Tỷ lệ phá thai cao ở Việt Nam một phần do lựa chọn giới tính, và phần nữa là do không dùng biện pháp tránh thai.
Trên chiếc bàn trong nhà thờ có đặt một quan tài nhỏ. Bên trong đựng bào thai và hài nhi được các tình nguyện viên thu gom suốt cả tuần từ các phòng khám tư. Hài nhi được tắm rửa và khâm liệm trước khi làm lễ an táng. Tại buổi lễ hôm đó, có 13 sinh mệnh chưa kịp đến với thế giới được đặt trong hộp gỗ.
"Có lúc, chúng tôi nhặt được hơn 100 bé", tờ Guardian của Anh dẫn lời bà Tran Thi Huong, một phụ nữ khoảng 50 tuổi, kể. Bà Huong cho biết ngày càng nhiều người trẻ quan hệ trước hôn nhân và việc phá thai phổ biến trong xã hội khiến các cô gái bỏ đi giọt máu của mình một cách tự do.
Bà Hương cùng nhiều người khác trong nhóm đi phát tờ rơi ở các khu vực có sinh viên thuê trọ, để cảnh báo giới trẻ về những hệ lụy của quan hệ tình dục trước hôn nhân. Trên tờ rơi, nhóm cũng cung cấp số điện thoại và cả dịch vụ tư vấn cho những phụ nữ đang muốn bỏ đứa con trong bụng đi.
"Chúng tôi khuyên mọi người không nên quan hệ trước khi kết hôn. Nhóm cũng cố gắng nhắc nhở người trẻ về giá trị thực của tình yêu. Nếu đã trót quan hệ với nhau, họ phải có trách nhiệm bảo vệ cuộc sống và xây dựng gia đình", một người bạn trong nhóm của bà Hương nói. Bà thường giới thiệu cho các cô gái có nhu cầu về hai nhà mở của nhóm, nơi sản phụ sẽ được chăm sóc cho tới khi mẹ tròn con vuông.
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao. Tuy nhiên, con số chính xác không dễ thống kê được do nhiều phòng khám tư có dịch vụ phá thai chui. Số liệu chính thức vì thế mà không thể thu thập được. Những cô gái trẻ có thai ngoài ý muốn ở Việt Nam có thể nhận lời chỉ trích và ác cảm, có khi là sự tư vấn và cưu mang, trong một xã hội vốn dè dặt nhưng đang thay đổi.
Theo cuộc khảo sát với 901 phụ nữ ở một tỉnh đồng bằng miền Bắc thực hiện năm 2012, có 43% số người được hỏi nói nạo thai ít nhất một lần, nhiều người thực hiện thủ thuật này đến hai hoặc ba lần. Tỷ lệ phá thai cao một phần do lựa chọn giới tính, và phần nữa là do không dùng biện pháp tránh thai.
Ông Ton Van der Velden, công tác trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và tình dục ở Việt Nam gần 10 năm nay, hiện là giám đốc của Ủy ban Y tế Hà Lan tại Việt Nam. Theo ông, thành viên trong nhóm hoạt động xã hội của nhà thờ muốn dạy học sinh cách tiết dục. Tuy nhiên, chuyên gia Hà Lan lại cho rằng nên dạy các em nếu có quan hệ hãy sử dụng biện pháp ngừa thai hợp lý.
Ông Ton Van der Velden cho hay Việt Nam là một xã hội dè dặt và kín đáo. Trường học là nơi công cộng nên mọi người không muốn đề cập đến những môn học liên quan tới vấn đề nhạy cảm một cách công khai.
Trang, 32 tuổi, từng phá thai cách đây 10 năm. "Năm lớp 9, chúng tôi được học về giáo dục giới tính nhưng cũng chỉ được dạy rằng em bé ra đời khi tinh trùng gặp trứng. Học sinh không được chỉ rõ tinh trùng gặp trứng bằng cách nào", Trang nói.
Thời điểm Trang có quan hệ tình dục, cô biết tới các biện pháp tránh thai qua cuốn sách mẹ cô bí mật để trên giá sách. Sau đó, Trang mang thai dù có uống thuốc tránh thai.
"Tôi phát hiện mình có bầu một tháng trước lễ cưới. Tôi muốn bỏ thai vì không thích mọi người hỏi khi nào sinh em bé. Hơn nữa, tôi cũng uống một vài loại thuốc kháng sinh nên hơi lo lắng về sức khỏe của đứa bé", Trang tâm sự.
Theo một cuộc khảo sát do chính phủ Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) thực hiện năm 2010, hơn 90% người tham gia nói biết biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, tỷ lệ phá thai vẫn không giảm.
Ông Van der Velden đưa ra vài lý do giải thích cho việc này. Người trẻ thường ngại khi đi mua các dụng cụ tránh thai vì sợ định kiến xã hội. Các đôi yêu nhau cũng thấy ngượng ngùng khi nói đến việc ngừa thai. Ngoài ra, những lời thổi về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe từ tránh thai cũng là một lý do thêm vào.
Trang kể trong số những cô bạn của mình chỉ có một người không quan hệ tình dục trước khi cưới. Theo Trang, trước khi tiến hành thủ thuật lấy thai ra, cô không nhận được lời khuyên nào của nhân viên y tế. Cô đeo nhẫn cưới đến phòng khám sản nên không bị hỏi han nhiều, nhưng vẫn không tránh khỏi thái độ coi thường của bác sĩ.
"Bác sĩ không cho tôi viên giảm đau nào nên tôi rất đau. Lúc tôi òa khóc, bác sĩ bảo vì đã làm việc thất đức nên tôi phải trả giá. Bác ấy còn nói tôi có thể không sinh con được nữa khiến tôi vô cùng lo lắng", Trang kể.
Cũng giống Trang, Linh nạo thai năm 26 tuổi tại một cơ sở tư ở Hà Nội. "Nhân viên bệnh viện chẳng nói gì với tôi cả. Họ ghim bức ảnh siêu âm lên áo bệnh nhân của tôi. Tôi phải đi bộ khắp bệnh viện với bức ảnh ấy giống như đang đeo một chiếc phù hiệu hay cái gì đại loại thế. Tôi thực sự thấy buồn", Linh chia sẻ.
Các tình nguyện viên chống phá thai nói rằng họ đang giúp đỡ và đưa ra lời khuyên cho phụ nữ, nhưng ông Van der Velden lại khẳng định sự hỗ trợ ấy là công việc của bác sĩ.
"Nếu bạn tới bất kỳ bệnh viện nào và nói rằng 'tôi có bầu nhưng không chắc có muốn giữ cái thai hay không" thì ở đấy có luôn dịch vụ tư vấn rồi. Vấn đề là người trẻ không biết có dịch vụ này ở bệnh viện", chuyên gia sức khỏe sinh sản lập luận.
Linh cảm thấy vui vì đã không gặp các nhà hoạt động xã hội của nhà thờ. "Nếu ai nói tôi có tội khi bỏ đứa bé thì việc này chẳng giúp ích gì cho tôi cả. Tôi chỉ muốn có sự hỗ trợ trước và sau khi làm thủ thuật, chứ không phải ai đó đổ lỗi hay chỉ trích mình", Linh nói.
Bình Minh
Theo VnExpress