Home » » Gia đình và nền văn hóa sự chết

Gia đình và nền văn hóa sự chết

Dẫn Nhập

Thuật ngữ “văn hóa sự chết” trước tiên được thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề cập đến trong thông điệp Tin Mừng Sự Sống. Ngài viết:

“Thực ra, nếu nhiều khía cạnh quan trọng của vấn đề xã hội hiện nay có thể giải thích bằng một cách nào đó bầu khí luân lý bất ổn mù mờ và đôi khi giảm nhẹ trách nhiệm cá nhân nơi một số người, thì cũng không kém phần chân thực rằng chúng ta đang đối đầu với một thực tại rộng lớn hơn mà nagười ta có thể coi như là một cơ cấu thực thụ của tội lỗi, đặc trưng bởi ưu thế của một nền văn hoá trái nghịch với tình liên đới, nền văn hoá nầy tự biểu lộ trong nhiều trường hợp như một “nền văn hoá thực thụ của sự chết”. Nền văn hoá sự chết này được tích cực khích lệ bởi những trào lưu văn hoá, kinh tế và chính trị mang phần nào quan niệm thực dụng của xã hội.” (Số 12)

Đối lại với “nền văn hóa sự chết” là “Tin Mừng Sự Sống”. Tin Mừng ấy là trọng tâm của sứ điệp của Chúa Giêsu, mà Giáo Hội vẫn đón nhận mỗi ngày cách âu yếm, rao giảng với lòng trung thành và kiên cường như là “Tin Mừng” cho con người của mọi nền văn hóa (x. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Tin Mừng Sự Sống, số 1), để soi sáng cho toàn thế giới và đưa thế giới về với sự sống. Thực thế, “Ngày nay việc loan báo Tin Mừng lại đặc biệt trở nên cấp bách, vì số lượng gia tăng và mức độ nghiêm trọng rõ rệt của các mối đe doạ sự sống đối với nhiều người và nhiều dân tộc, nhất là khi sự sống này còn non nớt và không có gì bảo vệ. Thêm vào những tai ương đau đớn xưa kia, như cảnh cùng khổ, đói kém, bệnh dịch ở từng miền, bạo lực và chiến tranh, ngày nay lại nảy sinh nhiều tai ương khác, mang hình thái mới lạ và chiều kích đáng sợ hãi”. (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Tin Mừng Sự Sống, số 3)

Vậy, để có thể sống và loan báo Tin Mừng Sự Sống cho con người hôm nay, là những người con Chúa, các gia đình Công Giáo cần phải học cho biết “nền văn hóa sự chết là gì?



Văn Hóa Sự Chết

Ngày nay, có thể nói sự dữ đang hoành hành khắp nơi hơn bao giờ hết, và nó được ngụy trang rất tinh vi dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì sự lan rộng của sự dữ rất mạnh, nên nhiều vấn đề về sự sống con người đã và đang phát sinh. Ngừa thai, phá thai, thụ tinh nhân tạo, triệt sản, hôn nhân đồng tính, chết êm dịu, … đang diễn ra cách rất phổ biến. Những sự dữ này xuất hiện là vì một số đông người đang tiếp nhận một nền giáo dục sai lệch và đang bị ảnh hưởng bởi một “nền văn hóa sư chết”.

Giáo Hội, tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu, luôn nỗ lực để bảo vệ con cái mình khỏi những đe dọa của nền văn hóa sự chết. Thế nhưng dường như luôn có một sự xung đột giữa Giáo Hội và thế gian. Trong khi Giáo Hội nỗ lực sống và loan báo Tin Mừng Sự Sống cho con người, thì thế gian lại khuyến khích họ sống nền văn hóa sự chết. Như những thành phần của của xã hội hôm nay, chúng ta, những người Công Giáo, cũng đang bị ảnh hưởng bởi môi trường, nền giáo dục và nền văn hóa của xã hội. Là những người Công Giáo, nhưng chúng ta cũng là những con người, nên chúng ta thường có khuynh hướng chọn theo chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa khoái lạc, mặc dù, với khả năng nhận thức của mình, chúng ta cũng thấy được những điều xấu đó. Thế gian nhìn Giáo Hội như là người luôn làm phiền và ngăn cản cuộc sống khoái lạc của họ. Tuy nhiên, khi đề cập đến những vấn đề luân lý và nền văn minh sự sống, họ không thể đối diện với sự thật của những vấn đề đó. Nghĩa là họ không chấp nhận và sống nền văn minh sự sống cùng với những vấn đề luân lý liên quan đến nền văn minh đó, và tìm cách lảng tránh.

Chọn sự sống nghĩa là chọn Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.” (Ga 14, 6) Bất hạnh thay, “với những viễn ảnh do tiến bộ khoa học kỹ thuật mở rộng, người ta thấy phát sinh nhiều hình thức mới xâm phạm phẩm giá con người đồng thời người ta hình thành và sắp xếp một mẫu văn hoá mới, làm cho những tội phạm chống sự sống có thêm một bộ mặt chưa từng có và – nếu có thể – nó còn bất chính hơn nữa; nó gây nên nhiều chuyện nghiêm trọng; nhiều tầng lớp rộng lớn trong dư luận quần chúng biện minh cho một số tội ác chống lại sự sống, nhân danh những quyền tự do cá nhân, và, khởi đi từ giả định trước, họ cho rằng không những họ được miễn tố, mà còn được nhà nước cho phép, để thực hiện những việc ấy, trong sự tự do tuyệt đối và, hơn thế, còn được các dịch vụ y tế can thiệp miễn phí nữa.” (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Tin Mừng Sự Sống, số 4)

Cách này hay cách khác, chúng ta có khuynh hướng không muốn chọn điều tốt mà muốn chọn điều xấu được ngụy trang dưới sự ngọt ngào của sự khoái lạc. Khi chọn điều xấu, chúng ta đã đánh mất sự soi sáng cảu lý trí. Là con người có lý trí, đáng lẽ chúng ta không nên khước từ Thiên Chúa, mà là khước từ ma quỷ. Nghĩa là chúng ta phải chọn Thiên Chúa và không cho phép ma quỷ hoạt động trong chúng ta. Chúng ta cần phải “mời” Thiên Chúa đến ngự trong tâm hồn mình, để nhờ có Chúa, ma quỷ sẽ không thể làm lung lay ý chí của chúng ta. Ma quỷ sẽ không thể làm được bất cứ điều gì nếu nó không được phép. Nó chỉ có thể đưa ra những cám dỗ để kéo chúng ta về phía nó và để chúng ta là những điều xấu. Chúng ta cần phải tỉnh táo và phải yêu mến Thiên Chúa của sự sống cách liên lỉ, bởi vì chúng ta càng yêu Thiên Chúa nhiều bao nhiêu thì chúng ta càng nhận được tình yêu và ân sủng từ Ngài nhiều bấy nhiêu. Đây là mối liên hệ mầu nhiệm của tình yêu mà Tin Mừng Sự Sống đem lại cho chúng ta. Tình yêu không phải là cái gì đó thuộc vật chất mà khi chúng ta càng cho nhiều thì càng mất nhiều. Nhưng tình yêu là thứ mà chúng ta càng cho nhiều bao nhiêu thì chúng ta càng nhận được nhiều bấy nhiêu.

Thực vậy, không có tình yêu của Thiên Chúa, thế giới sẽ trở nên rời rạc và tạp nham, và người ta không thể phân biệt được cái gì là thật, cái gì là giả; cái gì tốt, cái gì xấu. Có rất nhiều những mâu thuẫn xảy ra mỗi ngày trong thế giới này, và chúng ta có thể nhận ra những mâu thuẫn đó cách dễ dàng trong đời sống. Chính vì thế, thế giới cần có được sự hướng dẫn đúng đắn, và cần phải có được sự hướng dẫn hoàn hảo từ Thiên Chúa và Giáo Hội của Ngài. Đó là sự thật, nhưng tiếc thay, thế giới lại khước từ sự thật đó.

Bởi vì khước từ sự thật và sự hướng dẫn từ Thiên Chúa và Giáo Hội của Ngài, con người thường chọn để thỏa mãn khoái lạc của mình. Thật là nguy hiểm khi con người suy nghĩ rằng họ chỉ muốn có tự do để làm bất cứ điều gì họ muốn. Họ chỉ muốn tìm kiếm những điều mới lạ để thỏa mãn sự khoái lạc và sự tò mò của họ. Ý niệm về sự tự do lựa chọn của họ, không gì khác, là sự khước từ sự sống. Vì thế, các vấn đề như triệt sản, ngừa thai nhân tạo, phá thai, chọn chết êm dịu, thụ tinh nhân tạo, nhân bản vô tính, hôn nhân đồng tính, được họ chấp nhận và trở thành những chọn lựa hợp pháp. Họ chọn lựa theo cảm giác và theo cảm tính, chứ không phải theo lý trí. Sự chọn lựa đó là con đường dẫn đến sự chết.

Một ví dụ rất điển hình cho chúng ta về việc chọn lựa theo cảm tính mà không theo lý trí, đó là câu chuyện của Ađam. Thiên Chúa đã ban cho Ađam sự sống và sự hiểu biết để duy trì tình trạng ân sủng của ông, nhưng Ađam đã thất bại trong việc sử dụng những năng lực của mình. Bằng ý chí tự do và sự hiểu biết của mình, Ađam đã chọn sự dữ được ẩn chứa trong sự ngọt ngào của trái táo (trái cấm). Theo bản tính, là con cháu của Ađam, chúng ta luôn khao khát để nghĩ và biết như Ađam đã làm. Tuy nhiên, là con người có lý trí, chúng ta được biết những sự thật phổ quát mà Thiên Chúa khắc ghi trong lương tâm của chúng ta. Một số người vẫn từ chối những sự thật này bởi vì họ không tin vào Thiên Chúa. Họ thiếu đức tin. Lương tâm của họ bị lu mờ. Ví dụ, ngày nay có nhiều nhóm, nhiều tổ chức xác định rằng: hòa bình, tự do, nhân phẩm, tình bằng hữu phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng họ lại đang từ chối Thiên Chúa. Những nhóm, những tổ chức đó như là những tôn giáo sai lạc, bởi vì họ xác nhận sự đóng góp của Thiên Chúa nhưng lại từ chối chính Ngài. Họ dường như yêu thích ánh sáng nhưng lại chán ghét cái đèn. Họ nỗ lực để chống chiến tranh, nhưng dường như lại cổ võ cho một cuộc chiến khác chống lại các thai nhi, nghĩa là cổ võ cho việc phá thai. Rốt cuộc họ đã không tôn trọng quyền hay nhân phẩm của con người, ít ra là trong chín tháng đầu hiện hữu. Sống theo những tôn giáo sai lạc như vậy, con người ngày nay nhìn Thiên Chúa và Giáo Hội của Ngài như những kẻ gây phiền toái cho họ. Họ cho rằng họ không tin vào bất cứ điều gì hay bất cứ ai, thế nhưng họ lại tin vào ma quỷ và những việc làm của nó. Họ đang sống trong một nền văn hóa sự chết. Đó là tác phẩm của ma quỷ.

Ngoài ra, thế gian thường có khuynh hướng đi theo những trào lưu của văn hóa. Thế nhưng, họ chỉ đi theo những trào lưu đó theo bản năng của mình mà không phán đoán đúng hay sai. Họ thường theo những gì là phổ biến, và cho đó là điều được chấp nhận. Hôn nhân đồng tính đã trở nên hợp pháp tại một số tiểu nag ở Hoa Kỳ vì người ta nghĩ rằng nó đang phổ biến. Đó là một quyết định sai. Hôn nhân đồng tính không thể được chấp nhận. Làm sao họ có thể tạo dựng hạnh phúc? Đâu là vai trò của người nam và người nữ mà Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng cách đặc thù nơi mỗi người theo giới tính riêng? Ai là vợ và ai là chồng? Đó là mối liên hệ chỉ để tìm kiếm sự khoái lạc. Khoái lạc chỉ là tạm thời chóng qua, bởi vì sự ham muốn có thể đến và đi cách dễ dàng. Cảm giác đến và cảm giác đi, nhưng những gì thuộc về chân lý và tình yêu sẽ tồn tại. Sigmud Freud, một trong những người đi tìm khoái lạc, nhấn mạnh đến vai trò của đam mê và phủ nhận vai trò quan trọng của lý trí. Không có lý trí, con người chẳng khác con vật, vì không có lý trí, con người cũng chỉ hành động theo bản năng thú tính của mình. Khi đó, con người làm bất cứ điều gì mình muốn để thỏa mãn sự khoái lạc của mình mà không phải lo lắng về những hậu quả. Freud chỉ quan tâm đến chính mình, nghĩa là ông chỉ quan tâm đến cái tôi của mình. Cách sống này là sự tự hủy diệt. Nó là một trong những cội nguồn của nền văn hóa sự chết.

Một điều phổ biến khác nữa đối với con người ngày nay là vấn đề phá thai. Hai vợ chồng muốn có con nhưng một trong hai người lại là người phá thai. Những người cổ võ cho vấn đề phá thai biện minh cho sự chọn lựa của họ bằng cách cướp đi sự chọn lựa sự sống của những thai nhi. Thực vậy, “theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, mỗi năm trên thế giới này có khoảng chừng 40 – 50 triệu ca phá thai. Điều này tương xứng với khoảng 125000 ca phá thai mỗi ngày.” (http://www.worldometers.info/abortions/). Cách riêng “tại Hoa Kỳ, gần một nửa trong số những người mang thai là ngoài ý muốn, và bốn trong mười những người mang thai ngoài ý muốn đó giải quyết hậu quả bằng việc phá thai, nghĩa là có trên 3000 ca phá thai mỗi ngày, tương đương 22% trong tổng số những người mang thai tại Hoa Kỳ (ngoại trừ những ca sẩy thai) phá thai. (http://www.worldometers.info/abortions/)

Quả vậy, sự dữ phát xuất từ nền văn hóa sự chết, một nền văn hóa được tạo ra bởi con người. Vì vậy, tội lỗi đã ăn rễ sâu nơi con người khi họ sử dụng ý chí tự do của mình để chọn sự chết. Ma quỷ sẽ không thể xâm nhập nếu chúng ta không cho phép nó. Tội lỗi sẽ không thể xảy ra giữa chúng ta nếu chúng ta chọn lựa sống theo nền văn hóa sự sống. Chúng ta biết rằng văn hóa ảnh hưởng rất lớn đến con người. Văn hóa như là người hướng dẫn con người đến con đường của sự sống hay sự chết, tùy theo văn hóa đó là tốt hay xấu, nghĩa là tùy theo nó là văn hóa của sự sống hay là văn hóa của sự chết. Tuy nhiên, ân sủng thì mạnh hơn văn hóa. Vì lý do này, trên thế giới này vẫn còn có những con người tốt, cho dù chúng ta đang sống và bị ảnh hưởng bởi một nền văn hóa sự chết. Ân sủng có thể thay đổi mọi sự. Sức mạnh của ân sủng có thể giúp chúng ta từ bỏ tội lỗi để trở về với Thiên Chúa, Đấng Tốt Lành. Liên quan đến vấn đề này, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong Thông Điệp Tin Mừng Sự Sống của ngài:

“Mặc dầu nhiều khó khăn và bấp bênh, người nào chân thành mở rộng lòng đón nhận chân lý và điều thiện đều có thể nhờ ánh sáng của lý trí, nếu không kể tới việc nhận biết – theo luật tự nhiên được ghi trong tâm hồn (x. Rm 2,14-15) – giá trị thánh thiêng của sự sống con ngườl, từ khởi điểm tới tận cùng của nó; người chân thành có thể khẳng định quyền của mọi người được thấy người ta tôn trọng toàn vẹn báu vật đầu tiên này của mình. Cuộc chung sống giữa con người và cộng đồng chính trị cũng đặt cơ sở trên sự nhìn nhận quyền sống này.” (Số 2)

Như đã nói ở trên, văn hóa được tạo ra bởi con người. Chúng ta có thể tạo ra một nền văn hóa sự sống nếu chúng ta chọn theo Chúa và tuân giữ những giới răn của Ngài; hoặc chúng ta có thể tạo ra một nền văn hóa sự chết nếu chúng ta khước từ Thiên Chúa cùng những giới răn của Ngài để chọn sự dữ. Mọi thứ đều tùy thuộc vào chúng ta. Có bốn loại người mà “theo truyền thuyết văn chương, được biết đến như ‘bốn kỵ sĩ’: nạn đói, bệnh dịch, sự hủy diệt, và sự chết. Trong chế phục cùng thời của họ, họ là nhà truyền thông gian xảo, những nhà chính trị bị mua chuộc, những người làm nghề quảng cáo đàng điếm, và là những nhà giáo dục nhút nhát.” (Dr. Donald DeMarco, Life and Death on the Gridiron, Challenge Magazine February 2009, p. 26) Những loại người này là những công cụ của nền văn hóa sự chết. Họ có sự ảnh hưởng mạnh nhất trên nền văn hóa của xã hội mà chúng ta đang sống. Phá thai sẽ không xảy ra trong xã hội nếu truyền thông không ủng hộ nó; nếu những nhà lập pháp không hợp pháp hóa nó; nếu con người không chấp nhận nó; và nếu những nhà giáo dục không đưa ra những bài học sai lạc về nó. Khốn thay, tất cả họ là những nhà kiến trúc của nền văn hóa sự chết vì bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa duy vật chất và chủ nghĩa khoái lạc. Chúng ta đang rơi vào chủ nghĩa tự yêu mình, một nền văn hóa của chủ nghĩa cá nhân và nền văn hóa sự chết. Chúng ta cần dùng lý trí để soi sáng cho những chọn lựa tiềm tàng của chúng ta. Chúng ta cần lý trí để có một sự chọn lựa tự do, nhờ vậy chúng ta sẽ có thể chọn điều tốt và tránh điều xấu. Sự tự do phải theo lý trí để chọn lựa điều tốt.

Chúng ta cần tỉnh táo để không bị rơi vào cạm bẫy của nền văn hóa điên dại, nền văn hóa sự chết. Cạm bẫy này giống như một kiểu mốt nhất thời. Nếu chúng ta không theo kiểu mốt này, thế gian sẽ nhìn chúng ta như những người quê mùa và lạc hậu. Một người 25 tuổi, chưa lập gia đình sẽ bị chê cười nếu người đó vẫn còn “dzin”, chưa có quan hệ tình dục với người khác phái. Từ suy nghĩ như vậy, người ta coi việc quan hệ tình dục trước hôn nhân như là “mốt thời trang”. Kiểu mốt nhất thời đó rất đang thịnh hành trong xã hội ngày nay, nhất là trong với giới trẻ. Nhiều người theo kiểu mốt nhất thời này bởi vì họ muốn chứng minh họ là một phần của xã hội này. Và thế là họ trở thành những con rối, bởi vì, kiểu mốt thì thay đổi theo thời gian, và khi kiểu mốt này lỗi thời thì sẽ được thay thế bởi những kiểu mốt khác.

Vì sống theo trào lưu, nhiều người đưa ra những ý tưởng điên cuồng, và họ nhìn Giáo Hội và những giáo huấn của Giáo Hội như là chủ nghĩa bảo thủ thái quá. Họ không tin vào Thiên Chúa và nghĩ rằng, Giáo Hội của Ngài không những không tiến bộ mà còn tụt hậu. Họ sống theo trào lưu và tôn thờ những kiểu mốt như là “chúa” của họ và sống chết cho vị “chúa” đó. Cho nên, thay vì phục vụ Thiên Chúa, họ đã và đang phục vụ cho chủ nghĩa duy vật chất, ma quỷ và nền văn hóa sự chết. Họ đang tìm cách bóp méo sự thật về Thiên Chúa và về chính họ, vì họ không dám sống thật và đối diện với sự thật. Từ việc không dám sống thật và đối diện với sự thật, họ tự đánh lừa mình, và bị lẫn lộn giữa sự thật và sự dối trá, giữa điều tốt và điều xấu. Chính vì thế đối với họ, nhiều điều lố bịch, xấu xa, đáng ghê tởm, trái với đạo lý làm người lại trở thành những điều hợp lý và hợp pháp, chẳng hạn như việc ngừa thai, phá thai, hôn nhân đồng tính, quan hệ tình dục trước hôn nhân, … Vì lối sống theo trào lưu của một số người mà cuộc sống của con người nói chung, cách riêng của những người con Chúa và đời sống của các gia đình, luôn trong tình trạng bị đe dọa. Nếu không cảnh giác, chính chúng ta, những người con Chúa, cũng bị cuốn hút vào và sống theo lối sống trào lưu đó. Nếu như vậy, chúng ta đang hủy diệt chính cuộc sống, nhân phẩm của chúng ta, đánh mất các giá trị gia đình, và sẽ không còn tôn thờ Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong Thông Điệp Tin Mừng Sự Sống:

“Tất cả những gì chống lại sự sống, như mọi thứ giết người, diệt chủng, phá thai, làm chết êm dịu và ngay cả tự tử nữa; tất cả những gì xâm phạm đến sự toàn vẹn của con người, như cưa cắt huỷ hoại một phần cơ thể, tra tấn thể xác hay tinh thần, tìm cách cưỡng bức tâm lý; tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá con người như cảnh sống dưới mức con người (infra-humain), giam tù vô cớ, lưu đầy viễn xứ, bắt làm nô lệ, cảnh mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em; hoặc những điều kiện làm việc hạ phẩm giá khiến công nhân trở thành ngang hàng với dụng cụ thuần tuý để thu lợi, không màng tới nhân cách tự do và có trách nhiệm của họ: tất cả những đối xử trên và những đối xử tương tự, quả thật là ô nhục. Chúng vừa làm suy đồi văn minh, vừa làm mất phẩm giá những ai thi hành các điều ấy, và hơn nữa phẩm giá những người phải gánh chịu những điều ấy, và chúng đã xúc phạm nặng nề đến vinh danh của Đấng Tạo Hoá.” (Số 3)



Kết Luận

Thế giới ngày nay đang cần được cứu ra khỏi bóng tối của nền văn hóa sự chết nhờ ánh sáng và ân sủng của Thiên Chúa. Để được như vậy, thế giới phải nhìn nhận Thiên Chúa chính là Sự Thật, là Đấng hướng dẫn đời sống con người. Thực vậy, là những người con Chúa, các gia đình Công Giáo được mời gọi sống vui tươi ngay cả khi chúng ta phải từ bỏ những khoái lạc. Khoái lạc phát xuất từ xác thịt, nhưng niềm vui xuất phát từ tâm hồn. Khoái lạc không cho ta hạnh phúc, mà chỉ có niềm vui mới cho ta hạnh phúc đích thực. Ta không thể nhìn thấy vẻ đẹp của mặt trăng nếu ta chỉ nhìn ngón tay của người đang chỉ mặt trăng.

Hơn nữa, là những người con Chúa, chúng ta – các gia đình Công Giáo, phải có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ nền văn minh sự sống bằng cách cảnh giác trước những việc làm của những nhà kiến trúc của nền văn hóa sự chết, để “nói không” với những gì là xấu xa tội tỗi, hầu “nói có” với nền văn minh sự sống, nghĩa là chấp nhận và sống những gì là tốt, để rồi xây dựng một nền văn minh sự sống. Chúng ta cần phải đóng miệng ma quỷ lại và mời Thiên Chúa nói với chúng ta và lắng nghe tiếng Ngài. Muốn vậy, chúng ta phải noi gương Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta, để thưa vâng trước thánh ý của Thiên Chúa, hầu có thể sống Tin Mừng sự sống trong cuộc đời mình. Bởi vì như thánh Irênê nói: “Thưa vâng, Mẹ đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ cho chính Mẹ và cho toàn thể nhân loại.” Và vì lý do này, “như Giáo Hội, mà Mẹ là hình ảnh, Đức Maria là mẹ của tất cả mọi người tái sinh vào sự sống. Đức Mẹ thực là Mẹ của Sự Sống làm cho mọi người được sống, và khi sinh ra Sự Sống, Mẹ đã tái sinh cách nào đó tất cả mọi người sẽ sống bằng Sự Sống ấy.” (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Tin Mừng Sự Sống, số 102)

Chúng ta cầu nguyện để con người ngày nay được ánh sáng của Chúa chiếu soi, hầu họ có thể nhìn thấy chân lý mà chính Ngài là căn nguyên của chân lý ấy. Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta hãy sống “tỉnh thức” và “đừng sợ” để bảo vệ chân lý, nhân phẩm con người và nền văn minh sự sống. Đây là một thách đố và cũng là trách nhiệm của các gia đình Công Giáo trong sứ mạng sống Phúc Âm hóa.


Hà Vi
Nguồn: gplongxuyen.org

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.