng là gieo hy vọng vào tương lai của chính mình.

Các quản lý mái ấm với tiếng “dì” thân thương luôn quan tâm, tư vấn, chia sẻ, nâng đỡ cho các mẹ bầu vượt qua biến cố, giúp các mẹ tìm sự bình an, động lực sống. Không chỉ hỗ trợ ở khúc quanh vượt cạn, các mái ấm đều hướng dẫn các mẹ bầu cách tổ chức cuộc sống, đi chợ, nấu ăn, chăm sóc sức khỏe, làm kinh tế gia đình.

“Chị em được trau dồi thêm kỹ năng để đương đầu với khó khăn trong cuộc sống, trưởng thành, chín chắn hơn trong tình cảm, tự tin, biết xây dựng tình yêu thực sự và tự lập về kinh tế. Sau khi rời mái ấm, chị em sẽ trở thành những phụ nữ thành đạt và hiểu biết”, tâm nguyện lớn lao của các dì được gói gọn trong mấy câu giản dị của tờ giới thiệu chương trình hỗ trợ mẹ đơn hành – mà không hề đơn độc. Phải đâu là lánh đời, mà là ẩn mình, lột xác để vươn dậy mạnh mẽ. Trên đường trốn chạy, các chị gặp lại sự dũng cảm từ lâu mình đã đánh rơi trong bể ái tình.

Mái ấm Nhà Của Bố đã đưa nhiều mẹ bầu tuổi mực tím cập bến công danh. Khi con được sáu tháng tuổi, Hoàng Yên đi học lại ở trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng), tốt nghiệp xuất sắc và tìm được công việc tốt, đủ khả năng cho con cuộc sống đủ đầy.

Kiều Ngân có đến sáu năm gắn bó với Nhà Của Bố và kịp hoàn thành chặng đường liên thông từ trung cấp lên đại học ngành mầm non.


Lúc mới đến mái ấm, 17 tuổi, Kim Khánh mang tâm trạng chán chường, bế tắc, khép kín vì sống thiếu tình thương gia đình khi cha mẹ chia tay, mỗi người có vợ, chồng mới. Nhưng với lòng nhiệt thành, sự quan tâm của các dì nơi đây, Khánh dần hòa nhập tích cực. Sinh con xong, học tiếp lớp 12, rồi tốt nghiệp Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), Khánh được nhà chồng nhận nuôi con để đi tìm việc làm. Cha đứa bé muốn nối lại tình xưa nhưng với Khánh đã không còn quan trọng nữa.

Nặng ân tình với mái ấm, Kim Khánh rưng rưng ngày giã từ: “Cảm ơn ngôi nhà thứ hai, cha mẹ thứ hai của tôi, những người đã cho tôi sức mạnh để làm điều bình thường mà thiêng liêng nhất - một người mẹ. Trước những ngã rẽ của tuổi trẻ, của tình yêu, sự nghiệp, danh dự… tôi đã chọn con và sống trọn vẹn với chọn lựa đó. Khi tôi ôm con vào lòng, lắng nghe tiếng con thở, nhìn ánh mắt con trong trẻo và nụ cười ngây ngô, với tôi đó là tình yêu lớn nhất. Vì thế, tôi đủ sức đi trong cuộc đời dù có duyên may gặp người đàn ông tốt hay không”.

Nhiều năm làm việc tại Nhà Của Bố, dì Nguyễn Thị Mai nhớ vanh vách từng cái tên mẹ và bé, nhớ từng gương mặt, dáng hình, tính cách, hoàn cảnh. “Đáng mừng là mẹ nào cũng rất thương con. Nhà phát 18 ngàn đồng ăn sáng, mẹ cho con ăn 15 ngàn, còn lại mới dành cho mình. Thương lắm! Vui lắm!” - dì Mai cười tươi rói rồi vội đi nấu ăn cho bà bầu, bà đẻ và săn sóc những công chúa, hoàng tử mới “ra lò”.

Diệu Hiền - Minh Trâm
(*): Tên các nhân vật đã được thay đổi.

Nguồn: Phụ Nữ Online

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét