Home » , » Báo động nạo phá thai vị thành niên (kỳ 2)

Báo động nạo phá thai vị thành niên (kỳ 2)

Hài nhi về đâu?


(GĐVN)
Trung bình mỗi ngày ở các bệnh viện Phụ sản thực hiện từ 40 - 60 ca nạo phá thai, đặc biệt những tháng sau dịp nghỉ tết con số này còn tăng lên gấp đôi. Mấy ai trong số những người đi phá thai ấy lưu tâm đến việc những hài nhi xấu số bị nạo phá sẽ được chuyển đi đâu?...


Có không ít hài nhi bị chối bỏ quyền làm người.
Ảnh minh họa

Sinh linh xấu số

Trước khi thực hiện bài viết này, tôi được nghe không ít câu chuyện về những phụ nữ đi phá thai, chối bỏ quyền làm mẹ. Ít ai biết được, sau những ca phá thai các sinh linh bé bỏng ấy sẽ được đưa đi đâu. Có người bảo, các sinh linh chưa thành hình nên sau khi các bác sỹ làm thủ thuật hút ra sẽ vứt vào thùng rác. Có ý kiến khác lại cho rằng, các sinh linh đó được đưa đi chôn cất cẩn thận. Vậy thực chất những hài nhi khi bị người mẹ chối bỏ quyền sống sẽ như thế nào? Xuất phát từ trăn trở đó, chúng tôi tìm đến không ít Bệnh viện Phụ sản, phòng khám, trung tâm chuyên về nạo phá thai tìm hiểu.

Địa chỉ đầu tiên chúng tôi tìm đến là Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Đây cũng được coi là nơi có số người đến khám, phá thai khá nhiều. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết, mỗi ca nạo phá thai, các sinh linh sẽ được đưa vào nhà xác bệnh viện và có người trông coi cẩn thận. “Thời gian để các bé nằm trong quan tài không nhiều. Chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ là có xe của bệnh viện đến chở đi chỗ khác chôn” - Ông Nguyễn Văn Phú, người trông coi nhà xác tại bệnh viện cho hay. Theo lời giới thiệu, ông Phú, là cựu thanh niên xung phong, khi trở về địa phương, ông vào trông coi nhà xác bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Nhà ở cách bệnh viện không xa, nhưng ít khi ông ở nhà. Thời gian chủ yếu ông sống và sinh hoạt ngay tại nhà xác để trông coi thi hài các bé. Ông Phú bảo, đối với những hài nhi đã thành hình, thai to trước khi đưa đi, tôi thường tắm rửa, hương khói cẩn thận.

Tôi hỏi ông Phú: “Mỗi ngày nhận nhiều hài nhi thế, có bao giờ bà mẹ nào đến thăm không?”, ông nhìn tôi nói: “Chẳng có ai đến thăm đâu! Phá thai xong, những bà mẹ đi thẳng một mạch, không hề biết cái thai của mình được bỏ ở đâu”. Nói rồi, ông Phú chỉ tay vào nơi đặt quan tài, xót xa: “Thật khổ cho các cháu, chưa thành hình đã phải lìa bỏ cõi đời, chịu lạnh lẽo không người hương khói”.

Ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, sau khi xảy ra sự việc bắt cóc trẻ con xảy ra, ở bệnh viện này kiểm soát ra vào rất ngặt. Ngay cả những đứa trẻ đẻ non, không nuôi được, sản phụ phải làm giấy xin bảo lãnh mới được đưa về. Anh Ngô Văn Hải, người trong coi nhà xác cho biết: “Từ tết tới giờ số lượng hài nhi được chuyển ra đây tăng lên đột biến. Nhiều ca thai nhi đã thành hình nhìn rất thương tâm. Để các cháu ở những nơi hiu quạnh, không tiếng khóc, không người thân rất tội nghiệp. Tôi chỉ mong sao, mỗi đứa trẻ đều có quyền làm người, có quyền sống như bao người khác”. 


Ở đó tình người rất cao cả

Ở các bệnh viện Phụ sản là vậy, nhưng ở các trung tâm, phòng khám y tế khác thì sao? Gặp nhiều y tá, họ cho rằng, trước đây phần lớn các thai nhi khi nạo ra toàn vứt vào thùng rác. Giờ thì khác, khi thực hiện ca nào đều bỏ vào hộp dụng cụ y tế, gói cẩn thận cuối ngày có người đến lấy đưa đi chôn cất. Chúng tôi có mặt tại tỉnh Hà Nam, nơi cách thành phố Hà Nội hơn 50km, đây cũng là nơi khá nổi tiếng với ngôi làng chữa bệnh vô sinh. Chỉ khi đặt chân đến đây, nhiều người mới bảo, các hài nhi ở tỉnh lẻ được chăm sóc khá cẩn thận. Riêng Hà Nam có cả nhóm thiền nguyện, bảo vệ sự sống chuyên đi thu gom các hài nhi về chôn cất ở nghĩa trang.

Chị Trần Thị Xuân, một thành viên trong nhóm bảo vệ sự sống ở Bình Lục, Hà Nam cho biết, thời gian gần đây ngày nào cũng có đến hàng chục hài nhi được đưa về nghĩa trang Hòa Mục (xã Đồn Xá, Bình Lục, Hà Nam) chôn cất. Có những em mới chỉ 2 tháng, 3 tháng… thậm chí có những em đã 7, 8 tháng. Theo chị Xuân xuất phát từ tình yêu thương, nhóm bảo vệ sự sống của chị đã đồng hành làm công việc thầm lặng này suốt 3 năm qua và đã gom khoảng 6.000 hài nhi từ mọi nơi về chôn cất. “Chúng tôi làm việc này chỉ chung một nguyện ước, mong sao cho các em có một nơi yên nghỉ đàng hoàng, xứng đáng với kiếp người. Tôi chỉ mong rằng mỗi chúng ta nhất là các bạn trẻ cần có ý thức, thái độ sống đúng mức, tìm hiểu kiến thức về bảo vệ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục để có những hiểu biết nhất định khi bước vào tình yêu đôi lứa, tránh tối đa sự mang thai ngoài ý muốn để dẫn đến tình trạng đáng tiếc và đau lòng này” - Chị Xuân cho hay.

Nhiều hệ lụy bi thương

Xung quanh vấn đề nạo phá thai còn có rất nhiều câu chuyện đáng buồn. Có những phụ nữ phá thai dẫn tới vô sinh nhưng vì hạnh phúc gia đình, đổ lỗi chuyện đó cho chồng. Không ít ông chồng đi chữa vô sinh mà không hay biết chính người vợ sau những lần phá thai họ đã mãi mãi mất đi thiên chức làm mẹ. Cứ thế nhiều đôi vợ chồng lặn lội khắp nơi tìm kiếm phương pháp cứu chữa hi vọng có đứa con cho mình. Tuy nhiên, việc điều trị vô sinh là một kỹ thuật cao, đòi hỏi sự hỗ trợ không nhỏ của khoa học và thiết bị hiện đại. Việc quyết định phương pháp điều trị cần phải được cân nhắc một cách thận trọng.

Hiện có rất nhiều em gái ở tuổi vị thành niên “lỡ làng” đã đến các cơ sở phá thai lậu và hậu quả là khi chạm mặt tử thần được gia đình đưa đến bệnh viện hay các trung tâm chuyên ngành. Cách đây không lâu, câu chuyện của em Nguyễn Thị Ngọc L. học tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên bị chết khi đi phá thai gây không ít xôn xao dư luận. Cái chết của L đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo đối với những bạn trẻ sinh hoạt tình dục, nhưng lại không có sự hiểu biết cần thiết về an toàn tình dục. Hiện nay nhiều bạn trẻ coi việc phá thai như một giải pháp tối ưu để giải quyết sự không muốn có, nhưng việc này là cực kỳ nguy hại đến tính mạng và sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

Kết thúc bài viết này, chúng tôi chỉ muốn nhắn nhủ đến những người phụ nữ đặc biệt các em ở tuổi vị thành niên rằng, mỗi giọt máu là một sinh linh bé bỏng, quyền làm người phải được tôn trọng, chớ để những “giọt máu vàng” lặng lẽ bị chôn vùi nơi đâu đó. Mong cho những hài nhi xấu số ngày một ít đi!


Hoàng Vững
Theo giadinhvn

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét