Home » » Chúng ta đang ở đâu?

Chúng ta đang ở đâu?

Một buổi sáng mùa đông rét buốt, có vị thương gia kia đứng ở trước cửa phòng làm việc của mình, bỗng có cậu bé bán diêm từ đâu đến mời ông mua một bao diêm, thấy cậu bé ăn mặc rách rưới, Ông động lòng thương và đồng ý mua một bao diêm, bỗng ông cảm thấy áy náy khi lần tay vào túi áo, trong túi ông không còn xu lẻ, chỉ còn những đồng tiền vàng, ngập ngừng mãi với đồng tiền vàng trên tay. Thấy thế, cậu bé nói với ông: Xin ông cứ yêm tâm đưa cho cháu đồng vàng, cháu sẽ đi đổi để thối lại cho ông. Nhìn lại thằng bé, cuối cùng ông chặc lưỡi đưa cho cậu bé đồng vàng, cậu bé cầm đồng vàng và vụt chạy đi khỏi con ngõ. Ông thương gia đứng nhìn dáng chú bé khuất dần… năm phút… mười phút… rồi một tiếng trôi qua, không thấy cậu bé bán diêm trở lại. Ông thương gia lúc này cảm thấy bực bội nghĩ đã bị lừa và tự nhủ rằng, không bao giờ tin tưởng hay giúp đỡ những thằng nhãi ranh nghèo khó thế này được nữa…

Trời đã ngả về chiều, bỗng một thằng bé khác nhỏ hơn thằng bé lúc sáng thập thò trước cửa văn phòng tìm Ông thương gia. Tính đuổi thẳng cổ thằng nhóc vì cơn buồn bực lúc sáng vẫn còn luẩn quất trong tâm trí, nhưng nhác thấy nét mặt nó rất giống thằng nhóc bán diêm lúc sáng, Ông nén bực bội hỏi nó tìm ông có việc gì. Thằng bé nói:

- Có phải Ông là người lúc sáng đã đưa cho anh cháu 1 đồng vàng ?

- Đúng là ta. 


Thằng bé chìa tay nói tiếp.

- Đây là số tiền anh cháu dặn phải đưa đến cho ông và xin lỗi vì đã để ông chờ quá lâu. Cầm số tiền trên tay không thiếu một xu. Ông hỏi

- Thế anh cháu đâu sao không đến ? 

Mắt ngấn lệ, thằng bé vừa khóc vừa nói:

- Thưa ông, sáng nay, chỉ vì vội vàng mang tiền về thối lại cho ông, anh cháu đã bị xe cán, hiện đang hấp hối trong bệnh viện. Trước khi ngất đi anh cháu chỉ kịp nói với cháu về số tiền của ông.

Vị thương gia nghe thế, Ông thấy như có một tảng đá rất to chèn lên lồng ngực, ông cảm thấy ân hận vì những suy nghĩ không hay về thằng bé bán diêm. Ông vội theo em nó đến ngay bệnh viện, khi vừa đến nơi. Cô y tá báo cho thằng em rằng, anh nó vừa trút hơi thở cuối cùng.



Câu chuyện này tôi đã đọc rất lâu từ đâu đó tôi quên mất rồi, chỉ nhớ, đó là một câu chuyện có thật cách đây hàng thế kỷ. Trong câu chuyện này, dù không thấy dù chỉ một từ, nhưng nó lại gợi cho tôi thấy sự liên tưởng của cái đói. Anh em chú bé bán diêm có lẽ rất đói, vì hẳn làm sao no được khi kiếm từng xu lẻ trong cái ăn mặc rách rưới đến nỗi làm mủi lòng khách lạ. Nhưng hành động của anh em chú bé bán diêm lại như hành động của một kẻ không nghèo chút nào, mà thậm chí rất giầu là đàng khác. Thầm nghĩ, thời ấy, một đồng vàng bằng cả năm lương hiện nay chứ có ít gì. Thế mà…

Tìm kiếm một câu chuyện thế này với thực tế đất nước mình hôm nay, thấy sao khó quá. Người giầu có, kẻ nghèo hèn cũng tranh nhau mà sống, mà giành giựt, người ta lừa nhau để mưu lợi cho riêng mình, già trẻ lớn bé tất tần tật, mất hết cả lòng tin vào nhau, đến nỗi, thậm chí, người trong cùng gia đình có khi chém giết lẫn nhau để mà tranh lợi. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” bây giờ được quy đổi thành tiền, thành lợi nhuận. Tình cảm vì thế cũng theo cán cân của kinh tế mất rồi.

Thê thảm hơn thế nữa là những sinh linh bé nhỏ chưa kịp chào đời đã bị tranh mất quyền sống, người ta sợ rằng nếu chúng được sinh ra, chúng sẽ ăn mất phần mình, sợ thiệt hại ngân sách gia đình khi phải nuôi chúng, sợ chúng sẽ làm thiệt hại cho kinh tế quốc dân… Rõ là người ta đang xem các sinh linh này như là cặn bã, chuyên ăn bám, chuyên cướp bóc, nên phải loại trừ ngay từ trong trứng nước cho chắc ăn. Cũng nghèo khổ, cũng đói như cậu bé bán diêm nhưng phải chăng, con người hiện nay đói cả công lý, đói tinh thần, đói tình cảm, đói tự do, đói văn hóa, có lẽ vì đói nhiều thứ quá nên cách hành xử không thấy giống những nhân vật của câu chuyện trên kia.

Có câu hỏi này cứ day dứt mãi. Chúng ta đang ở đâu trong bậc thang tiến hóa ?

Trước kia, tôi thường nhìn vào tình cảm và cách hành xử với nhau của ba dạng người trong xã hội để đánh giá chuẩn mực đạo đức của xã hội. Một là lương y, hai là nhà giáo, ba là cảnh sát. Dĩ nhiên đây chỉ là cách nghĩ của riêng tôi. Con Bệnh – Thầy Thuốc, Học trò – Thầy Cô, Người dân cần được bảo vệ – Cảnh sát giữ gìn trị an. Quan hệ của ba vế này đối với nhau mà ta thấy những hành vi trân trọng và kính phục thì xã hội tốt đẹp, ngược lại thì xã hội đó coi như… vứt đi. Chẳng còn gì đáng nói !

Đáng buồn thay, nhìn quanh chỉ thấy. Con Bệnh – Thầy Thuốc hành xử với nhau thông qua chiếc phong bì, còn mọi thứ khác kể cả tính mạng con bệnh cũng như Y Đức thì xin cho vào sọt rác. Dẫn chứng ư ? Điều này xin cho tôi được miễn cho ngắn gọn, vì nó quá thừa. Học trò – Thầy Cô hôm nay thì sao ? Bệnh thành tích và giả dối đã đục ruỗng đển nỗi học sinh bây giờ coi chuyện quay cóp là lẽ đương nhiên, Thầy cô coi học trò như một vật thí nghiệm hay để bạo hành cũng đã nhan nhản xuất hiện. Thôi không dẫn chứng nữa, nhàm lắm rồi. Còn Cảnh Sát – Nhân Dân ? Ôi ! Bây giờ người ta ra đường chỉ mong những người tự nhận là “con của nhân dân” ấy biến sạch cho khỏe, an toàn cho cái ví trong túi khỏi bị trấn lột. Ôi thế là theo như cách tôi nghĩ, XHCN Việt Nam ngày nay không còn gì đáng nói.

Tệ hơn nữa, không những ba mối quan hệ kia đã chẳng ra gì mà ngay đến tình cảm thiêng liêng nhất giữa Mẹ và Con người ta cũng còn chẳng màng đến. Hãy đến mà xem, hình tượng Mẹ Maria mà người ta đập tan nát tại Con Cuông, hay bắt cóc mang đi mất tích như ở Tòa Khâm Sứ dạo nọ, Người ta phỉ báng, người ta chà đạp. Ngay con cái Mẹ cũng đặt để Mẹ chỉ ngang hàng với một vị lãnh tụ dân tộc như trong một cuộc rước tại Nậu Dị ngày nào, khổ nỗi lịch sử đã chứng minh vị lãnh tụ ấy phải chịu trách nhiệm cho hàng vạn cái chết. Phận làm con đối xử với Mẹ như thế đấy !

Hàng triệu thai nhi bị sát hại hàng năm. Nội con số đó thôi chắc cũng đủ chứng minh cho tình cảm người mẹ Việt Nam ngày nay đối xử với con mình thế nào. Nạn bạo hành giữa các thành viên ruột thịt ngày nay phổ biến hơn bao giờ hết. Đã có quá nhiều giá trị thiêng liêng biến đổi theo chiều hướng xấu đi trông thấy. Giờ mà gõ vào từ khóa “bạo hành” thì ta có thể đọc đến 3 năm cũng chẳng hết những thông tin kinh khủng về cách hành xử với nhau. Thờ ơ và vô cảm đang dần trở thành một chân lý tồn tại trong xã hội đầy bạo lực và vô văn hóa.

Ngoài kia, biển đông sôi sùng sục vì hàng vạn tầu đủ loại của Trung Quốc xâm lăng, ngoài kia hàng trăm ngư dân bị giết hại, bị bắt cóc, bị đòi tiền chuộc, bao nhiêu mảnh đất của tổ quốc nay đã không còn. Vậy mà công lý, tự do, yêu nước vẫn cứ đang bị cầm tù sau những hàng song sắt lạnh băng. Tình cảm đối với tổ quốc chỉ còn là những khát khao buộc phải giấu kín trong lòng.

Những giá trị thiêng liêng ấy đang mai một dần và sẽ biến mất, chỉ điều ấy thôi đã là câu trả lời rất rõ ràng cho chúng ta biết: chúng ta đang tiến, hay chúng ta đang lùi với sự tiến hóa cùng văn minh nhân loại ?


Đaminh PHAN VĂN DŨNG, 8.8.2012

Theo bvss.org

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét