Home » , , » Hãy vững tin và cầu nguyện

Hãy vững tin và cầu nguyện

Kính thăm cha,

Trước khi con viết E-mail này cho cha, con đã rất nhiều lần được nghe cha giảng trong Nhà Thờ, đọc các bài viết của cha trên báo, blog, website và thậm chí là đã gặp mặt trò chuyện trực tiếp với cha, để thấy rằng quyền năng của Chúa, đặc biệt trong vấn đề sự sống, luôn nhiệm màu hơn bao giờ hết.

Đây là câu chuyện của gia đình nhỏ của chúng con. Con xin chia sẻ với cha và mọi người.

Vợ chồng con kết hôn khi chồng con 25 tuổi, con 24 tuổi. Tin vui đến một thời gian ngắn sau khi kết hôn. Phải nói là chúng con rất vui mừng, cả gia đình hai bên cũng hồ hởi không kém. Con đi khám thai lần đầu tiên tại Bệnh Viện Phụ Sản Mê Kông, quận Tân Bình, lúc đó thai nhi được 4 – 5 tuần, nhưng phải siêu âm tận ba lần để xác định phôi đã về tổ hay chưa, cuối cùng bác sĩ phải dùng đến phương pháp siêu âm hội chẩn để hình ảnh rõ ràng nhất. Rất may là phôi thai đã “vào vị trí” an toàn. Bác sĩ hẹn con một tuần sau tái khám.

Tuần thứ 6, bác sĩ siêu âm và chuẩn đoán động thai, ra máu, phải nghỉ ngơi nhiều. Phải nói là con rất sợ, nỗi sợ mơ hồ không biết mình có giữ được thai hay không. Con cầu nguyện suốt trên đường về nhà. Rồi con chia sẻ chuyện này với chồng, hai vợ chồng vừa lo cho cái thai trong bụng, vừa bắt đầu lo kinh tế trong nhà sẽ như thế nào nếu chỉ có một mình chồng đi làm.

Cả hai vừa cưới nhau chưa lâu, không có nhiều tiền tiết kiệm. Lương của chồng chỉ tạm đủ cho sinh hoạt hàng tháng và sẽ khá khó khăn nếu như bây giờ con ở nhà và sau này thêm các chi phí cho em bé nữa. Nhưng lúc ấy thì không còn sự lựa chọn nào khác. Con được một vài công ty mời làm việc tại thời điểm đó nhưng đành từ chối. Hai đứa động viên nhau: “Thôi, cứ cầu nguyện hết với Chúa, tới đâu sẽ tính tới đó !”

Tuần thứ 8, tình hình có vẻ đã ổn định hơn dù vẫn còn động thai. Chỉ mới vài ba lần đi khám, tiền thuốc và tiền khám đã hơn một triệu đồng. Biết vậy, nhưng vẫn phải theo vì sức khỏe của cả hai mẹ con.

Tuần 11, bé được siêu âm độ mờ da gáy với chỉ số là 2mm, nằm trong ngưỡng an toàn. Mỗi lần nằm lên bàn siêu âm, con lại lẩm bẩm cầu xin “cho con nghe được nhịp tim bé, cho bé được mạnh khỏe, bình an”. Tuần này còn làm xét nghiệm double test để dự đoán các dị tật nếu có của bé. Bác sĩ hẹn một tuần trả kết quả. Đó là một tuần dài và chúng con vẫn hằng đêm đọc kinh, cầu nguyện nhưng không tránh khỏi những lo lắng. Khi nhận kết quả, mọi chỉ số của mẹ đều ổn, trừ một điểm: bé có khả năng bị down với tỉ lệ rất cao 1:45, nghĩa là người ta bảo cứ 45 trẻ thì có 1 trẻ bị down.

Khỏi phải nói chúng con đã cảm thấy hụt hẫng và buồn như thế nào. Với những người trong nhà đều khỏe mạnh, bản thân hai vợ chồng đã chuẩn bị đầy đủ kiến thức cũng như sức khỏe, tiêm phòng tiền hôn nhân và rất cẩn thận trong ăn uống, sinh hoạt từ những ngày đầu cấn thai, nên đây là một tin rất sốc. Bác sĩ khuyên nên đi chọc ối ở Bệnh Viện Từ Dũ hoặc Hùng Vương vào tuần thứ 16 để chắc chắn kết quả. Chúng con im lặng suốt đoạn đường về và đến nhà thì con òa khóc, vừa buồn vừa lo. Chồng cũng buồn, nhưng cũng cố gắng động viên vợ tìm hiểu các thông tin về bệnh down kỹ hơn, hoặc đi khám ở một bệnh viện khác xem kết quả có khác biệt không. Quan trọng hơn hết, chồng quả quyết cho dù bé có như thế nào cũng giữ, không được bỏ đi. Con cái là Chúa ban nên phải sinh ra dù nó có thế nào thì cũng là con mình. Nói thật, lúc đó con chẳng nghĩ được gì, chỉ mong con mình sinh ra được mạnh khỏe, bình thường thôi.

