Lệnh cấm phá thai đầu tiên ở đất Việt 500 năm trước

Hiện nay tình trạng nạo phá thai là một vấn đề xã hội nóng trên toàn thế giới, là một chủ đề gây tranh luận gay gắt với những quan điểm khác nhau bởi liên quan đến các giá trị đạo đức, chủng tộc, sinh học và pháp lý phức tạp.

Tình trạng này đang diễn ra ngày càng nhiều, nhất là ở những đối tượng trẻ tuổi, người ta cho rằng nguồn gốc của điều đó chính là cuộc cách mạng tình dục, lối sống buông thả, sự thiếu hiểu biết về vấn đề sức khỏe sinh sản.

Ở nước ta, thời Lê Thánh Tông trị vì, để bảo đảm trật tự xã hội trong khuôn khổ Nho giáo, ông đã ban hành lệnh cấm phá thai và đây được coi là quy định đầu tiên đề cập tới vấn đề này.

Trên phương diện quản lý nhà nước, các triều đại phong kiến Việt Nam từ việc kết hợp Phật, Nho, Lão trong điều hành đất nước dần dần đến thời Lê đã lấy Nho giáo làm cơ sở xây dựng bộ máy chính quyền và thiết chế xã hội.

Đặc biệt là đến đời Lê Thánh Tông, Nho giáo đã chiếm vị trí độc tôn, trở thành chỗ dựa chủ đạo của chính quyền cai trị; để làm đời sống tư tưởng của xã hội quy về với Nho giáo, ông đã tìm cách “làm sáng tỏ đạo thánh hiền” khiến muôn người tin theo.

Chính vì thế các hành động, việc làm bị coi là trái với đạo lý, làm tổn hại đến trật tự, kỷ cương đều bị xử tội nghiêm khắc, trong đó có việc phá thai.

Không chỉ vị hoàng đế theo tư tưởng Nho giáo có quan điểm cứng rắn về vấn đề này mà trong dân gian cũng không đồng tình về chuyện phá thai bởi người Việt coi có con là phúc lớn, có nhiều con là đại phúc, đó là tài sản quý giá hơn tất cả bạc tiền, châu báu, ngọc ngà: “Có vàng vàng chẳng biết phô/ Có con con nói trầm trồ mẹ nghe” (Ca dao).

Con cái là món quà kì diệu không phải bất kì ai cũng có thể tạo ra được... mà chỉ có cuộc sống ban cho vì thế phải biết quý trọng, bảo vệ.

Từ những nguyên do đó, nhận thấy phá thai là việc làm trái đạo đức đang xảy ra có nguy cơ gây ra những tác động xấu đến xã hội, vua Lê Thánh Tông đã ban hành các quy định ngăn cấm.

Trong bộ luật Hồng Đức do Lê Thánh Tông chỉ đạo biên soạn, ban hành có nhiều quy định liên quan đến nghề y như trừng phạt thầy thuốc kém đức, vấn đề về pháp y...

Đặc biệt, Lê Thánh Tông còn ra lệnh cấm phá thai và nhiều lần đã đề cập đến vấn đề này, tại điều 424 bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật) quy định: “Đem thuốc đọa thai làm cho người đọa thai, hay là người xin thuốc đọa thai, cũng đều bị xử tội đồ. Vì đọa thai mà chết thì kẻ cho thuốc mắc phải tội giết người”.

Tình mẫu tử

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lê Thánh Tông đã có lần công bố lệnh cấm phá thai và cấm phá thai cho người khác nhưng vì hiện tượng đó vẫn gia tăng khiến vua rất bực tức, ngày 12 tháng 3 năm Giáp Thìn (1484), ông lại ban lệnh:

“Nhắc lại việc đàn bà phá thai và phá thai cho người khác. Trước đây có lệnh cấm rằng: loại đàn bà tàn nhẫn, vì muốn ít con cái để giữ lấy nhiều của, hoặc ngại việc sinh đẻ, muốn tránh khó nhọc, thấy mình có thai, dùng kế cho sẩy thai, thương tổn tính mệnh, làm hại luân thường; cùng là những kẻ phá thai cho người khác, đều phải tra xét, trị tội theo luật pháp.

Thế mà chúng vẫn coi là tờ giấy lộn, không đổi lỗi trước, vẫn theo thói cũ, tệ trước càng tăng, coi thường pháp luật, làm hư phong tục không gì hơn thế. Nay hãy nhắc rõ lệnh trước, răn cấm nghiêm hơn, nếu có người đàn bà nào như hạng nói trên mà mọi người đều biết, cùng là người chồng không biết răn cấm, đều trị tội theo luật pháp”
(“Đại Việt sử ký toàn thư”).

Theo các nhà nghiên cứu, phá thai là hành động có chủ đích xuất hiện từ lâu trong các nền văn minh cổ đại, nó được thực hiện bằng nhiều phương pháp như sử dụng vật dụng sắc nhọn, tác động lực lên bụng và các kỹ thuật khác, nhưng chủ yếu là sử dụng các thảo dược bào chế từ các loại cây cỏ có tính năng kích thích gây ra việc sảy thai như cúc ngải, bạc hà hăng…

Việc sử dụng cây cỏ theo cách này ngoài việc không đảm bảo yếu tố vệ sinh mà còn gây ra nhiều hiệu ứng phụ nghiêm trọng, thậm chí gây chết người.

Chính vì vậy trong việc ngăn cấm phá thai, Hoàng đế Lê Thánh Tông còn chú ý việc xử lý hoạt động mua bán thuốc phá thai cũng như trách nhiệm của quan lại địa phương khi xảy ra hiện tượng này.

Trong sách “Thiên Nam dư hạ tập” cho biết vào năm Đinh Hợi (1467) niên hiệu Quang Thuận thứ 8, Lê Thánh Tông ban lệnh về cấm uống thuốc đọa thai như sau: “Kẻ nào dùng thuốc đọa thai để phá thai cho người khác hoặc đi tìm thuốc đọa thai đều bị xử tội đồ.

Do cố ý dẫn đến chết người thì xử theo tội sát nhân, xã nào có người như vậy mà không biết cấm đoán thì xã trưởng xã đó sẽ bị xử nặng hơn luật thường, các quan phủ huyện châu sẽ bị bãi chức”
.

Theo pháp luật thời Hậu Lê, khi phát hiện ra một người chết với những biểu hiện nghi vấn, hoặc trên thân thể có vết thương hay có những lời tố cáo, đồn đại quanh cái chết của người đó thì quan chức địa phương phải tiến hành giám định, lập biên bản, thu thập lời khai của nhân chứng để tìm ra nguyên nhân dẫn đến tử vong.

Triều đại này cũng đã tổ chức biên soạn ra các tài liệu pháp y đầu tiên trong lịch sử Việt Nam trên cơ sở tham khảo các tài liệu của phương Bắc và cùng những kinh nghiệm đúc rút trong thực tế hoạt động.

Đối với việc phá thai dẫn đến chết người, để quy kết tội trạng cần phải có bằng chứng xác thực, do đó tài liệu pháp y thời Hậu Lê là cuốn “Nhân mạng tra nghiệm pháp” đã đề cập đến việc giám định trường hợp khám nghiệm tử thi là phụ nữ có thai như sau:

“Phụ nữ có thai bị chết, nếu vội liệm, cho vào áo quan hoặc vội đem chôn thì thi thể trương lên, các đốt xương rời ra, cái thai đó tất lộ ra ngoài, phàm lúc khai quật khám nghiệm gặp trường hợp như vậy thì chớ có kinh ngạc.

Thi thể hài nhi trong bụng mẹ nếu do kinh hãi mà chết thì nhau thai màu đen sẫm, tụ máu và mềm nhũn. Nếu sinh ra đã chết thì tử thi màu hồng nhạt, nhau bào thai màu trắng, nếu sinh ra người mẹ mới chết thì thân thể có vết thương, hoặc yết hầu rách ra bởi người chết do kinh hãi, tay chân thường giãy đạp, cào cấu yết hầu, tử vong là do ngạt thở vậy.

Phàm thai bị trụy phải sai bà đỡ xác định, thai được mấy tháng, đã thành hình hài chưa, lấy lời khai kèm vào hồ sơ. Nếu chưa thành hình hài, chỉ có một khối màu đỏ, lâu ngày rữa ra thì hóa thành nước sệt đặc mà thôi.

Con gái có thai thì sai bà đỡ dùng lụa bọc ngón tay thọc vào trong âm hộ để thử, có thấy dính máu tức là còn trinh, không có máu tức là mất trinh. Người nào có thai không rõ ràng mà bị chết thì sai bà đỡ khám nghiệm từ tim đến rốn, lấy tay vỗ vào, nếu có thai thì cứng như sắt đá, không có thì mềm”.

Trong các cách phá thai được sử dụng, ngoài việc dùng các loại thuốc thì còn có cách khác là dùng đồ vật nhất định hay dùng tay hoặc chân tác động làm gây chấn thương bụng.

Mức độ lực, nếu mạnh, có thể gây nội thương nghiêm trọng nhưng cũng không chắc chắn dẫn tới sảy thai mà có khi làm chết người. Theo các nhà nghiên cứu, tại các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, có một truyền thống cũ cố gắng phá thai bằng cách tác động lực mạnh vào bụng.

Một trong những bức phù điêu trang trí đền Angkor Wat tại Campuchia vào khoảng năm 1150 thể hiện hình ảnh một con quỷ đang thực hiện phá thai như vậy bằng cách dùng chày nện vào bụng một phụ nữ đang mang thai.

Đối với trường hợp sử dụng phương cách này để phá thai hoặc trường hợp có kẻ gây án nhằm vào đối tượng là phụ nữ có thai, pháp luật triều Hậu Lê cũng đã lường trước các tình huống như vậy để xử lý, thậm chí còn hướng dẫn cách thức giải quyết các vấn đề có liên quan.

Thí dụ trong sách “Quốc triều Hồng Đức niên gian chư cung thể thức” hướng dẫn cách làm đơn từ, mẫu biên bản các vụ án, thể thức lấy cung… được ban hành vào niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) đời Lê Thánh Tông, theo đó thể thức làm tờ trình về vụ án mạng do bị đánh trụy thai quy định cụ thể như sau:

“Các quan nha, môn, phủ, huyện lập biên bản về vụ án mạng do trụy thai. Vào giờ…, ngày…, tháng…năm nay, Nguyễn mỗ người xã… trình báo rằng có Nguyễn mỗ, người xã… đánh Trần Thị mỗ trụy thai.

Vào giờ…, ngày hôm đó đã triệu tập bọn Nguyễn mỗ, người thôn, xã, bản xã đến đó để cùng khám nghiệm tử thi thì thấy Trần Thị mỗ nằm ở dưới đất, bị thương tích sưng tấy, chảy máu bao nhiêu chỗ, vết thương dài… phân.

Nếu trụy thai thì con trai hay con gái, đã thành hình chưa, nằm sấp hay nằm ngửa, đầu đã có tóc chưa, dài mấy thước, tấc; cả người đen hay trắng, hay chưa thành hình”.

Qua các quy định pháp luật thời Lê Thánh Tông, chúng ta có thể thấy việc ông nghiêm cấm phá thai, cấm giúp đỡ việc phá thai không chỉ bởi lòng nhân từ, xót thương cho những sinh linh bé nhỏ không có cơ may được làm người mà mặt khác nhằm ngăn chặn việc phá thai với động cơ như “muốn ít con cái để giữ lấy nhiều của, hoặc ngại việc sinh đẻ, muốn tránh khó nhọc”.

Ngăn cấm phá thai vừa để bảo vệ luân thường, đạo lý xã hội mà còn bảo vệ chính tính mạng của người phụ nữ mang thai.

Cách nay hàng mấy trăm năm, người xưa đã nghĩ đến những vấn đề về đạo đức, sức khỏe liên quan đến việc phá thai; cho dù chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo khắt khe dưới chế độ phong kiến theo hình thức quân chủ chuyên chế nhưng khi “ôn cố tri tân”, chúng ta vẫn thấy được cái hay, điểm hạn chế trong các quy định ấy.

Đây cũng là bài học kinh nghiệm của lịch sử có giá trị nhất định đối với chúng ta ngày hôm nay.

Theo Phunutoday

Số ca phá thai thực tế cao hơn số thống kê

Tỉ lệ nạo phá thai tại TP.HCM cao hơn con số thống kê của nhà nước.


Hôm 22-8, truyền thông trong nước dẫn lời bà Tô Thị Kim Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, rằng tỉ lệ nạo phá thai ở thành phố cao gấp hai lần cả nước. Theo đó, cứ 100 đứa bé được sinh ra thì có 66 bé bị bỏ đi.


Góc Xót Thương ở Dòng Chúa Cứu Thế, nơi những người phá thai đến cầu nguyện và xin lỗi con cái 

“Nếu so sánh với tỷ lệ 25 ca nạo phá thai trên 100 ca sinh tính chung cả nước, thì tỷ lệ này ở TP. HCM là 4/5, cao hơn hai lần cả nước” - bà Hoa nói.

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản TP.HCM nhận xét tỷ lệ hiện tại đã giảm so với vài năm trước đây.

“Những năm trước số ca nạo phá thai thậm chí còn cao hơn số ca sinh” - ông Thông nói.

Linh mục dòng Chúa Cứu Thế Giuse Lê Quang Uy, người dấn thân trong công tác bảo vệ sự sống trong 10 năm qua ở thành phố này, cho rằng các con số trên là “không đúng với thực tế” và cần xem xét.

“Tôi tin chắc rằng số ca phá thai phải cao hơn số ca sinh. Những gì nhà nước nói là không đáng tin vì sự thường “tốt khoe xấu che” mà. Theo tôi và các bác sĩ có uy tín, con số phá thai cao hơn số sinh ra, tỷ lệ ngược 5/4” - cha Uy khẳng định.

Ngài chứng minh rằng chỉ riêng tại TP.HCM mỗi ngày các thành viên trong nhóm Bảo vệ sự sống do ngài lập thu lượm được khoảng 100 thai nhi bị giết tại một vài bệnh viện.

“Số thai nhi bị giết mà chúng tôi xin được chỉ bằng 1/10 số thai nạo phá mà thôi vì hàng chục bệnh viện phụ sản, phòng khám tư nhân, phòng khám chui chúng tôi chưa tiếp cận được”.

Ngài ước tính tại thành phố phía nam này mỗi năm phải có hơn 300.000 ca. Sau TP.HCM thì những nơi có số ca phá thai cao là Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế và Nha Trang.

Cha Uy nói rằng Việt Nam có hơn ba triệu ca phá thai mỗi năm trong khi đó con số nhà nước đưa ra là 1,4-2 triệu.

Nguyên nhân phá thai được bà Hoa cho rằng do vỡ kế hoạch, chưa áp dụng tốt các biện pháp tránh thai.

“Các đôi vợ chồng trẻ chưa quan tâm đến việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. 58% bà mẹ thiếu hiểu biết về sàng lọc trước sinh và sơ sinh” - bà nói.

Ông Thông nói rằng nguyên nhân chính là do hậu quả tất yếu của một thành phố đông dân nhập cư. “Nhu cầu tình dục không thay đổi, nhưng ngày nay không ai muốn có nhiều con nên chuyện bỏ thai khi vỡ kế hoạch là điều khó tránh khỏi” - ông cho biết.

Theo cha Uy, nguyên nhân chính vẫn là quan hệ tình dục trước hôn nhân, sống buông thả. “Các bạn trẻ bây giờ đến với nhau quá nhanh, quá dễ dãi, quá liều lĩnh, nhưng lại sợ tai tiếng dư luận, sợ không tiền sống, sợ lỡ dở việc làm, việc học”.

