Bức thư của một bạn trẻ gửi cho cha đặc trách BVSS

Dưới đây là bức thư của 1 bạn gái gửi cho cha Nguyễn Kim Phùng, đặc trách nhóm BVSS Thái Hà.

Thưa Cha!

Con tên là Nga *, sinh năm 1993, con quê ở miền Trung. Con chỉ là một lương dân bình thường, người con đem lòng thương yêu là một Kitô hữu. Chúng con yêu nhau một thời gian thì không biết do ''ma xui quỷ khiến'' hay dục vọng thấp hèn chúng con cũng đã ''ăn trái cấm''. Đấy là khoảng thời gian cả hai bọn con đều hoảng loạn và không phân biệt được đâu là chính đâu là tà. Vì cả hai đang là sinh viên, bao nhiêu sự hy vọng của gia đình đang đặt lên chúng con, cũng là vì ''dám làm không dám chịu'' lại ''trẻ người non dạ'' nên 2 kẻ tội đồ bọn con đã nhẫn tâm bỏ đi giọt máu_đứa con đầu lòng của mình. Sau thời gian ấy nhiều khi con vẫn mơ về ''thiên thần tội nghiệp'' của mình, con đau đớn và uất hận với chính mình nhưng mọi sự không cứu vãn được gì. Con chỉ ước mình chưa bao giờ làm cái chuyện trái với luân thường đạo lý ấy…

Nhưng rồi thời gian qua đi, chứng nào tật ấy, thêm lần nữa bọn con lại có em bé. Lần này cả hai quyết tâm giữ lại đứa con của mình. Nhưng cuộc sống quả là khắc nghiệt, khi chúng con nói cho bố mẹ hai bên gia đình biết thì gần như gia đình người bạn của con sụp đổ. Họ quyết không nhận lại đứa con trai của mình nữa, quyết không nhận dâu con gì hết. Gia đình bố mẹ đẻ của con tuyệt vọng nhưng vẫn hy vọng con cháu của họ được sinh thành và lớn lên.Tuy nhiên, bố mẹ đẻ của con chỉ là một gia đình bần nông chính gốc, thêm đứa em trai của con học hành không đến nơi đến chốn, nghề nghiệp việc làm thì không ổn định, lại thêm quanh năm miền Trung mưa lũ, ngập lụt, nông sản không tiêu thụ được. Bố mẹ con có lòng mà không có sức!


Chúng con đưa nhau ra Hà Nội, con bị nghén rất nhiều, gần như không làm được gì. Bạn con thì đang học năm thứ 4 của một trường đại học, vừa học vừa làm thêm trang trải. Dù đã cố gắng hết sức nhưng thật tâm một người còn dở sống dở chết dở ở đất Thị Thành không huống gì 3 người với chỉ với hơn kém 1 triệu một tháng. 


Vô tình con đọc trên mạng thấy trang Web của NHÓM BẢO VỆ SỰ SỐNG. Con được biết Nhóm chuyên giúp đỡ những bà mẹ trẻ gặp khó khăn. Nay con đã mang trong mình hài nhi được hơn hay kém gì đấy 4 tháng, con không rõ bởi không có điều kiện đi khám thai. Con mừng rỡ và hy vọng ngập tràn trong con, hy vọng về mầm non trong con sẽ được chở che bởi tình yêu thương Chúa giành cho nhân loại. Con dù chỉ là một lương dân mang trong mình đầy tội lỗi nhưng con thành tâm mong Chúa hãy giúp đỡ con, xin Ngài đừng từ chối con! 

Xin Cha cho biết hồi âm sớm, bởi mấy hôm nữa thôi chúng con sẽ không có chốn dung thân vì không có tiền thuê phòng trọ và trang trải. 

Xin Cha hãy đọc thư và xem xét giúp đỡ chúng con, để chúng con có cơ hội chuộc lại lỗi lầm của mình!

Con chờ tin từ Cha !

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Theo bvss.org

Hãy gạt chủ trương phá thai ra khỏi mục tiêu phát triển của LHQ


Giết hại hài nhi vô tội ngay trong dạ mẹ không thể là một phần của những chính sách phát triển toàn cầu. Trong năm 2015 Liên Hiệp Quốc sẽ quyết định sử dụng hàng tỉ đô-la như thế nào để diệt trừ nạn nghèo đói, cải thiện y tế và giáo dục, và giúp các nước nghèo phát triển kinh tế. Các cuộc thương thảo đang hướng đến chỗ chọn lựa những chính sách nào cho lịch trình phát triển vào thời hậu – 2015. Lịch trình phát triển này sẽ hướng dẫn các chính sách quốc gia và toàn cầu trong nhiều thập niên.

Những tập đoàn ủng hộ phá thai đã nhận được hàng tỉ đô-la từ các chính phủ, các tổ chức tư nhân và các cơ quan thuộc LHQ dưới danh nghĩa cung cấp “ dịch vụ y tế sinh sản và tính dục” và “các quyền sinh sản”- thường là mã ngữ chỉ việc phá thai. Họ thậm chí còn muốn kiếm nhiều tiền hơn nữa bằng cách bao gồm luôn cả những chính sách này trong lịch trình phát triển hậu – 2015.

Đừng để cho những tập đoàn này lãnh thêm đồng tiền đóng thuế nào của chúng ta nữa. Bọn họ đưa ra những thông tin sai lạc về phá thai qua giáo dục, tập huấn và tư vấn. Họ nói nếu hợp pháp hóa việc phá thai sẽ giải quyết được nạn tử vong thai phụ. Điều này thật quả là giả dối!

Phá thai hợp pháp không giảm thiểu tử suất của thai phụ. Thực ra, phá thai không giải quyết gì được những nguyên nhân tiềm tàng đưa đến cái chết của thai phụ, vốn bao gồm băng huyết, nhiễm trùng, cao huyết áp, và những rắc rối khác khác trong thai kỳ và khi sinh sản.

Những chính sách hiệu quả ngăn ngừa bịnh tật và nạn tử vong cho thai phụ, cũng như các rắc rối do xảy thai, thì ai cũng biết rồi: đó là nước sạch và hệ thống vệ sinh, giáo dục cho phụ nữ, sự chăm sóc trước và sau khi sinh, nhân viên y tế lành nghề, hạ tầng y tế hoàn chỉnh hơn, sự cung cấp đầy đủ thuốc men, chuyên chở, và các cơ sở hộ sinh.

Các quốc gia như Chi- lê và Ái-nhĩ-lan vốn ngăn cấm phá thai là những nước hàng đầu trong khu vực và thế giới trong việc ngăn ngừa tật bịnh và nạn tử vong thai phụ, vì các nước ấy đã áp dụng các chính sách vừa kể.

Antôn Uông Đại Bằng chuyển ngữ (theo C-FAM, 20-2-2014)

Nguồn: ubmvgiadinh

Thần học về thân xác và hoạt động tính dục - kỳ 2

II. Các phẩm chất của thân xác nhân vị

Khi chúng ta để mình bước vào các kinh nghiệm nguyên thủy đó, chúng ta bắt đầu hiểu sâu hơn ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa của thân xác và ý nghĩa của các mối tương quan nhân vị. Nếu chấp nhận sống cách nào đó sự đơn độc, sự hợp nhất và sự trần truồng nguyên thủy, ta có thể hiểu thân xác con người vốn có tính biểu tượng, có tính hôn phối và tự do như thế nào.


1. Thân xác con người có tính "biểu tượng"

Từ kinh nghiệm đơn độc nguyên thủy, con người nhận thấy mình vừa là thành phần của thế giới tạo thành này vừa vượt lên trên thế giới. Như muôn loài, con người có một thân xác, con người là “xác đất vật hèn”. Nhưng thân xác chúng ta thì khác, vì còn có cái gì đó trong ta còn hơn thân xác vật hèn này. Chúng ta có khả năng tư duy khác các loài vật. Chúng ta có thể hướng về Thiên Chúa và thông giao với Ngài, còn các loài vật thì không thể. Chúng ta có thể nhận biết và yêu thương, đi vào quan hệ thân tình với Thiên Chúa. Hơn nữa, con người có thể thiết lập quan hệ thân mật với nhau. Như thế, chúng ta là một hữu thể hợp nhất, kết hợp cái hữu hình và cái vô hình. Chính bởi đó chúng ta đã lãnh nhận sứ mạng đặc biệt đặt tên cho các loài. Hai mặt này, hữu hình và vô hình, không tách biệt nhau nơi chúng ta. Có thể nói, chúng được “ráp lại với nhau” nơi chúng ta.

Đó là ý nghĩa của chữ "biểu tượng" ( symbol ) trong nguyên gốc tiếng Hy lạp. Hai chiều kích thấy được và không thấy được này tồn tại và tạo nên một nhân vị. Như vậy, khi nói thân xác con người có tính chất biểu tượng, là ta muốn nói thân xác ấy còn là gì hơn nữa, không chỉ là vật chất thấp hèn. Thân xác con người là vật mang hay người vác cái vô hình. Đó chính là vai trò của một biểu tượng, nghĩa là: làm cho cái vô hìnhhiện diện, trở nên hữu hình. Biểu tượng là một thực tại hữu hình, nhưng nó hướng ngay sự chú ý của ta đến một sự vô hình nhưng rất thực ( thực tại vô hình ). Biểu tượng kết hợp thế giới hữu hình và thế giới vô hình lại thành một thực thể duy nhất. Như thế biểu tượng thì hoàn toàn tự nhiên chứ không nhân tạo.

Nói thân xác con người có tính biểu tượng tức là nói nó có đặc tính đưa trả về thế giới bên kia thân xác. Thân xác thì hữu hình và khía cạnh thể lý và vật chất của nó có một ý nghĩa và một nội dung chắc chắn nào đó. Thân xác vật lý hữu hình của con người hướng đến bờ bến thiêng liêng và vô hình bên kia của nhân vị. Khi ta nghĩ đến một người bạn, ta không chỉ nghĩ đến thân xác người bạn ấy, mà nghĩ đến chính ngưới ấy, đến cá tính người ấy, đến khả năng trí tuệ tinh thần của người ấy...

Nói cách khác, ta nghĩ đến thực tại thiêng liêng và vô hình của người ấy. Linh hồn là chiều kích sâu xa nhất của con người, là cái nguyên lý thiêng liêng của con người. Nó là cội nguồn của sự thống nhất hữu thể nơi ta. Nói thân xác con người có tính biểu tượng, có nghĩa là nói có một nguyên lý sự sống trong ngã vị của ta không thấy được.

Chúng ta khác các con vật ở chỗ đó. Chúng ta sống trong thế giới biểu tượng, còn con vật chỉ sống trong thế giới thực chứ không sống trong thế giới biểu tượng. Con vật có xác nhưng chúng không một có linh hồn thiêng liêng như ta. Con người vừa hữu hình vừa vô hình, và chúng ta kết hợp hai chiều kích này trong cách ta tư duy, trong hành động và trong lời nói của ta, nói tắt là, trong toàn thể đời sống của ta. Con người là một "ngã-vị-với-xác-thân" (body-person). Thân xác thì ở trong thời gian và không gian, linh hồn thì ở trong vĩnh cửu. Chúng ta sống trong cả hai thế giới này. Đó là nét đặc thù của riêng chúng ta xét như là con người.

Chúng ta hằng ngày sống trong thế giới biểu tượng nhưng ít khi ý thức và suy nghĩ về điều đó. Thử xét việc sống thường xuyên nhờ các giác quan, tất cả chúng đều mang một ý nghĩa thể lý lẫn thiêng liêng hay tinh thần. Xúc giác, chẳng hạn, rất quan trọng để hoàn thành các nhiệm vụ của chúng ta hằng ngày. Không có nó ta không thể lái xe được. Nhưng cũng nhờ nó chúng ta mới có thể trao đổi tình cảm yêu thương. Những người yêu âu yếm nhau, người mẹ vuốt ve nựng con thơ đều nhờ xúc giác. Sờ chạm vuốt ve của xúc giác biểu thị tình yêu: khi một người xúc chạm một ai khác truyền cảm xúc của tình yêu, thì xảy ra một cái gì đó vô hình nhưng rất thực. Tình cảm được chuyển tải qua xúc giác. Nhờ thính giác, tai ta nghe những thanh âm ý nghĩa bởi trong thâm tâm ta quan tâm và chú ý những gì “người kia” muốn nói với ta. Đó cũng là một biểu tượng của tình yêu.

Tính biểu tượng của cõi nhân gian lộ rõ hơn nữa bởi mặt kia của sự cô đơn nguyên thủy. Ađam không thấy có ai trong vô số loài trong tạo thành của Chúa mà thân xác giống như của mình. Ông không thể tạo lập được giao tiếp xã hội với chúng, mà chỉ có Eva. Cái khác biệt này là một cách khác nữa cho Ađam kinh nghiệm bản tính biểu tượng của xác thân con người. Thân xác các loài vật cũng là thân xác, nhưng chúng không thể là biểu tượng như thân xác của con người vốn làm hiện diện toàn thể ngã vị, cả phần hữu hình lẫn vô hình.

2. Thân xác con người có tính hôn phối

Ngay khi Ađam nhìn thấy Eva, ông hiểu có cái gì khác biệt ở đây. Một thân xác con người khác đang có đó sẵn sàng thiết lập cùng ông một mối quan hệ thân mật. Nàng là một bổ túc cho ông. Điều đó có nghĩa là họ có thể trở nên "một".

Thân xác đàn ông và thân xác đàn bà khác biệt nhau. Đàn ông thì cường tráng, có sức vóc mạnh mẽ hơn. Cơ thể phụ nữ thì mỏng manh, mềm yếu hơn. Họ cũng khác biệt về tính dục. Cơ quan sinh dục của đàn ông thì ở ngoài, trong khi của phụ nữ thì ở trong. Chúng được tạo dựng để dành cho nhau. Đàn ông đi vào trong cơ thể của đàn bà, đàn bà thì tiếp nhận ông. Họ nên "một xương một thịt".

Khi nói thân xác con người có tính hôn phối, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô muốn nói rằng chúng được tạo dựng nên cho tình yêu, để sống tương giao. Đó là một hệ luận của bản tính biểu tượng của thân xác con người. Đàn ông và đàn bà hấp dẫn lẫn nhau. Có hấp dẫn thể xác bên ngoài mà cũng có hấp dẫn tinh thần từ bên trong. Họ kết hôn và hợp hoan nên một. Hành động ấy vừa thuộc thể xác vừa thuộc tinh thần, bởi thân xác con người có tính biểu tượng.

Như vậy, khi vợ chồng giao hoan, họ làm thế trong tư thế của thụ tạo mang tính biểu tượng. Họ âu yếm trên da thịt, trao đổi với nhau những lời yêu thương, bằng cách ấy họ thông truyền tình yêu cho nhau. Như thế, giao hoan là một hành động vừa tuyệt diệu vừa mầu nhiệm. Đó không phải là một thứ “thể thao ngẫu hứng trong nhà”. Vì xác thân con người có tính biểu tượng và hôn phối, cho nên khi một người đàn ông và một người đàn bà diễn tả tình yêu của họ trong quan hệ tình dục, đó là họ thông giao, tức là trao đổi với nhau. Nói cách khác, thân xác con người có một ngôn ngữ, quả thật, đó là ngôn ngữ của tính dục. Như Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô nói, tính dục là một dạng ngôn ngữ hoàn toàn độc đáo. Tính dục là ngôn ngữ của thân xác.

Trong tình trạng trần truồng của mình, người đàn ông và người phụ nữ đầu tiên đã khám phá ra điều mà Đức Giáo Hoàng gọi là "ý nghĩa hôn phối của thân xác". Tình yêu hôn nhân là tình yêu hiến thân trọn vẹn. Bởi thế, ý nghĩa hôn phối của thân xác là "khả năng diễn tả tình yêu: là chính tình yêu mà trong đó ngã vị trở thành một tặng phẩm và – nhờ tặng phẩm ấy – con người thực hiện trọn vẹn chính ý nghĩa của hữu thể và hiện hữu của mình" [1]. Sự khác biệt giới tính tỏ lộ một kế hoạch không thể lầm lẫn của Thiên Chúa trong đó thân xác của người nam và người nữ có ý nghĩa là tặng phẩm dành cho nhau.

Nhưng không chỉ có thế, việc họ dâng hiến cho nhau, theo tiến trình bình thường tự nhiên, sẽ dẫn đến một “kẻ thứ ba”. Như Dức Gioan Phaolô II đã diễn tả, hành động "biết" dẫn đến sinh sản: "Ađam biết vợ mình và sau đó bà đã mang thai" (St 4, 1). Việc làm cha và làm mẹ là chóp đỉnh và đồng thời mạc khải trọn vẹn mầu nhiệm của tính dục. Chỉ thị đầu tiên của Thiên Chúa trong Sáng thế là "Hãy sinh sôi nảy nở" (St 1, 28). Đó không chỉ là một mệnh lệnh truyền sinh, nhưng còn là tiếng gọi hãy yêu thương theo hình ảnh của Thiên Chúa và như thế "làm cho chính ý nghĩa của hữu thể và hiện hữu của chúng ta nên trọn vẹn".

3. Thân xác con người thì tự do, nhưng đồng thời cũng trong tình trạng sa ngã

Trước khi phạm tội, thân xác con người hay nhân vị vốn tự do, nghĩa là không bị nô lệ cho tội lỗi cùng những dục vọng của nó. Tự do ấy của thân xác là sự tự do của tặng phẩm dành trao hiến cho nhau, như đã nói trên đây, và là nền tảng cần thiết để yêu thương như Thiên Chúa yêu thương. Không có tự do, người nam và người nữ không thể trao ban cũng không thể đón nhận tình yêu.

Thế nhưng, thân xác của con người đã bị tội lỗi làm ảnh hưởng. Thân xác không là nguyên nhân của tội. Nhưng vì chúng ta là hữu thể thống nhất của hồn và xác, và tội lỗi xuất phát từ sự lạm dụng tự do vốn thuộc lãnh vực tâm linh, nên thân xác bị ảnh hưởng.

Hậu quả đầu tiên của tội nguyên tổ là cái chết. Thiên Chúa không dựng nên chúng ta để chết. Sự chết không có ý nghĩa gì cả. Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Ngài muốn chúng ta được sống, và sống viên mãn. Như sách Khôn Ngoan đã viết: "Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu" (Kn 1, 13 – 14).

Một hậu quả khác của tội nguyên tổ là dục tình dâm loạn. Một người đàn ông có thể đem lòng thèm muốn một người đàn bà. Người ấy có thể chỉ xem người đàn bà như một món đồ chơi để thỏa khoái lạc dục vọng trong chốc lát, rồi bỏ. Có thể người ấy nhìn một người phụ nữ chỉ ở vẻ đẹp thể chất với ánh mắt nhục cảm, mà không chạm tới ngã vị vốn vô hình của một chủ thể. Nói cách khác, tội lỗi ngăn trở chúng ta hiểu thân xác con người thuộc phạm trù biểu tượng. Ta có thể thấy rất nhiều thí dụ minh họa cho cái nhìn phiếm diện nô lệ đó trong thế giới ngày nay. Truyền hình, báo chí, các trang mạng toàn cầu rao rảo phơi bày bao nhiêu hình ảnh – nhất là của phụ nữ – tôn vinh chỉ duy chiều kích thể lý của xác thân con người. Chúng phản bội sự thật của nhân vị.


4. Thân xác con người được cứu chuộc

Nhưng tất cả không bị đánh mất. Đức Kitô, nhờ cái chết và sự phục sinh của Người, khôi phục lại cho chúng ta ý nghĩa của cuộc sống và thân xác con người. Thân xác Người đã bị đóng đinh. Bởi cái chết thể lý của Người, thân xác chúng ta được "phục hồi". Thân mình Người bị ngọn giáo đâm thấu tim, từ đó máu và nước tuôn trào thành "nguồn mạch cho đời sống Bí Tích trong Hội Thánh". Sau phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và cho họ chạm đến thân thể Người. Các Tông Đồ gặp gỡ Đấng Phục Sinh, còn Thánh Thomas thì được chạm ngón tay vào cạnh suờn Người. Kinh nghiệm thể lý đó đưa ngài đến Dức Tin.

Thật ra, sau cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, cuộc sống của chúng ta trở nên còn tốt hơn cả lúc nguyên tổ chưa phạm tội. Từ nay, Thiên Chúa đã bước vào lịch sử. Chúa Cha đã sai Con mình đến trần gian. Thiên Chúa siêu việt và vô hình đã trở nên hữu hình. Hơn nữa, vì Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể, giờ đây ta có thể sờ chạm, nếm hưởng, cảm nghe được tiếng Ngài. Thật tuyệt diệu đến không thể tin được! Tội lỗi của chúng ta được tẩy sạch, cuộc sống của chúng ta được khôi phục lại và chúng ta được nâng lên sống một đời sống mới với Đức Kitô.

Tóm lại, khởi đi từ các kinh nghiệm nguyên thủy và kinh nghiệm tội nguyên tổ, chúng ta có thể hiểu được rằng thân xác con người vốn có tính biểu tượng và hôn phối, thân xác ấy vốn tự do nhưng là một thân xác đã ở trong tình trạng sa ngã nhưng đã được Đức Kitô cứu chuộc. Thân xác làm cho toàn thể ngã vị được hiện diện. Chúng ta là những tạo vật "mang tính biểu tượng". Và từ đó ta biết, thân xác chúng ta và chính chúng ta được tạo dựng để yêu thương, chứ không để phục lụy dục vọng thấp hèn.

Như thế, chúng ta khám phá ra ý nghĩa sâu thẳm rằng thân xác là để tương giao hơn là để cho khoái lạc tính dục. Tính dục chỉ quan trọng trong mức độ khi nó phục vụ cho sự tương giao. Vả lại, thân xác chúng ta tự do nhưng đã bị thương tổn. Cuối cùng, trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô mà chúng ta ý thức sâu sắc rằng thân xác chúng ta, con người chúng ta được cứu chuộc. Biết và yêu mến Đức Kitô, cụ thể, sẽ giúp ta bước vào các kinh nghiệm nguyên thủy, từ đó có thể biết bản thân mình sâu hơn và biết cuộc sống mình sẽ như thế nào.

Lm. Luy NGUYỄN ANH TUẤN (Còn tiếp)

Thần học về thân xác và hoạt động tính dục - Kỳ 1

Dẫn nhập

Tính dục là một chiều kích quan trọng và mầu nhiệm của đời sống chúng ta. Thời đại ngày nay người ta để nó “lộ” ra nhan nhản có khi đến mức trơ tráo và bão hòa. Nhiều nhà tư tưởng gọi tính chất của văn hóa thời nay là một thứ “phiếm tính dục” (Pan-sexualism), nghĩa là nhìn ở đâu cũng thấy nó xuất hiện, và xu hướng nhìn mọi sự qua lăng kính “dục tính” (libido) ngày càng gia tăng kể từ Sigmund Freud. Xem ra trong cuộc sống xã hội và văn hóa ngày nay, tính dục bị lạm dụng chỉ để phục vụ cho sự tìm kiếm khoái lạc ích kỷ. Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã trả lời cách tuyệt vời cho hoàn cảnh mới đó của ngày hôm nay. Ngài đã đặt tính dục trở lại trong bối cảnh sâu rộng hơn của thần học về thân xác.

Chỉ dưới ánh sáng của các kinh nghiệm nhân bản nguyên thủy và các phẩm chất đích thật của thân xác con người, chúng ta mới hy vọng hiểu được ý nghĩa và giá trị của tính dục, cùng các hành động gắn liền với nó. Nếu bị bứng khỏi bối cảnh đích thực của nó, tức trong tương quan lành mạnh, bền vững và trên cơ sở một sự dấn thân nào đó, tính dục sẽ chỉ còn là một thứ đồ chơi đơn thuần.

I. CÁC KINH NGHIỆM NHÂN BẢN NGUYÊN THỦY

Dựa trên hai chương đầu của sách Sáng Thế, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đưa ra ánh sáng ba kinh nghiệm nguyên thủy của con người trước cả tội nguyên tổ, là: "sự đơn độc nguyên thủy", "sự hợp nhất nguyên thủy", "sự trần truồng nguyên thủy". Nhưng điều quan trọng phải nói ngay là: con người lịch sử chúng ta cũng có thể có được những kinh nghiệm này, chính vì Đức Kitô đã ban cho chúng ta. Tuy nhiên, kinh nghiệm gắn liền với tội nguyên tổ xem ra quen thuộc với chúng ta hơn, vì chúng ta đã phạm tội và vẫn còn phạm tội và nhiều thiếu sót.

Thế nhưng, qua Thần học về thân xác Đức Gioan-Phaolô II giúp ta hiểu rằng chúng ta có thể có được một kinh nghiệm tích cực về sự đơn độc, về sự hợp nhất, về sự trần truồng. Đó là điều Đức Kitô ước muốn cho chúng ta. Người muốn chúng ta trở về lại với cái “thuở ban đầu”, để có thể khám phá ra ý nghĩa đích thật của thân xác và tính dục con người, tức ý nghĩa của sự sống.

1. Sự đơn độc nguyên thủy: khám phá đầu tiên về “Ngã vị tính”

Trong trình thuật Sáng thế chương 2, từ câu 4 đến câu 25, từ "Thiên Chúa" được dẫn ra sáu lần như muốn nói rằng con người có khả năng nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa. Thiên Chúa và con người sống trong tương quan thân tình như bằng hữu, trong gia đình. Hơn nữa, con người cũng khác các thọ tạo khác trong vườn Êđen, được giao trách nhiệm đặc biệt: Thiên Chúa dẫn các loài vật đến trước con người để họ đặt tên, nghĩa là con người biết và thống trị muôn loài. Tuy nhiên, con người thấy không có một “ai” trong các loài đó có thân xác khả dĩ giống như hay tương xứng với mình. Con người hiểu rằng mình có một thân xác như mọi loài thọ tạo quanh mình, nhưng thân xác ấy khác với xác thể muôn loài.

Sự đơn độc nguyên thủy của con người mang hai nghĩa.

Thứ nhất, con người cô độc trước Thiên Chúa, hay độc đáo trước mặt Thiên Chúa. Mối tương quan của con người với Chúa là duy nhất. Con người cũng được Thiên Chúa tạo dựng như các loài khác, nhưng chỉ con người mới có thể “nghe” và “nói chuyện” với Ngài. Chúng ta đứng trước nhan Ngài, mỗi người một cách duy nhất hiện diện trước mặt Ngài. Khác với muôn loài, chúng ta có thể quan hệ trực tiếp với Thiên Chúa, đối thoại với Ngài. Nhờ “sinh khí” của Thiên Chúa (x. St 2, 7) thổi vào, con người có thể nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, trần thế và chính mình.


Một số loài vật cũng có khả năng nhận biết trong chừng mực nào đó, như những con vật cưng như chó nuôi trong nhà chẳng hạn, nhưng rất giới hạn. Còn con người, với tư cách là người, chúng ta biết được rằng mình biết, tức là ta có ý thứcrằng mình biết, chúng ta có khả năng suy tư trên các sự kiện và ý nghĩa của chúng. Chính từ đó, con người ý thức mình tự phát triển như những ngã vị (persons). Con người “cô đơn” vì con người là thọ tạo có xác thân duy nhất được tạo dựng theo hình ảnh, họa ảnh của Thiên Chúa (x. St 1, 26). Con người thì “cô đơn” trong thế giới hữu hình này, xét như vì mình là một ngã vị.

Khi Ađam (con người) đặt tên cho các loài vật, ông cũng khám phá ra “tên” của mình, khám phá ra căn tính của mình. Ông đã đi tìm một “trợ tá”, nhưng không tìm ra “ai” cả trong số các loài vật mà ông đặt tên (x. St 2, 20). Con người thì khác với các con vật. Nhưng khác ở chỗ nào? Nói cách vắn tắt, đó chính là tự do. Con người không xác định mình bởi yếu tố bản năng thân xác. Con người được tạo dựng từ “bụi đất” như các loài vật (con người có xác), nhưng họ cũng có “sinh khí” làm cho họ trở nên một sinh vật. Một xác có sinh khí không chỉ là một thân xác nhưng là một “ai đó”. Một người có thể chọn lựa tự do làm gì tùy ý đối với thân xác mình. Loài chỉ là bụi đất thì không thể làm được như vậy. Tự do được ban cho con người để biết yêu thương. Nó có thể dẫn tới hủy diệt và chia rẽ, thế nhưng nó có là để ban trao sự sống và tạo lập tình hiệp nhất. Nó là chọn lựa của chúng ta.

Thứ hai, ý nghĩa của sự đơn độc nguyên thủy của con người còn được hiểu như là cá nhân từng con người là độc đáo nhưng còn có cái gì đó chưa ổn. “Con người ở một mình thì không tốt” (x. St 2, 18). Chính Thiên Chúa thấy điều đó trước hết. Con người cần một “trợ tá” tương xứng với mình để có thể “biết” mình đầy đủ hơn. Con người không là một vật nhưng là một chủ thể sống tương quan. Là một chủ thể liên vị. nhận thấy rằng mình không giống các loài vật vì mình được mời gọi bước vào một “giao ước tình yêu” với chính Thiên Chúa. Chính mối quan hệ tình yêu với Chúa đó xác định sự “đơn độc” của Ađam hơn bất cứ điều gì khác. Khi nếm vị ngọt tình yêu ấy, Ađam cũng ước mong toàn thể con người mình được cùng sẻ chia giao ước tình yêu này với một ngã vị khác giống như mình vậy.

Đó là lý do tại sao “con người ở một mình thì không tốt”. Bởi thế, từ trong nỗi cô đơn của mình, con người đã khám phá ra được ơn gọi hai mặt của mình: tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với người thân cận (Mc 12, 29 – 31). Sự đơn độc là khám phá đầu tiên của ngã vị tính mà tương quan là một yếu tố cấu thành của nó. Là tinh thần, nhưng ngã vị lại được “kinh nghiệm” nơi thân xác. Như đức Gioan-Phaolô nói "thân xác diễn tả ngã vị (con người)"[1].

2. Sự hợp nhất nguyên thủy: hiệp thông các ngôi vị


Thấy “con người ở một mình không tốt”, Thiên Chúa ra tay. Ngài cho Ađam đi vào một giấc ngủ mê, và tạo dựng nên Eva, người đàn bà, từ chiếc xương sườn của ông. Tỉnh dậy, Ađam khám phá một “ai đó” mới lạ vừa giống vừa khác bên cạnh mình, và kêu lên thảng thốt: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” (St 2, 23), biểu lộ sự kinh ngạc tột cùng và say mê.

Ađam bị mê hoặc bởi xác thân của nàng, bởi lẽ, như Đức Giáo Hoàng cho thấy, cái “phen này” là một thân xác biểu lộ một con người ngã vị. Mọi con vật ông đã đặt tên là những thân xác, nhưng không phải là nhân vị. Trong tiếng Hípri, “thịt” và “xương” (basar) chỉ toàn thể con người. Bởi thế, việc tạo dựng người nữ từ một trong những chiếc xương của người nam là cách diễn tả bóng bẩy của sự kiện cả hai tham dự cùng một nhân tính. Cả hai đều là những nhân vị được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Cả hai “đơn độc” trong thế giới theo nghĩa họ khác biệt với các loài vật (sự đơn độc nguyên thủy). Cả hai được kêu gọi để sống trong một giao ước tình yêu. "Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt" (St 2, 24).

Kinh nghiệm kết hợp này giúp con người chiến thắng nỗi cô đơn. Sự kết hợp nên “một xương một thịt” nơi con người thuộc một thế giới khác hẳn với sự giao cấu của các loài vật. Vậy sự khác biệt chủ yếu ở điểm nào? Phải nói là, trông bên ngoài tức chỉ nhìn trên bình diện sinh học, thì hai bên giống nhau, thế nhưng sự kết hợp tình dục nơi con người không chỉ là một thực tại sinh học. Đó còn là một thực tại tâm linh và thần học. Thân xác con người là để mạc khải và thông dự vào huyền nhiệm tình yêu thần linh. "Trong hôn nhân, ái ân trở thành dấu chỉ và bảo đảm của sự hiệp thông tinh thần"[2]. Loài vật không có khả năng "hiệp thông tinh thần" này vì chúng không phải loài thuộc linh (spiritual). Phận “cát bụi” hay vật chất của loài vật không được “thần hứng” (in-spired) nghĩa là không có hơi thở Thần Khí. Chúng không được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Kết hợp nên “một xác thịt” không chỉ muốn nói đến sự giao cấu của hai thân xác (như các loài vật) nhưng là "một biểu lộ ‘bí tích’ của sự hiệp thông các ngôi vị"[3]. Thân xác con người là bí tích. Thân xác con người khiến mầu nhiệm Thiên Chúa vô hình, Đấng là chính sự Hiệp Thông các Ngôi Vị (Cha, Con, và Thánh Thần) và bản thể Ngài là Tình Yêu, trở nên hữu hình. Thiên Chúa không thể ban cho ái tình một mục đích và một phẩm giá nào cao cả hơn thế. Sự kết hợp vợ chồng nhằm một cách nào đó trở thành biểu tượng của đời sống nội tại Ba Ngôi Thiên Chúa ! Nếu chúng ta mà hiểu được chân lý độc đáo này và suy tư về điều ấy, chúng ta sẽ không bao giờ nhìn tính dục con người theo cùng một cung cách như trước. Xin hãy nhớ rằng: Thiên Chúa không bị phân giới tính. Hình bóng ở thế gian thì mờ nhạt so với những thực tại trên trời. Thế nhưng, Thiên Chúa tạo dựng nên con người chúng ta lại có giới tính và kêu gọi ta đi vào hiệp thông để nên như là một mạc khải đệ nhất, theo nghĩa nguyên thủy và căn bản, cho mầu nhiệm riêng Người, ở trong thế giới tạo thành này. Đây chính là điều mà Đức Giáo Hoàng muốn nói khi ngài mô tả hôn nhân như là "bí tích đệ nhất". Toàn thể thực tại đời sống hôn nhân dĩ nhiên là một bí tích. Nhưng “mầu nhiệm cao cả” này không nơi nào thể hiện rõ ràng hơn khi hai người vợ và chồng nên một “xác thịt”.

3. Sự trần truồng nguyên thủy: Chìa khóa để hiểu kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa

Sau khi mô tả sự kết hợp của đôi vợ chồng đầu tiên, ta đọc thấy bản văn Sáng Thế nói: "con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau" (St 2, 25). Đức Giáo Hoàng nói trong số tất cả các đoạn văn về các câu chuyện tạo dựng đây "chính là chiếc chìa khóa" để hiểu kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa về cuộc sống con người. Quả là một lời khẳng định bạo dạn. Nói cách vắn tắt, nếu chúng ta không hiểu ý nghĩa của câu St 2, 25, chúng ta sẽ không hiểu việc chúng ta được tạo dựng nên như là người nam và người nữ có ý nghĩa như thế nào. Chúng ta sẽ không hiểu chính bản thân mình cũng như không hiểu ý nghĩa của cuộc sống.

Một người phụ nữ cảm thấy không cần phải che thân thể mình khi tắm rửa một mình trong phòng tắm. Nhưng nếu có một người đàn ông lạ đột nhiên đi vào nhà tắm, cô ta sẽ thấy xấu hổ. Tại sao vậy? “Xấu hổ” theo nghĩa này, như Đức Giáo Hoàng giải thích, là hình thức tự bảo vệ không để mình bị biến thành một đồ vật thỏa khoái cảm dục tính cho ai khác. Trường hợp của người phụ nữ này chẳng hạn, cô ấy biết rằng mình không bao giờ muốn để bị đối xử như một “đồ vật” ai muốn đá tưng đi đâu thì đá. Kinh nghiệm dạy cho nàng biết rằng những người đàn ông (do lòng thèm muốn bởi tội nguyên tổ mà ra) thường có xu hướng đối xử với thân xác người phụ nữ như một đồ vật. Bởi thế, người phụ nữ che thân thể mình lại không phải vì nó “xấu” hay “đáng xấu hổ”. Nàng che mình lại để bảo vệ phẩm giá của mình không bị xúc phạm bởi một “ánh mắt đầy dục vọng” của kẻ xa lạ – một ánh nhìn thiếu tôn trọng phẩm giá ngôi vị do Thiên Chúa ban.

Ngược lại, trong tình trạng vô tội nguyên thủy Ađam và Evà có kinh nghiệm về sự trần truồng mà không biết xấu hổ. Khi ấy dục vọng (sự thèm muốn dục tình tự tìm kiếm thỏa mãn) chưa lẻn vào tâm hồn con người. Bởi thế, hai ông bà tổ tông của chúng ta dẫu trần truồng cũng cảm thấy không có cái phản vệ khi đứng trước mặt người khác, bởi lẽ cái nhìn của người kia hoàn toàn không chút đe dọa đến phẩm giá của mình. Đức Giáo hoàng diễn tả cách thơ mộng, họ "nhìn nhau và thấu hiểu nhau… với ánh mắt tâm hồn tràn đầy bình an"[4]. “Ánh mắt tâm hồn” này không chỉ là cái nhìn của một thân xác thuần túy nhưng là cái nhìn của một xác thân con người biểu lộ ra một tâm hồn mầu nhiệm. Họ nhìn thấy ý định yêu thương của Thiên Chúa khắc ghi trong xác thân trần truồng của họ và đó chính là điều mà họ khát vọng – đó là yêu thương như Thiên Chúa yêu thương trong và qua thân xác của họ. Và như thế trong tình yêu không hề có sự sợ hãi (xấu hổ). "Tình yêu hoàn hảo loại trừ mọi sợ hãi" (1Ga 4, 18).

Đó là lý do ta hiểu tại sao "trần truồng mà không xấu hổ" là chiếc chìa khóa để hiểu kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc sống của chúng ta. Vì nó mạc khải chân lý nguyên thủy của tình yêu. Hiểu thấu đáo hơn nữa điều này, ta thấy rằng “thuở ban đầu” Thiên Chúa đã tạo dựng khát vọng tính dục như là chính sức mạnh để yêu thương như Ngài yêu thương, bằng cách trao ban chính mình trong sự tự do, chân thành và toàn vẹn. Đó là điều mà đôi vợ chồng đã kinh nghiệm như được mô tả trong sách Sáng thế. Khát vọng tính dục khi ấy không được sống như một xung năng hay bản năng nhằm tìm sự thỏa mãn ích kỷ của con người.

Vì người đàn ông và người đàn bà đầu tiên “hoàn toàn được phủ đầy” bởi tình yêu Thiên Chúa, nên họ hoàn toàn tự do và trở thành tặng phẩm cho nhau. Họ "tự do bởi chính cái tự do của tặng phẩm trao hiến" như Đức Giáo Hoàng đã nói[5]. Chỉ có người tự do không bị nô lệ cho những xung năng của dục vọng mới có thể trở nên một “tặng phẩm” thực sự cho người khác. "Tự do của tặng phẩm" bấy giờ trở thành tự do để chúc lành, là tự do không bị khống chế của xung năng (hay sự thúc bách) của tham lam chiếm hữu. Chính sự tự do này giúp đôi vợ chồng đầu tiên "trần truồng mà không thấy xấu hổ". Họ như được tham dự vào cái nhìn đó của Thiên Chúa. Họ biết sự thiện hảo của họ. Họ biết kế hoạch yêu thương tuyệt vời của Thiên Chúa. Họ thấy kế hoạch đó được ghi tạc trong thân xác của họ và họ kinh nghiệm nó nơi khát vọng của họ hướng về nhau.

Chúng ta đã đánh mất cái nhìn tuyệt vời này khi tội lỗi xuất hiện. Nhưng ta đừng quên "Đức Giêsu đã đến trả lại cho thụ tạo tình trạng tinh tuyền nguyên thủy của chúng"[6]. Điều này sẽ chưa nên trọn cho tới khi Nước Trời đến, tuy nhiên qua ơn cứu chuộc, chúng ta có thể bắt đầu phục hồi điều đã mất ngay từ đời này.

Lm. Luy NGUYỄN ANH TUẤN


[1] Tiếp kiến chung ngày 31/10/1979.

[2] GLHTCG, 2360.

[3] Gioan-Phaolô II, Tiếp kiến chung ngày 25.6.1980. Ở đây Đức Giáo Hoàng trình bày một bước phát triển trong tư tưởng thần học Công giáo. Theo truyền thống, các nhà thần học thường nói chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa hệ tại ở nơi chúng ta, xét như là những cá vị, là hồn có lý trí. Điều này đúng thôi. Nhưng đức Gioan-Phaolô II tiến thêm một bước nữa, ngài nói: "Con người trở nên là hình ảnh của Thiên Chúa không hẳn ở nơi yếu tố đơn độc cho bằng là ở nơi yếu tố hiệp thông". Nói cách khác, con người là hình ảnh của Thiên Chúa "không chỉ hệ tại ở nơi nhân tính của mình, nhưng còn bởi sự hiệp thông các ngôi vị mà người nam và người nữ tạo lập ngay từ đầu".

[4] Gioan-Phaolô II, Tiếp kiến chung ngày 02/01/1980.

[5] Gioan-Phaolô II, Tiếp kiến chung ngày 16/01/1980.

[6] GLHTCG, 2336.

Tuyên truyền tư vấn sai lạc đưa tới phá thai

Ở Việt Nam, những người làm công tác y tế, khoa học trong các cơ quan Nhà Nước luôn bị gò ép làm luôn công tác dân vận tuyên truyền cho chính sách kế hoạch dân số, nói nôm na là hạn chế sinh con bằng mọi cách kể cả sát nhi. Một trong những tuyên truyền rầm rộ đó là nhắm vào những người trên 30, độ tuổi đã khá vững chãi về kinh tế, chín chắn về tình cảm, muốn có được một đứa con, một nhu cầu rất chính đáng và đáng được thỏa mãn. Tiêu biểu là tâm trạng của chị Nguyễn Thị Liên sau đây:




Alobacsi.vn – 11/09/2013 15:05

Năm nay em 33 tuổi, do lập gia đình muộn, kinh tế khó khăn nên giờ vợ chồng em mới có kế hoạch sinh cháu đầu lòng nhưng nghe mọi người nói không nên sinh con ở tuổi này. Xin bác sĩ giải thích và cho lời khuyên (Nguyễn Thị Liên, Điện Biên).


Chào bạn,

Theo thống kê về sảy thai tăng theo tuổi tác cho thấy, gần 15% phụ nữ bị sảy thai dưới 35 tuổi, tỷ lệ sảy thai tăng lên 20% ở độ tuổi 35 – 37 và tiếp tục cao hơn nữa ở những lứa tuổi lớn hơn. Mặt khác, phụ nữ có thai ở lứa tuổi trên 30 thường tăng nguy cơ đẻ con bị dị tật và mắc hội chứng Down cũng tăng lên.


Nguyên nhân do tuổi tác làm cho các thể nhiễm sắc ở trứng không tách biệt tốt, chúng dễ kết dính với nhau và khi tạo thành một tổ hợp nhiễm sắc thể nào đó thì có thể dẫn đến hội chứng Down và nhiều bệnh khác do có nhiễm sắc thể thừa. Do vậy, sinh sớm hơn hay muộn hơn về mặt lý thuyết đều không thuận lợi về tâm, sinh lý cho cả sản phụ và thai nhi.

Với những phụ nữ sinh nở lần thứ nhất khi đã trên 30 tuổi cần tuân thủ tuyệt đối việc khám thai định kỳ để phát hiện dị tật và những biến chứng có thể gặp phải. Bên cạnh đó nên đề phòng một số chứng bệnh hay gặp phải như: Tiền sản giật, bệnh tim, đái tháo đường. Với những phụ nữ lớn tuổi khi có thai kèm theo những cảnh báo trên cần thường xuyên đến các cơ sở y tế để phát hiện những biến chứng có thể xảy ra. Vì vậy, đối với người sau 30 tuổi mang thai lần đầu trước và khi mang thai cần có sự tư vấn và theo dõi sát sao của bác sĩ chuyên khoa.


AloBacsi.vn, theo Nguyễn Chương – Sức khỏe & Đời sống

Trái với tư vấn của các bác sĩ "kế hoạch" như trên, thông tin khoa học chân chính sau đây, kết quả nghiên cứu trường hợp của 76.000 sản phụ tại Hoa Kỳ, cực lực bác bỏ ngộ nhận trầm trọng này. Kinh nghiệm dân gian ở Việt Nam cũng cho thấy những đứa con sinh sau thường thông minh và khỏe mạnh hơn anh chị của chúng. Nguồn: http://health.yahoo.net/news/s/hsn/babies-born-to-moms-over-35-may-have-lower-risk-for-certain-birth-defects

Phụ nữ ở độ tuổi 30 hay 40 thường được cảnh báo về nguy cơ sinh con khuyết tật gia tăng theo độ tuổi của người mẹ. Nhưng cuộc nghiên cứu mới đây lại cho thấy điều ngược lại. Làm mẹ ở độ tuổi 35 và cao hơn lại ít bị rủi ro hơn có con bị các dạng khuyết tật bẩm sinh thường gặp nhất gây nên bởi bất bình thường nhiễm sắc thể.

Bác sĩ Jill Rabin, trưởng khoa sản Trung Tâm Y Khoa Long Island Jewish tại New Hyde Park, New York, phát biểu: Cuộc nghiên cứu này mang đến sự an tâm cho các phụ nữ muốn trì hoãn việc sinh con vì e ngại sẽ di truyền cho con cái một số bệnh tật của họ.

Bác sĩ Katherine Goetzinger, giáo sư giảng dạy về sản khoa và bào thai học tại Đại Học Washington tại St. Louis nói rằng: “Khám phá này sẽ trấn an các phụ nữ về việc họ sẽ có con khỏe mạnh bình thường.”

Xưa nay vẫn có quan niệm phụ nữ càng cao tuổi thì càng gặp nguy cơ sinh con rối loạn về nhiễm sắc thể như bị hội chứng Down. Nhưng theo nhóm nghiên cứu, người mẹ càng lớn tuổi thì con lại càng có ít các khuyết tật bẩm sinh. Các tác giả nghiên cứu cho biết có rất ít sự liên hệ giữa độ tuổi của người mẹ và các khuyết tật nơi tim, não, thận, xương, hệ tiêu hóa.

Nhóm nghiên cứu Goetzinger dựa vào kết quả siêu âm lần thứ nhì trong 3 tháng của 76.000 phụ nữ. Họ tìm ra người mẹ càng lớn tuổi, từ 35 trở lên, thì có ít hơn 40% nguy cơ có con khuyết tật so với các bà mẹ trẻ hơn. Khuyết tật nơi tim thai nhi thì đồng đều cho cả hai nhóm tuổi, nhưng khuyết tật nơi não, thận, và vùng bụng nơi các bà mẹ trên 35 lại ít hơn.

Bác sĩ Joanne Stone, trưởng khoa sản Bệnh Viện Mount Sinai ở thành phố New York nói rằng: “Dù chúng ta chưa biết được nguyên nhân sự giảm đi các khuyết tật bẩm sinh, đây là tin khích lệ cho các phụ nữ muốn có con khi họ đã lớn tuổi.”

NGUYỄN TRUNG ghi nhận 

Theo báo Ephata số 597

Các linh mục Việt Nam kêu gọi hủy bỏ án tử hình

Bản án tử hình đối với phạm nhân đã từ lâu không diễn tả sự công tâm của pháp luật, mà mang nặng tính trả thù. Đặc biệt Giáo lý Công giáo, từ lâu, đã lên án hình thức kết án phi nhân này. Nhân dịp Việt Nam phải ra điều trần trước Hội đồng nhân quyền LHQ (UPR), mỗi 4 năm một lần, Nhóm linh mục Nguyễn Kim Điền và các linh mục Công giáo khác đã đồng ký tên kêu gọi Quốc hội hủy bỏ án tử hình.



—–

Kính gởi

- Quý Cơ quan hữu trách Việt Nam.

Đồng kính gởi

- Quý Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.

- Quý Anh Chị Em Tín hữu Công giáo.

- Quý Cơ quan Nhân quyền Quốc tế


1- Nhận định

- Kể từ sau năm 1975, Việt Nam là một trong số những quốc gia thi hành án tử hình nhiều nhất thế giới, vừa đối với các tù nhân hình sự, vừa đối với các tù binh chiến tranh (thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa), vừa đối với các tù nhân lương tâm. Có rất nhiều chứng từ lẫn tài liệu về vấn đề này. Và không thiếu những trường hợp chết oan vô tội. Gần đây lại có một loạt án tử hình được tuyên liên quan đến tham nhũng, cướp của, buôn ma túy, gây xôn xao cho toàn xã hội.

- Việt Nam đang theo chế độ duy vật vô thần, độc tài toàn trị, không tam quyền phân lập, hệ thống tư pháp bị đảng Cộng sản kiểm soát hoàn toàn, lại có nạn công an điều tra lập thành tích, công tố viện và thẩm phán nhận đút lót, nên thường xuyên có những vụ xét xử bất công, dễ dẫn đến những sai lầm công lý trầm trọng và có thể đưa đến những bản án tử hình đi ngược các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

- Với Nghị định số 208/2013/NĐ-CP của Chính phủ ký ngày 17-12-2013, có hiệu lực từ 1-2-2014, cho phép bắn vào kẻ bị cho là “có hành vi chống người thi hành công vụ”, nhằm ngăn ngừa những cuộc nổi dậy ngày càng tăng của nhân dân, và trước hiện trạng nhiều công dân vô tội bị chết sau khi sa vào tay công an, công luận e rằng rồi đây sẽ có những bản án tử hình được thực thi tại chỗ, mà tính chất chính đáng sẽ là mối băn khoăn nhức nhối cho lương tâm của toàn xã hội.

- Việc thi hành án tử hình tại VN còn nhiều thể thức vô nhân đạo. Như việc các tử tù bị giữ lâu năm lâu tháng trong cảnh biệt giam, cùm kẹp và đọa đày nghiệt ngã… khiến cho họ (và gia đình họ) sống trong khắc khoải khôn cùng, dễ dẫn đến tự hủy hoại; như việc thi hành án tử bằng những phương cách gây đau đớn kéo dài cho các phạm nhân; như việc mới đây, một nhóm bác sĩ được mời đến để chữa bệnh nhưng tới nơi thì bị cưỡng bức tiêm thuốc độc để giúp nhà tù thi hành án tử. Như thế là trực tiếp phá vỡ những cam kết chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của bác sĩ.

- Nhân loại hiện nay có Ngày Thế giới chống án tử hình (được thiết lập từ 10-10-2003). Liên Hiệp Quốc, nhiều tổ chức nhân quyền, nhân đạo và tôn giáo đã kêu gọi các quốc gia mau chóng loại bỏ thứ án ấy, vì đó là một sự vi phạm quyền sống, thiếu nhân đạo và hạ nhân phẩm, như được nêu ra trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (đ. 3 và 5) và Công uốc quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (đ. 6 và 7). Ngoài ra, số lượng các nước bãi bỏ án tử hình không ngừng gia tăng. Nay đã có 138 quốc gia chẳng còn áp dụng án tử hình, trong đó 94 quốc gia đã ban hành luật bãi bỏ nó hẳn, số còn lại bỏ nó trong thực tế, nghĩa là vẫn duy trì, nhưng không thi hành án. (RFI 24-02-2010, Tóm lược Học thuyết Xã hội của GHCG số 405)

2- Tuyên bố

Từ những nhận định trên, là những linh mục Công giáo có nghĩa vụ rao truyền giáo huấn của Giáo hội, có trách nhiệm xây dựng nền văn minh sự sống theo lời dạy của Cố Giáo hoàng Gioan-Phaolô 2, và từ lâu đấu tranh cho nhân quyền lẫn dân quyền theo tinh thần của Cố Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền, chúng tôi cực lực phản đối việc áp dụng hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự, vì những lý do như sau:


a- Quyền sống của con người (từ lúc tượng hình trong bào thai đến lúc chết tự nhiên) là quyền tối thượng và cơ bản mà chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền định đoạt và kết thúc.

b- Công lý, luật pháp và tòa án là nhằm giữ gìn trật tự xã hội và bảo vệ công dân vô tội, nhưng cũng nhằm giáo dục các công dân phạm tội, giúp họ hối lỗi và đền bù (sửa chữa), chứ không nhằm báo oán lên họ và gia đình họ.

c- Án tử hình do đó thể hiện sự thất bại của luật pháp, vì mạng người mất đi thì không thể sửa chữa được. Ngoài ra, án phạt này chẳng có tác dụng gì trong việc đấu tranh chống tội phạm (tại những quốc gia áp dụng nó không hề thấy suy giảm các tội phạm nghiêm trọng, trái lại là suy giảm ý thức tôn trọng nhân mạng và nhân phẩm trong xã hội; đang khi chẳng có một hệ thống tư pháp nào mà không sai lầm trong xét xử (nhiều tử tội đã phải chết oan).

d- Xã hội hiện nay đang có những phương thế trấn áp tội phạm cách hiệu quả, bẳng cách làm cho các can phạm trở nên vô hại mà không dứt khoát từ chối cơ may để họ cải tạo. (ĐGH Gioan-Phaolô 2, Thông điệp Tin mừng Sự sống số 27).

e- Những biện pháp răn đe và trừng phạt không đổ máu phù hợp hơn với những điều kiện cụ thể của công ích và phẩm giá con người. (Giáo lý GHCG số 2267)

f- Chúng tôi yêu cầu các cơ quan hữu trách Việt Nam sớm xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự để hủy bỏ hình phạt “tử hình” và ngưng ngay việc thi hành mọi án tử đã tuyên.

Làm tại Việt Nam ngày 05-02-2014, ngày Kiểm điểm Định kỳ Toàn cầu về Nhân quyền

Ký tên:

Đại diện Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền:

- Lm Phêrô Nguyễn Hữu Giải, Tổng giáo phận Huế

- Lm Tađêô Nguyễn Văn Lý, Tổng giáo phận Huế

- Lm Phêrô Phan Văn Lợi, Giáo phận Bắc Ninh

Đồng ký tên:

- Lm Antôn Lê Ngọc Thanh, Dòng Chúa Cứu Thế SG

- Lm Giuse Đinh Hữu Thoại, Dòng Chúa Cứu Thế SG

Theo VRNs