Home » » Phá thai và gia đình Việt Nam (p1)

Phá thai và gia đình Việt Nam (p1)

PHÁ THAI VÀ GIA ĐÌNH VIỆT NAM

PHẦN 1 – ẢNH HƯỞNG CỦA PHÁ THAI VỚI GIA ĐÌNH



Giáo Hội coi phá thai là “loại tội nặng nhất”, bởi vì đứa bé không có sự lựa chọn. “Đứa bé tội nghiệp đó không có khả năng chống lại người mẹ hay người cha, bác sĩ hay y tá”. Vị lãnh đạo Giáo Hội kêu gọi người Công Giáo tiếp tục bảo vệ hạnh phúc gia đình, được ngài miêu tả là “đang bị tấn công” bởi những nỗ lực thực hiện chính sách hạn chế sinh sản toàn quốc và chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản của các nhà lập pháp, và các dự luật “chống sự sống” khác.

Đức Hồng Y Rosales




Với bề dầy lịch sử 4.000 năm văn hiến, trong đó các giá trị cốt lõi từ thời các Vua Hùng dựng nước, các giá trị hào hùng của các cuộc kháng chiến giữ nước, những tinh hoa của các nền tư tưởng, đạo đức, tinh thần phát triển cùng với các giá trị văn hoá, xã hội, giáo dục kết hợp thành một truyền thống tốt đẹp mà không phải dân tộc nào cũng có được. Tất cả đều xuất phát từ một yếu tố cơ bản để cấu thành xã hội, đó là gia đình.

Tuy nhiên, chỉ khoảng vài chục năm ảnh hưởng bởi Chủ Nghĩa Vô Thần, các truyền thống tốt đẹp đã được bảo tồn từ 4.000 năm nay ấy đã bị phá vỡ. Quan điểm về nguồn gốc con người từ khỉ mà ra được nhồi nhét vào tư duy của các thế hệ non trẻ. Đó là một học thuyết không chấp nhận có thượng đế ngự trị trên trái đất này.

Đặc biệt Chủ Nghĩa Vô Thần còn dạy cho người ta cách suy nghĩ: “Chưa sinh ra chưa phải là người”. Thế là, chỉ hơn chục năm trở lại đây, kể từ khi Việt Nam bước vào một nền kinh tế lai căng theo Tư Bản Chủ Nghĩa nhưng lại được định hướng theo Xã Hội Chủ Nghĩa – hai loại học thuyết đối nghịch nhau – nên đã dẫn tới một điểm chung là gom góp hết những điểm bất cập, bất công, phi lý cùng tồn tại và hoành hành thao túng trên đất nước quê hương Việt Nam.

Khoảng cách giầu nghèo ngày càng gia tăng giữa các giai cấp thống trị và giai cấp bần nông. Cảnh bóc lột mua bán con người như nô lệ ngày càng phát triển và phổ biến. Sức mạnh của chuyên chính vô sản bùng nổ bằng bạo lực, đàn áp, mị dân, lừa lọc, vu khống, bắt bớ.

Việt Nam có trên 80% là nông dân, đó là những con người thật thà chất phác ngây thơ dễ bị lường gạt, dễ bị tổn thương nhất trong các giai cấp tồn tại trong xã hội. Trong khi đó, một số đông cán bộ, đặc biệt ở các nơi đô thị, bị thoái hoá về nhân cách đã kéo theo sự sụp đổ nhiều mặt đời sống, chỉ trong thời gian rất ngắn đã làm cho xã hội trở nên hỗn độn bát nháo.

Từ lãnh đạo cấp cao đến đội ngũ chính quyền cơ sở đều tham nhũng, bóc lột, ra sức vơ vét. Hệ thống luật pháp lỏng lẻo không công bằng, đội ngũ tư pháp thì bất nhân, hệ thống hành pháp thì đàn áp. Các bộ ngành đều có những vấn đề trầm trọng dẫn đến những sai lầm chết người, nhân tính dần dần biến mất trong xã hội, đặc biệt trở thành bất lương vô sỉ nơi tầng lớp lãnh đạo.

Đơn cử như ngành giáo dục, thay vì là nơi mang trách nhiệm đào tạo những thế hệ nhân bản văn minh hơn thì ngày nay lại chạy theo thành tích, mua điểm, mua bằng. Sự giả trá gian dối không còn là điều hiếm gặp mà đang trở thành một hệ thống xuyên suốt từ trên xuống dưới. Người ta còn dạy cho các em cách nói dối từ khi còn rất nhỏ trong các tiết thanh tra. Người ta đầu độc các em bằng cách học vẹt, học thêm, học nếm đủ những điều chẳng giúp gì cho cuộc sống và trí tuệ. Thậm chí nhiều đầu sách dành cho trẻ em cũng bị đầu độc bởi những hình ảnh khiêu dâm, cách đàm thoại sống sượng mà ngay cả những người lớn tiếp xúc cũng phải sượng sùng.

Mấy mươi năm qua, những nạn nhân đầu tiên kể từ khi bị Chủ Nghĩa Vô Thần đầu độc, nay cũng đã ở tuổi lục tuần, nếu tính tỷ lệ ở độ tuổi 15 đến 60, có lẽ sẽ chiếm hết hai phần ba dân số trên 80 triệu dân Việt Nam ngày nay. Một khi văn hoá và tư tưởng cả một thế hệ rất đông như thế bị đầu độc, hậu quả tất yếu dẫn đến sẽ là lối sống buông thả, các truyền thống tốt đẹp của gia đình bị phá vỡ trước tiên.

Ngọn nguồn của tội ác phá thai bắt đầu được manh nha và hoành hành thao túng. Đó cũng chính là một trong những lý do tại sao, những năm gần đây, Việt Nam lại có tỷ lệ phá thai cao đến như vậy. Phá thai xảy ra như một căn bệnh ung thư, đầu tiên do một tác động phá vỡ cấu trúc, sau đó tế bào bị đột biến, cứ thế nhân lên với cấp số nhân chóng mặt, và kết thúc bằng cả một thân thể xã hội bị huỷ diệt.

Tuy nhiên, trước hết chúng ta cũng hãy quay trở về tìm hiểu qua một chút về phong cách sống mẫu mực chung của một gia đình Việt Nam mẫu mực trước đây.

Các gia đình Việt Nam vàốn dĩ luôn có một truyền thống rất tốt đẹp. Trong một gia đình, không những chỉ có các thành viên là cha mẹ và con cái, mà còn có thể có cả tam đại, tứ đại đồng đường, nghĩa là mấy đời cùng sống chung dưới một mái nhà, ba bốn thế hệ sẽ gắn bó với nhau mật thiết keo sơn. Mỗi nhà đều có một gia quy riêng. Mỗi gia đình đều có ảnh hưởng bởi gia pháp của gia tộc mình. Mỗi thành viên đều có một trách nhiệm và vai trò riêng theo thứ tự của mình. Thông thường cao nhất là ông bà rồi đến cha mẹ chú bác dì và cuối cùng là các thành viên nhỏ hơn.

Tất cả các truyền thống sẽ được kế thừa từ cao đến thấp, hình thành nên một nét văn hoá có hệ thống và phẩm trật đặc trưng của gia đình. Tất cả các quyết định, trách nhiệm, vai trò của các thành viên cũng tuân thủ trật tự ấy, có ngày họp mặt chung và riêng như tết lễ hay giỗ chạp, quan hôn tang tế, chủ yếu là để tạo ra sự gắn bó mật thiết nhất giữa các thành viên, ít nh1 cũng là dịp để con cái cháu chắt thăm viếng ông bà, được nghe dạy dỗ chỉ dẫn, hoặc có thể thảo luận các vấn đề quan trọng như cưới hỏi, mua nhà, tậu ruộng, sắm xe…

Vài năm gần đây, một số các gia đình trẻ thường có khuynh hướng tách khỏi môi trường cũ để ra riêng. Tuy nhiên, mối liên kết chặt chẽ với các thành viên trong gia dình thường vẫn không bị đứt đoạn, họ vẫn đi đi về về để tiếp cận những sinh hoạt gia đình như trước. Như vậy, trong các gia đình Việt Nam có một cấu trúc rất chặt chẽ để định hướng nhân cách và phẩm vị cho con cháu, cho thế hệ kế thừa được trưởng thành về lối sống và lý tưởng thành nhân.

Như đã nói ở trên, hiện nay nạo phá thai đang là một vấn nạn lớn lao. Người ta ước tính rằng bình quân mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh nở đều đã... phá thai một lần ! Vậy là bình quân gia đình nào cũng có người đã từng phá thai hoặc chí ít cũng bị ảnh hưởng, bị liên quan bởi tội ác này.

Tuy nhiên, do pháp luật Việt Nam công nhận phá thai là hợp pháp, thậm chí còn khuyến khích, tuyên truyền cho phá thai được phát triển dưới nhiều hình thức, được che dấu bằng các mỹ từ, trong suốt thời gian dài vừa qua đã dần dần hình thành nên một thái độ thản nhiên, thờ ơ, vô cảm, coi thường tác hại kinh khủng của phá thai. Lương tri người ta bị xói mòn đến mức vô cảm trước tội ác.

Vâng, chính tội ác phá thai đã và đang huỷ diệt từng tế bào của xã hội không ngừng, lại lan truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Vậy, những mất mát nào mà các gia đình phải gánh chịu, hậu quả nào sẽ đến với bản thân nạn nhân cũng như với các thành viên trong gia đình khi có một người phá thai ?

1. Giá trị giáo dục của gia đình bị tổn thất:

Chúng ta đã biết, gia đình đóng một vai trò quan trọng nhất trong giáo dục. Và trong giáo dục gia đình thì quy luật tấm gương soi đóng một vai trò quyết định. Ngoài ra, cái tâm trong giáo dục cũng là một yếu tố cốt lõi. Tuy nhiên một khi trong gia đình có thành viên nào đó đã từng phá thai, tấm gương soi bị hoen ố, tâm hồn bị mặc cảm sẽ không thể đảm trách tốt vai trò giáo dục của mình.

Tại sao lại như vậy ? Dù phá thai ở bất kỳ một hoàn cảnh nào đó cũng tạo ra những tổn thương, những vết hằn, tạo ra những mối bất hoà, mối liên lạc tình cảm như bị một niềm xót xa tạo thành một hố sâu ngăn cách giữa các thành viên. Người phá thai sẽ mất dần ảnh hưởng, tiếng nói giáo dục sẽ mất đi sức mạnh và dễ bị gặp những phản kháng ngược lại, nạn nhân sẽ mất đi hình ảnh và vai trò tác động của mình đối với các thành viên khác, hệ thống giáo dục dần dần phá vỡ. Con cái sẽ không tuân phục và vâng lời cha mẹ v.v... Giáo dục sẽ bị tổn thất và như vậy, nguy cơ gia đình mất hạnh phúc là điều khó tránh.


2. Giá trị bảo vệ của gia đình bị thương tổn:

Gia đình chính là một lớp bọc bảo vệ cho các thế hệ trưởng thành trong nhân cách, bảo vệ với các tác động xấu từ bên ngoài, thông qua một hệ thống kiểm soát bởi những thành viên trưởng thành. Từ đó, ngăn chặn những tác nhân xấu có thể tác động đến các thành viên nhỏ hơn. Tuy nhiên, nếu các thành viên trưởng thành đã từng liên quan đến tội ác phá thai, tất nhiên, hệ thống kiểm soát và ngăn ngừa đã bị phá vỡ, chúng sẽ gây những tổn thương tâm lý trầm trọng cho các thành viên nhỏ hơn họ khi biết được chính cha mẹ mình lại từng giết đi những người anh người em của mình. Họ sẽ mất niềm tin vào thế hệ trước, đâm ra hoang mang trong quá trình hình thành nhân cách của họ. Họ sẽ không còn được gia đình bảo vệ chặt chẽ khỏi những hiểm nguy.

Tội ác phá thai còn vượt qua cả hệ thống kiểm soát này trong nhiều trường hợp. Do các định kiến nặng nề về gia phong đạo đức và sợ hãi trước tương lai bấp bênh, một thành viên trẻ nào đó trong gia đình một khi trót dại sẽ không còn dám thú nhận với gia đình mà sẽ lẳng lặng âm thầm giải quyết hậu quả. Điều này đặc biệt nghiêm trọng trong đối với trẻ vị thành niên trong gia đình. Rõ ràng vai trò bảo vệ của gia đình không thể tồn tại nếu gia đình đã bị tội ác phá thai xâm phạm.


3. Giá trị kế thừa những truyền thống của gia đình bị phá vỡ:

Các gia đình Việt Nam thường có một đặc tính kế thừa rất rõ nét, rất đặc trưng cho từng gia đình, từng dòng họ. Họ truyền lại cho con cháu đời sau những đức tính tốt, những cách sống nhân bản. Sự kế thừa mang tính truyền thống này tạo thành một ấn tượng rất mạnh trong lối sống của các thành viên tương lai. Mặc dù được truyền lại một cách chặt chẽ như thế với thời gian rất dài, nhưng phá thai vẫn có tác động không nhỏ vào sự kế thừa trong gia đình vì nó đã hủy hoại ngay lương tâm của những người liên quan. Trong tính chất của kế thừa phải có chuỗi liên tiếp không gián đoạn, chắc chắn phá thai đã làm gián đoạn mất một giá trị nào đó trong chuỗi liên tiếp và gây đứt đoạn.

Chúng ta cũng thường nghe thấy lời chì chiết của nhiều bậc phụ huynh: “Cả dòng họ nhà tao từ xưa đến nay chưa có ai chửa hoang như mày cả”, hay đại loại như thế. Vì vậy khi mất đi tính kế thừa sẽ là một mất mát rất lớn đối với gia đình, quan trọng hơn là làm mất đi những đặc tính tốt đẹp của gia đình đã bao năm nuôi dưỡng gầy dựng, ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ kế tiếp, chúng không còn được có dịp để học tập và tích luỹ những truyền thống tốt đẹp của gia đình nữa, đồng nghĩa với việc nhân cách của chúng sẽ khó bảo đảm để trở thành con người có đủ phẩm chất


4. Giá trị cộng sinh giữa các thành viên không còn tồn tại:

Tục ngữ có câu: “Trẻ cậy cha, già cậy con” nói lên việc cộng sinh của gia đình. Mà thực vậy, gia đình phải là một cộng đồng có ít nhất là 2 người trở lên có quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, cùng nhau tồn tại và phát triển, cộng sinh với các thành viên rất quan trọng và cần thiết. Có cộng sinh cùng nhau mới có yêu thương, có giáo dục, có trách nhiệm… Thế nhưng, một khi phá thai len lỏi vào gia đình. Giá trị cộng sinh sẽ biến mất ngay lập tức vì phá thai là hành vi gạt bỏ một thành viên chính thức ra khỏi cuộc sống gia đình, loại trừ ngay yếu tố cộng sinh.

Việc từ chối một thành viên mới sẽ tác động đến các thành viên còn lại làm cho mối quan hệ cộng sinh lỏng lẻo, họ sẽ cảm thấy không an toàn khi quan hệ với thành viên liên quan đến phá thai, mức độ gắn bó sẽ giảm dần và phá vỡ các tương quan khác làm cho gia đình sụp đổ. Lấy một ví dụ: Một người con khi biết cha mẹ nó đã từng giết đi một trong các người anh em của nó, dù được nguỵ biện rằng, hành vi ấy là để có cơ hội nuôi nó tốt hơn. Nhân cách của trẻ ấy sẽ có hai trường hợp như sau: Một là nó sẽ ích kỷ vì nghĩ rằng, nó sẽ là trung tâm của vũ trụ, vì cha mẹ nó đã dám giết cả một mạng người vì nó. Vậy các anh em khác nó cũng sẽ chẳng coi ra gì mà cùng chia sẻ. Hai là trẻ sẽ cảm thấy tổn thương, thấy cha mẹ là người ác mà lánh xa, thấy cha mẹ không đủ tin tưởng để tâm sự v.v... Cả hai trường hợp đều có hậu quả không hay ho gì.


5. Giá trị tình cảm, yêu thương bị xói mòn:
Trong gia đình, từ giá trị giáo dục, bảo vệ, kế thừa, cộng sinh đều có chung một nền tảng từ giá trị tình cảm yêu thương kính trọng lẫn nhau, nếu không có giá trị này làm căn bản vững chắc thì các giá trị khác cũng khó tồn tại. Cha mẹ yêu thương chăm sóc và giáo dục, bảo vệ con cái. Con cái kính trọng, tuân phục, vâng lời và yêu thương Cha mẹ. Các thành viên khác cũng vậy. Gia đình hạnh phúc là gia đình có tình cảm thương yêu giữa các thành viên. Sự nguy hiểm nhất của phá thai đối với gia đình chính là làm mất đi giá trị này. Ngay hành động phá thai hay bắt buộc người khác phá thai đã là một hành vi ghét bỏ, không tôn trọng cuộc sống. Phá thai làm cho tâm hồn nạn nhân không cảm thấy yêu thương, vô cảm đôi khi đến lạnh lùng, ân hận có chăng thì chính là sự cắn rứt lương tâm trong nỗi thù hận vô bờ dễ làm cho tâm lý bị xáo trộn, dẫn đến những căng thẳng, mất mát, phá hoại hạnh phúc gia đình. Mất tình cảm yêu thương của các thành viên trong gia đình và mất luôn tình cảm trân trọng với cuộc sống. Gia đình sẽ sụp đổ rất nhanh.


6. Giá trị truyền giáo mất tác dụng:

Ngoài những vấn đề gia đình và xã hội khác. Gia đình còn có một vai trò rất quan trọng khác để đóng góp hình thành nên một lớp người trẻ có đủ yếu tố nhân bản đễ xã hội thăng tiến. Đó là vai trò truyền giáo. Một gia đình làm tốt vai trò truyền giáo thì theo biện chứng tất sẽ có những yếu tố tích cực phản hồi để gia đình ngày càng tốt đẹp hơn. Căn cốt nhất của gia đình truyền giáo chính là cách sống đẹp, giầu lòng vị tha và yêu thương đồng cảm với mọi người xuất phát từ các thành viên của gia đình.

Chắc hẳn, những điều này sẽ mất đi tác dụng nếu gia đình dính vào tội ác phá thai. Hình ảnh, uy tín, gia phong bị lu mờ trước cộng đồng làm cho việc truyền giáo không thể sống động và phát huy hiệu quả. Kết quả là gia đình tự tách ra khỏi cuộc sống kinh tế, tâm linh với cộng đồng, gia đình chỉ còn gắn bó với xã hội bằng những hành vi vô nhân tính như đồng ý, cổ võ phá thai, cổ võ cho bất công, tội lỗi… Và một khi tự tách biệt ra như vậy, gia đình mất hẳn vai trò là một tế bào sống hữu ích để hình thành xã hội mà chỉ còn là một tế bào ung thư nguy hiểm mà thôi.

Có rất nhiều những câu chuyện thực, có nhiều thông tin và cũng có khá nhiều các cuộc khảo sát để chứng minh rằng. Phá thai hiện nay đang hoành hành và phá vỡ các giá trị gia đình. Tuy thế, như ta đã biết về một gia đình chuẩn mực của Việt Nam, tội ác phá thai càng nguy hiểm hơn so với cách sống tự làm tự chịu của các gia đình phương Tây khác. Sự nguy hiểm ảnh hưởng lâu dài và mang tính hệ thống, các thế hệ tiếp theo sẽ lãnh hậu quả khó lường. Vì vậy, nếu hôm nay chúng ta còn thờ ơ, nếu chúng ta còn tiếp tục để cho tội ác này hoành hành, thì mai sau, những nạn nhân không chỉ là những thai nhi mà là hàng chục triệu người sẽ phải sống với những nỗi niềm day dứt không nguôi.


Đaminh PHAN VĂN DŨNG, Biên Hòa 10.2008
(Còn tiếp)

Theo Báo EPHATA
NĂM THỨ CHÍN. SỐ 389. CHÚA NHẬT 19.10.2008
TTMV DCCT

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét