Home » » Báo động phá thai chui ở khu công nghiệp

Báo động phá thai chui ở khu công nghiệp

Tại những khu công nghiệp (KCN) tập trung đông nữ, chuyện phá thai “chui” không phải là hiếm, lạ và chăm sóc sức khỏe sinh sản lại càng là xa xỉ.

Có một thực tế nhức nhối tại các KCN, phía sau sự thiếu cân bằng giữa nam và nữ và cuộc sống kiểu vợ chồng hờ là ngôi mộ của những đứa trẻ không được làm người.

Tiếp chuyện với các nữ công nhân của Samsung ở KCN Yên Phong, tôi hỏi: “Sống ở môi trường như vậy ai là người dạy các em về sức khỏe sinh sản?” – các em bảo: “Bố mẹ em dạy”. Rồi đùa: “Không được ngồi gần con trai đâu ạ”.

Cô công nhân tên Nữ - người Tĩnh Gia (Thanh Hóa) bẽn lẽn kể lại: “Lần trước em vào viện thăm chị bạn bị ốm. Thấy em ngơ ngác tìm phòng bệnh, các bác sĩ đã chỉ ngay khoa sản cho tụi em. Lúc đầu em còn giật mình nhưng giờ thì quen rồi, bởi con gái ở KCN này đi phá thai không còn là chuyện hiếm chị ạ”.

Nói về sự quan tâm của công ty với vấn đề này, một cô gái tên Lý kể, công ty cô có mời anh Đinh Đoàn (chương trình Cửa sổ tình yêu – Đài TNVN) về nói chuyện về sức khỏe sinh sản.

Thế nhưng, vì ngại không mấy người dám hỏi. Lý bảo: Có chị đã mạnh dạn đứng lên hỏi anh Đinh Đoàn việc chị đã sống thử như vợ chồng với người yêu được 5 năm rồi nhưng chưa có thai lần nào. Giờ muốn có thai để gia đình bạn trai chấp nhận mà không có được. Còn một chị khác thì nói đã mang thai một lần và đã bỏ đi. Giờ hai anh chị đã tổ chức đám cưới được gần 2 năm mà chưa có con”.

Cũng theo lời kể của các nữ công nhân này, nhiều đồng nghiệp của họ cũng lén đi phá thai nhưng không dám xin nghỉ vì sợ công ty sẽ đuổi việc.

Sống trong KTX thì việc ra - vào của công nhân được quản lý chặt chẽ. Còn thuê nhà trọ bên ngoài thì tự do, thoải mái và tùy thuộc vào “bản lĩnh” giữ gìn của từng người. Ngay trong thôn Ô Cách và Trần Xá, nhiều cặp đôi sống với nhau như vợ chồng và chuyện nạo, phá thai không phải là hiếm.

Trong vai một người đi khám thai, tôi vào Phòng khám Duy Vũ, ở ngã tư Ấp Đồn, Yên Trung, Yên Phong, Bắc Ninh. Sau khi khám xong, tôi đặt vấn đề muốn phá thai cho cô cháu đang làm công nhân ở KCN Yên Phong. Khi tôi đặt vấn đề cháu còn nhỏ, lại chưa có chồng con liệu có sợ ảnh hưởng sức khỏe sinh sản. Cô y tá bảo: Chị đợi tối muộn đưa cháu ra đây chúng em giải quyết cho, không sợ ai biết đâu. Nhiều em ra đây làm lắm. Bên em sẽ tư vấn nên uống thuốc hay hút. Phá thai chỉ 500.000 đồng/ca.

Ngoài chuyện phá thai “chui” một cách vô tội vạ, việc phổ biến kiến thức, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các chị, em công nhân cũng là vấn đề còn bỏ ngỏ ở các KCN hiện nay. Làm ca, kíp choán hết thời gian, không thể chăm sóc bản thân. Chỉ đến khi “có chuyện” họ mới tìm đến bác sĩ. Nhiều chị em tâm sự, tiền ăn còn chả đủ thì lấy đâu ra để đi khám bệnh định kỳ, huống hồ là “cái ấy” có viêm nhiễm một tí cũng chẳng chết ai.

Thực tế, các nhà máy, xí nghiệp chỉ quản lý giờ giấc làm việc. Ra khỏi KCN họ phải tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Như lời ông Trương Văn Vượng – Phó Chủ tịch xã Đông Tiến (Yên Phong, Bắc Ninh): Chúng tôi vẫn tuyên truyền từ trạm y tế về tác hại của việc nạo phá thai. Chúng tôi cũng đã đi kiểm tra các phòng khám, hiệu thuốc. Đa số họ bán thuốc bình thường.

“Còn việc người ta nạo, phá thai tại địa điểm phòng khám đó thì phải có chuyên môn về kiểm tra. Khi thanh tra y tế bắt được thì mới rõ mười mươi, chứ chỉ nghe thế thôi thì không thể khẳng định” – ông Vượng nói.

Nghĩa trang của hài nhi…

Khi bày tỏ mong muốn tìm hiểu về cuộc sống của các nữ công nhân ở đây, đặc biệt là chuyện nạo, phá thai của công nhân nữ, người dân nơi đây chỉ cho chúng tôi tới nghĩa trang xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Sau một buổi sáng lặn lội đi tìm ông quản trang và chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được ông Trần Văn Thế, người dân thôn Tây Bầu làm quản trang tại nghĩa trang xã Kim Chung đã được hơn 4 năm. Trong vai một người mở phòng khám sản phụ khoa, chúng tôi đến để tìm người và tìm nơi để lo việc hậu sự cho các thai nhi như các phòng khám thai bình thường khác vẫn làm.

Sau một hồi trò chuyện, ông Thế cho biết, ở đây có đến 4-5 phòng khám thai, trước kia có 2 nơi để giải quyết "lỡ làng" của công nhân, đó là phòng khám Đa Khoa và phòng khám của bác sĩ Nghĩa. Sau một đợt kiểm tra, đến nay phòng khám của bác sĩ Nghĩa đã đi vào hoạt động "bí mật" hơn và có vẻ các cô gái ra - vào phòng khám này cũng kín đáo hơn xưa rất nhiều.


Chôn cất các hài nhi không được chào đời là nỗi ám ảnh với ông Thế.

Các phòng khám ở đây cũng đều làm việc với quản trang về việc chôn cất các thai nhi. Vì vậy nếu cứ có vụ việc là gọi điện cho ông Thế 24/24, bất kể giờ nào cũng đều có một đội đến làm nhanh gọn và chuyên nghiệp.

Theo chân ông Thế ra nghĩa trang xã Kim Chung, chúng tôi được dẫn vào góc trong cùng của nghĩa trang (nơi an táng thai nhi), nằm phía bên ngoài của góc này có khoảng vài chục nấm mồ được xây, chát sơ sài, tất cả đều có bia ghi tên và ngày mất.

Nằm sâu nữa bên trong, qua một đường đi cỏ mọc lút đầu người là la liệt những nấm đất chỉ lùm lùm, thâm thấp chồi lên khỏi mặt đất một chút, đó là những nấm mồ không một dòng chữ, không một bia mộ... Những nấm mồ này là do phòng khám làm việc với quản trang và không có ai thừa nhận.

Theo ông Thế, các nấm mồ thai nhi này phần nhiều là 5-6 tháng tuổi, có những thai nhi to thì 7 tháng tuổi. Nhưng do các nữ công nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, người thì bạn trai bỏ, người thì bị lừa, người thì do bạn trai không đồng ý cho sinh con… Cũng có những thai nhi do dị tật bẩm sinh, do chết lưu trong bụng mẹ, nhưng số đó cực kì ít.

Làm quản trang là nghề tiếp xúc với nỗi thương tâm, sự chết chóc, nhưng theo ông Thế, có lẽ việc tiếp xúc và chôn cất thai nhi là điều buồn và khó khăn đối với ông.


Công nhân thiếu nhiều nhất là đời sống tinh thần. Họ làm tối mắt, không biết đến báo chí hoặc nơi nào có khu vui chơi giải trí, chiếu phim, ca nhạc. Họ cho rằng, đi ngang qua đường nhìn thấy ca nhạc, họ rẽ vào xem đó là đời sống tinh thần.

Có những khu công nhân thuê nhà ở Bình Dương, khi tôi vào thăm thì trong phòng họ có tờ báo Nhân dân xuất bản năm 1990, họ đóng lại, ép lại và treo lên, coi đó là đời sống văn hóa. Cả bài dài như thế mà họ đọc thuộc bởi ngày nào họ cũng chỉ đọc 1 trang báo đó.

Tình trạng công nhân cùng làm một DN hoặc cùng làm một KCN, vợ chồng hàng tuần không nhìn thấy mặt nhau đã xảy ra rất nhiều vì việc làm ca - kip. Nhiều khi còn bị xích mích vì vợ chồng hiểu lầm nhau. Họ không có lúc nào trao đổi thông tin vắn với nhau chứ đừng nói đến tình cảm.

DN kéo dài thời gian làm việc của công nhân khiến họ không có thời gian để nghĩ cho mình, khiến họ lãng quyên cả ý chí, tình cảm…

Chúng ta phải nghĩ đến thời hậu các KCN, công nhân ở độ tuổi 36-40, họ sẽ làm gì? Họ về quê cầm cái cuốc cũng lóng ngóng. Đó là hậu quả bi ai nhất của nền công nghiệp Việt Nam.

PGS. TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn


Theo VOV

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.