Home » , » Những câu chuyện nơi mái ấm tình thương (p1)

Những câu chuyện nơi mái ấm tình thương (p1)

Lời giới thiệu: Nhóm BVSS Hà Nội đã thuyết phục và giúp đỡ các thai phụ lầm lỡ giữ lại đứa con của mình khi họ có ý định phá thai. Nhóm sẽ cập nhật những câu chuyện cuộc đời của họ để giúp cộng đồng, đặc biệt các bạn trẻ có ý thức hơn về tình yêu, sống có trách nhiệm với chính mình và với tha nhân. Tuy nhiên vì danh dự của đương sự, tên nhân vật được thay đổi.


Câu chuyện đầu tiên kể về người con gái với cái tên mỹ miều Hạnh Như!

Về Mái ấm tình thương trong cái nắng gay gắt của mùa hạ, tôi được lắng nghe tâm sự của các thai phụ lầm lỡ. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một nỗi niềm riêng. Nhưng họ - những con người còn lương tâm và suy nghĩ cho đứa con vô tội, sẵn sàng hi sinh tương lai của mình, chấp nhận những dị nghị của người khác để bảo vệ và cho con họ tấm vé vào đời.

Hạnh Như (HN) năm nay 20 tuổi, cô sinh ra trong một gia đình gia giáo của miền đất lúa Thái Bình. Hai năm trước HN thi đỗ vào một trường đại học tại Hà Nội. HN càng được bố mẹ yêu chiều, hàng xóm, bè bạn ngưỡng mộ. Với hành trang tràn đầy yêu thương và đáng tự hào, HN lên Hà Nội nhập học.

Lần đầu tiên xa nhà, xa ba mẹ, HN cảm thấy khó khăn và thiếu thốn về mọi thứ. Chốn Hà Thành - nơi em học tập thật ồn ào vội vã. Không biết đã bao lần tiếng ồn ào của phố xá, xe cộ làm em nấc nghẹn ngào vì nhớ nhà, nhớ ba mẹ của em.

Nhưng rồi cuộc sống HN phần nào vơi đi nỗi buồn khi có người yêu bên cạnh, người mà HN đã may mắn gặp trong ngày sinh nhật của một người bạn. HN thầm cảm ơn định mệnh đã mang anh đến bên mình. Người đến như một cơn gió thoảng cho em chút dư vị nồng nàn của những ngày đầu mới yêu khiến trái tim rung động. Ngày anh đến không có nắng đẹp, cũng không có những bài hát buồn vang lên trong căn phòng vắng mà chỉ có những kí ức thật lạ và lưu luyến mãi của một cô gái tuổi 20...

Thời gian vẫn xoay vần theo quy luật của riêng nó, HN cũng quen dần với lối sống ồn ào vội vã của chốn thành đô, những buổi sinh nhật của bạn bè, những cuộc chơi dày hơn cuốn HN xa dần với lối sống bình dị của ngày xưa...

Sinh nhật tròn hai mươi tuổi của HN!

Em nhớ rất rõ tối hôm đó là ngày thứ bảy, HN hạnh phúc trong sự yêu thương quan tâm của bè bạn, và đặc biệt của người mà em vẫn thường gọi là “chồng yêu”...HN lòng đầy hãnh diện vì chưa bao giờ em được tổ chức một sinh nhật hoành tráng như thế!

Và tiệc sinh nhật tàn, bạn bè em cũng ra về. Duy chỉ còn lại HN và người yêu trong căn phòng vắng trong men say của tình yêu. Ngoài kia mưa ngày càng nặng hạt...

Ba tháng sau, cảm nhận được dấu hiệu khác thường trên cơ thể, HN cùng một người bạn tới bệnh viện, và bác sĩ đã kết luận rất nhanh chóng HN đã làm mẹ ở tháng thứ 3...!!!

Mọi thứ tối sầm lại trước mắt em, em không thể tin nổi mình có thể có con, em chưa sẵn sàng để có con trong lúc này, em còn đi học, bố mẹ em sẽ giết em mất...

Còn một bờ vai, em có thể dựa vào tâm sự ngay lúc này là bố của đứa trẻ, người mà em đã đặt lòng tin tưởng rằng anh ấy yêu em hơn tất cả. Nhưng hi vọng ấy bị dập tắt, tim em nhói đau và quặn thắt vì em đã không thể liên lạc được với người đã từng là thế giới của em...

Ảnh minh họa.

Trong bơ vơ, đơn độc, em gói gọn cuộc sống mình lại trong bốn bức tường của căn phòng nhỏ, đồng nghĩa với việc xây dựng tường thành bao quanh mình. Một căn phòng trống và bốn bức tường ảo. Đi loanh quanh chẳng thấy được cửa ra ở đâu…

Tối đến em rủ mấy đứa bạn cùng đi uống bia, chỉ đơn giản là xách bia ra ngồi vệ đường uống như lần nào đó. Trời mưa, lại vào hiên nhà người ngồi nhìn mưa. Em bất giác nhớ mái hiên và cơn mưa năm cũ. Bia không đủ để say, chỉ kỉ niệm làm người nhức nhối…

Rồi gia đình em cũng biết chuyện. Sau khi hiểu rõ tình trạng con gái mình, gia đình tìm mọi cách đưa con đi phá thai, đặc biệt người mẹ- một giáo viên mầm non. Nhưng phải chăng một bàn tay vô hình nào đó đang can thiệp khi mà các phòng khám nạo phá thai đều không nhận làm công việc này, đi qua bao nhiêu phòng khám, bệnh viện thì tất cả những gì gia đình nhận được là “sao các người ác thế, thai nhi 5 tháng rồi cơ mà, sao nỡ ra tay giết nó đi...”

