Đầu hạ, gió nóng thổi bong tróc từng mảng rêu vàng bám trên bức tường rào cũ kỹ của nghĩa trang giáo họ Bến Cốc. Lá khô, tàn hương bay phảng phất nghĩa trang. Hàng chục hài nhi bó trong vuông vải trắng tinh được xếp ngay ngắn bên trong chiếc tiểu sành. Cẩn trọng và chậm rãi, ông Thạo nhẹ nhàng đặt xuống huyệt mộ. Buổi tiễn đưa ấy không kèn, không trống và không cả những giọt nước mắt tiễn đưa của những người ruột thịt...
Những người “vác tù và” có tấm lòng thánh thiện
Cách quốc lộ 2 không xa, nghĩa trang thai nhi của giáo họ Bến Cốc (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nằm khép mình ở tận cuối làng. Đây là nơi hàng vạn sinh linh nhỏ bé được những người giáo dân của nhóm Bảo về sự sống giáo họ Bến Cốc thu nhặt khắp nơi về làm lễ an tang để những linh hồn nhỏ bé ấy được siêu thoát.
Nghĩa trang thai nhi của dòng họ Bến Cốc
Khi tôi đến nơi thì ông Tô-ma-sô Nguyễn Văn Thạo đang bận rộn với công việc xây dựng nhà thờ của giáo họ. Tranh thủ lúc tốp thợ nghỉ trưa, ông Thạo dắt tôi về ngôi nhà năm gian của ông, cũng là nơi đầu tiên lưu giữ hàng trăm bào thai khi những giáo dân có tấm lòng nhân từ chưa xin được đất để thành lập nghĩa trang cho các bé.
Biết tôi đến tìm hiểu về cái nghĩa cử cao đẹp mà từ nhiều năm nay ông Thạo và những giáo dân trong giáo họ chia nhau đi thu nhặt những thai nhi bị chối bỏ từ các trung tâm y tế, các phòng khám phụ khoa mang về an táng.
Vừa rót nước mời khách, ông Thạo từ tốn tâm sự: “Chúng tôi là người theo đạo nên luôn mơ ước làm những việc bác ái, nhân từ để xứng là con chiên ngoan đạo của Chúa. Làm việc thiện thì chỉ người làm và Chúa biết mà thôi”.
Nghĩa trang thai nhi của giáo họ thôn Bến Cốc dù được thành lập cách đây 5 năm. Những giáo dân của nhóm Bảo về sự sống giáo họ Bến Cốc cứ âm thầm làm cái việc cứu rỗi linh hồn hàng vạn thai nhi không có may mắn được cất tiếng khóc chào đời. Thế nhưng mồ hôi công sức của họ thì chẳng mấy ai biết tới.
Đầu năm 2007, khi nghe đài báo nói về vấn nạn nạo phá thai ngày càng trở nên phổ biến đặc biệt là trong giới trẻ và phần lớn những sinh linh nhỏ bé không có cơ may được chào đời ấy lại bị vứt trong thùng rác. Ông Thạo cùng nhiều giáo dân giáo họ Bến Cốc thực sự cảm thấy đau xót và nhận thấy cần phải làm một việc cụ thể để dịu bớt sự nhức nhối âm ỉ trong tim mỗi người.
Thời điểm đó, khi các giáo dân giáo họ Bến Cốc đi thu nhặt hài nhi thì nhiều người ngoài đời nhìn họ với con mắt vừa ngạc nhiên vừa không thiện chí. Họ cho rằng đó là việc làm rỗi hơi, chẳng đem lại lợi ích gì thiết thực, thậm chí còn sợ rằng việc nhặt các bào thai ở khắp nơi về có thể mang theo nhiều loại bệnh dịch làm nguy hại đến cuộc sống cộng đồng.
Bất chấp mọi đàm tiếu của thiên hạ, ông Thạo và nhóm Bảo vệ sự sống của giáo họ Bến Cốc vẫn cần mẫn đi thu nhặt bào thai và liên tục đề nghị với chính quyền địa phương và giáo họ để xin đất làm nghĩa trang chôn cất các bé.
Những thai nhi hiếm hoi có tên tuổi khắc trên bia
Giọng trầm buồn, ông Thạo chia sẻ: "Với giáo dân chúng tôi, thân xác một con người phải được trân trọng ngay từ khi được bào thai được hình thành. Chúng tôi đã bàn với nhau đi thu nhặt các bào thai bị nạo bỏ ở các bệnh viện và các phòng khám về để chôn cất. Chỉ trong tuần đầu “ra quân”, chúng tôi đã mang về được gần một trăm bào thai. Tuy nhiên việc xin đất để chôn các cháu thì lại gặp muôn vàn gian khó…”.
Nấc thang lên thiên đàng
Theo lời của các hội viên của nhóm Bảo vệ sự sống của giáo họ Bến Cốc, động lực chính để họ làm tốt công việc của mình đó là khi nghĩ đến số phận của hẩm hiu của các bé. Chúng đã bị tước đi cái quyền được sinh ra. Nghiệt ngã hơn khi những sinh linh tội nghiệp đó bị quăng vào bụi cây, sọt rác.
Đã bao lần họ nhặt thai nhi từ thùng rác, thậm chí trong bọc nilông bỏ ở gốc cây, cuộn giấy báo ngoài hè đường. Thai nhi chưa tượng hình, nhiều bé đã đủ chân tay,… cũng chịu chung số phận và đều vô danh không một dòng bút tích.
Ông Nguyễn Vãn Thạo với những thai nhi vừa nhặt về |
Đến lúc tưởng chừng như căn buồng nhỏ không còn chứa nổi thai nhi nữa thì giáo họ Bến Cốc đã quyết định dành một góc nghĩa trang của dòng họ làm nơi yên nghỉ cho các hài nhi bất hạnh. Đất thì ít mà thai nhi thì ngày một nhiều, những giáo dân phải đào huyệt rất sâu xuống lòng đất mới đủ chỗ chôn cất. “Cái khó ló cái khôn”, để có thể tiếp tục cái nghĩa cử cao đẹp kia, ông Thạo mua về những chiếc tiểu to để có thể xếp được mấy chục bào thai vào một chiếc.
Hiện tại, một huyệt đào được xếp từ 500 - 700 bào thai. Thời gian đầu, ông Thạo và các giáo dân phải bỏ tiền túi ra để mua vải, mua niêu đất và các vật dụng phục vụ cho việc an táng các bé. Về sau, nhiều người mộ đạo có tấm lòng bác ái đã san sẻ một phần vật chất để các bé được yên nghỉ nơi đất Thánh.
Các thai nhi được đặt trong niêu đất và tiểu sành chờ xếp vào huyệt chung |
Nằm ở phía trong cùng của nghĩa trang là khu vực dành cho các bé. Dẫn chúng tôi thẳng vào gian nhà gạch tuềnh toàng không cửa giả, mái lợp bờ lu xi măng với cây thánh giá vút lên trời cao. Trong không khí oi bức đến ngạt thở của cái nắng hơn 40 độ C, vừa bước chân vào gian nhà gạch, tôi bỗng choáng váng bởi một mùi tanh nồng xộc thẳng vào mũi.
Như đã quá quen với mùi này, ông Thạo tiến thẳng tới mấy cái túi bóng màu đen ngoắc trên thành cửa sổ. Dù đã biết trước đây là những bọc thai nhi được các giáo dân nhặt về nhưng tôi cũng không khỏi rùng mình, sởn gai ốc.
Chỉ tay sang phía bên phải cửa ra vào, ông Thạo cho tôi xem những bọc thai nhi đã được những người phụ nữ trong giáo họ vệ sinh cẩn thận, gói trong vuông vải trắng tinh khôi như tâm hồn những bào thai bé nhỏ. Những bọc thai nhi này đến tối sẽ được xếp gọn gàng vào các tiểu sành trát kín miệng bằng xi măng. Theo nghi thức của người Công giáo, các cháu đều được những người chôn cất làm phép rửa và tuần tiết đến hương nến cho.
Ðài Ðức mẹ Maria cũng là ngôi mộ khổng lồ với hàng nghìn thai nhi bên dưới |
Trở lại với câu chuyện của ông Chánh trùm giáo họ Bến Cốc. Được biết khó khăn nhất bây giờ đối với những người bảo vệ sự sống nơi nghĩa trang thai nhi không phải là kinh phí để an táng cho các cháu mà là quỹ đất của nghĩa trang.
Với con số bào thai đang tăng lên với tốc độ chóng mặt từng ngày, ông Thạo lo rằng, chỉ trong một thời gian ngắn tới, các giáo dân lại phải bật nắp các ngôi mộ cũ lên để đào sâu xuống lòng đất hơn nữa những mong xếp thêm được những thai nhi vẫn không ngừng tìm về an nghỉ.
Chia tay giáo họ Bến Cốc, chúng tôi mang theo nỗi trăn trở đến nhức nhối của người Trưởng trùm trước vấn nạn nạo phá thai đang gia tăng mạnh mẽ. Ông Thạo chỉ mong rằng, một ngày nào đó khi nhà báo trở lại Bến Cốc sẽ thấy ông thảnh thơi lo việc thánh mà không còn tất bật đón nhận những thai nhi.
Theo thống kê mới nhất của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên (từ 15-19 tuổi) cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới.
Tính trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, nhiều em đã nạo hút thai nhiều lần. Nguyên nhân chủ yếu của việc nạo phá thai là do tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân, các em quan hệ tình dục khi chưa có những hiểu biết đầy đủ về chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng gia tăng.
Theo Gia đình và Cuộc sống
Nguồn: vovgiaothong.vn
0 bình luận:
Đăng nhận xét