Ngài nhận xét sự suy thoái đạo đức, lối sống cũng là nguyên nhân dẫn đến việc phá thai.

“Có khá nhiều bác sĩ thiếu lương tâm sẵn sàng phá thai. Có nhiều phòng khám mọc lên cho dịch vụ nạo hút thai công khai ngay phố Giải Phóng ở Hà Nội”, ngài dẫn chứng.

Cha Uy cũng đổ lỗi cho chương trình kế hoạch hóa gia đình của nhà nước là nguyên nhân tất yếu dẫn đến việc phá thai.

Ngài nói rằng biện pháp “giảm tỷ lệ mang thai” của nhà nước trước kia đã thất bại nên họ chuyển sang biện pháp “giảm tỷ lệ sinh” bằng việc áp dụng tầm soát và sàng lọc thai nhi.

“Các bác sĩ sau khi siêu âm và xét nghiệm thường đề nghị thai phụ bỏ thai, dọa là có nguy cơ cao với đủ thứ tật bệnh, làm gia đình thai phụ hoảng sợ và đau buồn, và cuối cùng đã quyết định phá thai”, cha Uy buồn bã nói.

Ngài kể rằng có rất nhiều trường hợp chết oan vì tư vấn kiểu này nhưng cũng nhiều trường hợp sau khi được ngài tư vấn, động viên thuyết phục giữ thai, đến khi sinh ra mới thấy bé lành lặn khỏe mạnh, chẳng có bệnh tật chi.

Cha cho biết trong 10 năm qua, Dòng Chúa Cứu Thế đã thành lập năm mái ấm chăm sóc phụ nữ lỡ lầm, cứu được khoảng 1.500 em bé, thiêu và an táng hơn 350.000 thai nhi, đặt tên cho hơn 25.000 thai nhi bị phá bỏ với 1.200 bảng tên được gắn tại Góc Xót Thương trong tu viện.

Các tu sĩ còn làm mục vụ sám hối cho những người đã có dính đến phá thai: mẹ, cha, bác sĩ, gia đình, bạn bè, môi giới, cò. Những người này được giúp hoán cải, giao hòa với Chúa và đặt tên, xin lỗi em bé bị giết.


Theo Vietnam Ucanews

8 năm tù cho bà mẹ phá thai trước khi sinh vài ngày


Một phụ nữ ở Anh vừa bị kết án 8 năm tù giam sau khi nhẫn tâm phá bỏ giọt máu của mình chỉ vài ngày trước khi sinh.

Đứa trẻ không mong muốn này chính là kết quả mối quan hệ ngoài luồng của cô này với một đồng nghiệp.

Sarah Catt, 35 tuổi, đã khéo léo che đậy việc mang thai với chồng và sử dụng thuốc phá thai được mua trên mạng để chấm dứt thai kỳ.

Catt khai là đứa bé bị chết ngay khi sinh và cô đã chôn cất nó. Tuy nhiên cảnh sát phát hiện ra rằng đứa bé xấu số bị chính mẹ nó ruồng bỏ chỉ 2 ngày trước khi đến ngày sinh dự kiến. Ngay sau khi phá bỏ giọt máu của mình, Catt còn thản nhiên đi nghỉ cùng gia đình ở Pháp nhưng chẳng hề có chuyện gì xảy ra.

Sarah Catt, 35 tuổi

Kiểm tra máy tính của Catt, cảnh sát đã phát hiện ra mối quan hệ ngoài luồng trong 7 năm trời của cô này với một đồng nghiệp cũng như bằng chứng về việc Catt mua thuốc phá thai của một công ty ở Ấn Độ.

Q.Chi 
Theo DM

AnNinhThuDo

NSƯT Thái Bảo tiết lộ bí mật đời mình

Gần 6 năm mới gặp lại NSƯT Thái Bảo nhưng trông chị vẫn như thuở nào. Cách nói chuyện nhẹ nhàng, khéo léo tạo cho người đối diện một cảm giác tin cậy bởi sự chân thành toát lên từ ánh mắt, từng cử chỉ, từng lời nói. Lần đầu tiên chị tiết lộ những chuyện "động trời" về cuộc đời mình...

Thái Bảo - đứa con Trời cho

Thái Bảo là con út trong gia đình có 6 anh chị em và được mẹ rất cưng chiều. Trong mắt mẹ chị "Thái Bảo là đứa con Trời cho" vì trong suốt thời gian mang thai, bà đã 4 lần tới trạm xá để phá thai nhưng rồi tình mẫu tử trỗi dậy, bà không đủ can đảm để làm điều dại dột đó nên quyết định giữ chị lại.

"Mẹ kể rằng đã sinh 5 người con (đều tên là Bảo). Trong thời buổi chiến tranh, chạy giặc, đói không có ăn, rét không có mặc, vạt rau lang trước nhà không kịp mọc mầm vì anh chị tôi hái ăn hết. Khi mẹ mang thai tôi, cơ quan vận động đi phá thai để đỡ vất vả. Họ gợi ý rồi vận động, thuyết phục vì mẹ không những là một cán bộ thư viện giỏi mà còn là đảng viên nên phải gương mẫu.

Thương con, bà lấy hết lý do này đến lý do khác nhưng vẫn đành phải đi. Lần cuối cùng, hôm đó mẹ dẫn theo cả chị gái của tôi. Mẹ đứng xếp hàng, chuẩn bị đến lượt thì bất thình lình nhòm trộm qua khe cửa thấy một hình ảnh đau đớn xót xa. Mẹ ù té chạy ra phía cửa sau trạm xá, bỏ mặc chị tôi đứng ngoài hành lang vẫn chờ. Về nhà mẹ đắp chăn nằm khóc và thế là tôi đã được làm người trong khoảnh khắc!" - Thái Bảo rưng rưng, nghẹn ngào kể lại.


Thái Bảo khi 3 tuổi.

Nữ ca sĩ gốc Nghệ An nói rằng trong thâm tâm ba mẹ chị mong cô con gái út sẽ trở thành một nhà giáo nhưng cuộc đời đã "bắt" Thái Bảo là một ca sĩ. Chị vẫn nhớ như in cái ngày phải xa mẹ ra Hà Nội học trường Âm nhạc Việt Nam khi mới 11 tuổi.

"Tôi thi vào trường âm nhạc năm 10 tuổi, năm sau trúng tuyển có giấy báo gửi về nhà ba mẹ mới biết. Đến ngày nhập học anh trai học trường Mỏ địa chất từ Hà Nội về đón tôi. Ba mẹ thương, không cho tôi đi. Nhưng anh thuyết phục mãi cuối cùng bà cũng đồng ý. Tôi vẫn nhớ buổi chiều hôm đó, mẹ nấu bữa cơm thật ngon.

Đến giờ ra ga tàu, mẹ tiễn hai anh em tôi một đoạn rồi về. Tôi lững thững theo anh, đi đến gần ga thì nhớ mẹ không chịu nổi, bỏ mặc anh quay về. Trong bóng tối nhập nhoạng, tôi đi phăng phăng và đột ngột dừng trước cửa nhà, lén nhìn qua khe liếp thấy mẹ ngồi đan áo bên cây đèn dầu lắt léo, nước mắt rơi lên những sợi len! Tôi mở cửa lao vào gọi "MẸ" rồi ôm mẹ khóc thút thít" - Thái Bảo kể.

Thái Bảo nói sau những phút giây bịn rịn bên mẹ cuối cùng chị cũng "dứt" được bà để theo anh lên tàu ra Hà Nội. Hành trang chị mang theo khi đó là hai bộ quần áo được mẹ gói trong túi vải và chiếc hòm gỗ được người anh mua tặng ngay sau khi cả hai xuống sân ga.


Thái Bảo ôm đàn guitar hát.

Sợ làm ai đó tổn thương

Với Thái Bảo, mẹ đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp ca hát của chị. Nếu không có mẹ, sẽ không có một NSƯT Thái Bảo hôm nay. Chị tự nhận có đức tính nhạy cảm và tinh tế giống mẹ, luôn nghĩ cho người khác nhiều hơn nghĩ cho mình và sợ người khác buồn hơn sợ chính mình buồn. Cũng vì thế mà chị luôn luôn cầu toàn trong mọi chuyện.

Chị bảo khi đã nhận lời làm việc gì sẽ toàn tâm toàn ý để hoàn thành một cách hoàn hảo nhất. Đôi khi chị vật vã với một bài hát mới trong cả mấy tháng trời với hi vọng khi mình cất tiếng hát lên thì sẽ có một dấu ấn của riêng mình. Tuy nhiên, chị cũng thẳng thắn thừa nhận không dám "điên" đến tận cùng với âm nhạc, bởi chị luôn cẩn trọng và tỉnh táo.

Thái Bảo kể thời tuổi trẻ đã từng cùng với Thanh Lam lập nhóm nhạc Bồ Câu Trắng đi biểu diễn khắp các bệnh viện, trường đại học... Khi đó cả hai đều trẻ, lên sân khấu với trang phục quần trắng, áo đỏ - gu thời trang mốt nhất thời bấy giờ. Sau đó, Thái Bảo và Thanh Lam mỗi người một con đường.

Thanh Lam sống có phần hơi bản năng còn Thái Bảo lại hoàn toàn lý trí. So với Thanh Lam, Thái Bảo có một đời sống riêng bình yên, ít sóng gió hơn. Thái Bảo thổ lộ rằng không chỉ trên sân khấu mà ngay cả trong cuộc sống đời thường, người thân bạn bè rất khó để "bắt lỗi" bởi đơn giản vì chị lúc nào cũng sợ làm ai đó tổn thương.



Thái Bảo hồi còn trẻ.

Chị an phận với hình ảnh một nghệ sĩ kiểu mẫu "công chức" từ nhiều năm nay, chỉn chu từ trang phục đến lời ăn tiếng nói và chính những điều đó đã mang cho chị một cuộc sống bình yên. Chị và ông xã làm cùng Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Anh là trưởng đoàn nên anh chị tránh không bao giờ mang công việc về nhà bàn cãi. Và ngược lại chuyện gia đình cũng không mang đến cơ quan.

Tất nhiên, cuộc sống vợ chồng đôi khi cũng có những giận hờn nhưng con trai Bảo Anh giống như sợi dây vô hình kết nối những khúc mắc để vợ chồng của Thái Bảo tha thứ, biết chia sẻ với nhau hơn và gắn bó tới ngày hôm nay.

Nuôi và chăm chó cho cuộc sống bớt tẻ nhạt

"Bảo Anh là con trai duy nhất của chúng tôi. Cháu mới thi đỗ vào Học viện âm nhạc quốc gia. Cháu thích cập nhật những điều mới mẻ của giới trẻ. Bảo Anh có một nhóm nhảy riêng và vẫn hay cùng các bạn tập luyện tại nhà. Chúng tôi tôn trọng những sở thích của con nhưng luôn nhắc nhở trong công việc con phải biết chừng mực, nên tiến tới lúc nào và dừng lại lúc nào" - Thái Bảo tâm sự.


Gia đình NSƯT Thái Bảo

Thái Bảo hóm hỉnh bảo con trai đã lớn nên bây giờ chị thích nuôi chó để thư giãn và để cho cuộc sống bớt tẻ nhạt. Chồng chị sau cơn suy tim cuối năm ngoái giờ đã gần bình phục và rất chăm đi tập thể thao. "Bóng đá, chơi tennis không nằm trong "tầm ngắm" của tôi mà chỉ có cầu lông khiến tôi bị cuốn hút bởi đến với thể thao tôi sẽ quên hết mọi phiền muộn. Vì vậy, dù là cùng yêu thể thao đấy nhưng mỗi người mỗi hướng mỗi sáng thức dậy hoặc khi bóng hoàng hôn buông xuống mỗi chiều" - NSƯT Thái Bảo vừa cười vừa nói.

Thái Bảo bằng lòng với những gì mình đã gặt hái, đã khắc họa được chân dung của mình trong sự nghiệp ca hát và vẫn tiếp tục trao dồi, đam mê. Chị vẫn bận rộn với những lịch diễn, liên tục đi diễn trong nước, nước ngoài và nhất là các chương trình sự kiện của đất nước hầu hết chị đều tham gia. Chỉ có một điều duy nhất khiến chị trăn trở đó là không được cận kề bên người mẹ thân yêu.

"Mẹ tôi bây giờ đã già, bị lẫn, vẫn sống với anh cả ở Nghệ An. Tôi mới về thăm, thương mẹ lắm, chẳng nhớ con gái nữa, cứ 2 phút lại phải giới thiệu lý lịch trích ngang của bản thân (cười). Người ta hay bảo "Người già sống bằng quá khứ" còn mẹ tôi đến ngay cả quá khứ cũng đã không nhớ nữa rồi!" - NSƯT Thái Bảo ngậm ngùi.

Sơn Hà
Theo VietNamNet

"Phép lạ" cho người mẹ từ chối trị ung thư để cứu thai nhi

"Tôi cảm thấy như trúng số độc đắc" - đó là tâm sự của một bà bầu người Anh từ chối chữa trị ung thư để cứu bào thai và bà đã bình phục cứ như được ban phép lạ.

Sau nhiều năm vợ chồng Jo Powell ráng có con, cuối cùng Jo có thai vào đầu năm 2010. Nhưng nỗi vui mừng của cô sớm chuyển thành sự tuyệt vọng vài ngày sau đó: cô phát hiện có một khối u ở vú. Bác sĩ cảnh báo rằng họ không thể chữa hóa trị cho cô khỏi bệnh ung thư vú, nếu cô không phá cái thai để tự cứu bản thân.


Jo khoe bụng bầu với em gái

Họ nói nếu cô chọn cách giữ đứa trẻ chưa chào đời, cô sẽ phải lùi thời gian chịu hóa trị đến thai kỳ cuối, khi đứa trẻ đã đủ mạnh để chào đời. Họ khuyên cô nên phá thai, do các hormone sẽ làm bệnh ung thư thêm nặng, và việc mang thai sẽ giúp bệnh phát triển nhanh hơn.



"Canh bạc" sống chết

Tôi biết ngay cả nếu như tôi không thể hết bệnh được, tôi vẫn đem một cuộc sống vào thế giới này. Hai năm trước, tôi ngỡ cuộc đời chúng tôi tan nát. Nay tôi không thể hạnh phúc hơn nữa. Tôi cảm thấy như chúng tôi là gia đình may mắn nhất thế giới. Tôi cảm thấy như chúng tôi trúng số độc đắc, và tôi là người phụ nữ may mắn nhất thế giới.

Nhưng Jo không nghe lời bác sĩ khuyên. Họ đồng ý lùi thời gian trị bệnh cho cô vào tháng thứ 6 của thai kỳ, nhưng vẫn nhấn mạnh việc cần chóng giải phẫu để loại bỏ khối u khỏi vú của cô. Đó là một “canh bạc” có thể khiến cô mất mạng. Jo bắt đầu chịu hóa trị khi thai được 5 tháng.

Điều kỳ diệu là việc chữa trị không tác động lên cậu con trai Jake vốn chào đời trước dịp Noel 2010. Nhưng vài ngày sau, Jo bắt đầu tăng cường trị ca ung thư, khiến cô phải đấu tranh với tử thần để giành lấy sự sống. Trong nhiều tuần vợ nằm viện, anh Richard Powell 30 tuổi chăm sóc đứa con. Sau đó, Jo chịu cắt bỏ vú.

Nhưng điều kỳ diệu là bây giờ, cô cùng ông chồng Richard đã có thể cùng cậu con trai Jake sống hạnh phúc, sau khi cô được thông báo đã chiến thắng được ca bệnh ung thư, không phải chữa trị nữa. Người mẹ 41 tuổi - là công chức - đã kể: “Khi tôi nghe chữ ung thư, suy nghĩ đầu tiên của tôi là “Mình sẽ mất đứa con của mình”.


Richard chăm sóc Jake

Tôi như phải sống trong ác mộng. Chúng tôi đã bỏ nhiều năm để ráng có con, và chúng tôi đã tự tin sẽ không có chuyện gì xấu xảy ra với chúng tôi, vì Jake là món quà đặc biệt dành cho chúng tôi. Tôi biết chúng tôi không thể bỏ đứa con của mình.

Chẳng thể có chuyện tôi hy sinh đứa con để tự cứu mình. Tôi biết ngay cả nếu như tôi không thể hết bệnh được, tôi vẫn đem một cuộc sống vào thế giới này. Hai năm trước, tôi ngỡ cuộc đời chúng tôi tan nát. Nay tôi không thể hạnh phúc hơn nữa.

Tôi cảm thấy như chúng tôi là gia đình may mắn nhất thế giới. Tôi cảm thấy như chúng tôi trúng số độc đắc, và tôi là người phụ nữ may mắn nhất thế giới. Chúng tôi sung sướng vì sau những gì đã trải qua, cuối cùng chúng tôi đã là một gia đình hạnh phúc, khỏe mạnh”.


Mẹ "mắc nợ" con

Trong khi đó, một bà mẹ Anh khác là Debra Gotch phải “mắc nợ” cô con gái Sophie, vì khi mang thai đứa con, bác sĩ mới phát hiện một khối u não “núp” trong sọ của cô suốt nhiều năm. Chỉ vài giờ sau khi Debra sinh Sophie, cô được về nhà, nhưng hôm sau cô bị co giật và bất tỉnh khi đang cho con bú. Chồng cô vội ôm đứa trẻ và gọi xe cấp cứu.

Họ tiến hành mổ khẩn cấp để cứu mạng cô, nhưng lo sợ cô sẽ không thể hoàn toàn bình phục. Nhưng Debra quyết tâm sống để được nhìn thấy con gái lớn lên từng ngày: “Trên thế giới này chẳng có điều gì có thể cản tôi không cho Sophie chào đời”.

Các bác sĩ phát hiện có điều gì đó cực kỳ lạ thường và chỉ sau vài giờ, họ phát hiện khối u lớn nằm sâu trong não, bao quanh một sợi dây thần kinh ngay giữa não. Họ tiến hành mổ khẩn cấp để cứu mạng cô, nhưng lo sợ cô sẽ không thể hoàn toàn bình phục. Nhưng Debra quyết tâm sống để được nhìn thấy con gái lớn lên từng ngày: “Trên thế giới này chẳng có điều gì có thể cản tôi không cho Sophie chào đời”.

Ca mổ thành công, nhưng các bác sĩ phải khắc phục phần não vốn cho phép ngửi mùi vị. Và dù Debra mau chóng bình phục, họ tiếp tục theo dõi cô thật kỹ, sợ rằng khối u có thể phát triển trở lại. Ngày nay, 6 năm sau cuộc chẩn đoán đầu tiên, các bác sĩ khẳng định với bà mẹ một con 44 tuổi, rằng khối u hoàn toàn biến mất và có lẽ sẽ không bao giờ trở lại.


Debra và Sophie

Debra kể: “Tôi đã bị đau đầu kinh khủng, phát bệnh nặng khi mang thai, nhưng tôi nghĩ mình chỉ là một trong những người không may mắn phải chịu bệnh trong 9 tháng thai kỳ. Tôi đã bị đau đầu suốt 3 năm trước khi có thai và tôi cho rằng do tôi phải làm việc căng thẳng.


Lúc đó tôi đang trông coi một công ty buôn bán mỹ phẩm, phải làm việc hàng giờ và đi chào hàng khắp nước Anh. Khi mang thai, tôi thức giấc cứ như bị búa bổ vào đầu. Nhưng khi Sophie chào đời, tôi cảm thấy não mình hết hoạt động, hoàn toàn kiệt sức. Tôi bị bất ngờ khi được biết mình có một khối u lớn trong não. Các bác sĩ cho rằng nó đã phát triển ít nhất 2 năm. Nếu tôi không có Sophie, có lẽ tôi sẽ bị phát hiện trễ. Có lẽ con gái đã cứu mạng tôi”.

Debra hiện vận động chính phủ Anh tăng cường huấn luyện cho giới y tế, để giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán sớm các ca bệnh ung thư. Cô cũng đang viết một cuốn sách kể lại việc mình thoát ung thư: “Thật nhẹ nhõm khi cuối cùng tôi có thể sống nốt cuộc đời này. Nhưng tôi bắt đầu chú tâm vận động để có thêm kinh phí nghiên cứu ung thư não”.

Theo Dân Việt

Tin về đạo đức sinh học

Loạn luân và thụ tinh nhân tạo
Nhiều người Mỹ hiến tinh trùng làm cha của khoảng 50 đứa con lo sợ về tội loạn luân – liền kêu gọi chú ý vở kịch Oedipus Rex (*) của kịch tác gia Sophocles và chứng tỏ sự khôn ngoan của giáo huấn Công giáo phản đối việc thụ tinh nhân tạo.

Báo The New York Times cho biết rằng “một nửa anh chị em [được thụ tinh nhân tạo] thường sống gần gũi với nhau… Các nhà bình luận nói rằng các nơi thụ tinh và các ngân hàng tinh trùng được lợi nhiều từ cách cho phép quá nhiều người được thụ thai bằng tinh trùng của những người hiến tặng”. Một người mẹ ởCalifornia, đã dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo, nói rằng con gái bà “ở trường với nhiều học sinh được sinh ra bằng việc thụ tinh nhân tạo, và cháu đã dan díu với các nam sinh cũng được thụ tinh nhân tạo”.

(Chuyển ngữ từ CatholicCulture.com)

(*) Tác phẩm nói về sự sa đọa loạn luân của vua Oedipus là Thebes đã giết cha mình là Laius và cưới mẹ mình là Jocasta.



Ấn độ: 500.000 người hứa không phá thai chọn giới tính

Một bước quan trọng có thể đảo ngược định kiến cổ hủ chống các bé gái đã thành “đại dịch phá thai chọn giới tính”, các quan chức một quận ở Bắc Ấn đã thuyết phục hơn 500.000 người thề hứa không kỳ thị nữ giới. Ngày 6-9-2011, các quan chức chính quyền quận Karnal ở Bắc tiểu bang Haryana đã đưa ra một chương trình đảo ngược sự mất cân bằng nghiêm trọng trong vùng, nơi chỉ có 813 trẻ em gái so với 1.000 trẻ em nam.

Tỷ lệ chênh lệch này phản ánh tình trạng phá thai chọn giới tính phổ đã biến rộng rãi. Chính sách quan trọng này là mối quan tâm đối với các nhà lãnh đạo Ấn Độ. Định kiến kỳ thị nữ giới đã ăn sâu vào dân Ấn Độ, cuộc điều tra dân số toàn quốc năm 2011 (cứ 10 năm 1 lần) cho thấy Ấn Độ “mất” hơn 7 triệu bé gái dưới 6 tuổi.

TRẦM THIÊN THU

(Chuyển ngữ từ CatholicCulture.com)

Theo Chuacuuthe

Báo động đỏ trò "chăn rau"

“Làm “nông dân” đẳng cấp bây giờ là phải có mấy em teen làm "rau siêu sạch"”, một dân chơi cười bỉ ổi tuyên bố...


Trò chơi của kẻ sở khanh

Chẳng biết từ “chăn rau” có từ khi nào, có lẽ từ khi một game online ra đời thì cách nói kì cục này xuất hiện theo.

Ban đầu, trò này xuất phát từ những gã đàn ông rảnh hơi chán vợ, thích tìm “của lạ” nhưng về sau nó càng lan nhanh và trở thành câu nói cửa miệng, đề tài nóng bỏng mỗi ngày, thậm chí là thước đo đẳng cấp của một số người có sở thích quái đản.

Cao Văn B (cựu học sinh trường B.V) một tay “chăn rau” có “số má” của một “Hội chăn rau” hào hứng chém gió: “Một “nông dân đẳng cấp” phải biết phân chia rạch ròi ba khái niệm: hàng, vợ và rau (!?).

Vợ ở nhà thì không phải bàn, còn “hàng” là gái vì tiền, hám tiền, gái dễ dãi, quan trọng nhất là “rau” tức là các em gái nhà lành, ngây thơ dễ thương…Chỉ cần “nông dân” biết cách “chăn” thì sau này tha hồ “thu hoạch”…”.


Online là nơi các tay "chăn rau" yêu thích

Hội những kẻ bệnh hoạn này cũng bày trò chia “rau” ra thành đủ kiểu nào là rau nốt 1,2,3 (chỉ số lần “quan hệ”…), rau công sở (bạn tình đã có việc làm), đặc biệt nhất là cụm từ “rau siêu sạch” ám chỉ các bạn học sinh, sinh viên tuổi teen đang nằm trong chiến dịch dụ dỗ, mồi chài của bọn chúng bằng đủ các thủ đoạn khác nhau để đạt được mục đích là đưa vào nhà nghỉ.

“Làm “nông dân” có đẳng cấp bây giờ là phải “chăn rau” mấy em teen làm của để dành”. Cao Văn B cười hề hề tuyên bố rất bỉ ổi.

Thật đáng sợ và đáng báo động, trò chăn rau hiện đang biến tướng ghê gớm hơn xưa rất nhiều khi đối tượng dụ dỗ của những kẻ quái đản này chính là các bạn tuổi teen rất ngây thơ, ít va chạm cuộc sống nên dễ dàng rơi vào tay những kẻ sở khanh để rồi đánh mất cả trinh tiết lẫn tương lai lẽ ra đang rộng mở phía trước..



Cành giác "1001 trò chăn rau"

Cao Văn B tiết lộ, mấy chiêu trò “săn hàng” hay làm “anh hùng cứu nét” trên mạng giờ xưa như trái đất.

Muốn “săn và chăn rau” phải chịu khó, rủng rỉnh ít tiền và nhất là phải luyện khâu “dẻo mồm dẻo miệng” thì mới có hiệu quả.

Hiện tại, nhóm của B tuần nào cũng làm một buổi offline ra trò để chia sẻ kinh nghiệm và khoe “rau” mới.

Hiện tượng “bầy đàn tụ tập chăn rau” kiểu như nhóm B hiện rất phổ biến đặc biệt là giới trẻ khiến nhiều bạn gái bị dụ dỗ còn hệ luỵ của nó thì khôn lường.

Hầu như “nông dân” nào khi gặp nhau cũng đưa ra một vài cái tên, đẳng cấp hơn thì có cả list dài “danh sách các em rau” để khoe mẽ và khi cần cũng có thể “share” (chia sẻ) cho nhau.

Nếu như ngày trước nhóm B ngày đêm "cày" trên mạng để săn lùng “hàng” thì bây giờ chúng chỉ thích “bước ra đời thật” bằng nhiều trò thực tế như thấy “em” nào hợp nhãn thì giả vờ hỏi đường, bắt chuyện thật dễ thương rồi tuỳ cơ ứng biến làm quen, rủ uống nước xin nickname, số điện thoại…khởi động cho chiến dịch “chăn rau” của mình.

Tuy nhiên, chúng bật mí, mấy trò này vẫn chưa hay và lãng mạn bằng những chiêu giả vờ dàn cảnh đụng, va quẹt rồi xin lỗi, quan tâm "tẹt -ga" rồi làm quen.

Thậm chí, những “nông dân quái đản” này còn chịu khó đi ...bơi vì “tới hồ bơi không chỉ tha hồ ngắm các bạn gái mặc đồ tắm mà còn có cơ hội “giao lưu”, bơi chung hay giúp tập bơi rất dễ “gắn kết” các em teen (!)”.


Hồ bơi hiện là nơi "hot" của các tay chơi "săn rau".

Ghê gớm hơn, các tay “chăn rau” hiện nay còn rất chịu chi, nhiều tay còn sắm ipad, máy ảnh xịn để lấy le cùng các em.

Một tay dân chơi trong nhóm B tiết lộ biết tâm lí các teen thích chụp ảnh dã ngoại nên hắn sắm máy “khủng”, nhờ đó mà sau vài ba lần chụp ảnh thân mật đã đưa được không ít “con nai vàng ngơ ngác” vào nhà nghỉ.


Bi kịch đớn đau vì “nông dân đểu cáng”

Gương mặt già dặn, ít khi nở nụ cười, ít ai ngờ Thuỷ T (Hiệp Bình Phước, Thủ Đức) chỉ mới tròn mười bảy.

Chỉ hơn một năm trước, cô nàng còn là cô bé lớp 10 xinh tươi nhí nhảnh nhưng rồi cuộc đời Thuỷ T bất ngờ rẽ ngang khi một lần xe đạp bất ngờ hỏng xích và được một anh sinh viên tận tình đến giúp đỡ.

Những tin nhắn ngọt ngào thăm hỏi mỗi ngày, những lần uống nước ở bờ sông Thanh Đa lãng mạn, những đêm tâm tình online tới khuya với “anh trai” mới quen khiến trái tim non cô bé “rung rinh” lúc nào không hay biết.

Đêm sinh nhật tròn mười sáu tuổi, cô bé Thuỷ Tiên ngất ngây với buổi tiệc lãng mạn và những món quà mơ ước từ tay “anh trai”.

Say men bia và những lời ngọt ngào của anh, chuyện gì đến phải đến… Khi tỉnh dậy trong khách sạn, dù có chút hối hận nhưng cô bé vẫn tin tưởng ở tình yêu “Romeo và Juliet” của hai người.


Tình yêu đẹp phải trong sáng và được nuôi dưỡng mỗi ngày 

Một lần “người yêu lí tưởng” đưa Thuỷ T dự offline cùng nhóm bạn, mà sau này bạn mới biết gồm toàn những tay “chăn rau” sành sỏi, thì mới vỡ ra rằng “anh yêu” của mình là người săn gái có số má.

Đến lúc anh chàng đột ngột biến mất và tuyên bố “share” Thuỷ T cho một “nông dân” thân thiết trong nhóm thì cô nàng thật sự sụp đổ…

Chán nản, tuyệt vọng, Thuỷ T không còn tâm trí nào tiếp tục việc học nữa mà quyết định chia tay trường lớp trong sự ngỡ ngàng của bạn bè và đau khổ của gia đình.

Mơ ước vào giàng đường ĐH từ nhỏ tan biến. Thuỷ T xin làm công nhân một xí nghiệp may gần nhà với đồng lương khiêm tốn vừa để giúp gia đình vừa cố quên đi câu chuyện tình yêu đau đớn của mình.

“Trong chỗ làm cũng có mấy anh tìm hiểu làm quen nhưng bây giờ mình tởn rồi, không bao giờ dám yêu ai nữa”. Thuỷ T đau đớn tâm sự.

Câu chuyện những nạn nhân trò “chăn rau” như Thuỷ nghe thật đau lòng nhưng xem ra cô bạn này vẫn còn nhận thức được bi kịch đầu đời để làm lại từ đầu.

Thời gian gần đây, báo chí từng đưa rất nhiều tin một số thiếu nữ nạn nhân của trò sở khanh đã không gượng đứng được để rồi biến từ “rau sạch” thành “hàng” sống phóng túng theo kiểu “bầy đàn” thậm chí là bán dâm, cướp của, giết người khi hết tiền.

Thật đáng báo động, ngày nay trò “chăn rau” không chỉ là trò của những gã đàn ông lắm tiền dư thời gian mà đã biến tướng nhắm đến đối tượng là những bạn gái tuổi teen đang khoác áo học trò.

Chúng ta lên án những sở thích quái gở thiếu giáo dục, thiếu đạo đức của những kẻ không ra gì và cũng cảnh tỉnh các bạn gái nên cảnh giác trước những lời tán tỉnh, quan tâm ngọt ngào không bình thường.

Từ bao đời nay, chỉ có tình yêu trong sáng và lối sống lành mạnh mới có thể bảo vệ và đưa chúng mình đến tương lai tươi sáng.




Theo Mực Tím

Malta: các giám mục phản đối việc thụ thai trong ống nghiệm

LA VALETTA: Trong các ngày vừa qua các Giám Mục Malta đã công bố thư mục vụ khẳng định rằng ”việc cho thụ thai trong ống nghiệm không thể được biện minh trên bình diện luân lý bằng bất cứ phương thế nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vì mục đích không biện minh cho các phương tiện.

Thư mục vụ mang chữ ký của Đức Cha Paul Cremona, Giám Mục Malta và Đức Cha Mario Grech, Giám Mục Gozo, có tựa đề ”Cử hành sự sống” được phố biến đúng lúc Quốc hội Malta đang thảo luận về việc ban hành dự luật cho phép thụ thai trong ống nghiệm tại Malta. Trong thư các Giám Mục nêu bật rằng Giáo Hội có nhiệm vụ hướng dẫn lương tâm các tín hữu liên quan đến đề tài sự sống con người. Đó là điều thánh thiêng và nền tảng và Giáo Hội có bổn phận đưa ra phán đoán luân lý về việc nghiên cứu và các phương pháp được dùng để tạo ra con người, mà không can thiệp vào lãnh vực khoa kọc, nhưng chỉ lôi kéo chú ý trên tất cả các trách nhiệm luân lý đạo đức và xã hội bắt nguồn từ bất cứ hành động nào liên quan tới con người. Vì thế các Giám Mục Malta yêu cầu luật không được sai lầm trên bình diện luân lý, và phải dựa trên ba yếu tố chính sau đây: thứ nhất phải tôn trọng sự sống con người từ lúc thụ thai cho tới khi chết tự nhiên; thứ hai tôn trọng giá trị của sự hiệp nhất vợ chồng, loại trừ tinh trùng hay trứng của người khác vì nó bẻ gẫy sự chung thủy trong hôn nhân; và thứ ba tôn trọng giá trị của tính dục bên trong hôn nhân, bởi vì sự thụ thai một sự sống mới không thể được đối xử như một cử chỉ sinh học, mà phải là sự trao tặng, kết qủa của một hành động tình yêu vợ chồng. Chính vì thế mọi kỹ thuật thay thế hành động yêu thương của vợ chồng không tôn trọng phẩm giá con người và sự kết hiệp trong hôn nhân, và vì thế không thể chấp nhận đươc.

Tiếp đến các Giám Mục Malta kêu gọi bảo vệ các bào thai, thường bị hy sinh và lèo lái để cho một đứa bé sinh ra. Việc lựa chọn chúng gây thương tổn cho phẩm giá con người và việc làm đông lạnh chúng không phải là một giải pháp có thể chấp nhận đựơc. Bởi vì phôi thai, cả khi bị đông lạnh, vẫn có các quyền bất khả xâm phạm. Do đó qua việc làm đông lạnh các phôi thai, nhân loại đang tạo ra các trại mồ côi mới, trong khi sự hy sinh của chúng cho thiện ích của một đứa bé sinh ra diễn tả việc trực tiếp hủy hoại một sự sống vô tội, và là một việc phá thai.

Đức Cha Cremona và Đức Cha Grech nhấn mạnh rằng tất cả những điều trên đây khiến cho người ta nghĩ rằng ”thụ thai trong ống nghiệm mới đầu xem ra phục vụ sự sống, nhưng trên thực tế nó là một đe dọa đối với chính sự sống. Vì thế các vị cầu mong rằng khoa học tìm ra một giải pháp không thay thế hành động hôn nhân, trợ giúp các tiến trình thụ thai của các cặp vợ chồng, và không khai thác họ trên bình diện tâm lý và tài chánh. Còn hơn thế nữa, Giáo Hội Malta yêu cầu có một nghiên cứu nghiêm chỉnh liên quan tới các lý do và việc phòng ngừa sự hiếm muộn, trong lăng kính của một nền khoa học thực sự phục vụ con người. Các Giám Mục cũng bày tỏ tình liên đới với các cặp vơ chồng không có con và nhấn mạnh rằng nó không diễn tả sự thất bại trong sứ mệnh hôn nhân của họ. Vì thế không nên nhượng bộ trước các giải pháp sai lầm trên bình diện luân lý và thường có hại cho sức khỏe thể lý và tâm thần của họ. Các Giám Mục cũng liên đới với các cặp vợ chồng đã thắng vượt các vấn đề không có con bằng cách nhận con nuôi, chứng minh cho thấy sự quảng đại của họ trao ban hy vọng cho nhiều trẻ em. Liên quan tới các trẻ em sinh ra do việc thụ thai trong ống nghiệm Giáo Hội khẳng định các em vẫn là con cái Thiên Chúa và khích lệ các cha mẹ tin tưởng nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Giáo Hội là cơ cấu thăng tiến sự sống hơn bất cứ cơ cấu nào khác trên toàn thế giới, và Giáo Hội dậy rằng sự sống con người không phải là một sản phẩm có thể nhào nắn, sử dụng rồi vứt bỏ.

(SD 6-12-2012)

Linh Tiến Khải

Theo Radio Vatican

Ngôi làng thu nhặt 5 vạn thai nhi tại Hà Nội

Ở cái nghĩa trang nhỏ bé thôn Bến Cốc ấy, hàng vạn linh hồn những bào thai vắn số chưa một lần có cơ may cất tiếng khóc chào đời đã được yên nghỉ 5 năm qua.

Đầu hạ, gió nóng thổi bong tróc từng mảng rêu vàng bám trên bức tường rào cũ kỹ của nghĩa trang giáo họ Bến Cốc. Lá khô, tàn hương bay phảng phất nghĩa trang. Hàng chục hài nhi bó trong vuông vải trắng tinh được xếp ngay ngắn bên trong chiếc tiểu sành. Cẩn trọng và chậm rãi, ông Thạo nhẹ nhàng đặt xuống huyệt mộ. Buổi tiễn đưa ấy không kèn, không trống và không cả những giọt nước mắt tiễn đưa của những người ruột thịt...


Những người “vác tù và” có tấm lòng thánh thiện

Cách quốc lộ 2 không xa, nghĩa trang thai nhi của giáo họ Bến Cốc (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nằm khép mình ở tận cuối làng. Đây là nơi hàng vạn sinh linh nhỏ bé được những người giáo dân của nhóm Bảo về sự sống giáo họ Bến Cốc thu nhặt khắp nơi về làm lễ an tang để những linh hồn nhỏ bé ấy được siêu thoát.




Nghĩa trang thai nhi của dòng họ Bến Cốc

Khi tôi đến nơi thì ông Tô-ma-sô Nguyễn Văn Thạo đang bận rộn với công việc xây dựng nhà thờ của giáo họ. Tranh thủ lúc tốp thợ nghỉ trưa, ông Thạo dắt tôi về ngôi nhà năm gian của ông, cũng là nơi đầu tiên lưu giữ hàng trăm bào thai khi những giáo dân có tấm lòng nhân từ chưa xin được đất để thành lập nghĩa trang cho các bé.

Biết tôi đến tìm hiểu về cái nghĩa cử cao đẹp mà từ nhiều năm nay ông Thạo và những giáo dân trong giáo họ chia nhau đi thu nhặt những thai nhi bị chối bỏ từ các trung tâm y tế, các phòng khám phụ khoa mang về an táng.

Vừa rót nước mời khách, ông Thạo từ tốn tâm sự: “Chúng tôi là người theo đạo nên luôn mơ ước làm những việc bác ái, nhân từ để xứng là con chiên ngoan đạo của Chúa. Làm việc thiện thì chỉ người làm và Chúa biết mà thôi”.

Nghĩa trang thai nhi của giáo họ thôn Bến Cốc dù được thành lập cách đây 5 năm. Những giáo dân của nhóm Bảo về sự sống giáo họ Bến Cốc cứ âm thầm làm cái việc cứu rỗi linh hồn hàng vạn thai nhi không có may mắn được cất tiếng khóc chào đời. Thế nhưng mồ hôi công sức của họ thì chẳng mấy ai biết tới.

Đầu năm 2007, khi nghe đài báo nói về vấn nạn nạo phá thai ngày càng trở nên phổ biến đặc biệt là trong giới trẻ và phần lớn những sinh linh nhỏ bé không có cơ may được chào đời ấy lại bị vứt trong thùng rác. Ông Thạo cùng nhiều giáo dân giáo họ Bến Cốc thực sự cảm thấy đau xót và nhận thấy cần phải làm một việc cụ thể để dịu bớt sự nhức nhối âm ỉ trong tim mỗi người.

Thời điểm đó, khi các giáo dân giáo họ Bến Cốc đi thu nhặt hài nhi thì nhiều người ngoài đời nhìn họ với con mắt vừa ngạc nhiên vừa không thiện chí. Họ cho rằng đó là việc làm rỗi hơi, chẳng đem lại lợi ích gì thiết thực, thậm chí còn sợ rằng việc nhặt các bào thai ở khắp nơi về có thể mang theo nhiều loại bệnh dịch làm nguy hại đến cuộc sống cộng đồng.

Bất chấp mọi đàm tiếu của thiên hạ, ông Thạo và nhóm Bảo vệ sự sống của giáo họ Bến Cốc vẫn cần mẫn đi thu nhặt bào thai và liên tục đề nghị với chính quyền địa phương và giáo họ để xin đất làm nghĩa trang chôn cất các bé.




Những thai nhi hiếm hoi có tên tuổi khắc trên bia

Giọng trầm buồn, ông Thạo chia sẻ: "Với giáo dân chúng tôi, thân xác một con người phải được trân trọng ngay từ khi được bào thai được hình thành. Chúng tôi đã bàn với nhau đi thu nhặt các bào thai bị nạo bỏ ở các bệnh viện và các phòng khám về để chôn cất. Chỉ trong tuần đầu “ra quân”, chúng tôi đã mang về được gần một trăm bào thai. Tuy nhiên việc xin đất để chôn các cháu thì lại gặp muôn vàn gian khó…”.


Nấc thang lên thiên đàng

Theo lời của các hội viên của nhóm Bảo vệ sự sống của giáo họ Bến Cốc, động lực chính để họ làm tốt công việc của mình đó là khi nghĩ đến số phận của hẩm hiu của các bé. Chúng đã bị tước đi cái quyền được sinh ra. Nghiệt ngã hơn khi những sinh linh tội nghiệp đó bị quăng vào bụi cây, sọt rác.

Đã bao lần họ nhặt thai nhi từ thùng rác, thậm chí trong bọc nilông bỏ ở gốc cây, cuộn giấy báo ngoài hè đường. Thai nhi chưa tượng hình, nhiều bé đã đủ chân tay,… cũng chịu chung số phận và đều vô danh không một dòng bút tích.



Ông Nguyễn Vãn Thạo với những thai nhi vừa nhặt về
Các bào thai nhặt về được nhóm Bảo vệ sự sống giáo họ Bến Cốc làm vệ sinh sạch sẽ rồi cuốn trong những vuông vải trắng. Sau khi được bọc thêm một lớp nilon, bào thai được đặt trong niêu đất với miệng niêu được trát kín. Khi chưa xin được đất làm nghĩa trang, ông Thạo đã phải để riêng một gian buồng nhỏ chừng 6 m2 để giữ các niêu đất đựng bào thai.

Đến lúc tưởng chừng như căn buồng nhỏ không còn chứa nổi thai nhi nữa thì giáo họ Bến Cốc đã quyết định dành một góc nghĩa trang của dòng họ làm nơi yên nghỉ cho các hài nhi bất hạnh. Đất thì ít mà thai nhi thì ngày một nhiều, những giáo dân phải đào huyệt rất sâu xuống lòng đất mới đủ chỗ chôn cất. “Cái khó ló cái khôn”, để có thể tiếp tục cái nghĩa cử cao đẹp kia, ông Thạo mua về những chiếc tiểu to để có thể xếp được mấy chục bào thai vào một chiếc.

Hiện tại, một huyệt đào được xếp từ 500 - 700 bào thai. Thời gian đầu, ông Thạo và các giáo dân phải bỏ tiền túi ra để mua vải, mua niêu đất và các vật dụng phục vụ cho việc an táng các bé. Về sau, nhiều người mộ đạo có tấm lòng bác ái đã san sẻ một phần vật chất để các bé được yên nghỉ nơi đất Thánh.



Các thai nhi được đặt trong niêu đất và tiểu sành chờ xếp vào huyệt chung

Nằm ở phía trong cùng của nghĩa trang là khu vực dành cho các bé. Dẫn chúng tôi thẳng vào gian nhà gạch tuềnh toàng không cửa giả, mái lợp bờ lu xi măng với cây thánh giá vút lên trời cao. Trong không khí oi bức đến ngạt thở của cái nắng hơn 40 độ C, vừa bước chân vào gian nhà gạch, tôi bỗng choáng váng bởi một mùi tanh nồng xộc thẳng vào mũi.

Như đã quá quen với mùi này, ông Thạo tiến thẳng tới mấy cái túi bóng màu đen ngoắc trên thành cửa sổ. Dù đã biết trước đây là những bọc thai nhi được các giáo dân nhặt về nhưng tôi cũng không khỏi rùng mình, sởn gai ốc.

Chỉ tay sang phía bên phải cửa ra vào, ông Thạo cho tôi xem những bọc thai nhi đã được những người phụ nữ trong giáo họ vệ sinh cẩn thận, gói trong vuông vải trắng tinh khôi như tâm hồn những bào thai bé nhỏ. Những bọc thai nhi này đến tối sẽ được xếp gọn gàng vào các tiểu sành trát kín miệng bằng xi măng. Theo nghi thức của người Công giáo, các cháu đều được những người chôn cất làm phép rửa và tuần tiết đến hương nến cho.



Ðài Ðức mẹ Maria cũng là ngôi mộ khổng lồ với hàng nghìn thai nhi bên dưới

Trở lại với câu chuyện của ông Chánh trùm giáo họ Bến Cốc. Được biết khó khăn nhất bây giờ đối với những người bảo vệ sự sống nơi nghĩa trang thai nhi không phải là kinh phí để an táng cho các cháu mà là quỹ đất của nghĩa trang.

Với con số bào thai đang tăng lên với tốc độ chóng mặt từng ngày, ông Thạo lo rằng, chỉ trong một thời gian ngắn tới, các giáo dân lại phải bật nắp các ngôi mộ cũ lên để đào sâu xuống lòng đất hơn nữa những mong xếp thêm được những thai nhi vẫn không ngừng tìm về an nghỉ.

Chia tay giáo họ Bến Cốc, chúng tôi mang theo nỗi trăn trở đến nhức nhối của người Trưởng trùm trước vấn nạn nạo phá thai đang gia tăng mạnh mẽ. Ông Thạo chỉ mong rằng, một ngày nào đó khi nhà báo trở lại Bến Cốc sẽ thấy ông thảnh thơi lo việc thánh mà không còn tất bật đón nhận những thai nhi.


Theo thống kê mới nhất của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên (từ 15-19 tuổi) cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. 
Tính trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, nhiều em đã nạo hút thai nhiều lần. Nguyên nhân chủ yếu của việc nạo phá thai là do tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân, các em quan hệ tình dục khi chưa có những hiểu biết đầy đủ về chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng gia tăng.



Theo Gia đình và Cuộc sống

Nguồn: vovgiaothong.vn