Người mẹ của HN vẫn “miệt mài” cố gắng dành lại danh dự và sức khỏe cho đứa con gái của mình (HN đang mang trong mình căn bệnh thận) bằng tất cả sự “khôn ngoan trần gian”. Cuối cùng bà quyết định cho một vở kịch khá hoàn hảo, vở kịch mang tên “Người tâm thần mang thai”. Bà quyết định đưa HN vào bệnh viện Tâm thần. Với mối quan hệ xã hội khá rộng, bà không gặp khó khăn để sắp xếp mọi việc. " Con tôi bị tâm thần nên mang thai sẽ không an toàn cho đứa bé, xin bác sĩ phá thai cho cháu để cháu tiếp tục chữa trị căn bệnh tâm thần”. Vị bác sĩ già với cặp kính dày cộm chậm rãi “tuyên phán”: Thai nhi lớn thế này mà sao các ông, các bà quyết định giết được chứ. Dù hoàn cảnh gia đình có thế nào đi nữa cũng phải giữ lại đứa bé này.

Vở kịch của người mẹ lại thất bại thêm lần nữa. Trước đó bà càng hi vọng bao nhiêu thì giờ thất vọng bấy nhiêu. Nước mắt tuôn rơi trên gương mặt của người phụ nữ kham khổ, hành lang bệnh viện với hàng trăm người qua lại trở nên nhạt nhòa hơn bao giờ hết...

Trong bế tắc khôn nguôi không lối thoát, may mắn họ gặp được thiện nguyện viên của nhóm Bảo vệ Sự sống Hà Nội. Sau khi tiến hành các thủ tục, HN được đưa vào Mái ấm tình thương - nơi cưu mang các thai phụ lầm lỡ.

Cuộc sống vốn dĩ là một dòng chảy phong phú, trong dòng chảy này luôn có những niềm vui đan xen với nỗi buồn. Những biến cố thăng trầm hòa kết với muôn cung bậc tình cảm. Những hận thù khôn nguôi quyện nối với những ấm áp tình người. Mãi xuôi theo dòng chảy ấy, bỗng một ngày chúng ta nhận ra mình rã rời mỏi mệt sau những nỗ lực lèo lái con thuyền đời mình, nhưng rồi chúng ta cũng không biết rằng đời mình sẽ đi về đâu? Gia đình và đặc biệt người mẹ của HN cũng không phải ngoại lệ. Cho tới khi đưa con gái mình về với mái ấm tình thương bà vẫn không thể nào tin rằng có một nhóm “người xa lạ” kia lại sẵn sàng cưu mang, chăm sóc, nâng đỡ đứa con “tâm thần” của mình? Trong khi chính bà lại không thể đưa con về nhà vì sự dị nghị của hàng xóm láng giềng, và vì danh dự của một giáo viên như bà. Biến cố ấy có lẽ là biến cố lớn nhất trong cuộc đời của bà, và cũng là bài học lớn nhất để bà khắc cốt ghi tâm.

Những ngày đầu tiên trong Mái ấm, HN khóc ròng bởi em phải xa ba mẹ, xa người thân, và đặc biệt vắng bóng của người đã từng thề non hẹn biển với em. Nước mắt có vẻ như là người bạn trung thành nhất của em mỗi khi màn đêm buông xuống. Em khóc cho bản thân đã trót dại dột. Em khóc vì thương cho ba mẹ. Nhưng em cũng khóc vì hận thù người đã từng là cả thế giới của em...

Một tuần trôi qua, em đã lấy lại bình tĩnh. Khóc cũng đâu giải quyết được gì? Những người bạn cùng hoàn cảnh với em, họ cũng như em, không người thân, không bạn bè, họ cũng cô đơn lắm...Cùng sinh hoạt với họ, em cảm thấy yêu thương và đồng cảm với các bạn hơn. Cùng làm việc, đọc sách cùng tâm sự với nhau.

Điều quan trọng hơn là sự chân thành, yêu thương của cha linh hướng, các thiện nguyện viên và đặc biệt của cô Vân, người trực tiếp chăm sóc, hướng dẫn cho các thai phụ ở đây. HN hiểu rằng em vẫn còn được yêu thương, được quan tâm và chăm sóc.

Và qua thời gian sinh hoạt với các bạn đồng hoàn cảnh, cùng tham dự các giờ cầu nguyện, cùng lần Chuỗi Lòng Thương Xót Chúa, cùng đọc sách, để rồi việc cầu nguyện đã trở thành lương thực không thể thiếu hằng ngày của em, mặc dù em là người ngoại đạo. Dù mệt mấy đi nữa, em vẫn cố gắng đọc kinh cầu nguyện vì đó là thời gian em cảm thấy bình an và hạnh phúc nhất (lời HN).

Em tự nhủ mỗi lần vấp ngã là một cơ hội để ta rút kinh nghiệm và trưởng thành. Cuộc sống sẽ có những cuộc chiến. Phải chấp nhận hy sinh trong cuộc chiến nhỏ để có được thắng lợi trong cuộc chiến lớn hơn.

Những trận đấu gay cấn nhất của cuộc đời sẽ diễn ra vào những lúc tâm hồn ta có nhiều sóng gió. Đời tư của bất kỳ ai cũng có nhiều biến động hết. Vui nhất là khi lương tâm cảm thấy nhẹ nhàng, ta không mắc nợ ai mà cũng chẳng ai mắc nợ ta...


Phan Xy- Thành viên BVSS Hà Nội 
viết lại theo lời kể của nhân vật

Nguồn: bvss.org

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét