Nhóm BVSS đến châu Âu

Trong chuyến đi Âu Châu lần này, nhóm Bảo Vệ Sự Sống tại Hà Nội đã có cơ hội gặp gỡ các cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Thông tín viên Tường An có cuộc trao đổi với đại diện của nhóm để tìm hiểu kết quả 5 năm hoạt động của nhóm cũng như mục đích của chuyến đi Âu châu lần này.


Nạn phá thai

Với nền kinh tế mở cửa, xã hội Việt Nam vội vã hội nhập vào thế giới bên ngoài. Bên cạnh những phát triển tích cực cũng nẩy sinh không ít những mặt tiêu cực do mất định hướng trên con tàu cao tốc đang lao về phía trước để bắt kịp nền văn minh của thế giới, từ đó sinh ra những vấn nạn của xã hội. Một trong những vấn nạn đó là nạn nạo phá thai ngày càng nhiều, hậu quả của những việc sống chung, sống thử của đa số tuổi trẻ hiện nay. Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tỉ lệ nạo phá thai ở Việt Nam là khoảng 300.000 ca mỗi năm. Trong đó có khoảng 20% ở độ tuổi vị thành niên. Trung bình cứ mỗi một đứa bé được sinh ra thì có một bào thai bị phá bỏ. Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới và đứng thứ nhất ở Đông Nam Á về tình trạng nạo phá thai, một cái nhất đáng xấu hổ theo bà Trần thị Hường, thuộc nhóm Bảo Vệ Sự Sống tại Hà Nội:
“Một cái xếp hạng mà chúng tôi rất là buồn là Việt Nam là một trong những nước nạo phá thai lớn nhất, đối với nạo phá thai ở Việt Nam, nhất là ở Hà Nội thì dễ dàng vô cùng: không nạo ở trong nhà nước thì nạo ở các tư nhân, và tư nhân thì có một phố nạo phá thai, người ta nói trước thì Hà Nội có 36 phố phường, bây giờ thêm một phố nạo phá thai nữa là 37 phố và cái phố nạo phá thai này nằm trên đường Giải phóng, nằm trước cửa bệnh viện Bạch Mai” 
Có những địa điểm nạo phá thai làm việc 24/24, đến tối khuya phố nạo phá thai vẫn nhộn nhịp người. Xã hội hình như đã quên hay muốn quên những bào thai vô tội bị vất vào thùng rác như một món ăn thừa. Những bào thai chưa kịp thở đã phải lìa đời. Nhóm Bảo Vệ Sự Sống ở Hà Nội ra đời từ một tình cờ, khi những giáo dân bắt gặp 2 bào thai nhầy nhụa trong máu và đem đến nhà thờ. Những thiện nguyện viên Nhóm Bảo Vệ Sự Sống thực hiện nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã giao cho họ, tức là bảo vệ sự sống mà Chúa đã ban cho loài người. Bà Trần thị Hường, phụ trách nhiệm vụ truyền thông cho biết về công việc của nhóm bà tại Hà Nội:


Nhóm Bảo Vệ Sự Sống ra đời
“Trong Bảo Vệ Sự Sống chúng tôi có 3 công việc phải làm: công việc thứ nhất là đi thuyết trình, đi tuyên truyền cho mọi người biết đó là một tội ác nạo phá thai, vấn đề thứ hai là chúng tôi cho người đến các bệnh viện thuyết phục các chị em mang bầu đừng nạo phá thai và việc thứ ba là chúng tôi đi nhặt các thai nhi và chôn cất các thai nhi. Các tệ nạn thai nhi vất ra đầu đường, vất ra thùng rác, ở ngay chính thủ đô cũng có những thai nhi vất trong các công viên, chúng tôi cũng phải nhặt về chôn cất”

Bà Trần thị Hường trả lời đài RFA. 
Photo by TA
Bên cạnh việc đi nhặt bào thai, tắm rửa và chôn cất các thai nhi, họ còn là những chuyên viên tư vấn: bằng tờ rơi, hình ảnh… Nhóm giải thích cho các chị nhận thức trách nhiệm của mình, nhận thức được việc phá thai là tội ác. Hà Nội là nơi tập trung các sinh viên xa nhà, các công nhân xa quê, buồn và cô đơn giữa thủ đô là một trong những nguyên nhân các cặp tìm đến nhau và hậu quả là những giọt máu không ai dám nhận. Bà Hường nói:

“Chính vì vậy mà chúng tôi phải lên đường, phải tích cực, tất cả đều là thiện nguyện viên hết, từ đi truyền thông, cho đến đi nhặt xác thai nhi cho đến chôn thai nhi thì tất cả chúng tôi phải thi hành cái nhiệm vụ đó. Hiện nay nhóm Bảo Vệ Sự Sống của chúng tôi mạnh mẽ hơn, cho các em đi xe đạp, đi bộ, đi diễu hành ở các khu phố, chưng lên những biểu ngữ là “Bảo vệ sự sống, chống phá thai” hay là “Mẹ ơi xin đừng giết con”. Những cái đó chúng tôi đã làm một số lần ở thủ đô, hiện này ở miền Trung cũng đã bắt đầu làm.”
Để tự lừa dối mình hay để người phá thai không thấy đó là một tội ác. Các hình thức phá thai được trang bị bởi những cái tên khoa học mỹ miều như thông kinh hay hút điều hoà kinh nguyệt. Bà Hường cho biết có những thai nhi khi bị trục ra bằng phương pháp Ko-Vắc vẫn còn thoi thóp thở. Bà Hường cho biết tiếp:
“Vấn đề nạo phá thai đã tràn lan rất nhiều ở miền Bắc, nhất là ở Hà Nội. Đó là một vấn đề hiện này tôi cho là một tệ nạn do lối sống buông thả, do lối sống hưởng thụ cho nên nó dẫn tới kết quả là nạo phá thai. Có những em sinh viên ra Hà nội học, thì Bố Mẹ cũng phấn khởi, tưởng ra Hà Nội học thì cũng vui vẻ lắm. Nhưng mà từ chỗ nó thiếu thốn nên phải chung cơm, chung phòng rồi chung cuộc sống, thì họ không phải sống thử nữa mà là sống thật, kết quả của sống thật đó là nạo phá thai. Người ta không hiểu gì cả nên chúng tôi là những người đi truyền thông, phải giảng cho người ta hiểu, những từ “thông kinh” rồi “điều hoà kinh nguyệt” nhưng thật ra là nạo phá thai non cofn nạo phá thai lớn là từ 3-5 tháng, nạo phá thai lớn hơn nữa là từ 5-9 tháng, người ta gọi là làm “Cô-Vắc” tức là trục xuất cho thai ra non, tiêm thuốc cho nó trở dạ và người đàn bà đau đớn như sinh con vậy, những trường hợp như vậy thì chúng tôi đến nhận những thai nhi đó nó còn sống và chúng tôi mang đi cấp cứu. Có những cháu bây giờ đã 4-5 tuổi. Chính tôi là người đi nhận các cháu về.”
Được chuyển từ giáo xứ Kỳ Đồng, Sài gòn ra Bắc, Linh Mục Nguyễn Kim Phùng đặc trách giáo xứ Thái Hà. Linh Mục Phùng cho biết hàng tuần có vài chục, có khi đến cả trăm thai nhi được đưa về Thái Hà, giữ trong những tủ đá. Mỗi tuần có 1 thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn này và sau đó các thai nhi sẽ được đem chôn. Ông kể lại một hình ảnh không thể nào quên giữa đêm Hà Nội:
"Lúc đầu những người giáo dân rất là sợ, bởi vì các em thai nhi ở đây không phải là 3-4 tuần mà là 5-6 tháng, thậm chí có em 9 tháng. Tôi là cái người ấn tượng nhất bởi vì mỗi lần các em đưa về lúc 11-12 giờ gọi diện tôi phải xuống mở cửa đưa vào để tắm rửa. Có trường hợp các em thai nhi 8-9 tháng, họ cắt từng bộ phận ra thành một đống lùi nhùi, tôi phải mở ra tôi ráp lại, nhưng mà cũng vô phương bởi vì họ cắt nhỏ quá. Cò nhiều trường hợp em đo vẫn còn sống, nó vẫn thở , tôi phải đứng một tiếng đồng hồ, để tay lên em đó cầu nguyện nhưng mà không thể cứu được vì người ta cho sinh non, làm “Cô-Vắc” khi mà hút ra thì các em bị chấn thương rất nặng, nó chỉ thở thoi thóp cho tới lúc nó chết. Những người giáo dân họ cũng rất ấn tượng, bởi vì khi tôi đưa ra làm phép ở sân nhà thờ, những người nhìn thấy hình ảnh đó, người ta khóc rất thảm thiết."
Trong chuyến đi dự lễ phong thánh cho 2 thánh tử đạo tại Roma. Bà Trần thị Hường và Linh Mục Nguyễn Kim Phùng đã nhân dịp này ghé thăm cộng đồng người Việt tại 5 quốc gia: Hoà Lan, Pháp, Đức, Na Uy, Thuy Sĩ. Tại địa điểm dừng chân đầu tiên là Paris, bà Hường chia sẻ mục đích của nhóm khi muốn tiếp xúc với người Việt tại hải ngoại:
“Thứ nhất, chúng tôi muốn những anh em ở hải ngoại biết được cái tệ nạn xã hội hiện nay tại Việt Nam nó như thế nào, để cho người ta biết, hoặc là có những sự hỗ trợ trong nhóm của chúng tôi nếu có thể. Chứ không phải là hoàn toàn mục đích chúng tôi đi đến để xin hổ trợ, nhưng chúng tôi muốn là tuyên truyền cho mọi người Việt Nam ở hải ngoại biết rằng ở Việt Nam có những tệ nạn như thế. Muốn làm trong sạch xã hội thì không chỉ có đấu tranh chính trị mà mình cũng phải cải tiến xã hội nữa. Vì nghĩ vậy nên chúng tôi ra đây, với tôi thì tuổi cũng không còn ít nữa cho nên chúng tôi muốn mời một Cha của Bảo Vệ Sự Sống đi cùng để ngài tiếp tục công việc của chúng tôi.
Cả nước đã có khoảng 1000 thành viên, riêng tại Hà Nội có khoảng 50 thành viên. Nhóm vừa kỷ niệm 5 năm thành lập. Một thành quả đáng ghi nhận là nhóm đã thành lập được một mái ấm mang tên “Nhà Mở” để nuôi các phụ nữ phá thai hay muốn phá thai; Ở đó họ nhận được những lời khuyên bảo, an ủi, giúp họ ổn định tinh thần trước khi trở lại với xã hội. Nhà Mở đã là nơi tạm dung cho hơn 100 bà Mẹ đơn thân.
“Trong 5 năm tôi kiểm tra lại thì ở ngay tại Hà Nội thôi cũng đã có trên 2 vạn thai nhi chết rồi, nên bước tiếp theo là phaỉ có một cái nhà để cho những người có hoàn cảnh đặc biệt; những người phụ nữ lỡ lầm, có thai cho nên chúng tôi quyết định mua một căn nhà cách Hà Nội khoảng 17 km và chúng tôi sửa lại thành một cái nhà gọi là “Mái ấm Giê-Ra-Đô” để đón nhận các chị em bầu, lỡ lầm, và bắt đầu cho vào nhà đấy, gọi là Nhà Mở và trong 5 năm qua chúng tôi đã giúp được khoảng 100 trường hợp sinh nở một cách bình an trong ngôi Nhà Mở đó.”
Không có sự bắt đầu nào là không khó khăn, không có con đường nào là hoàn toàn bằng phẳng, công việc của nhóm Bảo Vệ Sự Sống cũng gặp khá nhiều trở ngại khi bị hiểu là ngăn cản xã hội, làm trở ngại kế hoạch hoá gia đình. Bà Hường nói:
“Chúng tôi đến những phòng khám để gặp gỡ các chị em để giải thích cho người ta là hãy giữ lấy những đứa con thì người ta không thích , nhiều khi bảo vệ trong bệnh viện người ta đuổi chúng tôi, người ta kỳ thị, người ta nói là không được vào đây.”
Vượt qua mọi trở ngại, Nhóm Bảo vệ Sự Sống vẫn tiếp tục rao giảng một cuộc sống có ý thức, có trách nhiệm để góp phần tích cực vào việc xây dựng một xã hội văn minh, nhân bản.


Theo RFA

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét