Home » » Một lần thăm Nhà Mở

Một lần thăm Nhà Mở

Đó là một buổi sáng thứ 7 cuối tháng Tư, sau thánh lễ an táng các thai nhi hàng tuần, chúng tôi đã về thăm các chị em bầu trong nhà mở Giêrađô và Sarnelli. Đối với chúng tôi, đó quả thực là một chuyến đi đầy ý nghĩa. 



Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là nhà mở Giêrađô dành cho các chị em bầu đang chờ sinh. Chúng tôi được nghe câu chuyện của Sương, Hân, và nhiều chị em khác. Nhưng trong giới hạn bài viết, tôi chỉ xin kể những câu chuyện tiêu biểu. Đương nhiên, tên của các nhân vật trong bài viết này đều không phải tên thật, để giữ gìn danh dự cho họ. 


1.

Sương, một cô bé có khuôn mặt bầu bĩnh đáng yêu, là út trong một gia đình Công giáo đạo đức với 5 cô con gái. Khi nói chuyện với chúng tôi, em đã phải thật cố gắng để kìm nén những tiếng nấc nghẹn ngào và những giọt nước mắt tủi thân. Em mới học lớp 11, khi tôi gặp em thì em đã có thai được 8 tháng. Bố đứa bé là cậu bạn học cùng lớp của em. Tình yêu tuổi học trò trong sáng ngây thơ đã đi quá giới hạn.

Khi biết mình có thai, Sương đã hoảng sợ. Em cố giấu gia đình được đến tháng thứ 6 nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phá bỏ.
Mẹ em đã định đưa con gái mình đi phá thai, nhưng rồi bà lại cảm thấy bứt rứt không yên. Bố mẹ em đã quỳ dưới chân Đức Mẹ cầu nguyện rồi quyết định tìm đến nhóm BVSS Thái Hà và xin cho con gái mình vào Nhà Mở. Em là một người mẹ trẻ con nhưng can đảm hơn nhiều người mẹ bất đắc dĩ tuổi trưởng thành. Em bảo lưu kết quả học tập để sinh con, rồi sẽ chuyển trường và đi học lại.

Hải, bạn trai Sương, vẫn còn ở lứa tuổi còn mải chơi vô lo vô nghĩ, khi biết tin đã dũng cảm lãnh nhận trách nhiệm và hứa sẽ chăm sóc và bảo vệ mẹ con Sương. Hải nói muốn đi tới hôn nhân với Sương, dù hiện tại cả 2 chưa đủ tuổi. Khi Sương nói sẽ vào Nhà Mở, Hải đã không đồng ý. Gia đình cậu muốn đến gặp gia đình Sương để bàn tính chuyện cho hai em. Nhưng bố mẹ Sương vẫn quyết định đưa em vào Nhà Mở và khuyên con gái mình nên suy nghĩ cho chín chắn, vì 2 em còn còn quá trẻ, gia đình Hải ở bên Lương, nếu quyết định đến với Hải, Sương sẽ phải vất vả nhiều và không chừng sẽ mất Đạo.

Khi được hỏi về những dự định tương lai, Sương trả lời rằng lúc này em chỉ nghĩ đến đứa con chứ chưa tính toán được gì. Đứa bé sẽ được người chị gái đã lập gia đình của em nhận nuôi. Còn chuyện của em với Hải, em sẽ cầu nguyện nhiều để xin Chúa soi sáng.

2.

Hân, một cô gái còn rất trẻ nhưng đã tự lập, đi dạy học ở một trung tâm ngoài giờ và đồng thời cũng tự mở lớp dạy thêm. Em quen Tuấn, một chàng sỹ quan quân đội trong buổi giao lưu. Em đã yêu, và đã hiến dâng cái quý giá nhất của người con gái cho Tuấn trong dịp anh về phép.

Khi biết tình yêu giữa em và Tuấn đã sinh hoa kết trái trong cung lòng mình, em nói với người yêu thì anh tìm đủ mọi lý do để lảng tránh. Gia đình Tuấn cũng từ chối, họ bảo Tuấn chỉ về phép có ít ngày thì chưa chắc đó là con của Tuấn, chưa chắc đó đã là cháu của họ. Họ bảo nếu đứa bé được sinh ra, được xét nghiệm ADN mà đúng là cháu của họ thì họ mới chấp nhận 2 mẹ con em.

Suy sụp vì thái độ của Tuấn và gia đình anh, hoảng sợ vì không muốn cộng đoàn giáo xứ biết chuyện (ngày còn ở quê em đã làm huynh trưởng, làm giáo lý viên), Hân đã muốn từ bỏ đứa bé. Em đến bệnh viện để làm thủ tục phá thai, nhưng họ từ chối vì thai đã hơn 3 tháng. Vẫn quyết tâm bỏ thai, em lại tìm người để được tư vấn phá thai. Họ đưa em đi xét nghiệm rồi dẫn em đến một nơi điều trị tâm lý cho những phụ nữ sau phá thai. Đứng trước cánh cửa sắt, Hân nhìn thấy bên trong là những người phụ nữ bị tổn thương tinh thần đến mức mất hêt lý trí, những người đầu tóc rối bù xõa xượi, người cười man dại, người ôm đầu gào khóc, người tự xé rách quần áo mình đi loanh quanh thất thểu trong phòng. Dù bị sốc trước cảnh tượng ấy, nhưng em vẫn chưa từ bỏ ý định phá thai. Em đợi chị gái ở nước ngoài gửi tiền về để có đủ khả năng tài chính cho ca phá thai to ở một cơ sở tư nhân.

Khi có đủ tiền cũng là lúc thai đã quá to, Hân đang lưỡng lự giữa bỏ và giữ thì em bị ngã xe khá nặng. Em bị gãy tay và nằm viện suốt 2 tuần. Bao nhiêu tiền chị gái vừa gửi được chi trả hết cho việc điều trị. Nhưng kỳ lạ thay, em không bị động thai, đứa bé vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Em nhận ra rằng đó là quà tặng của Thiên Chúa, Ngài đã bảo vệ đứa bé và bảo vệ linh hồn em tránh xa dịp tội.

Vì Hân ở trọ gần nhà thờ Thái Hà, hay đi lễ Thái Hà nên biết đến nhóm BVSS Thái Hà và tự tìm đến với chúng tôi. Em quyết định sẽ sinh con và nuôi con một mình, không cần đến Tuấn và gia đình anh nữa, cũng bất chấp cả việc bị chính gia đình mình chối bỏ.

Khi chúng tôi gặp và nói chuyện với Hân thì chỉ còn gần 1 tháng nữa là em sẽ sinh. Gia đình em, nhất là mẹ em vẫn còn giận và không chấp nhận mẹ con em, dù đã có nhiều người cố gắng thuyết phục. Bố em ở trong ban hành giáo, và tham gia nhiều hoạt động trong giáo xứ. Có lẽ vì vậy mà đình em khó chấp nhận đứa con gái lầm lỡ, vì sợ hoen ố danh dự…

3.

Ở nhà mở Sarnelli dành cho các chị em bầu sau sinh, chúng tôi gặp một cô Mai, người đã lặn lội đường xá xa xôi từ một vùng núi cao của tỉnh Hòa Bình để đến chăm sóc cô con gái và đứa cháu ngoại mới sinh được 2 ngày. Khi chúng tôi hỏi về cảm giác của cô khi bất ngờ được làm bà ngoại, cô trả lời rằng cô chẳng quan tâm đến miệng lưỡi thế gian, cô chỉ quan tâm đến con gái mình và đứa cháu ngoại kháu khỉnh, dù rằng gia đình không có Đạo. Để xuống được Hà Nội, cô đã phải nói dối họ hàng và làng xóm là đi khám bệnh, vì ở nơi ấy, người dân luôn để ý mọi việc xảy ra với những người xung quanh theo cái cách không phải là quan tâm mà là xoi mói. Lý do cô xuống Hà Nội thì chỉ có chồng cô và mấy người em biết. Vừa xuống đến nơi thì ông ngoại đứa bé đã gọi điện hỏi han tình hình và tỏ ý muốn vợ mình đưa con gái và cháu ngoại mình về luôn để còn yêu thương, chăm sóc.

4.

Chúng tôi cũng gặp cô Hằng, người giáo phận Vinh. Cô cũng là một bà ngoại bất đắc dĩ. Tâm sự với chúng tôi, cô kể rằng lúc đầu gia đình cô cũng bị sốc. Lúc đầu, thật khó để có thể chấp nhận mình có thêm đứa cháu ngoại không cha. Nhưng khi biết tin con gái mình sắp sinh, cô đã nhanh chóng ra Hà Nội để chăm sóc con và cháu. Nhìn thấy đứa cháu ngoại bé bỏng, cô thấy lòng mình dịu lại và tràn ngập yêu thương. Rồi đây dư luận có thế nào, gia đình cô cũng mặc kệ, mà chỉ cần có con, có cháu thôi là đủ. 


Tạm kết

Tôi thấy có sự khác biệt giữa cậu học sinh lớp 11 và anh chàng sỹ quan về khả năng nhận trách nhiệm. Một cậu học sinh chưa trưởng thành đã dũng cảm nhận trách nhiệm, còn một người đàn ông trưởng thành thì lại hèn nhát rũ bỏ.

Tôi cũng thấy có sự khác biệt giữa một gia đình công giáo gốc trong một xứ đạo toàn tòng và một gia đình bên lương ở một vùng núi cao hẻo lánh, một vùng trắng - mà Tin Mừng của Chúa chưa được rao giảng tới. Xưa nay đa phần người Công giáo vẫn tự cho rằng mình đạo đức hơn và sống tốt hơn những người ngoại giáo. Nhưng… vì sợ điều tiếng nên gia đình Công giáo nọ đã chối bỏ đứa con gái lầm lỡ, còn gia đình bên Lương kia chẳng e ngại dư luận đã sẵn sàng đón con, đón cháu mình về.

Đa phần các cô gái “trót dại” đã phải cắn răng đi phá thai là bởi vì người yêu “quất ngựa truy phong” và gia đình hắt hủi. Tôi không lên án những cô gái ấy, cũng không lên án những anh chàng họ Sở. Tôi chỉ mong muốn rằng xã hội này đừng khắt khe với họ, và cũng mong muốn rằng những ông bố bà mẹ hãy là để gia đình luôn một nơi luôn giang rộng vòng tay yêu thương, tha thứ và chở che cho đứa con gái dại dột. Nếu gia đình nào cũng được như gia đình cô Mai và cô Hằng thì các nhóm Bảo Vệ Sự Sống đều thất nghiệp hết - và được thất nghiệp chính là khao khát của mỗi thành viên nhóm Bảo Vệ Sự Sống chúng tôi.


Rita Maria

1.5.2015

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét