Home » » Đối thoại về Bảo Vệ Sự Sống

Đối thoại về Bảo Vệ Sự Sống

Đang mải đọc Ephata, linh tính như có ai đó đang nhìn mình, ngoái đầu nhìn lại nhận ra một anh chàng đồng nghiệp mới vào làm trong Công ty được hơn tuần. Anh chàng này có năng lực và phong cách rất hay, vẻ đạo đức toát lên khuôn mặt hiền hậu. Qua những câu chuyện trước đó, tôi biết anh là một Tân Tòng cách đây hai năm để lấy vợ. Anh đã được rửa tội nhưng vẫn chưa cưới do hoàn cảnh chưa thuận tiện. Một con người dễ mến và gần gũi.


Tiện thể, tôi giới thiệu với anh về trang báo Ephata và về chương trình Bảo Vệ Sự Sống. Tôi giới thiệu với Anh về những con người như anh Năng, anh Hiếu, về thảm cảnh mà các thai nhi xấu số phải gánh chịu… Sau khi nghe tôi nói, khuôn mặt anh trầm ngâm đầy vẻ ưu tư. Tôi thoáng nhận ra chắc có lẽ anh còn điều gì đó ray rứt về đề tài Bảo Vệ Sự Sống, nên tiếp tục dẫn dụ anh vào câu chuyện của mình.


“Anh T này, anh suy nghĩ như thế nào về vấn nạn này ?” Anh đáp nhỏ nhẹ: “Anh biết đấy, ngày nay. Y học rất hiện đại và có khả năng phát hiện rất sớm những căn bệnh của thai nhi, ví dụ như bệnh down chẳng hạn !” Tôi hỏi ngay: “Thì sao ? Tôi biết bệnh down, nhưng có vấn đề gì ?”

Anh nói một cách ngập ngừng: “Thì những đứa trẻ khi bị bệnh down sẽ không có khả năng tự sinh tồn, nên cuộc sống sau khi sinh ra chắc chắn sẽ rất khổ...”

Tôi gợi thêm: “Ừ, Rồi sao nữa. Anh cứ nói hết đi”. – “Nên tôi nghĩ: giải pháp tốt nhất cho trường hợp này là phá thai, như vậy sẽ đỡ khổ cho bản thân đứa bé, đỡ khổ cho cả những người thân như cha, mẹ, anh em của đứa bé...”

Tôi biết, dù sao anh cũng là một Tân Tòng, Có thể trong suy nghĩ của anh trước đây giống như những người vô thần. Xem thai nhi khi còn trong bụng mẹ chưa phải là người, chỉ là những cái gì đó mơ hồ của Sự Sống. Tôi nghĩ, có lẽ anh chưa xem phá thai là một hành động giết người.

Tôi tiếp tục câu chuyện với anh và thoáng cầu xin Thánh Thần Chúa cho mình biết nói những gì phải nói. Tôi tiếp tục hỏi anh: “Thế có bao giờ anh thấy một trường hợp như thế chưa ?” – “Có. Tôi biết có trường hợp khi khám thai, bác sĩ nói thai nhi bị bệnh down. Kết luận đó của bác sĩ bằng phương pháp chọc dò nước ối. Thế nhưng khi sinh ra, đứa bé lại hoàn toàn bình thường...”

Tôi đặt vấn đề: “Như vậy tức là vẫn còn có những hy vọng ?” Anh phản đối ngay: “Tôi công nhận thế. Nhưng tỷ lệ không cao...” – “Ừ, tôi chấp nhận ý kiến của anh. Nhưng nếu là anh trong trường hợp đó. Anh sẽ làm gì ?” Anh nói sẽ sàng nhưng có vẻ cương quyết: “Tôi sẽ phá. Còn nếu là anh. Anh sẽ làm gì ?” Anh hỏi ngược lại. “Tôi thì dứt khoát không thể giết con mình !” Tôi cũng trả lời anh một cách cương quyết.

Chợt nghĩ đến anh cũng từng được học Đạo và cũng như tôi cũng từng học Giáo Lý Hôn Nhân. Không biết nơi khác thế nào nhưng các lớp Giáo Lý Hôn Nhân và các lớp Giáo Lý khác hình như cũng không nhắc đến vấn đề phá thai một cách rõ ràng. Chúng ta thiếu sót chăng ? Đã là người Công Giáo thì chắc chắm là phải học 10 điều răn, học về điều răn thứ năm: Chớ giết người… Cũng khá rõ ràng theo một cách nào đấy. Còn trong Giáo Lý Hôn Nhân chỉ hướng dẫn cách “tránh thai” bằng các phương pháp Ogino, phương pháp thân nhiệt.

Có lẽ, chúng ta cần phải nói rõ hơn nữa và đưa ra cho các tín hữu, các Dự Tòng vấn nạn phá thai bằng chính các thực trạng kinh hoàng để họ xác tín một cách thực sự về vấn đề này và hiểu biết hơn nữa sự nghiêm trọng của tội ác phá thai phạm tới Chúa dường nào. Cho họ các địa chỉ, các trang web, danh sách các cha, các bác sĩ… để tư vấn, để được hướng dẫn và giúp đỡ khi cần thiết.

Trở lại với câu chuyện với anh, tôi hỏi tiếp: “Giả sử như biết vợ mình vừa mang thai, vợ chồng anh đã xem đó là con mình chưa ? Có bao giờ anh vuốt ve và nói chuyện với con mình còn trong bụng mẹ không ?” Anh T. gật đầu xác nhận: “Có chứ, Chắc chắn là có”.

“Vậy là đã rõ. Anh đã coi thai nhi ấy là con mình và chắc là con anh không phải là con gà con vịt chứ ?” – “Vâng, dĩ nhiên đó là con người.” Tôi bảo anh: “Như thế là càng rõ hơn nữa. Thế một đứa con còn trong bụng thì khác gì với đứa con đã ra đời không ?” Vâng, anh đáp lại lời tôi rằng không có gì khác nhau về bản chất.

Tôi nói tiếp với anh: “Giả sử rằng anh có một đứa con hoàn toàn bình thường, nhưng xin lỗi… do một tai nạn nào đó, tình trạng bé ấy có thể tệ hơn cả một đứa bé bị down, ví dụ bé bị hôn mê nằm một chỗ bao nhiêu ngày tháng. Vậy anh có định giết con anh không ? Giết theo cái cách như anh nói, là để cho đứa bé khỏi khổ và cả người thân của nó cũng đỡ vất vả chăng ?”

Anh đáp lại lời tôi không do dự: “Chắc chắn rằng không thể giết như thế rồi !” Tôi nhắc lại ý anh: “Nhưng nếu vậy, cuộc sống sẽ còn tồi tệ hơn là khi phải nuôi một đứa con bệnh Down !?!” Anh lại khẳng định: “Không, tôi không thể giết chết đứa con tội nghiệp ấy !”

“Anh thấy rồi đấy. Khi một thai nhi có khả năng, tôi nhắc lại, có khả năng là dị tật, thì cũng không ai có quyền tước đi mạng sống của đứa bé ấy. Không phải vì niềm hy vọng đứa bé sẽ được bình thường, dĩ nhiên là chúng ta hy vọng về điều ấy. Nhưng là vì thai nhi ấy là một con người. Không ai có quyền giết người, dù con người đó còn nằm trong bụng mẹ hoặc đã được sinh ra mà không có khả năng sinh tồn. Thật mâu thuẫn khi anh không thể giết con khi đứa bé bị tai nạn tật nguyền sao đó mà tình trạng còn tồi tệ hơn là bệnh down nữa. Nhưng anh lại chấp nhận phá thai khi xác định đó cũng chính là con mình. Vậy đấy...”

Thấy anh vẫn trầm ngâm ưu tư, tôi cố gắng nói tiếp cho anh hiểu về tội ác phá thai; về những gánh nặng tâm lý phải gánh chịu suốt quãng đời còn lại nơi người mẹ, và cả nơi người cha đứa bé; về những hậu quả tinh thần và thể xác. Lúc này, tôi không nói với anh với tư cách anh đã là người Công Giáo mà chỉ nói cho anh biết về thảm cảnh và những định kiến sai lầm của xã hội, của con người với tội ác này.

Câu cuối cùng của cuộc đối thoại tôi nhường lời cho anh. Anh đáp: “Tôi công nhận phá thai là tội ác giết người, và đó sẽ là sai lầm không thể sửa chữa”. Nghe vậy, tôi gút lại vấn đề:

“Anh thấy chưa, trong xã hội loài người, luật pháp được đặt ra nhằm hạn chế tội ác. Giết người thì lãnh án chung thân hoặc tử hình, Vậy mà đối với các thai nhi mà ngay cả những trẻ sơ sinh bị trục ra vẫn sống, không những nó không được cứu ngay mà lại bị giết chết không thương tiếc. Luật pháp đã không công nhận đó là giết người mà lại còn ủng hộ, khuyến khích, cho phép nữa, không cho đó là hành vi giết người. Thật không hiểu nổi !

Còn với lương tâm người Công Giáo, chúng ta cần xác tín Sự Sống là quà tặng mà Thiên Chúa trao ban cho con người và con người phải gìn giữ và quý trọng nó. Không ai được quyền huỷ diệt mạng sống của người khác và ngay cả chính bản thân họ dù bất cứ lý do gì, ngoại trừ việc buộc phải tự bảo vệ trong chiến tranh. Để đến với Sự Sống Đời Đời, chúng ta phải biết bảo vệ Sự Sống ở đời này và trân trọng Sự Sống ấy. Vì đó chính là con đường dẫn đến Sự Sống Đời Đời”.

Cám ơn Chúa. Cuối cùng anh T, người bạn của con, cũng nhận ra được phần nào đấy thế nào là tội ác phá thai. Con hy vọng rằng anh ấy sẽ nhớ mãi về cuộc đối thoại này. Biết đâu, nhờ ơn Chúa tác động, anh ấy sẽ còn nói lại cảm nhận và xác tín Bảo Vệ Sự Sống cho những người khác nữa.



Đa Minh PHAN VĂN DŨNG, Biên Hòa, Đồng Nai


Theo bvss.org

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét