Trong những ngày ấy, nhà vua mới lên ngôi cai trị nước Ai-cập, ông không biết Giuse, nên nói với dân chúng rằng: “Kìa, dân tộc con cái Israel nhiều và hùng mạnh hơn chúng ta. Nào, chúng ta hãy khôn khéo đàn áp chúng, kẻo chúng gia tăng lên nhiều. Và nếu xảy ra chiến tranh, chúng sẽ tiếp tay quân thù đánh lại chúng ta, rồi rút lui khỏi xứ chúng ta”.
Vậy vua truyền lệnh cho các trưởng dịch bắt họ làm việc cực nhọc hơn, bắt họ xây những thành Phithom và Ramsê làm kho tàng cho Pharaon. Nhưng người ta càng đàn áp họ, thì họ lại càng sinh sản và bành trướng nhiều hơn. Các người Ai-cập càng ghen ghét con cái Israel và càng bắt họ làm việc khổ cực hơn. Người ta làm cho đời sống họ thêm cay cực, bắt họ làm những việc nặng nhọc, nhồi đất, đúc gạch và làm mọi công việc đồng áng. Bấy giờ vua Pharaon truyền lệnh cho toàn dân của vua rằng: “Bất cứ con trai (Do-thái) nào mới sinh, thì hãy ném nó xuống sông, chỉ để lại những trẻ gái mà thôi”.
Chúng ta nghe nhiều về tỷ lệ phá thai diễn ra trên bình diện thế giới ngày một tăng, và Việt Nam chúng ta là một trong những quốc gia được xếp vào dạng có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, một con số thật kinh hãi, nghèo nhất thế giới và phá thai cũng cao nhất. Các nhà xã hội học, tâm lý học vào cuộc nghiên cứu để tìm hiểu căn nguyên sâu xa của vấn đề này, đặc biệt nơi những người trẻ như học sinh sinh viên. Có nhiều nguyên nhân và nhiều lý do đưa người ta đến hành vi giết người vô tội vạ này như lời một vị linh mục đã từng liệt kê, mà nghe chừng đâu cũng thấy có lý hết, song hậu quả để lại là một tâm hồn dày vò và tan nát, ăn không ngon ngủ không yên. Song, có lẽ có một căn nguyên nền tảng và khó thấy hơn cả giải thích mọi động cơ phá thai của con người ngày nay, đó là Sự Phá Thai Tinh Thần.
Ai trong chúng ta cũng biết, mỗi một ngày chúng ta được ban tặng một tài khoản vô cùng giàu có về thời gian là 86,400 giây để sống và một tài khoản có hơn 75,000 tư tưởng được sản sinh và đưa vào thế giới. Nhưng có lẽ đây cũng là hai nguồn lực mà người ta lãng phí và sử dụng sai mục đích cách vô tội vạ nhất trong hành trình làm người của mình. Không ai đủ can đảm để trả lời cho câu hỏi, “Bạn đã dùng 24 tiếng của mình thế nào? 8 tiếng để ngủ, 8 tiếng để đi làm, vậy còn 8 tiếng kia ta để làm gì? Cũng vậy, không ai đủ can đảm để trả lời cho việc sử dụng năng lực tư duy của mình cách có ích, nên các nhà khoa học đã minh xác, có hơn 75% các tư tưởng của ta là tiêu cực và phá hoại. Và như thế, ta cũng có thể tạm suy ra rằng, ta đã phá hoại hết hơn 75% thời gian trong ngày sống của mình bằng những tư tưởng tiêu cực và phá hoại nơi ta. Và ta cần biết, nếu ta không xây dựng thì ta chỉ có thể là phá hoại, không có con đường thứ ba, bởi cả thời gian và tư tưởng đều qua đi mà không hề đứng lại bao giờ.
Trong từng ngày sống của mình, nếu khiêm tốn nhìn nhận, ta rất sợ thời gian có ích và tư tưởng tốt lành. Ta tìm mọi cách để đem ném hết xuống sông để cho mọi thứ chảy theo dòng đời, chảy theo trào lưu của cuộc sống, của số đông, của xã hội mà ta vẫn không hiểu ta đang làm hành vi phạm lỗi với chính mình. Bởi cũng như trẻ thơ, các tư tưởng và thời gian sống của ta không có sức mạnh thể lý để kháng cự, đôi co, hay lý luận lại khi ta quyết định ném bỏ tất cả vào trong những thứ vô bổ và phá hoại. Chúng chỉ còn biết vâng lời trong sự xót xa vì ta đã cư xử tồi tệ với chúng. Hãy để ý mà xem, mỗi khi có một tư tưởng tốt lành nào: mời gọi ta làm lại cuộc đời, tổ chức lại cuộc sống, đọc một tập sách hay, giúp đỡ người nghèo khổ với lòng khiêm tốn, hoán cải, tha thứ, yêu thương,…là ta lập tức hoang mang và sợ hãi như thể ta đã vô tình để cho chúng có thời gian xuất hiện trong não ta, khiến ta bị bể hết mọi kế hoạch ăn chơi, bể chương trình sống dễ dãi và buông thả của mình, bể hết lịch làm việc mưu sinh… như thể một cô gái lỡ có mang nên khiến cả hai cùng hoang mang vì hỏng hết kế hoạch phía trước, nên cách thượng sách là PHÁ.
Ta dám phá thai và can đảm phá thai thật trong cuộc sống, đó là bởi vì ta cũng đã tự phá lấy những tư tưởng sống, những tư tưởng sinh ích – mầm khai sinh sự tốt lành trong cuộc sống của mình. Ta tự biến mình trở thành kẻ hèn khi ta dùng mọi lý luận cùn và dở hơi để ta biện minh cho thói lười, thói biếng nhác, sự sợ điều lành…của bản thân, cũng cùng một cách thế ta dùng chúng để biện minh cho hành vi tội ác của mình khi triệt hạ một bào thai thật, vốn không có năng lực kháng cự lại sức mạnh độc ác của ta.
Tư tưởng sẽ dẫn đến hành động. Nên nếu ta đã can đảm để dung dưỡng và dung nạp những tư tưởng độc hại bằng thời gian được ban tặng nhưng không của mình, thì theo năm tháng tất cả những gì còn lại trong ta là điều mà ĐHY Fulton Sheen gọi là sự thối rữa và phân hoá từng mảnh của tâm hồn mình. Ta làm vẩn đục và hôi thối tâm hồn ta bằng việc triệt hạ hết tất cả những tư tưởng tốt lành và thời gian lẽ ra nên làm chuyện có ích. Vì thế, nếu lúc này đây khi xét lại bản thân, ta sẽ thấy có lẽ ta là những người hèn nhất trong số những người hèn vì sự sợ hãi đối diện với con người tốt nơi mình, sợ sống tốt, và sợ trở thành người tốt – người có ích cho thế giới bằng sự bám víu vào những vỏ bọc bề ngoài của cái mà ta gọi là địa vị tốt, công việc tốt, thu nhập tốt, và bằng cấp tốt. Ta sống như thể là người không có trái tim, và ta chưa bao giờ lắng nghe trái tim mình, nên chắc chắn ta đã triệt hạ luôn cả con tim hay lên tiếng tốt lành trong ta tự bao giờ mà ta không biết, bởi ta thấy ta vẫn có khả năng yêu thương kẻ yêu mình (Cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, bạn bè), còn những ai cản bước tiến của ta kể cả đó là một thai nhi, thì ta sẽ ra tay triệt hạ tới cùng. Hậu quả tất yếu của những tháng năm sống trong sự phá thai liên lỉ về tinh thần.
Cũng giống như các thai nhi, khi ta triệt hạ chúng, chúng không kháng cự, nhưng chúng sẽ khiến ta phải suy nghĩ lại hành vi dã man của mình bằng sự bối rối, áy náy, cắn rứt, đau khổ, than vãn, vật vã…nơi tâm hồn, thì thời gian và tư tưởng của ta cũng sẽ quay trở lại để trả lời cho ta biết việc gian ác của mình: sự bấn loạn trong tinh thần, gian dâm, độc ác, khô khan nguội lạnh, dễ nổi giận, dễ nuôi lòng hận thù, dễ nghiêng chiều về điều ác, mất kiên nhẫn, mất năng lực tư duy và định hướng đúng đắn, dễ trở nên hoang mang và bối rối… Vậy hãy trung thực với bản thân, trung thực với những thời gian và năng lực tư duy được ban tặng nhưng không của mình, và hãy quay trở về, hãy tập sống có ích, tập dùng thời gian có ích, và tập nuôi dưỡng các tư tưởng tốt lành và sống điều ấy, biến những tư tưởng tồi tệ thành tư tưởng tốt chứ không triệt hạ thì chắc chắn đời ta sẽ tìm lại được sự bình an và niềm vui đích thực.
Joseph C. Pham
Nguồn: Muối Ánh Sáng
0 bình luận:
Đăng nhận xét