Con lên mạng tìm hiểu thêm, cả những trang web dành riêng cho các bà mẹ và cả những trang web Công Giáo. Cũng có những trường hợp bác sĩ chẩn đoán trẻ bị dị tật, nhưng bé sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Có những trường hợp siêu âm không chẩn đoán gì hết, rồi sinh con ra lại bị cái này cái khác. Quan trọng là nếu có tín ngưỡng, nên cầu nguyện nhiều và có niềm tin vào Đấng Tối Cao và với người Công Giáo, đó là cầu nguyện và đặt niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa.

Sau mấy ngày suy nghĩ, chúng con đi khám ở một bệnh viện tư khác. Con trình bày lý do mình muốn đi xét nghiệm lại, nhưng họ từ chối thực hiện vì họ bảo làm lại không có ích gì khi anh chị muốn giữ lại bé. Chúng con ra về, ghé qua Nhà Thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, chỉ muốn cầu nguyện với Chúa, với Mẹ Maria về nỗi lo lắng của chúng con thôi.

Rồi chúng con gặp cha. Trình bày câu chuyện, nghe lời khuyên và những chia sẻ của cha, chúng con như an tâm hơn, vững tin hơn vào quyền năng của Chúa. Chúng con cũng được cha tặng một tập sách về những nhân chứng sống và những trường hợp quyết tâm giữ lại thai nhi với đủ các lý do. Cha còn tặng và làm phép cho chúng con một khăn Thánh Giêrađô, cùng lời dặn đặt lên bụng mỗi khi cầu nguyện và đặt dưới gối khi ngủ. Con đã làm theo và tự nhủ rằng nếu con sanh con trai, con sẽ đặt tên Thánh cho con trẻ là Giêrađô.

Sau thời gian này, vợ chồng con không còn nghĩ đến "khả năng xấu" mà bác sĩ dự đoán nữa. Chúng con vui vẻ hơn và dường như cũng quên đi kết quả đó. Và nhờ ơn Chúa, nỗi lo tài chính của chúng con được giảm đi nhiều lần khi chồng con được công ty chuyển làm ở vị trí khác với mức lương và hỗ trợ gần như gấp đôi. Chúa đã luôn ở bên chúng con và bằng cách này hay cách khác, Chúa đã dang tay giúp đỡ chúng con.

Vì một vài lý do, chúng con chuyển sang thăm khám định kỳ ở Bệnh Viện An Sinh, quận Phú Nhuận. Ở đây các y bác sĩ, nữ hộ sinh đều rất nhẹ nhàng, tử tế. Mọi chuyện vẫn diễn ra tốt đẹp, bé vẫn khỏe mạnh, phát triển đạt tiêu chuẩn của thai nhi. Chúa Nhật nào chúng con có dịp đi Lễ ở Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, DCCT, sau Lễ chúng con đều nán lại cầu nguyện với Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp, rồi với Thánh Giêrađô, mong cho thai kỳ khỏe mạnh và sinh nở được an toàn. Không biết có phải vô tình không, nhưng mỗi lần đi Lễ, dầu là Lễ ở Nhà Thờ nào, Lễ mấy giờ, thì bé cũng đạp rất mạnh và gần như suốt Lễ.

Ngày 13.9.2014, con chuyển dạ và sanh ở tuần 36 bằng phương pháp sinh mổ vì huyết áp cao. Mặc dù bác sĩ chuẩn đoán là sanh non nhưng bé cũng được 3kg2 và khỏe mạnh. Tuy nhiên, để đảm bảo không bỏ sót những dấu hiệu của trẻ sanh non, bé được chuyển qua Bệnh Viện Nhi Đồng theo dõi và nằm lại 4 ngày. Cuối cùng, bé cũng được về với mẹ và đến giờ bé đã khá hơn rất nhiều. Bé được đặt tên Giêrađô Đặng Nhật Khang, với mong muốn tương lai sáng láng, hưng thịnh.

Chúng con đã luôn cầu nguyện trong suốt thai kỳ, trong những thời khắc quan trọng, đặc biệt ngay lúc con nằm trên bàn mổ. Không được mang theo gì vào phòng mổ, con cũng lẩm nhẩm đọc được chuỗi Mai Khôi. Khi nghe tiếng bé khóc, con không khóc theo được vì quá mệt nhưng thở phào được một cái nhẹ nhõm.

Tạ ơn Chúa đã luôn ban bình an cho gia đình nhỏ của chúng con. Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria, Thánh Giêrađô mà bé được khỏe mạnh, bình an. Con không dám gọi bé là một "nhân chứng sống" cho việc Bảo Vệ Sự Sống, nhưng với lời cầu nguyện và niềm tin của chúng con, bé đã nhận được rất nhiều ơn Chúa.

Cầu mong Chúa luôn che chở cho bé, cho các trẻ nhỏ khác và câu chuyện này xin được chia sẻ với những ông bố, bà mẹ khác hãy vững tin và cầu nguyện với Chúa cho bất kỳ hoàn cảnh nào trong cuộc sống…

MAI NGỌC HUYỀN, 2014

Theo báo Ephata số 632

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.