Xin kể về câu chuyện của ông cụ ấy. 6 tháng trước, tôi cũng đi viếng xác cụ bà của ông. Bà cũng đã ngoài tám mươi, tuy ốm đau liên miên nhưng còn khá hơn ông, mù lòa, liệt lãm, nằm bẹp trên giường từ nhiều năm qua, chỉ còn da bọc xương. Con cháu trong nhà vẫn nghĩ ông sẽ ra đi trước bà, vậy mà không ngờ, chỉ ốm có hai hôm, bà lại đi trước ông.
Trong nhà có đám tang bà mà ông chẳng biết gì, nghe tiếng kèn trống còn kêu con cháu lại hỏi thăm hàng xóm có ai qua đời vậy. Ông bà nghèo lắm, hôm tôi đến, tôi chắc chắn rằng, cái đẹp đẽ nhất, đáng giá nhất trong nhà có lẽ chính là cái quan tài bà đang nằm, do bà con trong xứ họ đóng góp. Vào thăm ông, ông nằm bẹp dúm trong mấy miếng gỗ ghép lại, chẳng còn hình thù, thỉnh thoảng lại ngọ nguậy há miệng ưỡn hết cả xương ngực cố hớp lấy một chút dưỡng khí mong kéo dài sự thoi thóp.
Được biết ông bà có bốn người con, nhưng cả bốn đều nghèo túng, lại tha phương cầu thực khắp nơi, chẳng mấy ai về phụng dưỡng ông bà, thi thoảng có dịp này dịp nọ họ mới về chớp nhoáng rồi lại đi. Nhưng quả là một sự kỳ diệu. Một đứa cháu út ít mà lai lịch nghe cũng thật lắm cảnh éo le, bỏ hết mọi sự, bỏ cả chuyện gia đình để về phụng dưỡng ông bà hàng chục năm trời, chấp nhận cái đói nghèo triền miên để làm tròn chữ hiếu.
Hôm đưa xác ông, chính cậu cháu ấy kể lại cho tôi, ngày xưa, khi cha mẹ mang thai cậu, họ đã nhất định phá thai vì bị vỡ kế hoạch, đứa con thứ ba dư thừa chẳng để làm gì. Biết chuyện, ông bà nhất định không cho phá thai và bằng mọi cách bắt cha mẹ anh phải sanh con với một lẽ đơn giản duy nhất: phá thai là giết người, dầu sao nó cũng là máu mủ ruột rà.
Thế là cậu được sinh ra. Cuộc đời xoay vần thế nào mà ngay cả 4 người con đều không thể hy sinh báo hiếu cho cha mẹ, cả mấy người cháu khác cũng không ai dám từ bỏ mọi sự để về phụng dưỡng ông bà cho phải đạo. Họ mặc nhiên vất ông bà lăn lóc ra đó với tuổi già cô đơn nghèo đói. Chỉ có thằng cháu dư thừa mà ngày trước đã suýt bị loại ra khỏi cuộc sống, loại ra khỏi gia đình và dòng họ, lại thay mặt cho tất cả gia tộc để tìm về nuôi dưỡng ông bà trong sự hy sinh và kính mến. Ông bà đã mất, người cháu ấy cứ trầm tư thương tiếc, chẳng hề kể lể công lao.
Trong những ngày này, nếu có ai đó chịu khó theo dõi thời sự quốc tế, sẽ thấy rằng, câu chuyện truyền thông như một luồng sóng mạnh mẽ trên khắp các diễn đàn và hiện đang là một trong những đề tài hot nhất tại Mỹ, đó là cuộc đấu đá tranh cử giữa Tổng Thống đương nhiệm Obama và ông Mitt Romney. Đặc biệt là trong đó, bất chấp cả đạo lý, bất chấp tự do tôn giáo và bất chấp cả lương tâm, người ta mang sinh mạng của các thai nhi ra để làm chiêu bài cho việc dành giựt cái ghế Tổng Thống. Tại Mỹ, các Đức Giám Mục cũng vào cuộc để chống lại sắc lệnh bất nhân do Tổng Thống ban hành vừa qua. Ấy thế mà hôm nay, được biết, Obama lại một lần nữa đắc cử, mặc cho những chương trình ông đề ra sẽ là cơ hội cho nạo phá thai hoành hành đất nước, xem ra người ta sợ mất job, giảm lương chứ chẳng quan tâm đến chuyện lương tâm còn hay mất.
Chuyện ở xứ người là thế. Còn tại xứ mình, người ta cũng đang nhao cả lên tái cấu trúc hết hệ thống này đến hệ thống nọ, nhưng cái cơ bản nhất là nhân quyền thì người ta lại cố tình lờ đi, chẳng ai đá động gì tới. Các thông tin báo chí bị bóp méo khiến người xem ù hết cả tai lẫn mắt.
Quốc tế hay quốc nội, giới thượng lưu, trung lưu hay hạ lưu đi nữa, nơi chính trường hay chỉ là ở những quán ăn bình dân, chúng ta có thể dần dần nhận ra thế gian chẳng từ thủ đoạn nào để lợi dụng quyền được sống của các thai nhi vô tội.
Đạp lên Sự Sống của các thai nhi để tiến thân, để kiếm tiền, để bao biện, che dấu cho những âm mưu đen tối. Bao giờ, cho đến bao giờ người ta mới có thể tôn trọng sự sống của nhau, tôn trọng sự sống của đồng loại, bao giờ họ mới buông tha để mọi người ai cũng có quyền được sống, được chào đời và được hạnh phúc ?
Nhân loại này, nếu vẫn chưa chịu hướng đến một nhân loại của Tình Yêu, thì có lẽ, nạo phá thai vẫn luôn là hiểm họa rình rập cuộc sống quanh ta.
Đaminh PHAN VĂN DŨNG, 11.2012
Theo báo Ephata số 535
0 bình luận:
Đăng nhận xét