Home » , » Ký ức đau đớn của người nhặt xác thai nhi

Ký ức đau đớn của người nhặt xác thai nhi

Xác thai nhi rất nhanh phân hủy, có những ngày mùi xác chết cứ ám lấy ngôi nhà nhỏ. Nhưng từ ngày có một người tốt bụng tài trợ một tủ đá cho nghĩa trang thì bà Nhiệm đỡ vất vả hơn nhiều. Bây giờ mỗi tuần, bà khâm niệm, chôn các cháu 1 lần. Mộ chôn tập thể, mỗi cháu được cho vào 1 tiểu, xếp thành 3 lượt là đầy mộ.



Sự lương thiện bị đánh mất

Ở cùng một thành phố, nếu như ngày ngày bác sĩ C. cho giật nước bồn cầu cuốn trôi xác thai nhi, thì cách đó chưa đầy 40km, có một phụ nữ nghèo ngày ngày lui tới các phòng khám xin những thai nhi bị bỏ rơi về chôn cất ngay trong mảnh đất nhà mình. Bà là Nguyễn Thị Nhiệm (53 tuổi) trú tại xóm Đồi Cốc, Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà mái ngói đơn sơ, cứ mùa mưa tới là dột tứ tung, chị bảo, tính tới tháng 9/2012, tổng số thai nhi được chính tay chị chôn cất đã lên tới con số 53 nghìn cháu. Chị nói, mới đây, nghe thông tin về vụ nữ y tá giật nước bồn cầu, cuốn trôi xác thai nhi, chị cảm thấy vô cùng bức xúc với những hành động "thất đức" của bác sĩ C.

Chị Nhiệm bảo, đọc xong bài báo về nữ y tá giật nước bồn cầu cuốn trôi xác thai nhi, chị sửng sốt và buồn vô cùng. "Tôi nghĩ, các cháu bé dù chưa được sinh ra thì vẫn là con người, chúng được quyền sống như bao con người khác. Thế nhưng chẳng những đã bị những người thân yêu nhất đã tước đi quyền sống mà khi mất đi rồi cũng không được an nghỉ. Các cháu có lẽ là những người bất hạnh nhất.

Và điều cứ ám ảnh tôi mãi là vị bác sĩ già. Tôi cứ tự hỏi, tại sao bác sĩ ấy có thể tạo ra những việc thất đức như thế. Bản thân tôi cũng quen nhiều bác sĩ làm sản, nhưng không bác sĩ nào dám làm việc thất đức như vậy. Ngày đầu đến xin xác thai nhi về chôn cất tại nghĩa trang, họ còn e ngại. Nhưng sau này hiểu rằng đó là cách tốt nhất đối với các cháu, nên họ rất sẵn lòng. Cứ có cháu nào bị bỏ rơi là ngay lập tức gọi tôi lên mang về.

Thậm chí thỉnh thoảng có vài trường hợp, cháu nhỏ còn sống, họ gọi tôi đến rất vội để mang cháu đi bệnh viện TƯ chữa trị. Tôi tin rằng, đại đa số những bác sĩ sản dù không thể khuyên can các bà mẹ có thể giữ lại con cái, nhưng họ cũng có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Bác sĩ C. là người nằm trong số ít, là người có lẽ đã mất đi lòng lương thiện".

Chị nói thêm, những thai nhi chỉ là những sinh linh vô tội. Nếu như vì không may mắn, bị cha mẹ bỏ rơi thì một người bình thường, có lương tri cũng biết nên đưa các cháu tới nơi an nghỉ tử tế, huống hồ ông C. là một bác sĩ giỏi, lại cầm tiền của người nhà các cháu để lo cho việc an táng.

Và dù xuất phát từ lòng tham, hay sự vô cảm, thì đạo lý của người Việt Nam chúng ta không chấp nhận được hành động thất đức của con người này, bà bức xúc.


Nghĩa trang thai nhi

Chia sẻ về công việc của mình, bà Nhiệm bảo, trong số 53 nghìn thai nhi mà mình đã chôn, thì phần lớn có nguồn từ các phòng khám thai. Bà đã gặp nhiều bác sĩ sản làm trong lĩnh vực này. Đối với họ, việc phá thai vừa là nghề nghiệp, vừa là cứu giúp các cô gái lầm lỡ. Thế nhưng, chưa có ai đối xử với các thai nhi như cách của vị bác sĩ này.

Nói rồi, bà Nhiệm kể về cơ duyên đến với nghề quản trang ở nghĩa trang thai nhi của mình. Bà nói, cách đây 10 năm, đi chợ về qua một mương nước, bà được một cậu bé chăn trâu chạy đến bảo “Bác ơi, bọn cháu thấy một em bé…”. Rồi cậu bé dẫn bà tới chỗ các bạn đang xúm lại thành một vòng tròn xem xét một bọc nilon nhỏ, màu đen. Em bé trong bọc màu đen được quấn bởi 2 lớp khăn dày và đã tím tái hết da thịt, một đàn kiến đang bò lổm ngổm trên người.


Hình ảnh bà Nhiệm đang khâm liệm cho một trẻ sơ sinh xấu số. 

Bà mang cháu bé về mảnh ruộng nhà mình chôn cất. Những ngày tháng sau đó, bà lê la khắp các phòng khám thai trong huyện để xin những xác trẻ sơ sinh xấu số mang về, quy tụ thành một nghĩa trang thai nhi. "Những ngày đầu, hàng xóm làng giềng cho rằng tôi bị hâm, bị dở. Còn những phòng khám thai thì cho rằng tôi làm việc khuất tất, nên việc lấy xác thai nhi về chôn không dễ dàng chút nào.

Đến khi, mọi người tin việc tôi làm hoàn toàn không vụ lợi thì số thai nhi bắt đầu tăng lên. Có những ngày cao điểm, tôi chôn cất cả chục cháu”, bà Nhiệm nhớ lại. Nhà nghèo, chẳng đủ tiền hàng ngày mua tiểu đặt xác thai nhi, người phụ nữ ấy lại đến các nơi quen biết xin tài trợ.

Xác thai nhi rất nhanh phân hủy, có những ngày mùi xác chết cứ ám lấy ngôi nhà nhỏ. Nhưng từ ngày có một người tốt bụng tài trợ một tủ đá cho nghĩa trang thì bà Nhiệm đỡ vất vả hơn nhiều.

Bây giờ mỗi tuần, bà khâm niệm, chôn các cháu 1 lần. Mộ chôn tập thể, mỗi cháu được cho vào 1 tiểu, xếp thành 3 lượt là đầy mộ.

Mở chiếc tủ lạnh chứa đầy ắp những túi nilon đen bọc xác thai nhi, bà bảo mỗi tủ này đựng được khoảng hơn 100 cháu. Ngày đầu chồng con bà thấy sợ, ngại đụng chạm tới xác các cháu. Nhưng sau này hiểu việc làm này là tích đức, hành thiện thì họ giúp đỡ rất nhiệt tình. Những lúc bận rộn, không thể qua phòng khám thai lấy xác thai nhi, bà lại nhờ chồng, con mình. Thậm chí bây giờ đứa con gái mới học lớp 4 của bà cũng đã biết khâm liệm cho “các em” những lúc mẹ vắng nhà.

Nói về các khâm liệm và chôn cất các thai nhi, bà Nhiệm bảo, tuy gia đình không khá giả, nhưng lúc nào bà cũng khâm liệm cho các cháu bằng vải sạch, trắng tinh. Các cháu nhỏ thì có thể mang về là khâm liệm luôn. Nhưng những cháu đã lớn rồi thì phải tắm gội sạch sẽ trước.

Bà Nhiệm nói, đã chục năm làm công việc này, nhưng lần nào đi lấy xác các cháu, bà cũng buồn, cũng thương chúng như lần đầu. Có nhiều khi, lấy cháu bé khá lớn, đã mọc tóc ra khỏi chậu máu của bác sĩ, nước mắt bà cứ trào ra. Cổ họng ứ nghẹn, bà chỉ thốt lên được đúng 1 câu “Sao bố mẹ của con ác quá vậy?”.

Những tưởng, công việc liên quan tới xác thai nhi xấu số chỉ mang đến cho con người ta cảm giác đau buồn, tang thương, nhưng kỳ thực, nhiều khi lại mang đến cho người phụ nữ kỳ lạ ấy những niềm vui nho nhỏ. Bà Nhiệm kể, nhiều lần đến nhà bác sĩ lấy vài cháu một lúc, bà phát hiện trong bọc chung ấy, có cháu bé vẫn còn sống. Những lần như thế, chị liền gọi taxi đưa ngay đến bệnh viện Nhi Trung ương để cấp cứu.


Chiếc tủ đá lạnh này giúp cho công việc của bà đỡ vất vả hơn. 

Trong những cháu bé như thế, rất hiếm trường hợp có thể sống sót. Thông thường các cháu chỉ sống được hơn 1 tuần, cháu bé sống lâu nhất là 2 tháng. Bà kể, trong số đó, có một cháu bé mà 2 mẹ con bà thay nhau chăm sóc 19 ngày, tưởng chừng chắc chắc chắn cứu sống thì lại ra đi ở lần truyền máu cuối cùng. Nghe tin cháu mất, 2 mẹ con cứ thế ôm nhau khóc. Khâm liệm, tiễn cháu ra đi, chị đặt tên cho bé là Tiểu Liên, cũng chính là tên con gái mình để cả nhà cùng ghi nhớ mỗi khi tới thăm nom.

Đối với những em bé hiếm hoi sống sót, chị lại phải gửi các cháu đến trại trẻ. Cũng có cá biệt một vài trường hợp được gia đình công chức giàu có nhận nuôi. Chị nói, cứ khi nào cứu được 1 cháu là gia đình chị lại ăn mừng, có khi vui cả tháng không hết.
Theo giaoduc.net.vn

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét