Home » , » Thông điệp Tin Mừng về Sự Sống (p2)

Thông điệp Tin Mừng về Sự Sống (p2)

THÔNG ĐIỆP TIN MỪNG VỀ SỰ SỐNG - EVANGELIUM VITAE


GỬI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ,
TU SĨ NAM NỮ, GIÁO DÂN VÀ MỌI NGƯỜI THIỆN CHÍ
VỀ GIÁ TRỊ VÀ TÍNH BẤT KHẢ XÂM PHẠM CỦA SỰ SỐNG CON NGƯỜI





Nhập Đề

1. TIN MỪNG VỀ SỰ SỐNG ở ngay trung tâm sứ điệp của Chúa Giêsu. Hàng ngày được Giáo Hội mến yêu tiếp nhận. Tin Mừng về sự sống phải được can đảm và trung thành loan báo, như một tin vui cho con người ở mọi thời đại và thuộc mọi nền văn hoá.


Vào buổi bình mình ơn cứu độ, có một hài nhi sinh ra; việc đản sinh này được loan báo như một tin vui: "Này ta báo cho anh em một niềm vui lớn và là niềm vui cho toàn dân: hôm nay đã sinh ra cho anh em vị Cứu Tinh, Ngài là Kitô Đức Chúa, trong thành của Đavít" (Lc 2,10-11). Quả vậy, việc giáng sinh của Chúa đã toả ra "niềm vui quan trọng" này, nhưng, vào ngày lễ Giáng Sinh, ý nghĩa sung mãn của việc mọi người sinh ra cũng được biểu lộ và niềm vui Đấng Thiên sai mang tới đã xuất hiện như nền tảng và sự hoàn chỉnh của niềm vui vẫn đi theo với việc chào đời của bất kỳ em bé nào (x. Ga 16,21).

Khi bày tỏ điều ấy ở ngay trung tâm sứ mệnh cứu thế của mình, Chúa Giêsu nói: "Tôi đến, để họ được sống và được sống dồi dào" (Ga 10,10). Thực thế, Chúa muốn nói về sự sống “mới” và "vĩnh cửu" là hiệp thông với Chúa Cha, sự thông hiệp mà mọi người được mời gọi tới, nhờ ơn sủng của Chúa Con, qua tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hoá. Chính trong "sự sống này mà mọi phương diện và mọi giây phút cuộc đời con người nhận được ý nghĩa đầy đủ của chúng.

Giá trị không thể so sánh của nhân vị con người

2. Con người được gọi tới sự sống sung mãn vượt xa những chiều kích của cuộc sinh tồn trên trái đất này, bởi vì đó là sự tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa.

Chiều sâu của ơn gọi siêu nhiên này tiết lộ sự cao cả của giá trị sự sống con người, ngay từ giai đoạn trần thế. Quả vậy, sự sống trong thời gian là một điều kiện căn bản, là thời điểm khởi đầu và là một bộ phận cấu tạo cho sự phát triển toàn vẹn và thống nhất cuộc sinh tồn của con người. Sự phát triển sự sống như thế - một cách bất ngờ và không do công trạng nào - đã được sáng tỏ nhờ lời hứa ban sự sống thần linh và được canh tân nhờ ơn ban sự sống thần linh, sự phát triển ấy sẽ đạt tới độ hoàn chỉnh trong cõi vĩnh hằng (x. 1 Ga 3,1-2). Đồng thời, ơn gọi siêu nhlên này nhấn mạnh tính cách tương đối trong sự sống trên trần gian của người nam và người nữ. Thực vậy, sự sống này là một thực tại, không phải là “chót” mà là "áp chót"; dù sao cũng là một thực tại thánh thiêng được trao phó cho ta để ta giữ gìn một cách có trách nhiệm và để ta đưa nó tới mức toàn thiện trong tình yêu và trong sự hiến dâng bản thân mình cho Thiên Chúa và cho anh em ta.

Gìáo Hội biết rằng Tin Mừng về sự sống đây, đã được Chúa trao cho Giáo Hội (1), gặp thấy âm hưởng sâu sắc và mang tính thuyết phục trong con tim từng người, có tín ngưỡng cũng như không có tín ngưỡng, bởi vì, vượt trên mọi chờ mong, Tin Mừng này đáp ứng một cách rất đáng ngạc nhiên. Mặc dầu nhiều khó khăn và bấp bênh, người nào chân thành mở rộng lòng đón nhận chân lý và điều thiện đều có thể nhờ ánh sáng của lý trí, nếu không kể tới việc nhận biết - theo luật tự nhiên được ghi trong tâm hồn (x. Rm 2,14-15) - giá trị thánh thiêng của sự sống con ngườl, từ khởi điểm tới tận cùng của nó; người chân thành có thể khẳng định quyền của mọi người được thấy người ta tôn trọng toàn vẹn báu vật đầu tiên này của mình. Cuộc chung sống giữa con người và cộng đồng chính trị cũng đặt cơ sở trên sự nhìn nhận quyền sống này.

Việc bảo vệ và làm nổi bật giá trị của quyền sống phải đặc biệt là công việc của những ai tin vào Chúa Kitô, vì ý thức chân lý kỳ diệu mà Công đồng Vatican II nhắc nhớ: "Qua việc Nhập thể, Con Thiên Chúa, một cách nào đó, đã kết hiệp chính mình với bất kỳ con người nào (2). Trong biến cố cứu độ này, nhân loại đã tiếp nhận không những mặc khải về Tình yêu vô cùng của Thiên Chúa Đấng "yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (Ga 3,16), mà cả mặc khải về giá trị không thể so sánh của mọi nhân vị con người.

Và khi kiên trì tìm hiểu mầu nhiệm Cứu độ, Giáo Hội tiếp nhận giá trị này với sự ngạc nhiên mỗi ngày mỗi mới mế hơn (3). Và Giáo Hội cảm thấy mình được gọi để loan báo cho con người mọi thời đại biết “Tin Mừng” này, là nguồn hy vọng mạnh mẽ và vui mừng chân thực cho từng giai đoạn lịch sử. Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Tin Mừng về phẩm giá con người và Tin Mừng sự sống, là một Tin Mừng duy nhất và bất khả phân chia.

Vì thế con người, con người sống động, tạo nên con đường đầu tiên và căn bản của Giáo Hội (4).

Những đe doạ mới chống lại sự sống con người

3. Nhờ mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa "đã thành xác phàm'' (x. Ga 1,14), hết thảy mọi người đều được trao phó cho sự săn sóc hiền mẫu của Giáo Hội. Vì thế bất cứ sự đe doạ nào chống lại phẩm giá và sự sống con người cũng xúc phạm tới trái tim của Giáo Hội, sự đe doạ ấy quả là đụng chạm tới Giáo Hội ở ngay trung tâm đức tin của Giáo Hội vào mầu nhiệm Nhập Thể cứu độ của Con Thiên Chúa, và đụng chạm tới sứ mệnh loan báo Tin Mừng về sự sống trên toàn cầu cho mọi loài thụ tạo (x. Mc 16,15).

Ngày nay việc loan báo Tin Mừng lại đặc biệt trở nên cấp bách, vì số lượng gia tăng và mức độ nghiêm trọng rõ rệt của các mối đe doạ sự sống đối với nhiều người và nhiều dân tộc, nhất là khi sự sống này còn non nớt và không có gì bảo vệ. Thêm vào những tai ương đau đớn xưa kia, như cảnh cùng khổ, đói kém, bệnh dịch ở từng miền, bạo lực và chiến tranh, ngày nay lại nảy sinh nhiều tai ương khác, mang hình thái mới lạ và chiều kích đáng sợ hãi.

Trong một trang về hiện trạng thê thảm hiện nay, Công đồng Vatican II đã mạnh mẽ biểu lộ nỗi xót xa trước vô số tội ác và sự mưu sát sự sống con người. Ba mươi năm sau, tôi xin mượn lời của phiên họp khoáng đại Công đồng, để khóc thương một lần nữa, và cũng mạnh mẽ như vậy, nhân danh toàn thể Giáo Hội, và chắc chắn, cũng diễn tả đúng tâm tình của mọi lương tâm ngay thẳng: “Tất cả những gì chống lại sự sống, như mọi thứ giết ngươi, diệt chủng, phá thai, làm chết êm dịu và ngay cả tự tử nữa; tất cả những gì xâm phạm đến sự toàn vẹn của con người, như cưa cắt huỷ hoại một phần cơ thể, tra tấn thể xác hay tinh thần, tìm cách cưỡng bức tâm lý; tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá con người như cảnh sống dưới mức con người (infra-humain), giam tù vô cớ, lưu đầy viễn xứ, bắt làm nô lệ, cảnh mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em; hoặc những điều kiện làm việc hạ phẩm giá khiến công nhân trở thành ngang hàng với dụng cụ thuần tuý để thu lợi, không màng tới nhân cách tự do và có trách nhiệm của họ: tất cả những đối xử trên và những đối xử tương tự, quả thật là ô nhục. Chúng vừa làm suy đồi văn minh, vừa làm mất phẩm giá những ai thi hành các điều ấy, và hơn nữa phẩm giá những người phải gánh chịu những điều ấy, và chúng đã xúc phạm nặng nề đến vinh danh của Đấng Tạo Hoá". (5)

4. Khốn thay, viễn cảnh đáng lo ngại ấy, không những không thu hẹp lại, mà còn lan rộng mãi ra: với những viễn ảnh do tiến bộ khoa học kỹ thuật mở rộng, người ta thấy phát sinh nhiều hình thức mới xâm phạm phẩm giá con người đồng thời người ta hình thành và sắp xếp một mẫu văn hoá mới, làm cho những tội phạm chống sự sống có thêm một bộ mặt chưa từng có và - nếu có thể - nó còn bất chính hơn nữa; nó gây nên nhiều chuyện nghiêm trọng; nhiều tầng lớp rộng lớn trong dư luận quần chúng biện minh cho một số tội ác chống lại sự sống, nhân danh những quyền tự do cá nhân, và, khởi đi từ giả định trước, họ cho rằng không những họ được miễn tố, mà còn được nhà nước cho phép, để thực hiện những việc ấy, trong sự tự do tuyệt đối và, hơn thế, còn được các dịch vụ y tế can thiệp miễn phí nữa.

Tất cả những điều ấy gây ra một sự thay đối sâu xa trong cách nhìn sự sống và các quan hệ giữa những con người. Sự kiện những luật lệ của nhiều quốc gia, khi được dịp liền bỏ xa những nguyên tắc tạo lập nền Hiến Pháp của họ, đã chấp nhận không trừng phạt, mà hơn nữa, còn cho là hoàn toàn hợp pháp những việc chống phá sự sống, sự kiện ấy vừa là triệu chứng đáng lo ngại, vừa là nguyên nhân không thể coi thường phát sinh sự sụp đổ về luân lý: những chọn lựa mà ngày xưa ai cũng luôn xa tránh, thì ngày nay dần dần trở nên được trân trọng về mặt xã hội! Cả y học, là khoa có sứ mệnh bảo vệ và chăm sóc sự sống con người, cũng luôn sẵn sàng tiếp tay rộng rãi trong một vài lãnh vực cho việc thực hiện các hành vi chống con người; làm như vậy, y học đã tự bóp méo khuôn mặt của mình, mâu thuẫn với chính mình và làm tổn thương phẩm giá những người thực hiện các hành vi ấy. Trong bối cảnh văn hoá và pháp luật như vậy, cả những vấn đề quan trọng về dân số, xã hội và gia đình, đang đè nặng trên nhiều dân tộc trên thế giới và đòi hỏi sự quan tâm có trách nhiệm và hoạt động của các cộng đồng quốc gia và quốc tế, những vấn đề ấy cũng có nguy cơ được giải quyết một cách sai trái và lầm lẫn, đi ngược lại chân lý và lợi ích của các cá chân và các dân tộc.

Kết quả mà người ta đạt được thì thật bi thảm: nếu nhìn vào việc xảy ra hiện tượng loại bỏ biết bao nhân mạng đang nảy sinh hoặc đang trên đường suy thoái, là đặc biệt nghiêm trọng và đáng sợ, thì cũng không kém phần nghiêm trọng và đáng sợ việc chính lương tâm con người, như bị mờ tối đi bởi bấy nhiêu những điều kiện sống tệ hại như vậy, càng thêm khó nhìn ra để phân biệt điều tốt điều xấu, về những điểm liên hệ tới giá trị căn bản của sự sống con người.

Hiệp thông với tất cả các Giám mục hoàn cầu.

5. Vấn đề những đe doạ chống lại sự sống con người trong thời đại ta đã là đối tượng cho Hội nghị bất thuờng của các Hồng Y tại Roma từ ngày 4 đến ngày 7 tháng Tư, năm 1991. Sau khi nghiên cứu sâu rộng vấn đề và các thách đố đối với cả gia đình nhân loại và riêng cộng đồng Kitô giáo, các vị Hồng y đã bỏ phiếu đồng thanh thỉnh cầu tôi, với quyền bính của Người kế vị Thánh Phêrô, tái khẳng định giá tri sự sống con người, và tính bất khả xâm phạm của sự sống ấy, để đáp ứng trước những hoàn cảnh hiện thời cũng như các vụ mưu sát ngày nay đang đe doạ sự sống con người.

Sau khi tiếp nhận thỉnh cầu ấy ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 1991, tôi đã gửi một lá thư riêng tới từng chư huynh trong hàng Giám Mục, để mỗi vị, theo tinh thần giám mục đoàn, góp phần cộng tác với tôi nhằm soạn thảo văn kiện về vấn đề này (6). Các Giám mục đã hồi âm, đã cho tôi những thông tin, những gợi ý và những kiến nghị thật là quí báu. Cũng nhờ cách ấy, các ngài đã mang lại một chứng từ cho việc đồng tâm tham gia chân thành vào sứ mệnh giáo huấn và mục vụ của Giáo Hội trong chủ đề Tin Mừng về sự sống.

Cũng qua lá thư ấy, ít lâu trước ngày Kỷ niệm “Một trăm năm thông điệp Rerum Novarum” tôi đã xin tất cả các ngài chú ý đến một điều tương tự kỳ lạ này: “Cũng như cách đây một thế kỷ, chính giai cấp công nhân bị áp bức trong những quyền lợi căn bản, và Giáo Hội đã bảo vệ họ, bằng cách mạnh dạn tuyên bố những quyền thánh thiêng của con người lao động, thì ngày nay, khi một lớp người khác bị áp bức trong những quyền lợi căn bản về sự sống, Giáo Hội cũng cảm thấy mình phải can đảm như thế để lên tiếng nói thay cho người không có tiếng nói. Giáo Hội luôn luôn nhắc lại tiếng kêu trong Tin Mừng là phải bảo vệ những người nghèo khổ trên thế giới, những người bị đe doạ, bị khinh bỉ, những người không được cho hưởng quyền con người (7).

Ngày nay có muôn vàn con người yếu đuối, không phương tiện tự vệ, bị coi rẻ trong quyền căn bản được sống còn, đặc biệt là trường hợp các hài nhi sắp được sinh ra. Nếu vào cuối thế kỷ trước Giáo Hội không được im lặng trước những bất công ở thời đó, thì ngày nay Giáo Hội càng không thể im lặng, khi mà cùng với những bất công, lại thêm lên, trên nhiều miền ở khắp thế giới, những bất công và những hiện tượng áp bức còn nặng nề hơn, đôi khi được trình bày như là những yếu tố của tiến bộ nhằm tổ chức “trật tự thế giới mới”.

Thông Điệp này là kết quả do sự cộng tác của Hàng Giám mục ở mọi nước trên thế giới, muốn tái khẳng định cách chính xác và mạnh mẽ giá trị của sự sống con người và tính bất khả xâm phạm của sự sống ấy, và đồng thời, nhân danh Thiên Chúa: tha thiết kêu gọi tất cả mọi người và từng người: Hãy tôn trọng, bảo vệ, yêu thương và phục vụ sự sống, toàn diện sự sống con Người! Chỉ trên con đường này, bạn mới gặp được công bình, phát triển, tự do đích thực cũng như hoà bình và hạnh phúc!

Ước mong những lời này đến được với tất cả các con cái của Giáo Hội! Ước mong những lời này tới được mọi người thiện chí đang lo lắng cho lợi ích của từng cá nhân, nam cũng như nữ và cho vận mệnh của toàn xã hội.

6. Trong mối hiệp thông sâu xa với từng anh chị em của tôi trong Đức Tin và phấn khởi trong tình thân hữu chân thành với tất cả mọi người, tôì muốn lại được suy niệm và loan báo Tin Mừng về sự sống, là ánh rạng ngời của chân lý soi sáng mọi lương tâm, ánh rạng ngời sinh động chữa trị mọi cái nhìn mờ tối, là nguồn vô tận của sự kiên trì và lòng can đảm để đối diện với những thách đố luôn luôn mới mẻ mà chúng ta gặp trên đường đời.

Và, trong khi tôi suy tư về những cảm nghiệm phong phú sống động trong Năm quốc tế Gia đình, như để đưa ra một kết luận cho lá thư tôi gửi tới "từng gia đình cụ thể của mọi miền trên trái đất" (8), với một niềm tin tưởng mới tôi hướng nhìn tới tất cả các gia đinh và ước mong sự dấn thân của mọi người lại tái sinh và được tăng cường, ở mọi cấp bậc, để nâng đỡ gia đình, ngõ hầu cho ngày nay nữa - giữa biết bao khó khăn và đe doạ nặng nề - gia đình vẫn không ngừng là “cung thánh sự sống” (9), theo ý định của Thiên Chúa.

Với mọi thành phần trong Giáo Hội, dân tộc của sự sống và cho sự sống, tôi gửi lời kêu gọi cấp bách nhất, để tất cả chúng ta có thể mang lại cho thế giới những dấu chỉ mới của Hy Vọng, bằng cách hành động để công lý và tình liên đới được tăng trưởng, để khẳng định một nền văn hoá mới của sự sống con người, để xây dựng nền văn minh chính thực của chân lý và tình thương.

-----
(1) Quả thực diễn ngữ "Tin Mừng về sự sống" không có trong thánh Kinh. Tuy nhiên diễn ngữ ấy am hợp với một phương diện cốt yếu của sứ điệp Thánh Kinh.
(2) Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Vui mừng và Hy vọng, số 22.
(3) Xem Thông điệp Đấng Cứu Chuộc con người của Đức Gioan Phaolô II (4.3.1979), số 10.
(4) Xem Thông điệp trên, số 14.
(5) Hiến chế Mục vụ, Vui mừng và Hy vọng, số 27.
(6) Xem Thư gởi hàng Giám mục về "Tin mừng về sự sống" (19.5.1991).
(7) Cũng trong thư trên.
(8) Thư gởi các Gia đình (2.2.1994) số 4.
(9) Thông điệp Năm thứ một trăm (1.5.1991) của Đức Gioan Phaolô II, số 39.


Theo gpnt.net

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét